Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.4-16)
Đặc điểm ngữ nghĩa và bản sắc văn hóa Huế trong từ ngữ chỉ nghệ thuật Tuồng Huế
09:13 | 02/06/2016

LÊ MAI PHƯƠNG

Từ ngữ nghề nghiệp là những từ ngữ biểu thị những công cụ, sản phẩm lao động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội. Những từ ngữ này thường được những người cùng trong ngành nghề đó biết và sử dụng. Những người không làm nghề ấy tuy ít nhiều cũng có thể biết những từ ngữ nghề nghiệp nhưng ít hoặc hầu như không sử dụng chúng. Do đó từ ngữ nghề nghiệp cũng là lớp từ vựng được dùng hạn chế về mặt xã hội.”1

Đặc điểm ngữ nghĩa và bản sắc văn hóa Huế trong từ ngữ chỉ nghệ thuật Tuồng Huế
Minh họa: Nhím

Từ ngữ trong nghệ thuật Tuồng Huế chính là một loại từ ngữ chỉ nghề nghiệp. Loại từ ngữ nghề nghiệp này đã phản ánh những tính chất, hành động, đặc điểm, tình trạng, phương thức chuyên biệt chỉ dùng cho một loại hình nghệ thuật - đó là nghệ thuật Tuồng. Khảo sát lớp từ ngữ này, chúng ta sẽ thấy được các hiện tượng ngữ nghĩa, những dấu ấn của Văn hóa Huế, bản sắc địa phương đã được định hình và khắc họa trở thành nét đặc trưng trong loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

1. Một số hiện tượng ngữ nghĩa

- Hiện tượng đa nghĩa

Tuy rất ít nhưng trong từ ngữ nghệ thuật tuồng Huế vẫn xuất hiện hiện tượng đa nghĩa, đó là hình thức một từ nhưng biểu hiện nhiều khái niệm.

Cụ thể như cách biểu thị của từ xướng. Xướng nghĩa thứ nhất là biểu thị khái niệm cách hát trong nghệ thuật hát tuồng. Xướng khác với ca ở chỗ ca thì phải có bài bản, còn xướng thì hát theo làn điệu. Nghĩa thứ 2 cụ thể hơn xướng là khái niệm để chỉ một điệu hát nhân vật chính diện trong tuồng.

Đa dạng hơn là từ sắp. Nghĩa thứ nhất của từ sắp khi kết hợp với từ đàn: sắp đàn thì có nghĩa là lớp nhạc, đoạn nhạc. Khi sắp kết hợp với từ hát thì sắp hát có nghĩa là phần hát. Còn khi nó kết hợp với từ trống thì sắp trống có nghĩa là khổ trống.

Sắp:

sắp đàn = lớp = đoạn nhạc

sắp hát = phần hát

sắp trống = khổ trống

- Hiện tượng đồng nghĩa

Trong lịch sử ngôn ngữ học, khái niệm từ đồng nghĩa được xác định một cách khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào tìm hiểu các khái niệm đó, mà từ các khái niệm đó rút ra một cách nhìn nhận chung về các từ đồng nghĩa trong bài: Từ đồng nghĩa là những từ tương đồng với nhau về nghĩa, khác nhau về âm thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong cách,... nào đó, hoặc đồng thời cả hai.

Từ đồng nghĩa là những từ nên lên cùng một sự vật hiện tượng, tính chất, mức độ trong nghề nhưng có nhiều cách gọi khác nhau. Sau đây chúng tôi đề cập đến một số hiện tượng từ đồng nghĩa điển hình trong từ ngữ chỉ nghệ thuật tuồng Huế.

- Từ đồng nghĩa khác biệt về sắc thái biểu cảm: Ý nghĩa của các từ ngữ được phân biệt qua các tên gọi thuần Việt và tên gọi Hán Việt. Các yếu tố Hán Việt được dùng trong những trường hợp biểu thị ý nghĩa trang trọng, chính thống, còn các từ thuần Việt mang sắc thái bình dân, gần gũi, sinh động như:  

Từ ngữ Hán - Việt    Từ ngữ thuần Việt  

Trường đao                    Siêu, đao dài

Côn
                                  Roi, gậy  

Mũ bình thiên               Mũ nhà vuông  

Đàn thập lục                   Đàn tranh  

Độc huyền cầm              Đàn bầu  

- Từ đồng nghĩa khác biệt về phạm vi sử dụng: Sắc thái ý nghĩa khác nhau dẫn đến các thành tố trong cùng một nhóm đồng nghĩa của từ ngữ chỉ nghệ thuật tuồng Huế cũng khác về phạm vi sử dụng và đối tượng sử dụng. Một chuỗi động tác được nối lại với nhau theo những quy tắc về tạo hình và động luật trong các giáo trình, cách gọi chính thống của các động tác này đã được nâng lên tương đương với thuật ngữ, dùng trong sách vở nghiên cứu, giáo trình giảng dạy thì gọi là tổ hợp động tác. Còn các bạn diễn (diễn viên) nói chuyện, hay truyền nghề (truyền miệng) với nhau thì “tiếng nhà nghề” gọi là bộ, hay bộ múa.

- Hiện tượng toàn dân hóa từ ngữ nghề nghiệp và ngược lại

Giữa từ ngữ chỉ nghề nghiệp và từ ngữ toàn dân có mối quan hệ mật thiết, gắn bó do có hiện tượng toàn dân hóa từ ngữ nghề nghiệp và nghề nghiệp hóa từ ngữ toàn dân.

- Từ chỉ nghệ thuật tuồng Huế được dùng trong ngôn ngữ toàn dân.

Bên cạnh quá trình giao lưu, hội nhập giữa các quốc gia là quá trình giao lưu giữa các vùng miền trong phạm vi một quốc gia. Sự giao lưu ấy diễn ra trên nhiều phương diện, trong đó có sự giao lưu về mặt ngôn ngữ. Vì vậy, một số từ ngữ phương ngữ dần dần được sử dụng rộng rãi và trở thành vốn từ ngôn ngữ toàn dân.

Vốn từ chỉ nghệ thuật tuồng Huế cũng không nằm ngoài quy luật biến đổi ấy. Mặc dù tuồng Huế là loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nhưng đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu có một vốn từ tương ứng với bức tranh xã hội trở thành nhu cầu thường xuyên, có như vậy, con người mới có thể hòa nhập vào cuộc sống mà không bị tụt hậu về ngôn ngữ, với xu hướng ấy, một số từ ngữ chỉ nghệ thuật tuồng Huế có thể cùng với từ chỉ nghệ thuật tuồng các vùng khác đã được “toàn dân hóa”. Mặc dù ban đầu gia nhập vào vốn từ toàn dân có gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng dần dần trải qua thời gian cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội, vốn từ ấy đã được sử dụng rộng rãi, ta có thể kể đến một số từ ngữ:

+ Từ ngữ chỉ thể loại và cách thức biểu diễn tuồng: tuồng, tuồng đồ, tuồng cung đình...

+ Từ ngữ chỉ về con người trong tuồng Huế: đào, kép.

+ Từ ngữ chỉ âm nhạc: sanh, sáo, tiêu, đàn bầu, đàn hồ, đàn nguyệt, truyền hơi.

+ Từ ngữ chỉ phương thức hát: điệu, hơi, ngâm, hò, bộ gõ, bộ hơi, bài bản, ngữ khí, ngữ điệu.

- Ngôn ngữ toàn dân được sử dụng rộng rãi trong các từ ngữ chỉ nghệ thuật tuồng Huế.

Các từ ngữ chỉ các động tác múa trong tuồng (vũ đạo tuồng) đa phần xuất phát từ ngôn ngữ toàn dân. Nguyên nhân cơ bản là do múa tuồng được hình thành từ những động tác sinh hoạt và hành động tâm lý trong cuộc sống xã hội của con người. Vũ đạo tuồng gồm có 2 phần: Phần thứ nhất là xuất phát từ võ thuật dân tộc Việt Nam được cách điệu, nâng cao thành vũ đạo tuồng. Đây là loại vũ đạo cơ bản, chính thống của tuồng. Phần thứ hai là từ những động tác sinh hoạt ngoài đời được cách điệu hóa thành vũ đạo tuồng. Các động tác này thể hiện trong tuồng nhưng hàng ngày vẫn được diễn ra trong sinh hoạt thường nhật của người dân nên lẽ dĩ nhiên nó là từ nghề nghiệp trong tuồng Huế nhưng cũng là vốn từ toàn dân đang sử dụng. Hay ngược lại có thể nói, vốn từ chỉ nghệ thuật tuồng Huế được lấy từ vốn từ của dân tộc, từ ngôn ngữ toàn dân.

2. Sắc thái văn hóa địa phương trong từ ngữ nghệ thuật tuồng Huế

Huế một thời là kinh đô triều Nguyễn, là địa phương nằm ở vị trí trung tâm của cả nước nối kết hai miền Bắc Nam có tầm chiến lược hết sức quan trọng. Với một bề dày văn hóa vốn có, Huế luôn được đánh giá là nơi còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa độc đáo mà không phải vùng nào, địa phương nào cũng có. Một trong những điều đặc biệt ấy phải kể đến tiếng nói của người Huế, hay như một số người thường gọi là phương ngữ hoặc nói một cách chính xác hơn là thổ ngữ Huế. Tuồng Huế - loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc, có nguồn gốc lâu đời và phát triển rực rỡ vào thời nhà Nguyễn đã mang đậm trong mình dấu ấn của văn hóa Huế.

- Sắc thái độc đáo, riêng biệt của tiếng Huế trong các từ ngữ của nghệ thuật Tuồng Huế

+ Trong cách gọi tên (lối ứng xử).

Mụ: Đây là cách gọi mang bản sắc riêng của người Huế. Mụ vừa dùng để chỉ người đàn bà ‘nghèo’, đứng tuổi, quê mùa, vừa là cách người Huế dùng khi gọi chị em của bà ngoại, bà nội và cũng là tiếng chồng kêu vợ một cách thân mật. Tiếng mụ đi vào tuồng mang bao nghĩa thân thương và gần gũi ấy cũng là từ đặc trưng của người Huế đi vào tuồng.

Con hát: Tiếng trước đây dùng để chỉ các nghệ sĩ tuồng mang sắc thái ý nghĩa chê bai, xem thường. Ở đây thể hiện cho chúng ta thấy được quan niệm của giai cấp phong kiến ngày xưa đối với những người nghệ sĩ, đó là thái độ miệt thị, khinh khi, xem đó là tầng lớp thấp, mua vui cho giai cấp thống trị.

+ Thể hiện trong nghệ thuật trình diễn

Hát chặp: Chặp tiếng Huế nghĩa là từng khi, từng lúc. Hát chặp còn gọi là hát chấp từ đó dùng để chỉ hát một hồi, một lớp ngắn, thích hát đoạn nào thì hát đoạn đó, không câu nệ kiểu cách theo đúng quy định.

Hát đậu: Đậu tức đỗ đạt, gặt hái được thành quả mà mình cố gắng vươn tới, từ ý nghĩa này trong tuồng Huế được dùng để chỉ diễn viên hay vở diễn thành công, được thưởng.

Hát đôn: Đôn trong tiếng Huế có nghĩa là đưa lên, trong tuồng Huế dùng để chỉ hát nhanh cho qua một lớp hay sớm kết thúc một vở diễn.

Hát nhây: Nhây biến âm của từ dây trong dây dưa tức dính líu, lằng nhằng có sự ràng buộc lôi thôi, gây khó chịu. Từ đó hát nhây mang ý nghĩa hát dây dưa, dàn trải, hát dở mà kéo dài gây khó chịu cho người xem.

Láy ngứt: Ngứt là từ cổ có nghĩa là ngắt rời ra, dứt, ngừng, nghỉ. Từ này dùng để chỉ phương thức láy rời ra, ngắt quãng.

+ Thể hiện trong động tác múa

Guộn: Đây là một từ cổ, mang nghĩa là vo, cuộn dùng để chỉ một động tác tay trong tuồng Huế.

Bê: Ngoài nghĩa là đem, bế, bồng, ẵm còn có nghĩa là lên, trong phương ngữ Huế, còn mang nghĩa là đẩy, đưa lên chỉ một loại động tác di động bằng chân theo nhiều cách, nhiều bộ phận của chân: bê gối, bê ngồi, bê gót.

Bứt: nghĩa là xé, cắt, giật đứt dùng để chỉ động tác sinh hoạt cách điệu, dùng cho nhân vật khi lên rừng núi, hay xé cờ.

Khảo sát lớp từ chỉ nghệ thuật tuồng Huế, tuy rằng chưa thật là đầy đủ, nhưng chừng đó cũng có thể cho ta hình dung được khá rõ mối quan hệ giữa ngôn ngữ với tư duy, ngôn ngữ với văn hóa, ngôn ngữ với thực tế khách quan. Từ ngữ nghệ thuật tuồng Huế giúp ta có thể thấy phần nào những sắc thái văn hóa đặc trưng của xứ Huế, con người Huế. Đó là những kỵ húy, quy tắc dùng từ, lối ứng xử mang đậm bản sắc của vùng đất đế đô. Là ngôn ngữ, còn gọi là thổ ngữ Huế đã ăn sâu vào con người Huế, từ đó ảnh hưởng đến văn hóa Huế đặc biệt là tuồng Huế. Qua đó thể hiện phần nào tinh thần yêu nghề, gắn bó với nghề của những nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng đã và đang gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Việt Nam: nghệ thuật Tuồng - hát Bội.

L.M.P  
(SHSDB20/04-2016)

-------------------
(1) Nguyễn Thiện Giáp (1999), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trang sổ bị xé (13/05/2016)