Tạp chí Sông Hương - Số 335 (T.01-17)
Dấu chỉ của thời gian
14:45 | 18/01/2017

TUỆ ĐAN    

“Ngôn ngữ bị bão hòa và trở nên có sức sống thông qua thời gian”
                        (Jorge Luis Borges)

Dấu chỉ của thời gian

Jorge Luis Borges (1899 - 1986), nhà văn người Argentina, được biết đến như là một trong số những gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism). Các tác phẩm của ông không chỉ có những đóng góp đáng kể vào thể loại văn chương huyền ảo mà đặc biệt các chủ đề sáng tác của ông đã mang lại rất nhiều những khởi sắc mới cho văn chương triết lý. Lối kể chuyện của ông được đặc tả như là lối kể chuyện phi tuyến tính (non-linear narrative) qua việc sử dụng hình ảnh mê cung chuyển động tuần hoàn trong một sự hồi quy vô tận. Để thực hiện thành công lối kể chuyện đó, bản thân ông đã có những phản tư liên tục về khái niệm thời gian, bởi lẽ, hình ảnh mê cung ở trên được ông đặt trong một mạng lưới của những kết nối mang tính thời gian. Sự phân mảnh (fragmentation) hay sự biến dạng thời gian (temporal distortion) là những thủ pháp then chốt của văn học hậu hiện đại. Borges là một trong số các nhà văn tiên phong truy vấn về bản chất của thời gian. Chúng ta có thể sử dụng phương pháp mô tả để có thể chỉ ra không gian trần thuật của một câu chuyện là như thế nào thế nhưng cái nằm đằng sau sự mô tả ấy lại thuộc về cơ chế vận hành của mạch truyện, như vậy để có thể thông suốt cấu trúc hoàn bị của một câu chuyện chúng ta ắt phải tiến đến đặt câu hỏi về cái nằm đằng sau ấy là gì, và điều này sẽ được đặt trong tầm ngắm của thời gian. Việc phản tư về thời gian chính là cách Borges muốn thể nghiệm lối viết của mình, nhưng điểm nổi bật, ở đây, Borges còn muốn tiến tới một sự bác bỏ quan niệm về thời gian, nơi đó ông đã “hội đàm” cùng với các triết gia nổi tiếng như Berkeley, Hume, và Trang Tử.

Borges cho rằng thời gian là một vấn đề cơ bản của siêu hình học, chúng ta không thể làm bất cứ điều gì mà không có thời gian. Ý thức của chúng ta hoạt biến liên tục từ trạng thái này sang trạng thái khác, và thời gian được Borges nhìn về dưới đặc tính liên lũy (succession). Sự liên lũy thời gian hay còn được gọi là sự tiếp diễn, liên tiếp, kế tiếp thuộc về tính chất của thời gian khiến cho một thực thể được nhìn về trong tính chất khả biến (có thể thay đổi) của nó. Năm 1946, Borges đã viết một tiểu luận có tên “Một sự bác bỏ mới về thời gian” (A New Refutation of Time). Ở tiểu luận này, Borges cho rằng thời gian là nền tảng cho kinh nghiệm của chúng ta về căn cước cá nhân (personal identity) hay còn gọi là bản ngã/cái tôi. Ông tiến hành so sánh các quan niệm của triết gia người Anh sống ở thế kỷ XVIII George Berkeley, người bênh vực cho chủ thuyết duy tâm siêu hình học, và triết gia người Scotland sống cùng thời David Hume. Cả hai triết gia đều không cùng chung một quan điểm khi nhìn về căn cước cá nhân. Berkeley cho rằng căn cước cá nhân nằm ở trung tâm mỗi bản ngã, nó được bọc lấy bởi tâm thức. Còn đối với Hume, ông lại cho rằng, mỗi cá nhân là một bó hay một tập hợp các tri giác khác nhau, cái này kế tiếp cái kia một cách nhanh chóng rất khó để nhận ra. Tuy thế, cả hai đều cùng nhận chân cho sự hiện hữu của thời gian. Để đề ra cái nhìn mang tính triết học của mình về vấn đề này, Borges đã hướng đến cái mà ông gọi là “thế giới bất định của tâm trí” trong liên đới với thời gian, rằng đó là “một thế giới của những ấn tượng phù du, một thế giới không có vật chất lẫn tinh thần, chẳng phải khách quan lẫn chủ quan, một thế giới không có kết cấu lý tưởng của không gian; một thế giới được tạo nên từ thời gian, từ một sự đồng bộ tuyệt đối của thời gian theo những nguyên lý của Newton; một mê cung bền vững, một sự hỗn độn, một giấc mơ”. Borges trở lại với quan niệm của Hume khi Hume xem bản ngã chỉ là một thứ gì đó không thực, một đối tượng ảo. Ông cũng đã tự nhận quan niệm của Hume đã tác động đến cái nhìn của ông về thời gian như thế nào. Borges viết, “đằng sau bộ dạng của chúng ta, chẳng thể có một thứ bản ngã riêng tư nào hết, cái mà người ta xem nó điều chỉnh hành động của chúng ta cũng như tiếp nhận những ấn tượng từ giác quan của chúng ta, chúng ta chẳng qua chỉ là một chuỗi những hoạt động tưởng tượng và những ấn tượng sai lầm này mà thôi”. Trong cái nhìn về sự hoạt biến liên tục diễn ra trong tâm trí của con người, Borges tiến đến việc nhận chân chính chuỗi hoạt động này, ông đã phủ định bản chất của chúng là vật chất lẫn tinh thần, cũng như chúng không thể là không gian, và sau hết, ông đi đến kết luận rằng, bản chất của chuỗi hoạt động đó không gì khác ngoài thời gian. Tuy nhiên, tiếp sau đó, Borges lại phủ định luôn cả việc cho rằng bản chất của chuỗi hoạt động của tâm trí đơn thuần chỉ mang tính thời gian, bởi lẽ, theo ông, thời gian không tách bạch khỏi vật chất, tinh thần lẫn không gian. Nếu bên ngoài mỗi tri giác của chúng ta vật chất không hiện hữu, ngoài mỗi trạng thái tinh thần của chúng ta tâm thức không hiện hữu thì thời gian cũng sẽ chẳng hiện hữu bên ngoài bất kỳ một khoảnh khắc nào cả. Với Berkeley thời gian là một sự liên lũy của các ý niệm bên trong tâm trí; riêng Hume, ông lại cho rằng, thời gian là một sự liên lũy của các khoảnh khắc không thể phân chia được. Borges nghĩ, nếu tính liên tục của vật chất và tinh thần bị phủ nhận, không gian bị phủ nhận thì chúng ta sẽ không thể biết đến cái gì để qua đó chúng ta mường tượng về tính liên tục của thời gian. Đề ra ví dụ cho vấn đề liên đới lẫn nhau giữa thời gian và vật chất, tinh thần lẫn không gian, Borges đơn cử ví dụ về giấc mơ của Trang Tử. Trang Tử nằm mơ mình hóa bướm, tỉnh dậy ông không biết chắc rằng ông là người đã mơ giấc mơ mình hóa bướm hay bướm đã mơ giấc mơ mình là người. Theo Borges, học thuyết song song về tâm lý (psychological parallelism) sẽ cho rằng hình ảnh này phải bắt nguồn từ sự biến đổi nơi hệ thần kinh của người mơ, theo quan niệm Berkeley, thì ở thời điểm đó, thân xác của Trang Tử không hiện hữu; còn với quan niệm của Hume thì ở thời điểm đó, tinh thần của Trang Tử không còn nữa, mà toàn bộ những gì còn lại là bầu không khí của giấc mơ và một sự chắc chắn về con người mình như là bướm. Lập luận của Borges đưa ra là nếu không gian và bản ngã bị bãi bỏ thì làm thế nào để chúng ta có thể liên kết được những khoảnh khắc đang mơ và những khoảnh khắc khi thức giấc. Và liệu rằng những khoảnh khắc trùng hợp nhau ấy không đồng nhất chăng?

Vấn đề tiếp theo, Borges muốn tranh luận với các triết gia trên kia, đó chính là nghịch lý của khoảnh khắc hiện tại. Borges cho rằng siêu hình học của các nhà duy tâm nghĩ việc thêm vật chất vào tinh thần, hay thêm khách tri vào chủ tri nơi tri giác là mạo hiểu và vô ích. Ông nghĩ, điều đó không đến nỗi phi logic để nghĩ rằng các tri giác được tiếp nhận theo một chuỗi và sự khởi đầu cũng như sự kết thúc của chúng là không thể tường tận được. Với chủ nghĩa duy tâm, việc thêm một tri giác khác vào mạng lưới tri giác đang diễn ra là không thể thẩm tra được, nhưng Borges thì lại nghĩ rằng điều đó không đến nỗi không thẩm tra được khi nói đến thời gian tiểu sử, kiểu như khi chúng ta cố nhớ lại một sự kiện đã qua và dự chừng rằng nó xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định. Qua đó Borges tiến hành phủ nhận chuỗi thời gian vô tận mà chủ nghĩa duy tâm cổ xúy. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Borges còn phủ nhận luôn cả sự hiện hữu của một thời điểm riêng lẻ, qua việc hưởng ứng tinh thần của Hume về sự hiện hữu của một không gian tuyệt đối. Từ đó, Borges tiến đến một quan niệm mới, và ông xem nó không kém phần quan trọng hơn so với đặc tính liên lũy của thời gian, đó chính là sự đồng hiện (coexistence), sự hiện hữu diễn ra đồng thời, tương hỗ và tương tục. Borges cho rằng, tính đồng thời của toàn bộ sự kiện mang những hàm ẩn to lớn và được xem như là đặc tính chung của kinh nghiệm con người. Thủ pháp biến dạng và vặn xoắn thời gian trong truyện của Borges đã thăng hoa trên chính cái nhìn này của ông. Hơn nữa, xuất phát từ tiền đề về sự đồng hiện, Borges đã tiến đến một quan niệm chung cuộc về thời gian, cũng như thể đó là một cái nhìn đầy tinh tế về bản ngã của con người, đấy là nghịch lý (paradox). Ở đây, Borges chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cái nhìn của “Thanh tịnh đạo luận” (Visuddhimagga) trong Phật giáo. Quan niệm này cho rằng, mỗi người là một ảo ảnh, được rèn giũa một cách không ngừng bởi chuỗi nhân vị cô độc và tạm thời. Do đó với Borges, con người hay căn cước cá nhân một khi đã đặt trong dòng chảy của một sự lưu động không ngừng nghỉ bởi thời gian nên nó chẳng khác gì ngoài một hình thể không thật/thực. Thế nhưng, lương năng thông thường của chúng ta thường nhìn về căn cước ấy như là một cái gì đó có thực và cụ thể nên chúng ta thường vấp phải bởi rất nhiều những nghịch lý không thể giải quyết được, nói theo kiểu của Borges, chúng ta đang tắm trong nghịch lý từng ngày. Borges viết: “Việc phủ nhận sự liên lũy thời gian, phủ nhận bản ngã, phủ nhận vũ trụ thiên văn, rõ ràng là những sự tuyệt vọng và là những sự an ủi mang tính cách riêng tư. Số phận của chúng ta không quá ghê sợ so với cái gì đó không thực, nó đáng sợ là bởi vì nó không thể đảo ngược và bị đông cứng. Tôi được tạo nên từ thời gian. Thời gian là dòng sông cuốn tôi theo, nhưng tôi là dòng sông; thời gian là một con hổ cấu xé tôi, nhưng tôi là con hổ; thời gian là ngọn lửa thiêu rụi tôi, nhưng tôi là ngọn lửa. Thật không may, thế giới này lại là thực; và cũng thật không may, tôi là Borges”.

T. Đ  
(TCSH335/01-2017)





 

Các bài mới
Nguyện của cây (14/02/2017)
Các bài đã đăng