Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-17)
Một số nét đặc trưng trong quy hoạch xây dựng Khu phố Tây ở Huế thời kỳ Pháp thuộc
09:25 | 27/07/2017


TS. KTS NGUYỄN VŨ MINH - THS. KTS NGUYỄN VĂN THÁI

Một số nét đặc trưng trong quy hoạch xây dựng Khu phố Tây ở Huế thời kỳ Pháp thuộc
Hình 1: Kinh Thành Huế và khu nhượng địa thực dân (Nguyen Thu, BAVH, 1909)

Đô thị Huế là một thành phố lịch sử đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử-văn hóa của dân tộc Việt Nam. Qua hơn 3 thế kỷ xây dựng và phát triển của đô thị Huế, kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng đặt nền móng đầu tiên cho việc hình thành một trung tâm chính trị ở Đàng Trong (1558), đô thị Huế được xây dựng theo 3 giai đoạn khác nhau: thời kỳ Hoàng gia (các chúa Nguyễn và các hoàng đế triều Nguyễn), thời kỳ thuộc địa (1875 - 1945) và thời kỳ từ sau 1945. Cứ mỗi giai đoạn lịch sử đi qua, những dấu ấn văn hóa lại dồn nén, thêm vào và làm đa dạng kho tàng văn hóa-lịch sử-kiến trúc đô thị Huế. Huế hợp nhất được các thành phần văn hóa-lịch sử-kiến trúc đô thị đó tạo thành một kho tàng di sản của riêng mình, như ông M’Bow1 gọi Huế là “kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị” hay GS. Hoàng Đạo Kính gọi là “thành phố di sản”. Sự đa dạng hình thái không gian đô thị được nhận diện qua các thành phần di sản sau: Kiến trúc cảnh quan triều Nguyễn; kiến trúc phố thị; các làng truyền thống; kiến trúc cảnh quan thuộc địa; cảnh quan thiên nhiên nhân văn hóa và đô thị hóa (Hoàng Đạo Kính, 2011).

Trong kho tàng di sản cảnh quan kiến trúc của đô thị Huế, cảnh quan kiến trúc cùng các không gian quy hoạch của nó thời kỳ thuộc địa được nhìn nhận như một thành tố tích cực, cộng sinh cùng với các quỹ di sản khác để góp phần tạo nên diện mạo tổng thể đô thị - di sản Huế. Cùng nhìn nhận lại một số đặc trưng trong quy hoạch thiết kế đô thị thời kỳ thuộc địa này và những đóng góp của nó trong bức tranh tổng thể đô thị di sản Huế.2
 

Hình 2,3: Các giai đoạn xây dựng và phát triển khu phố Tây (Hình 2: Giai đoạn xây dựng những công trình đầu tiên đến năm 1885); (Hình 3: Sau 1885, giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình xuất phát từ tuyến đường Jules Ferry (Lê Lợi ngày nay). (Nguồn: ảnh tư liệu)

a. Sự hình thành và phát triển khu phố Tây3: Sự hình thành và mở rộng đô thị về phía Nam Sông Hương

Sau sự kiện quân Pháp tấn công đánh chiếm cửa  biển Thuận An, cửa ngõ vào Kinh đô Huế năm 1883,  triều đình Huế phải ký với Pháp hiệp ước Harmand (Quý mùi, 1883) với nội dung chính: Nước Đại Nam  thừa nhận và chấp nhận nền bảo hộ của nước Pháp,  nước Pháp sẽ thay mặt nước Đại Nam trong mọi  quan hệ đối ngoại. Khu Mang Cá trở thành khu  nhượng địa (Consession francaise) vào năm 1884.  Vào năm 1886, theo chỉ dụ của vua Đồng Khánh,  khu Mang Cá được mở rộng thêm thành khu Mang  Cá lớn.4

Sự phát triển đô thị về phía Nam sông Hương,  được đánh dấu bởi việc thiết lập Toà Thương Bạc (Pavillion du Thương bạc) ở dãi đất gần cửa Thượng Tứ phiá trước Kinh thành nhằm mục đích cho các quan chức Nam Triều liên hệ với quan chức châu Âu ở bờ Nam.

Năm 1899, trung tâm đô thị Huế mới bắt đầu được xây dựng. Vào thời điểm ấy, cấu trúc bờ nam chỉ có một con đường chạy dọc bờ sông đối diện với Kinh thành Huế kéo dài từ bến đò Trường Súng (gần ga Huế ngày nay) cho đến bến đò Ô Lâu (Đập Đá ngày nay), và được liên hệ với bờ bắc thông qua hệ thống những bến đò: Bến đò Trường Súng, bến đò Trường Tiền, bến đò Toà Khâm, bến đò Ô Lâu. Trên trục này khởi đầu có các công trình Tòa Khâm sứ - Résident Supérieur (Trường Đại học Sư phạm ngày nay), Hôpital Annamite (Nhà thương), và hàng loạt doanh trại của Thủy quân (Caserne des Soldats annamites),....

Nhằm tạo sự thuận lợi cho giao tiếp giữa hai bờ, cây cầu đầu tiên được xây dựng theo bản vẽ của Gustave Eiffel (1897) vào thời vua Thành Thái và của Thủ tướng Pháp Georges Clémenceau (nay là cầu Tràng tiền); sau đó là sự xuất hiện của tuyến đường sắt vào năm 1920. Rất nhiều công trình đã được xây dựng nhằm phục vụ cho chính quyền đô hộ như trường Pellerin, nhà băng, các công trình quân sự, bệnh viện, khách sạn La Résidence, nhà ga,... Sông Hương trở thành ranh giới giữa hai chính quyền cũng như hai khu vực: Kinh thành của triều Nguyễn và khu phố Tây của chính quyền thuộc địa.

Cho đến năm 1929, toàn quyền Đông Dương đã thay đổi phủ Thừa Thiên thành thành phố Huế. Dưới sự xây dựng của chính quyền đô hộ, Huế mở rộng dần khu vực quy hoạch của mình. Nhiều khu phố mới hình thành dần dần và trở nên nhộn nhịp xung quanh khu vực Kinh Thành: phố Paul-Bert (nay là tuyến thương mại Trần Hưng Đạo). Vào thời điểm này, khu vực tòa Khâm sứ (trường Đại học Sư phạm nay) trở thành trung tâm của các hoạt động nhộn nhịp của khu phố Tây; các khu vùng ven dần dần được hình thành: Bến ngự, Phủ Cam, An cựu, Vĩ Dạ.

Việc xây dựng đường quan lộ Huế - Đà Nẵng (Route de Tourance) và cầu Trường Tiền qua sông Hương nối liền bờ bắc Kinh thành Huế về phía nam là một khởi điểm quan trọng cho kế họach mở rộng không gian đô thị Huế và kết nối nó vào mạng lưới quy hoạch thống nhất từ Bắc xuống Nam. Khu phố Tây hình thành theo mô hình đô thị kiểu Baroque với những trục không gian thẳng tắp, phân chia đất đai theo những ô phố.

Tóm lại, ở thời kỳ này cấu trúc không gian đô thị Huế đã được mở rộng một cách đáng kể và không còn đóng khung trong những bức tường thành tự nhiên mang tính phòng thủ, cấu trúc đô thị được mở ra và liên thông với những đô thị khác. Đô thị Huế được đặt trong một vùng quy hoạch đô thị rộng lớn với những công trình quan trọng để thành phố phát triển đều mở ra ở khu vực xa trung tâm (Nhà máy nước Vạn Niên, sân bay Phú Bài, cảng Thuận An, vùng nghỉ mát Bạch Mã - Cảnh Dương...). Một loạt tỉnh lộ được hình thành như Huế - Tây Thành - Siạ - Phong Lai (tỉnh lộ 5 cũ), Huế - Long Hồ - Ngọc Hồ (tỉnh lộ 6 cũ), Huế - A Lưới (tỉnh lộ 12), Huế - Khe Tre (tỉnh lộ 14), Huế - Chợ Mai - Phú Thứ, Huế - Thuận An - Tư Hiền, nối trung tâm thành phố với các cụm kinh tế - văn hóa.5

b. Đặc trưng chủ yếu trong quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu phố Tây ở Huế

Sự ra đời của khu phố Tây tại Huế nằm trong kế hoạch cai trị của chính quyền thực dân trong tổng thể phát triển các khu phố Tây tại Việt Nam. Việc quy hoạch xây dựng khu phố Tây ở Huế vào thời kỳ đầu mặc dù là sự du nhập của văn hóa kiến trúc đô thị phương Tây (ở đây là Pháp) nhưng xét trên bố cục tổng thể quy hoạch đó có tính toán đến yếu tố bản sắc và điều kiện địa phương.
 

Hình 4,5: Giai đoạn phát triển mở rộng khu phố Tây (Hình 4: Giai đoạn tiếp tục xây dựng các công trình và mở rộng hạ tầng kỹ thuật; Hình 5: Giai đoạn đến trước năm 1945: Phát triển mở rộng khu phố Tây). (Nguồn: ảnh tư liệu)

Quy hoạch xây dựng, mở rộng khu phố Tây trên nguyên tắc tôn trọng các yếu tố bản địa

Năm 1933, theo đơn đặt hàng của Toàn quyền Đông Dương, nhà quy hoạch Raoul Desmaretz đã xây dựng quy định của Đồ án Quy hoạch mở rộng đô thị Huế năm 19356. Đồ án dựa trên cơ sở Luật Cornudet (1919) của Pháp với 3 mục tiêu chính “chức năng, điều kiện vệ sinh và thẩm mỹ”. Mục tiêu của đồ án dựa trên cơ sở, theo Desmarets: “Những phương án thiết kế xây dựng phải tuân theo những điều kiện hoàn cảnh địa phương. Có nghĩa là phải tuân theo những đặc trưng (particularité) và yêu cầu của điều kiện tự nhiên (climat tropical) từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện thẩm mỹ (condition esthétique) và vệ sinh (condition d’hygène) cần thiết”. So sánh với các mục tiêu của Hébrard7 trong Đồ án Mở rộng và chỉnh trang đô thị Hà Nội thì có sự tương đồng “Kế hoạch Hébrard trước hết nhằm mục đích làm sạch thành phố, cải thiện giao thông hạ tầng và tập hợp những hoạt động giống nhau, đó là một nét đặc trưng của Khu phố cổ.”8

Những quy định nêu trong Đồ án là cơ sở hợp lý cho việc quy hoạch xây dựng phát triển khu phố Tây ở Huế. Trên nền của một không gian đô thị sẵn có (khu Kinh Thành) với các không gian phụ cận, kết hợp với các yếu tố về khung cảnh tự nhiên, đô thị mới-thuộc địa được xen cấy một cách nhẹ nhàng, tinh tế bằng thủ pháp xử lý độ chênh mặt nước của sông Hương thông qua việc tổ chức các không gian công cộng, không gian xanh lớn ở hai bên bờ sông (công viên Lý Tự Trọng, công viên Thương Bạc, công viên 3/2); các công trình (được quy định chặt chẽ việc thiết kế đô thị) xen cấy một cách dè dặt, khiêm tốn xem như một sự tôn trọng chính quyền phong kiến, cũng là một sự tôn trọng nền cảnh tự nhiên của Huế; giải pháp quy hoạch giao thông theo dạng thức ô bàn cờ có sử dụng các đường chéo là giải pháp quy hoạch tối ưu trong điều kiện phát triển hiện tại. Giải pháp này đem lại sự liên hệ thuận tiện của các khu vực chức năng cũng như trong bố cục tổng thể với khu vực Kinh thành.

Xây dựng đô thị theo mô hình thành phố vườn

Đồ án của Desmarets cũng đề ra 5 bộ tiêu chí chính (cùng trường hợp với các đồ án quy hoạch mở rộng thành phố của chính quyền thực dân Pháp ở Tunisie và Maroc)9: quy hoạch đường sá với các dãy cây thẳng và những dải cỏ chạy dài nhằm tạo bóng mát cần thiết ; thiết kế các khu ở theo mô hình thành phố vườn ; giữ cho khu vực bản địa những đặc trưng và vẻ đẹp vốn có song song với việc sử dụng các biện pháp làm tăng chất lượng sống và sự thuận tiện đi lại; bố trí các tuyến đại lộ theo cách thức đem lại vẻ đặc trưng thống nhất; bố trí các không gian vườn hoa và công viên rộng lớn vừa để làm đẹp vừa để bảo tồn cho thành phố được vẻ kiến trúc cảnh quan và khung cảnh thiên nhiên.

Trong quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, Desmarets cũng đề ra những quy tắc sau: đối với công trình lớn tối thiểu 1 lô 1000m2 (công trình được xây dựng không vượt quá 25% diện tích khu đất; công trình cao tối thiểu 10m và tối đa 14m; công trình xây dựng cách đường tối thiểu 8m và cách công trình cạnh bên tối thiểu 4m; hàng rào thiết kế gồm 2 phần: phần dưới xây cao tối đa 0,8m và phần trên là các dạng hoa bê tông trang trí và toàn bộ chiều cao hàng rào không quá 1,5m); đối với vùng các công trình tư nhân tối thiểu 1 lô 600m2 (chiều cao công trình không vượt quá 10m; công trình xây cách đường tối thiểu 8m, cách công trình bên cạnh 3m). Về việc sử dụng cây xanh đô thị: khuyến khích sử dụng các loại cây mang tính địa phương như cây cau, cây trà xanh, cây bàng, cây phượng, cây chuối,...

Từ việc quản lý mật độ xây dựng công trình, khống chế chiều cao công trình, hình thức công trình và hàng rào bao quanh, mối tương quan với công trình lân cận và cây xanh được quy định cụ thể trong Đồ án quy hoạch này cho thấy sự đề cao các không gian bên ngoài công trình nhằm khai thác các tầm nhìn, góc nhìn, tăng tính thẩm mỹ kiến trúc cảnh quan nhằm tránh sự lấn át đến sông Hương cũng như tôn trọng khu vực Kinh Thành.

Lấy sông Hương làm trục bố cục của quy hoạch phát triển đô thị

Hệ thống giao thông mới của chính quyền thực dân đã đặt đô thị Huế vào một sự kết nối với các đô thị khác từ Bắc xuống Nam. Cấu trúc đô thị chuyển sang dạng cấu trúc đô thị mở, trong đó các thành phần cấu trúc không gian chuyển hoá và có sự thêm vào thành phần cấu trúc mới, đó là khu phố Tây bên bờ Nam sông Hương với chức năng hành chính và dịch vụ. Khu phố Tây trong giai đoạn này đóng vai trò điền khiển những mối liên hệ không gian và là đầu mối của những trục giao thông liên hệ với các vùng ngoại vi với các tuyến trục nối liền khu phố này với sân bay, với hệ thống cảng biển,...

Với tham vọng lớn về phát triển đô thị thuộc địa, nhưng các nhà quy hoạch kiến trúc Pháp vẫn đề cao tôn trọng yếu tố bản địa đô thị Huế. Cấu trúc không gian đô thị mới dường như không xâm phạm đến khu Kinh thành, hệ thống giao thông Bắc Nam được đẩy lệch sang một bên và đi vòng qua khu vực này, chứ không theo kiểu chồng lớp lên trên cấu trúc cũ như ta thấy trong trường hợp của Sài Gòn hay là sự biến đổi một phần như ở Hà Nội. Hơn nữa cấu trúc thành phần không gian mới này cũng thiết lập dựa trên những đặc điểm của địa hình thái không gian đô thị Huế, mà yếu tố căn bản góp phần tạo nên sự hòa hợp này là sông Hương và vẫn được những nhà quy hoạch đô thị và chính quyền Pháp xem là trục chủ đạo của bố cục không gian khu phố Tây này. Đô thị Huế từ một đô thị khép kín cho đến một đô thị mở, từ một quan hệ không gian đơn giản cho đến một quan hệ không gian phức tạp đã làm chuyển hoá các thành phần cấu trúc không gian đô thị để hoà nhập vào bối cảnh kinh tế xã hội trong giai đoạn này. Sông Hương làm trục không gian chủ đạo chi phối những ứng xử về mặt tạo hình cấu trúc đô thị, cũng là yếu tố căn bản cho sự phù hợp giữa cái cũ và cái mới; vùng cảnh quan sông Hương cũng là vùng đệm cho sự bảo tồn khu vực Kinh Thành, phủ đệ, lăng tẩm, làng truyền thống với sự phát triển đô thị mới trên cơ sở phát triển khu phố Tây. Mảng kiến trúc đô thị thuộc địa Pháp trên đất Huế một lần nữa lại làm đa dạng hình thái không gian đô thị Huế trong sự hòa hợp cảnh quan của miền Hương - Ngự.

Sự hiện diện của quỹ kiến trúc cảnh quan đô thị thuộc địa ở Việt Nam nói chung cũng như ở đô thị Huế nói riêng cho đến nay thể hiện sự cộng sinh giữa kiến trúc và văn hóa. Nếu ở giai đoạn đầu, sự áp đặt văn hóa Pháp thông qua kiểu quy hoạch kiến trúc du nhập, thì ở giai đoạn sau, chính sự khác biệt của hai nền văn hóa Đông - Tây đã tạo điều kiện và cơ sở thuận lợi cho quá trình chuyển hóa của quy hoạch kiến trúc Pháp ở Huế với nét riêng, mà trong đó, đặc trưng văn hóa, xã hội, môi trường tự nhiên bản địa có vai trò quan trọng theo đúng nhận định của GS. Hoàng Đạo Kính “mảng phố thị thời Pháp là điểm tựa quy hoạch và thẩm mỹ để Huế lan tỏa về phía Nam ở những thời kỳ tiếp theo”.

Tuy vậy, dưới sức ép của quá trình phát triển, cấu trúc không gian cảnh quan đô thị Huế đang bị chuyển hóa một cách mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực và có nguy cơ làm giảm đi giá trị di sản đô thị. Điều này đang đặt ra những thách thức lớn cho những nhà quản lý, những nhà quy hoạch trong hoạch định chính sách phát triển đô thị cũng như vai trò của những người dân Huế trong việc gìn giữ và khai thác những giá trị di sản cho các thế hệ tương lai. Trong sự tiếp nối của các giai đoạn lịch sử, mảng quy hoạch kiến trúc cảnh quan của khu phố thuộc địa là một thành tố quan trọng của câu thành tổng thể đô thị di sản Huế. Thành phố cần có quy hoạch tổng thể trên cơ sở điều tra đánh giá quỹ kiến trúc cảnh quan thuộc địa trước khi những không gian này bị phá vỡ. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu các tài liệu lưu trữ về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan của Pháp để lại nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo như cách nói của GS. Hoàng Đạo Kính, ở đây không nên đặt đô thị di sản Huế vào diện đối tượng của Luật di sản văn hóa mà còn có những ứng xử riêng, đảm bảo cho duy trì dài lâu trong sự phát triển tiếp nối của di sản.

N.V.M - N.V.T  
(SHSDB25/06-2017)

----------------
1. Amadou-Mahtar M’Bow: Tổng giám đốc UNESCO giai  đoạn 1974 - 1987
2. Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả không đi sâu đánh  giá, phân tích các công trình kiến trúc thời kỳ thuộc địa và  hình thức biểu hiện của nó mà tập trung vào nghiên cứu  hình thái không gian và thiết kế đô thị thời kỳ này.
3. Khu phố Tây, khu phố Pháp, khu phố Âu (quartier  européen), khu phố thuộc địa là thuật ngữ dùng để gọi các  khu phố được hình thành và được phát triển vào thời kỳ  thuộc địa Pháp ở nước ta để phân biệt với khu phố bản xứ  (quartier indigène).
4. Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử giai  đoạn 1858 - 1945, tr.213.
5. Nguyễn Xuân Hoa, Nhìn lại quá trình Đô thị hóa ở Thừa Thiên  Huế, Tạp chí Thông tin Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Sở Khoa  học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên - Huế, số 2/1995.
6. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả nghiên cứu và đưa ra các  nhận định trên cơ sở phân tích dữ liệu từ Đồ án Quy hoạch và  mở rộng đô thị Huế của nhà quy hoạch Raoul Desmarets hoàn  thành năm 1935 theo đơn đặt hàng của Toàn quyền Đông Dương  năm 1933.
7. Ernest Hébrard (1866 - 1933), kiến trúc sư, nhà khảo cổ và nhà  đô thị học người Pháp, người được xem là cha đẻ của kiểu kiến  trúc Đông Dương, kết hợp các phong cách kiến trúc Á Âu và kiến  trúc bản địa (style indochinois). Ông đã tham gia vào nhiều dự  án chỉnh trang và mở rộng nhiều thành phố như Hà Nội, Đà Lạt,  Sài Gòn, Hải Phòng, Phnom Penh, Nam Định.
8. Nguyễn Thừa Hỷ, Sự hình thành và chuyển biến của các “Khu  phố Tây” và “Khu phố mới” ở Hà Nội thời Pháp thuộc, Khu phố  Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính, Nxb. Thế  giới, 2015, tr.278.
9. Nguyen Vu Minh, Le processus de patrimonialisation des  paysages de la rivière des Parfums de Hué-Vietnam, luận án tiến  sĩ, ParisTech, 2013. 


Tài liệu tham khảo:

1. BAVH, Những người bạn Cố đô.
2. DESMARETZ .R (1935), Plan d’aménagement de d’extension, Hué, inprimerie Phuc long, dans BAVH.
3. Dương Kinh Quốc (1982), Việt Nam những sự kiện lịch sử giai đoạn 1858-1945, Nxb. KHXH, Hà Nội.
4. Đỗ Bang (Chủ biên) (2000), Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
5. Eberhardt Ph. (1914), Guide de l’Annam, Ed. Augustin Challamel, Paris.
6. Hoàng Đạo Kính (2009), Nhận ra và giữ lấy những cái duy nhất của di sản kiến trúc Huế, Tạp chí Sông Hương, số 177, Huế.
7. Hoàng Đạo Kính (2011), Huế - đô thị di sản, phát triển trong sự tiếp nối, số 5 Tạp chí Quy hoạch đô thị, Hà Nội.
8. Hồ Viết Vinh (2001), Quản lý sự đa dạng hình thái học không gian đô thị và nâng cao giá trị di sản lịch sử đô thị Huế, Luận văn thạc sĩ, Hà Nội.
9. LAIDET M. (1997), Hué-ville patrimoine, la politique de conservation du patrimoine urbaine, Rapport d’expertise d’Unesco, Hué.
10. Nguyễn Thừa Hỷ, Đỗ Bang, Nguyễn Văn Đăng (2000), Đô thị Việt Nam dưới thời Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
11. Nguyễn Vũ Minh (2013),  Le processus de patrimonialisation des paysages de la rivière des Parfums a Hué, Vietnam, Luận án tiến sĩ, ParisTech, Paris.
12. Nguyễn Xuân Hoa (1995), Nhìn lại quá trình Đô thị hóa ở Thừa Thiên Huế, Tạp chí Thông tin KHKT & CN, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên - Huế.
13. Phan Phương Thảo (Chủ biên) (2015), Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
14. Phan Thuận An (2004), Hình thái không gian đô thị Huế, Tạp chí Sông Hương, số 179 - 180.  



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nghe đêm (14/07/2017)