Tạp chí Sông Hương - Số 339 (T.05-17)
Con người văn chương đánh thức khát vọng
09:19 | 24/05/2017

NGUYỄN THÀNH

Kỷ niệm 60 năm khoa Ngữ Văn Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế (1957 - 2017)

Con người văn chương đánh thức khát vọng
Đại học Khoa học và Đại học Văn khoa trước 1975 (Ảnh tư liệu: Dân Trí)

Ngày 23/03/2017, Khoa Ngữ văn thuộc trường ĐHKH Huế đã tổ chức “Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển”. Nhà nghiên cứu, PGS. TS. Nguyễn Thành - Trưởng Khoa Ngữ văn đã có bài diễn văn ghi nhận sâu sắc công lao giáo dục của các thầy cô trong chiều dài 60 năm, nhờ đây sản sinh ra nhiều nhân tài ở nhiều lĩnh vực đang không ngừng cống hiến cho xã hội. Sông Hương xin trích lược bài diễn văn này.


Cách đây 60 năm, trên mảnh đất Cố đô Huế lịch sử và văn hóa, Ban Văn chương được thành lập vào ngày 01 tháng 3 năm 1957 và được xây dựng như là một trong những phân ban chuyên môn quan trọng trong hệ thống đào tạo của Viện Đại học Huế. Đến ngày 01 tháng 02 năm 1959, Viện Đại học Huế chính thức ký quyết định thành lập Trường Đại học Văn khoa. Đây chính là tiền thân của khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế (sau năm 1975), nay là Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Lịch sử thay đổi, tên gọi các ngành đào tạo cũng thay đổi ít nhiều nhưng cốt lõi của nền tảng đào tạo mà khoa Ngữ văn đã và đang theo đuổi vẫn là bất biến. Đó là tinh thần nhân văn, khoa học và khai phóng.

Vượt qua những khó khăn, thầy - trò khoa Ngữ văn nhiều thế hệ đã tiếp nối nhau học tập và sáng tạo, tạo nên truyền thống tốt đẹp của Khoa và Trường, đưa khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Huế trở thành một trong những địa chỉ đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học uy tín ở miền Trung và cả nước. 60 năm là một hành trình liên tục xét về mặt tâm thức lẫn học thuật và triết mỹ. Mặc dù có sự biến động do một số thầy cô di chuyển hoặc thay đổi công tác, một số khác nghỉ hưu, nhưng đến nay, Khoa vẫn duy trì được đội ngũ cán bộ cơ hữu đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khoa Ngữ văn là một trong những đơn vị trong trường đào tạo cả ba bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, với số lượng sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh hằng năm khá ổn định. Chất lượng đào tạo được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Khoa cũng là một trong những đơn vị có số lượng lớn đầu sách và các bài báo khoa học được xuất bản, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, trong các kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia. Điều quan trong hơn, là từ chỗ tham gia các hội thảo lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khoa Ngữ văn đã vươn lên trở thành đơn vị tổ chức các hội thảo khoa học chuyên sâu thu hút sự quan tâm của giới khoa học trong nước. Nhờ đó, khoa Ngữ văn nhiều lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng, được Đại học Huế và Trường Đại học Khoa học ghi nhận tập thể xuất sắc.

Khoa Ngữ văn tự hào có một đội ngũ những nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, gắn bó sâu nặng với mảnh đất miền Trung thân thương, nghèo khó, biết vượt qua những khó khăn, có khi khắc nghiệt, để chuyên tâm sự nghiệp trồng người và hơn nữa, biết giữ lửa để truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò. Khoa còn tự hào hơn vì có đội ngũ cựu sinh viên hùng hậu: hàng trăm cử nhân giáo khoa ban Văn chương (trước năm 1975), 3251cử nhân các ngành Văn học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm (từ 1975 đến nay), 301 thạc sĩ các chuyên ngành Văn học Việt Nam, Ngôn ngữ học, Lý luận văn học và 16 tiến sĩ của hai chuyên ngành Văn học Việt Nam, Ngôn ngữ học; trong đó có nhiều người trở thành những nhà văn tài năng, những nhà báo sắc sảo, những nhà giáo, nhà khoa học chuyên nghiệp; những nhà quản lý lịch lãm và năng động trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, văn nghệ, chính trị và xã hội. Hàng chục năm qua, họ đã có những cống hiến nổi bật cho sự phát triển của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Chúng ta không thể hình dung được các lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn nghệ, giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn ở miền Trung và Tây Nguyên nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) sẽ như thế nào, nếu thiếu vắng lực lượng sinh viên Ngữ văn tốt nghiệp từ không gian khoa học Cố đô Huế. Chính các thế hệ sinh viên của khoa Ngữ văn là những người góp một phần làm thay đổi văn hóa và xã hội của các địa phương, tạo nên cái nhìn khác về mảnh đất miền Trung từ bạn bè ở hai đầu đất nước và vượt qua những đường biên địa lý, rộng hơn thế.

Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung, khoa học Ngữ văn nói riêng từ lâu, hiển nhiên, có một vị trí quan trọng. Nó là khoa học nghiên cứu về xã hội và con người. Chính vì vậy, một điều dường như đã được thừa nhận, khoa học xã hội và nhân văn tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững của các quốc gia, bởi vì sản phẩm cuối cùng của khoa học xã hội và nhân văn là con người, con người với các mối quan hệ là yếu tố tạo nên sự thành bại của mọi sự. Trong khoa học xã hội và nhân văn, ngành Ngữ văn có một chỗ đứng quan trọng. Ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt và là biểu hiện khả năng tư duy của con người, vì thế ngôn ngữ học giúp kiến tạo tư duy, sản sinh hiệu năng trong các quan hệ xã hội. Văn chương đánh thức khát vọng, giải bỏ phiền muộn, giúp con người tự tin hơn và nhờ vậy, nó cũng là phương cách giúp con người xích lại gần nhau hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm (1957 - 2017), chúng ta thành kính ghi ơn nhiều người thầy khả kính trong và ngoài trường, trong đó có những người đã đi vào cõi vĩnh hằng - những người đã “gieo chữ” trên cánh đồng. Chúng ta cũng tri ân nhiều cơ quan ban ngành và nhân dân các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên mà trước hết là tỉnh Thừa Thiên Huế, những nơi tạo cảm hứng và niềm tin cho chúng ta trong những tháng năm đèn sách, những đợt thực tập, thực tế, những ngày đầu ra trường chập chững vào đời, cũng như sau này. Chúng ta chân thành cảm ơn tất cả, từng gương mặt thân quen, từng bữa cơm đạm bạc nhưng sâu nặng tình người; cảm ơn những dòng sông, những cánh đồng và những câu hò, điệu hát dân ca; cảm ơn những trang văn đã đánh thức tình người, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu văn chương và tiếng Việt trong mỗi tâm hồn thời trai trẻ, để giúp chúng ta lớn lên và vững chãi trong đời.

N.T
(TCSH339/05-2017)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Sa ngã (22/05/2017)
Hoa nở tháng 5 (18/05/2017)