Tạp chí Sông Hương - Số 39 (T.9&10-1989)
Trái táo nham nhở
10:14 | 10/12/2015

ĐOÀN LÊ

Tôi đọc đi đọc lại, có cảm giác như mình bị sỉ nhục. Nhưng rành rành hình trái đất đã được minh họa ở góc trang báo đó. Kèm theo hình vẽ là mẩu tin tức khoa học của một viện nghiên cứu nước ngoài công bố. Rằng trái đất chúng ta giống trái táo bị cắn nham nhở.

Trái táo nham nhở
Minh họa: Phạm Đại

Tự nhiên tôi muốn khóc. Tôi không còn ở tuổi thiếu nữ để dễ dàng bắt đầu làm lại những đổ vỡ.

Suốt mùa diễn năm tôi mười tám, cuộc đời thật sự huy hoàng. Suốt mùa diễn, hồn-ma-thiếu-nữ xuất hiện cả ba màn kịch, không nói một lời, chỉ đi lang thang trong hoa viên nhà bá tước Ki-ren-ski, ám ảnh ông ta về mối hận tình thuở thanh xuân.

Tôi không biết rằng ông đạo diễn vừa nể bác tôi, vừa thương hại nhiệt tình nghệ thuật của cô bé cháu, đành phân cho tôi một vai "tuyệt đối hợp”, ông nói vậy, vai Hồn-ma-thiếu-nữ, vai kịch không phải nói lời nào, đi chậm chậm tới nơi này dừng khoảng ba giây, tới lùm cây kia vịn tay lên tượng đá mơ màng hơi lâu một chút...

Đó là vai diễn duy nhất trong đời nghệ sĩ sân khấu của tôi.

Khi vở diễn đến đêm thứ chín mươi ba, đoàn quyết định chấm dứt, thay chương trình mới. Hồn ma thiếu nữ không bao giờ xuất hiện nữa. Tôi được phân công làm người nhắc vở cho đoàn, cũng vì người ta còn nể bác tôi.

Sân khấu khắc nghiệt không dễ dàng chấp nhận những tài năng chỉ diễn một vài hồn ma. Dạo ấy tôi chưa hiểu sự khắc nghiệt này. Tôi say mê, đau đớn, cố nuôi hy vọng ông đạo diễn sẽ để mắt tới mình lần thứ hai... Đêm đêm tôi vẫn thấy như đang bước vào vùng ánh sáng chói lòa, vẫn ngọn gió bão tố quấn chặt bên người, nó nâng bổng tôi cùng xiêm áo, phấp phới bay từ từ lên không trung. Thường thì bá tước Ki-ren-ski tiến lại gần, đôi mắt nồng nàn, nắm tay tôi làm tôi bủn rủn xúc động. Một lần mơ duy nhất tôi với chàng bá tước hôn nhau dưới bóng bức tượng đá. Vừa chạm đến môi chàng, cảm giác nhục thể đã khiến tôi tỉnh giấc... Rồi tôi khóc. Ôi, tình yêu đầu tiên của tôi!

Trong vở kịch mới, nhân vật người - dẫn - chuyện lại được trao cho anh, diễn viên nam số một của đoàn, người tiếng tăm đã nổi như sóng từ vai bá tước.

Sau đêm tổng diễn, anh cười với tôi rất dịu dàng và nói:

- Bây giờ cô ám anh chàng dẫn chuyện càng khủng khiếp hơn, cô bé ạ. Suốt đêm tổng diễn, không có tiếng cô thì thầm bên tai, tôi sẽ chết đứng. Thật đấy. Mà sao cô nhắc vở tuyệt thế! Cô làm nghề nhắc vở từ những kiếp trước phải không?

Anh trêu chọc tôi hay muốn an ủi tôi? Giá anh biết từ lâu tôi đã vụng trộm yêu anh với cả sự tôn thờ... Tính tôi cả thẹn, anh lại quá cao vời, nên từ lâu tôi giấu giếm tình yêu tôi vào những cái nhìn lén, những đêm tương tư, anh không thể biết được.

Trong đoàn kịch có năm cô diễn viên trẻ đẹp, chưa chồng, ba anh chàng chưa vợ. Họ kết thành một hội độc thân. Hội độc thân tinh hoa tài sắc ấy nổi tiếng, vui nhộn, yêu đời. Lại thêm những vệ tinh xoay quanh các nữ hội viên cũng toàn kỹ sư, tiến sĩ du học nước ngoài về, chỉ mong tìm dịp khao đãi, lấy lòng người đẹp.

Cô bé nhắc vở tội nghiệp đứng xa xa ngắm họ, thấp thỏm chờ xem ngôi sao nào trong số năm cô gái lộng lẫy, tươi trẻ, tròng sợi dây tình yêu vào cổ người mình yêu. Mỗi cử chỉ vồ vập hồn nhiên của các cô trao cho anh lại làm tim cô bé nhắc vở đau nhói... Tôi không dám ghen tức. Anh thuộc của họ, tôi vẫn biết thế.

Chỉ từ bảy rưỡi tối, tôi được quyền chiếm cứ anh trọn vẹn. Quyền hợp pháp của người nhắc vở. Sau hồi chuông mở màn, anh bước ra sân khấu, phía tiền cảnh, hóa thân trong vai anh chàng lang thang dẫn chuyện. Bóng anh khi mờ, khi tỏ, in lên lá màn nhung vẫn khép kín. Lá màn ấy ngăn cách chúng tôi. Bên trong sân khấu, đèn chưa bật, bóng tối ong ong đỏ, hắt lên những mảng đề-co. Tôi rón rén đi theo anh, giống một chiếc bóng khác sau lá màn. Với lý do để nhắc vở. Trừ tôi ra, không ai được phép đi lại trên sân khấu, sau màn nhung khi đang diễn.

Thường ngày, chưa bao giờ tôi dám gần anh đến thế. Những khi anh đứng sát màn nhung, tôi không thể ngăn được mình khẽ áp nhẹ cánh tay vào thân thể anh. Sự đụng chạm biến tôi thành miếng bọt biển thấm đẫm hơi thở, tiếng nói, của con người tôi khao khát... Lúc ấy tôi quên hết những lời vở kịch tôi phải nhắc cho anh. Lúc ấy, giấc mơ ngọt ngào đêm xưa sống dậy và tôi run lên.

Khi kết thúc tối diễn, trong tiếng vỗ tay ầm ầm của hàng ngàn khán giả, tôi thở một hơi thật dài, cất quyển kịch bản vào túi xách riêng, bình tĩnh ngắm anh tíu tít cười nói cùng các bạn. Tôi trả lại anh cho khung cảnh tầm thường, quen thuộc, ở hậu trường. Tôi lặng lẽ ra về, đôi khi quên hẳn anh, nhẹ nhõm, mỏi mệt.

Về đến nhà, trước khi đi ngủ, tôi ngồi rất lâu bên cửa sổ, lơ đãng ngắm thành phố im lìm trong đêm khuya. Mùa hè sao rơi rất nhiều, bao giờ cũng bất ngờ, dù tôi cố rình đón xem chúng bắt đầu rơi ra sao. Hơi lạnh của sương đêm thấm vào da thịt ngòn ngọt. Khoảng ngực lộ trần dưới vai áo hở rộng bỗng như có bàn tay vô hình nào khẽ chạm tới. Tôi rùng mình, cơ thể nhỏ bé căng lên tưởng chừng sắp nhẹ nhàng bay qua cửa sổ, lang thang lượn chơi trên những mái nhà, dưới ánh trăng xanh nhạt. Một mùi đàn ông len lén lẫn vào không khí chung quanh tôi. Anh! Đúng rồi! Hẳn giờ này anh đã ngủ, bất chợt đến đây với tôi. Người ta nói: mình mong ai quá sức, luồng điện mình sẽ dẫn dắt tâm linh kẻ đó tới.

Sung sướng biết bao. Thế là anh lại hoàn toàn của tôi. Tôi tha hồ trò chuyện với anh những điều thầm kín.

"Anh ạ, em sẽ may áo lụa hồng, mảnh lụa mẹ cho em hồi sinh nhật ấy. Màu hồng hợp với em phải không? Anh cũng sẽ thấy thế chứ? Sáng nay anh đã cho em quả thị chín vườn nhà. Chao, nó thơm ngát ra tận cửa sổ em ngồi đây, anh biết không? Lạy giời, em giữ nó tươi được thật lâu..."

Thế rồi không hiểu sao, một đêm diễn mùa đông anh bỗng ủ ấm tôi bằng chiếc áo khoác của anh, hôn tôi sau cánh gà, nơi tôi ngồi nhắc vở. Gần mười năm đã qua, tôi không nhớ do đâu xảy cơ sự ấy, nhưng tôi nhớ anh đã hỏi:

- Vì sao em cứ lẳng lặng yêu anh như thế mãi, hở cô bé ngốc nghếch?

Cả hai chúng tôi đều rời bỏ sân khấu sau khi cưới. Tôi chọn một công tác bình thường, phù hợp với mình; anh ấy sau tai nạn mất giọng cũng chuyển sang nghề sáng tác kịch. Tôi ngỡ cuộc sống đơn giản che chở cho chúng tôi yên ổn bên nhau mãi mãi.

***

Đôi khi tôi nghi ngờ chính mình. Tôi đã mất khả năng tự tin. Thật vậy. Gần mười năm chung sống, tôi vẫn hệt cô bé nhắc vở, chưa bao giờ dám đoán chắc ngôi sao tài năng rực rỡ đang đứng trước tấm màn nhung kia lại yêu mình. Mặc dù anh đã hết ánh hào quang trên sân khấu khiến tôi mê đắm hồi ấy, mặc dù tôi đã từng chữa những vết hắc lào ở lưng anh, từng nhận ra những khuyết tật nhỏ nhất trong tâm hồn lẫn thể xác con người này, nhưng tôi có cảm tưởng chưa lúc nào được ngơi nghỉ cuộc tìm bắt hạnh phúc, chưa bao giờ biết mình chiếm bao nhiêu phần tâm tư tình cảm anh.

Anh bạn thân chúng tôi một hôm bông đùa nói:

- Với cánh đàn ông, vợ cũng như cơm tẻ. Suốt đời có ai bỏ cơm tẻ đâu? Nhưng thi thoảng các bà phải cho phép chúng tôi kiếm bát phở ăn chơi. Ví dụ các bà lại ngon như phở, rồi quanh năm ba trăm sáu chục ngày bắt chúng tôi ăn phở tuốt, thì dù đạo đức bằng thánh cũng có lần chúng tôi thèm bữa bánh đúc lạ miệng...

Một đêm gần gũi nhau, nằm trong vòng tay của anh, tôi đã nói:

- Em muốn là cơm tẻ, là phở, hoặc bánh đúc... Là tất cả mọi thứ anh thích.

- Ôi chao, anh bội thực mất! Anh bật cười trả lời.

Có phải như thế là tôi thiếu tin cậy vào tình yêu không? Nhưng từ thuở tôi chưa lấy chồng, mẹ tôi thường răn ba chị em gái chúng tôi!

- Cứ xem gương mẹ đây các con nhé. Mới đầu mẹ coi chuyện bố các con tình cảm với bà Hạnh chẳng qua đàn ông ai cũng hoa lá vậy thôi. Mình vợ cái con cột, sợ gì. Mẹ mải mê buôn bán xuôi ngược, tính lấy đồng tiền cầm chân ông ấy... Ai dè tí một, tí một, hai người nặng tình với nhau không dứt được nữa. Mẹ không coi bà Hạnh như người giăng gió, nhưng không thể đồng ý bố các con bày cảnh vợ lẻ con thêm trong nhà này được. Rồi hỗn loạn tan hoang ra. Hai người ngấm ngầm rủ nhau di cư vào Nam, lấy nhau trong ấy. Thế là xong... Cho nên cứ phải thận trọng. Có chồng phải biết giữ chồng từng ngày từng giờ, kẻo mất lúc nào không biết.

Tôi nhớ một lần chúng tôi cũng tranh luận về tình yêu, về đời sống lứa đôi, anh ấy nói:

- Tình yêu giống như sự dâng hiến tự nguyện chứ không phải giống một cuộc xâm lược hay mua bán, đổi chác. Bởi vậy nó đi đôi với lòng hỷ xả, cao thượng. Thấy người mình yêu được hạnh phúc mình phải sung sướng, thỏa lòng chứ.

Tôi không chấp nhận. Ví thử bỗng dưng anh ấy giở chứng như bố tôi ngày xưa, liệu tôi có "sung sướng, thỏa lòng” được không? Không, không bao giờ!

Và do thiếu tự tin, tôi nhạy cảm với bất kỳ điều gì liên quan đến hạnh phúc. Ví dụ tôi biết kiềm chế mình, vui vẻ động viên những đợt đi thực tế đột ngột của anh ấy. Để bù lại, sau mỗi chuyến đi anh đối với tôi dịu dàng hơn, đằm thắm hơn, đến mức tôi xao xuyến, ngỡ ngàng. Chuỗi ngày xa cách nhau có tác dụng cho người ta nhìn nhận, thương quý nhau trở lại ư? Hay những trang viết mới đã mang lại cho anh niềm vui sống, phấn chấn?

Đã thành lệ, cứ khoảng vài tháng, cuộc sống đơn điệu kéo dài, vẻ thẫn thờ âm thầm hiện rõ trên gương mặt anh, tôi lại tìm cách giục anh đi thực tế.

- Đi bây giờ cũng gay. Tốn kém quá.

- Em mới lấy bát họ mười ngàn. Em giữ lại hai ngàn để chữa mái bếp, còn bao nhiêu phần anh. Đã lâu anh bảo có người bạn trên Lai Châu mời lên... thì chịu khó đi kiếm việc làm ăn xem sao.

Tôi nói vậy. Mười ngàn tôi vay em tôi. Mới nhận được việc thầu nhặt vải vụn nên khoản tiền nợ tôi không lo lắm.

Xưa nay chuyến thực tế nào tôi cũng phải bù lỗ. Những vở kịch của anh mấy khi bán được. Còn lâu chúng mới đuổi kịp món vải vụn của tôi.

Anh đi rồi, tôi mất ngủ từng đêm. Tôi hay nghĩ tới hạnh phúc của những cặp vợ chồng thuyền chài, quanh năm cùng nhau lênh đênh trên mặt nước với chiếc thuyền nhỏ, không biết đến nhớ mong, chờ đợi. Sao một điều ao ước đơn giản như vậy tôi lại không thể có?

Anh đi rồi, cả đến con mèo nhỏ trong nhà cũng hay ngóng bên cửa. Tôi cứ treo nguyên chiếc sơ mi của anh trên mắc áo, để mỗi lần đi qua lại cảm thấy mùi ngai ngái thuốc lá quen thuộc. Và như ngày xưa, tôi thức vơ vẩn bên cửa sổ rất khuya, nhớ lại từng năm đã sống với anh, nhớ kỷ niệm hồi mới cưới, nhớ cả những đêm chưa được anh để ý hay tương tư thầm bên cửa sổ căn buồng thuở con gái.

Từ Lai Châu về, lần đó anh mang theo một tấm ảnh rất lạ. Ảnh chụp bãi biển với những phiến đá kín đáo. Hoàng hôn mờ nhạt trên những ngọn sóng cồn cào. Không một bóng người. Tấm ảnh phóng to anh gài vừa vặn trong nửa bìa sách, treo trước bàn làm việc.

Lần đầu tiên gặp anh đăm đăm nhìn như lạc hút vào góc biển hoang vu, tôi đã sinh nghi. Ừ nhỉ, Lai Châu không có biển. Vậy nó ở đâu? Dù ở đâu nó cũng là nơi chốn giữ một kỷ niệm riêng tư thầm kín của anh ấy, hẳn thế. Với đôi mắt thất thần thế kia, vẻ mặt ngơ ngẩn thế kia trước tấm ảnh, người vợ nào vô tâm nhất cũng nhận ra. Mà có phải một lần anh ấy nhìn như vậy đâu.

Tôi không dám hỏi, tôi biết không thể chăm sóc, giữ gìn tình yêu bằng sự tinh tế, mẫn cán của nhà thám tử. Một hôm chờ anh đang làm việc, tôi tới ngắm nghía tấm ảnh thật lâu, giống hệt anh, rồi mỉm cười, ngập ngừng với chút xấu hổ, choàng ôm hai vai anh, khẽ kể:

- Em kể chuyện này anh không được nghĩ ngợi nhé. Góc bờ biển kia đúng y như một nơi ở Đồ Sơn, cách đây lâu lắm. Cũng hai tảng đá với vết lõm, cái góc bãi cát phía bên trái. Chiều nào bọn sinh viên chúng em cũng ngồi chơi tán gẫu ở đây... Chỗ này một lần em đã thức suốt đêm với một người bạn. Hôm sau anh ấy nhập ngũ rồi mất tích luôn... Đêm qua em bỗng nằm mơ gặp lại anh ấy... Có lẽ tại tấm ảnh. Quái quỷ thật!

Anh sửng sốt nhưng lặng thinh.

Từ đó tôi làm bộ tấm ảnh gây nên những cảm giác không bình thường cho tôi. Tôi hay ngắm nó nhiều hơn, tư lự trước nó nhiều hơn.

Rồi một bữa tấm ảnh biến khỏi chỗ treo. Cơn gió mạnh đã cuốn nó rơi xuống mặt bếp dầu ngoài hiên, lúc tôi đun bếp. Tôi chỉ cứu kịp nửa con sóng bạc đầu, nửa kia cháy thành than.

Đi làm về anh không hỏi kỹ tôi chuyện bức ảnh. Thậm chí anh tỏ vẻ dửng dưng khi tôi phàn nàn bực bội cơn gió quái ác. Sau đó cả hai chúng tôi không ai nhắc tới tấm ảnh lần nào nữa. Tôi thầm mừng đã chấm dứt được một nỗi canh cánh vớ vẩn. Dù góc bờ biển ấy giữ những kỷ niệm sâu sắc đến mấy nó cũng đã bị rơi vào lãng quên.

Liệu tôi có đáng trách vì hay dùng mẹo vặt để phòng ngừa tai họa không? Tôi chưa bao giờ tự vấn lòng mình. Có gì quan trọng đâu? Đôi khi tôi còn thấy vui vui. Biết bao lần đi đường thấy anh mải ngắm một tấm lưng thon thả trước mặt, hoặc lẽo đẽo theo vết bánh xe của chiếc áo hồng duyên dáng nào, tôi làm bộ lùi lại chút xíu ngó các hàng quán bên đường, gọi anh.

- Anh ơi, đợi em tí nhé!

Tôi xuống xe, vờ vịt rẽ vào một cửa hiệu, hỏi mua thứ này, thứ nọ. Sau vài phút nhìn ngắm, tôi nhã nhặn cám ơn chủ hàng, ung dung lên xe đi tiếp. Đối thủ của tôi đã mất hút tận cuối đường rồi.

Cách đây ba năm, chúng tôi đón một người bạn gái, nữ tác giả đang nổi tiếng ở miền Trung. Người đàn bà này thật tuyệt diệu. Chị nhẹ nhàng ý nhị với tiếng nói thỏ thẻ xứ Huế quê chị. Bàn luận văn chương cùng chồng tôi, chị thổn thức, thổ lộ những điều tâm huyết. Toàn chuyện văn chương, quả đúng vậy. Nhưng suốt trong bốn ngày chị ở nhà chúng tôi, ánh mắt đắm say tôn thờ của anh ấy hướng về chị mỗi lúc càng rực lên. Bắt gặp anh ngồi như bị thôi miên trước chị, tim tôi lại nhói đau, tôi quay đi ngay. Còn anh, tai anh bỗng đỏ lựng, vẻ ngượng ngập khó chịu. Đêm đêm anh trăn trở, đổ lỗi mất ngủ cho thuốc lá, trà tàu, cho những dự định văn chương ám ảnh. Cũng có thể do văn chương ám ảnh nữa. Với sức cuốn hút hấp dẫn của chị, chị có thể thức tỉnh một thây ma sống lại, đừng nói chuyện khơi dậy máu văn chương vốn đã nóng bỏng ở trong chồng tôi. Nằm bên anh, tôi không dám trở mình, nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Hồi chưa cưới tôi cũng chả được anh nhìn tôi với vẻ nồng nàn như thế.

Ngày thứ năm, người đàn bà từ biệt chúng tôi trở về miền Trung. Chị ấy đi rồi, anh lầm lì ít nói hẳn, không mấy lúc rời khỏi bàn viết. Đi ngang qua, tôi liếc thấy anh đang làm thơ. Bài thơ ra sao không bao giờ tôi biết cả. Anh giấu hoặc đốt chúng đi.

Chiều chủ nhật tôi tới đằng ngoại chơi. Từ lâu anh hay để tôi một mình đi thăm mẹ. Chín giờ tối về tôi thấy anh đang đọc sách.

- Ôi anh biết không, chị ấy nói dối chúng mình!

Anh choàng ngồi dậy, thảng thốt ra mặt.

- Em nói gì vậy?

- Em vừa gặp chị ấy đi với một người đàn ông cao lớn, trông rất quen. Tối quá em không nhìn rõ mặt người đàn ông.

- Nói bậy, em trông nhầm thế nào chứ...

- Em không dám tin ngay. Sau nghe tiếng chị ấy nói, em mới biết chắc. Họ rẽ vào công viên, chứ không em đã định vượt lên chào để xem chị ấy đi với ai..

- Rẽ vào công viên à?

- Vâng. Chị ấy đi sát bên người đàn ông, trông tình cảm lắm...

Anh ngồi im rất lâu, rồi bỗng nổi gắt:

- Có sao đâu, hơn ba mươi tuổi, chị ấy có quyền tìm hiểu bất cứ ai. Một người hấp dẫn như thế, muốn chọn lựa ai chả được.

- Vâng. Em cũng mừng cho chị ấy. Chỉ tiếc chị quá dè dặt, giấu chúng mình, chứ không thì...

- Thôi, mặc người ta!

Trong giọng nói anh có chút hờn giận không giấu nổi.

Ba tuần lễ sau chúng tôi nhận được lá thư gửi từ Huế. "Những ngày qua đã để lại tâm hồn tôi một tình cảm đằm thắm nhất. Bây giờ mỗi khi có tiếng chuông gọi cửa, tôi lại ao ước được thấy người bạn nào đó ở Hà Nội vào thăm. Các bạn ơi, nhớ lắm..."

- Tất nhiên chị ấy nhớ. Nhớ ai? Em vẫn chưa đoán ra người đàn ông cao lớn đi cạnh chị ấy. Nhất định cũng trong số bạn bè viết lách đã có lần tới đây chơi.

- Em liệu viết trả lời chị ấy, anh bận lắm.

Anh vứt lá thư vào tay tôi.

Đương nhiên tôi viết qua quýt vài chữ khách sáo nhạt nhẽo gửi đi. Lá thư ấy buộc người nhận tinh tế phải hiểu quan hệ tình cảm đã chấm dứt. Từ đó chúng tôi bặt tin chị. Trong đáy lòng, tôi hơi ân hận đã đối xử như vậy với người bạn gái dịu dàng vô tư. Nhưng biết làm sao khi người ta có một ông chồng dễ rung động thuộc giới nghệ sĩ!

Anh bạn thân chúng tôi, anh chàng thích ăn phở một hôm lại kết luận:

- Trong số các bà xã có chồng viết lách, tôi thấy bà xã nhà ông đặc biệt không biết ghen.

Chồng tôi cười:

- Ông lầm rồi. Bà vợ tôi ghen đến nỗi không cho phép tôi chết trước ấy chứ. Chả vì sợ trên đường tôi xuống với Diêm Vương có cô nào thập thò ở cạnh cửa địa ngục dẫn đi mất. Sau này có xuống âm phủ lại phải đánh ghen, kiện cáo, phiền ra. Đấy, ông cứ xem cái cách bà ấy "quản" tôi thì ông biết..

Tôi cũng cười, nhưng không khỏi chột dạ.

***

Bắt đầu từ việc người vợ anh bạn thân chúng tôi một hôm rỉ tai cho tôi biết:

- Bà hãy để ý xem, ông ấy có tâm trạng gì không biết. Hôm qua mang chai rượu đến uống cả buổi chiều với ông xã nhà mình. Đọc thơ chán lại rầu rĩ ôm mặt khóc rưng rức. Mình điên tiết lên tế hai ông dở hơi một trận họ mới chịu thôi... Rõ tội nợ chúng mình nhỉ? Vớ phải mấy ông thơ phú văn chương, lúc nào cũng ở trên mây, trên giời. Mình làm mửa mật ra nuôi cho cơm rượu mà có xong đâu.

Chị ấy bỗ bã, ngay thẳng, quát nạt chồng rất khiếp. Nhưng anh chồng ngoài văn chương ra không mê thứ gì hơn vợ. Nhiều lúc tôi phát ghen với chị ấy.

Tôi láng máng đoán ra sự tình. Bốn tháng nay giá cả chợ búa lên kinh khủng, tôi chẳng dành dụm được đồng nào để nhiệt tình giục anh ấy đi thực tế. Suốt ngày anh ấy ngậm tăm, tư lự. Và để tôi khỏi chú ý, anh xách xe đi ngay từ sáng sớm tối thật khuya mới về, để ngủ, lắm hôm say đứ đừ.

Nghe chị bạn nói vậy, tôi khổ tâm vô cùng, cảm giác mình đã có lỗi gì đó với anh ấy. Tôi xót xa thương anh. Tôi tuy không đủ vốn hiểu biết chữ nghĩa để định lượng chính xác tài năng anh, nhưng thấy những vở kịch anh viết cứ lọt thỏm đâu đâu, những truyện ngắn, truyện dài, anh gửi đi bị trả lại, chữa xóa, chưa bao giờ ở dạng hoàn chỉnh, tôi đoán lòng anh hẳn phải u ám dằn vặt ghê gớm lắm.

Thế là hôm sau tôi nhận tăng sáu chục tải vải vụn. Tôi cắm cúi nhặt suốt đêm, chong đèn tới tận sáng bạch, giải thích với anh rằng người ta hụt kế hoạch nên ép tôi phải làm bằng xong. Còn khoảng bốn tải vải nữa, một tối tôi bỗng xây xẩm mặt mũi, ngã xuống đất. May sao lúc đó anh ấy đang có nhà. Anh hoảng hốt đỡ tôi dậy. Anh không cho tôi thức đêm nhặt nốt mấy tải còn lại. Dù sao đến ngày thứ mười bảy, tôi cũng đã trả được hết, lĩnh gần ba chục ngàn. Tôi đưa tất món tiền cho anh, nói dối rằng đã giữ lại chút ít bồi dưỡng.

- Anh cứ cầm hết đi, để phòng mọi thứ sinh hoạt đắt đỏ. Xảy nhà ra thất nghiệp, lúc ấy trông vào đâu được.

Thật lạ quá, anh ấy đứng ngây người như bị choáng. Tôi nhớ rất rõ lúc đó nghe hơi thở anh dội lên, anh nắm chặt tay run rẩy tránh né nắm tiền tôi đưa. Rồi lẳng lặng chẳng nói lời nào, anh mặc quần áo bỏ đi. Hôm sau đi làm về tôi thấy lá thư của anh đặt trên bàn. Chúng tôi xa nhau từ ngày ấy.

Lá thư hay đúng hơn là bản thú tội anh ấy để lại giống một tiếng sét giáng xuống đầu tôi. Mấy ngày liền tôi khóc lóc, đau đớn, nghi hoặc. Tôi đọc lá thư hàng trăm lần cố tìm kiếm những ý nghĩ bên ngoài mớ chữ nghĩa tôi đã thuộc làu.

"Trong chuyện này anh hoàn toàn có lỗi với em. Nhưng anh không thể dối trá lừa lọc mãi. Những năm tháng qua, không thể gọi rằng chúng ta chung sống. Anh có cảm tưởng chúng ta cầm tù nhau nói đúng hơn, anh ăn cắp tình yêu của em... chẳng dùng vào việc gì ngoài việc để khinh bỉ mình. Hôm qua em đưa nắm tiền cho anh mà anh ngỡ có người nhổ vào mặt. Bởi vì... trời ơi, em không biết hay em cố tình làm lơ cho những chuyến đi thực tế của anh? Chẳng lẽ em không hề biết anh kiếm cớ để đi bất cứ đâu, tìm lấy bất cứ một người phụ nữ dịu hiền nào có thể thông cảm tâm trạng chán chường của anh? Và em hẳn cũng không hiểu nổi khi đó anh hả hê rằng đã trả đũa được cái vòng tù ngục trói chặt anh trong hàng chục năm qua?

"Khi trở về, lần nào cũng vậy, anh càng ghê tởm mình, ý thức được việc phải trả nợ em. Trả nợ em bằng sự âu yếm. Chính vì thứ âu yếm khốn khổ em cần có để yên tâm rằng tình yêu vẫn tồn tại trong cái giường đôi của chúng ta, em sẵn sàng trả giá bằng đồng tiền mồ hôi nhặt vải vụn, bằng sự hy sinh điên cuồng hàng tháng ròng thức trắng đến gục xuống.

"Tại sao em làm như vậy? Vô ích lắm. Hãy tha tội cho anh. Cái gì người ta cũng có thể cố gắng, nhưng không ai có thể cố gắng yêu... Anh thường hổ thẹn nhớ tới truyện ngắn Người đàn bà làm nghề độn ghế của Môpátxăng. Không, anh không muốn làm thằng cha bào chế khốn nạn, nhận những đồng xu trả công độn ghế nhớp nháp mồ hôi để bán tình yêu cho người đàn bà tội nghiệp nọ. Và em, em đừng làm người đàn bà độn ghế ấy.

"Anh có điên không nhỉ? Thiên hạ khối kẻ vẫn lợi dụng lòng thương yêu mù quáng của vợ để hưởng thụ, vẫn dối vợ nhem nhẻm có sao đâu? Còn anh, anh bị vắt kiệt lòng nhẫn nại lẫn sự dối trá, anh không thể tiếp tục mãi.

"Sau khi đã nói hết với em, anh sẽ không quay về ngôi nhà này được nữa. Anh tới bà nội ở. Tùy em quyết định, em có thể bảo anh cứ về, chúng ta phải tiếp tục chung sống với nhau, vì... sau hàng chục năm anh cưới em, anh không có quyền ích kỷ, chạy trốn trách nhiệm. Anh sẽ lại về. Lúc đó giữa chúng ta đã sòng phẳng quan hệ thực chất phải khác (dù xấu đi), nhưng anh tin như vậy dễ chịu hơn.

"Nếu chưa thật bình tĩnh, em hãy cứ nguyền rủa anh. Anh đáng tội lắm. Ôi, giá anh có cách gì để xin em tha thứ..."

Quá bàng hoàng, tôi phải tự xoa dịu mình bằng cách kết luận anh ấy bị khủng hoảng tinh thần. Lá thư kia chẳng qua anh tự bày đặt, hoang tưởng trong một cơn tâm thần, thế thôi. Suốt mười năm nay, dưới sự phòng ngừa chặt chẽ của tôi (trừ những chuyến thực tế), anh không hề có một quan hệ riêng nào với phụ nữ. Trong nhà khi có mặt tôi, bất kể người phụ nữ hàng xóm hay bè bạn vừa bước chân tới là anh đứng ngay dậy, kiếm cớ rút lui. Tôi vẫn thường lấy thế làm vui, thầm cám ơn anh biết tránh cho vợ những mặc cảm tầm thường. Một người chồng tế nhị đến mức ấy sao có thể lừa dối vợ, "tìm bất cứ người phụ nữ dịu hiền nào" trong những chuyến thực tế?

Nhưng nếu anh không tâm thần, nếu đó là sự thật tàn nhẫn tôi phải chấp nhận? Trời ơi... dễ chừng tôi sắp phát điên chăng?

Vài ngày sau, khi đã bình tĩnh chút ít, tôi hiểu rằng anh ấy hoàn toàn không bị tâm thần. Đầu óc anh vẫn lành mạnh, tỉnh táo. Thậm chí khi dám viết những dòng chữ trên, anh đang sống những giây phút thánh thiện, sòng phẳng, tử tế nhất. Và vì thế ý nghĩa quyết liệt của lá thư càng khiến tôi chua xót. Rõ ràng không bao giờ chúng tôi có thể sum họp lại. Sự sum họp sẽ làm nhục cả anh lẫn tôi. Rồi tôi ngăn phòng nốt những chuyến thực tế của anh hay sao? Tôi triệt tiêu tất cả mọi nơi, mọi lúc, hình bóng những người đàn bà dịu hiền hay sao?

Rốt cục một nỗi uất nghẹn dâng lên cổ tôi. Nếu không yêu tôi, anh ấy có quyền gì đánh cắp ngần ấy năm tháng, tuổi xuân tình yêu và lòng tận tụy của tôi? Cũng là lần đầu tiên tôi nghiêm khắc xét nét lại anh từ chân tơ kẽ tóc. Anh tưởng mình ghê gớm lắm sao? Thiên tài ư? Cao quý ư? Không, tôi đã trả giá quá đắt bằng cả cuộc đời mình cho một kẻ tầm thường nhất trong vô vàn kẻ tầm thường, một thứ giẻ rách! Nhưng anh có lỗi gì? Bỗng nhiên trong óc tôi lóe lên câu hỏi: Anh đánh cắp cuộc đời tôi hay ngược lại tôi đánh cắp cuộc đời anh? Nhân danh tình yêu, tôi giam chặt anh, chiếm hữu anh thành tài sản riêng, tước đoạt của anh tất cả niềm vui sống hồn nhiên nhất. Tất một hôm tài sản riêng kia phải vùng dậy chạy trốn, bởi vốn dĩ nó là con người.

Ý nghĩ ấy khiến tôi rã rời. Chấp nhận sự thật không phải dễ. Nó giống như tôi phải chấp nhận trái đất không tròn trịa - một điều tôi đã đinh ninh từ tấm bé.

Quái lạ, không nhớ ai đã kể với tôi câu chuyện này: Hai ông bà già ở vùng quê nọ, sống với nhau gần trọn đời, nghĩa là đã nín nhịn tưởng chừng xong được một kiếp. Ông cụ bảy mươi lăm, bà cụ chẵn bảy mươi. Ấy thế, đùng một bữa kia ông cụ len lén dúi bà cụ vào bếp lửa đang cháy, để thoát ra cái vòng vô hình thít chặt họ với nhau hơn nửa thế kỷ.

Làng Lủ
7-88
Đ.L.
(SH39/09&10-89)



 

Các bài mới
Tĩnh vật (16/03/2016)
Các bài đã đăng