Tạp chí Sông Hương - Số 39 (T.9&10-1989)
Trịnh Công Sơn - Từ sông Hương đến sông Seine
09:36 | 10/12/2015

LỮ QUỲNH

"Vì tôi là người Huế và đã một thời tuổi trẻ nặng nợ với sông Hương suốt những mùa hè nóng bức ngủ đò nên tôi nhìn sông Hương luôn luôn với đôi mắt của người bạn.

Trịnh Công Sơn - Từ sông Hương đến sông Seine
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Paris

Cứ mỗi chiều tôi cùng bạn bè thường ngồi ở balcon Câu lạc bộ thể thao Huế uống rượu và nhìn sông Hương, nhìn mặt trời lặn ở dãy núi Trường Sơn rải xuống mặt sông một màu vàng quý. Có một lần ngồi cùng với một số bạn người Pháp ở CLB, uống xong lon bia tôi liệng xuống sông, cô bạn Pháp la lên và giữ lấy tay tôi nhưng không kịp. Tôi hỏi vì sao. Cô ấy bảo là giòng sông này đẹp quá không nên liệng bất cứ cái gì xuống đó. Tôi hỏi có đẹp bằng sông Seine không. Cô ấy bảo đẹp hơn nhiều.

Tôi đã đứng bên bờ sông Seine những sáng, chiều, tối. Sông Seine đục. Sông Hương trong vắt. Sông Seine có bateau - mouche. Sông Hương có đò. Nói chung không nên so sánh sông này với sông kia. Mỗi giòng sông đều để lại trong lòng những đứa con rất gần gũi nó những kỷ niệm riêng tư. Kỷ niệm thì khó quên. Và kỷ niệm về một giòng sông thì bao giờ cũng đẹp. Tôi tin như thế"
.

Trịnh Công Sơn đã có những hồi ức như thế về sông Hương khi đứng trước giòng sông nổi tiếng nhất châu Âu trong chuyến đi Pháp 40 ngày vừa qua, theo lời mời của Nhà Việt Nam (Paris). Tại đó anh đã có những đêm hát và nói chuyện trong không khí hào hứng, thân tình dễ chịu. Những ca khúc được anh viết ra bên giòng sông Hương ngày nào, giờ đây đã được hát lên ở sông Seine bởi chính sự có mặt của tác giả nó. Diễm Xưa, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Biển Nhớ... Những bài hát nối thêm sự gần gũi giữa hai giòng sông vốn như hai người bạn có cùng tâm hồn, nhan sắc.

Tại Pháp ngay trong buổi hát đầu tiên, Trịnh Công Sơn đã gặp những nghệ sĩ từng nặng lòng với Huế. Các anh Trần Văn Khê, Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo, Đặng Tiến... và cả những khuôn mặt cũ như nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Khánh Ly v.v... Mới đây Khánh Ly có một bài viết về Huế đã gây bất ngờ và xúc động cho người đọc. Trịnh Công Sơn đã nói về các anh chị ấy:

"Ở nước ngoài không làm việc thì không thể sống được. Tại Pháp cũng không có trường hợp ngoại lệ. Có thể nhại lại câu nói của Descartes : "Tôi làm việc và tôi tồn tại". Với người làm văn nghệ, sáng tác là làm việc. Những người tôi gặp đều khỏe mạnh cả. Phần Khánh Ly, tuy việc thông tin qua báo chí của mình không được phổ biến rộng rãi lắm ở nước ngoài, nhưng Khánh Ly cũng đã có trong tay những bài trích đăng lại của chị trên báo Thanh Niên. Dĩ nhiên là Khánh Ly rất cảm động và cũng có phần nào bất ngờ. Một nỗi bất ngờ vừa thích thú vừa muốn khóc".

Sông Seine đã từng làm những người một lần ghé Huế nghĩ đến sông Hương, thì Orléans một địa danh gần đây trở nên thân ái giữa lòng bạn bè. Bửu Ý đã có những bài gửi về được viết từ Orléans. Bửu Chỉ có hàng chục bức tranh dầu được vẽ ở Orléans. Và nay cũng ở Orléans, Trịnh Công Sơn đã có một tuần lễ vui chơi cùng gia đình Đặng Tiến và vẽ được một loạt 17 chân dung bằng pastel góp vào phòng triển lãm cá nhân của mình gồm 25 bức. Ở Orléans anh có nhiều kỷ niệm:

"Anh Đặng Tiến là bạn cũ. Chị Nguyệt, vợ anh Tiến, và ba người con là những người bạn mới. Mẹ tôi và các em tôi chăm sóc tôi như thế nào thì gia đình anh Đặng Tiến cũng chăm sóc tôi như thế ấy. Chỉ có một điều hơi khác mà tôi thích thú nhất là anh chị ấy không cấm sự bốc đồng đột ngột uống rượu vang đỏ bất kỳ giờ giấc nào. Và chính sự thoải mái đó đã cho phép tôi làm việc hứng khởi".

Bây giờ chúng tôi cũng đang uống rượu vang, dĩ nhiên là rất khác thứ rượu vang ở Orléans. Trên mặt bàn trống, chiếc gạt tàn đã ngập đầy mẩu thuốc. Những chiếc ly thủy tinh trong veo sóng sánh nước màu bordeaux. Thành phố bắt đầu mùa mưa. Mưa Saigon mưa Huế không giống nhau, nhưng trong hơi gió, trong màu cây, vẫn có cái gì để mỗi khi chuyển trời, người ta vẫn cảm thấy thời tiết Huế Saigon là một. Như một thoáng về sông Hương, từ sông Seine.

18.7.1989
L.Q
(SH39/09&10-89)




 

Các bài mới
Tĩnh vật (16/03/2016)