Tạp chí Sông Hương - Số 322 (T.12-15)
Vị Lê tiến sĩ làng Phú Xuân là ai?
09:10 | 22/12/2015

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Đình làng Phú Xuân từng được các triều vua Nguyễn “quan tâm đặc biệt” và nay được cấp bằng di tích lịch sử quốc gia. Ở đình, dân làng Phú Xuân thờ một số thiên thần, nhân thần như các làng ở Thuận Hóa, ngoài ra còn thờ một số nhân thần bổn thổ là những nhân vật lịch sử thuộc triều Lê, triều Tây Sơn và triều Nguyễn.

Vị Lê tiến sĩ làng Phú Xuân là ai?
Bìa gia phả phái 3 Lê Văn Tây Lộc và phần sao chép, phiên âm, dịch nghĩa sắc phong thần ngài Lê Bá Tài vào thời Khải Định

Hằng năm ngoài cúng tế ngài khai canh Hoàng Hối Khanh vào ngày 5 và 6 tháng 6 âm lịch làng còn phối tế nhiều nhân thần nữa. Theo bác Lê Đình Đắc, trong bài “Lịch sử làng Phú Xuân - Đình Phú Xuân”, họ Lê làng Phú Xuân với thủy tổ là ngài Hồ Phi, vị này sinh ngài Hồ Bài. Khi ngài Hồ Bài sinh được hai nam, để tiện thi cử và tiến thân, hai người con này đã đổi họ Hồ sang họ Lê, hai vị ấy là Lê Tử Văn và Lê Chí Đức; về sau cả hai ngài là nhân thần của làng Phú Xuân. Bài viết của bác Đắc chưa đề cập nhánh họ Lê gốc Thanh Hóa của làng Phú Xuân. Đặc biệt làng Phú Xuân còn giữ lệ tảo mộ ngài “Lê tiến sĩ” ở thôn Xuân Đài. Gia phả các phái họ Lê không ghi chép ngài Lê tiến sĩ, tại sao làng Phú Xuân giữ gìn mộ ngài Lê tiến sĩ và giữ lệ chạp mộ ngài hằng năm? Lại thêm, gần đây có ông Lê Văn Minh Hiến, thuộc phái 3 Lê Văn Tây Lộc Phú Xuân, phát hiện trong gia phả của phái 3 Lê Văn Tây Lộc Phú Xuân (soạn năm 1954) có sai lệch, cụ thể bị mất 2 đời (?). Ông Lê Văn Minh Hiền đã viết thư kêu gọi con cháu bổn phái bổ sung điều thiếu sót.

Như vậy có một số tồn nghi liên quan họ Lê làng Phú Xuân:

Tại sao có sự sai lệch thế thứ trong gia phả họ Lê Văn Tây Lộc Phú Xuân? Vị Lê tiến sĩ của làng Phú Xuân là ai? Phải chăng họ Lê làng Phú Xuân chỉ do họ Hồ đổi qua như bác Lê Đình Đắc thông báo?

Trong bài nghiên cứu này chúng tôi lần lượt trình bày kiến giải quanh ba tồn nghi nêu trên:

Sai sót khi nghiên cứu phổ đồ

Khi nghiên cứu tìm tông tích ngài Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại, tông tích ngài khai canh Lê (quý công) của làng Dương Xuân, chúng tôi tìm cách tiếp cận gia phả một số chi phái họ Lê ở Phú Xuân Thuận Hóa, phát hiện phổ đồ chép trên vải, soạn từ năm Chánh Hòa thứ 23, đang lưu giữ trong tráp gỗ, tôn trí ở án giữa nhà thờ “Chi Lê Văn Xuân Đài, Phú Xuân”. Qua tìm hiểu được biết năm 1954, các cụ Lê Văn Tập, Lê Văn Chương, Lê Văn Luân, Lê Văn Cống từng tham cứu phổ đồ này để soạn gia phả phái 3 Lê Văn, Tây Lộc Phú Xuân. Rõ ràng phổ đồ này là tư liệu gốc.

Trong phổ đồ có ghi rõ: Thượng cao cao cao… tổ khảo kinh triệu quận Triêm ân hầu Lê Bá Tài. Đệ nhất thế cao cao …tổ khảo Lê Văn Mưu. Đệ nhị thế cao cao… tổ khảo Lê Văn Lược. Đệ tam thế cao cao… tổ khảo Lê Văn Hào. Đệ tứ thế tổ khảo Đặc tấn phụ quốc thượng tướng quân Minh Đức Tử Lê văn Thuật (húy Minh).

Hỏi ông Lê Văn Phiên, 65 tuổi, thuộc chi Lê Văn Xuân Đài, ông Lê Văn Trình (72 tuổi) thuộc phái 3 Lê Văn Tây Lộc thì quả có các cụ Chương, Tập,... từng dự lễ chạp phái với các ông Lê Văn Trác, Lê Văn Đạm, Lê Văn Cầu... ở Xuân Đài và đã dựa vào phổ đồ của họ Lê (1702), do chi Lê Văn Xuân Đài phụng giữ, để làm gia phả phái Lê Văn Tây Lộc. Trong phổ đồ trình bày 3 cột, cột giữa đời I, cột phải đời II, cột trái đời III, cùng khổ ngang nhưng có ghi rõ Đệ nhất thế, đệ nhị thế, đệ tam thế, các vị soạn gia phả phái 3 Lê Văn Tây Lộc đã gộp 3 đời thành một đời. Bác Lê Văn Trình (72 tuổi), chú ruột của anh Lê Văn Minh Hiến cho chúng tôi nghiên cứu Gia phả phái Lê Văn Tây Lộc thì thấy có ghi ngài Lê Bá Tài sinh đặng 3 trai là Lê Văn Mưu, Lê Văn Lược, Lê Văn Hào. Trong khi đó ghi Đời I (Lê Văn Mưu), đời II (Lê Văn Lược), Đời III (Lê Văn Hào).

Vậy vấn đề đã sáng tỏ: Sơ tổ là ngài Lê Bá Tài, ngài Lê Văn Mưu (đời I) sinh hạ ngài Lê Văn Lược (đời II), ngài Lê Văn Lược sinh hạ ngài Lê Văn Hào (đời III), ngài Lê Văn Hào sinh hạ ngài Lê Văn Thuật (đời IV)…

Vài nét về thân sử của ngài sơ tổ Lê Bá Tài

Các vị cao niên họ Lê đều giữ truyền ức Triêm ân hầu Lê Bá Tài nguyên quán Phủ Lý, Thanh Hóa. Do thân phụ của ngài đỗ tiến sĩ và làm quan triều Lê nên ngài Lê Bá Tài được tập ấm với tước Triêm Ân hầu. Ngài đã không cộng tác với nhà Mạc, phò Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, về sau nhập tịch làng Phú Xuân. Gia phả không chép rõ hành trạng con, cháu, chắc của ngài sơ tổ Lê Bá Tài nhưng chít của ngài (đời V) là Lê Văn Thuật (còn có tên là Minh), tước Minh Đức Tử, từng giữ chức Tướng Thần thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ngài Lê Văn Thuật có quân công nên thăng đến Phụ quốc thượng tướng quân. Bởi vậy làng Phú Xuân đã tôn sơ tổ Triêm Ân Hầu Lê Bá Tài của ngài Minh Đức Tử thành một trong những nhân thần khai canh của làng, về sau được các vua triều Nguyễn sắc phong. Do thiên tai, địch họa, các sắc phong đã bị mất, chỉ còn duy nhất một bản sao sắc phong thần của ngài thời Khải Định, được hậu duệ Lê Văn Luân (đời XI) sao, phiên âm và dịch nghĩa, lưu trong cuốn gia phổ phái 3, Lê Văn, Tây Lộc.

Ngài Triêm Ân Hầu Lê Bá Tài khi mất được táng tại xứ Thẩm Khê, gần xứ Phủ Tú làng Dương Xuân, phần mộ khoảng một sào, riêng uynh thành xây bằng đá gan gà rất bề thế. Năm 2004, do dân sở tại lấn chiếm, những công trình phụ quanh mộ rất ô uế nên con cháu họ Lê đồng thuận cải táng ngài lên vùng đồi núi Chín Hầm, trước lăng vua Hiệp Hòa. Khi cải táng mộ ngài Lê Bá Tài, đã gần 300 năm, việc tìm hài cốt rất khó, nhưng con cháu kiên trì đào, đã tìm ra ba lớp đất, vừa vặn kích thước của quan tài, lớp dưới xốp đen, không còn xương cốt. Đây là bằng chứng ngài sơ tổ Lê Bá Tài đã từng sống ở làng Phú Xuân và khi mất đã được táng ở vùng đồi gò đồi phía nam núi Ngự Bình.

Người cải táng thủy tổ Lê tiến sĩ từ Phủ Lý Thanh Hóa vào Phú Xuân

Trong gia phả họ Lê phái 3 Tây Lộc có sao lại nội dung “Thần chủ của Phụ quốc thượng tướng quân” và dịch nghĩa như sau: “Ông Đặc tấn phụ quốc thượng tướng quân Tướng thần Minh Đức tử họ Lê húy Phán tự Văn Thuật thụy là Cần Trực... Ông này sinh vào giờ Mão, ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Mùi [1629], thọ 49 tuổi. Ông mất vào giờ Ngọ, ngày 25 tháng 3 năm Đinh Mùi [1678]. Mộ chôn tại địa phận làng An Cựu, xứ Trãng Dưa, dưới chân núi Ngự Bình, tọa hướng Bính, xoay mặt hướng Nhâm”.

Ông Lê Văn Trình thuộc phái 3 Lê Văn Tây Lộc, ông Lê Văn Phiên phái 2 Lê Văn Xuân Đài đều biết truyền ức; rằng ngài Phụ quốc thượng tướng quân Lê Văn Thuật, thời chúa Nguyễn, cháu gọi bằng sơ của ngài Triêm Ân hầu Lê Bá Tài, do bận việc quan, hơn nữa đang gặp thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đã nhờ bà chị Lê Thị… (không chồng), con cháu họ Lê Xuân Đài, Tây Lộc thường “Bà Cô ngũ đợi”, giả dạng người lái buôn, về quê Phủ Lý, Thanh Hóa, xin phép họ Lê ở cố hương, dời mộ ngài thân phụ của sơ tổ Lê Bá Tài, là một vị tiến sĩ triều Lê, và một số mộ người thân khác, hài cốt đặt trong lu, hủ và thuê gọ chở từ Phủ Lý, Thanh Hóa vào Phú Xuân. Do ngài Minh Đức tử Lê Văn Thuật phò tá triều chúa Nguyễn, có uy vọng, lại có công với làng Phú Xuân nên làng tôn sơ tổ Lê Bá Tài thành nhân thần khai canh, và Lê tiến sĩ, thân phụ của nhân thần Lê Bá Tài, có mộ được táng ở thôn Xuân Đài, gần miếu khai canh làng Phú Xuân, và từ xưa đến nay làng Phú Xuân lo việc chạp giỗ mộ Lê tiến sĩ hằng năm. Vì bà chị ruột của ngài Lê Văn Thuật, có công về cố hương dời mộ, hơn nữa bà không lập gia đình nên con cháu lập am thờ ở trong khuôn viên từ đường chi Lê Văn Xuân Đài, mộ táng gần mộ của ngài Minh Đức tử. Hiện am “Bà Cô ngũ đợi” vẫn còn và con cháu họ Lê Xuân Đài thường xuyên hương khói.

Lê tiến sĩ là ai và mộ ngài hiện ở đâu?

Gia phả các phái họ Lê không ghi chép ngài Lê tiến sĩ, chỉ chép từ sơ tổ là ngài Triêm Ân hầu Lê Bá Tài.

Trước hết, qua truyền ức con cháu họ Lê Văn gia phả họ Lê Phú Xuân, văn sớ tế thần làng Phú Xuân, thì ngài Lê Tiến sĩ là thân phụ của Triêm Ân hầu Lê BáTài. Vì hậu duệ đời thứ 6, Lê Văn Truy, viết gia phả năm 1702, cách năm thủy tổ đỗ tiến sĩ khoảng 180 năm, nên phỏng đoán năm đỗ tiến sĩ trong khoảng từ 1500 đến 1530. Ông Lê Văn Phiên cho biết họ Lê Phú Xuân thường kiêng húy chữ Khang, Khương, gặp chữ này đọc trại thành “Khen”. Và tra cứu trong gia phả Lê Văn Phú Xuân không có người nào có tên Khang, Khương.
 

Làng Phú Xuân viếng mộ cô hồn vào ngày 14/1/Ất Mùi, (trong ảnh có mộ dời của Lê tiến sĩ)


Thứ đến tìm cách tiếp cận làng Phủ Lý, Thanh Hóa, để tìm tông tích Lê tiến sĩ. Làng Phủ Lý hay Bối Lý tên Nôm là Kẻ Rỵ, là một làng cổ, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thời Lê, vùng đất xã Thiệu Trung ngày nay gồm hai làng là Phủ Lý (còn gọi là Bối Lý, kẻ Rỵ hay làng Rỵ) và Trà Sơn Đông (kẻ Chè hay làng Chè, sau đổi là Trà Đông và sau là Trà Hạ), thuộc tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên. Đến triều Gia Longgphủ Thiệu Thiên được đổi làm phủ Thiệu Hóa. Làng Kẻ Rỵ nổi tiếng với nghề thủ công đúc đồng và cũng là quê hương nhà sử học đầu tiên của đất nước là Lê Văn Hưu. Làng Phủ Lý có từ đường thờ sử gia Lê Văn Hưu (nhà nước công nhận di tích lịch sử), có từ đường họ Lê, trong đó có thờ Đệ tam giáp tiến sĩ Lê Bá Khang và Đệ nhị giáp tiến sĩ Lê Biện. Huyện Đông Sơn (cũ) (hiện nay có một số xã như Thiệu Trung, Thiệu Đô, Thiệu Vận, Thiệu Giao... thuộc huyện Thiệu Hóa) có Khu Văn chỉ tọa lạc ở cánh đồng làng Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung. Ở di tích này có bia đá ghi danh các vị tài đức. Khoa Tân Mùi: Thời Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511) Tướng công: Lê Bá Khang, quê Phủ Lý, thi đậu Đồng Tiến Sĩ xuất Thân. Chức: Tả Thanh Chánh xứ Nghệ An.

Ở Văn miếu Thăng Long, có bia tiến sĩ văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 3 (1511):

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 35 người:
.......
LÊ BÁ KHANG 黎伯康 người huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên.
......

Vậy Lê tiến sĩ là ngài Lê Bá Khang, thân phụ của Triêm Ân hầu Lê Bá Tài. Khi còn ở quê Phủ Lý, Lê Bá Khang đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi năm Hồng Thuận thứ 3 [1511]. Ngài Lê Bá Khang từng giữ chức Tả thanh chánh xứ Nghệ An, về triều giữ chức Tham chính. Như vậy ở làng Phú Xuân có một nhánh họ Lê gốc làng Phủ Lý, tổng Thiệu Trung, Thanh Hóa vào lập nghiệp với sơ tổ là Triêm Ân hầu Lê Bá Tài, con trai của tiến sĩ Lê Bá Khang.

Nguồn cội họ Lê Văn Phú Xuân

Hiện nay ở làng Bối Lý (từng làng Rỵ) vẫn còn hậu duệ là con cháu ông Lê Văn Vĩnh, em trai của ông Lê Văn Dương (đời thứ 21), còn giữ hai bổn gia phả họ Lê Văn: Lê gia chính phả (ghi 6 đời, quan chủ bạ Trương Đức Bá phụng ghi) và Lê đường thế biên (không rõ người phụng ghi, người dịch là cụ Trần Huy Bá). Căn cứ vào hai bản phổ gốc này thì tiến sĩ Lê Bá Khang thuộc đời thứ mười hai. Chúng tôi xin ghi ngược từ Lê Bá Khang đến ngài thủy tổ như sau:

Đời 12: Lê Bá Khang, tiến sĩ khoa Tân Mùi 1511, Tham chính,
Đời 11: (muội húy do lược dịch)
Đời 10: (muội húy do lược dịch)
Đời 9: Lê Văn Nhân, Học thượng xá sinh, Bá thủ lệnh,
Đời 8: Lê Văn Chung, Thái học sinh
Đời 7: Lê Văn Hưu (1230 - 1322), sử gia lớn
Đời 6: Lê Văn Minh (ở ẩn khi nhà Lý suy, cư sĩ Phật giáo và ngài mất sớm)
Đời 5: Lê Văn Trung, tự Văn Bảo, thụy Phúc Văn, ẩn sĩ
Đời 4: muội húy, thiền sư, Trưởng Lão, Quản giới
Đời 3: Lê Văn Chính (Thượng trụ khai quốc công) (thời Lý)
Đời 2: Lê Văn Dương (Quản giới, Đạo Quang trưởng lão)
Đời 1: Lê Văn Vũ (Trấn quốc công, Bộc xạ tướng quân thời Đinh)

Như thế họ Lê Văn làng Phú Xuân có gốc là một vọng tộc của làng Rỵ (Bối Lý hay Phủ Lý) Thiệu Trung Thanh Hóa. Họ này phần lớn làm quan hoặc làm sư ở chùa Hương Nghiêm thuộc làng Rỵ.

Thay lời kết

Họ Lê làng Phú Xuân có hai ngôi mộ của ngài thủy tổ là tiến sĩ Lê Bá Khang, có bia đề danh ở văn miếu Thăng Long và ở văn chỉ Đông Sơn Thanh Hóa, có mộ cải táng từ làng Rỵ Thanh Hóa vào Phú Xuân, lại có mộ người con trai Triêm Ân hầu Lê Bá Tài theo phò chúa Nguyễn Hoàng được triều Nguyễn phong thần, được làng Phú Xuân tế lễ và tảo mộ hằng năm. Thế nhưng do vật đổi sao dời, ngôi mộ thủy tổ Lê Tấn sĩ phải khiêm tốn nằm ở phần mộ cô hồn xã Thủy Dương, phần mộ ngài sơ tổ Lê Bá Tài là mộ dời, kích thước 2x2m, nằm dưới chân mộ con cháu họ Lê... Rất mong làng Phú Xuân và họ Lê của làng, khi có điều kiện tiền bạc, tổ chức quyên góp để cải táng mộ ngài thủy tổ là tiến sĩ Lê Bá Khương và sơ tổ Triêm Ân hầu Lê Bá Tài đến địa cuộc mới, hợp phong thủy và xây dựng mộ của hai ngài hoành tráng hơn. Nên chăng, họ Lê làng Phú Xuân nên cử người về Phủ Lý (làng Rỵ), Thiệu Trung Thanh Hóa, chiêm bái từ đường họ Lê, nơi thờ tiến sĩ Lê Bá Khang, rồi từ ngài thủy tổ Lê Bá Khang có khả năng kiểm chứng hằng chục đời họ Lê Văn, trước Lê Bá Khang, trong đó có sử gia nổi tiếng Lê Văn Hưu.

T.V.Đ
(SH322/12-15)





 

Các bài mới
Sắp đặt lửa (29/12/2015)
Huế mưa (29/12/2015)
Các bài đã đăng