Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-17)
Ngài đội Cóc
09:48 | 07/07/2017

NGUYỄN VĂN UÔNG

Không biết cái tục thờ ngài đội Cóc ở làng ấy xuất phát từ bao giờ. Có người bảo là chỉ mới hơn trăm năm trở lại đây, khi làng thỉnh tôn tượng tự nhiên của ngài vào an vị trang nghiêm trong gian đầu tả nội đình, hướng mặt nhìn bao quát tiền đường, nơi mỗi kỳ tế tự, các bô lão lễ bái hiến tế, cung nghinh long thần thổ địa.

Ngài đội Cóc
Minh họa: Nhím

Có người lại đoan quyết tục này có từ thời mới lập làng, nghĩa là đã trên bốn trăm năm, coi ngài như phúc thần thành hoàng khai canh. Đã từ lâu, đình làng bị hỏa hoạn thiêu rụi, làng không còn sắc phong nhà vua ban tặng phúc thần, không ai có cơ sở để cổ xúy hay phủ nhận thông tin này. Thế nào cũng được miễn là dân làng thành kính thờ phụng ngài, xuân thu nhị kỳ tế tự trang nghiêm, một nghi lễ đã trở thành không thể không có trong khi lịch sử ngôi làng đã qua bao thăng trầm biến đổi theo các thế chế làng xã.

Cái tên ngài đội Cóc cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Người thì cho “Cóc” là tên một nhân vật có công trạng với làng, khi chết hiển linh được dân làng truy phong chức “đội” và tôn thành thần hoàng để thờ tự. Cũng có thể nhân vật có công trạng ấy đã làm chức Suất đội, dân quen miệng cứ gọi đội Cóc như bao người chức sắc khác trong làng. Ở cái làng thuần nông bao đời, tâm lý trọng chức quyền đã thâm căn cố đế như là một khao khát vươn lên khẳng định vị thế xã hội, cho dù cái chức ấy chẳng ra gì cả. Chỉ là một người làng chỉ định cất giữ đồ ngũ sự tế lễ, bung nồi, chén bát bếp núc và đến kỳ lon ton mời các cụ đi hội họp hay thông báo tin tức làng rao truyền thì ông ấy cũng huênh hoang cái chức “trùm” trước tên tục cha sinh mẹ đẻ đặt cho. Nhiều cái tên kiểu ấy như trùm Quyến, xâu Tha, lý Tú, hương Giảng; sang hơn một chút thì khóa Liêm, đồ Trọng; khoe quyền hành thì có cửu Thao, bát Hà, đội Trinh, lãnh Thăng... Nhiều, nhiều vô kể. Cái tên đội Cóc chắc cũng vào dạng ấy. Có thể ngài đội Cóc đã tập hợp được một đám cư dân lưu tán thời người Việt đặt bước chân Nam tiến đến đây, ngài tổ chức khai hoang lập ấp, dựng làng, giúp họ xây dựng cuộc sống an cư trên vùng đất mới còn nhiều khó khăn ban đầu. Với công trạng ấy thì ngài đội Cóc được dân làng tôn phong thần hoàng cũng phải lẽ. Một lý khác nại ra rằng vô lẽ đã làm đến chức Suất đội mà có cái tên xấu xí thế. “Cóc” chắc không phải là tên thật của một nhân vật tiếng tăm mà chỉ là do người làng tôn xưng loài cóc làm thần, một dạng tôn thờ các con vật tự nhiên làm linh vật chiêm bái khi họ thấy các con vật này có ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của họ. Ở vùng sông nước chằng chịt, bàu ruộng sình lầy, lau lát sum xuê thời kỳ mới khai hoang thì số lượng loài lưỡng thê này phát triển thành đàn, thành lũ không phải là chuyện không thể xảy ra. Chúng có phần nào ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của họ cả mặt thuận lợi và kể cả khó khăn mà họ phải có biện pháp đối phó thích hợp để tồn tại. Nọc độc cóc có thể giết chết người. Cóc già chết rũ, nọc đông thành ngọc dùng chữa vết cắn của các loài rắn rít cứu người. Cóc biết gọi trời làm mưa giúp dân chống hạn, có nước ngọt tưới đồng, rửa trôi phèn mặn. Tôn cóc thành linh vật thờ phụng như thành hoàng để ngài không quấy nhiễu và giúp ích nhiều hơn cho dân chúng cũng có cơ sở cho cái lý của nó.

Tranh cãi thì nhiều nhưng một sự thật là cái tôn tượng thờ ngài đội Cóc trong đình làng mới có hơn trăm năm nay, gắn liền với những sự kiện có thật ai cũng biết. Thế hệ ngày nay chỉ nghe truyền miệng nhưng những người kể lại chính là những người đã tổ chức các sự kiện đó. Việc xác tín trăm phần trăm là điều không thể chối cãi. Thuở đó, khu dân cư quanh đình làng thường có hỏa hoạn. Mỗi kỳ gió Lào thổi về là dân cư khu vực đó nơm nớp nỗi lo cháy nhà. Lửa củi, rơm rạ dù cảnh giác thu vén kỹ càng thì lửa cũng xuất hiện thiêu rụi nhà cửa. Lửa không phải từ dưới cháy lan lên mà các đám cháy thường được phát hiện từ trên cao cháy xuống. Dù được cứu hỏa kịp thời nhưng thế nào thì ngôi nhà tranh tre mà thần lửa đã chọn ấy không còn một thứ gì tồn tại ngoài đám tro tàn. Dân làng hoảng sợ, nhiều năm đã tìm kiếm nhiều thầy trừ tà, diệt ma chống lửa vẫn không dứt được tai ương. Duyên đến với làng khi một vị thầy cao tay ấn đi ngang qua đình làng. Vào đúng ngọ, giữa sân đình nắng chang chang, vị pháp sư gióng la bàn và xác định thần lửa chẳng phải ở đâu xa mà cư ngụ ngay trước đình làng, phải làm lễ cúng tống tiễn. Các bô lão chức sắc trong làng đồng ý nhờ thầy giúp đỡ. Thầy dựng nêu trước đình, lập hương áng ngay giữa sân cúng tế ba ngày. Ngày cuối thầy chiếu la bàn vào hàng đá bậc cửa trước sân đình và tìm ra hòn đá thần lửa hóa thân. Thầy sai người cạy lên và yêu cầu làng tống táng. Ý thầy muốn là hòn đá phải theo cái phang đỏ ra sông, phang thì lửa hỏa phần, đá thì cho trầm mịch dưới sông, thần lửa không còn quay trở lại được. Lạ thay khi mấy bô lão đốc thúc trai tráng bẫy được hòn đá nặng cả mấy trăm cân lên chỏng chơ trên mặt sân đình thì có bô lão thấy tảng đá giống hình thù con cóc đang nằm ngữa bốn chân quay nhìn vào đình. Nếu thầy xác định hòn đá là thần lửa; hòn đá lại có hình dáng cóc, thì đây có phải là ngài đội Cóc, thành hoàng của làng? Hỏa hoạn quanh đình mỗi năm và đã có lần đã thiêu rụi đình làng có thể là do ngài quở trách dân làng chưa có thành ý với ngài, tổ chức tôn thờ ngài đúng cách. Nghĩ thế, nhiều bô lão không cho thầy mang đá đi trầm mịch mà nhờ thầy có phương án khác. Thầy làm lễ xin rước hòn đá vào thờ trong đình như một tôn tượng của ngài đội Cóc. Sau lễ cúng ấy, hòn đá được an vị trang nghiêm thì hỏa hoạn hàng năm không còn. Ai cũng cho là làng có phước gặp thầy giỏi. Hòn đá từ đó trở thành tôn tượng ngài đội Cóc thần hoàng làng, ngài được dân làng thành kính cúng bái, ngày càng linh nghiệm. Dân có việc gì đến cầu thần thì đều “cầu được ước thấy” linh hiển không sai.

Chuyện hòn đá thần này thì cũng lắm ly kỳ. Trước khi được phát hiện đó là tôn tượng ngài đội Cóc thì nó cũng bình thường như bao hòn đá khác được chôn làm bệ cửa đình như bậc cấp từ sân vào tiền đường. Nền đình làng đắp cao hơn sân đình mấy bực bước. Điều này cũng có lý là để tránh ngập lụt mỗi kỳ nước về. Ở vùng thấp trũng này, mưa vài ngày, nước nguồn đổ về là lụt lên. Trong làng, việc dân làm nền nhà cao hơn đường thôn để tránh lụt ngập là chuyện ai cũng biết tính. Sau khi lập đình, dân làng chèo đò lên đầu nguồn sông tìm những hòn đá cuội kích cỡ vừa tầm chở về xếp ngay ngắn trước tiền đình làm bệ bước lên đình. Sau lần đình làng bị cháy, đình vẫn được dựng lại trên nền cũ khang trang hơn. Bệ đá bậc cấp lên đình qua kỳ hỏa hoạn đen bóng hơn. Theo thời gian, bệ đá mòn dần, láng lẫy theo bước chân, có chỗ khuyết sâu, có lồi ra những hình dáng ngộ nghĩnh. Hòn đá thần lửa to và nặng nhất trong bệ đá được chôn chính giữa, nhận nhiều dấu chân bước vào ra khiến các vết lồi lõm nhẵn thín theo thời gian. Có hai vết lồi tròn, nhìn kỹ như hai mắt thần. Thầy bảo mắt nhìn vào nhà nào thì nhà ấy sẽ cháy. Khi đặt tôn tượng thần vào đình, thầy chọn vị trí không để nắng chiếu vào mắt thần, thầy còn cho đặt một chậu nước lớn trước mắt thần để thần hạ hỏa. Dân làng luôn luôn chăm sóc, không bao giờ để chậu nước vơi cạn. Ai có cầu thần chuyện gì, xin một ít nước làm phép thì cũng phải thế vào lượng nước như đã xin múc đi. Vị pháp sư bảo dân làng phải cung kính thần nghiêm trang. Sở dĩ thần thịnh nộ gây hỏa hoạn trước đây là do dân làng tệ bạc với thần. Tượng thần phơi sương nắng chẳng ai chăm sóc lại còn bị dẫm đạp mỗi khi bước qua. Những ngày nắng lửa chang chang mùa đại hạn gió Lào, tượng dang nắng từ sáng đến chiều, chừng quá ngọ là ngài đã hết chịu nổi, hơi thở phò phò, khạc ra không biết bao nhiêu tia lửa phun vào nhà dân cháy cho biết tay.

Chuyện ngài đội Cóc là vậy. Qua tín ngưỡng dân gian nông thôn, sự linh nghiệm của ngài bao trùm nhiều ngõ ngách tâm linh người dân vùng quê này. Ốm đau, bệnh tật thì đến cúng thần xin nước mắt thần về xoa bóp. Buôn bán ế ẩm đến xin nước mắt thần tẩy rảy xả xui. Mùa màng thất bát, hoa màu cằn cỗi đến xin nước mắt thần làm phép tăng sản, bội thu. Cả đến các cặp vợ chồng hiếm muộn cũng đến xin ngài độ trì cho sinh nở. Mà chuyện cầu tự thì làng có nhiều giai thoại ai cũng nghe qua. Những cặp đến cầu tự xin con cái phần lớn đều linh ứng. Dân làng vì thế mỗi lần kết hôn không thể bỏ qua việc đến báo với ngài, xin ngài phù hộ con đàn cháu đống. Điều lạ là những ai đến cầu ngài giúp đỡ thì, nếu sinh con gái, lớn lên đều giỏi giang, xinh đẹp; nếu sinh con trai thì èo uột, khó nuôi, khi lớn lên thì thường có ngoại hình xấu xí, tính tình thì ham chơi, lêu lổng, quậy phá. Có thể đây là ý đồ thâm độc của ngài đội Cóc, không muốn cho trai tráng trong làng nổi trội hơn ngài trong ánh mắt đám gái làng xinh đẹp. Nhiều nhà thích đẻ con trai ngại ngùng không muốn đến cầu xin với ngài. Có lẽ vì thế mà làng này nhiều gái hơn trai. Ở cái làng thuần nông đất chật, người đông, ruộng quân điền làng chia cho canh tác mỗi khẩu chưa đầy sào ta thì việc nông tang lúa má, dù hoàn toàn giao cho đàn ông gánh vác thì vẫn không sử dụng hết thời gian nhàn rỗi của mấy gã. Nhàn cư vi bất thiện, các chàng túm tụm cờ bạc, rượu trà đàn đúm hết ngày qua tháng. Việc nhà thì đã có đám phụ nữ đảm đang lo toan. Sản phẩm nông nghiệp thì có các nàng chăm sóc, bảo quản, mua bán. Trong từng gia đình thì người con gái thường lấn lướt đàn ông. Nhiều người giỏi chợ búa mua bán, kinh tế gia đình người vợ kiếm nhiều hơn người chồng, vợ trở thành trụ cột gia đình.

Làng nhiều gái hơn trai thì chuyện gái ế chồng thì ai cũng dễ nhận ra. Trai trở thành của quý hiếm. Gái lớn lên, cạnh tranh nhau kiếm một tấm chồng đã khó huống chi qua mấy cuộc chiến, trai tòng quân có đi không về, nhiều gái góa không dễ kiếm được đối tượng để rổ rá cạp lại cho có đôi. Cái gì đã hiếm thì có giá cao. Trai làng không ra ngoài qui luật ấy. Biết thế các nhà có con trai càng làm neo, các chàng trai càng hư đốn. Không được ngài đội Cóc hộ trì cho ngoại hình xinh đẹp, lại mang một lớp da dẻ sần sùi, xấu xí mà các chàng cứ ngỡ mình là hoàng tử của những cố Tấm đảm đang. Được cung phụng đầy đủ, các chàng trai xấu xí ấy không thiếu cơ hội để gởi gắm chút tình cảm ngoài luồng cho các đối tượng còn son trẻ phòng không ế thừa, hằng ngày nhan nhản trước mắt. Thời trước, chưa có luật gia đình qui định sống một vợ một chồng, cấm đa thê thì thỉnh thoảng trong làng có o nào không chồng mà bụng cứ to lên, làng chỉ cho gọi o mang trầu rượu ra đình phạt vạ rồi kiếm biện pháp giải quyết cho o. Nghe các cụ nói, trước đây hình phạt rất nặng nề, nếu không khai báo rõ ràng và người gây hậu quả chối phăng, không nhận tác phẩm của mình thì người mang bầu phải tội nhục hình cạo trọc đầu, bôi vôi trắng hếu để răng đe. Nếu lỡ dại với ai đến nông nỗi này và người gây án nhận tội thì làng kết hợp hôn phối cho hai người đường hoàng chính chính, không ai có thể phủ nhận. Từ cái tục này, chàng nào gây hậu quả cũng vui vẻ nhận lời trong khi mấy phu nhân bấm bụng căm hờn thằng chồng bạc nghĩa. Trong bụng là thế nhưng ngoài mặt thì chị ta cứ phải vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Vở kịch đóng khéo của chị là để che miệng làng khỏi đàm tiếu, lại còn được tiếng khen chị là người bao dung, độ lượng. Nhận tình địch làm phòng hai cho chồng, làm dì cho con cái mình, nuốt cay đắng làm vui là tâm sự của không ít gái xinh ở cái làng này. Nhưng cũng có những phụ nữ cao tay, từ khi bước về nhà chồng, nàng đã có ý thức rõ ràng và phương cách quản lý ông chồng thế nào để chàng ta không có thời gian và điều kiện léng phéng ngoài luồng. Các chàng bị bó rọ trong cái lưới kim cô, không còn sức đâu để thèm của lạ. Nếu đến nông nỗi phải nhận tình địch về cho chồng coi như của quí bao năm ấp bồng, bảo quản giờ phải chia sẻ cho kẻ khác xài chung, thì nàng cũng có cách đối phó. “Đêm đêm chị giữ mất buồng, cho em mảnh chiếu nằm suông nhà ngoài” và bà hai chỉ còn việc kêu than: “Thân em làm lẽ chẳng hề. Có như chánh thất mà lê giữa đường”. Gái ai mà không có máu ghen. Không ghen thì đã không phải đàn bà. Cái tục làng xử phạt ngoại hôn như thế là biện pháp cần thiết để cũng cố hạnh phúc gia đình, ổn định xã hội đồng thời giải quyết phần dôi dư gái thừa trai thiếu một cách nhân bản, hợp tình. Họa hoằn cũng có những chàng bị vợ kềm cặp quá đà, có lúc vợ sơ sẩy, cái máu thích của lạ khiến chàng gây họa với ai đó. Đến khi người con gái chửa hoang khai ra giữa đình làng, chàng ta bị triệu đến nhận tác phẩm để được thêm vợ, cũng là điều oái ăm khó xử với chàng. Với bộ mặt như chàm đổ, chàng lấm lét nhìn cặp mắt hằm hằm của mụ vợ cùng những lời đay nghiến, đến nỗi tim gan cũng bung ra khỏi thân xác. Chàng đành chối phăng để giữ thân, tránh hậu họa mỗi khi cơn tam bành lục tặc của mụ vợ nổi lên. Thế là chị chửa hoang phải chịu phạt vạ, mang cái đầu vôi trắng hếu để người làng phỉ báng, chê bai.

Từ khi có luật gia đình cấm đàn ông cưới nhiều vợ, những chị có chồng mừng bao nhiêu thì mấy o con gái chưa chồng hoặc góa chồng như ngồi trên đống lửa. Thế thì quyền làm vợ, làm mẹ chỉ ưu tiên bảo vệ cho một số người may mắn. Ưu tiên cho hạng người này thì tước đoạt quyền hạnh phúc của số người hẩm hiu khác. Hạnh phúc là một bản năng sống. Giáo dục, đạo đức, pháp luật và các thiết chế xã hội không thể nào dập tắt được bản năng này. Vì thế trong làng vẫn có những phụ nữ lén lút nuôi con đơn thân. Luật tục làng thời gian gần đây không còn nặng nề về chuyện phạt vạ gái chửa hoang, có chăng chỉ vài lời qua lại dư luận đàm tiếu chê bai. Mà lời nói như gió thoảng qua, chuyện gì đã có đầu thì cũng có cuối, không thay đổi qui trình được chào đời của những số phận không may.

Một minh chứng sống rành rành về tục phạt vạ một thời đã gây khó cho biết bao chị em lén lút hứng hoa rơi ở cái làng này vẫn còn đó. Nhân vật chính còn sống đến bây giờ. Chị là một gái làng sinh ra đã kém may mắn, thua thiệt chúng bạn. Làng có nhiều gái đẹp giỏi giang, điều ấy không loại trừ được những trường hợp ngoại lệ. Người con gái ấy ngoại hình, nhan sắc cũng coi được mắt nhưng bị cái tật dở hơi, có phần nghễnh ngãng. Ả sống với người mẹ không chồng. Cái thiệt thòi ả chịu từ khi còn trong bụng mẹ. Cựa quậy trong cái bụng to lặc lè của mẹ, ả đã cùng hứng chịu nhục nhã với cái đầu bôi vôi của mẹ mình trước các lời đơm đặt ác ý của dân làng. Mẹ ả đau khổ đến chỗ tuyệt tình con. Một phần nữa vì căm hờn thằng nhân tình bạc nghĩa, nuốt lời thệ nguyền sắt son, bà cho vào người nhiều thứ nước lá thuốc lang vườn tự chế, đắng gò ruột để trục ả ra, cho ả chết thành ma trả thù kẻ bội bạc. Nhưng ả vẫn bám víu bụng mẹ đến đủ ngày, đủ tháng chui ra làm người. Ả lớn lên với di chứng của những chén thuốc lá độc ấy, thành người con gái, đẹp thì có đẹp nhưng trí thì dại dại, khôn khôn bất bình thường. Gái khôn ngoan còn chưa chắc kiếm được chồng trong cái làng thiếu trai này huống hồ là ả. Thế mà đến khi dân làng thấy cái bụng ả ngày càng to ra thì dư luận như nổ một quả bom tấn đồn thổi ra rất nhanh. Đúng là mẹ nào con nấy!

Chuyện ấy xẩy ra từ thời làng còn lệ phạt vạ chửa hoang. Ả bị làng gọi ra đình để mấy cụ chức sắc hỏi cung:

- Chị có bầu với ai, khai ra để làng cứu xét?

- Tự dưng em có bầu, không với ai cả.

- Chị ăn nói liều lĩnh thế mà nghe được hả? Không với ai mà bụng càng ngày càng to. Không lẽ chị đau bụng báng?

- Không. Em có mang. Thai đã già rồi.

- Cha nó là ai, chị khai rõ để tìm cha cho nó? Không thì tóc trên đầu chị chẳng còn mà đầu trắng hếu như bình vôi.

- Không. Em khai thật rồi. Không có trai làng nào là cha của con em cả.

- Thế thì con đất, con trời à?

- Không phải! Trời đất có chứng kiến nhưng không phải cha nó. Cái bầu là con của ngài đội Cóc.

- Chị nói nghe lạ đời. Báng bổ thần linh đến thế thì tội chị không phải vừa.

- Em khai thành thật rồi mà các bác không tin em. Em đến xin ngài đội Cóc giúp em có con thì ngài đã chứng giám và từ đó em có cái bầu này.

Vì ngài đội Cóc nổi tiếng linh thiêng, các bô lão bán tín bán nghi, không quyết được hình phạt đối với chị. Hội đồng cho chị về nửa tháng để chờ thời gian nghị án. Hẹn lần họp hội đồng bô lão mồng mười tháng sau xử tiếp.

Trong cuộc họp nội bộ của hội đồng bô lão nghị án, nhiều ý kiến trái ngược nhau được mấy cụ mổ xẻ cặn kẽ cho vấn nạn này:

- Nó nói là con của ngài đội Cóc một cách chân tình, thành khẩn thế thì phải tin nó thôi. Ngài quả là linh thiêng, không việc gì ngài không giúp được.

- Nói sao ấy! Giúp là giúp thế nào? Người trần mắt thịt đôi khi trầy trật mãi không ra được đứa con. Linh thiêng thì linh thiêng nhưng lấy gì cho vào bụng ả để cái bụng ngày càng to ra.

- Thế mới gọi là thần linh.

- Cúng thần chỉ có hương hoa. Thần chỉ là khí phách. Lấy đâu ra cái của cho nó có con.

- Nói thế là báng bổ rồi! Thần là thần chứ có phải người trần mắt thịt như người ta đâu! Thần có cách làm của thần chúng ta sao mà biết được.

Một vị bô lão từ lúc vào hội nghị đến giờ chưa có ý kiến gì, bèn dung hòa:

- Tranh cãi mãi không xong thì sửa lễ cúng hỏi thần thôi. Ý kiến ông trưởng thôn thế nào?

Ông trưởng thôn người còn trẻ, tuổi chỉ chừng trên 30, được xã cất đặt lên trông coi việc làng. Tuy tuổi nhỏ nhưng các buổi hội đồng họp bàn việc làng, các cụ phải mời ông tham dự vì đây là người duy nhất đại diện chính quyền nhà nước. Tôn trọng các cụ, ông trưởng thôn chỉ ngồi nghe các cụ luận bàn. Khi được hỏi đích việc, ông chỉ ậm ợ cho qua:

- Các cụ tính sao phải lẽ thì làm. Lệ làng đã có trong hương ước, miễn là không trái pháp luật.

Ý kiến của ông trưởng thôn được các cụ hưởng ứng. Cụ tiên chỉ chấn chỉnh y phục, lên hương đèn khấn vái ngài đội Cóc, hỏi ý ngài:

- Lạy ngài đội Cóc. Con tì nữ trong thôn mang bầu, khai báo với làng là do ngài giúp đỡ. Thật hư thế nào xin ngài chứng vào quẻ keo sấp ngữa chứng minh. Lạy ngài!

Khấn xong, cụ nâng khay đĩa xin keo có hai trự tiền đồng lên vái. Mỗi lần vái là mỗi lần gieo quẻ tiền xin âm dương. Lạ thay cả ba lần, hai trự tiền đồng đều nhảy một sấp, một ngửa. Cụ trình cho các bô lão khác và quả quyết:

- Thế là ngài đã chứng giám. Ngài nhận đó là con của ngài.

Mấy bô lão chưa thật tin nhưng không thế nào qui hay giải tội, cứ lập lờ mãi, không quyết được là phạt hay tha cho ả chửa hoang. Chuyện mấy cụ bỏ lửng kết luận cho ả mức án cũng phải thôi. Ai dại gì dấn vào một quyết định gọi là để giữ vững lệ làng mà thực thực, hư hư bồng bềnh như mây nổi. Thuật cai trị là thế, dễ làm, khó bỏ lửng cho xong. Mồng mười tháng sau ả chửa hoang ra đình hầu các cụ thì chẳng có cụ nào hiện diện. Cái án coi như treo mãi.

Từ khi sự việc ả kia có mang với ngài đội Cóc loan đi, những gái góa, gái không chồng đến cầu con với ngài ngày càng nhiều. Ngày nào cũng có người xách nước trong đến đình cầu ngài đội Cóc để xin nước thánh về làm phép sinh con. Có nhiều trường hợp linh nghiệm được mang bầu. Cũng có người làm mãi chưa có kết quả, họ càng ganh ghét ả. Dân làng có người thương tình giúp ả như một nghĩa cử làm phúc, biết đâu động đến ngài đội Cóc vì đứa con trong bụng ả là giọt máu của ngài. Đủ ngày đủ tháng, ả sinh một đứa con trai cũng không đến nỗi xấu xí, nếu so với đám trẻ làng. Ả mừng hơn là con ả không nghễnh ngãng như mẹ nó. Thằng bé lớn lên như có sức trời nuôi dưỡng. Nó ăn nhiều, chóng lớn, không bệnh tật èo uột như bao trẻ trai khác. Chỉ điều đó, với những người có đức tin tâm linh dễ dãi, cái lý của ả đưa ra với làng trước đây về chuyện ả có con với ngài đội Cóc càng thêm sức thuyết phục. Một số dân làng trở nên thiện cảm hơn với ả và thường san sẻ rau cháo giúp ả nuôi con. Thằng bé lớn lên trong sự bảo bọc của dân làng.

*

Cuộc đời người đàn bà nghễnh ngãng từng có con với ngài đội Cóc cũng có hậu vận tốt đẹp. Chuyện nghĩ lại cũng trớ trêu. Số là ông trưởng thôn xưa kia trong thời ả mang bầu, từng tham gia với các bô lão trong hội đồng xử phạt ả, tiết lộ chuyện động trời mà các bà miệng lê đôi mách chốn nông thôn xem như một tin lá cải có giá trị ngàn vàng. Vợ ông chết đã mấy năm rồi, ba người con gái của ông cũng đã có gia đình riêng. Người già cả thường hay nghĩ vẩn vơ. Điều ông lo lắng nhất là sau khi ông chết thì ai thờ tự cái từ đường này. Con gái ngoại tông, ba đứa con gái ông tuy có hiếu, thương yêu và thường thăm hỏi ông nhưng chúng có gia nương của chúng. Thằng cháu họ ông cho về ở với ông, hy vọng sau này làm người thừa tự thì là thằng đoản tính, ham chơi cờ bạc, không tin tưởng được. Suy đi tính lại nhiều năm, biết mình không còn nhiều thời gian, nhân một buổi giỗ vợ, có đủ con rể, cháu chắt và bà con trong họ, ông tung ra một tin khủng khiếp làm mọi người bàn hoàng. Ông thừa nhận thằng Hữu con ả nghễnh ngãng hoang thai ngày xưa là con của ông. Có người chưa tin, cho là ông nói nhảm. Buổi tiệc giỗ vợ hôm ấy trở thành buổi tiệc ông thú thật sự việc ông phản bội vợ, nhận con ngoại hôn, sự việc mà ông không dám làm khi bà còn sống. Ông trưởng tộc đồng trang lứa với ông, có mặt hôm ấy tỏ ra thông cảm cho ông. Ông trưởng tộc thuyết phục bà con chấp nhận sự thật này để giúp ông toại nguyện. Mấy ngày sau, ông cho bắn tin này đến người đàn bà nghễnh ngãng là mẹ đẻ của Hữu. Căn nhà chòi của mẹ con ả nghễnh ngãng ở cuối xóm, cạnh bờ tre là ngà ôm sát bờ sông, nơi này ả đã lớn lên cùng bà mẹ đơn thân và đến phiên ả, cũng là người đơn thân nuôi thằng Hữu lớn lên. Khi có người đến nói với ả chuyện gia đình của ông cựu trưởng thôn về việc nhận thằng Hữu là con, ả ngẩn ngơ kia trong phút chốc trở nên tỉnh táo. Ả nhớ lại chuyện hôm ngài đội Cóc linh nghiệm giúp ả có mang thằng Hữu. Đêm ấy là đêm thứ ba ả đến đình cầu xin ngài giúp đỡ. Ả không đến cầu ban ngày vì là gái chưa chồng mà cầu con thì sợ dân làng cười chê. Ả đến đình lúc khuya khoắt tối trời, không ai ra đình vào những thời khắc ấy. Ả cầu khẩn ngài đội Cóc, xin nước thánh rửa mắt thần rồi xoa xát từ ngực xuống tận háng. Ả tẩm nước mát người rồi chờ ngài linh ứng. Sau khi lễ xong, ả vái tạ ra về. Sương khuya phủ mát sân đình, lối cỏ. Ở gốc cây sanh góc sân đình, nơi dân làng gởi tống tiễn bao ông táo, bình vôi, lư bình đất nung... hư vỡ nhiều mùa Tết theo năm cũ đã qua. Các sản phẩm đất nung thành thần đã phế thải ấy chất chồng cao ngất là nơi trú ngụ lý tưởng cho loài cóc nhái. Đình thờ ngài đội Cóc nên dân làng chẳng dám khai thác thực phẩm từ những đàn cóc nhái này. Đó là cơ hội tốt để chúng sinh sôi. Trong lúc ả đang khiếp vía khi đạp phải một con cóc lớn kiếm mồi trong sân đình thì “ngài đội Cóc” tọa xuống như một bóng đen vần vũ với ả. Ả càng vùng vẫy càng thấy người cứ nhũn ra… Khi tỉnh lại ả thấy mình trần truồng liền vội vàng xốc lại áo xống, ngồi thừ trước sân đình tận hưởng những giây phút linh nghiệm thánh thiện như những hạt sương khuya mát lạnh mơn man da thịt. Một cảm giác dễ chịu cứ lâng lâng nửa như ngại ngùng, nửa như thèm muốn, cái cảm giác trong đời chưa lần nào ả có được. Định thần, ả ra về trong nỗi lòng hí hửng mừng thầm. Và sau lần được “ngài đội Cóc” chứng giám ấy, ngài còn tọa về ngay tại nhà ả vào những đêm mưa gió bão bùng. Những khi ấy, trong bóng đen mịt mùng đồng lõa, tiếng thân tre là ngà keo két cọ xát vào nhau chát chúa, tiếng gió vi vu, xào xạc ma quái như âm thanh của quỷ thần khiến ả khiếp sợ thì “ngài đội Cóc” về với ả. Ngài tọa xuống vội vàng rồi bỏ đi. Ả có mang với ngài và vui vẻ chịu đựng bao tiếng đàm tiếu. Lệ làng không phạt vạ ả và ả cũng không như mẹ ả đối xử với cái thai đến độ gây hậu quả như hôm nay ả phải gánh chịu trong cái thân xác tàn dại này...

Hôm người nhà ông cựu trưởng thôn đến, vợ con Hữu vắng nhà. Nghe chuyện người nhà ông cựu trưởng thôn nói, ả vẫn cứ mực nói Hữu là con ngài đội Cóc, ả không biết ông cựu trưởng thôn và Hữu không phải con ông ấy. Hữu thì bán tín bán nghi, không vội tin mà cũng không dám chối bỏ sự việc này. Không biết đây là vận may hay điều xui xẻo cho cuộc đời vốn đã nhiều đắng cay của mẹ con Hữu. Bên Hữu bây giờ không chỉ có ông và mẹ nó mà còn vợ và hai đứa con. Mẹ Hữu đã già yếu, biết đâu đây là dịp để bà có một chỗ dựa tâm linh khi từ giã cuộc đời nhiều cay cực này. Còn đối với Hữu, từ lâu như kẻ ngụ cư ở cái làng này, không có bà con họ tộc, cũng không có một một thước đất thổ cư chính đáng. Nhà ở chỉ đậu bạt bờ tre làng, nắng mưa bên con nước. Hữu đã quen và chấp nhận cuộc sống này. Không biết chuyện gì sẽ đến khi nhận làm con cháu dòng họ người. Tuy vậy, ngày nhà ông cựu trưởng thôn tổ chức một lễ cúng gia tiên để minh xác ý kiến của ông, được mời, Hữu cũng đến. Trong không khí trang nghiêm khói hương, đông đủ con cháu cả nhà ông cựu trưởng thôn, ông trưởng tộc làm lễ cắt máu giao hòa để xác minh thực hư sự việc. Người ta thấy hai giọt máu từ ngón út của thằng Hữu và của ông cựu trưởng thôn nặn xuống chiếc cốc thủy tinh trong suốt thì máu hòa vào máu, đông thành một cục nhỏ ở đáy cốc...

N.V.U
(SHSDB25/06-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng