Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-17)
Đi sứ văn chương
09:12 | 14/11/2017

PHẠM TRƯỜNG THI  

Tôi và nhà văn Hà Phạm Phú nhận lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam đi dự Hội thảo văn học quốc tế Trung Quốc và các nước lưu vực sông Mê Kông gồm: Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam được tổ chức từ ngày 21 đến 25 tháng 5 năm 2017 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, khu tự trị dân tộc Choang Trung Quốc.

Đi sứ văn chương
Hội trường cuộc Hội thảo
Nhà thơ Phạm Trường Thi với nhà văn Thiết Ngưng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà văn Trung Quốc

Gọi là đoàn chứ thực ra chỉ có hai người chúng tôi. Anh Phú lớn tuổi hơn làm trưởng đoàn còn tôi là phó đoàn, không có đoàn viên. Ngồi bên cửa sổ ngắm mây trời lồng lộng, tôi nói với anh Phú là tôi thích được đi đường bộ hơn. Anh Phú bảo tôi ngớ ngẩn. Hội đã lo vé cho đi “đường mây” vừa nhanh vừa sạch sẽ còn nhiễu sự. Tôi cãi, dù có chậm chạp, mệt mỏi một chút nhưng đi đường bộ có nhiều cái hay, thú vị lắm. Nếu không đi đường bộ thì làm sao có được cảm giác nao nao trong người khi bước chân qua cửa khẩu. Làm sao biết được mình vừa mới chỉ đi được vài trăm mét cách trạm kiểm thôi là điện thoại di động dù có đến ba bốn G đi nữa cũng không gọi được về quê nhà. Thì ra ở trên trời cũng có đường biên giới. Đi đường bộ được thả tầm mắt thu về những cảnh đồi núi miên man, loáng thoáng những bản làng nghèo khó của người dân tộc tiểu số. Ngồi trên ô tô là được hòa mình với thập loại người tứ xứ, nghe cô hướng dẫn viên du lịch nói không ngừng về đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất bằng tiếng Tàu và cả tiếng ta. Những chuyện vô thưởng vô phạt nhưng đã nghe một lần thì khó quên. Cô hướng dẫn viên du lịch nói ở Trung Quốc chọn nhân viên nữ soát vé để làm việc ở trạm thu phí giao thông là rất khắt khe. Tiêu chí đầu tiên phải là người phải trẻ, đẹp. Thứ hai là miệng lúc nào cũng cười. Thứ ba là nếu phải cưới chồng kịp thời thì ngay lập tức “xếp” cho nghỉ việc luôn. Dù có là con ông, cháu cha chăng nữa cũng về nhà.

Từ khi Chính phủ ra chính sách quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một con, tình trạng mất cân bằng giới tính đã xảy ra: nam thừa, nữ thiếu. Bất kể nữ xấu đẹp thế nào cũng được xem như vàng. Lợi dụng thế mạnh này, các cô đã tự đặt ra cái tiêu chí kén chồng, gọi là tiêu chí: “Năm như”. Nhiều chàng trai phải chịu phòng không chứ không thể nào đáp ứng được. Lấy năm con vật là: thỏ, mèo, trâu, chó và ngựa làm biểu tượng. Nghĩa là, người chồng phải ngoan như con thỏ; phải ăn ít như con mèo; phải khỏe như con trâu; phải trung thành như con chó và phải khỏe như con ngựa! Hỏi đã có trâu khỏe rồi lại còn cần thêm ngựa khỏe nữa để làm gì? Cô chỉ cười hồn nhiên, ý nói khách tự hiểu lấy.

Những chuyện vui vui, hài hài như thế tác giả là ai thì không biết, nhưng bản quyền phát hành là của công ty du lịch tiểu ngạch. Biết là chuyện phịa đấy nhưng nghe cũng bớt đi nỗi mệt nhọc đường dài. Nhìn cô hướng dẫn viên du lịch với dáng người cao ráo, khỏe khoắn trong bộ đồ hợp mốt, mặt hơi thoa chút son phấn tôi chợt nhớ đến câu thơ của Mao Trạch Đông viết thời Cách mạng văn hóa: “Trung Hoa nhi nữ đa kỳ chí. Bất ái điểm trang, ái vũ trang.” (Phụ nữ Trung Hoa nhiều cái kỳ lạ. Không yêu trang điểm lại yêu cung kiếm).

Nhiều chuyện đại loại như thế nhưng không còn thời gian kể tiếp vì máy bay đang hạ độ cao tìm lối đáp xuống đường băng. Chúng tôi bước ra khỏi phòng chờ. Đã cuối chiều, đang còn ngơ ngác thì một chú thanh niên sáp đến tươi cười hỏi bằng tiếng Hoa:

- Các chú là nhà văn Việt Nam sang dự hội thảo văn học phải không ạ?

- Đúng rồi!

- Vậy mời các chú lên xe. Cháu được ban tổ chức cử đi đón các chú ạ.

May mà có nhà văn Hà Phạm Phú rành tiếng Trung không thì còn lẩn quẩn chán. Gần sáu chục ki lô mét mà chỉ loáng một cái xe đã đưa chúng tôi về đến khách sạn Minh Viên. Được biết khi xưa Bác Hồ qua công tác ở Quảng Tây Người đã ở đây mấy lần. Khách sạn giờ được tu sửa, nâng cấp lên bốn sao rưỡi, năm sao gì đấy khá hoành tráng.

Biết đoàn nhà văn Việt Nam đã sang, các nhà văn Trung Quốc và các nước đến dự hội thảo ùa ra bắt tay, chào hỏi rối rít, như những người anh em lâu ngày gặp mặt. Riêng hai nhà văn Lào còn dành cho chúng tôi những cái ôm hôn thắm thiết. Tôi cảm nhận thấy điều gì đó rất thiêng liêng toát ra từ bạn.

Ban tổ chức làm thủ tục khá nhanh chóng. Chúng tôi nhận mỗi người hai tập kỷ yếu, một tập in bằng tiếng Anh và một tập in bằng tiếng Trung gồm những bài tham luận của các nhà văn đến dự hội thảo lần này và một số tiền bản quyền bản tham luận. Mỗi đoàn ban tổ chức bố trí một phiên dịch riêng. Phiên dịch cho đoàn Việt Nam là Hoàng Lư Kỳ, một cô sinh viên tuổi còn rất trẻ. Hoàng Lư Kỳ đưa chúng tôi về phòng nghỉ trên tầng năm của khách sạn. Phòng của trưởng đoàn Hà Phạm Phú cũng như phòng tôi, nghĩa là có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Theo lịch trình đã lập sẵn, sáng ngày 21 tháng 5 cuộc hội thảo chính thức được khai mạc. Nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà văn Trung Quốc đọc diễn văn khai mạc chào mừng các nhà văn đến dự hội thảo và chúc hội thảo thành công tốt đẹp. Nhà văn Hà Phạm Phú vinh dự được thay mặt các nhà văn dự hội thảo đọc lời đáp từ và chuyển lời nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chúc sức khỏe nhà văn Thiết Ngưng và các nhà văn đến dự hội thảo.

Sau nghi lễ khai mạc các nhà văn trình bày tham luận theo hình thức ngồi bàn tròn. Trước chỗ ngồi của mỗi nhà văn đều có bảng ghi họ tên của nhà văn bằng tiếng Anh và cả tiếng Trung. Hình như ban tổ chức có chủ ý đổi chỗ ngồi của các nhà văn theo mỗi buổi hội thảo để tạo nên sự bình đẳng, sống động của hội trường. Và bao giờ cũng vậy, các nhà văn thuộc lưu vực sông Mê Kông cũng được xếp trình bày tham luận vào đầu giờ mỗi buổi sáng và buổi chiều. Mặc dù trong tay các nhà văn đã có bản kỷ yếu nhưng ban tổ chức vẫn bố trí một đội ngũ phiên dịch viên tài năng dịch kịp thời các thứ tiếng để các thành viên lĩnh hội được đầy đủ, chính xác với nguyên bản nội dung tham luận.

Các buổi hội thảo đều được bao trùm bởi một không khí đầm ấm, chân tình, thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, không có sự phân chia, cách biệt. Ngoài những nội dung trình bày đã có trong bản tham luận, các nhà văn còn trực tiếp trao đổi với nhau về những cảm nhận, những suy nghĩ và quan điểm của riêng mình về những vấn đề chung của xã hội, đặc biệt là với sự nghiệp sáng tác văn học. Thì ra dù ở đâu chăng nữa dưới bầu trời này, các nhà văn cũng đều có chung nỗi niềm. Phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để tìm kế mưu sinh. Đúng là cơm áo không đùa với khách thơ. Nhiều nhà văn đã muốn giã từ nghiên bút, nhưng rồi không thực hiện được. Trường hợp của nhà văn Thái Lan Ora ong Cha kom dự cuộc hội thảo này thì lại khác. Chị là tiến sĩ ngôn ngữ học đang làm việc cho nhiều tổ chức quốc tế uy tín, thu nhập cao. Bận, rất bận nhưng chị vẫn dành thời gian cho sáng tác văn học. Không nhà văn nào sống được bằng cây bút (có chăng là rất ít) bởi viết văn không phải là một nghề mà đó là cái nghiệp. Chính vì cái nghiệp nên người ta mới tự nguyện dấn thân dù biết trước con đường mình đi đầy khó khăn, gian khổ và thử thách, thậm chí có cả những tai nạn bất thường xảy ra.

Về phương diện nào đó nghiệp văn xem như một loại hình tôn giáo mà nhà văn là tín đồ ngoan đạo, cuồng tín.

Thế nhưng thực tế khá phũ phàng. Nhà văn Lý Ước Nhiệt (Quảng Tây) nói: “Viết bây giờ là nhu cầu của người viết chứ không phải là nhu cầu của người đọc.” Giống như nhà văn Chu Văn của Việt Nam trước đây cũng đã từng thốt lên những câu chua chát: “Sách viết ra để người viết đọc. Hàng bày ra để người bán hàng mua.” Nguyên nhân do bị ảnh hưởng và chi phối bởi cuộc cách mạng tin học, của intenet, nhưng sâu xa hơn có lẽ là vì chất lượng của tác phẩm chưa đáp ứng được với nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của người đọc. Về nội dung thì chưa phản ánh được “chân tướng” (bản chất) của sự vật, còn hình thức thể hiện thì quá quen, cũ. Theo nhà văn Đường Diêu Bân (Quảng Tây): Làm sao văn phải đạt tới tầm: “Văn dụ kỳ nhân” (tầm cao, dài rộng, kỳ lạ của con người). Nhà văn Somlay Janthe vong (Lào) cho rằng hiện nay chủ nghĩa hưởng lạc tràn ngập xã hội chiếm giữ tâm hồn con người. Nhiều người thiếu lương thực tinh thần. Hàng vạn, hàng vạn đôi mắt không thể nhìn thấy ánh sáng, điều đó đòi hỏi nhà văn phải cầm chắc cây bút trong tay mang lại vẻ đẹp cho nhân loại, làm trong sạch tâm hồn của con người. Làm cho thế giới của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, đáng sống hơn. Nhà văn Lôi Bình Dương đã có tới năm cuốn sách viết về tỉnh Vân Nam của mình, khẳng định: nói gì thì nói chứ anh cứ viết. Anh không viết vì vài tiếng vỗ tay của một số chuyên gia (những nhà lý luận, phê bình). Anh muốn có ngôi làng, trong đó có nhà của anh, có mộ của cha anh.

Cùng suy nghĩ ấy, nhà văn Hoàng Bội Hoa sống ở vùng Tây Bắc Quảng Tây tâm sự: Quê anh nghèo, kiếm đủ bữa ăn hàng ngày chật vật lắm nhưng anh cương quyết trả nợ quê hương bằng cuốn tiểu thuyết đang triển khai. Có gì đó thôi thúc, khiến anh không thể không viết. Anh viết về cái gia đình đau khổ của anh, về dòng họ đau khổ của anh, về làng quê đau khổ của anh. Quê anh là một vùng quê thuốc phiện. Từ xưa dân có nghề đúc tiền. Ông nội anh là một người hư hỏng vì tham gia vào một băng đảng phi pháp, đẻ ra bố anh là một ông chăn vịt và loạng quạng thế nào đấy ông chăn vịt lại đẻ ra anh, một nhà văn. Dân quê anh giờ bỏ trồng lúa chuyển sang trồng tràn lan một loại cây gì đó du nhập từ Australia về rồi để làm gì không biết. Dân làng anh giờ nhiều người không nói được tiếng dân tộc Choang nữa mà nói bằng tiếng Hán. Nhiều phong tục tập quán cũng đang bị Hán hóa từng ngày.

Nhà văn Phạm Đức Viện lại hồn nhiên cho biết quê anh là sạch sẽ. Nhưng, tôi được biết trong cuốn tiểu thuyết Làng Thượng Lĩnh của anh có nhân vật một người làng đi làm ăn xa thành đạt về quê thấy dân hàng ngày ra đồng cày cấy phải bơi qua sông; trẻ con phải đu dây sang bờ bên kia để đến trường. Trông tội quá. Mùa hè đã vậy còn mùa đông, anh liền rút vài chục vạn tệ nhờ chính quyền đứng ra tổ chức xây cho làng cây cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép. Dân làng hết lời ngợi ca anh là người con hiếu thảo với quê hương, xem anh như một ông thánh. Nào ngờ, cây cầu vừa đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì gặp trận lũ tháng bảy tràn về đánh sập, làm chết vài người. Dân làng quay sang chửi anh là thằng lừa đảo. Gọi anh là con chó. Từ đấy anh đi biệt xứ không dám vác mặt về làng nữa. Về sợ người ta đánh chết. Anh muốn nói cho thiên hạ biết tiền anh bỏ ra làm cây cầu cỡ ấy là dư dật. Còn nó sập là do người ta đã ăn bớt kinh phí mới nên nông nỗi ấy.

Trong khi nhà văn Phạm Vững là người Hán rất tự hào vì được sống và làm việc ở tỉnh Vân Nam một vùng đất rộng lớn, với hai mươi lăm dân tộc khác nhau, tuy nghèo nhưng đó là một nguồn tài nguyên vô giá, nguồn cảm hứng để anh sáng tác, thì nhà văn Diệp Ngọc Lâm lại phàn nàn rằng quê chị ở một vùng ven biển tỉnh Phúc Kiến bây giờ cái gì cũng gọi là cá hết: ăn cá, nói cá, ngủ cá, tất tật đều là cá. Chị muốn nói đến sự đơn điệu của đề tài, điều tối kỵ đối với nhà văn. Thực ra quê chị là một vùng đất có một nền văn hóa phong phú, đa sắc tộc vậy nên mới có câu thành ngữ: “Nếu bạn đi năm dặm tại Phúc Kiến thì văn hóa sẽ biến đổi và nếu bạn đi mười dặm thì ngôn ngữ sẽ khác.”

Nhà văn Proeung Pra nit (Camphuchia) rất tâm đắc với nhà văn Hà Phạm Phú bởi vấn đề anh nêu lên trong bài tham luận: “Người viết tiểu thuyết lịch sử - anh là ai?” Nhà văn kể thời Khmer Đỏ thực hiện chính sách diệt chủng ở đất nước của mình, chúng truy lùng rất gắt gao, lúc đó anh còn nhỏ cùng gia đình trốn ở trên gác và được bộ đội Việt Nam ở tầng dưới bảo vệ nếu không làm gì anh còn gia đình, làm gì anh còn có mặt để đến dự cuộc hội thảo hôm nay. Sự thật là thế, nhưng Việt Nam vẫn bị mang tiếng là đi xâm lược. Buồn thay là tình trạng xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử.

Nhà văn Lôi Bình Dương (Vân Nam) bảo: Chúng tôi tôn thờ thần linh, được phép yêu thần linh thậm chí cưới thần linh làm vợ. Lúc giải lao ngoài hành lang tôi hỏi: “Chẳng lẽ Lôi Bình Dương lại thích thú vì được yêu, được cưới những cái không có thật hay sao?” Lôi Bình Dương cười. Vào hội trường anh mới giãi bày: “Tôi rất tâm đắc với nhà thơ Phạm Trường Thi, chúng tôi hiểu nhau và thống nhất với nhau nhiều điểm tương đồng. Đó là nhà văn phải được giải tỏa về tư tưởng. Sáng tác văn học trước hết phục vụ cho Tổ quốc và nhân dân của mình, nhưng phải luôn xác định nhà văn là không biên giới. Nhà văn sáng tác văn học vì hạnh phúc con người nói chung. ”

Đa số nhà văn cùng nêu lên một thực tế hiện nay là rất nhiều tác phẩm văn học của Trung Quốc được dịch sang các nước Asean, nhưng văn học của các nước Asean dịch vào Trung Quốc lại rất ít. Nói theo các nhà kinh tế thì có sự chênh lệch rất lớn giữa xuất siêu và nhập siêu. Đơn cử như nhà văn Đông Tây đang có mặt tại đây mấy năm vừa rồi cũng có đến ba bốn tập truyện được dịch sang tiếng Việt, chưa kể đến những nhà văn khác… Nhà văn Mạc Ngôn người có nhiều tác phẩm dịch sang tiếng Việt và được đông đảo bạn đọc yêu mến. Tiểu thuyết: “Chiến hữu trùng phùng” (Ma chiến hữu) tên sách dịch tiếng Việt chưa sát lắm đã gây nên những dư luận trái chiều. Mạc Ngôn không to tiếng. Qua những nhân vật tuổi trẻ là nông dân ít học trước khi nhập ngũ cuộc sống cực khổ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm nổi miếng ăn. Nhập ngũ đi đánh nhau: hoặc chết, hoặc bị thương trở về để kiếm nổi miếng ăn cũng lại phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, có khác gì đâu. Người lính ra trận mà không biết chiến đấu vì cái gì? Được gì? Đó là thái độ của Mạc Ngôn đối với chiến tranh. Do vậy ông là nhà văn đích thực và lớn ở chỗ đó.

Nhà văn nữ Thư Đình (tỉnh Phúc Kiến) thẳng thắn cảnh báo rằng hiện nay tình trạng: “Bế quan tỏa quốc” về văn học đang diễn ra, không hiểu vì sao? Còn nhà văn Từ Khôn (Bắc Kinh) có nhiều tác phẩm viết về Trung Quốc thì phàn nàn là nhiều người hiện nay hướng sang đọc văn học nước ngoài không đọc văn học Trung Quốc nữa. Đó là một sự lạ.

Nói về văn học Việt Nam dịch sang tiếng Trung, nhà văn Thiết Ngưng cho biết tập thơ: “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch đã được dịch và phát hành rộng rãi ở Trung Quốc. Nhà văn Từ Khôn bổ sung thêm truyện cổ tích: “Kim Vân Kiều truyện” nổi tiếng của Việt Nam được tích hợp (được viết lại - theo phiên dịch) từ cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cũng đã được dịch.

Chủ đề khơi dòng Mê Kông văn học trở lại với một không khí sôi nổi và đã đi đến lời kết cuối cùng: Không gì hơn là mỗi quốc gia, mỗi con người phải cùng nhau chung tay bảo vệ và gìn giữ cho dòng Mê Kông mãi tuôn chảy. Đó là mạch sống, mạch nguồn của văn học. Bài thơ: “Hãy giữ xu thế dòng nước chảy” của nhà thơ Thạch Tài Phu (Quảng Tây) đã nói lên tiếng nói chung: “Ta giữ xu thế như vậy. Để rồi hòa nhập vào biển cả mênh mông…”. Nhân đây tôi nhớ đến câu nói của Lão Tử cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị: “Thượng thiện nhược thủy” (Tuyệt vời như dòng nước). Nước là tiêu chí của sự thuần khiết, tượng trưng cho giao lưu và dung hòa lẫn nhau. Vâng, đấy là dòng nước Mê Kông huyền thoại.

Thời gian của cuộc hội thảo quá eo hẹp, nên tôi và anh Phú chỉ đi thăm thú được vài nơi ở thành phố Nam Ninh. Thành phố có nhiều đổi thay so với lần tôi đến trước đây. Nhiều khu nhà cao tầng mọc lên, nhiều con đường được mở rộng và nối dài. Người, xe đi lại tấp nập. Thành phố đã có đường tàu điện ngầm, có quảng trường rộng lớn cho người lớn đến tập thể hình, cho con trẻ đến vãi hạt giống cho chim ăn. Bảo tàng thành phố đồ sộ với cơ man là trống đồng các kiểu. Tới đâu chúng tôi cũng gặp những con người thân thiện, cởi mở. Có điều lạ là thành phố Nam Ninh hầu như không có hoa tươi. Ở hội nghị không có, mà ở nhà dân cũng thế. Chỉ thấy một bông hoa dâm bụt lớn được đắp bằng bê tông cốt thép trên nóc nhà Trung tâm hội nghị quốc tế làm biểu tượng của thành phố. Loài hoa dâm bụt sống mãnh liệt trong mọi điều kiện khắc nghiệt đã có ở vùng đất này từ ngàn xưa khi mà Nam Ninh bây giờ còn là một vùng đồi núi cằn khô.

P.T.T  
(SHSDB26/09-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thông điệp (08/11/2017)
Thơ dịch (03/11/2017)