Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-18)
Khắc họa hình tượng công chúa Huyền Trân - Bao giờ Huế có một vở diễn sân khấu trọn vẹn
08:51 | 01/05/2018

TRƯƠNG TRỌNG BÌNH  

Sân khấu là nơi sáng tạo nên những hình tượng nhân vật. Bản chất của sân khấu dù không tả cái thật như ở ngoài đời, nhưng tự bản thân nó cho chúng ta thấy được hình thức miêu tả nhân vật một cách sống động nhất. 

Khắc họa hình tượng công chúa Huyền Trân - Bao giờ Huế có một vở diễn sân khấu trọn vẹn
Một cảnh trong vở múa “Đám cưới Huyền Trân” do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế trình diễn

Và với sân khấu truyền thống Huế, đã có nhiều hình tượng nhân vật lịch sử có liên quan đến mảnh đất này được khắc họa thông qua các vở diễn, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với khán giả, trong đó có nhân vật công chúa Huyền Trân - một nhân vật lịch sử. Người con gái tài sắc, đức độ, giữa tuổi đôi mươi đã gạt lệ, kết duyên cùng vua Chế Mân nước Chiêm Thành vào năm 1306 theo sự sắp đặt của vua cha Trần Nhân Tông và triều đình Đại Việt. Cuộc hôn nhân Việt - Chàm nổi tiếng này đã đưa lại đất “hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm” cho quốc gia Đại Việt. Tuy vậy, so với các nhân vật lịch sử khác, công chúa Huyền Trân trên sân khấu truyền thống Huế chỉ mới được tái hiện thông qua những vở múa, tái hiện theo kiểu minh họa cho lời ca của bài ca Huế Nam Bình “Tình phân ly”:

Nước non nghìn dặm ra đi
Cái tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô - Ly
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì.
Độ xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết
Quyết liều thân như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì
Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì!
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ…
Dặn một lời Mân quân
Nay chuyện đà như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần…!


Gặp các nghệ sĩ Huế, họ nói Huế vẫn đang nợ một món nợ ân tình với nhân vật lịch sử này bằng một vở diễn sân khấu đúng nghĩa. Món nợ ân tình đó có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng khi Việt sử xứ Đàng Trong ghi nhận về công lao của Huyền Trân công chúa: “Năm Hưng Long thứ 13 (1305), vua Chiêm sai sứ là Chế Bồ Đài và hơn 100 người đem vàng, bạc, hương quý, vật lạ đến dâng xin định sính lễ. Triều thần đều không bằng lòng, chỉ Văn Túc Vương Đạo Tái cho là nên, và Trần Khắc Chung tán thành. Sau đó Chế Mân nạp hai châu Ô, Lý để làm lễ nạp trưng. Tháng 6 năm Hưng Long thứ 14 (1306), đưa công chúa về Chiêm, bấy giờ văn sĩ trong triều nhiều người mượn điển vua nhà Hán gả Chiêu Quân cho Hung Nô, làm những bài thơ bằng quốc âm để chê cười. Năm 1307, vua Trần Anh Tông sai Hành Khiển Đoàn Nhữ Hài đến tuyên bố đức ý của triều đình, đổi hai châu Ô, Lý làm Thuận Châu và Hóa châu, chọn người trong dân chúng ra làm quan, cấp cho ruộng đất và miễn tô thuế 3 năm để vỗ về”.

Đối với sân khấu Huế, dù chưa có vở diễn tuồng hay ca kịch nói về cuộc đời dâu bể của công chúa Huyền Trân. Tuy vậy, thông qua những tác phẩm múa, những bài bản ca Huế nói về chủ để này, ta có thể nhìn thấy được tấm lòng của người nghệ sĩ Huế muốn gửi gắm những điều kỳ diệu, cũng như nỗi niềm cảm thông khi tiễn biệt công chúa Huyền Trân về làm dâu nơi đất khách. Nghệ sĩ Ý Nhi trên sân khấu ca Huế thính phòng đã từng phóng tác và cất giọng trong cái nghèn nghẹn nhớ người xưa:

Nam Ai giữ bóng hồng nhan
Ngoảnh lui cố quốc muôn ngàn xót xa
Thanh xuân đương độ mặn mà
Dập vùi cứu nạn sơn hà nguy nan
Dẫu mai khuất bóng thời gian
Ô Ly nhớ nghĩa lỡ làng thanh xuân.


Theo NSND Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, tuy hiện nay chúng ta chưa có một vở diễn nói về nhân vật Huyền Trân công chúa một cách đúng nghĩa, nhưng hình tượng về nàng công chúa đức độ biết “hy sinh tình riêng” để đền nợ nước vẫn được nghệ sĩ Huế khắc họa dưới nhiều kiểu, nhiều hình thức khác nhau. Các hình thức khắc họa này dù không tô đậm được ý nghĩa lớn lao, nhưng nó cũng đủ cho người xem cảm nhận được cái tâm của người nghệ sĩ xứ Huế dành cho nhân vật.

Còn nhớ, mùa xuân năm Nhâm Thìn (năm 2012) trong buổi khai hội Đền Huyền Trân, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống cung đình Huế đã trình diễn vở múa “Huyền Trân công chúa”. Nội dung vở múa chủ yếu là đề cập đến phút chia ly “người đi kẻ ở”, nhưng chứa đựng trong đó bao gồm cả tình non nước. Diễn viên Lệ Huyền, người đóng vai nhân vật Huyền Trân công chúa chia sẻ, đã từng trình diễn vở múa này nhiều lần trên nhiều sân khấu khác nhau và cô cũng hóa thân vào nhân vật bằng những động tác múa như đã từng hóa thân vào các nhân vật khác mà cô đã từng hóa thân, chỉ khác chăng là nội dung thể hiện khi cảm nhận về nhân vật. Tuy vậy, khi trình diễn nhân vật Huyền Trân công chúa ngay tại buổi khai hội đền Huyền Trân, cô đã nhìn thấy một sự thật rất rõ, đó là phút chia ly trong nghẹn ngào: Vì lợi cho dân/ Tình đem lại mà cân/ Đắng cay muôn phần…! cứ thế cô trình diễn bằng sự vô thức trong cái huyễn hoặc vừa thật, vừa mơ.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã có rất nhiều vở diễn đề cập đến cuộc đời của Huyền Trân công chúa. Mỗi vở diễn tác giả luôn khai thác một khía cạnh khác nhau, nhưng chung quy lại khi khai thác về nhân vật này, tất cả đều muốn làm tròn sứ mệnh của mình với mục đích chuyển tải nội dung cần nói đến với khán giả bằng một tình yêu trọn vẹn dành cho nhân vật. Đề cập đến vấn đề này, NSND Nguyễn Ngọc Bình tâm sự, trong những chương trình ca múa nhạc do Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế dàn dựng, khi xoay quay chủ đề Huyền Trân công chúa, dù chỉ là những minh họa hay chỉ là những khối hình tượng để nhằm làm điểm nhấn cho một tổ khúc, nhưng ông vẫn luôn yêu cầu các nghệ sĩ phải hóa thân vào nhân vật một cách chân thật nhất, dù đó chỉ là hoạt cảnh miêu tả lại buổi chia tay, hay cái nhìn bịn rịn…

Giữa tháng 7 năm 2017, nghe tin Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng vở diễn “Công chúa Huyền Trân”. Tác phẩm do TS. Bùi Hữu Dược chấp bút, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn. Tôi đã gọi điện cho một người bạn đồng nghiệp, thì được biết hình tượng Huyền Trân công chúa theo kịch bản này là mới lắm, đó là câu chuyện về công chúa Huyền Trân không phải bắt đầu bằng cái bi lụy khi Huyền Trân quyết hy sinh tình riêng với Trần Khắc Chung để thuận mối duyên do cha nàng hẹn ước với vua Chiêm Thành là Chế Mân. Ở vở diễn này, mối duyên tình từ kết giao chính trị ấy bắt đầu là những vũ khúc hoan ca. Đó là cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa giữa Trúc lâm đại sĩ (Thượng hoàng Trần Nhân Tông) và vua Chế Mân, khi Trúc lâm đại sĩ có chuyến du hành vào đất nước Chiêm Thành. Trong chuyến du hành này có cả câu chuyện về hẹn ước tơ duyên của vua Chế Mân với Huyền Trân công chúa. Tất cả đều được luận giải đó là mối duyên “thiên định” để “kết tình Chiêm - Việt một nhà”.

Sân khấu truyền thống Huế có vốn làn điệu và vũ đạo vô cùng phong phú, được các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ nối tiếp nhau sáng tạo qua hàng mấy trăm năm, nên nó có khả năng chuyển tải hầu hết các đề tài, từ lịch sử xa xưa cho đến cuộc sống hôm nay bắt đầu từ các kịch bản văn học. Vậy nhưng, qua những lát cắt của lịch sử, dưới góc độ nhân văn, nghệ sĩ Huế vẫn đang nợ một vở diễn sân khấu trọn vẹn để khắc họa hình tượng về một người phụ nữ đức độ và tài năng - Huyền Trân Công Chúa. Xin mượn bốn câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo để làm cái nỗi niềm riêng có được:

“con sông đám cưới Huyền Trân
bỏ quên dãi lụa phù vân trên nguồn
hèn chi thơm thảo nỗi buồn
niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ…”


T.T.B
(SHSDB28/03-2018)



 

Các bài mới
Kẻ dối trá (14/05/2018)
Phù hư (08/05/2018)
Các bài đã đăng
Chìm (23/04/2018)