Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-16)
“Hải Môn Ca” - bài thơ chữ Nôm về các cửa biển xứ Đàng Trong
09:35 | 25/11/2016

VÕ TRIỀU SƠN

Hải môn ca là bài thơ lục bát bằng chữ Nôm, khuyết danh, phiên trích trong sách “Thông quốc duyên cách hải chữ”, bản chép tay của Viện Khảo cổ Sài Gòn (số ký hiệu VĐ4, tờ 37a-39a).

“Hải Môn Ca” - bài thơ chữ Nôm về các cửa biển xứ Đàng Trong
Khung cảnh cửa Tư Dung

Bài thơ bao gồm 48 câu, mô tả lại hành trình của các lái buôn ghe bầu từ Bố Chính đến Cao Miên, tức Đàng Trong, là phần đất của chúa Nguyễn. Trong đó chỉ ghi nhận các cửa biển từ châu Bố Chính (Quảng Bình nay) cho đến trấn Biên Hòa (vùng ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay). Năm 1964, GS. Bửu Cầm có dịch và chú thích bài Hải môn ca in trên Văn hóa nguyệt san (bộ mới), tập XIII, quyển 9 (tháng 9/1964) do Nha Văn hóa - Bộ Quốc gia Giáo dục (Sài Gòn) xuất bản. Năm 1972, trong Văn học Nam Hà (Nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn), Nguyễn Văn Sâm có ghi lại bài này cùng với các chú thích của Bửu Cầm. Năm 1974, cuốn sách này được tái bản.

Theo các nhà nghiên cứu, trong bài thơ này có nhiều chỗ chép nhầm về địa danh hoặc sai cả luật lục bát. Tuy nhiên, đây vẫn là tài liệu có giá trị về lịch sử, địa lý, văn hóa, nhất là trong việc cung cấp các địa danh lịch sử, địa danh dân gian. Nó có nét gần gũi như các bài Vè Các lái, đặc biệt là Vè Lái vô của dân ghe bầu miền Trung vào khoảng thế kỷ XVI đến năm 1945. Qua bài thơ, có thể thấy được sự giao thương kinh tế giữa các vùng miền ngày xưa khá nhộn nhịp, tấp nập, thậm chí các thương lái Việt Nam còn buôn bán sang tận xứ Cao Miên.

Bài thơ bắt đầu nhắc đến địa danh sông Gianh và cửa biển Thuận Cô, Nhật Lệ: “La Hà xuống ngọn sông Gianh/ Phỏng bán nhật trình vượt đến Thuận Cô… Một thôi đến Nhật Lệ môn”. Sông Gianh là con sông lớn nhất Quảng Bình từ 1672 là ranh giới Đàng Trong, Đàng Ngoài. Nhật Lệ ngày xưa là cửa biển lớn, nhà Nguyễn cho chôn cọc và giăng lưới sắt để phòng quân Trịnh đánh xuống phía Nam.

Rồi đến Quảng Trị, bài thơ nhắc đến cửa Minh Linh là cửa Tùng, cửa sông Bến Hải, ranh giới vĩ tuyến 17 (Minh Linh cửa ấy sắt chôn làm hàn); rồi đã nhắc đến cửa Việt: “Một ngày trải khắp giang san/ Đến miền cửa Việt sắt hàn hiểm sao”. Cửa Việt nguyên là An Việt hải môn, được đổi tên là Việt An từ năm Minh Mạng thứ nhất (1820). Đây là cửa sông Thạch Hãn. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, cửa Việt được “hàn sắt” (giăng dây sắt) để phòng thủ.

Đến Thừa Thiên Huế, bài thơ nhắc đến những cửa biển nổi tiếng:

“Một ngày lại đến cửa Eo
Cửa Hàn ngăn sắt sóng reo đầy rầy
Đến Tư Khách cũng một ngày
Một cảnh vượt thủy ngày này Cảnh Dương…”


Cửa Eo tức là cửa Yêu, tên định danh từ thời Lê. Cửa này còn có các tên khác là Hải Nhuyễn, Hải Noãn, cửa Yêu, cửa Eo; đến năm Gia Long thứ 13 (1814) mới được đổi tên là Thuận An (thuộc Phú Vang ngày nay).

Cửa Tư Khách tức là cửa Tư Hiền (huyện Phú Lộc), dân gian thường gọi là cửa Mù U, cửa Bạc Thái, cửa Biện, cửa Ong. Cửa biển này thời Lý có tên là Ô Long; đời Trần Anh Tông có tên là Tư Dung. Tư Khách là tên có từ thời Mạc (do kỵ húy tên Mạc Đăng Dung), năm 1841 (năm Thiệu Trị thứ nhất) mới được đổi tên là Tư Hiền.

Đà Nẵng Hải Khẩu (cửa Hàn) trên Cửu Đỉnh


Cứ thế, qua Đà Nẵng thì “Đà Nẵng cửa đặt tuần ty”, là nhắc đến chuyện các đời Gia Long, Minh Mạng, Đà Nẵng được làm bố phòng, xây cất kiên cố. Năm Minh Mạng thứ 17, cửa biển này được vua cho khắc trên Cửu Đỉnh.

Rồi qua “Đại Chiêm cửa ấy phỏng đi một ngày”, là nhắc đến cửa Đại ở Hội An ngày nay. Ngay từ thế kỷ 16, chúa Nguyễn đã buôn bán với nước ngoài qua cửa biển này.

Xuống Quảng Nam là “Hiệp Hòa bên nọ, này đây An Hòa”, là nhắc đến Hòa Hiệp hải khẩu, nơi hai con sông Tam Kỳ và Trường Giang đổ ra biển.

Quảng Ngãi có nhiều cửa được nhắc đến: Châu Ô (Thái Cần hải khẩu); Sa Trạm (Sa Kỳ) là một trong mười danh thắng tiêu biểu; Tiểu Hải; Đại Nham (Đại hải khẩu), còn gọi là cửa Đại Cổ Lũy, cửa Đại, nơi hai con sông Trà Khúc và sông Vệ đổ về, nơi đây có thôn Cổ Lũy nổi tiếng, gọi là danh thắng Cổ Lũy Cô thôn, xưa có đồn phòng thủ kiên cố của người Chăm; Mộ Hoa (thuộc Mộ Đức); Mỹ Á (Mỹ Ý), xưa gọi là Ma Ác môn; Bồng Sơn; Sa Huỳnh, nơi có đồng muối và di chỉ văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng; Kim Bồng.

Qua Bình Định, bài thơ nhắc đến các địa danh: Thời Phú; Nước Ngọt; Nước Mặn, là thương cảng buôn bán rất sầm uất với nhiều nước phương Tây từ thế kỷ 17.

Qua Phú Yên có: Cù Mông là một trong 6 cửa biển được nhà Nguyễn đặt tại Phú Yên. Cửa này sát đầm Cù Mông còn gọi là vũng Mồi, nổi tiếng nuôi trồng thủy sản; Xuân Đài (Tuy An); Mây Nước (Tuy Hòa); Đà Nông (cửa sông Bàn Thạch).

Qua Khánh Hòa có Nha Lỗ (Nha Phu, Nha Du…); Nha Trang (cửa Lớn) nổi tiếng cảnh đẹp; Tiểu Nha Trang (cửa Bé) nổi danh nước mắm ngon; Cam Ranh (Cam Linh, Cam Lân, Cam Hồ…) thời Nguyễn đã thiết lập tấn Cam Ranh đồn thủ, là một trong 3 cảng thiên nhiên tốt nhất trên thế giới.

Qua Phan Rang có cửa Man Rang, cửa biển thuộc Ninh Thuận, người Chăm gọi là Krong Pong hay Krong Pinh.

Đến Bình Thuận có cửa Man Rí (thuộc thị trấn Phan Rí Cửa), nước sông Lũy đổ ra; Phố Hải (thành phố Phan Thiết); cửa Cạn - Thiển Môn hải khẩu; Ma Ly (Hàm Thuận Nam).

Về Biên Hòa có Xích Lam, nhận nước từ sông Ray, sông dài nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là đầu cầu tiếp nhận vũ khí từ những chuyến tàu không số khi ta mở đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ.

Cửa nhắc đến cuối cùng là cửa Lộn, tức Nước Lộn hải môn, thuộc xứ Đồng Nai.

Bài thơ Nôm chân chất của người xưa, không diễm từ nhuyễn chữ nhưng từ cái dung dị đó, lòng yêu đất nước, biển đảo quê hương hiện lên, nồng nàn, sâu lắng vô cùng.

V.T.S
(SHSDB22/09-2016)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng