Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-15)
Hoàng Phủ Ngọc Tường - một cách lập ngôn về văn hóa Huế
08:32 | 31/12/2015

HẠ NGUYÊN

Trong hành trang của nhiều nhà văn, những trang viết về quê hương bao giờ cũng là những trang hay nhất.

Hoàng Phủ Ngọc Tường - một cách lập ngôn về văn hóa Huế

Nhiều vùng đất, hễ nhắc đến tên là phải nhắc đến những câu thơ, những trang văn, những bức họa của những nghệ sĩ tài danh - những con người mà nghệ thuật của họ, tư tưởng của họ đã khiến cho vùng đất ấy được nhiều người biết đến, nhiều người hiểu hơn về thiên nhiên, cây cỏ, con người nơi đó…

Từ trước khi tác phẩm vĩ đại Chiến tranh và hòa bình xuất hiện bởi Lev Tolstoy, trận chiến Borodino (năm 1812) lớn thứ ba và đẫm máu nhất trong lịch sử quân sự thế giới giữa Pháp và Nga diễn ra, Borodino hoàn toàn chỉ nằm trong sách sử. Nó chỉ được biết đến nguồn cơn cặn kẽ từ những trang văn huyền thoại của đại văn hào Lev Tolstoy. Ngôi làng buồn tẻ Cao Mật (Trung Quốc) nào ai biết tới nếu không có những trang sách hiện thực huyền ảo pha trộn những câu chuyện dân gian của Mạc Ngôn. Tương tự, những con người bình thường trong thị trấn Huron County, Canada quê hương của nhà văn Alice Munro, giải Nobel 2014, chỉ được biết tới khi Munro kiên trì kể mãi những câu chuyện sự thật về họ...

Ở Việt Nam, những năm xưa, nhắc đến những câu chuyện đường rừng không thể không nhắc đến Lan Khai, nhắc đến Hà Nội 36 phố phường phải nhắc đến Thạch Lam, hay sau này khi nhắc đến Sông Đà phải nhắc đến những trang văn kỳ khu của Nguyễn Tuân… Rong ruổi miền Tây Nam bộ không thể không nhắc đến hàng ngàn trang văn đồ sộ của Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương, những trang văn uyên bác của Sơn Nam…

Họ đã là những người thuộc vùng đất như thuộc đường chỉ tay số phận của mình.

Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một trong những nhà văn như vậy, cho vùng văn hóa Huế. Nhà văn có một cách lập ngôn cho văn hóa Huế của riêng mình, đó chính là lập ngôn cho văn hóa Huế bằng những trang bút ký tài hoa. Ông là người đã kể rất nhiều chuyện và kể rất hay về văn hóa Huế, với một giọng kể trác tuyệt và một trái tim nồng cháy.

Nhà văn Tô Hoài nhận định: “Nếu có thể so sánh, thì tôi nghĩ rằng Sơn Nam thuộc đến ngóc ngách những sự tích xưa sau của Sài Gòn - Bến Nghé, tôi thì nhớ được ít nhiều tên phố, tên làng vùng Hà Nội. Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế”.

Từ trước khi những thiên bút ký tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện, văn hóa Huế đã phát triển rực rỡ, và hàng bao nhiêu tác phẩm thi ca nhạc họa lừng danh đã tôn vinh nó. Đã vang lên trên vùng đất này những bản tình ca về Huế hay nhất của Phạm Duy, Văn Cao, Văn Giảng, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Ưng Lang, Lê Mộng Nguyên, Hoàng Nguyên… và dĩ nhiên, cả Trịnh Công Sơn. Đã in dấu ấn trong lòng bao thế hệ của đất nước yêu thi ca những bài thơ về Huế của Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nam Trân, Võ Ngọc Trác, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính… Công chúng đã chiêm ngắm những bức họa đầy chất Huế của Nguyễn Gia Trí, Tôn Thất Đào, Nguyễn Đỗ Cung, Điềm Phùng Thị, Phạm Đăng Trí, Bửu Chỉ, Đinh Cường…

Khi những bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện, người ta nhận ra Huế đang có thêm một người kể chuyện cho văn hóa quê hương xứ sở. Đó là một người kể chuyện rất mực say mê, rất mực tài hoa, nó hấp dẫn không chỉ những người xa lạ, mà cả những người trong cuộc.

Với thể loại bút ký có thể chạm tới những mạch vỉa vi tế nhất của lịch sử, những góc khuất của ký ức di chỉ vùng đất, đan chéo trực diện xuyên thời gian đối chiếu đến hiện tại, quy chiếu từ các góc nhìn sau một độ lùi, trên một cao độ cần thiết… bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khơi mở hàng loạt các giá trị văn hóa Huế một cách có hệ thống, có lớp lang, một cách uyên bác, rất nhiều cảm xúc, rất mực tài hoa…

Nhà vườn Huế đã tồn tại hàng trăm năm trước đó, nhưng phải đến khi “Hoa trái quanh tôi” ra đời, một trong những bút ký đầu tiên của Hoàng Phủ Ngọc Tường, in trên Tạp chí Sông Hương số 3 (tháng 10 năm 1983), người ta mới sững sờ nhận ra Huế có một thực thể thiên nhiên minh triết đến như vậy. Ông xứng đáng là người lập ngôn cho văn hóa Huế khi mở đầu thiên bút ký này bằng nhận chân giá trị thiên nhiên Huế trong cuộc sống con người Huế: “Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và người La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong. Lớn lên ở Huế, không lúc nào tôi không cảm thấy thành phố nầy như một khu vườn thân mật của mình ở đó, tôi có thể tư duy cùng với hoa sen, khát vọng với hoa phượng, mơ mộng với mùi hương sâu thẳm của hoa ngọc lan ban đêm, và khi thành phố lộng lẫy trong sắc mai vàng mùa Xuân, không hiểu sao lại thấy lòng thức dậy một niềm ngưỡng mộ bao la đối với cuộc sống”…

Vườn An Hiên. Ảnh: Phạm Bá Thịnh


Người ta nhận ra nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từ rất sớm, đã ý thức một cách mãnh liệt về việc phát ngôn cho văn hóa Huế. Một trong những bài viết đầu tiên của ông sau 1975 là “Huế, di tích và con người”, một bài viết ngắn, hoàn toàn khác các bút ký tràn trề bút lực và nhàn đàm cô đọng chiêm cảm sau này, nhưng bộc lộ những quan điểm quan trọng về văn hóa, cái đẹp của tác giả: “Những thành phố văn hóa đều cúi nhìn quá khứ của mình trên những di tích. Chính là nhờ biết nhìn các di tích bằng đôi mắt chăm chú, con người có thể sống lại chuỗi thời gian xa xăm đầy những biến cố kỳ lạ đã dệt thành tấm vải vĩnh hằng của hiện hữu gọi là lịch sử; con người hưởng thụ được những hoa văn rực rỡ của trí tuệ - gọi là cái Đẹp; tiếp thụ những kinh nghiệm sống quý báu mà những thế hệ xa xưa đã tạo nên, gọi là văn hóa”…

Chỉ một đoạn ngắn, nhà văn đã định nghĩa lịch sử, văn hóa và cái đẹp theo cách của riêng ông. Và khi nhà văn nói những thành phố văn hóa, tức là đã nói đến Huế, trong đó có công - dân - văn - hóa - Huế mang tên Hoàng Phủ Ngọc Tường.

“Đôi mắt chăm chú” ấy đã giúp nhà văn làm sống lại rất nhiều những “chuỗi thời gian xa xăm” của Huế. Điều này thể hiện rõ nhất qua bút ký “Ngọn núi ảo ảnh”. Bạch Mã được kể lại, không bắt đầu từ thực thể địa lý của nó, mà từ một trong những “chuỗi thời gian xa xăm” khác: những đêm thơ bút đào thuở nhỏ. Đó chính là chữ HOÀI quay quắt của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cái lung linh huyền hoặc ấy, đã khơi mạch cho hàng loạt những huyền thoại Bạch Mã, những ảo ảnh Bạch Mã trong những trang sau. Thiên nhiên kỳ dị Bạch Mã được kể lại không chỉ bằng cảm quan tai nghe mắt thấy của người viết, mà còn từ những chứng nhân lịch sử xa xưa. Nhà văn không tự mình nói: “cây rừng Bạch Mã lớn nhanh một cách dị thường”, ông nhường câu chuyện đó cho một Trưởng Hướng đạo sinh kỳ cựu - Cò Yêu Đời. Điều đó làm cho câu chuyện của ông thật hơn, người đọc dễ tin vào ông hơn. Bên cạnh thiên nhiên Bạch Mã là những con người từng gắn bó, làm nên văn - hóa - Bạch - Mã, cũng là những tên tuổi gắn liền với lịch sử Huế: Thượng thư như Tôn Thất Quảng, Hồ Đắc Khải; Tổng đốc như Hồ Đắc Điềm; trí thức thượng lưu như Hồ Đắc Di, Thân Trọng Phước; doanh nghiệp như Bùi Huy Tín, Viễn Đệ; những bà xơ trường Jeanne D’Arc, các tu sĩ dòng Franciscain và Redemptoriste, và cả ông trùm mật thám thông thái Sogny…”; và thêm nữa: Dã Mã Võ Thành Minh, Hổ Sứt Hoàng Đạo Thúy, Chồn Fennec Tạ Quang Bửu… Những cái tên nếu người đã mất thì đã đi vào lịch sử, nếu còn sống thì lịch sử cũng đã ghi nhận và đang là nhân chứng tuyệt vời cho bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Những cái tên ấy làm cho người ta tin những câu chuyện ông kể về ngọn núi ảo ảnh đó, những đêm dancing êm đềm sóng sánh rượu vang và âm nhạc, đêm cà phê chồn lạ lùng, cuộc gặp gỡ lục cô nương… đều là sự thật. Tất cả, đã khiến cho sự hoang vắng đến rợn người của một trái núi đã từng có một thời rực rỡ văn hóa hoàng kim càng thêm quắt quay tiếc nuối.

Rất nhiều người khi đọc “Ngọn núi ảo ảnh” đều đã thốt lên: tuyệt bút. Nhà thơ Hoàng Cát bảo rằng “Có cảm giác như là hàng thế kỷ rồi, bây giờ tôi mới được đọc một tập văn xuôi hay đến thế”. Và: “Tôi tin rằng, ai đọc đến “Ngọn núi ảo ảnh” thì ít nhất cũng sẽ nảy sinh một khát khao: một lần được đặt chân tới Bạch Mã, để mà ngắm, để mà yêu bằng cả tâm hồn và cảm giác, mảnh đất này của đất nước chúng ta”.

Đó chính là thành công của người lập ngôn cho văn hóa Huế.

Phải nói rằng, cho đến khi “Ngọn núi ảo ảnh” xuất hiện, người ta mới hiểu hết các giá trị đã từng tồn tại ở Bạch Mã, người ta mới quắt quay tiếc nuối những gì đã mất, một sự tiếc nuối đến thẫn thờ. Và cũng nên nhớ, cả một cộng đồng Huế những ngày đó đã từng cộng hưởng tiếc nuối thẫn thờ như vậy.

Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là cây đũa thần đến gõ lên từng vỉa tầng văn hóa Huế, khiến chúng thức dậy nguồn cơn, tinh khiết trong sương mai, khoe những lung linh huyền ảo để người đời chiêm ngắm. Nhiều địa chỉ văn hóa của Huế tưởng đã ngủ yên trong lãng quên, cho đến khi được Hoàng Phủ Ngọc Tường khơi đến, nó mới làm người đọc, nhất là người Huế, nhận ra rằng nó đã từng tồn tại, và bất giác giật mình. Như “Ngọn núi ảo ảnh” đã nhắc đến, hay như “Tuyệt tình cốc” sau này. Với “Tuyệt tình cốc”, những tên tuổi quá quen thuộc với công chúng Huế trong thế hệ dấn thân sau những lựa chọn trên hành trình yêu nước, hành trình nghệ thuật: Ngô Kha, Trần Quang Long, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Trần Vàng Sao, Túy Hồng, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan… Ngôi nhà tranh ấy, chốn trú ngụ của những tâm hồn khát khao tranh đấu, vô tình đã gắn bó rất chặt với “khí hậu” của phong trào đô thị Huế. Bên cạnh những tư liệu hết sức quý giá “lần đầu được công bố”, cái còn quý hơn, là hào khí của sinh viên trí thức Huế một thời được thể hiện qua văn chương, một cách trung thực.

Thời điểm ra đời của bút ký này, trong bối cảnh công chúng đang tò mò muốn biết thêm về những gì về phong trào đấu tranh đô thị miền Nam gắn với những tên tuổi văn nghệ sĩ mà cho đến lúc đó, không hiểu vì sao rất ít sách báo nhắc đến. “Tuyệt tình cốc” ra đời đã đáp ứng nhu cầu đó. Câu chuyện về những hệ lụy nhân sinh quan trọng đối với nhiều sinh mệnh tranh đấu lúc đó, lạ thay, lại được kể bằng một giọng khá đậm chất kiếm hiệp Kim Dung, vốn được sinh viên miền Nam ngày đó ưa chuộng, gần như ai cũng ít nhiều nhuốm phải “độc tình hoa”. Đằng sau tất cả, trong Kim Dung, chữ “nghĩa” là quan trọng nhất, vì vậy trong “Tuyệt tình cốc”, sau những biến động, đoạn kết của thiên bút ký lại là: “Trong góc sân, cây dạ hương vẫn còn… như một cố nhân. Tình hoa vẫn ấp ủ giùm tôi trong hương phấn riêng, ôi những năm tháng sống say mê và âm ỉ mộng đầy trời…”.

Kết thúc câu chuyện như thế, như thể chính ông vẫn đang còn vương vấn “độc tình hoa” năm ấy. Người lập ngôn, người kể chuyện mà cả tâm hồn còn ngập trong cõi xưa, thì hỏi làm sao mà câu chuyện không thật, không hay, không lôi cuốn.

Nhắc đến một trong những bút ký hay nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường, phải nhắc đến “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, áng văn đã được đưa vào sách giáo khoa và đã có hàng trăm bài phê bình phân tích. Bút ký ấy, như là tinh hoa của người kể chuyện. Và người kể chuyện, như là một nhà thông thái mang trong mình cuốn bách khoa về Huế thấu triệt mọi trồi sụt của đáy sông. Thiên nhiên cỏ hoa, cảm hứng sông nước, và cả những câu Kiều nữa, hòa hợp một cách lạ lùng trong dòng chảy bút ký. Đọc những trang văn này, ta như thấy dòng sông Hương đang trôi, cùng với vô vàn câu chuyện của nó, ấm áp, nồng thắm, đầy cảm xúc biểu tượng, lãng mạn qua giọng kể không che giấu niềm tự hào của người lập ngôn - nhà văn, nhà văn hóa Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Văn hóa, không chỉ là những cái sau cùng còn tồn tại sau khi tất cả đã mất đi, nó còn thức dậy trong con tim nhân loại những nỗi đau vì sự mất mát và tồn tại. Cộng đồng nhân loại cũng sẽ đau, khi chứng kiến văn hóa đã rơi nước mắt u buồn vì những lý do nào đó. Những trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong bối cảnh văn hóa đang mất mát dần ngay trước mắt, nỗi buồn đã trào dâng như sóng bạc đầu. Nhà văn đã từng tuyên bố về “quyền được buồn” của văn chương, của thi sĩ. Và chính ông cũng đã trả lời công chúng bằng một bút ký mà sự đau buồn của nó, khiến những trái tim chai đá nhất cũng rướm lệ: “Sử thi buồn”. Một chữ HOÀI đã đầy ắp, và một chữ buồn đã bàng bạc, những câu chuyện trôi miên man của Phan Bội Châu, Ngô Kha, Văn Cao, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Trần Dần… Ở đó, có những con người lạ lùng, chấp nhận nhận về phía mình nỗi buồn để tự mình được khước từ những cuộc chơi mà ở đó, có mặt những kẻ đáng ngờ về nhân cách…

Những nỗi buồn của kiếp thi sĩ? Không hẳn, nó còn là nỗi buồn của một trí thức. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết “Tiếc rừng”, ông đau với nỗi đau tiếc nuối vô bờ như khi viết “Ngọn núi ảo ảnh”. Song ông cũng nói trong một dịp khác: “Xin đừng tưởng nhầm tôi với một người hoạt động môi trường. Tôi là một người hát dạo lẻ loi bụi bặm trên hè phố bây giờ, cây đàn cũ trên tay, ngậm ngùi với điệu hát Lý Chuồn Chuồn...” (Lý Chuồn chuồn).

Đúng vậy, ông không thể là nhà hoạt động môi trường (dầu có vẻ như ông là người có những trang văn về thiên nhiên nhiều nhất và hay nhất), vì ông hiểu, như khi ông viết về những biệt thự trên Bạch Mã bị tàn phá bởi bàn tay con người trong cơn đói sau chiến tranh: “Chiến tranh và những biến động lịch sử luôn luôn là những mãnh lực tàn phá những công trình xây dựng của con người. Nhưng sự tàn phá triệt để nhất nhiều khi lại đến từ chính con người trong những ngày bình thường, với những dụng cụ thô sơ cầm tay, đi tìm cái gì ăn để sống qua cơn đói. Và tôi biết, tôi sẽ không bỏ ra một lời để ngăn cản họ dẫu khi tôi bắt gặp họ đang đập phá; đạo đức giả. Dân không “ở yên” được ở chỗ nhân nghĩa, không phải là lỗi của họ, mà bởi thiên hạ thiếu một nền Đại Chính. Nguyễn Trãi nói thế” (Ngọn núi ảo ảnh).

Thái độ của người lập ngôn cho văn hóa Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường là thái độ của một tri thức đầy trách nhiệm.

Và đó cũng là sự tri ân của ông đối với Huế - vùng đất mà ông không thể quên đi những gì đã nuôi dưỡng tâm hồn ông. Và cũng vì thế, như một lẽ thường tình, văn hóa Huế ghi nhận thêm một bản sắc văn chương của - Hoàng Phủ Ngọc Tường.

H.N  
(SDB19/12-15)





 

Các bài mới
Thi ca căn bản (18/01/2016)
Như là... (15/01/2016)
Các bài đã đăng