Tạp chí Sông Hương - Số 346 (T.12-17)
Hồ sơ thẩm vấn Phan Bội Châu: Nguồn tư liệu giàu giá trị lịch sử (1)
14:53 | 21/12/2017

CHƯƠNG THÂU

Hồ sơ Thẩm vấn là tập tài liệu khá khá dày dặn của Hội đồng xử án Tòa Đề hình của chính quyền thực dân để chuẩn bị xử Phan Bội Châu vào ngày 23/11/1925 tại Hà Nội.

Hồ sơ thẩm vấn Phan Bội Châu: Nguồn tư liệu giàu giá trị lịch sử (1)
Ảnh: internet

Tập Hồ sơ này là cả một công phu sưu tập, giàu nội dung và giá trị lịch sử. Hồ sơ thẩm vấn nằm trong bộ Bổ di gồm 2 tập, trong đó tập Bổ di I xuất bản năm 2010 nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của chí sĩ Phan Bội Châu. Bổ di I tập hợp được một số thơ văn Phan Bội Châu sáng tác từ năm 1900 - 1940 gồm một số tác phẩm (văn xuôi, thơ ca, câu đối, văn tế, phú… mà trước đó chưa có trong các tập I - X của bộ sách Phan Bội Châu Toàn tập đã xuất bản 2 lần năm 1990 và 2001. Tập Bổ di II là Hồ sơ thẩm vấn cụ Phan Bội Châu của  người Pháp, lần đầu được công bố.

Năm 1999, chúng tôi có cơ may được sang Pháp để tìm hiểu nghiên cứu và sưu tầm tài liệu về nhà yêu nước Phan Bội Châu và những vấn đề liên quan đến lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX - cả một kho tài liệu hết sức phong phú - hiện lưu giữ tại các Thư khố, các Thư viện tại Paris và tại nhiều địa phương của nước Pháp. Ngày đó, được sự giúp đỡ tận tình của các bạn Pháp, chúng tôi đã được đến đọc ở Thư viện Quốc gia mang tên Mitterand (B.N), Thư viện Hội Truyền giáo nước ngoài của Paris (M.E.P.), Thư viện Bộ Chiến tranh ở Château de Vincenne, Thư viện Bộ Thuộc địa ở Château de Versailles… và đặc biệt là tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (C.A.O.M) ở Aix-en-Provence.

Trong hơn 3 tháng sống trên đất Pháp (từ tháng 5 đến tháng 8/1999) để nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm tài liệu về Phan Bội Châu và những vấn đề liên quan đến lịch sử cận đại Việt Nam, tôi đã thấy choáng ngợp về khối lượng hết sức đồ sộ, phong phú, đa dạng… rất hữu ích đối với những ai nghiên cứu lịch sử. Chẳng hạn, tại CAOM, riêng về nhân vật lịch sử Phan Bội Châu và các chí sĩ yêu nước Việt Nam như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… đã có đến 6 hộp (carton) mang ký hiệu S.P.C.E.352, 352B, 353, 354A, 354B, 355 xếp một dãy dài trên kệ sách dài khoảng 1m20, mỗi hộp lại chứa khoảng 2000 tài liệu đã được đánh số thứ tự của Thư viện2… Những hộp tư liệu mang ký hiệu CPCE3 là những tư liệu quý hiếm, muốn đọc được nó phải qua nhiều thủ tục hành chính nghiêm cẩn và độc giả của nó cũng phải có “những điều kiện”, “những quy định khắt khe”. Những tài liệu loại quý hiếm này không được mang ra khỏi bàn đọc của phòng nghiên cứu đặc biệt, người đọc không được sao chép nếu không được phép của Giám đốc Thư viện (hoặc của cấp quản lý văn hóa cao hơn, cho đến cấp Bộ trưởng Văn hóa Pháp) chuẩn y. Do vậy, người nghiên cứu muốn có thì chỉ được ghi lại bằng bút chì và mỗi ngày cũng không được đọc, ghi quá 10 trang.

Thế mà, do mầy mò mãi, chúng tôi cũng đã phát hiện được tập Hồ sơ thẩm vấn của vụ án Phan Bội Châu dày đến 440 trang chữ đánh máy dày đặc trên giấy pelure đã phai màu. Đọc qua tập Hồ sơ (Interogatoires) này mới thấy nó quý giá biết chừng nào. Chúng tôi thực sự sửng sốt và háo hức muốn có được trong tay để góp phần quan trọng vào sự nghiệp nghiên cứu về nhà yêu nước chân chính Phan Bội Châu từng là nhân vật “thần tượng” của cả dân tộc Việt Nam được mọi người đều hết lòng tôn sùng ngưỡng mộ.

Làm thế nào để có được tập Thẩm vấn này?

Lại một cơ may đã đến với chúng tôi. Không tình cờ hoặc ngẫu nhiên tí nào. - Cô du học sinh người Việt xinh đẹp Nguyễn Phương Ngọc tuy ít khi được gặp ở Thư viện CAOM, nhưng đã rất thông cảm với sự băn khoăn trăn trở của chúng tôi “muốn được chiếm hữu” tập Hồ sơ này, đã nhiệt tình giúp đỡ. Cô đã không quản mọi thủ tục phiền phức, với thời gian eo hẹp (vì còn phải học tập, chuẩn bị đệ trình “Luận án Tiến sĩ”), đã hết lòng yêu quý sự nghiệp nghiên cứu Phan Bội Châu, đã tranh thủ mọi thời gian có thể có, đến phòng đọc nghiên cứu đặc biệt của CAOM, cứ mỗi ngày một ít sao chụp qua máy ảnh để có được toàn tập INTERROGATOIRES, rồi in vào đĩa CD toàn văn bản, ghi rõ CAOM-SPCE//352 và gửi bằng “chuyển phát nhanh” (Express) cho chúng tôi ở Hà Nội đầu mùa xuân năm 2008. Quý hóa biết bao!

Thông qua văn bản tập Thẩm vấn quý hiếm này, chúng ta dễ dàng nhận thấy thực dân Pháp đã kỳ công chuẩn bị cho một cuộc “hỏi cung” người tù phạm Phan Bội Châu như thế nào. Hội đồng xét xử của Tòa Đề hình đã làm việc ròng rã từ ngày 29/8/1925 đến ngày 9/11/1925, đề ra những 1.997 câu hỏi để hàng ngày, vào buổi sáng và buổi chiều (mỗi ngày 2 buổi sáng và chiều) liên tục thẩm vấn Phan Bội Châu với đầy đủ hồ sơ án cứ đủ loại mà Sở Mật thám và Sở Toàn quyền Đông Dương thu thập được để truy vấn, kết tội Phan Bội Châu cốt không cho bị cáo biện giải, từ những câu hỏi đặt ra ngắn gọn, nhưng cũng có không ít những câu hỏi dài đến 3, 4 trang (có kèm cả vật chứng nêu ra để bắt bị cáo thú nhận). Cuộc thẩm vấn kéo dài với ngót 2.000 câu hỏi và cũng chừng ấy câu trả lời đã làm nên một bộ “hồ sơ” dài kỷ lục. Và đây chính là một tập tư liệu lịch sử quý hiếm, phản ánh “con người, cuộc đời, sự nghiệp yêu nước và cách mạng” của chí sĩ Phan Bội Châu, trong đó có nhiều vấn đề, nhiều sự kiện mà từ trước đến nay ít ai biết được. Tập hồ sơ này đã bổ sung đầy đủ cho “tiểu sử” của Phan Bội Châu nhiều điều quan trọng. Chẳng hạn như năm 1903, cụ Phan viết tác phẩm Lưu Cầu huyết lệ tân thư lưu hành trong nước, nhưng khi xuất dương qua Trung Quốc, cho đăng lên một tờ báo ở Thượng Hải, cụ lại ký tên tác giả là Trương Pháp Tường và đã giải thích cho Hội đồng xét xử rằng nó rất có ý nghĩa đối với các bạn Trung Hoa, có tác dụng tuyên truyền tư tưởng yêu nước của dân tộc Trung Hoa đang bị chính quyền Mãn Thanh (ngoại tộc) thống trị… Hoặc nữa, như trong câu trả lời số 1022 Phan đã nói: Ngày 25/2/1904, Phan đã đến dinh cụ Quận Hoàng Cao Khải, cùng đi với Phan còn có cậu Ấm Canh (tức Nguyễn Thức Canh, con trưởng của cụ Nguyễn Thức Tự, là một thanh niên yêu nước, lấy tên là Trần Hữu Công và sau lấy tên là Trần Trọng Khắc… là người đã đi theo Phan Bội Châu trong các phong trào Đông du, Việt Nam Quang phục hội…, sau đó được Phan Bội Châu gửi sang nước Đức học y khoa, tốt nghiệp trở về nước, sau những năm 1940 hành nghề tại Nha Trang và Sài Gòn… Trong cuộc tiếp xúc với Hoàng Cao Khải hôm đó còn có cụ nghè Đào Nguyên Phổ là một chí sĩ yêu nước, cũng là một yếu nhân của phong trào Đông Kinh nghĩa thục và thêm một người khác nữa là Cử nhân Nguyễn Văn Xuân (?), người của Tòa sứ. Không rõ nội dung cuộc tiếp xúc này Phan Bội Châu đã bàn thảo hoặc báo cáo gì với cụ Quận Hoàng Cao Khải và Tổng đốc Hoàng Mạnh Trí, nhưng sau đó năm 1905, Phan Bội Châu viết tác phẩm Việt Nam vong quốc sử, khi đề cập đến nhân vật Hoàng Cao Khải, cụ đã có nhận xét: ở Hoàng Cao Khải còn có tinh thần dân tộc chưa quên đồng bào, quên nợ nước non mà cụ gọi là “còn nhất điểm linh đài” (còn một điểm thiêng - ý nói còn nhớ đến nước, đến dân đang bị kẻ thù thống trị áp bức). Và rồi ta cũng lại thấy thái độ của Hoàng Cao Khải đối với những hoạt động của Duy Tân hội, của phong trào Đông du mà các người con của Hoàng tỏ ra có phần gượng nhẹ. Cụ Hoàng có 2 người con làm Tổng đốc: Hoàng Mạnh Trí làm Tổng đốc Nam Định và Hoàng Trọng Phu làm Tổng đốc Hà Đông, cả hai vị Tổng đốc này đã không thẳng tay trừng trị các gia đình có con em hoạt động trong phong trào Đông du như lệnh chỉ của cấp trên là phải truy bắt xử tội. Vậy phải chăng chứng tỏ giữa Phan Bội Châu và Hoàng Cao Khải có sự “chiếu cố, châm chước” cho nhau? Đọc kỹ hơn 440 trang Hồ sơ thẩm vấn, càng thấy vai trò “trung tâm chi phối” ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các phong trào yêu nước chống Pháp ở các tỉnh Bắc Trung Nam lúc bấy giờ với nhân vật trung tâm là Phan Bội Châu và thấy rõ vai trò, vị trí lịch sử của Phan Bội Châu là vô cùng quan trọng và rất xứng tầm để Hội đồng xét xử Tòa Đề hình của thực dân kết án tử hình hoặc khổ sai chung thân như các hồ sơ án cứ mà chính quyền thực dân đã nắm được.

Trong Hồ sơ thẩm vấn cho thấy vai trò quan trọng của Phan Bội Châu, nhưng cũng được biết thêm rất nhiều sự kiện, vấn đề của một số đồng chí hoạt động gần gũi với Phan Bội Châu. Hồ sơ đã giúp chúng ta có thêm nhiều thông tin về tiểu sử đầy đủ của các chí sĩ khác như Nguyễn Hải Thần, Mai Lão Bạng, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Ngư Hải Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính… Phan Bội Châu còn có những tác phẩm viết riêng và một số nhân vật như Trần Đông Phong truyện, Tăng Bạt Hổ truyện… đã được Hội đồng xét xử chưng ra để buộc tội bị cáo… Lại có những bài “đoản văn” viết về một số vấn đề hay sự kiện mà từ trước đến nay chúng ta chưa hề biết đến. Chúng tôi để ý đến một văn bản được chưng dẫn trong cuộc thẩm vấn này là bài “Sào Nam tử khuyến chư tăng phú” mà trước đây trong dân gian xứ Nghệ nhớ được chỉ một câu đầu: “Hỡi các vị sư hinh? Ai rinh mất nước?”, nay thì đã có đủ bài ở trong tập Hồ sơ này.

Hội đồng xét xử của Tòa Đề hình và Phan Bội Châu đã đấu trí, đấu lý với nhau trong hơn 3 tháng trời, cuối cùng đã lặng lẽ kết thúc bằng những văn từ đã được chuẩn bị sẵn, nhưng vẫn không khuất phục được ý chí kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn sâu sắc và thái độ điềm tĩnh hiên ngang của Phan Bội Châu chống lại những điều kết tội bất công vô nhân đạo của chúng.

*

Tôi nay đã ngoài 80 tuổi, đã có trên 50 năm tìm hiểu, học tập nghiên cứu về nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - nhân vật lịch sử, văn hóa lừng danh của nước ta thời cận đại.

Từ năm 1956, lúc mới tốt nghiệp Đại học ra trường, tôi được các bậc thầy kính mến giao cho nghiên cứu đề tài Phan Bội Châu như “một sứ mệnh lịch sử” phải hoàn thành, và tôi cũng sẵn sàng thụ giáo với một “tinh thần tự nhậm” cao cả gắn bó thiết tha, đến mức công luận báo chí nói là “tôi sinh ra để mà nghiên cứu về Phan Bội Châu” và coi Cụ Phan là “thần tượng thiêng liêng” của đời mình như chính người cháu ruột thịt của Cụ từng bảo: “Cụ Phan Bội Châu thương Chương Thâu; Chương Thâu thương Cụ Phan Bội Châu!” (Lời của Phan Thiệu Cơ, cháu nội Cụ Phan).

Quả thật, tôi đã không phụ lòng ưu ái của mọi người, nên trong suốt hơn 50 qua, tôi đã làm được một vài việc đáng ghi nhận. Trước hết là đã sưu tầm và biên soạn được bộ sách PHAN BỘI CHÂU TOÀN TẬP gồm 10 tập đã xuất bản 2 lần vào năm 1990 và năm 2001; lại vừa sưu tập, biên soạn thêm 2 tập Bổ di I Bổ di II cho Toàn tập Phan Bội Châu xuất bản năm 2012 (Bổ di I) và năm 2017 (Bổ di II). Cũng trong thập niên đầu thế kỷ XXI, tôi đã biên soạn xuất bản các cuốn sách “Phan Bội Châu trong dòng thời đại” (Bình luận và Hồi ức - Nxb. Nghệ An, 2007); cuốn “Phan Bội Châu - về tác gia và tác phẩm”, (Nxb. Giáo dục - 2006); cuốn “Nghiên cứu Phan Bội Châu”, (Nxb Chính trị Quốc gia - 2014), vị chi là 15 cuốn sách in đẹp bìa cứng, cỡ 16x24cm.

Bên cạnh 15 cuốn sách xuất bản cỡ 16x24cm, tôi cũng tách ra từ bộ Phan Bội Châu toàn tập để in một loạt sách cỡ nhỏ 13x9cm, mỗi cuốn vài ba trăm trang để phổ cập, như các cuốn chuyên khảo về “Phan Bội Châu - Thơ phú - Câu đối chữ Hán” (Nxb. Văn học, 1975), “Phan Bội Châu Truyện và Ký” (Nxb. Văn học, 1995), “Thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế 1926 - 1940” (Nxb. Thuận Hóa, 1982), “Hồ sơ vụ án Phan Bội Châu” (Nxb. Văn hóa Thông tin 2001)...

Tôi nghĩ rằng mình đã góp phần báo hiếu, báo ân đối với cụ Phan được một chừng mực nhất định và cũng tạm hài lòng một phần nào.

Năm nay 2017, trong thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867 - 2017), tôi cho ấn hành xuất bản tập Bổ di II của Toàn tập Phan Bội Châu, coi như đã qua được một chặng đường trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử mà các thầy học của tôi đã giao phó. Nay xin viết Lời bạt này để thông báo với độc giả và để nhắc nhở các bạn “đồng nghiệp, đồng chí, đồng tâm”, hãy tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu về cụ Phan như lịch sử đã giao phó cho các thế hệ trẻ nối tiếp sau này. Đó cũng là điều mà nhà chí sĩ từng chúc thác: “Chúc phường hậu tử tiến mau!” trong sự nghiệp chung dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của chúng ta. Với tôi, thuộc lớp người hậu tử, hậu tôn của cụ Phan, xin trân trọng gửi lại cho cộng đồng nhân dân, dân tộc ta khối lượng văn chương / văn hóa / văn hiến mà tôi đã từng dày công tích góp, biên soạn ra trong mấy chục đầu sách và đã viết mấy trăm bài báo về cụ Phan để bạn đồng nghiệp và đông đảo độc giả thưởng lãm và tham khảo.

Nhưng sự nghiệp nghiên cứu về Phan Bội Châu vẫn chưa đủ, chưa thể dừng lại khi mà “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từng ngợi ca từ năm 1925, vẫn còn tỏa sáng, thì những bài văn, những vần thơ dậy sóng của nhà chí sĩ (đã từng coi là một phương tiện quan trọng trong cuộc đời hoạt động yêu nước và cứu nước), vẫn phải được các bạn tiếp tục sưu tập, bổ sung đến mức trọn vẹn toàn bộ văn thơ của Phan Bội Châu. Rất tiếc là đến nay, chúng ta vẫn chưa sưu tầm được mấy công trình khảo cứu giá trị của Cụ lúc cuối đời như tác phẩm Phật Học Đăng, như Đông Phương cổ đại tư tưởng... để thấy được tầm học vấn uyên thâm, uyên bác, nghiên cứu thấu đáo hiếm có trong lịch sử văn hóa nước nhà. Mong các bạn ở các thế hệ tiếp nối hãy nỗ lực hơn nữa, tìm tòi sưu tầm được nhiều thêm về con người, cuộc đời và sự nghiệp của Phan Bội Châu hơn nữa.

C.T  
(TCSH346/12-2017)

---------------
1. Tên BT đặt lại, phỏng theo Lời giới thiệu và lời bạt trong tập Bổ Di II.
2. Tính ra là 12000 tài liệu (bt).
3. Cơ quan bảo vệ đội quân viễn chinh.  






 

Các bài mới
Trang thơ Adonis (04/01/2018)
Mưa Huế và anh (29/12/2017)
Xóm không chồng (28/12/2017)
Các bài đã đăng