Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-16)
Huy động các nguồn lực xã hội vì sự phát triển
14:27 | 19/01/2017

Nhìn lại một năm nhiều khó khăn

Năm 2016 sự cố môi trường biển đã tác động tiêu cực, lâu dài đến tăng trưởng của nền kinh tế các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế.

Huy động các nguồn lực xã hội vì sự phát triển
Du khách nước ngoài đến Huế

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp đã đưa nền kinh tế - xã hội tỉnh vượt qua khó khăn của 6 tháng đầu năm, sản xuất kinh doanh đi vào ổn định và phát triển trong 6 tháng cuối năm. Tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt mục tiêu kỳ vọng, song dự ước đạt 6,89% là mức tăng khá so với các tỉnh trong khu vực miền Trung, nhất là các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hiện tượng hải sản chết bất thường. Dự ước có 8/13 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,89% (cùng kỳ năm 2015: 8,39%; kế hoạch 2016 là trên 9%). Trong đó: Khu vực dịch vụ tăng 8,02%. Tổng lượt khách du lịch đạt 3.300 nghìn lượt. Doanh thu các cơ sở lưu trú ước đạt 1.370 tỷ đồng, tăng 2,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 31.771 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm trước. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,48%. Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm hơn 1% do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, mặc dù các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đều tăng trưởng cao. Tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục thiệt hại sự cố môi trường biển; thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các huyện ven biển bị sự cố môi trường. Tổng vốn đầu tư ước đạt 17.600 tỷ đồng, bằng 94,1% KH, tăng 7,8% so với năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.856,5 tỷ đồng, vượt 4% dự toán, tăng 12% so năm trước. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tín hiệu mới. Đã tổ chức thành công Festival Huế 2016 thu hút lớn lượng du khách đến Huế. “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được UNESCO công nhận là “Di sản ký ức thế giới”, khẳng định vị thế của trung tâm văn hóa, một điểm đến - năm di sản thế giới. Công tác giáo dục đào tạo và đào tạo nghề đạt kế hoạch; công tác chăm sóc sức khỏe được tăng cường. An sinh xã hội được chăm lo và đảm bảo...

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, yếu kém:

- Nền kinh tế của tỉnh chịu tác động lớn bởi hiện tượng hải sản chết bất thường. Tăng trưởng của cả ba khu vực kinh tế đều đạt mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 và so với mức phấn đấu kế hoạch. Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng âm do chịu ảnh hưởng thời tiết và hiện tượng hải sản chết bất thường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Khu vực dịch vụ mặc dù diễn ra Lễ hội Festival Huế 2016, nhưng dịch vụ lưu trú tăng trưởng thấp. Sản xuất công nghiệp khó khăn; các sản phẩm chủ lực của tỉnh như bia, xi măng chịu sự cạnh tranh gay gắt. Công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cho xây dựng, chỉnh trang các đô thị và phát triển sản xuất kinh doanh khó khăn. Cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thấp, đứng thứ 29/63 tỉnh/ thành phố. Tình trạng lao động không có việc làm vẫn còn nhiều; xuất khẩu lao động vẫn là khâu yếu chưa được khắc phục. Công tác giảm nghèo khó khăn do ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Huế đón du khách đường thủy cập bến cảng Chân Mây


2017, năm của huy động nguồn lực

Năm 2017 là năm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế theo Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị. Toàn tỉnh đang hướng tới tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Một số chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra là: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng khoảng 9%. Cơ cấu các ngành kinh tế dự kiến: Dịch vụ 57,2%; công nghiệp - xây dựng 33%; nông, lâm, thủy sản 9,8%. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GRDP): 2.200 USD. Giá trị xuất khẩu hàng hoá 800 triệu USD. Tổng đầu tư toàn xã hội tăng 10 - 12%. Thu ngân sách nhà nước 6.052 tỷ đồng (dự toán Trung ương giao), tăng 20,4%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,96% (theo chuẩn thời kỳ 2016 - 2020). Tạo việc làm mới: 16.000 người...

Toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện 4 chương trình trọng điểm: Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ; Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển nguồn nhân lực.

Các dự án trọng điểm: - Hoàn thành các dự án: nâng cấp đường tỉnh 10A, đường du lịch cụm điểm di tích Lăng Minh Mạng - Lăng Gia Long; Tiếp tục đầu tư các dự án giao thông quan trọng: đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, Quốc lộ 49B; Chuẩn bị các điều kiện thực hiện khi có nguồn lực của trung ương đối với các dự án: đường Chợ Mai - Tân Mỹ; đường Phú Mỹ - Thuận An; đường Tây phá Tam Giang - Cầu Hai; đường vào vườn quốc gia Bạch Mã; đường nối khu phi thuế quan với khu cảng Chân Mây; đường phía Đông đầm Lập An; đường trung tâm khu đô thị A Đớt - Khu Kinh tế cửa khẩu A Đớt. Tiếp tục đầu tư các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách: Tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương và khách sạn 5 sao Vinpearl Huế, Trung tâm thương mại của Tập đoàn Nguyễn Kim, Khu công nghiệp Phong Điền, Cảng biển số 3 - Chân Mây Lăng Cô, Khu Du lịch Laguna (giai đoạn 2). Khởi công các dự án: Khu Nghỉ dưỡng Mỹ An, Khách sạn Hilton Century, dự án đầu tư sân golf của Tập đoàn BRG (tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang), Khu Du lịch Vinh Thanh của Tập đoàn BSH - Tây Ban Nha, Khu Du lịch Lộc Bình của Tập đoàn Vingroup, các dự án năng lượng sạch, phát triển khu đô thị...

Theo đó, việc phát triển các ngành, lĩnh vực sẽ nhắm đến:

Phát triển các ngành dịch vụ đặt mục tiêu phát triển du lịch hướng đến việc xây dựng tỉnh trở thành địa bàn du lịch trọng điểm của quốc gia. Giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng thô. Phát triển các lĩnh vực dịch vụ thương mại, ngân hàng, công nghệ thông tin... Tỉnh sẽ đề xuất Trung ương một số cơ chế hỗ trợ tạo đột phá phát triển kinh tế thông qua việc xây dựng một số đề án cụ thể như: đề án phát triển “Đô thị di sản”, Đề án trùng tu, tôn tạo và khai thác Quần thể di tích Cố đô Huế. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. “Làm mới” loại hình du lịch di sản; phát huy các sản phẩm du lịch truyền thống như du lịch văn hóa, lễ hội; sản phẩm du lịch biển và đầm phá,... Phát triển đa dạng thêm các sản phẩm khác, nhất là các sản phẩm hỗ trợ khắc phục sự cố môi trường biển. Tăng tần xuất bay trên các tuyến Huế - Hà Nội, Huế - thành phố Hồ Chí Minh. Ổn định đường bay Huế - Băng Cốc, Huế - Nha Trang, Huế - Đà Lạt. Nghiên cứu mở một số tuyến bay quốc tế mới. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại; lưu ý quảng bá về thế mạnh y tế nhằm tạo sự kết nối giữa du lịch và y tế.

Phát triển công nghiệp sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp; phát triển ngành nghề TTCN. Đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật gắn với thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp.

Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp sẽ chú trọng phát huy lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc nông sản hữu cơ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất trong chuỗi giá trị hàng hóa. Phát triển kinh tế rừng thành một ngành kinh tế quan trọng.

Về xây dựng hạ tầng, mục tiêu sẽ phát triển đô thị theo hướng bền vững. Hoàn thành đúng tiến độ quy hoạch xây dựng đô thị. Đôn đốc các đề án nâng cấp các đô thị: Vinh Thanh, Vinh Hiền, La Sơn, Thanh Hà, Phong Điền, Điền Lộc đạt tiêu chí đô thị loại V. Hoàn thành đề án mở rộng đô thị Huế. Ưu tiên ngân sách đầu tư các tuyến giao thông chính kết nối đô thị Huế đến các đô thị vệ tinh, vùng kinh tế động lực. Huy động nguồn lực ngoài ngân sách thực hiện dự án đường Tố Hữu - Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài và đường Mỹ An - Thuận An (hình thức BT). Nâng cấp nhà ga hành khách Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài (theo hình thức BT và BOT).

Trên lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội, mục tiêu chung khai thác tiềm năng, lợi thế về lịch sử, văn hóa và cách mạng để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1755/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thành công Festival - Nghề truyền thống Huế 2017. Tăng cường quảng bá về Thành phố Huế - Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố bền vững về môi trường ASEAN, về trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc, tuyên truyền di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương với hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo chú trọng mục tiêu tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng đạt chuẩn. Nâng cao chất lượng dạy và học nghề. Tiếp tục làm việc với Trung ương về nâng cấp trường Cao đẳng Công nghiệp Huế lên trường Đại học Công nghiệp; hoàn thành Đề án thành lập Học viện hoặc Đại học Du lịch.

Toàn tỉnh hướng tới hoàn thiện và phát huy hiệu quả mạng lưới y tế. Phát triển nguồn nhân lực y tế về cả số lượng và chất lượng, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, bao gồm công lập và ngoài công lập; trong đó tập trung phát triển các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế xã, phường.

Lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Hướng các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ tốt hơn thực tiễn cuộc sống. Hoàn thiện hệ thống thiết chế khoa học - công nghệ. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ mạnh để nghiên cứu, tiếp nhận và phát triển các công nghệ mới; chú trọng đội ngũ chuyên gia đầu ngành...

Những mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội và giải pháp thực hiện được đặt ra cụ thể, rõ ràng; với tinh thần huy động nội lực lớn; đó chính là một cách thức mới để Thừa Thiên Huế phát triển.

P.V  
(SHSDB23/12-2016)


 

Các bài mới
Đoản văn (08/02/2017)
Các bài đã đăng
Gái Sịa (16/01/2017)