Tạp chí Sông Hương - Số 357 (T.11-18)
Tình yêu
09:08 | 29/11/2018

PHẠM NGỌC TÚY  

1.
Tôi sẽ không kể lại câu chuyện này nếu tôi không gặp lại Hồng. Câu chuyện ám tôi suốt mấy đêm trường, những nhân vật sống động tuồng như cùng một lúc trở về trong giấc mơ tôi.

Tình yêu
Minh họa: Phan Thanh Bình

Chúng tôi chỉ gặp nhau một lần duy nhất đó, hai mươi lăm năm sau 1975. Trước đó Hồng ở trước nhà tôi, nó ở trọ nhà ông Ấm, người mà nó kêu bằng cậu ruột. Ông Ấm có hai vợ là hai chị em. Người em vợ ông mà chúng tôi vẫn quen gọi là dì Nga, khuôn mặt hiền dịu tánh tình dễ thương như nét mặt. Có lẽ vì thế nên ông dễ dàng sa vào cặp mắt và khuôn mặt có duyên ngầm của cô em chăng. Không có nước da đen ngăm hẳn dì đã đẹp. Đó là ý nghĩ của tôi khi lớn lên, khi quen Hồng tôi chỉ mới mười ba.

Hồng ở nhà ông Ấm khá dễ chịu, mặc dù ông đông con. Dì Nga gần như đẻ năm một. Cứ cách một năm lại cho ra một đứa. Mẹ tôi qua thăm dì, bà chị ở nhà trên, dì và các con nhỏ ở nhà dưới. Mẹ tôi về nhà nói: “Dì Nga đẻ dậy ăn uống đạm bạc quá. Tuy nhiên mẹ tôi lại thân với bà Ấm, người bà mập tròn, tánh tình bỗ bã, gặp chi nói nấy. Cái hội tứ sắc ở nhà tôi hàng ngày, chiều nào cũng có mặt ba bà trong xóm: bà Trợ ở xóm trên đường Hòa Bình, bà Ấm ngay trước nhà, bà Lâm ở sát nách nhà bà Ấm. Bà Nghè Luân không tham gia hội tứ sắc.

Chúng tôi hay sang nhà ông Ấm chơi, là vì còn có thằng Tẹo, thằng Tí, con Xíu, con Chiu, chúng nó thân với mấy đứa em tôi. Nhưng thôi, câu chuyện tôi sắp viết đây không liên can đến gia đình ông Ấm. Chuyện này tôi hầu như quên sạch nếu không gặp lại Hồng và Thạnh ngày hôm đó. Hồng nhận ra tôi trước tiên.

- A!

- Hồng!

Tôi và hắn gần như ôm lấy nhau. Thạnh chỉ cười, sau đó đi đâu mất.

- Làm gì ở đây thế? Miêu?

- Đi hỏi xin chuyển gần nhà. Có giấy giới thiệu của ông chú họ. Không biết có được không?

- Chắc được, Hồng vẫn dạy gần quê. Anh Thạnh dạy ở đây.

Chúng tôi vào quán cà phê ở đường Trương Định để nói chuyện nhiều hơn. Người mà Thạnh mỉm cười nhắc tôi nhớ, là Di, người tình si của Miêu Miêu (tên ba tôi gọi ở nhà). Di làm chi, ở đâu, Thạnh có gặp đâu như ở Sài Gòn. Một loạt những cái tên: Phiếu hay nói “Buồn thấy sao”, Thuận, Thành, chú Thả, một loạt hình ảnh hiện về. Không dễ gì xin cha tôi về làng. Làng ngoại của ba là làng Bàn Môn. Cha tôi chỉ sợ tôi đi xe đò mệt, còn Hồng thì năm lần bảy lượt rủ tôi về. Tôi chưa biết làm gì cho hết mùa hè, ở nhà thì phải hàng ngày học Anh văn 1 giờ với anh tôi, tôi đâm ngán. Vậy là mẹ đồng ý cho đi, hai ngày thôi con. Mà không chỉ về một lần. Mẹ tôi nói con gái không được ngủ lang. Tôi còn nhỏ không hiểu, ba tôi nói, về nhà người lạ ngủ lại không nên. Tuy vậy, vì thương tôi, lần nào Hồng qua xin ba tôi cũng cho, ông chỉ dặn, không được đi lung tung, nhất là không được tắm sông.

Con sông chảy qua một ngôi làng. Ngay chỗ đỗ lại chuyến xe đò cũ kĩ, chúng tôi bước xuống một bến đò. Gần bến đò có cây đa. Bến có một cái quán bán nước, rất vắng vẻ. Tôi đi theo Hồng, vẻ lạ lùng ngơ ngác. Chúng tôi qua con đò nhỏ, sau đó đi bộ một quãng đường đất dài. Tôi yêu ngay con sông. Con sông phẳng lặng với làn nước trong vắt như sông Hương. Rẽ phải hai lần thì đến nhà. Nhà Hồng ở sâu trong làng. Đường vô nhà là một cửa ngõ dài hai bên trồng đầy bông cẩn và tre. Tre rất nhiều. Một ngôi nhà có nhiều cột kèo lên nước bóng láng, giống như nhà bà ngoại của tôi, tuy nhỏ và thấp. Mẹ Hồng ốm song vui vẻ. Hồng giới thiệu tôi với mẹ nó. Từ một cô tiểu thư? Ăn chưa no lo chưa tới, tôi về nhà Hồng không làm gì động đến móng tay. Hồng lớn hơn tôi hai tuổi, nó biết lặt rau, nấu cơm, và còn rủ tôi... ra ruộng mò ốc nữa. Eo ôi! Tôi chạy cuồng khi nhìn thấy con dĩa bám vào tay. Tôi ở lại nhà Hồng hai ngày, rất vui.

Làng đó của mẹ Hồng, là quê nội ông Ấm. Tôi nhớ rất rõ, gần như in lại trong ký ức. Những cánh đồng mạ non mơn mởn, nước sông rất trong và xanh. Làng Hương Cần của Hồng và của ký ức tôi. Những mối tình si, ai ngờ được! Ngày đó, tôi là con bé ngây ngô ngốc nghếch. Tôi không thể nào hiểu được, tại làm sao chú Thả lại yêu đương khi mới mười tám (hay hai mươi), tôi gọi Thả theo cách Hồng và Phương cùng gọi: chú Thả.

Ngày đó tôi còn nhỏ quá mà!

- Giờ thì nhớ ra chưa? Thạnh phà khói thuốc, rồi hóm hỉnh hỏi tôi. Miêu Miêu?

- Nhớ ra rồi. Nhớ nhiều nhất là... những bữa cơm gạo đỏ rất lạ, nhớ canh bí đỏ nấu ngọt như chè với đường đen. Nhớ bông bí luộc chấm nước mắm gừng, nhớ con cá rô kho trách đất, cay quá Miêu ăn không được, nhớ nồi khoai sắn và nhớ...

Hồng đập vào tay tôi, nói ngược:

- Có lẽ vì vậy mà Miêu không bao giờ về làng.

- Ừ. Tôi thở ra.

- Không phải vì Dương thị chứ?

Thạnh nhìn tôi qua làn khỏi thuốc.

- Bây giờ Dương thị ở đâu? Anh và Hồng có gặp chứ? - Tôi hỏi dồn.

- Dương thị cùng làng với chúng tôi mà. Gặp hàng năm. Bây giờ thị vô Nam rồi.

-?

2.

Dương thị là cô bạn học cùng lớp, nó tên Phương, các bạn cứ gọi đùa nó là Dương thị, chỉ bởi tánh gần như bà cụ non của nó. Nhà Dương thị cách nhà Hồng một con sông. Đêm nào có chiếu phim ở trường tiểu học, bất kể phim gì, hay dở, người làng đều đi coi đông. Đông nhất là thanh thiếu niên, rồi mới đến người lớn tuổi. Chúng tôi đang kì hè, hôm nào tôi về nhà Hồng y như hôm đó có Phiếu với biệt danh “Buồn thấy sao”, anh ta hay nói câu đó. Không biết Phiếu có thích Dương không. Bữa nào có Dương thị đến (hiếm hoi lắm), là nhà ngang đông khách... thanh niên. Có Di, Thuận, chú Thả. Ngày nào chú Thả cũng đến chơi. Tôi, Hồng, Phương ngồi bên chiếc giường nhỏ kê dưới nhà ngang. Đám thanh niên làng thì ngồi bên bộ bàn gỗ tạp kê gần đó, thường được dùng làm bàn ăn. Chỉ ngồi, chúng tôi con gái không nói gì. Nói nhiều bao giờ cũng là chú Thả. Còn vài khuôn mặt nữa mà tôi không nhớ hết. Có lẽ chú Thả là khuôn mặt gây ấn tượng nhất trong đám trai làng. Di xấu, ít nói, Thuận mặt mũi trắng trẻo dễ coi, Phiếu thỉnh thoảng xen vào một câu. Chú Thả cao nhất đám, hay đi chiếc xe đạp, mũi cao, mắt lé mại, môi đỏ như tô son. Khuôn mặt, vóc dáng và chiều cao có thể gọi là đẹp trai được. Thời giờ qua mau, bọn con trai đóng đô nhà Hồng buổi sáng, thường dì Loan, mẹ Hồng nấu khoai sắn ăn. Nồi sắn bốc hơi nghi ngút thơm mùi lá dứa, tôi chỉ ăn nhiều lắm là một củ. Phương ăn nhiều hơn một chút, chỉ có Hồng và Thạnh ăn nhiều. Rổ khoai hết bọn con trai đi tắm sông. Phương về nhà. Tôi và Hồng đội nón đưa chân Phương đến bờ sông. Bao giờ nhanh nhẹn nhất cũng là chú Thả, tôi nghĩ chú đi theo canh chừng bởi Phương là cháu, một tiếng nó gọi chú Thả, hai tiếng nó gọi chú Thả dịu dàng hơn Hồng.

Buổi chiều, có khi Hồng rủ tôi đến nhà Phương. Nhà đó là nhà bà nội nó, Hồng nói. Phương không khi nào ngồi không, nói chuyện rỗi như chúng tôi. À, có thể Hồng rủ tôi về làng để đi chơi, chuyến đi nào cũng có Thạnh, Di, chú Thả. Nó không phải làm gì, mới ở tuổi mười ba tôi nhỏ còn Hồng, lớn hơn hai tuổi vẫn nhỏ như tôi. Hết qua nhà Phương lại ra cổng hái bông cẩn, hái hoa mua, lấy lá cẩn làm dĩa, chúng tôi dùng các thứ hoa dại, hoa bí, xắt nhỏ chơi trò cúng kị... Phương ít sang nhà, nó mắc việc. Phương bày cho tôi may vá. Ở nhà, mẹ tôi có mua vải loại rẻ bày cho tôi cách cắt may quần dài nữ, quần đùi em bé. Ở trường, lớp tư (tức lớp bốn bậc tiểu học bây giờ) cô Cẩm dạy chúng tôi may những đường đơn giản như đường thụt lùi (ứng dụng vào việc may áo quần), may xơ, tã em bé mới sinh. Tập may mũi hạt gạo ứng dụng vào chuyện may khăn tay... Chúng tôi được học ở trường môn nữ công cặn kẽ và về nhà được mẹ tập may. Dĩ nhiên là may tay, làm gì có máy. Phương thêu khăn rất đẹp, nó ngồi cùng lớp tiểu học với tôi và cùng lớp cho đến hết cấp 2. Vậy mà bây giờ Phương đã may được áo quần để mặc.

Dương thị như nó là. Thạnh hay nói thế. Phương có nước da hơi ngăm, khuôn mặt trái xoan và đôi mắt hình thuyền, lông mi cong. Người thon thả, lời ăn tiếng nói dịu dàng so với cô bé còn đang tuổi ô mai làm trai làng không ít cậu động lòng. Hồng cho tôi biết vậy nhưng nó chưa phải lòng ai cả. Dì Lan cười, đang nhỏ, động lòng cái gì? Coi vậy mà lấy chồng chừ, dì nói thêm. Có duyên ngầm, biết may vá, nấu nướng, đang còn độ tuổi đi học, trách sao trai làng không cầm được lòng?

Lần nào tôi về cũng qua nhà Phương, lần nào cũng thấy chú Thả và Di. Chú Thả trở nên ít nói, chú ngồi im lặng ngắm Phương làm việc, chỉ có tôi và Phương, Hồng nói chuyện với nhau về đường thêu, đường ren, về mũi vắt sổ ở nách áo sao cho không bị sút chỉ...

Rồi đến chuyện làm bánh. Phương biết làm bánh gói lá dong, sau này và cho đến bây giờ tôi thích ăn bánh gói Hương Cần vì mùi lá dong và cách gói bánh khác hẳn bánh nậm Huế. Bánh lá và bánh nậm Huế mẹ tôi làm cho bà ngoại, làm cho những buổi kị, làm cho các anh ở Sài Gòn về ăn (khi tôi lớn lên), kiểu cách hơn nhiều, bánh mỏng có ngon hơn chút ít. Mùi vị tôm chấy ngọt, bùi, mùi bột gạo La Khê có pha chút muối. Bà nội Phương làm, nó bày cho tôi và Hồng gói. Trời đất! Dễ tôi vày cái bánh thì đúng hơn. Được hai cái, bà nội nó (đang trẻ lắm, chừng năm mươi tuổi) cho tôi và Hồng lui, bảo Phương cắt ớt chỉ thiên làm nước mắm.

Thế mà tôi say nước sông, say con đò, say gì chẳng biết ở cái làng quê yên bình ấy. Hay là... hình bóng chú Thả ám tôi? Tôi lên Huế, ít ngày sau là thấy chú bên kia hàng rào, Hồng qua tôi buổi tối. Nó bảo mi qua tau chơi ăn mứt khế anh Bình làm. Tôi biết nó muốn nói gì. Anh Bình trạc tuổi anh Nhuận, hay làm mứt khế chua... và hay mời tôi ăn. Anh lớn hơn tôi chừng bốn tuổi. Bình, chị Huy, thằng Tèo, anh Hoàng là con bà Ấm, bà vợ trước. Tôi cũng qua nhưng về ngay. Đôi mắt chú Thả có cái gì làm tôi e ngại. Hai tuần sau Hồng qua xin phép mẹ tôi cho tôi về chơi. Mẹ tôi không nỡ cấm, mùa hè còn dài mà. Vậy là chúng tôi lại leo lên chiếc xe đò cũ kĩ, ông tài xế thấy hai đứa tôi thì cười. Nhà Di ở gần bến sông, lần nào tôi về cũng thấy Di đứng trước cửa. Hay là Di ngóng tôi? Tuy còn nhỏ trực giác tôi nhạy lắm. Di nhìn tôi không nói gì. Lần nào về nhà Hồng, tôi cũng được mẹ cột tóc lên cao, thắt chiếc nơ màu trắng bởi tôi luôn mặc áo đầm trắng. Mẹ may cho tôi hai cái đầm mặc đi học mùa nắng, hết niên học, nghỉ hè, tôi còn mặc được, chỉ ngắn chút ít. Chẳng biết từ lúc nào Di có mặt ở bến sông gần bụi tre bên kia. Chú Thả biết tôi về đã đạp xe ra. Hồng nói, chừ ngồi đây chơi một chặp cho mát rồi về nhà. Đứng trên bến sông, với làn gió mát tôi không buồn ngủ. Tôi ừ, định bụng sáng mai dậy sớm sang nhà Phương. Tôi thích qua nhà Phương, tránh chuyện trai làng đến nhà Hồng, ngồi lê la suốt buổi sáng; hơn nữa tôi thích đi bộ trên những con đường làng hẹp và dài, nghe tiếng tre lào xào, tiếng con chim cu gáy, chim bìm bịp kêu, làng quê thì nhiều chim lắm. Tôi vừa đi vừa ngóng gió hè, say mê ngắm những cánh đồng gió đùa trên những sóng lúa chập chờn. Ngày đó tôi chỉ thấy thích cảnh trời xanh cao rộng thoáng mát, chưa hề nghĩ đến chuyện bát cơm chan mồ hôi cùng bao công khó của nhà nông. Chúng tôi vừa về đến nhà, buổi tối đã có mặt chú Thả, Di, Thạnh, Thuận và Phiều rồi. Sau một hồi nói chuyện, chọc nhau cười, dì Lan lại bưng lên một rổ khoai sắn. Thường là chúng bạn ngồi chơi đến khuya mới về nhà.

Tính cách Phương kín đáo, không cười nói lung tung và không có thái độ gì trước cảnh, tôi và Hồng vào nhà vừa xong, chú Thả đạp xe đến ngay. Di không đến. Tôi ngồi coi Phương may áo. Phương nói lần ni may áo cánh cho bà nội mặc trong cho ấm ngực. Phương không nhìn chú Thả, tôi ngồi ghé bên bộ ngựa, Hồng lăng xăng gần đó. Buổi tối có chiếu phim, Phương kêu mệt không đi. Chỉ mình Hồng và tôi với Thạnh đi.

Còn nhỏ và ngây ngô quá, tôi làm sao biết được mùa hè đó là mùa hè sau cùng tôi về Hương Cần. Buổi tối nhà nào cũng sáng ánh đèn. Tôi, lũ em tôi, thằng Tẹo con út của bà Ấm hay thằng Tí con dì Nga, thằng Thi con bà Trợ có chạy qua nhà nhau chơi đạp mạng, trốn tìm là chuyện thường tình. Có lẽ ba tôi để ý mà tôi không biết. Lần đó chú Thả lại đứng ngay dưới ánh đèn đường, trụ đèn nằm ngay trước mặt nhà Hồng. Thấy chú Thả, không dưng tôi run run. Tôi nói: “Chú vô nhà đi”. Chú Thả không vô nhà mà rủ tôi đi xuống đường. Tôi nhớ ra mẹ đi kị chưa về, đi chơi một chút có sao. Con bé ngây ngô là tôi. Làm sao tôi biết được ở tuổi mình còn quá nhỏ cho những cuộc hẹn hò? Mà có phải là hẹn không chứ? Chỉ đi xuống đường một lát thôi.

Đi một lúc không ai nói gì. Vừa ló ra khỏi ngã ba, mẹ tôi bất ngờ xuất hiện. Bà nhìn hai đứa. Chú Thả gật đầu chào mẹ: “Thưa bác”! Mẹ giải thoát cho tôi thật nhanh. Là người lanh trí mẹ nói mà không nhìn chú Thả: “Đi về”. Tôi đi theo mẹ, bụng mừng đã thoát được tình cảnh khó xử. Mẹ không hỏi tôi chú Thả là ai và tối hôm ấy chú làm như vậy là sai, một gã trai mười tám rủ một cô bé mười ba tuổi đi dạo giữa đường đêm!

Hồng đợi mãi không thấy tôi sang chơi. Tôi chỉ sang khi không có bóng dáng chú Thả bên nhà. Mẹ dặn: “Sang một lát thì về, đừng ngồi lâu”. Tôi dạ. Hồng nói:

- Mi làm sao thế? Sang chơi với Hồng cho vui chớ sợ cọp à?

- Không sợ ai, chỉ sợ... chú con Phương.

Hồng mở to mắt, nhìn tôi không hiểu tôi có là đứa dở hơi không?

- Mi nói gì?

Tôi không nhắc lại chuyện hai đứa đi dạo dưới đường đêm bị mẹ bắt gặp, may mà mới đi một đoạn. Tôi thì nhát gan nhớ lại chuyện Cô bé quàng khăn đỏ nên sợ hãi muốn về, thời may gặp mẹ. Tôi chỉ nhắc lại lời mình nói. Chú con Phương ấy. Chú ấy làm Miêu sợ. Lần này Hồng không nhìn tôi như trước nữa. Nó thở dài như người lớn:

- Công chúa ngủ trong rừng ạ! Người ấy trồng cây si Dương thị, không phải là chú ruột, không là anh em bà con...

- Làm như vậy để con Phương chột dạ mà ngó lại chơ gì! - Tiếng một người ồm ồm cất lên sau lưng.

Tôi lấy đũa gắp một miếng mứt khế anh Bình đưa, cảm thấy miếng mứt chua lòm trong miệng tôi nhổ ra. Cũng may tuổi nhỏ chóng quên, tôi quên chú Thả rất nhanh cũng như Phương, khôn ngoan giả điếc, không hề đáp lại tấm tình si. Chỉ có tôi ngu không biết, không thấy! Sau này lên đại học tôi và Phương hay gặp nhau ở thư viện. Tôi là con mọt sách, Phương thì đến ngồi chơi (hay hẹn ai đó, tấm áo dài tím Huế trang nhã dịu dàng). Thời gian trôi, nó lớn xinh hơn lúc ở tuổi teen, tôi còn mặc đầm đi học, chỉ hai màu trắng, xanh. Phương khen tôi đẹp. Chúng tôi không ai nhắc lại chuyện cũ. Chuyện chú Thả và Di, xưa rồi.

Ai nào biết được, người ta có thể làm gì với những mảnh tình si chớp nhoáng tuổi học trò? Cái còn lại trong ký ức tôi là một bến sông lồng lộng gió trời và bóng hình câm lặng của người ấy đứng trong cửa nhìn ra. Có lẽ vì thế, sau này tôi không trở lại làng quê một thời yêu dấu nữa.

Huế 4/10/2018
P.N.T  
(TCSH357/11-2018)



 

 

Các bài mới
Gam màu lạnh (13/12/2018)
Các bài đã đăng
Lời Thầy (20/11/2018)