Tạp chí Sông Hương - Số 336 (T.02-17)
Ngày cuối năm và công tác chuẩn bị cho năm mới của các vua triều Nguyễn
08:52 | 26/01/2017

THƠM QUANG  

Tết Nguyên Đán luôn là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tết Nguyên Đán là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Trong đó ngày cuối cùng của năm hay còn gọi là ngày 30 tết là một ngày đặc biệt.

Ngày cuối năm và công tác chuẩn bị cho năm mới của các vua triều Nguyễn
Đoàn cung nghinh. Ảnh PBT

Vào dịp này, trong hoàng cung triều Nguyễn thật rộn ràng, náo nức. Vua quan ai nấy vui mừng, tất  bật chuẩn bị đón một mùa  xuân về. Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới còn lưu lại khá nhiều chi tiết thú vị về ngày cuối cùng của năm trong hoàng cung triều Nguyễn.

Ngày 30 Tết, triều Nguyễn sẽ cử hành lễ Cáp hưởng, đây là một nghi lễ hết sức quan trọng đối với ngày tết cận kề. Lễ Cáp hưởng tức là lễ mời các vị tiên đế về cùng “ăn Tết” với triều đình. Đích thân nhà vua đến Thái Miếu hoặc Thế Miếu làm chủ lễ. Triều Nguyễn quy định những năm Sửu, Mão, Tị, Mùi, Hợi thì vua thân đến Thái Miếu. Còn những năm Tý, Dần, Ngọ, Thân, Tuất thì vua thân đến Thế miếu làm lễ.

Mộc bản triều Nguyễn: Ngày 30 tết, các vua triều Nguyễn bắt đầu cho dựng nêu với ý nghĩa nêu là tiêu biểu cho năm mới
Mộc bản triều Nguyễn: Trong lễ Trừ tịch, các vua triều Nguyễn dâng lên bàn thờ tổ tiên bằng mâm cỗ chay


Trong ngày cuối cùng của năm, lễ Tuế trừ cũng được diễn ra. Nếu năm đó có tháng đủ, thì triều Nguyễn sẽ tổ chức vào ngày 30; còn tháng thiếu thì vào ngày 29 tháng chạp. Để chuẩn bị cho buổi lễ, trước đó, phủ Tôn Nhân hội bàn với bộ Lễ dâng sớ xin cho hoàng tử, hoàng thân được kiêm sung việc tế. Đến ngày lễ, theo vua Minh Mạng thì “tế tự càng nên vào lúc sáng sớm, mới bày tỏ lòng cung kính”. Vì vậy, mà trống điểm canh năm, sau khi bắn súng, hữu ty bày đặt cỗ bàn, vàng bạc, hương đèn, các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả, biền binh thì bày hàng lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả    hữu trước sân miếu, hoàng tử, hoàng thân đều mặc áo thêu  con mãng xà, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ Tuế trừ. Tế một tuần rượu và không có văn khấn.

Sau lễ Cáp hưởng và lễ Tuế trừ, triều đình Nguyễn sẽ tiến hành làm lễ Thướng tiêu(1) (dựng cây nêu) ở trước điện Thái Hòa. Khâm Thiên Giám được giao nhiệm vụ xem xét, chọn giờ lành để bộ Lễ dựng nêu. Khi cây nêu của vua được dựng lên thì các dinh thự, chùa chiền mới được dựng lên theo.  Năm 1876, vua Tự Đức quy  định cứ tới giờ Thìn (8 - 10 giờ sáng) ngày cuối năm, tất cả cây nêu sẽ được dựng lên khắp Kinh thành. Giải thích về việc tại sao lại có tục dựng nêu trong ngày 30 Tết. Vua Minh Mạng đã lý giải rằng: “Người xưa đặt ra lễ này cũng là lấy nghĩa rằng nêu là tiêu biểu cho năm mới”.

Đến tối 30 tết, bên trong Hoàng thành không khí thật ấm cúng, trang nghiêm. Tối đó, toàn Kinh thành đốt pháo lên nêu. Ở trong triều, quan Hữu ty chuẩn bị thiết đại triều ở điện Thái Hòa và thiết thường triều ở điện Cần Chánh. Ngự tọa (ngai vàng) thiết ở chính thất điện Thái Hòa, phía trước có đặt hoàng án với đỉnh trầm ngút khói để thêm phần trang trọng cho buổi lễ. Chỉ có quan lại thuộc hàng nội thân mới được “thượng điện”. Bá quan văn võ từ tam phẩm trở lên đứng ở thềm điện, từ tứ phẩm trở xuống chầu dưới sân rồng.

Theo quy định của triều Nguyễn, trong đêm 30, mồng 1 và mồng 2 Tết, các cửa Tả túc, Hữu túc của cung thành, các cửa Tả đoan, Hữu đoan của hoàng thành, các cửa Thể Nguyên, Quảng Đức, Chính Nam, Chính Đông, Chính Tây, Chính Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc của Kinh thành và Thủy Quan cầu Thanh Long, đều sai được mở rộng để tỏ rằng vệ Kim ngô không cấm. Bên cạnh đó, ở ngoài cửa Hữu Túc mỗi khắc phóng 10 phát ống lệnh, mỗi phát 5 đồng 5 phân thuốc nổ. Ghi làm lệ. Còn ở sân điện Thái Hòa, mỗi khắc, nổ 20 tiếng ống lệnh, suốt đêm đủ 1.000 tiếng giòn tan. Còn các đêm mồng 1 mồng 2 năm mới thì thôi.

Và một điều không thể thiếu trong ngày cuối cùng của năm đối với các vua triều Nguyễn đó là lễ Trừ tịch. Dưới triều Nguyễn, lễ Trừ tịch được thực hiện vào tối 30 Tết”. Theo Mộc bản triều Nguyễn, lễ Trừ tịch vua Gia Long sẽ đến nhà Thái miếu làm lễ, còn các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên được giao nhiệm vụ bồi tế. Những quan viên này khi xong việc thường được vua ban thưởng: “Thưởng bạc cho các quan viên túc trực: các quan văn võ từ tứ phẩm trở lên, đêm Trừ tịch túc trực ở hai bên công thự tả hữu. Vua sai Chưởng Thần võ quân Phạm Văn Nhân, Đô thống chế Thị trung Nguyễn Văn Khiêm, Thượng bảo khanh Trần Đình Trưng lập danh sách dâng lên. Ngự phê ban thưởng từ trên nhất phẩm đến tòng tứ phẩm, theo thứ bậc khác nhau”.

Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp tới. Mâm cổ cúng lễ “Trừ tịch” mà các vua triều Nguyễn dâng lên bàn thờ tổ tiên thường bằng đồ chay. Trong Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 237, mặt khắc 22 có chép: “Lễ Trừ tịch, Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, mỗi miếu trà quả 1 mâm hạng nhất. Thế miếu bàn chính, trà quả hạng nhất 2 mâm. Bàn tả, bàn hữu, mỗi bàn trà quả hạng nhất 1 mâm. Thờ phụ ở Thái miếu, Thế miếu gồm 25 bàn, mỗi bàn trà quả hạng ba 1 mâm, 3 bàn cúng Thổ ông trà quả hạng ba 1 mâm”.

Bên cạnh đó, trên bàn thờ mỗi vị còn có đồ mã, mũ đai áo xiêm bằng giấy và các hạng vàng bạc, tiền giấy, kho giấy, đợi ngày lễ xong đem đến lò đốt đi, để thấu đến thần minh mà tỏ kính ý. Và sau khi lễ cúng giao thừa ở các miếu xong, triều Nguyễn có bắn ống lệnh và đốt pháo giấy. Đây là tập tục có từ rất lâu đời, theo người xưa đốt pháo ống tre là để trừ lệ khí và đón phúc xuân đến.

Có thể nói, ngày 30 Tết trong hoàng cung triều Nguyễn thật đặc biệt. Đó là ngày mà các vua triều Nguyễn thực hiện nhiều nghi lễ thiêng liêng và trang trọng nhằm mục đích tiễn đưa năm cũ và chào đón một năm mới đến. Triều Nguyễn tuy không còn nữa, nhưng tất cả những sinh hoạt lễ tết ấy vẫn còn tìm thấy trong sử sách, đặc biệt là trong Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Đó cũng là một phần trong di sản phi vật chất của chúng ta và trở thành truyền thống tốt đẹp của người dân đất Việt hôm nay.

T.Q
(TCSH336/02-2017)


-----------------
(1) Lễ Thướng tiêu: ngày xưa làm lễ dựng nêu bằng cây tre trong sân trước nhà, buộc những  phù phép, vàng giấy trên cây nêu để đuổi ma quỷ năm cũ và cấm ma quỷ năm mới vào nhà.  






 

Các bài mới
Đồi ma (27/02/2017)
Các bài đã đăng