Tạp chí Sông Hương - Số 357 (T.11-18)
Những tập thơ đầu tiên của tôi
14:58 | 13/12/2018

PABLO NERUDA    

LGT: Pablo Neruda, nhà thơ Mỹ Latinh nổi tiếng thế giới, sinh năm 1904 tại Parral, Chile. Năm 1920 ông đến Santiago để học tập và công bố bài thơ đầu tiên “La canción de la fiesta” (1921), rồi được biết đến rộng rãi qua tập thơ “Crepusculario” (1923).

Những tập thơ đầu tiên của tôi
Ảnh: internet

Năm 1924, ông xuất bản tập thơ nổi tiếng “Veinte poemas de Amory una canción deseperada”. Từ năm 1927 đến 1945, ông giữ chức lãnh sự Chile ở Rangoon, Java và Barcelona, và không ngừng sáng tác. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các sự kiện trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Neruda gia nhập Đảng Cộng sản sau Thế chiến thứ hai, và sự thay đổi thái độ của ông cũng ảnh hưởng đến chính những sáng tác thơ của ông. “Canto General” là một bộ sử thi vĩ đại, phác họa lịch sử của châu Mỹ Latinh và mô tả những cảnh quan hùng vĩ của nó. Nó cũng mở ra những tranh luận chính trị sôi nổi.

Là một nhà thơ sung mãn, Pablo Neruda liên tục sáng tác suốt những năm năm mươi và sáu mươi của thế kỷ XX, và vào năm 1971 ông được trao giải Nobel Văn chương cho những sáng tác thơ của mình. Từ năm 1970 đến 1973, ông phục vụ chính quyền Allende với tư cách đại sứ Chile tại Paris. Pablo Neruda qua đời năm 1973, không lâu sau khi cuộc đảo chính lật đổ Allende nổ ra ở Chile.

 

Tập Hồi ký “Confieso que he vivido” do Losada xuất bản 1974 - Ảnh: internet

Đoạn trích dưới đây kể về quá trình ra đời những tập thơ đầu tiên của Pablo Neruda cũng như bối cảnh chính trị, xã hội ảnh hưởng đến sự chuyển biến trong tư tưởng sáng tác của ông. Đoạn trích được rút từ tập Hồi ký “Confieso que he vivido” (tạm dịch “Tôi thú nhận là tôi đã sống”) được xuất bản 1 năm sau khi ông qua đời.   


Những tập thơ đầu tiên của tôi  

Tôi tìm nơi trú ẩn trong thơ ca với xúc cảm mãnh liệt của một kẻ nhút nhát. Những chuyển động văn chương sôi sục ở Santiago. Tôi đã viết xong tập thơ đầu tiên của mình tại số 513 phố Maruri. Tôi thường viết hai, ba, bốn, năm bài thơ mỗi ngày. Vào buổi chiều muộn, bên ngoài ban công, một cảnh tượng mở ra mà suốt đời này tôi không bao giờ quên. Đó là buổi hoàng hôn với những mảng màu rực rỡ, những tia sáng lan tỏa, những chiếc quạt màu cam và đỏ tươi khổng lồ. Phần giữa tập thơ của tôi được đặt tên là “Hoàng hôn Maruri”. Không một ai từng hỏi tôi Maruri có nghĩa là gì. Có thể một số ít người biết đó chỉ là một con phố khiêm nhường thường xuyên đón những buổi hoàng hôn lạ thường nhất.

Năm 1923, tập thơ đầu tiên của tôi, “Crepusculario”, ra đời. Tôi xoay xở từng ngày, cố gắng trả tiền cho lần in đầu tiên. Tôi đã bán vài thứ đồ nội thất tôi sở hữu. Một chiếc đồng hồ mà cha tôi đã trịnh trọng đưa cho tôi, trên đó có hai lá cờ chéo nhỏ được tráng men, sớm chạy ra tiệm cầm đồ. Bộ đồ thi sĩ màu đen của tôi cũng đi theo chiếc đồng hồ. Lão thợ in rất cương quyết, và cuối cùng, khi bản in đã sẵn sàng và bìa sách đã được đóng, lão nói với tôi kèm theo cái nhìn độc địa, “Không. Anh sẽ không được lấy một bản nào cho đến khi trả hết tiền cho tôi”. Nhà phê bình Alone hào phóng đã ủng hộ những đồng peso cuối cùng, mà lão thợ in vơ sạch, và tôi đi ra đường với đống sách lên vai cùng đôi giày lủng lỗ chỗ, nhưng trong lòng tràn ngập niềm vui.

Tập thơ đầu tiên của tôi đã ra đời như vậy! Tôi luôn tâm niệm rằng nhiệm vụ của người viết không liên quan gì đến sự bí ẩn hay phép thuật, và rằng nhà thơ, ít nhất, phải là nỗ lực cá nhân vì lợi ích của tất cả mọi người. Điều gần gũi nhất với thơ ca là một ổ bánh mì hoặc một chiếc đĩa sứ hay là một mảnh gỗ được chạm khắc một cách đáng yêu, ngay cả khi bằng đôi tay vụng về. Tuy nhiên tôi không tin bất kỳ nghệ nhân nào ngoại trừ nhà thơ, người vẫn rung động bởi sự mơ hồ của những giấc mơ của mình, từng trải qua những trạng thái ngây ngất có được chỉ một lần trong đời, bởi thành quả đầu tiên do chính tay anh ta tạo ra. Đó là một khoảnh khắc sẽ không bao giờ trở lại. Sẽ có nhiều phiên bản, trau chuốt hơn, đẹp đẽ hơn. Lời nói của anh ta sẽ được rót vào những cốc ngôn ngữ khác giống như rượu vang, để ca vang và lan tỏa hương thơm của nó đến những nơi khác trên trái đất này. Nhưng khoảnh khắc đó khi cuốn sách đầu tiên xuất hiện với mực in còn tươi rói trên giấy in nóng hổi, khoảnh khắc mê hoặc và ngây ngất, với tiếng đập cánh hay bông hoa đầu tiên nở trên đỉnh cao chinh phục, khoảnh khắc đó chỉ xuất hiện một lần trong cuộc đời nhà thơ.

Một trong những bài thơ của tôi dường như đã vượt thoát khỏi tập thơ non nớt đó và tự đứng vững: Bài thơ “Vĩnh biệt”, mà nhiều người, ở bất cứ nơi nào tôi đến, vẫn thuộc lòng nó. Họ sẽ đọc nó cho tôi nghe ở những nơi khó ngờ nhất, hoặc đề nghị tôi đọc nó. Tôi thấy khó chịu, nhưng khi tôi được giới thiệu tại một buổi họp mặt, vài cô gái sẽ cất lên những dòng thơ ám ảnh đó, và đôi khi các bộ trưởng đón tiếp tôi với lối chào quân sự trong khi đọc đoạn thơ đầu tiên.

Nhiều năm sau ở Tây Ban Nha, Federico García Lorca kể với tôi rằng điều tương tự cũng xảy ra với bài thơ “La casada infiel” của anh. Minh chứng tuyệt vời nhất về tình bạn mà Federico có thể mang đến cho bất cứ ai là lặp lại bài thơ cực kỳ nổi tiếng và đáng yêu của anh. Chúng ta trở nên ác cảm với sự thành công không lay chuyển của một trong những bài thơ của chúng ta. Đây là một cảm giác lành mạnh và tự nhiên. Sự áp đặt như vậy bởi độc giả có khuynh hướng làm cho nhà thơ chững lại trong một thời điểm, trong khi sáng tạo thực sự là một bánh xe quay đều với sự trôi chảy và tự tin hơn, dù cho có lẽ ít tươi mới và tự phát hơn.

Tôi đã bỏ tập “Crepusculario” lại sau lưng mình. Những băn khoăn sâu sắc khuấy động thơ ca tôi. Những chuyến đi ngắn về phương Nam đã tái tạo năng lực của tôi. Năm 1923, tôi đã có một trải nghiệm kỳ lạ. Tôi trở về nhà ở Temuco. Đã quá nửa đêm. Trước khi đi ngủ, tôi mở cửa sổ phòng mình. Bầu trời làm lóa mắt tôi. Cả bầu trời thật sống động, tràn ngập vô số vì sao. Đêm dường như được gội rửa sạch sẽ và các vì sao Nam Cực đang trải rộng ra trên đầu tôi.

Tôi bị mê hoặc bởi các vì sao, bầu trời và vũ trụ bao la. Tôi lao tới bàn và viết lấy viết để, tim đập thình thịch, như thể tôi đang chép chính tả, bài thơ đầu tiên của một tập thơ với nhiều tựa và sẽ chốt lại với tựa “El hondero entusiasta”. Nó mượt mà, như thể tôi đang bơi trong vũng nước của chính mình.

Ngày hôm sau, trong niềm hân hoan ngập tràn, tôi đọc lại bài thơ của mình. Sau đó, khi tôi đến Santiago, thầy Aliro Oyarzun lắng nghe những dòng thơ của tôi trong sự ngưỡng mộ. Rồi ông hỏi bằng giọng trầm sâu: “Cậu có chắc những dòng thơ đó không bị ảnh hưởng bởi Sabat Ercasty không?”

“Tôi khá chắc chắn. Tôi đã viết chúng với niềm cảm hứng bất chợt.”

Sau đó tôi quyết định gửi bài thơ của mình cho chính Sabat Ercasty, một nhà thơ Uruguay vĩ đại mà ngày nay bị bỏ quên một cách bất công. Qua ông, tôi nhận ra khao khát của bản thân muốn viết nên những vần thơ không chỉ phản ảnh con người mà còn cả thiên nhiên nữa, những sức mạnh ẩn giấu của nó: một bài sử thi có thể liên hệ mật thiết với bí ẩn lớn lao của vũ trụ và tiềm năng của con người. Tôi bắt đầu trao đổi thư từ với ông. Trong khi đó tôi tiếp tục với tác phẩm của mình và hoàn thiện nó, tôi đọc những bức thư Sabat Ercasty gửi cho tôi - một nhà thơ trẻ vô danh - với sự tập trung cao độ.

Tôi đã gửi đến Sabat Ercasty, ở Montevideo, bài thơ tôi đã viết vào đêm hôm đó và tôi hỏi ông liệu nó có chịu ảnh hưởng gì từ thơ của ông không. Một lá thư tử tế từ ông nhanh chóng trả lời câu hỏi của tôi: “Tôi hiếm khi thấy một bài thơ thành công và tuyệt vời như vậy, nhưng tôi phải nói với anh bạn rằng: Vâng, có hơi hướng của Sabat Ercasty trong những dòng thơ của anh bạn”.

Đó là một tia sáng trong bóng tối, hẳn thế, và tôi vẫn biết ơn vì điều đó. Lá thư đã yên vị nhiều ngày trong túi tôi, nhàu nát cho đến khi rách tả tơi. Nhiều điều bị lung lay. Tôi đặc biệt bị ám ảnh bởi những cảm xúc dồn nén vô nghĩa trong đêm đó. Tôi đã chìm đắm trong những vì sao đó một cách vô ích, cơn lốc của các vì sao đã đánh thức các giác quan của tôi một cách vô nghĩa. Tôi đã mắc sơ sót. Tôi phải cảnh giác với cảm hứng của mình. Lý trí phải dẫn dắt tôi dò dẫm theo những con đường hẹp. Tôi phải học tính khiêm nhường. Tôi đã xé bỏ rất nhiều bản thảo, tôi làm thất lạc nhiều bản khác. Khi đó là vào khoảng mười năm trước khi những bài thơ cuối cùng này xuất hiện trở lại và được xuất bản.

Lá thư của Sabat Ercasty đã chấm dứt khát vọng cháy bỏng của tôi đối với thơ. Tôi đã khóa chặt cánh cửa bằng một lời biện hộ mà tôi không bao giờ có thể tiếp tục, và chủ ý hạ thấp phong cách và biểu hiện của mình. Tìm kiếm những phẩm chất khiêm tốn hơn, vì sự cân bằng trong thế giới nội tâm của bản thân, tôi bắt đầu viết một tập thơ khác. Và kết quả là tập “Veinte poemas” ra đời.

“Veinte de amor y una cancion desesperada” là một tập thơ đau đớn với những bài thơ thôn dã đầy những đam mê thanh xuân đau khổ nhất của tôi, xen lẫn với thiên nhiên bị tàn phá nơi miền nam đất nước tôi. Đó là tập thơ tôi yêu thích bởi vì, dù cho nó mang niềm u uẩn sâu sắc, thì niềm vui sống luôn hiện diện trong nó. Một dòng sông và cửa sông giúp tôi viết nên nó: Dòng sông Tráng lệ. “Veinte poemas” là mối tình của tôi với Santiago, với những con đường thời sinh viên, trường đại học, và thoang thoảng mùi hương kim ngân của tình yêu được đáp trả.

Các đoạn thơ về Santiago được viết ở giữa phố Echaurren và đại lộ Espana, và bên trong tòa nhà cũ của Khu Giảng viên, nhưng cảnh quan luôn là vùng biển và cây cỏ ở phương Nam. Các cầu cảng trong tập “Cancion desesperada” là những chiếc cầu cảng cũ ở Carahue và Bajo Imperial: các tấm ván bị vỡ và các thanh dầm giống như những gốc cây bị bào mòn bởi dòng sông rộng: có thể nghe thấy tiếng vỗ cánh của lũ mòng biển và vẫn còn nghe từ tít ngoài cửa sông đó.

Trên chiếc thuyền cứu sinh dài, hẹp, bị bỏ rơi, sót lại từ con tàu đắm, tôi đọc toàn bộ tác phẩm “Jean Christophe”, và tôi viết “Cancion desesperada”. Tôi chưa bao giờ thấy bầu trời xanh đến thế. Tôi thường viết bên trong thuyền, vùi trong lòng đất. Tôi không nghĩ rằng mình lại quá cao hứng hay sâu sắc trong những ngày đó. Trên cao, bầu trời xanh không thể xuyên thủng. Trên tay tôi là bộ “Jean Christophe” hay những dòng thơ mới của mình. Cạnh tôi, mọi thứ đã hiện diện và tiếp tục hiện diện trong thơ tôi: âm thanh xa xôi của biển cả, tiếng kêu của lũ chim hoang, và tình yêu cháy bỏng, không tự hủy, như một bụi cây bất tử.

Tôi luôn được hỏi ai là người phụ nữ trong tập thơ “Veinte poemas”, một câu hỏi thật khó trả lời. Hai người phụ nữ hiện diện đan xen nhau trong những bài thơ u sầu và đam mê này, có thể nói rằng, Marisol và Marisombra: là Biển và Mặt trời hay Biển và Bóng tối. Marisol là tình yêu nơi miền quê mê hoặc, với những vì sao in đậm dưới trời đêm, và đôi mắt đen tuyền như bầu trời Temuco ẩm ướt. Nàng xuất hiện với tất cả niềm vui và vẻ đẹp sống động ở mọi trang thơ, được bao bọc bởi vùng nước quanh hải cảng và bởi ánh trăng lưỡi liềm trên những đỉnh núi. Marisombra là nữ sinh chốn thị thành. Với mũ nồi xám, đôi mắt dịu dàng, thoảng mùi hương kim ngân cho những ngày tự do và vô lo của tôi nơi giảng đường đại học, sự yên bình tự nhiên của những cuộc gặp gỡ đầy đam mê ở những chốn ẩn náu trong thành phố.

Trong khi đó, đời sống ở Chile đã thay đổi.

Phong trào nhân dân Chile bắt đầu nổi lên, họ kêu gọi và tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ giới sinh viên và nhà văn. Một mặt, nhà lãnh đạo vĩ đại của giai cấp tiểu tư sản, Arturo Alessandri Palma, một người năng động và mị dân, đã trở thành Tổng thống Cộng hòa, mặt khác trước đó ông ta làm rung chuyển đất nước bằng những bài diễn văn đầy kịch tính và đe dọa. Cho dù có tính cách phi thường, nhưng khi đã nắm quyền, ông ta nhanh chóng trở thành nhà cai trị cổ điển ở châu Mỹ latinh; khu vực thống trị của những kẻ độc tài, những kẻ mà ông ta đã đấu tranh, phơi bày mặt trái của nó và nhấn chìm ông cùng những bài phát biểu mang tính cách mạng của mình. Đất nước tiếp tục bị xâu xé bởi xung đột gay gắt.

Cùng lúc, một nhà lãnh đạo giai cấp công nhân, Luis Emilio Recabarren, hoạt động cực kỳ tích cực trong việc tổ chức giai cấp vô sản, thành lập các trung tâm công đoàn, thiết lập chín hay mười tờ báo công nhân trên toàn quốc. Hàng loạt các vụ thất nghiệp gây rúng động các tổ chức. Tôi đã cộng tác các bài báo hàng tuần cho tờ Claridad. Học sinh chúng tôi ủng hộ các quyền của người dân và bị cảnh sát đánh đập trên đường phố Santiago. Hàng ngàn công nhân mất việc ở các mỏ bạc và đồng đổ xô về thủ đô. Các cuộc biểu tình và sự đàn áp sau đó đã để lại một vết nhơ bi thảm trên đời sống của đất nước.

Từ thời điểm đó và với những sự gián đoạn, chính trị đã trở thành một phần trong thơ ca và cuộc sống của tôi. Trong những bài thơ của mình, tôi không thể khép mình với đường phố, cũng giống như tôi không thể khép mình với tình yêu, cuộc sống, niềm vui, hay nỗi buồn trong trái tim thi sĩ trẻ tuổi của mình.     


Ngôn từ  

…Bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn muốn, hẳn thế, nhưng đó là những từ được cất lên, trầm bổng… Tôi cúi chào chúng… Tôi yêu chúng, tôi bám lấy chúng, tôi níu chúng xuống, tôi cắn vào chúng, tôi làm tan chảy chúng... Tôi yêu ngôn từ tha thiết... những lời đường đột... Những lời tôi tham lam chờ đợi hay lén lút dõi theo, rồi đột nhiên, chúng rơi xuống... Những âm tiết tôi yêu mến... Lấp lánh như những viên đá đầy sắc màu, nhảy múa như chú cá bạc, chúng là bọt, là sợi, là kim loại, là sương sa... Tôi đuổi theo những lời đó... Chúng đẹp đến mức tôi muốn xếp tất thảy chúng vào bài thơ của mình... Tôi bắt lấy chúng trong lúc chúng đang bay, khi chúng qua, tôi tóm chúng, rửa chúng, gọt chúng, tôi ngồi trước bàn ăn, với tôi chúng là những khối tinh thể, sống động, ngà, là rau, là dầu ăn, giống như trái cây, giống như tảo, giống như mã não, giống như dầu ô liu... Rồi tôi khuấy chúng, tôi lắc chúng, tôi uống chúng, tôi nuốt chúng xuống, tôi nghiền chúng, tôi trang điểm chúng, tôi để chúng đi... Tôi để chúng lại trong bài thơ của tôi như thạch nhũ, như mảnh gỗ đánh bóng, như những hòn than, những thứ nhặt được từ một con tàu đắm, những món quà từ những con sóng... Mọi thứ tồn tại trong ngôn từ... Ý nghĩa thay đổi hoàn toàn khi đổi chỗ một từ, hoặc một từ lạc lõng trong câu... Chúng có hình bóng, trong suốt, có sức nặng, có lông, có tóc, và mọi thứ chúng thu nhận được từ rất nhiều lần lăn xuống dòng sông, từ rất nhiều lần lang thang khắp chốn, từ sự bắt rễ quá lâu... Chúng vừa rất xưa cũ vừa rất mới... Chúng sống trong những chiếc quan tài kín đáo, và trong nụ hoa vừa chớm nở... Thật là một ngôn ngữ tuyệt vời đối với tôi, đó là một ngôn ngữ xuất sắcmà chúng tôi thừa hưởng từ những kẻ chinh phục dữ dằn... Họ vượt qua những dãy núi khổng lồ, băng qua vùng lãnh thổ châu Mỹ gồ ghề, săn tìm khoai tây, xúc xích, đậu, thuốc lá đen, vàng, ngô, trứng chiên, với sự thèm khát ngấu nghiến chưa từng thấy... Họ vơ vét mọi thứ, tôn giáo, kim tự tháp, bộ tộc, ảnh tượng giống như những gì họ mang theo trong những chiếc bao tải khổng lồ của họ... Bất cứ nơi nào họ đến, họ san bằng tất cả... Nhưng ngôn từ rơi xuống như đá cuội rơi khỏi giày của những kẻ man rợ, thoát khỏi mũi tên của họ, mũ sắt của họ, móng ngựa của họ, những từ rõ ràng vẫn còn lấp lánh nơi đây... ngôn ngữ của chúng tôi. Chúng tôi đã gần như thất bại... Chúng tôi đã gần như chiến thắng... Họ lấy đi châu báu và để lại cho chúng tôi châu báu... Họ lấy đi mọi thứ và để lại cho chúng tôi mọi thứ... Họ để lại cho chúng tôi ngôn từ.

Ngô Thanh Tuấn giới thiệu và dịch  
(TCSH357/11-2018)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Gam màu lạnh (13/12/2018)
Biển (07/12/2018)
Tình yêu (29/11/2018)