Tạp chí Sông Hương - Số 338 (T.04-17)
Nguyễn Hữu Thận, nhà thiên văn học thời cận đại
15:21 | 25/04/2017

LÊ QUANG THÁI

Thời hiện đại có cúng tế thì Xuân thu nhị kỳ, chọn một trong hai. Tại đền hoặc miếu Thành hoàng của làng xã mở hội tế vị thần hộ mệnh để cầu mong an cư lạc nghiệp. Hát Sử và Dã sử trong lễ hội long trọng không thể thiếu vắng.

Nguyễn Hữu Thận, nhà thiên văn học thời cận đại
Di tích Quan Tượng Đài (chụp năm 1949) tọa lạc trên pháo đài Nam Minh, phía tây nam Kinh thành Huế - từng là nơi cơ quan Khâm Thiên Giám đặt đài quan sát - Ảnh: internet

Có một trích đoạn sâu lắng đánh thức hồn làng quyện với hồn nước. Hát rằng:

Anh tú sẵn sơn chung hải dục,
Lạ lùng thay một bọc trăm giai,
Bác mẹ chia hai,
Cùng theo bác mẹ chia hai.
Năm mươi trị bể, năm mươi trị rừng(1)

“Trị bể” và “trị rừng” là hai nghĩa vụ lớn lao và thiêng liêng của làng nước.

Trong tăng gia sản xuất của nông dân, khai thác tài nguyên của núi rừng của tiều phu, đánh bắt thủy hải sản của ngư dân trên sông nước và biển cả bát ngát nghìn trùng; nhân dân ta đã tích lũy kinh nghiệm trong việc quan sát hiện tượng thiên văn địa lý như gió mùa, mưa sa nước sẩy, cuồng phong bão táp… Chỉ có những bậc học thức uyên áo mới dựng lên thành lịch thời vụ, viết thành sách về thổ nghi, thổ nhưỡng và về Thiên văn khí tượng.
 

Cổng vào Khâm Thiên Giám - Ảnh: internet

Tại triều đình Huế, có cơ quan trung ương chăm lo phần việc ấy, đó là Khâm Thiên giám. Ở các dinh trấn thì có quan Linh lang(2) chuyên trách theo dõi thời tiết, thời vụ và chuyển lịch sản xuất của nông vụ đến tận phủ huyện, tổng lý, làng xã, thôn ấp. Dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng, ông Nguyễn Hữu Thận, người làng Đại Hòa, doanh Quảng Trị đã từng là Đại thần quản lý Khâm Thiên giám và đã tính đúng hiện tượng nhật thực tại kinh kỳ những trước hai năm. Và ông đã được tôn gọi là nhà Thiên văn học Việt nam vào thời cận đại. Đó là chuyện lạ của đúng 200 năm về trước: năm 1815, gây chấn động xôn xao cả kinh kỳ.

QUÊ QUÁN

Nguyễn Hữu Thận sinh vào tháng 3 năm Đinh Sửu, 1757 tại làng Đại Hòa, tên cũ Đại Bối(3), tổng An Cư, huyện Hải Lăng, Châu Thuận, phủ Triệu Phong xưa vào đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Ông mất tại quê nhà ngày 5 tháng 7 Tân Mão, tức ngày 12/8/1831. Ở thời điểm này huyện đã cải đổi qua huyện Đăng Xương thuộc phủ Triệu Phong mới, tỉnh Quảng Trị theo cải cách ranh giới của đại lý hành chính đương thời.

Nguyễn Hữu Thận tự Chân Nguyên, hiệu Ý Trai chớ không là Ức Trai như một số sách và Từ điển đã ghi sai. Hiện chưa biết rõ ông đỗ đạt học vị nào trong các tên gọi dưới thời các chúa nguyễn như Hoa văn, Nhiêu học, Văn chức, Lại Ty… ở xứ Đàng Trong.

HOẠN LỘ

Dưới triều Tây Sơn, ông ra làm quan tới chức Thị Lang bộ Hộ(4). Năm 1802, ông ra làm quan với tân triều Gia Long từ chức Thiêm sự bộ Lại, rồi Cai bạ trấn Quảng Ngãi cho đến năm 1808. Trở về triều thăng Tham Tri bộ Lại(5). Ở cương vị này, ông được nhà vua tin dùng, cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc cùng với hai Phó sư Lê Đắc Tân và Ngô Thời Vị. Đi sứ về, tháng 5 năm 1811 ông được chuyển đổi làm Hữu Tham Tri bộ Hộ.

Năm 1812, do Triều đình biết rõ ông có tài chuyên trị Kinh Dịch, sành khí tượng và lịch số nên đã tiến cử ông giữ chức Phó quản lý Khâm Thiên giám. Tại chốn công đường, công lao lớn nhất của ông là đào tạo hai chức quan Giám linh đài lang và Tinh linh đài lang chuyên trách về khí tượng và lịch số. Sau 3 năm ổn định công vụ tại Khâm Thiên giám, ông lại được chuyển ra Bắc Thành, đứng đầu Tào Hộ lo việc thuế má, đạc điền, đúc tiền vào năm 1816 đến 1818. Đầu năm sau ông được thăng Thượng Thư bộ Lại, đứng đầu Triều đình gồm 6 bộ.

Tháng 6 năm Kỷ Mão, 1819, Đại thần Nguyễn Hữu Thận được cử giữ chức Đề diện điều hành khoa thi Hương tại trường thi Trực Lệ ở dinh Quảng Đức, tiền thân của Phủ Thừa Thiên. Phụ việc cho ông có Cai bạ trấn Bình Định Võ Xuân Cẩn làm Giám thí, Thiên sự bộ Lễ Nguyễn Đăng Tuân làm giám khảo(6).

Năm 1820, ông được đổi chuyển làm Thượng Thư bộ Hộ, quản lý công việc ở Khâm Thiên giám là sở trường chuyên sâu về Thiên văn địa lý cho đến ngày về trí sĩ tại quê nhà vào cuối năm 1829 ở độ tuổi 72. Từ đây, ông thư thản chỉnh lý lại những tác phẩm biên khảo, dịch thuật về Toán pháp, Lịch học, Thiên văn học… mà ông đã say mê miệt mài viết trong thời làm quan tại Kinh đô Phú Xuân - Huế.

TÁC PHẨM

Nguyễn Hữu Thận đã để lại cho đời 4 tác phẩm chính:

1- Ý trai toán pháp đắc lục. (Những điều tâm đắc về toán pháp của Ý Trai, gồm 8 quyển).

2- Lịch tượng khảo thàn. (Biên khảo về lịch học theo hiện tượng Thiên văn).

3- Dịch sách Toán thư tự lịch vần chú của Trung Quốc vào năm đi sứ 1809.

4- Bách ty chức chế (Chức năng và thể chế các ty sở của Triều Nguyễn).

Do đi thực địa, chúng tôi được biết năm 1990 tại làng Đại Hòa, đã truyền tụng ông còn biên soạn lịch Hiệp Kỹ mà thời Gia Long sử dụng thay cho lịch Vạn Toàn vì thích hợp với thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng nước ta.

Nhân đây xin ghi lại một đoạn trích ở trong sách Ô lâu tình sử của Tiến sĩ Thái Văn Kiểm, nhà nghiên cứu về đất Việt trời Nam, đặc biệt là Cố đô Huế(7). Ông người làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông định cư tại Pháp và đã sưu lục sử sách để viết nên sách ấy để khẳng định cái tài tiên tri về thiên tượng của ông Nguyễn Hữu Thận.

Sách Đại Nam liệt truyện Đại Nam thực lục đều chép rằng: năm Ất Hợi, 1815 trong khi luận về Thiên tượng, vua Gia Long quyết định ngày mồng một nào đó nhật thực thì bãi lễ triều hạ và yến hưởng, để tỏ ý lo sợ mà tu tĩnh. Ông (Nguyễn Hữu Thận) đã báo trước: hai năm nữa, tháng 4 và 10 đều có nhật thực. Ông đã tính đúng. Ngày mồng một tháng 4 năm Đinh Sửu 1817, nhật thực đã xảy ra. Lúc này ông đang ở Bắc Thành phụ trách Hộ Tào. Nhà vua và triều thần nhân đó, nhận xét về ông: “Phép tính lịch rất tinh vi, chỉ có Nguyễn Hữu Thận mới đủ học thuật để biết được. Liệt truyện cũng cho ông là: “Một nhà thiên văn không ai sánh kịp”.

Nguồn tư liệu liên quan đến Nguyễn Hữu Thận còn chờ xem việc sưu tập, sưu lục những nhà nghiên cứ về lịch sử khí tượng Việt Nam sống ở hải ngoại trong đó có hậu duệ của ông gia công tìm kiếm làm phong phú thêm dòng chảy văn hóa chú trọng đến các vấn đề xã hội, nhân sinh, kinh tế, kỷ nghệ, môi trường, thiên văn, gắt kết mật thiếu với nhau. Sách Hộ Từ đã từng chép: “Có trời đất rồi muôn vật mới nảy nở”.

SUỐI NGUỒN SỞ HỌC CỦA NGƯỜI XƯA

Xuất phát từ niềm đam mê khoa học từ thời niên thiếu ở miền dân dả, trời ban cho ông Nguyễn Hữu Thận có một thiên tư theo lối nói dễ thâu nạp là “sinh nhi tri chi”. Xuất phát từ tinh thần hiếu học của một dòng tộc có nhiều người đỗ đạt, hoặc danh sĩ cả triều bối lẫn hậu bối, ông đã điều ng- hiên, các sách về Toán học của Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1411 -?), Hoàng Vũ Quỳnh (1450 - 1497), nhà Toán học Vũ Hữu (1437 - 1530)(9). Các nhà Toán học và danh sĩ ấy đã soạn chung bộ sách Toán pháp đại thành rồi cùng nhau kết thân san định và chỉnh lý. Bộ sách quý ấy gồm 2 quyển có nội dung dạy phép đo ruộng đất, tính toán việc làm nhà cửa, xây đắp thành lũy, thuyền chiến và kể thuyền đánh cá ngoài khơi.

Nguyễn Hữu Thận học và hành theo lối đọc để tiêu sách để làm tư lương cho chính mình. Xưa, vua Minh Mạng chuộng cái tinh thần cầu học theo lối “đâm toạc sách”, “tận tín thư” là lối học chẳng bao giờ nhả ra tơ được! Nhà vua đã tưởng thưởng cho cung nữ nào nhanh trí leo lên thượng lầu, xem viễn vọng kính đặt trong Tử cấm thành nhìn về biển khơi thấy tàu buôn nước ta trở về cập cảng Thuận An. Cháu nội và chắt nội của nhà vua đã từng viết ở trong sách Tùng Thiện Vương (1819 - 1870) xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn.

Về miền duyên hải đất Ô Châu, chúng tôi nghe được những câu hát:

“Ruộng đồng mặc sức chim bay,
Biển hồ lai láng, cá bầy đua bơi”.

Hoặc:

“Mống bên đông, vồng bên tây
Chẳng mưa dầy thì bão giật”.

Từ Cửa Việt ngược thuyền theo dòng sông Thạch Hãn lên xứ Cùa gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ mà 130 năm về trước có Kinh đô phù du Tân Sở. Vẵng nghe lời hát ru nhắn gởi: “Ai lên nhắn với ngọn nguồn/ Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên”. Thiết tưởng, đó là những trang sách dân dả, mộc mạc gởi gắm tự tình dân tộc trong việc “trị biển”, “trị rừng” của người bình dân ít chữ. Nhưng đối với bậc lão nông, lão ngư, già làng lại là câu ca thành văn hoặc truyền khẩu nói lên cả một quá trình xuôi ngược giao lưu, giao thương, kể cả việc cứu tế mỗi khi gặp cảnh cơ hàn ngặt nghèo nữa.

Tổng luận về phong tục, sách Ô Châu cận lục đã viết về địa hình và khí hậu của một xứ vừa thiện địa vừa ác địa: “Về địa hình thì có núi cao biển rộng. Khoảng giữa mùa hạ có nhiều bão lớn; tiết trung thu có ít cảnh trăng tỏ trời quang. Lụt đến mặt nước dâng tràn, chẳng có đê đập ngăn chận”.(10) Và tổng luận về con người Ô Châu thì Dương Văn An đã luận giải: “Nhân tài do khí đúc nên, địa khí nhờ nhân tài mà lộ rõ”(11). Vào thời cận đại, danh nhân Nguyễn Hữu Thận nhờ đọc sách, xem thời tiết, quán thiên tượng mà ứng dụng để viết thành lịch, tiên đoán được hiện tượng thiên nhiên trong rời đất, vũ trụ. Thật quả đúng là “có trời đất rồi muôn vật mới nẩy nở” và từ đấy con người mới đặt ra kỷ cương lễ nghĩa”. Chính sử, ngoại sử và dã sử đã khẳng định cái tài quán sát thên văn địa lý của Nguyễn Hữu Thận còn do ông hiểu được biết thấu một phần về cái kho trời đất trăng gió là vô tận. Đó là cái nguyên cơ thâm nguyên để cho Nguyễn Hữu Thận trở thành “nhà thiên văn học ít ai sánh kịp” vào thời cận đại của quốc sử nước Việt.

Theo lời của ông Nguyễn Hữu Hòa, hậu duệ gọi ông Nguyễn Hữu Thận bằng vãi thì giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã mượn một số tác phẩm của tổ tiên mình từ năm 1945 để nghiên cứu và đối chiếu vì sao ông Nguyễn Hữu Thận đã chứng minh được bình phương của đường chéo tam giác vuông bằng tổng bình phương 2 cạnh còn lại như Pythagore, dựng được tam giác toán học như nhà toán học Pháp Patcal đã phát hiện. Cho đến nay thì tài liệu quý giá ấy đã trở thành di sản văn hóa của Việt Nam mà chưa được hoàn trả, mặc dầu con cháu trực hệ dòng tộc Nguyễn Hữu đã đòi lại nhiều lần. Ước mong đầy kỳ vọng là “của César xin trả lại cho César”.

L.Q.T
(TCSH338/04-2017)

------------------
(1) Việt Nam ca trù biên khảo, Đỗ bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huế, Nxb. Tp. HCM, 1995, tr 118. Trăm giai: viết trại do ăn vần, đúng là “trăm con”, không có nghĩa con trai.
Trị bể, trị rừng: nói ám dụ, nghĩa bay thoát. Một lối thủ pháp chơi chữ.

(2) Linh lang: chức quan “lang” có từ thời Hồng Bàng. “Linh” nói về thiên tượng. Gọi tắt của hai chức “Giám linh đài lang” và “Tinh linh đài lang” (hàm chánh và phó thất phẩm).

(3) Đại Bối: Ô Châu cận lục ghi tên làng Đại Bối. Phủ Biên tạp lục ghi Đại Hòa. Ở tỉnh Thanh Hóa có làng Đại Bối (ghi năm 1891) ở một khoa thi Hương. Phủ Triệu Phong (xưa) rộng gần diện tích của một phần đất từ bờ Nam sông Hiếu Quảng Trị cho đến bờ Bắc sông Thu Bồn ở Quảng Nam. Lỵ sở đóng tại gần thành Hóa Châu. Còn Phủ Triệu Phong dưới thời Duy Tân là huyện Thuận Xương được nâng cấp lên, và đổi tên là phủ Triệu Phong. Dễ nhầm lẫn nếu không căn cứ vào địa lý hành chính.

(4) Vào thời Tây Sơn trở về trước, chức Thị lang kế cận Thượng Thư.

(5) Vua Gia Long đặt thêm chức Tham Tri kế cận Thượng Thư, mà trên Thị Lang.

(6) Trường thi Trực Lệ: Năm 1819 gọi tên trường thi Hương là Trực Lệ, ban đầu đặt tên là trường thi Quảng Đức. Năm 1825 đổi thành trường thi Thừa Thiên. Ba năm thi một lần thay vì 6 năm.

(7) Ở tuổi cao, Thái Văn Kiểm thi đỗ bằng Tiến sĩ Đại học (Dorteur d’université), hàm văn khoa tại Pháp. Học vị này không chính quy, chỉ cấp cho người nước khác không theo học chương trình Cử nhân của nước Pháp.

(8) Văn hóa nguyệt san, tháng 5/1955, Sài Gòn ấn hành, Nguyễn Đăng Thục, Dân tộc tính. Hộ Từ là cổ thư nói về thuật trị nước.

(9) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Nxb. Tổng hợp, Tp. HCM, 2006, tr 1542, 1523…

(10) (11) Ô Châu cận lục, Dương Văn An, Thanh Văn, Phan Đăng, dịch và chú giải, Nxb. Chính trị quốc gia, 2009, tr62, 142.




 

Các bài mới
Hồ Xuân (04/05/2017)
Thơ Jan Wagner (02/05/2017)
Các bài đã đăng
Tiếng thở dài (25/04/2017)
Chong đời (19/04/2017)