Tạp chí Sông Hương - Số 327 (T.05-16)
Nghệ thuật diễn xướng trong sử thi Achât
09:25 | 15/07/2016

NGUYỄN THỊ SỬU

Có lẽ cái Phận, cái Duyên đã đưa tôi đến với thế giới Ngữ văn dân gian dân tộc Tà ôi để sau hơn 9 năm (2003 - 2012), sử thi Achât ra đời ở dạng song ngữ Ta ôi - Việt1.

Nghệ thuật diễn xướng trong sử thi Achât
Ảnh: internet

1. Achât gồm có 3 phần, 14 chương, dài 7212 câu. Mối quan hệ giữa các chương có tính phụ thuộc tương đối. Kết cấu cơ bản của Achât là: Sự ra đời thần kỳ, thời niên thiếu oanh liệt của nhân vật anh hùng (Achât và chín người anh được sinh ra từ cây đa Kăh Trakooq (Tam giác) qua kết quả làm theo lời báo mộng của Kantưi chỉ sau một đêm. Cây đa, theo quan niệm dân gian nói chung, người Tà ôi nói riêng, đó là loại cây thiêng chỉ dành cho các vị thần linh ngự trị. Chỉ sau một đêm, cả 10 anh em đã biết gọi cha inh ỏi và tự bò xuống mặt đất để theo Kantưi về nhà. Riêng Achât, khi chàng sinh ra đời bỗng Màu da của ông mặt trời khác lạ, nước da mịn màng, mặt không chói chang, Mà là dịu dàng nhìn ngắm trần gian, duy trì sự sống tươi hồng, Mà là chậm rãi, điềm đạm làm bạn với mặt đất…); Những thử thách khắc nghiệt đối với nhân vật anh hùng (Để trở thành người anh hùng của cộng đồng, Achât đã phải vượt qua khá nhiều trở lực từ lực lượng siêu nhiên và từ chính con người cùng tầng thế giới với mình gây ra. Không còn đất để làm rẫy, 10 anh Achât đã rủ nhau vào phát rừng thiêng mặc dù dân làng lên tiếng can ngăn, phản đối. Vì vậy, anh em họ đã lần lượt giao tranh với lực lượng của yêu tinh quỷ quái ở trong lòng đất và cuối cùng chỉ có Achât mới có thể địch nổi chúa tể yêu ma - Nghang Nương rồi trở thành đôi bạn tri âm. Không những thế, muốn chủ của hai ngôi làng lân cận ngừng giao đấu gây đổ máu người dân vô tội chỉ vì tranh quyền sở hữu một con sông chảy qua cả hai làng, Achât đã phải lặn bắt đầy 10 tilék cá dưới đáy sông sâu chỉ trong một ống tẩu thuốc và đánh bại 10 người đàn ông khỏe mạnh nhất của hai làng chỉ trong nửa ống tẩu thuốc. Còn nữa, Achât phải vượt qua sự hiềm khích của chín người anh ruột thịt bằng chính sức mạnh, tài năng và sự vị tha, độ lượng của chính mình...); Các công trạng hiển hách của nhân vật anh hùng (Điều này được thể hiện qua ba phương diện chính của cuộc sống sinh tồn: Lấy vợ, lao động và chiến đấu. Đó chính là nhiệm vụ của người anh hùng cộng đồng, bộ tộc, dân tộc); Kết thúc cuộc chiến đấu của nhân vật anh hùng (Kết cục của những trận giao chiến, đối phương thua trận hoặc trở thành người bạn thâm giao hoặc bị giết, người anh hùng thu phục dân làng, tôi tớ. Người anh hùng trở nên giàu mạnh, uy danh lừng lẫy. Cuộc sống rộn rã, bình yên, no ấm. Achât sau khi thắng Nghang Nương đã trở thành người bạn được Nghang Nương nể trọng và giúp đỡ nâng cao quyền uy. Mặc dù thuộc hai thế giới khác nhau nhưng hai người và dòng tộc của hai người luôn hướng về nhau, nhớ công nhau. Những đối phương khác như Acho Tilóng, Atrês khi bị Achât giết, họ hàng và tôi tớ của bọn chúng đã tìm đến trả thù nhưng đều thất bại và bị Achât thu phục làm người dưới quyền của mình. Mục đích cuối cùng của những cuộc tranh đấu như vậy là nhằm mở rộng bờ cõi, quê hương và tăng cường lực lượng. Kết thúc cuộc tranh đấu là bức tranh lễ hội ăn mừng chiến thắng, mừng cuộc sống đổi thay và thanh bình).

2. Achât là sử thi anh hùng. Nhiệm vụ chủ yếu của nhân vật anh hùng, là lấy vợ, lao động và chiến đấu. Và đó cũng là nội dung đề tài của Achât. Achât thực tế là một tác phẩm truyền tải chuỗi câu chuyện của các nhân vật anh hùng: Kantưi, Traleq Taq, Choah Chun và chín người anh của Achât từ Amúi đến Akeas. Nhưng Achât là nhân vật chính số một nên đề tài sẽ tập trung khai thác vẻ đẹp, suy nghĩ, hành động của nhân vật này. Đề tài chiến đấu là đề tài bao trùm của tác phẩm và là nhiệm vụ lớn nhất của anh hùng Achât. Mục đích của cuộc chiến đấu trong Achât hơn cả để lấy vợ, làm chủ đất rẫy, giải quyết mâu thuẫn, bảo vệ cộng đồng là để trở thành người giàu mạnh về của cải lẫn tôi tớ, mở mang bờ cõi, mở rộng tầm ảnh hưởng và xây dựng cuộc sống hòa bình (Để làm chủ đất rẫy trong khu rừng thiêng, Achât đã phải đánh nhau với Nghang Nương; Để giải quyết mâu thuẫn giữa hai làng lân cận vì tranh quyền sở hữu một con sông chảy qua hai làng, Achât như con chim Chideéh Aleang lao từ rẫy trong rừng sâu đến nơi đang có trận xíc mích, hiên ngang đứng trên mái nhà Rông khuyên can và chặn lùi những đao, giáo bằng cây rựa cụt của mình; Để bảo vệ cộng đồng, Achât đã phải tranh đấu với Atrês - chúa tể của làng rừng sâu núi thẳm; Để lấy vợ, Achât đã phải trải qua nhiều cuộc giao tranh tàn khốc). Đề tài lấy vợ được thể hiện trên ba phương thức: Cướp người đẹp về làm vợ (muốn lấy được Kalang Niêt Ka, nhất định Achât phải giết được cha mẹ nàng - một loại chim độc ác, giết hại con người nếu bắt gặp và không muốn các cô con gái lấy chồng trần gian); Giành lại người vợ bị cướp (nhân lúc 10 anh em Achât đi Lào trao đổi của cải để rước voi, trâu, bò về quê, Acho Tilóng đã cướp Adúq Ntrun. Achât đi tìm vợ lên đến tận đỉnh Katíng - mũi trời mới trông thấy Adúq Ntrun đang bị tên sói trời, Acho Tilóng trói ép làm đám cưới. Achât đã giết chết Acho Tilóng và hạ thủ lực lượng sừng sộ, hung ác của Acho Tilóng để biến họ thành người hầu kẻ hạ của mình); Vượt qua hoặc tiêu hủy vật thử thách để có vợ (Để lấy được nàng Kabíh - cô gái xinh đẹp nết na nhất của làng bên kia sông Ntrool - Achât đã vượt qua lời phủ định của bà mối Atam và lời từ chối đón tiếp của mẹ nàng Kabíh khi Achât đến thăm hỏi, đặt vấn đề. Để lấy được nàng Kammoor Mimăng, Achât đã bắn gà trống thần bay qua làng mình khi chỉ nhìn thấy to bằng con ong vò vẽ trên không trung xa thẳm. Đối với cả nàng Adúq Ntrun, Achât cũng thực hiện một số việc tương tự...). Đề tài lao động trong Achât thường là hoạt động tập thể, trong đó người anh hùng là những người lao động xuất sắc nhất, hiệu quả cao nhất với sức mạnh phi thường. Hoạt động này thể hiện qua các phần việc sau: Săn bắt, hái lượm (Ngay ở tuổi thiếu thời Achât và anh em Achât đã ý thức về lao động, mà trước hết là săn bắt. Chất lượng vật săn bắt tỷ lệ thuận với thời gian trải nghiệm công việc đó. Lần đầu họ được vật nhỏ, việc đơn giản rồi các lần tiếp theo vật to dần, việc khó dần. 10 anh em Achât đều là những anh hùng, có tầm vóc phi thường nhưng thành quả của Achât bao giờ cũng hơn thành quả của chín người anh cộng lại); Trồng trỉa (Cả làng, không ai mạnh khỏe, chịu khó và gan dạ như 10 anh em Achât. Họ luôn chọn những vùng đất xa xôi, cách trở, dân làng không làm được để phát nương làm rẫy. Thậm chí, họ cả gan phát rừng thiêng để trỉa trồng lúa ngô, khoai sắn. Họ phát rừng thiêng, nơi ngự trị của chúa tể yêu tinh Nghang Nương khiến Nghang Nương nổi giận mà giao chiến với Achât. Họ đi làm rẫy trong rừng sâu núi thẳm khiến cho nàng Adúq Ntrun siêu lòng với chàng Achât cường tráng, tinh thông. Vượt qua trận đại hồng thủy bằng con thuyền tự tay đẽo khắc, Achât và chín người anh đã dẫn dân làng đi làm rẫy nương, đi săn bắt, hái lượm dậy vang núi rừng); Làm nhà cửa (Khi lập làng mới, bên cạnh đốc thúc dân làng chung tay làm nhà ở cho mình, Achât đã huy động lực lượng góp sức dựng nhà Rông bề thế nhất của người Tà ôi. Và, với sức vóc hơn người khi được người bạn tri âm Nghang Nương yêu cầu làm đủ 10 cái Trul (nhà kho) to như nhà achoar (nhà sàn) của dòng họ để Nghang Nương thực hiện công việc cao quý dành tặng Achât mà bấy lâu nay đang ấp ủ trong lòng thì Achât chỉ mất 2 sải tay bước đi của bà trăng, một mình đã hoàn thành chúng); Rèn giũa, đẽo khắc (Anh em Achât thuở thiếu thời đã được Kantưi dạy cách rèn giũa lao, kiếm, rựa để phục vụ lao động sản xuất và đối phó với thú dữ, kẻ thù. Khi kết bạn với Achoah Chun ở đất Lào, Achât đã dạy Choah Chun nghề rèn giũa, nghề nặn vắt nồi niêu, chén bát bằng đất sét. Rồi, cả hai cùng phát triển những nghề đó ở quê hương mình. Achât cũng đã hướng dẫn Traleq Taq cách mài kiếm gia bảo để giết được Atrês, giành lại vợ bị cướp là nàng Ta-mai Tinh); Trao đổi của cải vật chất (Khi trưởng thành Achât và anh em Achât đã thực hiện những hoạt động trao đổi của cải vật chất với các bộ tộc láng giềng, nhất là với người Lào. Sau mùa trồng trỉa rẫy nương, anh em Achât thường đến Lào đổi chum ché, thanh la, rìu rựa, thiếc chì, vàng bạc để lấy voi, trâu, bò, ngựa và hạt mã não, váy xịn đưa về. Achât kết bạn thâm giao với Achoah Chun. Người dân của hai phương đều tỏ lòng kính trọng, mến mộ hai tộc trưởng anh hùng, gan góc và tài ba trên mọi lĩnh vực cuộc sống).

3. Một sự hiển nhiên, cái tạo nên giá trị độc đáo “không thể nào bắt chước được” của sử thi Achât là những yếu tố nghệ thuật. Đó là ngôn ngữ, phong cách và diễn xướng. Yếu tố ngôn ngữ trong Achât giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu và mang tính kịch (Cách nói ví von, giàu hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc, đặc biệt kỳ thú đối với người nghe qua việc khắc họa các nhân vật. Cách nói có vần điệu, tạo nên âm hưởng hài hòa và có sự liên kết chặt chẽ với nhau giữa các vế trong một câu hoặc cặp câu. Hơn nữa, sự hài hòa trong ngôn ngữ sử thi Achât còn thể hiện ở kết cấu đối xứng (thường cặp đôi về hành động, số lượng, cảnh vật và ngay cả tên nhân vật) tạo nên sự hài hòa nhịp nhàng trong hình tượng. Trong Achât, tính kịch thể hiện đậm nét ở chỗ: Các câu truyện ở mỗi chương, phần của tác phẩm đều được trình bày dưới hình thức ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật; Nhiều màn tương phản gây nên tình huống kịch khá sinh động, làm nổi lên những tính cách khác nhau của các nhân vật; Ngôn ngữ kịch được thể hiện qua nhiều biện pháp sinh động, chủ yếu thông qua biện pháp đối lập trong ngôn ngữ đối thoại, hoặc trong mô tả ngoại hình nhân vật hoặc cách dựng lên tình thế tương phản). Phong cách kỳ vĩ hóa trong Achât được tạo nên bởi sự kết hợp tương thông, hữu cơ bằng biện pháp ngoa dụ (phóng đại, cường điệu), ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ... của những yếu tố ngôn ngữ sinh động về hình tượng, hài hòa về nhạc điệu, âm thanh, đối lập về kịch tính nhờ bàn tay, khối óc của nghệ nhân sử thi Tà ôi. Đó là phong cách làm cho hình tượng nghệ thuật (nhân vật anh hùng, cảnh vật thiên nhiên, không gian lễ hội,...) chứa chan sức mạnh hoành tráng, cao cả và truyền tải vẻ đẹp tuyệt vời của cả cộng đồng ở tầm dân tộc, tầm vũ trụ. Diễn xướng trong Achât ứng biến và thăng hoa theo dòng chuỗi truyện được hát - kể truyền khẩu không thể hết 1 đêm...

Diễn xướng sử thi nói chung, sử thi Achât nói riêng là yếu tố nghệ thuật nâng tầm giá trị của tác phẩm sử thi đó. Ngôn ngữ trở nên giàu hình ảnh, nhạc điệu, tính kịch; phong cách trở nên kỳ vĩ hóa là nhờ diễn xướng đã thổi vào những nơi đó những luồng mạch hình ảnh, hình tượng, nhạc cảm và các biện pháp tu từ đắt nghĩa. Giá trị tác phẩm muốn đề cập thêm chính là quy mô kết cấu, độ sâu của đề tài được thể hiện và sức thu hút sự tập trung của người nghe để sau đó có người tiếp nối kể - hát được cho người khác nghe nữa.

Diễn xướng sử thi là một trong những hình thức sinh hoạt dân gian mang tính cộng đồng mà nghệ nhân chiếm vị trí độc tôn, có thể diễn ra mọi mùa trong năm, nhưng chủ yếu là mùa nông nhàn và lễ hội. Thời điểm diễn xướng là vào đêm, bên bếp lửa hồng trong ngôi nhà Rông, nhà dài, nhà nghệ nhân.

Và, để trở thành người hát - kể sử thi không dễ nếu không hội đủ các tiêu chí: Người có trí nhớ tốt, có trí tưởng tượng phong phú, biết phân tích diễn biến tâm lý, tính cách và sự việc, có sức khỏe, có giọng nói khỏe, biết hát và vận dụng các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, có năng lực tham gia các hoạt động truyền thống, có uy tín trong cộng đồng. Nghệ nhân là sự hóa hợp tương liên của nhà thơ, ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác, đạo diễn kiêm diễn viên kịch, nhà tâm lý học sâu sắc. Thường, nghệ nhân sử thi là già làng, chủ làng hoặc người lớn tuổi trong dòng tộc, họ tộc, gia đình, có thể nam giới hoặc nữ giới. Với Achât, nghệ nhân diễn xướng đạt đỉnh sử thi là cụ ông Koónh Hiêm ở tuổi 103, trú ở thôn Chi Lành, xã A Đớt, huyện A Lưới (mất năm 2014).

Trong sử thi Achât có hai phương thức diễn xướng: diễn xướng đơn và diễn xướng phức. Diễn xướng đơn là cách hát - kể biến tấu linh hoạt ngữ điệu lúc trầm - bổng, căng - chùng, nhanh - chậm, mạnh - yếu..., sắc thái buồn - vui, yêu - giận, thương - ghét, oán thù - vị tha,... Diễn xướng phức là cách hát - kể hội tụ đầy đủ đặc tính của diễn xướng đơn nhưng có thêm minh họa bằng nhạc cụ (chiêng, trống, khèn, sáo), đạo cụ (cử chỉ, điệu bộ) và có khi cả đổi giọng (lúc giọng nữ, lúc giọng nam, lúc già, lúc trẻ, lúc tướng, lúc quân) hoặc phân vai khiến cốt truyện thêm hấp dẫn, người nghe thêm cuốn hút, nhập tâm cùng nghệ nhân. Một đặc tính tuy chỉ mang tính phụ trợ nhưng khó bỏ qua khi nghiên cứu nghệ thuật diễn xướng sử thi Achât, đó là dụi tắt mầm lửa sau khi hát - kể xong một chương truyện với ý nghĩ mầm lửa mới rực khỏe hơn; nghệ nhân đặt tay lên đầu con dâu, con gái với ý mong ban phước lành khi truyện chạm đến việc lấy vợ của vị anh hùng; nghệ nhân bất ngờ yêu cầu người nối truyền hát - kể lại một chương hoặc đoạn hoặc tình tiết bất kỳ sau khi đã nghe.

Vào đêm, sau khi chú gà trống đứng chuồng thiu thiu giấc lành để rèn dưỡng thanh âm đánh thức bình minh mới. Khi bếp lửa đã nhóm thành ngọn rừng rực ngắn dài, nghệ nhân cầm tẩu thuốc kề môi, mắt như nhìn thâu quãng khuất xa xăm, dưới sự vây vòng cung lớp trong lớp ngoài của hàng con cháu và dân làng, bắt đầu vào Achât. Giọng trầm thiêng đầy vẻ huyền bí ngân lên:

Bỗng một ngày màu da của ông mặt trời khác lạ
Nước da mịn màng như rau rớn mơn mởn bên bờ suối
Trên không trung nhiều đám mây trắng như chiếc lông vịt trống ùn ùn đi qua
Mặt của ông mặt trời không chói chang chiếu xuống trần gian như mọi khi
Mà là dịu dàng nhìn ngắm trần gian, duy trì sự sống tươi hồng
Mà là chậm rãi, điềm đạm làm bạn với mặt đất
Đó là lúc Achât bước ra từ hốc cây đa Kăh Trakooq
2
Đó là lúc người ta nhìn được vào mắt của ông mặt trời.

Nghệ nhân từ từ nhắm mắt lại cùng với câu hát đầu tiên (màu da của ông mặt trời khác lạ) rồi từ từ mở mắt ra thưởng ngoạn đến nỗi như chiếm lĩnh siêu nhiên khi dứt câu cuối cùng (người ta nhìn được vào mắt của ông mặt trời). Lời kể lại đan xen trong lời hát cùng giọng đối - đáp rành mạch, rõ ràng lúc căng lúc chùng và điệu bộ tín mộ hướng về rừng núi thiêng, suối sông ứng khi Achât phân tranh với Nghang Nương - vị chúa tể của thế giới âm linh, rằng:

Núi non, rừng rú là của đất mẹ, trời cha
Cá tôm đang bơi lội ở suối sông cũng là của họ
Họ đã đồng ý cho anh em Achât phát rừng này làm rẫy
Họ đã đồng ý cho anh em Achât xẻ rừng này làm nương
Để chúng tôi có cái lúa cái ngô làm no cái bụng cái dạ
Để chúng tôi có cái củ cái quả đưa vào bụng cho đỡ đói.




Nếu ban đêm là niềm vui sướng của các người thì ban ngày là của chúng tôi
Nếu ban đêm các người trẩy hội trẩy hè thì ban ngày chúng tôi làm lụng
Đêm - ngày đã được ông bà phân định
Ngày - đêm mỗi bên tự bươn chải mưu sinh
Ai làm nên tội mà các người muốn biến thành cánh đồng chết chóc
Ai làm nên tội mà các người muốn biến thành cánh đồng hoang vu.


Thế rồi cuộc giao chiến giữa Achât và Nghang Nương đã xảy ra hùng tráng, thần kỳ trong tiết tấu từ nhanh, mạnh xen hồi chiêng, hồi trống thúc giục:

Luồn luồn, Achât như con rồng phun ra lửa hồng
Luồn luồn, Achât như con rồng át lấn bụi mù
Lách người sang một bên, Achât phun làm cho màn đen tan biến
Lách người sang một bên, Achât tránh mũi tên độc của Nghang Nương
Achât vung rựa cụt quất vào giặc lia lịa
Achât gầm thét như sấm sét thịch thịch thình
Khiến cho bầu trời vốn trong xanh chợt mây đen kéo đến
Khiến cho bầu trời vốn trong xanh, ào ào đổ mưa
Trong chốc lát, nó cuốn phăng bao luồng khói đen kịt
Trong chốc lát, nó cuốn sạch bao đám khói hại người
chât quất thêm một nhát rựa vào mái tóc dài muôn sải tay
Achât quất thêm một nhát rựa vào thân thể
Khiến cho Nghang Nương đau điếng ré lên vang cả núi
Khiến cho Nghang Nương đau điếng gầm lên làm cho chim muông kinh hãi.
đến chậm, yếu và nhận ra nhau, làm bạn của nhau:

Đánh ngược, mà vẫn chưa ai thua ai
Đánh xuôi, mà vẫn chưa phân thắng bại
Ông mặt trời xòe tay chân nhìn chằm vào họ
Họ vẫn cứ khum khum tranh sức tranh tài
Ông mặt trời thiêu đốt vào thân thể họ
Họ vẫn cứ khụm khụm quần vật nhau
Bà trăng bực tức che khuất tất cả các nàng sao
Bà trăng bực tức thấy các nàng sao ngắm nhìn Achât quên việc mình...
Vụt mất mười ngày đánh nhau, họ không biết mỏi tay
Vụt mất trăm ngày đánh nhau, họ không biết tê chân
Khi không còn sức để bay trên không trung
Họ sực tỉnh, nhìn nhau để nhận ra nhau.


Tùy theo đề tài, chủ đề thể hiện, nghệ nhân diễn xướng sử dụng ngữ điệu, sắc thái, vũ đạo, nhạc cụ, đổi giọng, phân vai ở những mức độ đậm - nhạt khác nhau. Ứng với đề tài chiến đấu, chủ đề giao tranh thường là những ngữ điệu, tiết tấu hùng hồn, mạnh mẽ, cam go, quyết liệt như đã minh chứng ở trên. Còn trong đề tài lao động, thường hừng hực khí thế săn bắn, hái lượm:

Mười anh em họ xăm xăm đi săn bắn
Mười anh em họ săn bắn đến cạn cả suối sông


Rầm rập dậy vang núi rừng khi thu phục và cùng dân làng đi làm nương rẫy:

Tiếng cồng giục lên rẫy
Tiếng trống thúc lên nương
Tiếng bước chân dồn dập vang đèo núi
Tiếng cười nói rộn rã dội thác ghềnh
Con trai nhanh chân thọc lỗ, con gái nhanh tay tra, lấp hạt
Đàn ông mạnh chân vác gỗ củi, đàn bà dẻo lưng gùi rau măng
Trai làng theo anh em Achât đi săn bắt nối hàng dài như đàn kiến đi xây tổ
Gái bản theo chị em Kalang Niêt Ka đi hái lượm nối dài
như đàn kiến chuyển mồi.


Và tưng bừng, hào khí khi làm nhà cửa:

Achât giục đám trai gái làm việc
Achât thúc đám trai gái làm công
- Ơ đám trai làng gái bản Ta-ôi
Ơ đám trai làng gái bản biết cậy nhờ
Nhà cho mỗi gia đình đã xong
Nhà cho mỗi dòng họ đã đủ
Giờ, các ngươi đưa chân lên núi
Giờ, các ngươi ngửa mặt qua thác ghềnh
Các chàng trai chặt tre nứa, rút cây mây
Các chàng trai dọn đường vác gỗ
Các cô gái chặt cọ bứt tranh
Các cô gái thoăn thoắt gùi tranh cọ
Những việc đó, các ngươi xoay chân cho lẹ
Những việc đó, các ngươi chuyển gót cho nhanh
Đừng mải vui mà trễ việc làm nhà Rông
Đừng mải vui mà trễ việc làm sân cho làng bản
- Ơ chàng Achât rám hồng
Ơ con trâu đực của làng người Ta-ôi
Chúng tôi đi làm việc mà Người đã bảo
Chúng tôi đi làm việc mà Người muốn dùng
Chúng tôi không dám làm đau suy nghĩ của Người
Nếu không có Người, chúng tôi chỉ như măng non bị bóc vỏ
Nếu Người không chăm ẵm, chúng tôi như hoa quả bị rụng rơi
Ai nấy chăm chú làm việc được phân công
Ai nấy lúi húi lo cho xong việc được giao
Ai cũng muốn làm đẹp nhà cửa
Ai cũng muốn làm đẹp bản làng


Khi hát - kể cảnh làm nhà cửa, nghệ nhân thường đổi ba lần giọng (giọng của người kể chuyện - trần thuật, giọng của nhân vật Achât và giọng của nhóm trai làng gái bản) và có thể phân vai đối - đáp (Achât và nhóm trai gái trong làng) cho nhóm người - những người con nối truyền - có khả năng kế tục nghệ nhân. Khi rèn giũa, đẽo khắc thì hết đỗi tỉ mỉ, chậm rãi, kỹ càng; khi trao đổi của cải vật chất với bất kể ai, đặc biệt với người bạn ở nước Lào thì rất mực thâm tình, tin trọng, nhịu nhường:

Đến mùa lễ tết, làng Achât rầm rầm đón khách
Đến mùa lễ tết, làng Achât nhộn nhịp mang quà đến cho Choah Chun
Choah Chun học Achât rèn dũa
Choah Chun học Achât nặn vắt
Choah Chun cho Achât thuốc nhuộm sợi màu đỏ
Choah Chun chia cho Achât mọi thứ mọi điều
Họ dành tặng vật của không so đo to nhỏ
Họ bày vẽ việc vàng không so sánh thấp cao
Họ tựa sức vào nhau
Họ sẻ chia sự khôn khéo của nhau.


Trong đề tài lấy vợ, nghệ nhân diễn xướng tha hồ thả sức với mọi cung bậc tình cảm, sắc thái, với đủ dạng ngữ điệu biến tấu, có đối thoại, độc thoại nội tâm. Người anh hùng khi đã thích ai, yêu ai thì nhất quyết không rời:

Ơ nàng chim trời, ta sẽ không quay về dẫu mặt trời đi ngủ
Hỡi nàng Thiên Nga, ta sẽ chẳng dời đi đâu dẫu mặt trăng che khuất các vì sao
Chưa gặp mẹ nàng, ta chưa bỏ cuộc
Chưa gặp cha nàng, ta chưa rời đi.


Quyết tâm vượt qua thử thách để chinh phục người đẹp không trung:

Gà trống thần phầm phập vỗ cánh bay đến làng Achât
Gà trống thần nghe tim gan như rát rúa
Mũi tên của Achât đã đâm phập vào thể xác mình
Gà trống thần lả tả rơi xuống chết tại làng Achât
Chân gà trống thần sù sì to như cột nhà Rông
Thân gà trống thần thô ráp to như ngôi nhà Rông
Dân làng rầm rập đánh trống đánh chiêng ăn mừng
Dân làng sầm sập nhảy múa trong tiếng chiêng trống tung hứng.


Và đón nhận chân thành tình yêu từ phía ấy:

- Ơ chàng Achât Achông
Ơ chàng trai có sức vóc không ai sánh kịp
Ta đã trao đời mình cho chàng
Ta đã nương thân mình vào chàng...
Ta biết chàng đã có Kalang Niêt Ka
Ta biết Kabíh cũng vừa mới về làm lẽ
Ta chẳng ngại làm em dâu của hai chị ấy
Ta chẳng làm rối ren việc nhà cửa đâu.
- Ơ cô gái có khuôn mặt tròn cổ cao
Ơ cô gái trắng muốt như cây chuối non
Thân hình nàng đẹp như cây Ngúng đã được rọc vỏ
Tóc nàng dài mượt như cây đoác đang chứa đầy sữa ngọt
Đã nghe lời nói thật của nàng
Đã nghe điều chân thành nàng tỏ bày
Ta yên tâm để nàng theo về làng
Ta yên tâm đón nhận phận đời của nàng rồi đó!


Bởi, vẻ đẹp của những người phụ nữ ấy đã vượt qua không thời gian hiện thực. Đó là vẻ đẹp thánh thiện, tinh khiết của 10 chị em Kalang Niêt Ka:

10 cô con gái ăn gạo trời
10 cô con gái uống nước mạch trong rừng sâu
Tóc họ dài như con suối con sông
Thân thể họ trắng như thân non của cây đình đình, cây đoác
Tiếng nói của họ trong trẻo như nước chảy ra từ nguồn
Họ duyên dáng như hoa arui ở suối rừng sâu
Khi họ nhảy múa, uốn lượn trông như bảy sắc cầu vồng
Khi họ ca hát ngọt như nước mật ong chảy thấm vào gan ruột.


là vẻ ngoan hiền, cần mẫn, siêng năng của nàng Kabíh:

Không có cô gái nào sánh bằng vẻ đẹp của Kabíh
Không có cô gái nào sánh bằng sự siêng năng của Kabíh
Ngày ngày rỉnh ràng với rựa cuốc lên rẫy
Ngày ngày rỉnh ràng với gùi nia lên rừng
Làm việc không để nhỡ lời
Đan dệt thổ cẩm không để người lớn phật ý.


là vẻ đẹp tràn sức xuân và đảm đang việc nhà việc bếp của nàng Adúq Ntrun:

Từ giàn bếp, lò dò đi xuống một cô gái trắng như lọn chuối
Từ giàn bếp, lò dò đi xuống một cô gái mặt tròn cổ cao
Thân hình cô gái đẹp như cây Ngúng đã được rọc vỏ
Tóc cô gái dài mượt như nõn cây đoác đang đầy sữa ngọt...
Cô gái lướt tha bước đến cối giã gạo
Cô gái lướt thướt cùng gạo tấm sảy sàng
Cô gái lanh loát ra sông gùi ống bầu nước
Cô gái lăm lắp đưa tay hái rau môn thục ngoài vườn về nấu canh.

Đến đêm
, có thể ông mặt trời đã trở giấc lần 3 và bà mặt trăng cũng sửa soạn về nhà nghỉ ngơi, nghệ nhân trong giọng điệu ngân xa như muốn neo đọng vào lòng người nghe ở cả ba tầng thế giới kết thúc sử thi Achât bằng trường đoạn đặc tả về nhân vật anh hùng:

Bỗng một ngày, màu da của ông mặt trời khác lạ
Nước da mịn màng như lá rau rớn mơn mởn bên bờ suối
Trên không trung, nhiều đám mây trắng như chiếc lông vịt trống ùn ùn đi qua
Mặt của ông mặt trời không chói chang chiếu xuống trần gian như mọi khi
Mà là dịu dàng nhìn ngắm trần gian, duy trì sự sống tươi hồng
Mà là chậm rãi, điềm đạm làm bạn với mặt đất
Đó là lúc Achât bước ra từ hốc cây đa Kăh Trakooq
Đó là lúc người ta nhìn được vào mắt của ông mặt trời
Achât như ngôi sao sáng rực giữa bầu trời đầy sao
Achât như một gốc cây bụ bẫm, mụ mẫm nhưng không ai có thể dịch chuyển
Ít nói nhưng khiến cho người khác kính nể, yêu thương
Ít nói nhưng biết tập trung, huy động công việc sản xuất
Tướng mạo vạm vỡ như cây Pơ-rao
Phong cách hào hoa như cây Đang
Một bước chân của Achât bằng một sải tay người khác lội
Đất đá mừng vui, xem Achât là cha là chú
Achât bước đi lướt phướt như chiếc lông tơ của con gà trống là là bay
Achât lội nước chình chịch chắc nịch như cột nhà Rông
Achât lườn lượn như con rồng bơi trong nước
Kroóng Pila dưới suối sông khát khao muốn làm bạn với Achât
Achât lội suối, bơi sông đẹp như cá bơi vào mùa hoa Parlang nở
Achât nhanh như con cá Piloor chui vào lòng đất
Achât lên núi, chẳng ai theo kịp
Achât trèo đèo, chẳng ai vượt qua
Du dương làn gió bừng sáng cả núi rừng
Chàng bước đi vùn vụt như con chim Chideéh Aleang
Khi chàng leo dốc, mắt thấy mới 1 chân ở phía núi này
Khi chàng leo dốc, thì một chân đã bước sang núi kia
Khiến cho các nàng hoa Parlang mơ màng
Khiến cho các nàng hoa Tava ngỡ ngàng theo ngóng
Giọng nói Achât thánh thót như mùa nẩy mầm đâm lá
Giọng nói Achât vi vút như tiếng con ong hun hút trên ngọn cây Atanh
ngửi mũi trời
Thanh âm Achât lanh lảnh như nước suối chảy miệt mài

Thanh âm Achât trong trẻo như làn nước không gợn tí bụi bặm
Khiến cho các chàng Pireau Pikoi lánh đi vì xấu hổ
Khiến cho các chàng Pireau Pikoi bỏ lại nơi chốn của mình
Nhưng đến khi Achât giận dữ cũng không ai sánh bằng
Nhưng đến khi Achât giận dữ chẳng một ai dám đáp đối
Giọng thét của chàng tựa sấm vang chớp giật
Giọng thét của chàng tựa giông bão kéo đại hồng thủy về
Khiến cho sấm sét yên lặng cúi đầu
Khiến cho giông bão run rẩy quay mặt
Dáng ngồi của Achât như đá Pul pok thánh thần
Dáng đứng của Achât như cây đa Kăh Trakooq siêu phàm
Khiến cho các vị thần cây, tần ngần khen ngợi
Khiến cho các vị thần đất đá, e ngại ngẩn ngơ
Achât làm bạn với Acho Travâk Travâl trên trời
Achât làm bạn với Nghang Nương dưới lòng đất
Achât có Choah Chun ở Lào xin kết bạn
Achât có những người con của Atrês xin làm người hầu kẻ hạ trung thành
Ở đầu nguồn hay cuối bể, ai ai cũng thích làm bạn với Achât
Ở phía trên cao hay dưới thấp, ai ai cũng muốn theo Achât sản xuất làm ăn…


Nghệ thuật diễn xướng trong sử thi Achât đã hỗ trợ yếu tố ngôn ngữ, phong cách làm sống và nuôi sống sử thi Achât.

N.T.S
(TCSH327/05-2016)

-------------
1. Tác phẩm này của tác giả Kê Sửu đã được xuất bản với nhan đề: Achât - sử thi dân tộc Ta ôi, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1/2012. Tác phẩm đã được tái bản bởi Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2015.
2. Kăh Trakooq: Ý chỉ cây đa muôn tuổi có thế đứng tam giác vững chãi, trường tồn.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng