Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-18)
Nội dung thể hiện và tính nghi lễ trong điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ”
09:50 | 23/11/2018


TRƯƠNG TRỌNG BÌNH

Nội dung thể hiện và tính nghi lễ trong điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ”
Điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” được phục dựng

Theo Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề trong Việt Nam ca trù biên khảo: “Từ đời nhà Đinh và Tiền Lê trở về trước không có sách nào nói đến ca vũ và nhạc…”(*). Đến các đời Lý, Trần, Lê múa chỉ mang tính chất giải trí; đến đời Nguyễn, Lộc Khê hầu Đào Duy Từ đã giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) đặt ra những điệu múa mới và sửa lại các vũ khúc cổ để dùng khi lễ khánh tiết. Hiện nay, các điệu múa cung đình chỉ còn lại 11 vũ khúc. Nội dung của 11 vũ khúc này chủ yếu là dùng cho múa nghi lễ, múa chúc tụng và múa theo tích truyện. Trong đó, vũ khúc “Bát tiên hiến thọ” thuộc thể loại múa chúc tụng được các nghệ nhân cung đình lấy tích truyện từ Trung Quốc, sau đó xây dựng lại để phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

* Nội dung thể hiện

Múa cung đình Huế được các nghệ nhân cung đình xây dựng dựa trên những tiêu chí và chuẩn mực. Những hình tượng sáng tạo, được xây dựng từ những nhận thức có được từ thế giới xung quanh của con người. Một vài điệu múa cung đình vay mượn chủ đề, nội dung của văn hóa nước ngoài (cụ thể là các tích truyện từ Trung Quốc), nhưng đã được thể hiện bằng những hình tượng múa cụ thể, theo cách nhìn về cái đẹp của con người Việt. Những nét cầu kỳ hoặc nặng nề đã được đơn giản hóa, nhưng nó vẫn mang một giá trị nghệ thuật nhất định, chứ không “tầm thường hóa”. Chúng ta có thể nhìn thấy nội dung và ngôn ngữ múa qua vũ khúc cung đình “Lục cúng hoa đăng” đời nhà Nguyễn cũng rất khác xa với múa Ấn Độ, bởi vì nó không hề phản phất dáng dấp của mô-típ chủ đạo là đường gấp khúc được tạo nên ở chân, tay, đầu, mình như ở hình tượng múa vũ trụ của thần Xi-va. Ở đây, những động tác diễn viên sử dụng để múa trong “Lục cúng hoa đăng” chủ yếu là động tác vũ đạo của nghệ thuật tuồng như: xoan, xỏ, ký, cầu, xoay… Ngoài ra, đây là một vũ khúc mang tính hình tượng có sử dụng những yếu tố xiếc tạp kỹ như di chuyển đội hình và xếp chồng người lên nhau. Kết cấu của múa “Lục cúng hoa đăng” là kết cấu của một bức tranh đẹp được trình bày ở cuối mỗi khúc hát và liên tục trong sáu khúc hát như thế.

Cũng như vậy, điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” dù được lấy tích truyền từ Trung Quốc, nhưng khi được đưa lên sân khấu trình diễn ở chốn cung đình của triều Nguyễn, nó được xây dựng lại để điệu múa không đơn thuần là dùng để vui chơi, giải trí mà còn phải làm sao để nó còn có thể gắn với lễ tế, triều nghi của triều đại.

Trong các vũ khúc cung đình còn lại đời Nguyễn, điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” thuộc thể loại múa chúc tụng, thường được múa vào những ngày lễ vạn thọ, thánh thọ, tiên thọ để chúc cho nhà vua trường thọ.

Đạo diễn La Thanh Hùng (con trai cố nghệ nhân tuồng La Cháu - nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn) cho rằng, điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” được các nghệ nhân cung đình lấy tích truyện từ Trung Quốc để xây dựng thành điệu múa phù hợp với văn hóa Việt Nam, và tám vị tiên trong điệu múa xuất hiện nghĩa là họ đem điềm lành đến cho đối tượng thưởng thức.

Theo các nghệ nhân đã từng được học và trình diễn điệu múa này, các nhân vật trong điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” được quy định xuất hiện theo tám hướng khác nhau, đó là:

- Nhân vật Hán Chung Ly xuất hiện từ hướng Đông.
- Nhân vật Trương Quả Lão xuất hiện từ hướng Bắc.
- Nhân vật Lữ Đồng Tân xuất hiện từ hướng Tây Bắc.
- Nhân vật Tào Quốc Cữu xuất hiện từ hướng Đông Bắc.
- Nhân vật Lý Thiết Quày xuất hiện từ hướng Nam.
- Nhân vật Hàn Tương Tử xuất hiện từ hướng Đông Nam.
- Nhân vật Lam Thái Hòa xuất hiện từ hướng Tây.
- Nhân vật Hà Tiên Cô xuất hiện từ hướng Tây Nam.  



Khi xuất hiện, các vị tiên thể hiện thông qua hai bài hát “bạch” (mỗi bài có 4 câu, mỗi câu có hai vế) với nội dung giới thiệu về nơi chốn họ đang tu luyện. Sau đó, mới nói đến lời chúc:

“… Tư gia bát tuần thượng thọ
Thích phùng khánh chỉ xưng tràng
Văn xương tầng tiến ba chương
Tiên lữ đồng lai hiến thọ.
Chân phù chí nguyện, chí nguyện,
Cộng tiến vu từ, vu từ.”

Dịch nghĩa:

“… Ngày nay bát tuần thượng thọ,
Lại gặp vui vẻ dâng chén rượu mừng.
Sao Văn Nương từng dâng khúc ca hay,
Bạn tiên cùng đến hiến thọ.
Thực là thỏa nguyện, thỏa nguyện,
Cùng dâng lời quê, lời quê.”


Múa cung đình là một loại hình nghệ thuật diễn xướng, thông qua nó, người xem có thể hiểu được đời sống của các bật đế vương. Chính vì vậy, khi xây dựng nội dung của các vũ khúc cung đình các nghệ nhân đã thể hiện rõ mục đích cũng như ý nghĩa của điệu múa.

Theo Đỗ Bằng Đoàn Đoàn và Đỗ Trọng Huề trong Những đại lễ và vũ khúc vua chúa Việt Nam, nội dung điệu múa “Bát tiên hiến thọ” có 4 khúc hát, được miêu tả như sau:

1. Hát bạch: mỗi vị tiên hát một câu rồi múa

“Vạn cổ chung nam khế diệu thuyên,
萬 古 終 南 契 妙 詮
Động đình phi kiếm tảo vân yên.
洞 庭 飛 劍 掃 雲 煙
Di nhan vọng khước hầu vương quý,
怡 顏 望 却 侯 王 貴
Luyện khí sinh tòng hỗn độn niên.
揀 氣 生 從 混 沌 年
Bích lạc loan tường siêu thế cục,
碧 落 鸞 翔 超 世局
Huyền đô hạc hóa tỉnh tiền duyên.
玄 都 鶴 化 醒 前 緣
Kim tiền trịch khứ trần tâm tĩnh,
金 錢 擲 去 塵 心 靜
Tiên quả xôn lai đại đạo viên.”
仙 果 ? 來 大 道 圓

Dịch nghĩa:

“Núi Chung nam muôn thuở học đạo hay,
Hồ Động đinh gươm bay quét mây khói.
Mặt vui vẻ quên hiền quý của hầu vương,
Khí luyện nguyên từ đời hỗn độn (chưa chia ra trời đất).
Nơi Bích lạc chim loan bay vượt qua cõi đời,
Chốn Huyền đô chim hạc lượn tỉnh lại duyên xưa.
Vứt bỏ kim tiền đi, lòng trần thanh tĩnh,
Ăn quả đào tiên đại đạo viên thành.”


2. Nói lối:

“Đan phòng truyền diệu quyết,
丹 房 傳 妙 訣
Ngọc bản khế chân huyền,
玉 版 契 真 玄
Liệt thượng giới bát tiên,
列 上  界 八 仙
Đắc thuần dương nhất khí.
得 純 陽 一 氣
Tư giả bát tuần thượng thọ,
茲者 八 旬 上 壽
Thích phùng khánh chỉ xưng tràng.
適 逢 慶 祉 稱 ?
Văn - Xương tằng tiến ba chương,
文 昌 曾 薦 葩 章
Tiên lữ đồng lai hiến thọ.
仙 侶 同 來 獻 壽
Chân phù chí nguyện, chí nguyện,
真 符 至 願 至 願
Cộng tiến vu từ, vu từ.”
共 進 蕪 詞, 蕪 詞

Dịch nghĩa:

“Phòng luyện linh đan truyền phép lạ,
Kinh sách quý báu hợp chân huyền.
Trên thượng giới bát tiên bầy hàng,
Được nhất khí của thuần dương.
Ngày nay bát tuần thượng thọ,
Lại gặp vui vẻ dâng chén rượu mừng.
Sao Văn Nương từng dâng khúc ca hay,
Bạn tiên cùng đến hiến thọ.
Thực là thỏa nguyện, thỏa nguyện,
Cùng dâng lời quê, lời quê.”


3. Hát khách: Tám vị tiên cùng hát “Ngũ bách xương kỳ, ly bệ trường khan minh giáp mậu;

五 百 昌 期 ,? 陛 長 看 蓂 莢 茂
Tam thu hảo cảnh, thiềm cung cận nhạ quế hương phi.
三 秋 好 景, 簷 宮 近 迓 桂 香 飛
Địa tịch Viêm cương, Dực Chấn sơn hà tăng củng cố;
地 闢 炎 疆 , 翼 袗 山 河 增 鞏 固
Thiên khai Hoàng đạo, Bồng hồ thảo thụ ngưỡng quang huy.”
天 開 皇 道 , 蓬 壺 草 樹 仰  光 輝

Dịch nghĩa:

“Năm trăm năm hội vui mừng, bệ ngọc xem như cỏ minh giáp tươi tốt mãi;
Ba thu phong cảnh tốt đẹp, cung thiềm chào đón mùi quê hương ngọt ngào bay.
Đất mở cõi Viêm bang, sông núi thuộc phận sao Dực, Chấn thêm phần bền vững;
Trời đặt ngôi hoàng đế, cây cỏ tựa như nơi Bồng đảo đầy vẻ sáng tươi.


4. Tám vị tiên quỳ dâng bàn đào, hỏa táo, cùng hát:

“Ngọc dịch, ngọc dịch tiên phẩm linh đan,
玉 液 玉 液 仙 品 靈 丹
Hà bôi tái chước chúc Nam san.
(霞)杯(賽) 酌 祝 南 山
Nam san, Nam san vũ lộ trường,
南 山 南 山 雨露 長
Lạc vị ương, lạc vị ương phúc lý tương
樂 未 央 樂 未 央 福 履 將
Hỏa táo, giao lê sâm quý phẩm,
火 棗 交 梨森 貴 品
Thượng thọ chúc vô cương.
上 壽 祝 無 疆
Bàn đào bàn đào xuất tiên tào,
蟠 桃 蟠 桃 出 仙 曹
Thiên niên kết quả hiến ly ao.
千 年 結果 獻 螭坳
Ly ao ly ao thượng thọ trường.
螭坳螭坳 上 壽 長
Chước quỳnh tương, quỳnh tương mãn tọa hương.
酌 瓊 漿 , 瓊 漿 滿 座 香
Vương Mẫu Dao trì trùng bái,
王 母 瑤 池 重 拜
Khánh thượng thọ, chúc vô cương.
慶 上 壽, 祝 無 疆

Dịch nghĩa:

“Sữa ngọc, sữa ngọc phẩm tiên thuốc hay,
Dâng chén hà bôi chúc thọ như núi Nam sơn.
Núi Nam sơn, núi Nam sơn mưa móc nhiều,
Vui chưa dứt, vui chưa dứt phúc lộc còn đến mãi.
Quả hỏa táo, quả giao lê nhiều thức quý báu,
Dâng lên chúc sống lâu không ngần nào.
Quả bàn đào, quả bàn đào nẩy ra ở cõi tiên,
Nghìn năm kết quả dâng bệ ngọc.
Bệ ngọc, bệ ngọc dâng lên chén thọ,
Rót chén quỳnh, rót chén quỳnh thơm ngát mọi nơi.
Bà Vương mẫu ở Dao trì đến lạy mừng,
Mừng thượng thọ, chúc sống lâu không ngần nào.


Khi trình diễn điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ”, các nghệ nhân múa bằng cách kết hợp vũ đạo cũng như cách sắp xếp đội hình chính theo các truyến hàng ngang, vòng cung. Tất cả đều hướng về đối tượng thưởng thức (nhà vua) để nhằm chuyển tải nội dung cần thể hiện (chúc tụng).

* Đề cao tính nghi lễ của triều đại

Các vương triều ngày xưa luôn đề cao nghi lễ của triều đại, họ đặt ra lễ tế Giao để tế trời đất, lấy nghĩa vua thay trời trị dân vỗ yên trăm họ, vua là con trời nên phải tế trời cũng như con phải nuôi cha mẹ. Hàng năm, vua tế trời là giữ lễ làm con. Trời là đấng chí tôn, giữ gìn vận mệnh và ban hạnh phúc cho muôn dân, nên khi tế trời vua đích thân làm chủ tế. Đời nhà Nguyễn, tế Giao cử hành hàng năm vào khoảng trung tuần tháng hai. Thoạt đầu mỗi năm mỗi lần tế, hoặc hai năm một lần, đến năm Thành Thái thứ 2 (1890) định lại cứ ba năm tế một lần.

Dưới triều Nguyễn, các vũ khúc cung đình đưa vào múa tại lễ tế Giao có múa Bát dật văn và Bát dật võ, vũ sinh có 64 người. Khi tế vũ sinh chia ra 8 hàng, đứng ở phía Đông và phía Tây dưới dàn nhạc, hai bên quay mặt vào nhau. Nghe xướng “Sơ hiến lễ”, quan Tư chung đánh ba tiếng chuông, bát âm nổi nhạc, thì võ vũ sư phất cờ Tinh dẫn võ sinh 64 người, chia ra tám hàng đứng hai bên tả hữa ngoài thềm, quay mặt trở vào, theo điệu nhạc vừa múa, vừa hát. Khi múa xong quan Tư khánh đánh ba tiếng khánh, võ vũ sinh về đứng vào chỗ cũ.

- Đến lúc xướng “Á hiến lễ” quan Tư chung đánh ba tiếng chuông, bát âm nổi nhạc, thì văn vũ sư phất cờ Mao, dẫn văn vũ sinh 64 người ra xếp hàng như ở trên mà múa. Múa xong, quan Tư khánh đánh ba tiếng khánh, võ vũ sư dẫn vũ sinh về đứng vào chỗ cũ.

Dưới triều Nguyễn, ngoài việc Nhã nhạc là một loại hình nghệ thuật được sử dụng cho mục đích các nghi lễ như: tế Giao, tế Miếu, tế Xã tắc, lễ Đại triều, lễ Thường triều… thì vẫn có các vũ khúc cung đình mang tính nghi lễ như: Múa bát dật, múa lục cúng hoa đăng, múa song quang… ở đây những vũ khúc này luôn có sự kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo và ca từ. Các vũ khúc này thường được trình diễn vào các ngày lễ như: Lễ thánh thọ (sinh nhật Hoàng thái hậu), Tiên thọ (sinh nhật Hoàng hậu), Vạn thọ (sinh nhật vua), Thiên xuân (sinh nhật hoàng tử). Ngoài những lễ kể trên, các vũ khúc cung đình còn được trình diễn vào lễ Hưng quốc khánh niệm, tết nguyên đán, lễ kết hôn của hoàng tử hoặc công chúa và các dịp tiếp đãi các sứ thần ngoại quốc.

Triều Nguyễn rất coi trọng nghi lễ, do đó đối với các vũ khúc cung đình, khi các nghệ nhân xây dựng nên điệu múa, dù điệu múa đó lấy tích truyện từ Trung Quốc, nhưng khi được đưa vào chốn hoàng cung của các triều đại vua chúa Việt Nam trong đó có triều Nguyễn họ đều lấy nghi lễ của triều đại đặt làm tiêu chí hàng đầu, nên điệu múa đó được các nghệ nhân xây dựng lại cho phù hợp với lễ giáo cũng như phong tục tập quán của người Việt. Về vấn đề này, Hồ Quý Ly (1336 - 1407) từng có bài thơ Trả lời câu hỏi về phong tục An Nam (Đáp An Nam phong tục chi vấn) là một trường hợp tương tự:

“Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần”

Dịch thơ:

“Muốn hỏi chuyện An Nam
An Nam phong tục tốt
Điển chế - Đường chế độ
Lễ nhạc - Hán rường cột”


Ở đây đã chỉ rõ một sự khẳng định về phát triển các điển chương, điển chế của triều đại. Và việc khẳng định nhiều lần về chế độ chính trị, thể hiện lòng tự tôn dân tộc đã in đậm trong ý thức của triều Nguyễn.

Trong B.A.B.H tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Huế tr. 145, có miêu tả đến việc nhạc công và ca công trong lễ Đại triều của nhà Nguyễn: “Thình lình sáo thổi, sanh bắt nhịp, kèn réo lên, tiếng vĩ cầm than thiết du dương, tiếng phèn la lẫn lộn với tiếng gồng giữa tiếng trống chối tai, long óc. Một nhạc khúc đơn điệu lạ lùng nổi lên, khi thì rít cao, khi thì giọng mũi dã man rồi lại giọng cổ. Sau đó từng bước một, đều đặn chậm rãi, hai đám quan lại sắp hàng thẳng tắp tiến đến chiếm hết sân chầu. Mỗi hàng dừng lại trước chiếc bia đá qui định vị trí, tất cả mọi người xoay về hướng vua và lại đứng chầu trong tư thế im lặng mới. Các khuôn mặt vàng, sạm nắng hay sáng với gò má cao dưới đôi mắt xếch, khi nhăn nhó, khi phẳng lì, rộng hay hõm, có râu hay không râu với đôi môi dày giữa hai hàng râu trê đen, các cằm dài dưới chòm râu bạc đang phản chiếu dưới cái mũ lông đen, điểm vàng chéo lại sau búi tóc. Các áo lụa có nếp xếp cứng nặng nề do kim tuyến thêu rồng và hoa lớn xen giữa màu sắc óng ánh dưới ánh mặt trời. Màu tím sẫm có đắp lên màu cỏ úa, màu lục chết, màu vàng sẫm, màu nâu phai nhạt, tất cả đều bị chìm giữa một màu chính là xanh đậm trong một trang trí cũ kỹ vì hoen úa. Nhạc công đồng ca và hòa nhạc chấm dứt”.

Dưới các triều đại quân chủ của vua chúa Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, nghệ thuật diễn xướng cung đình luôn được đề cao. Trong 191 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ở điện Thái Hòa (Hoàng Thành, Huế) có 17 bài thơ đề cập trực tiếp, gián tiếp đến Lễ nhạc (Nhã nhạc) của triều Nguyễn, khẳng định một thực tế về quốc nhạc của Việt Nam thời bấy giờ:

Võ yển văn tu hội
Hà thanh hải yến thời
Y quan Chu chế độ
Lễ nhạc Hán uy nghi

Dịch nghĩa:

Chỉnh lại văn, thôi võ
Lúc sóng lặng bể yên
Áo mão Đường chế độ
Lễ nhạc Hán uy nghiêm.


Cũng như vậy, đối với điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ”, việc đề cao nghi lễ của triều đại cũng được các nghệ nhân cung đình coi trọng. Bởi vậy, nội dung và ca từ dùng trong điệu múa này cũng đã đề cập đến sự vĩnh cửu của triều đình thông qua việc chúc thọ nhà vua.

Ngũ bách xương kỳ, ly bệ trường khan giáp mậu
Tam thu hảo cảnh, thiềm cung nhạ quê hương phi
Địa tịch Viêm cương, Dực Chần sơn hà tăng Củng cố
Thiên khai Hoàng đạo, Bồng hồ thảo thụ ngưỡng quang huy.

Dịch nghĩa:

Năm trăm năm hội vui mừng, bệ ngọc xem như cỏ minh giáp [7, Tr 442] tươi tốt mãi;

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, trong bài viết “Nhã nhạc, niềm tự hào của triều Nguyễn thể hiện trong thơ trên điện Thái Hòa” đăng trong tập kỷ yếu “Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế - 15 năm hình thành và phát triển”: “Thuyết sử Trung Quốc có nội dung: khi vua Thuấn sắp nhường ngôi cho vua Vũ, cả triều thần đều đồng thanh hát khúc Khanh Vân ca với nội dung là: mây đẹp xán lạn hề/ quyện lại rồi lan hề/ trời, trăng tươi sáng mãi/ ngày lại ngày thế hề. Điển tích này gắn với việc chỉ điềm lành. Bên cạnh khúc Thiều cửu thành, viết về Nhã nhạc, thơ trên điện Thái Hòa còn đề cập đến Khúc Nam phong của vua Thuấn:

- Nghiêu minh khai thụy sắc,
Thuấn nhạc động Nam huân.

(Cỏ minh của vua Nghiêu mở ra sắc tốt lành
Nhạc của vua Thuấn trỗi lên khúc nhạc Nam phong).

- Hóa nhật quang Nghiêu điện,
Huân phong độ Thuấn cầm.

(Mặt trời hóa ra ánh sáng cho ngôi điện vua Nghiêu
Khúc nam phong đã đưa tiếng đàn của vua Thuấn)

Ở đây, Nam phong hay Nam huân đều là khúc nhạc của vua Thuấn để hát về gió Nam, điển tích này chỉ đến cuộc sống no đủ của người dân.

Trên tất cả là niềm tự hào của triều Nguyễn về Nhã nhạc, từ quy mô đến sự hoàn chỉnh của nó trong cái nhìn đối sánh với quan niệm về điển chế ổn định đã được xem là mẫu mực của lý tưởng Nho gia”.

Có thể nói, dưới triều Nguyễn triều đình rất coi trọng nghi lễ của triều đại, những vấn đề này không những được thể hiện thông qua việc phát triển Nhã nhạc, nó còn được biểu hiện dưới các hình thức diễn xướng cung đình khác như nghệ thuật tuồng và nghệ thuật múa cung đình, trong đó có điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ”. Tất cả đó chính là biểu trưng cho vương quyền và sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại.

*

Nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế có lịch sử từ lâu đời, với nội dung chủ yếu không nằm ngoài mục đích cũng cố và tôn vinh vương quyền, tôn vinh vai trò của hoàng đế, được xây dựng trên nền tảng triết lý Nho giáo với những chuẩn mực đạo đức phong kiến: “Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín”; với thuyết “chính danh” quy định mối quan hệ vua - tôi; với trật tự xã hội “Quân - Sư - Phụ”…

Đời nhà Nguyễn, múa cung đình nói riêng, ca vũ nhạc và tuồng cung đình nói chung đều đã trở thành những loại hình nghệ thuật chính thống của nhà nước quân chủ Việt Nam, cho dù một số vũ khúc cung đình Huế có tích, tuồng bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng khi được đưa vào cung đình Huế, các vũ sư cung đình triều Nguyễn đã xây dựng lại để phù hợp với chuẩn mực văn hóa của thời đại. Cũng như vậy, nội dung của các vũ khúc cung đình, trong đó có điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” ngoài việc được sử dụng gắn liền với việc tế lễ, triều nghi nhằm mục đích đề cao những nghi lễ của triều đại, nó còn có chức năng là món ăn tinh thần với mục đích ca ngợi cuộc sống của chốn hoàng cung dưới triều Nguyễn.

T.T.B  
(SHSDB30/09-2018)

-------------
(*) Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề (1994) Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb. TP. Hồ Chí Minh. Tr. 22  




 

 

Các bài mới
Ký ức về nội (18/12/2018)
Các bài đã đăng
Phương pháp thơ (01/11/2018)
Con chim cu cườm (26/10/2018)
Huế vàng son (26/10/2018)