Tạp chí Sông Hương - Số 38 (T.7&8-1989)
Chủ động tạo môi trường hào hứng cho sáng tạo văn học nghệ thuật
08:55 | 10/11/2015

NGÔ THẢO

Việc lùi dần thời gian Đại hội, và chuẩn bị cho nó là sự xuất hiện hàng loạt bài phê bình lý luận của khá nhiều cây bút xây dựng sự nghiệp trên cảm hứng thường trực cảnh giác với mọi tác phẩm mới, một lần nữa lại đầy tự tin bộc lộ tinh thần cảnh giác của họ, bất chấp công cuộc đổi mới có phạm vi toàn cầu đã tràn vào đất nước ta, đang làm cho lớp trẻ mất dần đi niềm hào hứng theo dõi Đại hội.

Chủ động tạo môi trường hào hứng cho sáng tạo văn học nghệ thuật
Ảnh: internet

Muốn hay không thì rõ ràng trong vài ba năm qua, trước sau Đại hội VI của Đảng, văn học nghệ thuật đã có những chuyển động mới. Bằng những tác phẩm nói tiếng nói trung thực của đời sống vẽ lên những mảnh đời thực một thời được các nhà văn nhân danh lý luận về điển hình đã loại ra khỏi sự quan tâm của mình, sẻ chia những bất công, khốn khó mà người lao động bình thường đang gánh chịu, văn học và vai trò nhà văn, đã được nâng cao trong tình cảm của đông đảo nhân dân. Tác giả các tác phẩm đó - một số ít thuộc loại xuất sắc trong các nhà văn lớp trưởng thành sau kháng chiến chống Pháp còn chủ yếu là một lớp viết trẻ mới cầm bút trong không khí đổi mới.

Diễn biến thực tế của phê hình văn học thời gian vừa qua - có sự tham gia khá tích cực của nhiều nhà văn từ lâu không thấy có sáng tác nào đáng chú ý - làm cho người viết vững vàng cũng phải nản lòng. Nghị quyết của Đảng đã khẳng định quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhưng đến lượt những người nghệ sĩ có tôn trọng quyền đó của đồng nghiệp mình không? Người viết mới hẳn không ai nghĩ rằng tác phẩm của họ là toàn bích, không tỳ vết. Khi bạn đọc rộng rãi đón nhận với niềm hào hứng vô tư những tên tuổi mới, với giọng điệu mới, cách nhìn đời có nét riêng, trong một diện tích ngôn ngữ không lớn, đã mang lại được một dung lượng hiện thực phong phú, nhiều tầng, đa nghĩa hơn hẳn nhiều trang viết khác. Thay vì hoan nghênh và cổ vũ cho sự đa dạng của nền văn nghệ mới, một số nhà văn bằng tất cả tâm thức và trình độ cùng thói quen làm văn nghệ cũ trong nhiều tâm trạng đã chung tiếng nói phê phán mạnh mẽ một số tác phẩm và tác giả. Họ đọc thấy trong đó dường như chỉ tập trung phản ánh cái tiêu cực. Họ cố tình quên đi thái độ và vai trò của người viết. Đã có bao giờ trong văn học chúng ta cái xấu, cái ác, cái tiêu cực dưới nhiều kiểu dạng bị truy kích, bị lần dấu, bị vạch mặt như văn học thời gian gần đây? Để bảo vệ mình, một số người viết cũng tìm cách tự nhắc lại điểm này điểm nọ trong tác phẩm cũ của họ cũng từng bị phê phán... Nhưng than ôi, giữa chi tiết và tác phẩm có một khoảng cách thật xa vời. Trong các tác phẩm xuất hiện thời gian gần đây của những Lý Lan, Trần Thùy Mai, Dạ Ngân, rồi Dương Thu Hương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Hoàng Lại Giang... và những tên tuổi mới viết mà chịu sự soi xét cũng như tiếng hoan hô nhiều hơn là Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, không thiếu những chi tiết đáng phê phán, bởi xử lý chưa khéo, vụng về, thô thiển nữa, nhưng không thể vì những điều đó mà bỏ quên đi những cái mới thực sự của nó. Chúng ta luôn muốn đem công chúng và dư luận ra làm con ngáo ộp dọa nhau hơn là tôn trọng thật sự tiếng nói và nhu cầu của họ. Nhưng mỗi người viết trước hết hãy tự chịu trách nhiệm với tác phẩm và ý kiến của mình. Sự đón nhận của công chúng thời gian qua chắc còn mách bảo với người viết nhiều thông tin mà các bậc đàn anh chưa kịp nói với các bạn.

Chính vì thế, tôi mong rằng những người tham gia Đại hội tới sẽ chung sức chung lòng bàn đến những việc thiết thực của công tác Hội, trong khả năng và trách nhiệm đích thực của một Hội quần chúng làm nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật. Ban điều hành - thú thật tôi không thích chữ Ban lãnh đạo Hội, bởi Hội nhà văn thì ai lãnh đạo ai - công tác Hội phải là những người tài năng - đương nhiên - có khả năng quan hệ rộng rãi với anh em, chịu đựng được những cá tính khác, và biết tổ chức để tạo một môi trường lành mạnh cho mọi người hào hứng sáng tạo nghệ thuật. Bớt đi sự đối đầu và cả đối thoại với nhau mà phải giành thì giờ và nâng cao trình độ mọi mặt để đối đầu với cái xấu cái ác, cái phi nhân văn, phi XHCN trong đời sống và đối thoại với nhân dân, bằng lối nói, bài viết và chủ yếu là bằng những tác phẩm văn học thật hay của mình.

Không nên đặt ra cho Hội những nhiệm vụ quá cao mà sức Hội không làm nổi. Nhưng quan tâm, tổ chức và tạo một không khí nghệ thuật lành mạnh là điều nằm trong khả năng của Hội. Còn cơ hội, ghen tị với tài năng, sự gây rối của những kẻ bất tài... thì quả thật chưa ở đâu và không biết đến bao giờ người ta mới gạt ra khỏi cuộc sống. Sự lựa chọn vì thế mới cần thiết.

30-3-89
N.T
(SH38/07&08-89)






 

Các bài mới
Thuốc ba màu (13/11/2015)
Các bài đã đăng