Tạp chí Sông Hương - Số 352&SDB29 (T.06-18)
Họ Hồ làng Nguyệt Biều - Hương Cần và dấu ấn của Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại với lịch sử xã hội xứ Thần Kinh
09:43 | 29/06/2018

VÕ VINH QUANG - HỒ XUÂN THIÊN - HỒ XUÂN DIÊN

Họ Hồ làng Nguyệt Biều - Hương Cần và dấu ấn của Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại với lịch sử xã hội xứ Thần Kinh
H.1 Đại Nam liệt truyện tiền biên, Q5. mục Hồ Quang Đại

1. Họ Hồ Nguyệt Biều - Hương Cần và dấu ấn với lịch sử xã hội xứ Thần Kinh

Họ Hồ là một trong những họ tộc đến vùng đất Nguyệt Biều khá sớm. Theo tư liệu và gia phả của tông tộc, vị Thủy tổ Hồ Minh (hậu duệ 4 đời của Hoàng đế Hồ Quý Ly) từng đỗ Tiến sĩ, năm Mậu Ngọ (1558) đã theo đoàn quân nghĩa dũng của chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa. Tổ đời thứ 2 là Ông Thuật Hồ Đình Thám, tổ đời thứ 3 là Ông Thái Hồ Đình Tú, đời thứ 4 có Ông Chữ Hồ Đình Ỷ. Ông Đình Ỷ sinh 6 người con trai là ông (1) Quận Hồ Đình Câu - (2) ông Miện - (3) ông Đội - (4) Ông Châu - (5) Ông Đỏ - (6) ông Gạo. Trong đó, ông Quận Hồ Đình Câu, thuộc đời thứ 5 là thân sinh của Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại (tổ đời thứ 6) - vị Văn thần nổi bật có công lao giúp rập quan trọng cho triều đình Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) - thuộc nhánh nhất họ Hồ làng Nguyệt Biều; ông Đội (em thứ 3 của ông Quận) sinh ra nhánh nhì của các ông Hồ Hữu Uyên, Hồ Hữu Sứ.

Họ Hồ (Nguyệt Biều) đến đời thứ 6 bắt đầu vang danh khắp xứ sở với tên tuổi của Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại. Từ đây, dòng tộc đã ngày một phát dương quang đại, với nhiều danh nhân nổi bật trong lịch sử xã hội Đàng Trong nói riêng, lịch sử vùng đất Thần Kinh nói chung như Hồ Quang Đại (đời thứ 6), Hồ Văn Duyên (con Hồ Quang Đại, thuộc đời thứ 7, là tổ Khai canh của họ Tống Hồ/Tống Phước gốc Hồ làng Hương Cần), Hồ Văn Mai (tức Tống Phước Đào, con ông Uyên, là tổ đời thứ 2 của họ Hồ/Tống Hồ làng Hương Cần. Ông là cha của Hiếu Minh Hoàng hậu Tống Thị Được, tức bà Hồ Thị Đặng); Thái tử Thái sư Tuân Nghĩa hầu Tống Phước Đạm (tức Tống Hồ Đạm [1748 - 1794], tổ đời thứ 5 của họ Tống Hồ làng Hương Cần…). Từ đây, con cháu họ Hồ ở Nguyệt Biều và Hương Cần phân chia ra nhiều chi phái, và nhiều người đỗ đạt hiển vinh, từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong triều ngoài trấn1.

2. Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại với lịch sử xã hội Đàng Trong

2.1. Sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Quang Đại

Theo gia phả họ Hồ làng Nguyệt Biều làm năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) và Đại Nam liệt truyện tiền biên (quyển 5), đệ lục thế tổ là ông Cống Nguyệt Hồ Quang Đại 貢月胡光大, húy Nghi 儀, tự Hán Châu 漢 株, người làng Nguyệt Biều, Hương Trà, Thừa Thiên. Ông đỗ Thủ khoa ở khoa thi Nhâm Thìn (1652) đời Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế (tức Chúa Nguyễn Phúc Tần), được bổ nhiệm vào ngạch Văn chức 文 職 ở Chính dinh, tước Phúc Xuyên nam 福川男. Năm 1656, ông giữ chức Tri huyện Phú Vang 富榮知縣, tước Đức Xuyên tử 德川子. Ông làm quan có chính tích tốt, được nhân dân và thuộc cấp quý kính. Năm 1659, Hồ Quang Đại được thăng chức Tri phủ Thăng Hoa 升華知府, sau đó quay trở về Thuận Hóa, tiếp tục ở ngạch Văn Chức thuộc Chính dinh.

Năm 1667, ông được giao chức Phụ chính, đi duyệt tuyển, khám đạc đất đai ở các phủ, huyện vùng biên viễn của Đàng Trong (như phủ Quy Ninh, Diên Khánh). Đây là đợt duyệt tuyển lớn nhất, quy mô nhất thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đánh giá về vấn đề này, Phủ biên tạp lục, quyển 3, mục “Ngạch thuế” có đoạn: “Hai xứ Thuận Hóa Quảng Nam, triều trước và họ Nguyễn trấn giữ, chỉ là hàng năm sai người chiếu số ruộng hiện cày cấy mà thu tô thuế. Năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), Dũng quốc công Nguyễn Phúc Tần mới sai quan đi khám đạc ruộng công ruộng tư, nhà nước thu thóc tô định làm hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, cùng đất khô và bãi mầu, biên vào sổ sách, cho ruộng công đều trả về xã, cho chia đều mà cày cấy và nộp thuế. Nếu có người đem sức mình ra khai phá những chỗ rừng rú bỏ hoang, thành ruộng khai ra, thì cho làm ruộng tư, nhà nước thu thóc tô, xã ấy không được tranh chia, lấy thế làm lệ vĩnh viễn2.

Như thế, theo các nguồn tư liệu hiện có, chúng tôi thấy dấu ấn của vị quan Hồ Quang Đại là khá rõ nét và rất quan trọng đối với công cuộc đo khám ruộng đất, góp phần ổn định tình hình tô thuế, điền địa liên quan đến sinh kế của dân chúng Đàng Trong.

Năm 1672, ông được thăng chức Thị giảng Tri Kinh Diên 侍講知經筵, vào hầu ở điện Kinh Diên, giảng giải về kinh sử, thư tịch, đạo lý thánh hiền cho chúa Nguyễn. Theo gia phả họ Hồ làng Nguyệt Biều, Hồ Quang Đại là “thầy” dạy của hai vị chúa Nguyễn là Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái và Minh vương Nguyễn Phúc Chu.

Khi ông qua đời, được chúa Nguyễn tặng làm Phụ chính An Biên - Phúc Đức quốc sư 輔政安邊福 德國師, an táng ở Cồn Sủng (mộ ông ở phía trên, mộ bà Chánh thất Phan Thị Do ở phía dưới). Hiện nay, Phúc Đức quốc sư Hồ Quang Đại được thờ tại nhiều địa điểm ở hai làng Nguyệt Biều và Hương Cần. Cụ thể, ông được phụng thờ tại Miếu Ông của làng Nguyệt Biều. Tại làng Hương Cần, ông được tôn làm Thành hoàng làng (người con trai là Hồ Văn Duyên được tôn làm thần Khai canh) và được thờ ở một số nơi như: Đình làng Hương Cần và Miếu Thành hoàng làng Hương Cần.

Ông lấy bà chánh thất Phan Thị Do sinh 7 trai và 2 gái, sinh sống tại làng Nguyệt Biều, con cháu chia 4 phái: Phái nhất là Hồ Quang Tài; Phái nhì: Hồ Quang An; Phái ba: Hồ Quang Đôn và Phái tư: Hồ Quang Tằng.

Tại Hương Cần, ông có bà thứ thất (không rõ tên) sinh ra 7 người con trai, tạo thành 7 phái gồm: (1) phái Tống Hồ với vị tổ Hồ Văn Duyên; (2) phái Hồ Tống, tổ là Hồ Tống Học; (3) phái Hồ Đức, tổ là Hồ Đức Lang; (4) phái Hồ Đăng, tổ là Hồ Đăng Văn; (5) phái Hồ Công, tổ là Hồ Văn Nê; (6) phái Hồ Hữu, tổ là Hồ Hữu Đường và (7) Phái Hồ Văn, tổ là Hồ Văn Đệ.

2.2. Các văn bản Thị ban cấp cho Hồ Quang Đại và giá trị của nó

Hiện nay, họ Hồ làng Nguyệt Biều đang lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm quý giá liên quan đến các danh nhân của dòng họ. Trong đó, các bản Thị 示 của chúa Nguyễn Phúc Tần ban cấp cho Văn thần Hồ Quang Đại được xem là tài sản trân quý và giá trị nhất, không chỉ của họ Hồ, mà còn của cả vùng đất Thừa Thiên Huế.

Theo thông tin từ các vị cao niên trong họ, ông tổ thứ 6 Hồ Quang Đại được chúa Nguyễn ban cấp 12 văn bản Thị 示 cùng các văn bản hành chính liên quan khác. Tuy nhiên, gần 400 năm qua, với nhiều biến động của lịch sử xã hội, nhất là những ảnh hưởng của thiên tai, chiến tranh… đã khiến nhiều tư liệu quý dần mất mát, hủy hoại. Hiện chỉ còn sót lại 8 văn bản Thị 示 cùng 1 tờ Sai 差 dùng để quy định và sai khiến thuộc cấp thực hiện kê khai điền địa (đất đai) theo đúng quy tắc đã đặt ra.
 

H.2: Phủ biên tạp lục, quyển 1, phần Thị phó (Bản lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.1181, trang 96)

Về văn bản Thị, sách Phủ biên tạp lục cho biết: “Thự trí trấn ty sở thuộc quan lại dụng Thị phó tự, Thị hạ tự, do thiêm Thái phó quốc công 署 置 鎮 司  所 屬 官 吏 用 示 付 字,示 下 字,由 僉 太 傅 國 公… (Bổ dụng, bố trí quan lại các trấn ty, sở thuộc thì dùng chữ Thị phó 示付, Thị hạ 示下, tất cả dùng Thái phó quốc công” (xem H.2).

Như thế, Thị 示 (Thị phó, Thị hạ) là loại hình văn bản hành chính dùng để bổ dụng, cất đặt chức vụ, sai phái thi hành công vụ. Qua thực tế, chúng tôi thấy các văn bản Thị ban cho ông Hồ Quang Đại đều là loại hình văn bản bổ nhiệm chức vụ và sai phái công việc cụ thể (như văn bản Thị bổ nhiệm chức Tri huyện Phú Vang năm Thịnh Đức thứ 4 (1656); văn bản Thị bổ chức Tri phủ Thăng Hoa năm Vĩnh Thọ thứ 2 (1659); và các văn bản Thị sai phái Hồ Quang Đại đi vào các vùng Quy Ninh, Phụng Khương… cùng quan viên các địa phương thực hiện quá trình đo đạc, thống kê công tư điền tô thóc lúa…).

Các bản Thị 示 cấp cho Hồ Quang Đại, hiện ở nhà thờ họ Hồ - Nguyệt Biều cho biết:

- Năm 1667 duyệt tuyển huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh

- Năm 1668 duyệt tuyển huyện Phù Ly, phủ Quy Ninh

- Năm 1669 duyệt tuyển huyện, phủ Diên Ninh, phủ Phụng Khương

- Năm 1669 duyệt tuyển huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh

- Năm 1669 duyệt tuyển huyện Gia Môn, phủ Quy Ninh

- Năm 1670 duyệt tuyển huyện Bồng Sơn, phủ Quy Ninh

- Năm 1671 duyệt tuyển huyện Tuy Viễn, huyện Phù Ly.

Qua đó, ta thấy quá trình duyệt tuyển quy mô thời chúa Nguyễn Phúc Tần kéo dài đến 5 năm, bắt đầu vào năm Cảnh Trị thứ 5 (1667) và kết thúc vào năm Cảnh Trị thứ 9 (1671). Điều này góp phần giúp chỉnh lý lại thông tin về cột mốc thời gian thực hiện vào năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) như Phủ biên tạp lục ghi chép. Bởi năm 1669 là năm thứ 3 trong quá trình khám đạc ruộng đất trải dài 5 năm của đợt duyệt tuyển này.

Sau đây, chúng tôi xin trích dịch 2 văn bản Thị của Chúa Nguyễn Phúc Tần dùng để sai phái Hồ Quang Đại bắt đầu tiến hành duyệt tuyển, khám đạc ruộng đất vào 2 năm đầu (1667) và cuối (1671), nhằm góp phần bổ khuyết cho nhận thức về cột mốc thời gian duyệt tuyển trên.

 

H.3: Văn bản Thị sai Hồ Quang Đại tiến hành duyệt tuyển năm Cảnh Trị 5 (1667)

A/ Văn bản Thị năm Cảnh Trị thứ 5 (1667)

Hán văn:

示文職德川子胡光大往歸寧府責令本府各職等員[......] 綏遠縣并符籬下總各社村坊係有公私田租粟就稅場量收足 數期五月下旬完畢調詣正營投納。若過期遲欠及疎漏有國 法在。茲示。
景治五年三月二十六日 [朱印: 總鎮將軍之印]
花押: 示。太副勇國公

Phiên âm:

THỊ Văn Chức Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại vãng Quy Ninh phủ trách lệnh bổn phủ các chức đẳng viên [......] Tuy Viễn huyện tịnh Phù Ly Hạ tổng các xã thôn phường hệ hữu công tư điền tô túc tựu thuế trường lượng thu túc số, kỳ ngũ nguyệt hạ tuần, hoàn tất, điều nghệ Chính dinh đầu nạp. Nhược quá kỳ trì khiếm cập sơ lậu hữu quốc pháp tại.
Tư Thị.
Cảnh Trị ngũ niên tam nguyệt nhị thập lục nhật
[chu ấn: Tổng trấn tướng quân chi ấn]
Hoa áp: THỊ. Thái phó Dũng quốc công

Dịch nghĩa:

THỊ cho Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại thuộc Văn Chức, đi đến phủ Qui Ninh với trách nhiệm lệnh sai các viên chức của phủ này [tiến hành khám đạc] huyện Tuy Viễn và các xã thôn phường ở tổng Phù Ly Hạ, xem xét các loại ruộng công, ruộng tư, tô thuế thóc lúa, tập kết về nhà Thu thuế, xét thu đủ số lượng [tô thuế]. Kỳ hạn đến hạ tuần tháng 5 phải hoàn tất, chuyển thẳng về Chính dinh giao nạp. Nếu quá kỳ hạn mà chậm chạp thiếu sót và sơ suất thì có phép nước [trừng trị] ở đấy. Nay ban Thị.

Ngày 26 tháng 3 niên hiệu Cảnh Trị thứ 5
(1667)
[Ấn son: Tổng trấn Tướng quân chi ấn]
Hoa áp: THỊ (Thái phó Dũng quốc công
[Nguyễn Phúc Tần])

 

H.4: văn bản Thị sai Hồ Quang Đại tiến hành duyệt  tuyển năm Cảnh Trị 5 (1667)

B/ Văn bản Thị năm Cảnh Trị thứ 9 (1671)

Hán văn:

示文職德川子胡光大往歸寧府責令本府各職等員督押綏 遠縣并符籬下總各社村坊係有公私田租粟將就稅場量收足 數期五月下旬完畢裝載親調詣正營投納。若過期遲欠及疎 漏有國法在。茲示。
景治九年[.........] [朱印: 總鎮將軍之印]
花押: 示。太副勇國公

Phiên âm:

THỊ Văn Chức Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại vãng Quy Ninh phủ trách lệnh bổn phủ các chức đẳng viên đốc áp Tuy Viễn huyện tịnh Phù Ly Hạ tổng các xã thôn phường hệ hữu công tư điền tô túc, tương tựu thuế trường lượng thu túc số, kỳ ngũ nguyệt hạ tuần, hoàn tất, trang tải thân điều nghệ Chính dinh đầu nạp. Nhược quá kỳ trì khiếm cập sơ lậu hữu quốc pháp tại. Tư Thị .
Cảnh Trị cửu niên […………]
[chu ấn : Tổng trấn tướng quân chi ấn]
Hoa áp: THỊ. Thái phó Dũng quốc công

Dịch nghĩa:

THỊ cho Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại thuộc Văn Chức, đi đến phủ Quy Ninh với trách nhiệm lệnh sai các viên chức của phủ này [tiến hành khám đạc] huyện Tuy Viễn và các xã thôn phường ở tổng Phù Ly Hạ, xem xét các loại ruộng công, ruộng tư, tô thuế thóc lúa, tập kết về nhà Thu thuế, xét thu đủ số lượng [tô thuế]. Kỳ hạn đến hạ tuần tháng 5 phải hoàn tất, tự thân chở thẳng về Chính dinh giao nạp. Nếu quá kỳ hạn mà chậm chạp thiếu sót và sơ suất thì có phép nước [trừng trị] ở đấy. Nay ban Thị.
Ngày … tháng … niên hiệu Cảnh Trị thứ 7
(1671)
[Ấn son: Tổng trấn Tướng quân chi ấn]
Hoa áp: THỊ (Thái phó Dũng quốc công
[Nguyễn Phúc Tần])

Tóm lại, qua phần tuyển dịch 2 văn bản Thị thể hiện cột mốc quan trọng đối với chính sách quản lý kinh tế thời Chúa Nguyễn nói chung, về vấn đề quản lý, khám đạc ruộng đất, áp dụng tô thuế nói riêng, chúng tôi thấy rằng đây là những nguồn tư liệu cần thiết cho tiến trình nhận thức chuẩn xác, đầy đủ hơn về kinh tế, văn hóa, xã hội ở Đàng Trong.

3. Tạm kết

Danh thần Hồ Quang Đại và đại gia tộc Hồ làng Nguyệt Biều - Hương Cần, với những dấu ấn khá quan trọng trong đời sống xã hội và lịch sử văn hóa xứ Thần Kinh, thực sự xứng đáng được tìm hiểu, nghiên cứu và xiển dương công nghiệp một cách rõ nét.

Với Phúc Đức chính thần Hồ Quang Đại, ông không chỉ là bậc Văn thần đức hạnh, từng là “thầy dạy” có nhiệm vụ cao quý là giảng truyền kinh sử cho các chúa Nguyễn đời thứ 5: Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái, đời thứ 6: Minh vương Nguyễn Phúc Chu (tức giữ chức Thị giảng ở điện Kinh Diên), không chỉ có công lao và dấu ấn đậm nét đối với công cuộc khám đạc quy mô nhất Đàng Trong vào những năm 1667 - 1671, góp phần giúp ổn định và thể thống quá việc quản lý ruộng đất, tô thuế đương thời; mà ông còn được dân làng ở các nơi như Nguyệt Biều, Hương Cần tôn kính, xem là vị Phúc Đức chính thần. Tại Hương Cần, Hồ Quang Đại được tôn xưng làm Thành Hoàng, cùng con trai Hồ Văn Duyên là Khai canh, được dân làng kính cẩn phụng thờ, linh ứng hiển hách. Hiện làng Hương Cần đang lưu giữ các sắc phong cho Thành Hoàng Hồ quý công (Quang Đại) vào các năm Thành Thái thứ 2 (1890) và Duy Tân thứ 3 (1909); Khai khẩn Hồ quý công (Khải Định thứ 2 [1917] và thứ 9 [1925] và Khai canh Hồ Văn Duyên đại lang năm Bảo Đại thứ 10 (1935) là những minh chứng rõ nét cho dấu ấn quan trọng của họ Hồ (Nguyệt Biều - Hương Cần) đối với lịch sử văn hóa của đất nước và làng xã.

Lâu nay, sự kết nối quan hệ thân tộc giữa họ Hồ ở làng Nguyệt Biều và các chi phái họ Hồ làng Hương Cần mặc dù đã rất khăng khít, song vẫn còn có phần chưa thực sự được rõ nét, bởi những ghi chép ở các tộc họ có phần không đồng nhất với nhau. Hi vọng bài viết này của chúng tôi góp một phần nhỏ bé để giúp nguồn cội họ Hồ (Nguyệt Biều - Hương Cần) được dần dần làm sáng tỏ trong tương lai.

Huế, 04/2018
V.V.Q - H.X.T - H.X.D    
(TCSH352&SDB29/06-2018)

------------------ 
- Võ Quang Vinh: TS, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
- Hồ Xuân Thiên: California, Hoa Kỳ. Hậu duệ đời thứ 16 của họ Hồ khai canh làng Nguyệt Biều.
- Hồ Xuân Diên: Hậu duệ đời thứ 16 của họ Hồ khai canh làng Nguyệt Biều.  

1. Một trong những điều khá thú vị là họ Hồ bên cạnh  nhiều danh hiền hiển đạt về quan trường, còn có mối quan hệ thông qua với nhiều dòng họ trứ danh như hoàng tộc Nguyễn Phước (bà Tống Thị Được là vợ chính của Hiếu Minh vương Nguyễn Phúc Chu, sinh ra Hiếu Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ); ông Hồ Đăng Phong (1830 - 1887) là cậu ruột của Phó bảng Tiểu Cao Nguyễn Mại (1858 - 1945) người làng Niêm Phò. Hiện, chi phái Hồ Đăng ở Hương Cần còn lưu giữ bản chữ Hán Hương Cần Hồ thị thế gia lược truyện 香芹胡氏世家略傳 soạn năm 1926 do ông Nguyễn Mại biên soạn (và bản dịch năm 1988 của ông Trần Như Lãm) là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ khăng khít này.

2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục (bản dịch Viện Sử học),  Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.161-162  




 

 

Các bài mới
Bông huệ trắng (12/07/2018)
Các bài đã đăng
Huế tha hương (29/06/2018)