Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-15)
Hoàng Phủ Ngọc Tường với “Thế hệ vàng” và Tâm thức Huế
14:36 | 28/12/2015

BỬU NAM

1
Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc “Thế hệ vàng” của văn chương nghệ thuật Huế hậu bán thế kỷ XX gắn bó với những tên tuổi có tiếng như Trịnh Công Sơn (trong ca khúc phản chiến và tình ca), Đinh Cường (trong hội họa vừa biểu hiện vừa trừu tượng lãng mạn), Bửu Ý (trong dịch thuật và tạp bút), Ngô Kha (trong thơ siêu thực), và về sau, Bửu Chỉ (trong tranh bút sắt và tranh sơn dầu đậm chất biểu tượng triết lý)...

Hoàng Phủ Ngọc Tường với “Thế hệ vàng” và Tâm thức Huế
Hoàng Phủ Ngọc Tường, tranh Đinh Cường
Trịnh Công Sơn, tranh Bửu Chỉ
Ngô Kha, tranh Đinh Cường
Đinh Cường, tranh Trịnh Công Sơn
Bửu Ý, tranh Đinh Cường
Bửu Chỉ, tranh Đinh Cường

Đó là một thế hệ tài năng, tài hoa, làm rạng rỡ tên tuổi xứ Huế, với những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng hàng đầu, còn tồn tại lâu dài với thời gian và có chất gây men, tạo cảm hứng hoặc có sức lan tỏa cho các thế hệ tiếp nối. Đặc biệt ở họ gắn kết một tình bạn nghệ sĩ hiếm có, thủy chung qua mọi biến thiên dâu bể của thời cuộc, mọi bất trắc của cuộc đời và mọi phản trắc của lòng người, và cũng với rất nhiều thương yêu, khoan dung và từ bi cho nhau.

Họ đều thích lãng du rong chơi và thích kết giao với giới giang hồ nghệ sĩ, trọng bạn và quý bạn, và hơn hết họ ao ước cống hiến đời mình cho văn học nghệ thuật, đi tìm những con đường mới, lạ cho lĩnh vực sáng tạo này, mỗi người theo một cách thế tùy cái tạng cái tính nghệ sĩ, sự chọn lựa nghệ thuật của mình.

Nhưng bên cạnh đó, họ thuộc thế hệ của một cuộc chiến tranh khốc liệt và đẫm máu nhất trong lịch sử dân tộc mà vinh quang hay cay đắng, hào hùng hay bi thương tùy quan điểm đứng phía bên này hay bên kia nhìn nhận. Là những nghệ sĩ có trái tim nhạy cảm với thời cuộc, với tình tự dân tộc thẳm sâu trong tâm hồn, họ đều thể hiện lòng yêu thương quê hương, đất nước, nhân dân mình như một điểm chung, tuy vậy họ biểu lộ bằng những phản ứng và thái độ khác nhau, với những cường độ, sắc thái, chiều kích không giống nhau.

Mỗi người trong họ là một thực thể phức tạp, với những mâu thuẫn, những nghịch lý, những đối cực. Vừa hết sức cô đơn, nhưng lại vừa muốn gắn kết đời mình với bạn bè, tha nhân, đồng loại. Vừa hết sức bi quan, âu lo, ưu phiền với tháng ngày thênh thang nhưng mệt mỏi, nhàm chán, nhưng cũng vừa ham sống, yêu đời thiết tha, nâng niu từng sát na cuộc đời. Vừa luôn suy nghĩ, ưu tư về cái chết, về cõi mang mang vô cùng, nhưng cũng từ đó bật lên những tia sáng hy vọng cho đời sống. Cô đơn và tình bạn, tình yêu, đất nước và phận người, mối quan hệ giữa con người công dân, con người nhân bản và con người nghệ sĩ hình như đôi lúc giằng xé đớn đau trong tâm hồn và suy nghĩ của họ.  

2

Nhóm này chịu nhiều ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng, triết học và nghệ thuật phương Tây như chủ nghĩa hiện sinh, trào lưu siêu thực, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa trừu tượng, phê bình mới, nhạc rock, nhạc blues và thánh ca da đen. Những nhà văn, nhà triết học như Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Nichos Kazanzaki cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến họ. Bên cạnh đó một thần tượng lãng du tài tử điện ảnh James Dean cũng rất được họ ưa thích. Cuốn tiểu thuyết “Phía Đông vườn địa đàng” của John Steinbeck viết về tình bạn nghệ sĩ lãng du được họ xem là sách gối đầu giường. Tuy vậy, chất triết phương Đông đặc biệt là cảm quan Thiền và triết lý “dịch biến” của Kinh Dịch cũng thấm được trong sáng tác của họ. Truyện và ngôn ngữ kiếm hiệp Kim Dung với Cô gái Đồ Long, Ỷ Thiên kiếm, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ rất được họ ưa thích và đôi khi trở thành một số từ ngữ thông dụng của họ. Các văn nghệ sĩ này chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Pháp, sử dụng tiếng Pháp thành thạo trong đọc, nói, viết. Trịnh Công Sơn và Bửu Ý xuất thân từ chương trình Pháp nên sử dụng ngôn ngữ này gần như tiếng mẹ đẻ.

Toàn bộ các văn nghệ sĩ này đều theo tư tưởng phản chiến, nổi loạn, khước từ, nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, và sau này Bửu Chỉ, dấn thân, nhập cuộc (engagement) sâu vào phong trào đấu tranh của trí thức, sinh viên khuynh tả đô thị nhiều hơn, từ năm 1963 cho đến trước 1975 tùy người. Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường còn lên chiến khu theo Giải phóng. Trịnh Công Sơn cũng dần dần đi theo xu hướng khuynh tả này trong Ta phải thấy mặt trời, Kinh Việt Nam, nhưng thanh thoát hơn và nghệ sĩ hơn. Đinh Cường và Bửu Ý rút sâu vào thế giới văn chương và nghệ thuật hội họa.

3

Các văn nghệ sĩ trong nhóm này có ảnh hưởng và tác động lẫn nhau theo chiều hướng tích cực giữa nhạc, họa, thơ văn, triết lý... Ta thấy rõ chất văn, quý phái của Hoàng Phủ Ngọc Tường thừa hưởng tổng hợp những yếu tố này. Trong ca từ của Trịnh Công Sơn thấm đượm chất thơ và chất triết lý. Ngôn ngữ siêu thực khảm sâu trong thơ của Ngô Kha và ca từ Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn sau này lại rất thích vẽ và vẽ rất đẹp, tranh của ông như tranh một họa sĩ thực thụ. Ông lại viết tùy bút hoặc tạp văn rất hay với những hình ảnh và cách so sánh lạ, nhưng cũng thấm đượm chất triết lý. Đinh Cường lại làm rất nhiều thơ, thơ đầy chất trữ tình sâu lắng và lãng mạn, và có nhiều bài rất hay. Bửu Ý và Hoàng Phủ Ngọc Tường rất am hiểu âm nhạc, hội họa, điêu khắc, họ viết các bài tựa rất hay cho các tập nhạc Trịnh Công Sơn, viết những brochure đặc sắc với chữ nghĩa điêu luyện đầy ma lực cho các cuộc triển lãm tranh Đinh Cường, hoặc Bửu Chỉ, hoặc cả Đinh Cường, Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn. Họ cũng viết rất sâu về thơ Ngô Kha và con người Ngô Kha. Cả Hoàng Phủ Ngọc tường và Bửu Ý đều viết rất nhiều bài về con người và ca khúc của Trịnh Công Sơn. Tập bút ký văn hóa “Trịnh Công Sơn – Cây đàn lya và Hoàng tử bé” của Hoàng Phủ Ngọc Tường cuốn hút, chinh phục được lòng hâm mộ của giới mê nhạc Trịnh. Tập chuyên khảo “Trịnh Công Sơn – một nhạc sĩ thiên tài” của Bửu Ý nghiên cứu rất sâu về con người và âm nhạc của nhạc sĩ nổi tiếng này. Bửu Chỉ lại viết về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn rất thông tuệ và đầy hấp lực. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Ngô Kha, Bửu Chỉ đều có tài ăn nói và có duyên trong trò chuyện, và cũng thích tranh luận. Trịnh Công Sơn và Đinh Cường ít nói, nói từ tốn, nhỏ nhẹ, kiệm lời. Tường, Ý, Kha đều có năng khiếu làm báo và làm báo giỏi. Chỉ có điều Tường, Kha nổi tiếng làm báo tranh đấu, còn Bửu Ý thì rất giỏi làm báo văn nghệ. Sau này, vào năm 1992, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại làm tạp chí Cửa Việt rất hay, được cả nước biết tiếng trong 17 số liền.

Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Bửu Chỉ luôn luôn trăn trở với song luận nghệ sĩ và cách mạng, trong khi đó Trịnh Công Sơn cũng có chú ý nhưng xem nhẹ hơn. Còn Bửu Ý và Đinh Cường tuyệt nhiên không băn khoăn về song luận đó.

4

Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã viết hàng loạt bút ký về nhóm bạn này với nhiều thể tài khác nhau, khi thì thiên về truyện ký tự thuật trong “Như con sông từ nguồn ra biển”, khi thì thiên về hồi ký như “Căn nhà của những gã lang thang”, “Tuyệt tình cốc”, “Đà Lạt-Noel 1965 và Đinh Cường”, “Một thời làm báo”.

“Căn nhà của những gã lang thang” gợi lên một tình bạn nghệ sĩ của tuổi trẻ tài hoa, thật thơ mộng, thật lãng mạn như trong tiểu thuyết “Phía Đông vườn địa đàng”, với những cuộc dạo chơi lang thang trong đêm của Huế bát ngát, mênh mông đầy mùi hương hoa với những sẻ chia từ những ca khúc của Sơn, với tiếng đại bác đêm đêm vọng về thành phố, những bức tranh lạ lùng như bức “Cầu say” của Cường, những câu thơ về nỗi buồn gỗ đá và sự hồi sinh những con tàu của Kha, với những suy tư triết lý về thân phận con người của Tường, và đặc biệt có thêm sự xuất hiện của anh Đỗ tức Đỗ Long Vân, nhà phê bình sớm vận dụng thuyết cơ cấu để giải mã tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung và Nguồn nước ẩn Hồ xuân Hương, người mà Bùi Giáng gọi là nhà biên khảo thơ hơn cả thơ. Mà tình bạn thật đẹp đó cũng thật bi thảm vì đó là tuổi của chiến tranh. Đêm đó anh Đỗ và Sơn chuẩn bị cho ngày mai bị gọi đi quân dịch. Chi tiết anh Đỗ ngủ say trên cỏ, Kha nhặt những cánh phượng vĩ đỏ thắm rải chung quanh người anh để khi anh tỉnh dậy có một hình người bằng hoa đỏ thắm màu máu trên cỏ xanh như biểu tượng cho sự thơ mộng bất tử bi thương của tuổi chiến tranh. Đó là một thiên bút ký bất tử hóa tình bạn nghệ sĩ một thời, cũng là thiên bút ký làm bất tử hóa căn nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ, mà nơi đó trong hơn hai mươi năm Sơn đã viết hầu hết những ca khúc làm mê đắm lòng người nhiều thế hệ và cũng ở đó một gã lang thang khác là Tường cũng trong hơn hai mươi năm đã viết hàng chục thiên bút ký đẹp lộng lẫy của đời mình. Căn nhà đó đã ghi dấu tình bạn bất diệt của Sơn-Tường, hai gã nghệ sĩ lang thang trong cõi tạm trần gian để đi tìm vẻ đẹp mong manh của những đóa phù dung cuộc sống. Trong trang nhật ký ba mươi tuổi của mình vào năm 1969, Sơn đã nhớ thương da diết thằng bạn thân là Tường, thằng bạn có thói quen trong bữa tiệc sinh nhật bạn bè uống rượu chúc mừng xong là quăng ly xuống sông, xuống biển xuống đèo, thằng bạn mà năm Sơn mới 26 tuổi đã giới thiệu với Thế Uyên, với giọng tiên tri, đây là kẻ sẽ nổi tiếng hơn tất cả mọi chúng ta, tên tuổi của y sẽ còn ở trong lòng người thật. Và sau này Sơn đã vẽ một chân dung của Tường ngưng đọng bất tử ở tuổi 20 trong dáng vẻ của một con người nghệ sĩ đầy tinh tế dịu dàng, đầy thương yêu với bạn. Cường cũng vẽ một chân dung màu về Tường với khuôn mặt hết sức hiền hậu đầy trầm tư mơ mộng (và cũng vẽ một chân dung về Kha như một Rimbaud ưu sầu linh giác khi sáng tác Ngụ ngôn người đãng trí, trường ca có lẽ lớn nhất của nền thơ ca siêu thực Việt Nam). Khi nhớ tới Sơn-Tường, người ta sẽ nhớ tới lời của Lê Đức Dục, “… tôi không biết mình mê nhạc của họ Trịnh hay những trang văn của anh Tường hơn. Dường như có một nỗi mê đắm dẫn dụ tôi đi trong mịt mùng của nhạc và văn ấy”, hoặc nói như Nguyễn Trọng Tạo, “mỗi khi nhớ Huế thì thèm đọc một trang văn đẹp sang trọng của Tường hoặc hát vu vơ một tình khúc thơ mộng của Sơn”.

Bởi chính trong ca khúc của Sơn cũng như trong văn của Tường, ta bắt gặp tâm hồn sâu thẳm của Huế. Cao Huy Thuần, Trần Hạ Tháp, chính tôi và nhiều người khác đã từng chứng minh tâm thức Huế, chất Huế trong ca khúc của họ Trịnh. Phạm Xuân Nguyên, Đặng Nhật Minh, Trần Thùy Mai, Tô Hoài, Bùi Bình Thi cũng đã nhận thấy thiên nhiên Huế, cảnh quan Huế, tình Huế và cả tư tưởng Huế, con người Huế, chất Huế, đầy chiều sâu nhân bản ẩn trong những thiên bút ký hay nhất của họ Hoàng Phủ.

Cho hay như những nghệ sĩ đích thực họ hấp thụ linh khí của đất trời xứ Huế và như những con yến huyết, họ lấy tinh huyết của đời mình để nhả ra những trang văn, những ca khúc lộng lẫy bụi trần để làm đẹp cho nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng mình, cho mình giấc mơ sáng tạo, cho mình cảm hứng và chắp cánh cho tài năng của mình.  

5

Đôi lúc tôi có cảm tưởng như Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn tạo dựng một huyền thoại thật đẹp về tình bạn nghệ sĩ qua sự nhiễu nhương cuộc thế trần gian như một cõi tạm phù hư.

Trong tập Tinh tuyển bút ký hay nhất của đời viết ký của đời mình, có tên “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (2010), ông đã chọn 13 bút ký, nghĩa là một nửa tập sách, liên quan đến Trinh Công Sơn và nhóm bạn này. Điều đó chứng tỏ rằng ông rất coi trọng tình bạn, những kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ lãng mạn và mơ mộng nhưng không kém phần trầm tư sâu lắng của mình. Đặc biệt ông viết nhiều về Trịnh Công Sơn, người mà ông hết lòng thương mến và cả ngưỡng mộ.

Có lẽ trong vô thức của ông, Trịnh Công Sơn và thế giới ca khúc của Sơn chứa đựng bản ngã thứ hai sâu thẳm của chính ông, bản ngã mà ông mong muốn tìm thấy qua lưu lạc của bể dâu thời cuộc và sự tan vỡ ảo mộng về một giấc mơ đời hư ảo.

Có lần người ta khuyên ông nên viết hồi ký. Ông cười và trả lời: “Toàn bộ các bút ký của tôi đều là hồi ký”. Cách trả lời ỡm ờ của ông không phải là không có phần có lý.  

6

Có thể xem thiên bút ký “Như con sông từ nguồn ra bể” là tác phẩm khởi đầu thật sự cho văn nghiệp viết thể loại này của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông đã đặt nó trang trọng mở đầu cho tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường thứ hai gồm 31 bút ký văn chương và dày 840 trang (Nhà xuất bản Trẻ - Công ty văn hóa Phương Nam, 2002), được tuyển lại từ 9 tập bút ký trước đây của ông. Nhà phê bình Đặng Tiến xem đây là cốt lõi giá trị văn nghiệp của nhà văn.

Bút ký này được hoàn thành vào tháng 8 năm 1971, có nghĩa là hơn 5 năm sau ông rời bỏ thành phố để lên xanh (chiến khu tít những khu núi rừng sâu, phía Tây thành phố), lúc đó ông bị Tướng cảnh sát chế độ Saigon Nguyễn Ngọc Loan (được phe Thiệu Kỳ biệt phái ra) truy lùng. Phong trào ly khai của Phật giáo và phe đòi dân chủ miền Trung khi ấy cũng đã bị dẹp tan.

Trong bút ký gần như một truyện ngắn có tính tự truyện này, ông viết và lấy chất liệu từ một nhóm bạn thân và chính ông, là Giao (Trịnh Công Sơn), Thụy (họa sĩ Đinh Cường), Ngô (nhà thơ Ngô Kha), tôi (HPNT), những người sau này trở thành những tên tuổi có tiếng của nền văn học nghệ thuật Huế và Việt Nam mà người lẫy lừng nhất là Trinh Công Sơn. Dĩ nhiên HPNT có hư cấu thêm bớt chỗ này chỗ kia cho phù hợp với loại văn chương có tính chiến đấu của vùng giải phóng với quan điểm lập trường rõ ràng và sự lạc quan nhất định của người viết. Hình tượng trung tâm là Giao, được khắc họa sự chuyển biến một cách sinh động và thành công, từ một nhạc sĩ phản chiến, sáng tác những ca khúc điệu blues thật buồn, chất đầy những ý nghĩ ảm đạm về quê hương và chiến tranh, tuổi trẻ và tình yêu, thường phảng phất hình ảnh những người bạn Giao đã chết, những người con gái còn lại một mình đã mất trí nhớ, đi lang thang trong cơn mưa bão, gọi tên người yêu bằng hai tiếng Việt Nam… đến một hình ảnh Giao dấn thân “hát cho đồng bào tôi nghe” với vòm miệng mở rộng vẽ thành những đường nét gân guốc trên khuôn mặt, hai bàn tay xòe ra phía trước, hình như Giao đang cố gắng hát thật to, thật khỏe, cái dáng đứng ấy là một nét mới ở con người Giao, trước đây Giao chỉ hát một mình, hoặc cho một người nghe thường là một cô gái”… và gắn kết với sự chuyển biến của một nhóm. Nhân vật tôi cố gắng thu nhỏ mình lại trong một cuộc sống khổ hạnh để cắm đầu trên những trang sách đầy nỗi lo âu về cái chết, mặc dầu tôi vẫn sống yên ổn, cái chết chưa hề đe dọa gì đến tôi. Thụy thức từng đêm trước khung vải để tạo hình mặt đất nứt nẻ của một thuở hồng hoang nào đó… phải mưa đến một triệu năm mới đủ ướt. Ngô làm thơ về gỗ, đá, chim sẻ, và những bầy ngựa hoang… còn Giao thì cắm cúi viết những bài thánh ca da vàng cho một quê hương nào đã mất. Sau đó, tôi gặp Phương, một người bạn học cũ đã thoát ly trở vể thức ngộ cho mình, tôi bỏ ra vùng giải phóng. Ngô là người thức ngộ thứ hai đã cùng sinh viên tổ chức một cuộc biểu tình thầm lặng với một chiếc pa-nô thật lớn do Bửu Chỉ vẽ tố cáo tội ác chiến tranh, đã đưa Thụy và Giao cùng dấn thân vào đấy. Họ đã nhập vào đại cuộc đấu tranh cho hòa bình và thống nhất, chấm dứt chiến tranh lầm than và thống khổ đối với dân tộc, như con sông sẽ gặp được biển trong chuyến hành trình cam go nhẫn nại của nó. Với cách cấu trúc xử lý biện chứng các lớp thời gian hiện tại/ quá khứ/ hiện tại, cũng như xử lý biện chứng các lớp không gian, cánh rừng chiến khu, thị trấn Bảo (Bảo Lộc, Đơn Dương, Blao), Huế năm 1966 và Huế 1970-71 với bút pháp thật đẹp, sang, ấm áp, đầy chất thơ và chất chiêm nghiệm, suy tư, HPNT đã thể hiện được vẻ đẹp của tình bạn nghệ sĩ trong giấc mơ Việt Nam như among dòng sông đời người chảy từ cội nguồn xuôi về biển ở phương trời xa.

7

Trong một lần phỏng vấn Trịnh Công Sơn, người ta hỏi ông nghĩ sao về hai câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Họ Trịnh cười cười và từ tốn đáp: Riêng ông, ông muốn sửa câu thơ sau thành: “Chữ tài, chữ mệnh cũng là bể dâu”.

Đối với họ Trịnh, chỉ có một tấm lòng giữa cuộc thế bể dâu này, mà cũng chỉ để cho gió cuốn đi vì tất cả cũng chỉ là một giấc mơ đời hư ảo .

Hoàng Phủ ngọc Tường cũng là kẻ tri kỷ, tri âm với họ Trịnh khi ông viết trong thiên tuyệt bút của đời mình, “Ngọn núi ảo ảnh”, những lời chiêm nghiệm sau:

“Biển dâu thời tôi sống kéo tới dồn dập đến kinh hoàng. Biển dâu trên thời đại, trên đời dân, trên phận người, trên cây anh đào. Biển dâu cả hoa kia, cỏ này.”

“Chỉ có một cây lau trắng đứng bạt gió trên đỉnh núi bây giờ là tôi.”

Cũng đồng điệu với tâm hồn lặng yên mà đầy bão táp của Nguyễn Trãi khi về lại Côn Sơn, ông viết:

“Nhớ một ngày vắng bom ở hang đá Trường Sơn, thầy tôi thiền sư Thích Đôn Hậu dạy tôi rằng con người là một kẻ Vô Trú ở thế gian.”

“Khi đời không còn nhiệm vụ gì thì nhẹ thênh quay về căn nhà vĩnh hằng của tâm thức giữa lòng vũ trụ xanh biếc.”

Bể dâu đấy, đỉnh núi ấy, cây lau trắng đấy, căn nhà vĩnh hằng của tâm thức ấy, đối với ông còn là among, dòng sông đời người, dòng sông ai đã đặt tên, ông viết trong văn phẩm có lẽ cuối cùng trong đời ông, thiên bút ký “Lời tạ từ của dòng sông” (2012) như sau:

“Như một người chiêm nghiệm trong im lặng và trong khói sương chỉ để giữ lại những nét sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một người cầm bút, tôi đã không ngần ngại gởi tâm hồn của mình vào tác phẩm, vẽ lại cho đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc như một lóe vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô.”

Lời đó ông để gió bay đến mai sau cho những ai còn nhớ tới vết chân của con chim hồng trên tuyết trắng, kẻ đã làm vĩnh cửu hóa sông Hương đó, khu vườn hoa trái đó, ngọn núi ảo ảnh mờ sương khói đời người đó, trong những trang viết tinh huyết đời mình.

B.N
(SDB19/12-15)





 

Các bài mới
Thi ca căn bản (18/01/2016)
Như là... (15/01/2016)
Các bài đã đăng