Tạp chí Sông Hương - Số 40 (T.01-1990)
Người tài trong thiên hạ
15:28 | 17/05/2016

TRIỆU BÔN

Có khá nhiều giai thoại về ông già Nhậm ở xóm Giếng. Một trong những giai thoại được truyền tụng lâu nhất là chuyện ông rèn thanh gươm báu, từ hồi Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Người tài trong thiên hạ
Minh họa: Phạm Đại

Chuyện kể rằng dạo ấy để chuẩn bị cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp, nhà nhà, người người đều đua nhau tạo cho mình một thứ vũ khí. Ở nông thôn, thứ vũ khí thông dụng nhất là đinh ba, giáo, gươm. Trong lúc khắp làng rậm rịch tiếng người tập võ, tiếng xoèn xoẹt những lưỡi thép mài trên đá, nhà ông Nhậm vẫn im re. Có người hỏi ông Nhậm ơi, nay mai ông định dùng cùi chõ mà đi cướp huyện, cướp tỉnh à. Ông Nhậm chỉ mỉm cười một cách cao ngạo:

- Các người cứ lo cho phận các người. Nhậm đây tuy hèn mọn, nhưng chỉ thổi một cái cũng đủ bay mấy thằng Tây, cần gì phải giáo với mác.

Gớm chưa! Để rồi xem cái lão khoác lác ấy làm thế nào.

Bỗng dưng ông Nhậm như biến khỏi làng. Ban ngày chẳng ai thấy ông ló mặt ra khỏi nhà. Còn ban đêm, ông cài chặt cửa, nện búa choang choang trong buồng. Sau bảy, tám đêm như thế, một hôm cả làng đổ về đám sân đất nhà ông Nhậm để chứng kiến một sự lạ. Ông Nhậm mặc áo thụng xanh, ngang lưng thắt khăn nhiễu điều, đầu chít khăn mỏ rìu bằng vải vàng. Ông lập một bàn thờ ở giữa sân, khói hương nghi ngút, rồi đặt ngang thanh gươm sáng quắc lên đó mà sì sụp khấn vái. Ở giữa sân, ông chôn một cây cột gỗ xoan to như bắp đùi. Bên cạnh cây cột gỗ là một khúc xà beng sắt to như cây mía, cũng được chôn rất chắc chắn.

Khấn vái xong, ông Nhậm nâng thanh gươm trên hai tay, cúi chào bà con họ mạc đang đứng xúm đen xúm đỏ ngoài bờ sân, đoạn hét một tiếng vang như sấm, thanh gươm vung loang loáng mấy vòng. Và... phập. Cây cột gỗ lim đứt đôi, nửa trên bay ra tận vườn cà. Bà con ai nấy trông mà chết khiếp. Nhưng chưa hết. Ông Nhậm đi mấy đường gươm nữa, rồi lại phập một tiếng, lửa tóe lên chói mắt, cây xà beng sắt đứt phăng làm hai khúc. Còn lưỡi gươm trong tay ông Nhậm thì vẫn nguyên si. Dân làng chạy vào xem tịnh không thấy nó bị sứt mẻ chút nào hết...

Người ta vẫn bảo thuở xưa có những thanh bảo kiếm chém sắt như chém bùn. Quả không ngoa. Nhưng thanh gươm quí ấy đâu rồi? Thanh gươm ông Nhậm rèn được ấy?

Nghe đâu ông đã trao cho một người trai xóm Giếng, khi người này đi Vệ Quốc Đoàn và lên đường Nam tiến đánh Tây.

Ông Nhậm không có con trai. Ấy đó mới là nỗi buồn nặng nề nhất trong suốt cả cuộc đời ông.

Rèn xong thanh gươm báu, đủ làm xôn xao thiên hạ một dạo, rồi ông Nhậm lại trở lại cuộc sống ngày ngày buộc dúm lá chuối khô lên đầu cây sào dài làm cờ đi chăn vịt ngoài đồng. Hết mùa nuôi vịt, ông đi câu cá chuối. Cái cần câu dài như cả cây tre, một đầu bị ông kẹp giữa hai đùi, đầu kia nhún nhảy cho con nhái mắc đầu lưỡi câu nhảy tí tóp trên mặt nước ao bèo. Tối về ông om cá chuối với mẻ, với vài quả chuối xanh bẻ sau nhà, ngâm nga nhắm rượu một mình tới khuya.

Rồi đến cuộc kháng chiến chín năm. Khi súng đạn đang ì ùm, chín năm thời loạn dài dằng dặc như hàng thế kỷ. Nhưng khi đã thắng lợi, ngoảnh nhìn lại, ai cũng ngỡ ngàng, tưởng như cụ Hồ kêu gọi toàn dân đứng lên đánh giặc mới chỉ là chuyện của ngày hôm qua. Ông Nhậm thì đã bước sang cái thời kì được nhiều người kính cẩn gọi bằng cụ. Mỗi lần gội đầu thấy những sợi tóc bạc rụng xuống thau nước ông lại bùi ngùi biết cuộc đời chẳng còn mấy nả.

Những người tài, bất kể thuộc lĩnh vực nào, nếu không được trọng dụng, khi trở về già đều ôm một tâm trạng giống như ông Nhậm: Những hiểu biết, những chiêm nghiệm được dành dụm, gom góp suốt cả cuộc đời mà chẳng biết để làm gì, và mai mốt biết truyền lại cho ai?

Rồi đến cái thời làng nước nô nức vào hợp tác xã. Tất tần tật đều được đưa lên "hợp tác" -: hợp tác cắt tóc, hợp tác chăn vịt, hợp tác đan thúng mủng dần sàng,... Ai không vào hợp tác xã tức là xếp mình đứng tách ra khỏi xã hội, giỏi mấy cũng vẫn bị coi là đồ bỏ đi. Ông Nhậm sợ nhất là nỗi cô đơn, nên cũng nộp đơn xin vào hợp tác xóm Giếng. Nhưng, nghe đâu có một gã thợ rèn trên làng Ngò, một gã bướng bỉnh, mặt trơ trán bóng, nhất định không chịu vào hợp tác. Bị bà con xóm giềng chì chiết, khinh khi, gã cũng mặc.

Riêng ông Nhậm, dù chưa hề giáp mặt cái gã thợ rèn ương ngược ấy, ông vẫn đinh ninh đó là một đứa ngu, hoặc một đứa ngông cuồng dám vác gậy chống trời, chẳng mấy nỗi sẽ lụn bại cho mà xem.

Hợp tác xã xóm Giếng xếp ông Nhậm vào đội chăn nuôi. Bên đội trồng trọt, có một sự thay đổi đáng kể. Nghe nói trồng thuốc lào hời hơn trồng lúa, người ta liền phá đi mấy mẫu đất trồng lúa để trồng thuốc Lào. Trồng thuốc thì phải thái thuốc. Thái thuốc thì cần có dao tốt. Những con dao thái thuốc mậu dịch bán, thái chỉ được mấy nhát đã cùn trơ. Bực mình, có một nhóm người ở đội trồng thuốc bàn trộm với nhau: Thử lên Ngò, đặt cái gã lò rèn cá lẻ ấy rèn cho một con dao thái thuốc xem sao. Đặt cái gã làm ăn lẻ ấy đánh dao, tức là mình cũng còn mang tư tưởng cá lẻ. Nhưng bí quá, đành muối mặt làm càn vậy...

Việc thái thuốc là của những người ở đội trồng thuốc, chẳng dính gì đến ông Nhậm. Nghe nói bên ấy không có dao thái tốt, ông đã toan mở lại lò rèn của mình, nhưng mà thôi. Ăn có mời, làm có khiến. Ban quản trị không phân công, tội gì ông lại ngửa tay hứng việc. Khổ một nỗi một cái tính tò mò thì ông Nhậm không thể dẹp được. Một hôm, nhân lúc buổi trưa vịt ăn no nằm ngủ dưới chân tre, ông Nhậm lững thững đi vào chơi trong "xưởng" thái thuốc. Trời nóng hầm hập, mà trong "xưởng" vẫn có mấy người đang làm. Một người gò lưng thái, vài người khác ngồi bên, ra vẻ chầu chực chuyện gì.

- Làm thế này thì để đâu cho hết công điểm? - Ông Nhậm hỏi đùa.

Một người đang cầm cái nón mê quạt, ngẩng lên đáp:

- Chào cụ. Cả đội có một con dao tốt, thành thử chúng tôi cứ phải luân phiên nhau...

- Dao tốt đâu. Xem nào?

Anh xã viên buộc lòng phải ngừng tay thái thuốc, đưa con dao cho ông Nhậm xem. Ông cầm con dao giơ ra phía cửa sáng, nheo nheo mắt nhìn, vuốt nhẹ mấy đầu ngón tay dọc má lưỡi thép. Khi trả lại con dao, ông trầm ngâm một lúc lâu rồi mới hỏi:

- Dao làng Ngò. Phải không?

Mấy người thợ thái thuốc đưa mắt ra hiệu cho nhau. Một người vội chối:

- Dao mậu dịch đấy chứ cụ!

Ông Nhậm lắc đầu, biết là họ nói dối. Nhưng ông không nói gì thêm, chỉ lẳng lặng bước ra khỏi "xưởng".

Hôm sau, ông Nhậm báo cáo với ông đội trưởng đội chăn nuôi, xin nghỉ vài ngày để đi thăm một người bà con ở xa. Dù chưa bao giờ nghe nói ông Nhậm có bà con ở xa, nhưng nể lòng, ông đội trưởng vẫn gật đầu chấp nhận.

Hôm sau nữa, ông Nhậm nắm một nắm cơm, lại xách thêm chai nước vối, lên đường từ lúc trời chưa tan sương. Mãi xế chiều ông mới đến được chợ Ngò. Nhờ tiếng búa cái nện chuyền đất, ông Nhậm tìm đến cái gã lò rèn cá lẻ kia chẳng khó khăn gì. Lò rèn của gã đặt dưới gốc một cây đa cổ thụ, cạnh bờ sông. Hai tấm cót được dựng trên đầu cọc để che cho nắng chiều khỏi hắt vào. Gã đang xoay trần, tay cầm búa con gõ lanh canh trên mặt đe, giữ nhịp cho một cậu con trai chưa đến tuổi thanh niên vươn người quai búa cái.

Ông Nhậm đứng ngoài để quan sát hình dong cái gã bất trị này. Gã trạc bốn mươi tuổi, lưng dài vai rộng, mặt vuông, quai hàm bạnh, cặp lông mày rậm như hai con sâu róm bò bên dưới vầng trán dô đen nhếnh nháng mồ hôi. Nhác trông hình dáng của gã, trong lòng ông đã thầm mến, nếu như không bị cái định kiến về những kẻ "thành phần cá lẻ" ám ảnh.

Thanh sắt trên đe đã nguội đen. Gã thợ rèn lùi nó vào lò than. Cậu con trai rất biết việc liền nhanh nhẹn chạy lại nắm lấy hai cuống bễ, bắt đầu thụt lửa phì phù. Ông Nhậm vẫn đứng yên nhìn ngắm, có ý chê. Giữa thời buổi bây giờ mà gã không thèm sắm lấy một cái quạt chong chóng, vẫn dùng cặp bễ dựng đứng, đứng y hệt cái thuở ông Nhậm còn để tóc trái đào, theo bố đi mở lò rèn rong trong khắp các làng mạc. Chợt gã lò rèn ngẩng lên.

- Cụ muốn rèn gì đấy?

- À à. Cũng có chút việc muốn nhờ anh...

- Việc gì, cụ?

- Anh cứ làm xong cái gì đi đã.

- Vâng. Mời cụ ngồi vào đây nghỉ cho mát - Gã vừa nói vừa chỉ quãng bóng mát sau gốc đa.

Vài chục phút sau gã thợ rèn đã làm thành khí một con dao pha. Gã dùng kìm ném con dao còn lam nham ra bãi cỏ, làm cho đám cỏ bén lửa cháy bùng lên thành ngọn.

- Nào - gã quay lại phía ông Nhậm - Cụ định đặt tôi làm dao hay làm cuốc?

- Gượm đã - ông Nhậm nói - Vậy chứ anh không có điếu cầy hay sao?

Gã cười toét miệng, khiến ông Nhậm nhận ra tính tình gã hồn nhiên. Thảo nào... Phải là người có tính bất cần đời ghê gớm lắm mới dám đứng ra làm ăn cá lẻ, trêu ngươi thiên hạ đến thế. Gã vừa nói vừa xoay người kéo chiếc áo cánh nâu móc vào gốc đa, rứt ra một bao thuốc lá Bông Lúa:

- Mời cụ xơi tạm điếu thuốc lá. Lúc làm việc tôi ngại hút thuốc lào. Mất việc lắm.

Ông Nhậm rút một điếu thuốc gã mời. Gã bẻ một thanh tre, tước ra, định đút vào lò than châm lửa. Nhưng, ông Nhậm bất ngờ nẩy ra một ý, liền giơ tay ngăn gã lại.

- Gượm đã. Tôi có cách châm lửa khác. Cho tôi nhờ cái đe nhỏ...

Gã đưa cho ông Nhậm một khúc sắt từ thanh ray đường xe hỏa mà gã vẫn dùng làm đe nhỏ. Ông Nhậm lại chỉ đôi búa tay, nói:

- Cho tôi mượn.

Ông Nhậm cầm hai chiếc búa tay to bằng quả dưa chuột, nhấc nhấc, thấy một chiếc hơi nhẹ hơn chiếc kia, ông tự tiện lục trong hòm gỗ của gã thợ, tìm chiếc búa khác. Đoạn, ông ngồi ngay ngắn, hai chân dang ra thành một thế cân bằng, rất thoải mái, và, đột nhiên đôi búa trên tay ông giọt xuống mặt đe liên hồi. Những tiếng búa sít sịt tạo thành một âm thanh chói gắt, kéo dài, nghe như có ngọn roi kỳ lạ đang quất vào không khí. Gã thợ rèn sững sờ không thể tưởng tượng con người có thể giọt búa nhanh và đều một cách thần tình như thế. Chừng nửa phút sau, ông Nhậm quẳng đôi búa tay ra, đôi mắt sáng rực vì hả hê. Ông chỉ xuống mặt đe, bảo gã thợ:

- Châm đi!

Gã thợ càng bàng hoàng khi nhận ra giữa mặt đe vừa xuất hiện một đốm lửa tròn như hạt đậu, đỏ hồng màu cánh sen.

- Châm đi, kẻo nó nguội mất - ông Nhậm giục. Nhưng gã thợ rèn cá lẻ không làm theo mệnh lệnh của ông. Gã nhẩy một bước qua cái lò than đang đỏ, rồi quay lại, quì thụp xuống, hai tay chắp lại, vái ông Nhậm một vái vô cùng tôn kính.

- Lạy thầy - gã lắp bắp, mồ hôi túa ra đầy mặt vì xúc động - Đời xưa tiên, phật vẫn thường giả dạng những cụ già quê kệch như thế này!...

Buổi tối hôm đó, gã thợ rèn cá lẻ mời ông Nhậm về nhà, tôn làm thượng khách. Gã sai bảo vợ con giết gà, mua rượu tăm về làm cơm. Gã tự tay múc nước cho ông Nhậm rửa ráy, xách guốc đặt vào tận chân ông để ông rửa chân. Từ giường chiếu, chăn màn đến từng cái tăm, nhất nhất gã đều đòi được hầu hạ ông theo đúng đạo thầy trò. Thấy vậy, ông Nhậm lấy làm ngượng ngùng, hỏi gã:

- Anh biết tôi chỉ là một người làm ruộng ở thôn quê ta đây. Cớ sao anh lại bày vẽ ra lắm sự phiền phức làm vậy?

Gã lại chắp tay, rất mực cung kính trả lời ông:

- Dạ thưa thầy. Người chốn thôn quê cũng có dăm bẩy đường. Con tuy không giỏi giang gì, nhưng cũng võ vẽ đọc được ít nhiều sử sách nước ta. Đến như đại tướng Phạm Ngũ Lão mà cũng có lúc phải ngồi đan giỏ giữa đường. Nay thầy đã lặn lội từ xuôi lên đây, chắc là thầy muốn dạy bảo con nhiều điều hay...

Đến đây ông Nhậm đành gật đầu công nhận:

- Anh đoán đúng. Tôi có dăm ba bí quyết nghề rèn. Hiềm một nỗi thời buổi bây giờ chẳng dùng làm gì được. Sợ nay mai tôi phải về với ông bà, thì phí quá. Nếu anh còn yêu cái nghề này, tôi khuyên anh gắng chịu khó mà học lấy...

Thế là ông Nhậm ở chơi trên làng Ngò gần một tuần lễ. Mấy ngày đó cái lò rèn dưới gốc đa lạnh tanh. Bao nhiêu người đến đặt làm dao, làm cuốc, anh "phó rèn" đều từ chối. Anh đóng chặt cổng, rồi chọn những loại than tốt nhất, thép tốt nhất, mở hẳn một lò rèn ở gian giữa nhà để ông Nhậm "truyền đạo" cho.

Hình như đó là những ngày hạnh phúc nhất trong đời ông Nhậm. Khi về nhận lại đàn vịt ở hợp tác xã xóm Giếng bà con ai cũng ngạc nhiên không hiểu vì sao tự dưng ông lại thay da đổi thịt, khiến gương mặt ông lúc nào cũng sáng láng, và nụ cười của ông thì hiền từ, phúc hậu vô cùng.

Gần chục năm sau cái cuộc hội ngộ thắm thiết giữa ông Nhậm và anh "phó rèn" làng Ngò, một hôm, có một chiếc xe con từ tỉnh đánh lên Ngò. Người từ xe bước ra ăn mặc rất sang trọng, nhưng lại hỏi thăm khắp xóm để tìm anh phó rèn nọ. Ở nhà máy thuốc lá của tỉnh vừa bị gẫy mất một lưỡi dao thái. Lưỡi dao này trong nước ta không làm được, phải bỏ đô la ra mua của nước ngoài. Vì vậy, nghe danh tiếng anh phó rèn làng Ngò, ông giám đốc nhà máy thuốc lá đã thân chinh tìm đến, thử xem anh có khắc phục được sự cố này không.

Sau khi nghe ông giám đốc trình bày cặn kẽ sự tình, anh phó rèn nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói:

- Tôi có thể đảm đương được việc này. Nhưng để cho chắc chắn, tôi phải đến thưa với ông thầy của tôi đã. Nếu thầy tôi chịu ra tay, việc này chắc xong.

- Ông thầy của anh hiện ở đâu? Nếu cần, anh cứ lấy xe của tôi mà đi!

Buổi chiều hôm ấy chiếc xe của ông giám đốc dừng lại ở ngõ ba xóm Giếng. Ông thợ rèn làng Ngò tất tưởi chạy đến nhà ông Nhậm với bao hy vọng và hân hoan. Nhưng, một người hàng xóm bảo ông ta rằng cụ Nhậm không còn nữa. Cụ mất cách đây đã gần một năm.

11-9-1988
T.B.
(TCSH40/01-1990)




 

Các bài mới
Khúc ca mới (08/09/2016)
Các bài đã đăng