Tạp chí Sông Hương - Số 39 (T.9&10-1989)
Nguyễn Minh Châu và bài học đổi mới tư duy nghệ thuật (*)
14:54 | 26/02/2016

LÃ NGUYÊN

Số phận văn chương của Nguyễn Minh Châu gắn liền với những bước đi cơ bản của nền văn học Việt Nam ở nhiều thời điểm lịch sử cụ thể.

Nguyễn Minh Châu và bài học đổi mới tư duy nghệ thuật (*)
Nhà văn Nguyễn Minh Châu - Ảnh: internet

Nguyễn Minh Châu vào nghề rồi trở thành người bạn tinh thần tin cậy của đông đảo bạn đọc vào quãng những năm sáu mươi. Ở thời điểm ấy, nền văn học Việt Nam đã vượt qua một chặng đường dài, như mạch nước qua bao ghềnh thác nay đã hoá thành sông, có dòng chảy ổn định. Cùng với Cửa sông, Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính, Lửa từ những ngôi nhà, Nguyễn Minh Châu thả con thuyền văn chương của ông xuôi theo cái dòng chảy đang có sức cuốn hút mạnh mẽ ấy.

Là con đẻ của cách mạng và những cuộc chiến tranh lớn, văn học Việt Nam trước năm 1975 không thể không mang những đặc điểm của một nền văn học thời chiến. Chiến tranh và cách mạng bao giờ cũng có nhu cầu đặt lên trên hết vấn đề chúng ta và chúng nó, vấn đề dân tộc, cộng đồng và lịch sử. Gắn bó với vận mệnh của Tổ Quốc, trước 1975, nền văn học của chúng ta về cơ bản là nền văn học sử thi. So với văn học tiền chiến, nhân tố cách tân nghệ thuật quan trọng bậc nhất của nó là sự phát hiện ra nội dung cộng đồng trong dời sống xã hội và phương diện cộng đồng trong ý thức cá nhân. Chưa bao giờ, những hình tượng tập thể, hình tượng Tổ Quốc, nhân dân, và những hình tượng tiêu biểu cho nhân dân, cho Tổ Quốc hiện lên trong văn học rực rỡ và đẹp đẽ như thế. Cũng chư bao giờ, cái tình của con người đối với Tổ Quốc, với nhân dân, tình đồng chí, đồng đội… được văn học thể hiện sâu sắc và cảm động như thế. Trong những thành tựu chung ấy có phần đóng góp của Nguyễn Minh Châu. Cửa sông, Dấu chân người lính, Lửa từ những ngôi nhà là những trang viết hào sảng về những ngày hào hùng bậc nhất trong lịch sử dân tộc.

Nhưng sử thi hiện đại Việt Nam có những đặc điểm khác biệt so với sử thi trong văn học hiện đại của nhiều dân tộc trên thế giới. Do nhiều lí do lịch sử, ý thức cá nhân của chủ thể sáng tạo trong sử thi hiện đại của chúng ta thường bị tan biến vào ý thức cộng đồng. Ở đây cộng đồng chẳng những là đối tượng nhận thức duy nhất, mà còn là điểm xuất phát duy nhất, chuẩn mực duy nhất để sử thi nhìn ra thế giới và cân đo thế giới. Cho nên, nghệ sĩ bao giờ cũng phải phát ngôn qua cộng đồng và nhân danh cộng đồng để phát ngôn. Có thể xem sử thi hiện đại Việt Nam là biểu hiện của ý thức cộng đồng được hiện thực hoá trong ý thức cá nhân. Khi hoạt động nghệ thuật chỉ còn chủ yếu là phương tiện chuyển tải cho tư tưởng của cộng đồng, quan hệ giữa chủ thể sáng tạo với đối tượng nhận thức, phản ánh sẽ trở thành một quan hệ thụ động, nhà văn khó mà vươn lên thành nhà tư tưởng, có quan điểm riêng, cách nhìn riêng, với những kiến giải độc đáo trước các vấn đề hiện thực đời sống.

Trình độ của ý thức cá nhân trong văn học trước 1975 (hoà vào ý thức cộng đồng, bị ý thức cộng đồng lấn át) phản ánh tình trạng phát triển chung của ý thức cá nhân trong toàn xã hội thời ấy. Tình trạng đó đã tạo ra một tình huống lịch sử đặc biệt chi phối khuynh hướng vận động của văn học Việt Nam trước năm 1975, lẫn số phận văn chương của mỗi cá nhân người cầm bút.

Văn học bao giờ cũng là kết quả của sự tác động qua lại giữa các khuynh hướng tư tưởng của xã hội đương thời, trong đó khuynh hướng vận động của đời sống nhân dân gắn liền với trình độ tự nhận thức của họ giữ vai trò quyết định. Sau năm 1954, đặc biệt từ những năm sáu mươi, bên cạnh chiến tranh, nền văn học của chúng ta còn phát triển trong những điều kiện của một cơ chế quản lí quan liêu – bao cấp. Trong cơ chế ấy, khi ý thức cá nhân tan biến vào ý thức cộng đồng, bị ý thức cộng đồng lấn át, văn học khó tránh khỏi sự bao cấp về phương diện tư tưởng. Quá trình trói buộc văn chương của một cơ chế vì thế đã nhanh chóng biến thành quá trình tự trói buộc của văn chương. Cho nên, từ những năm sáu mươi, văn học Việt Nam đã có xu hướng phát triển theo con đường quy phạm hoá, chuẩn mực hoá những cách tân nghệ thuật được định hình ở giai đoạn trước đó, chứ không thể đi lên theo hướng thường xuyên phủ định biện chứng những cách tân nghệ thuật ấy. Bệnh sơ đồ, công thức, sự hình thành của chủ nghĩa đề tài trong sáng tác, thói quen một chiều ngợi ca tất cả những gì thuộc xã hội ta, nhân dân ta… là những biểu hiện cụ thể của khuynh hướng trên.
Lấy văn chương làm sự nghiệp đời mình, Nguyễn Minh Châu khát khao sáng tạo. Nhưng thuyền văn của Nguyễn không thể bơi ngược sông văn của thời đại. Nhiều tác phẩm của ông vì thế chứa đựng cả chân lí lẫn những lầm lạc của lịch sử. Có thể dễ dàng chỉ ra tư tưởng của thời đại qua Cửa sông, Dấu chân người lính, Lửa từ những ngôi nhà... Cũng có thể nhận thấy ở đây những phẩm chất văn chương của một tài năng độc đáo. Đó là năng lực quan sát tinh tế, là ngòi bút giàu chất thơ và một tấm lòng đôn hậu rộng mở. Nhưng thật khó chỉ ra, đâu là tư tưởng nghệ thuật riêng của những tác phẩm ấy so với tư tưởng chung của cộng đồng. Nguyễn Minh Châu am hiểu kì lạ đời sống của những người lính và đời sống nông dân Việt Nam, nhất là đời sống của giải đất miền Trung, quê hương ông. Có thể bắt gặp những âm trầm, nốt lặng khi ngòi bút của ông chạm vào cuộc sống nghèo khó, lam lũ và thầm lặng của người nông dân. Ngòi bút ấy đôi khi cũng đã chạm tới cái lôgic nghiệt ngã của chiến tranh làm rung lên những nốt bi kịch thực sự của cuộc đời người lính. Nhưng, như một định mệnh, nhưng âm kia, nốt kia chỉ thoáng nghe như một thứ bồi âm vang lên rụt rè rồi câm lặng giữa lúc bản đại hợp xướng tụng ca đang ở phút cao trào.

Điều đáng quý là nguyễn Minh Châu sớm nhận ra giá trị đích thực của thứ văn chương ca tụng một chiều mà ông cho là chỉ quen với việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn mẫu có sẵn. Trời đất lại không phú cho ông một cái tạng nhà văn luôn luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thứ lí luận, luật lệ để cầm bút một cách suôn sẻ, bình thản. Cho nên mới sinh ra một Nguyễn Minh Châu từng nhiều năm trăn trở, giằng xé trong tấn bi kịch đánh mất bản thân của những nhà văn tài năng và tâm huyết. Sau này, trong không khí dân chủ, cởi mở của những ngày đổi mới, Nguyễn Minh Châu tâm sự, rằng mỗi khi cầm bút, nhà văn “vừa muốn phô diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái gì đó tiên cảm thấy trong đời sống, nhưng lại muốn giấu đi, gói trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ, văn chương gì mà viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn! Hèn chứ! Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn”. Phải có cả lương tri lẫn dũng khí, nhà văn mới dám phơi bày những gì mà người khác cứ muốn giấu đi như thế.

Nguyễn Minh Châu không viết tự truyện và hồi kí văn học hiểu theo ý nghĩa thông thường. Nhưng có thể quả quyết, rằng trong những năm gần đây, Nguyễn Minh Châu có nhiều sáng tác mang nội dung tâm lí rất xác thực gắn với tấn bi kịch ông đã trải qua. Không thể viết truyện ngắn Sắm vai hấp dẫn đến thế nếu chính nhà văn chưa từng trải qua tấn bi kịch đánh mất bản thân. Và nhìn chung, Bức tranh, Dấu vết nghề nghiệp, Chiếc thuyền ngoài xa... không thể viết hay đến thế nếu nhà văn không phải là con người thường xuyên sống trong mặc cảm lầm lỗi, trong dằn vặt của lương tri.

Nguyễn Minh Châu không chỉ mang trong tâm can nỗi đau của bản thân. Ông đau nỗi đau của thế hệ, nỗi đau về “sự thất thiệt to lớn của văn nghệ minh hoạ” khiến cho đa phần “nhà văn đánh mất cái đầu và tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng. Dám nhìn thẳng vào sự thật ấy và vào chính bản thân mình để biết đau nỗi đau của một giai đoạn văn học là bài học thấm thía mà Nguyễn Minh Châu đã để lại cho những ai muốn thực lòng đổi mới tư duy nghệ thuật. Bởi một khi đã dám nói to lên sự kém cỏi và hèn đớn của bản thân, người ta sẽ không thể nào tiếp tục chấp nhận sự hèn đớn và kém cỏi được nữa. Lấy một ý thơ của Maiakopski để diễn đạt, có thể gọi Nguyễn Minh Châu là nghệ sĩ dám “vặn cổ bài ca của chính mình”.

Khi truyện ngắn Bức tranh vừa xuất hiện, giới phê bình đã cảm thấy bước ngoặt tất yếu sẽ xẩy ra trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Quả thế, liền sau Bức tranh, Nguyễn Minh Châu liên tiếp cho ra đời hàng loạt tác phẩm làm xôn xao dư luận. Công chúng bỗng nhận ra có một Nguyễn Minh Châu rất mới, khác xa với Nguyễn Minh Châu thời Dấu chân người lính. Vậy là, cùng với một vài cây bút khác, Nguyễn Minh Châu đã mầy mò để âm thầm, lặng lẽ tự đổi mới trước khi làn sóng đổi mới dâng lên mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của dân tộc. Trong những điều kiện cực kì khó khăn của đất nước, sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Mạnh Tuấn… đã đốt lên nhiệt tình tìm kiếm chân lí, báo trước khả năng tự đổi mới của nền văn học Việt Nam khi nó dám sòng phẳng với quá khứ, bất chấp trở lực cản ngăn.

Không phải ngay từ đầu, những sáng tác đổi mới của Nguyễn Minh Châu đã được giới văn nghệ chấp nhận dễ dàng. Có ý kiến xếp sáng tác của Nguyễn Minh Châu vào loại “hiện thực xã hội chủ nghĩa một nửa”. Phản ứng ấy là tất yếu. Sau năm 1975, trên cái nền chung của văn học Việt Nam, khi nó đang vận động theo quán tính của của giai đoạn trước đó, sự tự đổi mới diễn ra ở Nguyễn Minh Châu tuy âm thầm, chậm chạp, nhưng hết sức mạnh mẽ, càng về sau càng trở nên kiên quyết và triệt để. Giờ đây, mỗi tác phẩm của ông viết ra cứ y như là để đối chứng lại – một sự đối chứng đầy ý thức – với một quan niệm, một cách nhìn cũ nào đấy. Cho nên, hầu hết các sáng tác gần đây của Nguyễn Minh châu đều mang tính luận đề. Luận đề không chỉ là chủ âm của riêng truyện ngắn mang tên Một lần đối chứng. Đem hệ thống hoá những vấn đề Nguyễn Minh Châu đặt ra qua Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Hương và Phai, Bến quê, Khách ở quê ra, Mẹ con chị Hằng, Sống mãi với cây xanh, Mảnh đất tình yêu…, ta sẽ thấy nhà văn đã tiến hành một cuộc tổng “đối chứng” với rất nhiều những quan niệm bảo thủ, phiến diện, lệch lạc về cuộc đời, con người, về văn chương, nghệ thuật từng có thời thống trị trong ý thức xã hội, nhất là trong đời sống văn chương. Sự thật nghiệt ngã được mô tả trong Chiếc thuyền ngoài xa đã xua tan làn khói lãng mạn phủ lên hình ảnh từ lâu trở nên quen thuộc về một ngư phủ dưới cánh buồm mờ ảo lúc ban mai đang lên trên không gian xa rộng của biển cả. Cùng với Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu còn hàng loạt tác phẩm chứa đựng cái ý nghĩa rộng lớn, sâu xa: nó khiến người ta giật mình nếu quen nghĩ rằng, cuộc đời đã hết đau thương, nó khơi gợi người cầm bút nên nhìn kĩ vào những gì ẩn sau vẻ đẹp điền viên bề ngoài để nhớ tới trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống, trước con người. Với Khách ở quê ra, Sống mãi với cây xanh, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, Nguyễn Minh Châu đặt lại vấn đề “động trời”, vấn đề về khả năng tiếp nhận chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, đặc biệt là của người nông dân gia trưởng. Bến quê, Hương và Phai toát lên nhiệt tình phủ định cả cái quan niệm xem con người là trò chơi nghiệt ngã trong bàn tay của số phận, hoàn cảnh, lẫn quan niệm về sức mạnh toàn năng, bất khả chiến thắng của con người. Một lần đối chứng đặt lại vấn đề về sức mạnh khủng khiếp của của tính ác và tính thiện gắn liền với phần “con” và phần “người” trong bản tính của con người. Mảnh đất tình yêu tiếp tục mạch triết luận về thiện, ác, đồng thời tác phẩm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những thất thiệt lớn lao của cách mạng, của chủ nghĩa xã hội, khi những con người chân chính đánh mất cảnh giác, “không có con mắt ở phía sau”, để cho lũ cơ hội, nhân cách kém cỏi, len lỏi, chiếm chỗ của những nhân cách lớn. Nhìn chung, Nguyễn Minh Châu không chấp nhận những quan niệm sơ lược, giản đơn về con người và cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên, sự phát triển của tính cách, tình tiết và cốt truyện trong hàng loạt tác phẩm, ví như Hương và Phai, Mẹ con chị Hằng, Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Dấu vết nghề nghiệp, Bến quê... đều có khuynh hướng trượt ra ngoài những mô hình, những khuôn mẫu có sẵn trong mấy mươi năm văn học của chúng ta. Trên cơ sở “đối chứng” với những khuôn mẫu ấy, Nguyễn Minh Châu đã mang đến cho người đọc một hệ thống quan niệm mới mẻ về con người và cuộc đời mà nền tảng của nó là chiều sâu của một triết học nhân bản.

Sức hấp dẫn trên những trang viết gần đây của Nguyễn Minh Châu chính là chất thơ và chiều sâu triết học mà nhờ đó nhà văn hiện lên với đầy đủ tầm cỡ của nhà nghệ sĩ – nhà tư tưởng. Nhưng bài học thấm thía ông để lại trước lúc ra đi còn sâu sắc hơn nhiều: để trở thành nhà nghệ sĩ – nhà tư tưởng trong công cuộc đổi mới hôm nay, nhà văn buộc phải chấp nhận sự đớn đau để cắt bỏ trên thịt da, gạn chắt trong máu tuỷ tất cả những gì đang làm phương hại cho một cơ thể cường tráng.

Chiến tranh là sự kiện bất bình thường trong đời sống xã hội. Nền văn học Việt Nam đã trải qua cái cuộc sống bất bình thường ấy quá lâu. Cuộc chiến tanh trên đất nước chúng ta từng kéo dài tới mức khiến cho cái bất bình thường đã trở thành cái bình thường trong ý thức của mỗi cá nhân. Đó là cơ sở làm nảy sinh hàng loạt quan niệm, cách nhìn xa lạ với bản chất của con người và cuộc sống. Lấy nhân bản làm nền tảng cho hệ thống quan niệm về thế giới, Nguyễn Minh Châu quả đã góp phần khơi nguồn cho dòng sông văn chương trở về với đời sống bình thường của nó. Thay vì những câu chuyện về chiến tranh, về súng đạn, Nguyễn Minh Châu hôm nay thả bút theo tình đời. Bức tranh, Mẹ con chị Hằng, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Sống mãi với cây xanh là những câu chuyện về tình người, tình đời. Mảnh đất tình yêu là tình đời mở rộng thành triết học lịch sử. Đi sâu vào vương quốc của tình đời, ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đã nhanh chóng chuyển từ thế giới vĩ mô sang thế giới vi mô, từ thế giới của cộng đồng, dân tộc và lịch sử đến với những câu chuyện về đời tư và số phận của mỗi cá nhân con người. Nguyễn Minh Châu khá tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác lấy đời tư con người làm mảnh đất khám phá những quy luật vĩnh hằng của các giá trị nhân bản. Ở đây, cá nhân con người chẳng những là đối tượng, chất liệu nhận thức nghệ thuật mà còn là điểm xuất phát, là chuẩn mực để nhà văn soi ngắm và định giá thế giới.

Trước tình trạng đạo đức, phong hoá xã hội ngày một xuống cấp nghiêm trọng, Nguyễn Minh Châu đã xác định cho mình một vị trí chiến đấu vô cùng kiên định. Đó là vị trí của người trợ thủ đắc lực cho cái thiện trong cuộc đấu tranh giằng co, nhiều khi không ngang sức với cái ác. Tự đáy sâu tấm lòng đôn hậu của nhà văn, luôn luôn cháy lên một niềm tin thiết tha vào con người và sức mạnh bất diệt của những giá trị nhân bản. Ông nói: “Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ, kì diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ nhận thức, khám phá tất cả những cái đó”. Cho nên, với Nguyễn Minh Châu, sáng tác nghệ thuật cũng có nghĩa là đi “tìm cái hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Ngay cả khi mô tả cái ác, trực tiếp chống lại cái ác xã hội, tác phẩm của ông vẫn cứ là sự khơi gợi, thức tỉnh lương tri. Ta hiểu vì sao, sáng tác của Nguyễn Minh Châu vừa thấm nhuần tinh thần tự nhận thức và ý nghĩa khai sáng, lại vừa có khuynh hướng lí tưởng hoá, lãng mạn hoá vẻ đẹp tình người và những câu chuyện tình đời.

Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng Nguyễn Minh Châu đã để lại cho chúng ta bài học có ý nghĩa chung nhất: tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân – thiện – mĩ, quy luật nhân bản. Nhà văn chân chính có sứ mệnh khơi nguồn cho dòng sông văn học đổ ra đại dương nhân bản mênh mông.

Thành công của Nguyễn Minh Châu trong những năm gần đây khẳng định sự cần thiết phải đổi mới hệ thống thi pháp truyền thống và thi pháp nghệ thuật thế kỉ XIX. Bởi vì thi pháp tự sự truyền thống đang trở thành lực lượng kìm hãm văn xuôi hiện đại Việt Nam tiếp cận hiện thực đời sống ở một giai đoạn xã hội đầy biến động phức tạp. Xin dẫn một thí dụ. Do ảnh hưởng nặng nề của thi pháp truyện truyền thống, cho đến nay, đa số tác phẩm văn xuôi của chúng ta vẫn bị cột chặt vào mô hình tự sự được tổ chức theo những nguyên tắc của ý thức độc thoại. Trong mô hình tự sự ấy, điểm tựa của tác phẩm là cốt truyện được dàn dựng theo một số mô tip chủ đề có sẵn. Cốt truyện gắn liền với nhân vật và nội dung nhân vật được gói trọn trong cái khung tính cách thường được miêu tả như tổng số giản đơn của một số thuộc tính phẩm chất cùng loại. Rốt cuộc, hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm chỉ còn lại là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, hoàn toàn gián cách với hiện thực đời sống.

Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, mô hình tự sự tổ chức theo nguyên tắc của truyện kể đã được thay thế bằng mô hình tự sự tổ chức theo những nguyên tắc tiểu thuyết. Nhờ thế, mạch suy tưởng, triết lí tràn vào mạch trần thuật. Mạch kể nhiều khi phải đuổi theo mạch tả, dòng sự kiện hồi cố lấn át dòng sự kiện tiến trình cố truyện làm cho khung cốt truyện ngày càng có khuynh hướng nới lỏng. Cốt truyện của Mảnh đất tình yêu được nới lỏng tới mức có thể xem tác phẩm là “một bài thơ dài” (lời của Quy, nhân vật người kể chuyện trong tác phẩm). Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, sáng tác của Nguyễn Minh Châu có khuynh hướng giải phóng cho nhân vật văn học thoát khỏi chức năng khái quát tính cách thuần tuý. Phù hợp với mục đích luận đề được viết trong thời gian gần đây, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công nhiều nhân vật tư tưởng. Nghĩa là, những nhân vật ấy chỉ tồn tại như một ý thức, một tư tưởng chứ không liên quan gì tới chuyện tính cách (nhân vật “tôi” trong Bức tranh hoặc Quy trong Mảnh đất tình yêu là những nhân vật như thế). Lại có nhiều nhân vật được nguyễn Minh Châu sử dụng như một phương tiện thể hiện trực tiếp một dạng tồn tại, một hình thái đời sống. Rõ ràng, không thể xem bác Thông trong Sống mãi với cây xanh, hoặc Khúng trong Khách ở quê ra như những nhân vật điển hình cho một loại tính cách nào đó. Bởi những nhân vật này được miêu tả như là hiện thân của một dạng tồn tại, một hình thái của đời sống. Bác Thông không chấp nhận đẵn cây để quy hoạch thành phố, Khúng không chấp nhận cuộc sống đô thị chính là không chấp nhận những hình thức đời sống xa lạ với hình thức đời sống mà bản thân họ đã trở thành một bộ phận hữu cơ hoà đồng vào trong đó. Khi phải mô tả tính cách, Nguyễn Minh Châu bao giờ cũng thể hiện con người như một nhân cách. Nghĩa là ngòi bút của ông luôn luôn hướng tới những biểu hiện đầy biến động của các quá trình tư tưởng, tình cảm, tâm lí để nắm bắt cái con người đích thực ở trong con người. Nhân vật của Nguyễn Minh Châu vì thế không bao giờ đồng nhất với bản thân nó. Về phương diện này, Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc truyền thống văn xuôi tâm lí được hình thành trong sáng tác của Nam Cao. Những cách tân nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu vừa góp phần mở rộng khả năng phản ánh hiện thực của văn xuôi tự sự, vừa làm giảm bớt tính loại biệt, ước lệ và sụ gián cách của nội dung nghệ thuật với hiện thực đời sống.

*
Nếu không có công cuộc đổi mới trong xã hội và trong văn nghệ hôm nay thì sự hiểu biết và đánh giá của chúng ta về Nguyễn Minh Châu chắc chắn không thể nào đầy đủ và chính xác. Bởi nếu không có công cuộc đổi mới thì làm sao Nguyễn Minh Châu có thể nói hết những gì ông muốn nói! Thành công của ông trong những năm gần đây là sự gặp gỡ kì diệu giữa thời đại và cảm quan nghệ thuật nhạy bén của người nghệ sĩ với những tìm kiếm chân lí kiên trì, những suy ngẫm trăn trở đầy trách nhiệm của một nhà văn tài năng và tâm huyết. Sáng tác của Nguyễn Minh Châu sẽ còn mãi như đài tưởng niệm nhắc nhở những người cầm bút mai sau về giai đoạn chuyển mình đầy khó khăn và phức tạp nhưng cũng đầy triển vọng tươi sáng của nền văn học Việt Nam ở những năm cuối cùng của thế kỉ XX.

L.N.
(SH39/09&10-89)


---------------
(*) Tham luận tại Hội thảo Khoa học "Chung quanh một số vấn đề thời sự văn học" do Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.





 

Các bài mới
Tĩnh vật (16/03/2016)
Các bài đã đăng