Tạp chí Sông Hương - Số 332 (T.10-16)
Hấp hối
08:28 | 24/10/2016

TRẦN BĂNG KHUÊ

1.
Mùa hè sắp hết.
Và cơn hấp hối của kẻ sắp rời khỏi thế gian bạc nhược.

Hấp hối
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Trên một chiếc giường cũ kỹ ẩm mốc, gã đàn ông mặt nhợt nhạt tái xanh, gượng mở đôi mắt mệt mỏi nhìn về phía tôi, không một lời. Dường như anh ta muốn thông báo về một cái chết sắp đến.

Buổi sáng. Nơi này thường có mưa.

Những ngày mưa, tôi không bao giờ bước chân ra khỏi nhà. Tôi ghét mưa. Phải khẳng định bất tuyệt rằng, mưa là thứ trạng thái thời tiết khiến tôi cảm thấy bị làm phiền ghê gớm. Vậy, tốt nhất tôi không nên rời khỏi bốn bức tường này, để chắc chắn mình không bị ướt. Áo mưa, cũng chỉ là một lớp che chắn bên ngoài được làm từ chất liệu ni lông. Chúng có thể chống mưa trong chốc lát. Nhưng, chúng cũng có thể rách nát sau một thời gian ngắn. Chẳng có thứ gì bất tử. Chiếc áo mưa cũng phải mục ruỗng và chết.

Tôi biết, khi tôi không bước chân ra đường, rời khỏi những bức tường bê tông xám ngoét này, tôi sẽ có nhiều suy nghĩ quái đản lắm. Chúng đều liên quan đến sự tuyệt diệt. Cái chết, nói thẳng ra chính là nó. Đầu tiên, tôi sẽ nghĩ về sự tuyệt diệt của chính bản thân tôi. Và, tiếp sau đó hẳn sẽ có những sự tuyệt diệt khác lớn hơn nữa. Nhưng, làm cách nào để tuyệt diệt. Làm thế nào để rời khỏi thế gian này một cách bình thản nhất.

Tôi vẫn thường nghi ngờ về sự tồn tại và không tồn tại. Vài lần tôi cảm nhận được sự tồn tại sau cái chết. Vài lần không. Điều rõ ràng nhất đối với tôi, là cơ thể tôi vẫn tràn đầy sinh lực, háo hức xông pha với cuộc mưu tồn của thế giới nhiễu nhương bên ngoài cánh cửa ấy. Tôi nghĩ về sự ngụy biện. Một cách, để tôi tự lí giải về mâu thuẫn tồn tại hay không tồn tại trong lòng mình một cách đơn giản rằng: “có lẽ vận số của tôi chưa tới”. Vậy, tôi phải sống tiếp thôi.

“Chết thế nào được”, một giọng nói lạ lẫm vọng vào tai tôi, khi cơn mưa bắt đầu nặng hạt hơn. Mưa không dứt. Mùa hè ở đây vẫn thường có những cơn mưa dầm dề dai dẳng. Mưa âm hồn. Tôi gọi đó là mưa âm hồn. Mưa khóc thương cho những kẻ hồn vía không chịu siêu thoát.

Trong căn phòng trước mặt tôi, vẫn là bức tranh về một gã đàn ông có khuôn mặt tái xám đang nằm trên chiếc giường được tô màu cũ kỹ. Tôi tự hỏi, “chẳng biết bao giờ gã mới chết nhỉ?” Những ngày mưa, thay vì đón nắng, chúng tôi sẽ đón chờ một cái chết sắp đến, hoặc một cơn hấp hối kéo dài mệt mỏi.

2.

Một vài kẻ khác xung quanh tôi, rất nhiều lần đến ngắm nghía bức tranh về gã đàn ông có khuôn mặt tái xám nằm trên chiếc giường bệnh cũ kỹ, rồi sau đó họ rời đi không một lời bình phẩm. Hẳn là, “họ cũng đang chờ đợi cơn hấp hối nào đó kết thúc”. Dù cái chết sẽ đến, nhưng ít ra, có thể tẩy rửa bớt tử khí tanh hôi, rệu rã với những sắc màu lạnh lẽo, u ám. Tôi thì không còn mảy may lấy làm kinh ngạc lắm. Hàng ngày, tôi phải đối diện với bức tranh ấy, tôi rõ ràng đã biết, trước sau gì nó cũng đến. Cái chết của gã đàn ông có khuôn mặt tái xám nằm trên chiếc giường bệnh cũ kỹ dứt khoát sẽ đến. Hẳn nhiên, việc cái chết ấy đến khiến cho những người xem bức tranh này hài lòng. Họ không muốn chứng kiến một cơn hấp hối ẩm ương. Lão thần chết đôi khi cũng thích bày trò nghịch ngợm quỷ quyệt. Lão có thể ngắt cái hơi thở u uất kia và bắt linh hồn kẻ chết đi, để nó được chấm dứt cuộc kịch biến kéo dài của một cơn hấp hối khi thể xác đã thực sự mệt mỏi rã rời. Nhưng, lão vẫn quyết không bày biện quyền năng của mình vào lúc người sống cần lão thực hành ngay lập tức.

Một buổi sáng khác, cơn mưa khá lớn lại đến và hắt vào song cửa. Bầu trời u ám cũng chẳng còn muốn trở thành một vị quan tòa sáng suốt ban phát chút ít ân huệ xuống mặt đất những ngày mùa hè này. Tôi cần chút nắng, để rời khỏi nhà, đi lang thang nhặt nhạnh những mảnh gương ánh sáng đầy màu sắc. Có thể, tôi sẽ ghép nối nó vào bức tranh trên tường nhà mình, có thể một chút ánh sáng phản chiếu từ phía không gian khác sẽ đem lại sinh khí và làm cho kẻ hấp hối hồi lực. Nhưng, không. Chắc chắn không. Người đàn ông viết câu chuyện “kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”, mà tôi đọc cách đây khá lâu đã làm tôi bật ngửa với tiếng “không” phản quyết ngay từ những dòng đầu tiên vào truyện. Giờ, ông ta đã chết, và, tôi không cần phải đợi nắng nữa. Mưa, vẫn phủ kín phía sau lưng đỉnh núi bạc mờ ảo, và kéo mây xám về tụ lại gần nhà tôi. Một bên sườn núi là nhà của những kẻ chết. Những nấm mồ lạnh lẽo nằm thoai thoải trên vách núi trọc lốc. Cây cối hoang tàn thưa thớt.

Tôi không đợi mặt trời. Tôi đợi lão thần chết, chết tiệt quỷ quyệt giở trò nghịch ngợm chẳng hề đúng lúc vào lúc này. Tôi, lầm bầm nguyền rủa giọng van nài khi nhìn bóng mây mờ mịt nặng trĩu qua song sắt, “Lão phải đến đấy, đến càng sớm càng tốt. Cơn buồn nôn đang bắt đầu trào ngược lên từ dạ dày tôi, mỗi lần những kẻ như tôi phải nhận thông báo đó chỉ là cái chết giả, cái chết lâm sàng”.

3.

Cuối cùng hắn vẫn ngoan cố diễn trò trên thảm đỏ. Tôi nghĩ, hắn là một diễn viên đóng kịch câm rất khá, hắn biểu đạt cảm xúc chết chóc rất tốt. Nhìn xem, thật thú vị khi tận mắt thấy một khuôn mặt chết chóc thấp thỏm dưới vòm ngực thở từng hơi yếu ớt kia. Mặc dù, rõ ràng, sau khi rời sân khấu, tôi biết chắc chắn, hắn sẽ cười nói như hoa nở với những người khác.

Tối nay, tôi rời nhà, khóa cửa thật chặt để không bị nỗi muộn phiền nhiều ngày mưa chiếm giữ. Và, thêm lí do khác nữa, ấy là tôi không muốn một ai ghé thăm cơn hấp hối trên bức tường nhà tôi vào đêm nay.

Tôi đến nhà hát. Người ta vừa thông báo ra rả ngoài phố đầu giờ chiều về một vở kịch câm, khiến tôi phải chăm chú lắng nghe “cơn hấp hối của thần chết”.

Tôi thích kịch câm. Các diễn viên không cần phải nói gì. Chỉ cần thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể là đủ. Tôi tò mò về một cơn hấp hối khác diễn ra rõ ràng, sống động trước mắt tôi, chứ không phải trong một bức tranh quái đản nhiều ẩn nghĩa đang treo trong căn phòng nhỏ đầy sách của tôi.

Vở kịch khá kì lạ. Người ta, ném hắn ra sân khấu cùng với một chiếc giường bệnh cũ kỹ. Tay chân hắn bị trói chặt vào thành giường. Không có thêm một diễn viên phụ nào khác trên sân khấu. Hắn tự diễn với bức màn sân khấu, với ánh sáng và âm thanh. À, vẫn còn những hồi âm thanh vang động theo từng nhịp tim của hắn. Người ta gắn microphone vào phía bên ngực phải hắn, rồi rời khỏi sân khấu.

“Kẻ hấp hối có thể làm được gì?”, tôi vẫn kiên nhẫn theo dõi cơn hấp hối từ từ diễn ra trên chiếc giường, nhưng tuyệt nhiên chẳng có thêm một diễn biến nào khác ngoài những nhịp tim yếu ớt của một gã diễn viên đang cố điều chỉnh nét mặt, cơ thể, hơi thở của mình cùng với giàn âm thanh chêm xen phụ họa.

“Hắn sẽ không cố gỡ những sợi dây rợ xung quanh người hắn đấy chứ?”, tôi thì thào một mình. Vài người đến xem đã rời khỏi khán đài và bước chân về phía cửa ra vào. Họ rời đi như những vị khách đến nhà tôi xem bức tranh “hấp hối” vì tò mò vậy. Họ không buồn tìm hiểu, cơn hấp hối có gì thú vị? hoặc phía sau bức màn của một cơn hấp hối là cái gì? Tôi cười mỉm, “hẳn là họ không đủ can đảm để đối mặt với cái chết”. Con người luôn luôn sợ chết.

Trên sân khấu, hắn độc diễn. Dưới khán đài mỗi mình tôi dõi theo từng nhịp thở của hắn. Đèn sân khấu tụ lại về phía hắn, hòng làm hắn nổi bật trên nền vải trắng. Bất chợt từ phía dưới sân khấu, hắt lên một đụn khói xám xịt, loang ra xung quanh hắn, vờn đuổi trên bức màn trắng. Bóng hắn mờ dần, quả tim của hắn rộn nhịp và những sợi dây xung quanh hắn bị bứt tung ra. Hắn đứng dậy, cúi đầu chào tôi. Vở kịch ngắn ngủn, kết thúc. Hóa ra, đêm diễn này chỉ dành riêng cho tôi.

Sau bức màn chéo của sân khấu. Hắn chưa chết. Hắn chưa chịu chết. Chỉ là một vở diễn, cớ gì kẻ hấp hối giả phải chết. Tôi lại mường tượng về bức tranh trong phòng mình. Giữa người đàn ông trong bức tranh và hắn dường như có một sự kết nối. Họ giống nhau, rất giống nhau. Ở một cơn hấp hối không có sự kết thúc. Chỉ mỗi tôi ngờ nghệch mò mẫm tìm kiếm cái chết từ một cơn hấp hối dưới bầu trời mỗi sáng sớm mưa phủ trên đỉnh núi và trong căn phòng u uẩn nỗi buồn của mình.

Tôi rời khỏi sân khấu khi ánh sáng loang khắp nhà hát kịch. Những bước chân của tôi mông lung như kẻ mộng du. Giờ này vẫn còn sớm, nhưng chẳng còn ai đi trên phố nữa. Hẳn là, cơn ngủ mê đã rủ rê họ rời khỏi phố phường và ẩn nấp trong những bức tường bê tông kia.

“Ai đó sẵn sàng ném nó vào hố đen của vũ trụ nhỉ?”

“Cơn hấp hối ấy”.

Chắc chắn không phải tôi rồi.

4.

Từ nhà hát trở về, tôi phải đi qua một chiếc cầu buồn. Dưới cầu, con sông đen ngòm lấp lánh những ánh sao mờ phản chiếu từ phía nào đó cao tít tắp. Chẳng ai muốn nghĩ về một cơn hấp hối lúc này. Rõ ràng là vậy. Bất giác, tôi muốn nhìn xuống mặt nước. Tôi muốn biết, ở dưới sông có cá hay không? Những đứa trẻ con vẫn thường tò mò khi đi ngang một mặt nước nào đó, một cái bể sinh thủy, hoặc một con sông, việc đầu tiên của chúng là tìm những con cá. Chúng rất thích nhìn cá bơi lội tung tăng trong nước. Trẻ con thì biết gì. Trẻ con xem cá và những con vật khác trong thế giới tự nhiên này như bạn bè của mình. Chỉ người lớn là không. Người lớn thích ăn uống và chơi trò hủy diệt.

Tôi dừng lại trên thành cầu, nhìn xuống.

Mặt nước sông lăn tăn gợn từng cơn sóng nhỏ. Hẳn là cá đang đớp sóng. Cá sông. “Hoặc”. Một ý nghĩ rờn rợn chạy dọc sống lưng tôi, “hoặc, cá đang rỉa mồi”. Mồi là gì nhỉ? Giữa lòng con sông sâu hoắm đẹp đẽ này, người ta thường thấy xác chết nổi lên. Những cái chết không chịu siêu thoát. Những cái chết không được trải qua một cơn hấp hối bình thường của kẻ sống khi sắp lìa khỏi thế gian.

Sóng nước vẫn lăn tăn gợn dưới ánh sáng của những ngôi sao mờ đục. Tôi không muốn mường tượng thêm về cái chết nữa. Tôi muốn nghĩ về cá như mắt những đứa trẻ hồn nhiên gọi cá lên và rải một ít bánh quy xuống nước, mời chúng ăn. Nhưng, tôi lại nhớ về hắn, tay diễn viên độc diễn vở kịch câm lúc tối. Bất giác, tôi nghĩ về một ý tưởng khác, vở diễn ấy lẽ ra phải có tên, “cơn hấp hối của một gã hoang tưởng” thì đúng hơn. Thần chết, làm sao chết được. Đó là điều bất khả.

Tôi, chúng tôi, ở nơi nghèo nàn, một thành phố nghèo nàn khát thèm ánh sáng vẫn luôn mong chờ những tấm pano này xuất hiện, để được trực diện các vở diễn sống động dưới ánh đèn sân khấu như các thành phố lớn. Rồi, người ta mang chúng đến thật. Người ta mang những tấm pano quảng cáo đến và treo lên. Nhưng, khác với đoàn nghệ thuật xiếc thú, những con thú dễ thương, khôn ngoan bị nhốt trong chiếc lồng sắt, rồi vác loa, đọc quảng cáo ra rả nhiều ngày để câu kéo trẻ em và phụ huynh ngây thơ cả tin.

Tôi nhớ, khi tôi rời khỏi nhà hát, nhân viên phục vụ nhà hát, hình như không kéo màn. Họ dứt khoát, để nguyên trạng tấm phông màu đỏ hai bên rìa sân khấu ngay cả lúc bắt đầu cũng như khi kết thúc. Tôi lại miên man suy nghĩ về cảnh người đàn ông nằm trên một chiếc giường cũ kỹ và được nhẹ nhàng đặt xuống nền sân khấu một cách khéo léo, cố không tạo thành tiếng động. (gã hoang tưởng nằm im). Sự độc diễn cũng lặng im trên sân khấu. Âm thanh chỉ còn là một cái chết không thể động cựa dưới ánh sáng của chiếc đèn chiếu. Tôi rời đi, khi chẳng còn một ai khác trong nhà hát nữa. Những hàng ghế trống ngả nghiêng, xiêu vẹo, cúi gập xuống trong bóng tối kì quặc. (thứ bóng tối lì lợm không chịu đón nhận ánh sáng).

Mải mê bước trong luồng suy nghĩ mông lung, tôi đã đến ngay đầu dốc nhà mình từ lúc nào chẳng hay. Đến cửa nhà, tôi vừa tra chìa khóa vào ổ, vừa mường tượng lại cơn hấp hối của bố. Đó là cảm giác tôi không thể nào quên được. Những giây phút ấy, chúng tôi không được phép lại gần bố, khi bố chuẩn bị hắt ra hơi thở cuối cùng. Tôi đứng bên cạnh mẹ, len lén nhìn qua song cửa nhà bếp. Một vị cầm chiếc đèn dầu đã được thắp lửa lắc qua lắc lại ngay trước mặt bố. Một vị nhích mục kiểng, chậm rãi đọc từng chữ trong quyển sách nhỏ cầm tay. Thi thoảng, làm vài dấu hiệu kì quặc, từ trán xuống mũi, qua miệng và tiếp tục trôi xuống lồng ngực đang thoi thóp thở mạnh những hơi của bố. Vị khác giữ chặt lấy thân hình gầy gò của bố, hòng tránh cơn động cựa, quẫy đạp đau đớn cuối cùng ở trên đời của một con người. Mẹ tôi ngồi bệt xuống nền nhà trống rỗng. Trên chiếc giường cưới, bố nằm đó, và đang rời khỏi thế gian cùng với cơn hấp hối của một người lính trận tại nhà mình sau vài ba tháng phát bệnh ung thư.

5.

Cửa phòng đã mở. Tôi lách vào và bấm chốt. Bức tường lạnh lẽo ẩm ướt. Nước mưa thấm vẫn chưa kịp khô vì thiếu nắng. Tôi ngước nhìn lên phía bên phải bức tường. Ngoài bức tranh về một gã đàn ông hấp hối mà anh bạn họa sĩ tặng tôi cách đây không lâu, còn có một bức ảnh lớn. Bố tôi ở đó. Đôi mắt sáng. Tay cầm điếu thuốc lá. Miệng tủm tỉm cười. Người đàn ông này, đã khiến tôi phải lưu nhớ lâu trong kí ức thẳm sâu đến thế. Thật lạ lùng. Phía trong phòng giáp nhà bếp, tiếng trở mình của mẹ trên chiếc giường cưới độc mộc, vắng người đàn ông ấy. Bên ngoài trời bắt đầu mưa. Những cơn mưa nặng hạt dần. Tháng của mưa. Một vài cơn rét nhẹ kèm theo khiến tôi rùng mình. Bước chân tôi nặng trĩu, leo lên từng bậc cầu thang để về phòng. Ánh sáng leo lét từ bóng đèn quả ớt hắt lên bức tranh trong phòng tôi. Bất chợt một thứ suy nghĩ thoáng qua như đám mây xám xịt u uẩn nấp lén từ lâu trong não tôi bật thốt trên môi: “giá có thể bắn vào những hoang tưởng từng phát một, cho đến khi nó chết hẳn và biến mất thực sự khỏi thế giới tươi đẹp này”.

Sáng nay, trời tạnh ráo.

Tôi lại rời khỏi nhà. Đi qua chiếc cầu sơn màu bạc.

Tôi dừng chân dăm phút giữa thành cầu, nhìn ngơ ngác khắp dòng sông. Ánh nắng lấp lánh rải đều trên mặt nước. Những con cá đớp sóng, ngoi lên thở rồi lặn xuống. Tôi bất giác muốn đến nhà hát, nó nằm đối diện với một siêu thị lớn khá đông khách mua sắm. Nghe đâu, siêu thị vừa đổi chủ. Những người mua sắm, họ cũng quan tâm lắm đến những ông chủ thì phải. Bước chân tôi dừng lại ngay trước cổng nhà hát. Tôi thấy, tấm pano quảng cáo in tên vở kịch đã bị tróc mất vài kí tự sau cơn mưa tối qua. Chúng nham nhở, xấu xí dưới hình hài của một cái chết trần truồng, màu xám và chỉ còn lại hai từ: “Hấp hối”.

T.B.K
(TCSH332/10-2016)





 

Các bài mới
Mê cung (31/10/2016)
Các bài đã đăng
Dạ khúc Huế (19/10/2016)