Tạp chí Sông Hương - Số 335 (T.01-17)
Nhân ngày giỗ đầu của Đinh Cường, nhớ Đỗ Long Vân và cát bụi quê nhà
09:19 | 07/01/2017

CHU SƠN

Cuối năm 1963 tôi từ Hội An ra Huế để nhận lại tập thơ Quê Nhà và giấy phép xuất bản tại nha thông tin Trung Việt.

Nhân ngày giỗ đầu của Đinh Cường, nhớ Đỗ Long Vân và cát bụi quê nhà
Đinh Cường và bạn bè tại Đà Nẵng trong chuyến về Việt Nam đầu tiên
Tập thơ Quê Nhà do họa sĩ Đinh Cường vẽ bìa, xuất bản 1964

Quê Nhà là những bài thơ chống chiến tranh tôi làm trong hai năm 1962 - 1963. (Lúc bấy giờ trong đầu tôi chưa có từ phản chiến). Tôi tìm gặp Đinh Cường tại căn phòng anh thuê trong một villa có vườn rộng phía trong trên đường Phan Châu Trinh gần dốc Bến Ngự. Các anh Đỗ Long Vân, Ngô Kha và Trịnh Công Sơn đang có mặt ở đó. Tất cả đều tỏ ra bồn chồn, khắc khoải, muốn làm một cái gì đó cho đất nước dân tộc, nhưng dấn thân vì một ý thức hệ thì ai cũng ngần ngại, e dè. Tôi trao cho Đinh Cường phong bì trong đó có tập Quê Nhà (bản đánh máy vừa mới nhận lại từ nha Thông tin Trung Việt), nhờ anh vẽ bìa và trình bày. Mọi người nhìn tôi ái ngại. Các anh đều có cùng một nhận xét: Trong lúc Huế và cả miền Nam đang sôi sục đấu tranh mà in thơ là hành động lẻ loi và lạc lõng. Tôi nói không phải các anh cũng đang lẻ loi và lạc lõng đó sao. Đinh Cường cầm phong bì, mở lôi bản đánh máy Quê Nhà, lật xem qua từng trang và nói: “Quê Nhà, Quê Nhà, nếu Quê Nhà của ông giống Quê Nhà của tôi thì tôi sẽ vẽ bìa và trình bày. Tôi phải đọc thật kỹ. Ông phải chờ ít ra một tuần”. Tuần sau tôi trở lại phòng trọ của Đinh Cường, anh trao cho tôi hai phong bì. Một trong hai là phong bì có mẫu bìa anh đã vẽ và một tờ giấy nhỏ anh viết cho ông chủ nhà in Sao Mai. Đinh Cường nói: “Tình hình này các nhà in đều gặp khó khăn, công nhân nghỉ việc, trở ngại giao thông, các nguyên vật liệu đều lấy từ Sài Gòn. Ông chủ nhà in Sao Mai là chỗ quen biết. Hy vọng ông ấy sẽ nhận in giúp ông. Ngày mai tôi vào Sài Gòn theo giấy gọi nhập học của trường Mỹ thuật Gia Định. Tôi phải ở trong đó tám chín tháng để hoàn tất một chương trình chuyên sâu tôi cần học thêm. Ông nhớ là phải chu đáo trong việc in ấn. Hình thức cũng quan trọng không kém nội dung. Không chỉ có Chu Sơn mà Đinh Cường cũng đã ghi tên mình trên Quê Nhà”. Rõ ràng Đinh Cường đã đọc kỹ Quê Nhà và chia sẻ cùng tôi những đớn đau, khắc khoải và phẫn nộ trước tình cảnh đất nước đang tiến dần đến vực thẳm chiến tranh. Trên bức tranh bìa, Đinh Cường vẽ những mảng màu đen bẩn thỉu, đó đây có những chéo hay góc sáng nhỏ trông như những con mắt lệch nham hiểm mờ ám nối kết với những vòng kẽm gai, tất cả không giới hạn trên cái nền màu vàng xám úa. Hai tháng sau Quê Nhà mới in xong trong bối cảnh miền Nam tiếp tục xáo trộn. Nguyễn Khánh đảo chánh Dương Văn Minh, chủ trương chống Cộng quyết liệt, ủng hộ Mỹ tấn công ra miền Bắc. Phật tử miền Trung tiếp tục xuống đường đấu tranh kêu đòi  tận diệt Cần Lao, hình thành chính phủ dân sự và chế độ dân chủ. Tôi trao Quê Nhà cho Đinh Cường. Đinh Cường hơi buồn vì sách không đẹp. Tôi tặng Quê Nhà cho bạn bè, và tự mang sách đến ký gởi ở các tiệm sách ở Huế, Đà Nẵng, Hội An. Công việc “phát hành” và “quảng cáo” chỉ có vậy. Tôi ở trong tình thế lẻ loi và lạc lõng đúng như nhận định của các anh Đỗ Long Vân, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn hai tháng trước. Quê Nhà chỉ nhận được những lời nhận xét nghiêm khắc từ các bạn bè chủ trương đấu tranh theo lập trường chính trị của Mặt Trận. Dù thế nào tôi cũng tiếp tục làm thơ chống chiến tranh, và chống quyết liệt hơn.

Một ngày đầu tháng 8 năm 1964, Đinh Cường, Nguyễn Hữu Ngô và Đỗ Long Vân vào Hội An. (Đinh Cường vào Sài Gòn mấy ngày thì trở lại Huế vì tình hình đấu tranh náo loạn không học hành gì được). Chúng tôi bốn người kéo nhau xuống biển Cửa Đại nằm trên cát để cùng nhau băn khoăn, giằng xé trước tình hình đất nước. Đêm đó qua cái đài bán dẫn nhỏ, chúng tôi nghe tin máy bay Mỹ oanh tạc nhiều địa điểm trên miền Bắc. Đỗ Long Vân úp mặt xuống cát khóc rấm rức. Chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Một lúc sau Đỗ Long Vân ngồi dậy và nói: “Chúng nó dội bom lên phố phường, làng mạc, mồ mã tổ tiên chúng ta.” Nguyễn Hữu Ngô vùng dậy nói: “Chẳng lẽ chúng ta chỉ biết khóc thôi sao? Chúng ta không làm gì sao?”

Làm gì? Làm gì? Làm gì? Mãi đến thời điểm đó chúng tôi vẫn loay hoay với hai từ làm gì? Nguyễn Hữu Ngô nói tiếp: “Tôi sẽ đi cùng đường với Tường, Phan”. Tôi nằm yên, khẳng định lập trường của mình: “ Tôi tiếp tục làm thơ chống chiến tranh”. Đinh Cường cũng trong tư thế nằm, nói chậm rãi: “Tôi là họa sĩ, ai gắn kết nhiều với quê hương dân tộc, tôi ủng hộ, ủng hộ bằng khả năng chuyên môn của mình trong tự nguyện. Tôi không thích hợp với đám đông trong những tình thế sôi động mãnh liệt. Tôi cũng không phải là người chịu đựng được những kỷ luật của bất cứ guồng máy quyền lực nào”. Chúng tôi đau khổ, chúng tôi phẫn nộ, chúng tôi giằng xé, nhưng cả bốn chúng tôi vẫn người nào ý ấy, chưa thể cùng dấn thân vào một lực lượng hay một phong trào đấu tranh nào.

Do vậy, thỉnh thoảng chúng tôi rất cần ngồi lại với nhau để chia sẻ những ưu tư khắc khoải. Sau khi ở Sài Gòn về, Đinh Cường dọn đến Tuyệt tình cốc, nơi hai anh em Hoàng Phủ Tường - Phan chọn làm chỗ làm việc và học tập. Tuyệt tình cốc cũng là nơi giao lưu văn nghệ, văn hóa, chính trị và triết lý trong đám bạn bè của Cường - Tường - Phan. Đinh Cường có được những ngày vui tại Tuyệt tình cốc. Hai anh em Tường - Phan thường vắng nhà năm sáu ngày trong tuần. Căn nhà và con hẻm yên tĩnh mặc sức Cường vẽ vời, suy tưởng. Những buổi giao lưu triết lý, văn nghệ thì tự do, thoải mái. Nhưng hai anh em Hoàng Phủ ngày càng tạm quên những mối tình nhỏ (tình yêu trai gái, tình gia đình, tình bạn bè) để dấn thân vào mối tình lớn: Cách mạng. Đinh Cường cảm thấy lẻ loi trong Tuyệt tình cốc và lạc lõng trong không khí đấu tranh của thành phố Huế. Không những thế, Đinh Cường và cả Đỗ Long Vân, Nguyễn Hữu Ngô đều cảm thấy ngột ngạt khó thở do bị mật vụ đeo bám vì là bạn thân của anh em Hoàng Phủ. Chuyến đi Hội An của ba người vào đầu tháng 8/1964 ấy có thể nói là một chuyến “tránh nóng và đổi gió” theo như dự kiến ban đầu của họ. Trớ trêu là ở bất cứ đâu trên đất nước vào thời điểm đó cũng không thể tránh khỏi nóng cháy và gió lửa từ cuộc chiến tranh. Đêm thứ hai trên bãi biển Cửa Đại, chẳng biết do ai mở đầu (tôi không còn nhớ), chúng tôi đều đồng ý là nên có một tụ điểm giao lưu khác tại Huế cho bất cứ ai chưa biết làm gì cho đất nước dân tộc trước thảm họa chiến tranh.

Như thế là Quán Bạn manh nha hình thành trên bãi biển Cửa Đại với bốn người khởi xướng ban đầu là Đinh Cường, Nguyễn Hữu Ngô, Đỗ Long Vân và tôi. Cái tên Quán Bạn phát xuất từ gợi ý của Đỗ Long Vân. Đỗ Long Vân nói hồi còn ở bên Tây anh biết một quán cà phê nhỏ của sinh viên có tên gọi là Le café des copains. Le Café des copains là địa điểm giải trí và giao lưu của những sinh viên tự do không đồng tình với lập trường chính trị của phe De Gaul chủ trương tái chiếm Đông Dương, phục hồi đế quốc Pháp. Chúng tôi đồng thuận rằng là Quán Bạn sẽ được tổ chức theo hình thức góp vốn cổ phần, tự quản lý, tự phục vụ. Các cổ phần viên đầu tiên là Đinh Cường, Đỗ Long Vân và tôi (Nguyễn Hữu Ngô không có tiền đóng góp). Đinh Cường, Đỗ Long Vân và Nguyễn Hữu Ngô sẽ trở lại Huế vận động bạn bè tham gia đóng góp. Mỗi cổ phần đóng năm trăm đồng (500) tương ứng với một chỉ vàng. Tôi đóng hai cổ phần, Đinh Cường và Đỗ Long Vân mỗi người một cổ phần. Tôi ứng tiền liền trước để ngày mai đi sắm cốc cà phê và bình trà. Đinh Cường rất chú trọng vấn đề này. Anh nói bình trà, cốc dĩa phải đẹp và sang trọng. Ngày hôm sau cả bốn chúng tôi cùng ra phố Hội An tìm mua bình trà và cốc đĩa cà phê. Đó là những đồ sứ nhập từ Đài Loan. Bình và cốc có dáng bầu, màu xanh lam sáng, men rạn. Tôi tham gia Quán Bạn đến đó. Những chuyện về Quán Bạn sau này tại Huế tôi chỉ nghe nói lại.

Từ Hội An trở lại Huế, Đinh Cường, Đỗ Long Vân, Nguyễn Hữu Ngô rủ thêm nhiều người nữa đóng góp vào Quán Bạn: chị Quỳ - vợ anh Đỗ Long Vân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Khắc Cầm, Lê Văn Sâm, Túy Hồng (nhà văn nữ), Trần Quang Long và nhiều người khác nữa đã nồng nhiệt tham gia với tư cách là thành viên chính. Mọi người đồng ý cử Lê Văn Sâm phụ trách điều hành tổng quát, Nguyễn Hữu Ngô thường trực và thu ngân, chị Đỗ Long Vân và nhà văn Túy Hồng phụ trách pha cà phê lúc đầu, chỉ dẫn cho nhiều nữ sinh viên, học sinh khác học pha và bưng dọn cà phê, thay nhau túc trực tại quán.

Lê Văn Sâm là người năng nổ tháo vát. Anh thuê nhà làm quán, thuê đóng quầy và bàn ghế, làm vệ sinh, sơn quét. Khâu trang trí thì do các cổ phần viên thiết kế và bài trí. Quán Bạn ở số 8 Đào Duy Từ gần chân cầu và cửa Đông Ba, cách nhà Lê Văn Sâm hai căn. Đó là căn nhà gạch, mặt tiền rộng khoảng 6 mét có gác suốt và lan can bằng gỗ. Căn nhà nguyên là của một gia đình có hai người con gái đẹp chết trôi trong một buổi tối đi tắm trước bến sông gần chân cầu Đông Ba. Cha mẹ hai cô gái thương con và nghe thầy bói nói là nhà có ma nên dọn đi ở nơi khác từ mùa hè năm trước. Lê Văn Sâm đã thuê với giá tượng trưng. Quán Bạn khai trương vào đầu tháng 11/1964 trong bối cảnh Huế và cả miền Nam trào dâng các cuộc mitting biểu tình chống Nguyễn Khánh và Trần Văn Hương độc tài quân phiệt. Từ tên gọi (Quán Bạn) đến chủ trương (địa điểm giao lưu của sinh viên, thanh niên, trí thức Huế) tuy chỉ được loan truyền miệng, nhưng ngay từ giờ phút đầu mở cửa, Quán Bạn tràn ngập những khách và những bạn. Cà phê ngon, giá rẻ, pha chế và phục vụ bởi những nữ lưu trí thức và những sinh viên học sinh trẻ trung, xinh tươi, không khí lại rất văn nghệ, tự do, cởi mở nên Quán Bạn nhanh chóng trở thành điểm hội tụ của những người “ưu thời, mẫn thế” tham dự gần hết các  cuộc xuống đường chống độc tài quân phiệt  và chống Mỹ “dưới ngọn cờ Phật giáo”. Trong lúc phong trào Phật giáo hội họp, tổ chức tuyệt thực, cầu nguyện, biểu tình, mitting tại chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm, quảng trường Thương Bạc; trong lúc sinh viên đang hội thảo tại các giảng đường đại học và xuống đường biểu dương lực lượng, đốt cháy tòa Lãnh sự và trung tâm Văn hóa Mỹ, thì Quán Bạn bắt đầu bàn thảo triết học, văn nghệ và thời cuộc quanh các bàn cà phê, để rồi sau đó tự phát thành một nhóm nhỏ tham dự các cuộc xuống đường trong suốt năm 1965 và mấy tháng đầu năm 1966.

Nội dung các cuộc thảo luận tùy thuộc vào gợi ý ban đầu của ai đó không phân biệt chủ hay khách, bởi vì tất cả đều là “bạn.” Ngô Kha và Nguyễn Nguyên Phương là khách nhưng xem Quán Bạn là diễn đàn để giải tỏa  những vấn đề mình đang cưu mang.  Bán cà phê “một vốn bốn lời” nên thời kỳ đầu Quán Bạn có tiền mua giấy, vải, sơn và các vật liệu cần thiết để làm áp phích, kẻ khẩu hiệu, sắm băng-rôn và tham dự gần hết các cuộc đấu tranh chung. Hoạt động “dấn thân” của Quán Bạn ngày một suy yếu dần vì hai lẽ:

- Một là: vốn liếng của Quán Bạn ngày một cạn kiệt vì bán cà phê thì ít, mà đấu tranh thì nhiều. Sau nhiều lần xuống đường, anh em trở lại Quán Bạn với cái bụng trống không và cái cổ khô khát. Quán cơm Bà Kè ở số 1 Đào Duy Từ (một quán cơm dành cho người lao động) ở chéo phải bên kia đường bớt ế ẩm (vì lao động đình công) tạm thời có người ăn nhờ những khách hàng mới. Đó là một khoảng chi lớn của Quán Bạn. Khoản chi tiêu thứ hai phát xuất từ tinh thần “xã hội chủ nghĩa” của Nguyễn Hữu Ngô (người quản lý tài chính của Quán Bạn).Trong tất cả mọi ngày, ngoài hai bữa ăn chính (tại quán cơm Bà Kè), Quán Bạn còn chi tiền bún bò sáng, đậu hủ chiều cho tất cả những thành viên thường trực không chỉ một hai người mà năm bảy mười người. Thấy anh em nào áo quần bù xù sườn rách, Nguyễn Hữu Ngô liền chi tiền may sắm cái mới. Đến cuối năm 1965, Quán Bạn không còn tiền để mua các nhu yếu phẩm hàng ngày (cà phê, trà, đường, chanh, nước đá, dầu hỏa…). Trước tình thế đó Nguyễn Hữu Ngô thôi làm quản lý, giao lại Quán Bạn cho Lê Văn Sâm. Lê Văn Sâm bỏ tiền túi bù vào các khoản thiếu hụt tài chính do Nguyễn Hữu Ngô để lại, điều hành chặt chẽ, chi tiêu rành mạch, nhưng lại ham đấu tranh hơn kinh doanh.

- Hai là: các thành viên chính của Quán Bạn không đến hoặc lần hồi tản mát:

Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Khắc Cầm đóng tiền làm cổ đông chính nhưng chỉ tạc qua đôi lần trong mấy ngày đầu. Tôi là thành viên sáng lập mà chưa một lần tới Quán Bạn để uống một tách cà phê. Đinh Cường cũng là thành viên sáng lập, nhưng chỉ đến Quán Bạn trong bữa sáng đầu khai trương như một người khách lạ. Anh là người tươm tất, nhẹ nhàng, ít nói, không thích hợp không khí ồn ào tụ tập đám đông. Trong khi bạn bè anh người thì tham gia phong trào Đô thị, người thì tham gia phong trào Phật giáo, người thì lui tới Quán Bạn, Đinh Cường trở lại nhà trọ say mê làm họa sĩ.

Quán Bạn ngoắc ngoải tồn tại đến giữa năm 1966. Khi phong trào Phật giáo và “cuộc ly khai nửa chừng” của các quân nhân vùng I do Nguyễn Chánh Thi cầm đầu bị Thiệu - Kỳ đàn áp và tiêu diệt, Quán Bạn âm thầm giải thể.

Vụ Quán Bạn không tác động gì xấu đối với Đinh Cường. Noel 1965 anh tổ chức triển lãm tại Alliance Francaise de Dalat. Cũng trong năm này Đinh Cường được nhận làm giáo sư dạy vẽ tại trung học Đồng Khánh - Huế. Năm 1967 Đinh Cường được nhận làm giảng viên tại Cao đẳng Mỹ thuật - Huế. Từ 1962 đến 1975, Đinh Cường đã tổ chức triển lãm riêng hoặc tham dự triển lãm chung 20 lần tại Huế, Sài Gòn, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, P’leicu và nhiều nơi trên thế giới.

Đinh Cường là người tinh tế, tươm tất, mực thước trong sinh hoạt cá nhân cũng như trong tất cả mọi quan hệ. Trước 1975, học vẽ, dạy vẽ và làm hội họa là một hòa điệu miệt mài trong tự do. Anh đã là một trong những nghệ sĩ hàng đầu ở miền Nam. Tranh của Đinh Cường được giới mỹ thuật thế giới chú ý và sưu tầm. Sau 1975 Đinh Cường đã nhẫn nại lắm mới làm được “cán bộ giảng dạy lưu dung” hai ba năm gì đó ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Đinh Cường đã nỗ lực hết sức để hòa giải trong chính mình hai danh hiệu: Họa sĩ và cán bộ giảng dạy lưu dung. Nỗ lực của anh bất thành. Năm 1979, anh làm đơn xin chấm dứt ân huệ lưu dung để làm người nghệ sĩ tự do trong đói nghèo. Thôi thúc sáng tạo mãnh liệt, nhưng thành tựu nghệ thuật chỉ là những bức tranh trên giấy khổ nhỏ (cỡ 20 x 20cm) dán trên những khung vải đơn giản to hơn được trưng bày đâu đó trong vài cuộc triển lãm bỏ túi (Vẻ ẩn mật trong hội họa Đinh Cường - Huỳnh Hữu Ủy - Quán Văn số 014 tháng 4 năm 2013). Con người tươm tất và chú trọng sự hoàn mỹ Đinh Cường không chịu được mình bị đẩy vào tình trạng thiểu não như thế. Năm 1989 Đinh Cường định cư tại Hoa Kỳ. Ở một đất nước xa lạ, căng thẳng những áp lực đời thường, Đinh Cường nhận ra rằng cái tự do của người Mỹ khác với cái tự do của một người Việt Nam lưu vong trên đất Mỹ. Chúng ta thấy được nỗi cô quạnh thê lương của Đinh Cường trong những ngày đầu đến Mỹ qua bức tranh “Người đi trong tuyết”. Không như những người lao động trong các ngành nghề khác, người lao động nghệ thuật khi vì một lý do nào đó ngoài ý muốn phải rời bỏ quê hương (như một hài nhi bị cắt cuống rốn khỏi lòng mẹ) không còn động cơ và năng lượng để sống và sáng tác. Võ Phiến, Phạm Duy đã nói như thế. Đinh Cường đã biết như thế nên khi tạm ổn định cuộc sống nơi đất khách quê người, anh vội vã quay về lại nối cuống rốn với bà mẹ Việt Nam. Ở đây, may mắn hơn những văn nghệ sĩ Việt kiều khác, Đinh Cường còn có “nhiều anh em cùng Mẹ” thương mến trông chờ.

Trở về, trở về, trở về. Năm nào Đinh Cường cũng trở về. Bởi vì “không trở về thì không thở được”. Đặng Tiến đã nói thay người bạn thân thiết như thế. Nối lại cuống rốn, điều hòa hơi thở, cuộc sống của người nghệ sĩ Việt tha phương từng bước được phục hồi. “Đi hết biển” (tên một cuốn sách của nhà làm phim Trần Văn Thủy) trong phong ba bão táp, Đinh Cường mới thấy mình tìm lại được chính mình. Cái giá của cuộc truy tìm quả là quá đắt, nhưng nếu không trả thì Đinh Cường không thể khêu mở lại “mạch nước ngầm” (từ của Đặng Tiến) để làm cuộc tái sinh ngoạn mục mà không một nghệ sĩ nào cùng cảnh ngộ như anh có thể làm được. Cuộc tái sinh của Đinh Cường trên đất Mỹ đã để lại cho công chúng nghệ thuật hàng mấy trăm bức tranh và hàng nghìn nhật ký thơ. Nhiều cuộc triển lãm riêng và chung đã được tổ chức tại Việt Nam và tại hải ngoại. Tại Sài Gòn, Đinh Cường bày tranh chung với Đỗ Quang Em, Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn. Hai cuộc triển lãm riêng: một tại Pháp năm 2010 (tại trụ sở Annam Heritage - Paris), một tại Việt Nam năm 2011 (Đà Lạt) đã thành công rực rỡ.

Bản chất tươm tất của Đinh Cường đã lưu lại trong tôi hai dấu ấn không trừu tượng chút nào. Trong chuyến trở về Việt Nam đầu tiên sau thời gian định cư tại Mỹ, Đinh Cường ghé Đà Nẵng. Tại quán cà phê trên đường Đông Tây (bây giờ là Nguyễn Văn Linh). Đinh Cường gọi điện thoại cho Phạm Văn Hạng, hai vợ chồng Thơ Thơ, mấy người anh em khác, và tôi. Tôi đến. Lời chào đầu tiên của Đinh Cường là một câu hỏi: “Nghe nói ông Chu Sơn trở nên giàu có nhờ người vợ làm dược sĩ?” Thoạt tiên tôi buồn vì điều Đinh Cường nói không phải là sự thật. Nhưng ngẫm nghĩ một lúc, tôi lại vui và thầm cám ơn Đinh Cường. Anh vẫn là người tươm tất. Tươm tất không chỉ là dáng vẻ bề ngoài và cho riêng anh, mà tươm tất cả tâm hồn, cho bạn bè và cho cả đất nước.

Quê Nhà, Đinh Cường vẽ bìa, tái bản 2011 - bốn phụ bản của Đinh Cường


Năm 2011, trong chuyến Đinh Cường về Việt Nam làm triển lãm ở Đà Lạt, tôi đề nghị anh về vẽ bìa cho tập Quê Nhà tái bản. Đinh Cường vui vẻ nhận lời với điều kiện anh phải đọc lại tập thơ. Thật ra tập Quê Nhà dự định tái bản gồm tập Quê Nhà xuất bản năm 1964 và tập Giữa Lòng Việt Nam tôi làm trong hai năm 1964 - 1965 (Nha thông tin Trung Việt không cấp giấy phép xuất bản) và Lời Thưa tôi mới viết. Đinh Cường hứa sẽ gởi tranh bìa qua thư điện tử. Mấy ngày sau tôi nhận được không chỉ tranh bìa rất đẹp mà còn có bốn phụ bản với lời dặn của Đinh Cường: “Nhớ in ấn phải đẹp”. Quê Nhà in xong tôi gởi tặng Đinh Cường một tập. Nhận được Quê Nhà, Đinh Cường thư cho tôi với lời trách: “Sao chỉ có một tập?” Chắc anh vui vì sách đẹp.
 

Cũng trong năm 2011, tôi xuất bản tập sách Nước - Lửa và Sóng, Đinh Cường vẽ bìa. Lần này tôi gởi cho tặng hai tập, anh rất bằng lòng.

Năm 2014, vợ tôi dự định xuất bản sách Không Khói Hoàng Hôn, nhờ Đinh Cường vẽ bìa. Hồ Đình Nam (em trai chị Nhung vợ Đinh Cường) biết chuyện thư cho chúng tôi: “Chắc Đinh Cường không vẽ được, ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối. Từ hai năm rồi anh ấy đã từ chối, không vẽ bìa cho bất cứ ai.” Nhưng rồi Đinh Cường vẽ bìa cho Không Khói Hoàng Hôn, vì “Tôi đọc bài của chị trên Diễn Đàn, đọc một mạch, không dừng lại được”. Và có lẽ vì Đinh Cường biết vợ Chu Sơn (Nguyễn Thị Kim Thoa) không phải là dược sĩ giàu lên nhờ tham nhũng.

Đinh Cường lớn hơn tôi 4 tuổi (anh sinh năm 1939, tôi sinh 1943). Tôi quen Đinh Cường (và cả Đỗ Long Vân, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn) qua thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường. Năm đó tôi học lớp đệ nhị trường Quốc Học (1961).

Đinh Cường là anh rể của bạn tôi, Hồ Đình Nam, đã giúp tôi thoát khỏi nhà tù Đà Nẵng năm 1971, hiện đang định cư tại Anh.

Đạo lý ngày xưa: bạn của thầy cũng là thầy, anh của bạn cũng là anh. Đến lúc ngồi viết những dòng này tôi vẫn xem Đinh Cường đồng thời là thầy, là anh, là bạn. Riêng cái hành động “nối cuống rốn” và “tìm lại hơi thở dân tộc” để tiếp tục sống và làm một người nghệ sĩ tự do trên đất Mỹ, Đinh Cường đích thực là thầy của tôi, mặc dầu tôi chưa rời Việt Nam lần nào, và “đã có lúc tôi tự vỗ ngực mình là người yêu nước.”

C.S  
(TCSH335/01-2017)




 

Các bài mới
Nguyện của cây (14/02/2017)
Các bài đã đăng