Tạp chí Sông Hương - Số 358 (T.12-18)
Liên văn bản chưa được xác định
14:57 | 02/01/2019

MICHAEL RIFFATERRE

Thay mặt các đồng nghiệp của tôi từ Khoa Văn học và Tiểu thuyết Pháp, tôi xin hoan nghênh những người đã đến đây để tham dự hội nghị chuyên đề này.

Liên văn bản chưa được xác định
Giáo sư Michael Riffaterre - Ảnh: internet

Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi với người bạn của chúng tôi, Karl Uitti (1*). Nhờ vào sáng kiến của anh ấy trong việc đề ra ý tưởng cho hội nghị chuyên đề này mà hôm nay chúng ta mới có mặt ở đây, để các thành viên của Đại học Princeton và Đại học Columbia có thể gặp gỡ trao đổi với nhau. Chúng tôi đặc biệt biết ơn anh ấy vì đã nhắc lại, trong việc lựa chọn phạm vi chủ đề để tổ chức hội nghị này, vai trò của Đại học Columbia trong việc phát triển các nghiên cứu văn học thời Trung cổ tại Mỹ. Rất ít ai có đóng góp cho mảng này nhiều hơn Lawton P. G. Peckham(2**), người vừa mới mất cách đây không lâu, và hội nghị này được tổ chức nhằm để tưởng nhớ ông. Bản thân sự nghiệp của ông tượng trưng cho sự hợp tác của hai trường đại học của chúng ta, kể từ khi ông còn làm tiến sĩ tại Đại học Princeton trước khi đến dạy văn học trung cổ tại Đại học Columbia, và tiếp tục giữ vị trí “chủ tịch” lẫn trưởng Khoa Nghệ thuật và Khoa học. Chúng tôi, những người đã được hưởng lợi từ việc học tập và giảng dạy từ ông, sẽ vẫn trung thành với hình mẫu của ông và tưởng nhớ đến ông với một tình bằng hữu.

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh đến những ý nghĩa có được từ sự tiến triển của tờ tạp chí mà chúng tôi đã công bố. Từ lâu tờ
Romanic Review của chúng tôi được coi là tương đương với tờ Romania ở Mỹ, và hiện đang hướng tới lý thuyết văn học cũng như ứng dụng ký hiệu học để phân tích văn bản mà không bỏ qua văn học thuộc thời kỳ Trung cổ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả. Dưới sự soi sáng của nền thơ ca hiện đại, chúng ta biết được rằng các nhà Trung cổ là những người đầu tiên chịu đổi mới các bút pháp của họ. Chủ đề của hội nghị chuyên đề này phản ánh sự đổi mới này, và tôi sẽ sử dụng nó như một cái cớ để góp một đôi lời vào vấn đề nổi cộm hiện nay, tính liên văn bản.

            M.R 


Vấn đề mà tôi muốn nói đến ở đây là sự nhầm lẫn thường xuyên diễn ra giữa tính liên văn bản (intertextualité) và liên văn bản (intertexte). Liên văn bản là tập hợp các văn bản có thể được coi như là các văn bản mà chúng ta đã có trước đó. Nó là tập hợp các văn bản mà chúng ta tìm thấy ở trong ký ức của chúng ta khi ta đọc một văn bản cụ thể trước mắt. Liên văn bản là một ngữ liệu bất định (corpus indéfini). Thật vậy, chúng ta có thể luôn công nhận ngay từ đầu rằng, nó là một văn bản khơi mào cho những liên tưởng ký ức ngay khi chúng ta bắt đầu đọc nó. Tuy nhiên, rõ ràng rằng, chúng ta không bao giờ nhìn thấy được sự kết thúc của những liên tưởng này. Những liên tưởng này ít nhiều luôn không ngừng mở rộng ra, ít nhiều phong phú, theo vốn văn hóa của người đọc. Chúng mở rộng và phát triển theo sự tiến triển của vốn văn hóa này, hoặc thậm chí diễn ra theo thời lượng mà chúng ta đọc một văn bản. Đến đây, sai lầm mà tôi nghĩ là hầu hết các nhà phê bình ngày nay mắc phải khi bàn về tính liên văn bản là cho rằng nó chỉ đơn giản bao gồm một sự nhận thức hoặc một ý thức về liên văn bản.

Nếu tính liên văn bản được quy giản thành một sự nhận thức như thế, thì chúng ta chẳng cần biết thêm gì nhiều về thuật ngữ này nữa, bởi lẽ nó chỉ đơn giản bao phủ các địa hạt mà chúng ta đã từng biết đến trước đó mà thôi, chính vì thế thuật ngữ liên văn bản được dùng để áp dụng vào các địa hạt như thế không hơn không kém. Nhận thức về liên văn bản tiền kỳ (l’intertexte antérieur) đến từ lịch sử của những sự ảnh hưởng (l’histoire des influences), những sự phân nhánh văn học (filiations littéraires), từ nghiên cứu truyền thống về những nguồn gốc, một truyền thống khá bị mất tín nhiệm trong giai đoạn gần đây. Nhận thức về liên văn bản hậu kỳ (l’intertexte postérieur) thuộc về lịch sử của một sự sống sót của một tác phẩm (l’histoire de la survie d’une œuvre), nhờ đó ngữ văn học của thế kỷ vừa qua mới được gọi là Nachleben [Tàn tích]. Nhận thức không theo trình tự niên biểu này (a-chronique) về liên văn bản thuộc về chủ đề học (thématologie).

Nhưng tính liên văn bản còn hơn hẳn siêu ngôn ngữ (métalangage). Nếu tính liên văn bản được quy giản thành nhận thức về liên văn bản, thì nó sẽ hoạt động tốt hơn khi mà người đọc nhận thức rõ hơn về liên văn bản này. Chức năng của một liên văn bản nào đó sẽ bị vô hiệu hóa ngay khi một thế hệ người đọc mới xuất hiện. Với những người này thì truyền thống của thế hệ trước đó sẽ là một văn tự đã chết (lettre morte). Nếu nội dung của một nền văn hóa thay đổi, thì liên văn bản cũng sẽ không còn nữa một khi phương ngữ (sociolecte) của người đọc ngày nay đã rất khác biệt so với phương ngữ của người đọc đương thời ở giai đoạn văn bản được sáng tạo ra. Tôi cần nhấn mạnh rằng điều này đúng với trường hợp của nền văn học trung cổ. Chúng ta sẽ biết rất ít về những thay đổi văn hóa diễn ra vào thời Trung cổ nếu chúng ta không thực sự ướm thử mình vào đôi chân của người đọc thế kỷ XVIII, ví dụ, để kiến tạo lại hình ảnh tác phẩm mà tác giả, sau đó, chỉ được coi như là người tiếp nhận tác phẩm của mình.

Nhưng không có lý do gì để tin rằng một nhận thức sâu sắc hơn, phát triển hơn về liên văn bản lại khiến cho tính liên văn bản vận hành tốt hơn cả. Hầu như điều này càng khiến cho tính liên văn bản vận hành theo một cách khác đi. Sự bất thường của lịch sử là một tổn thất của liên văn bản khiến cho cơ chế liên văn bản không ngừng bị trục trặc, vì lý do đơn giản rằng cái khơi mào cho cơ chế này là nhận thức ở trong văn bản về dấu vết liên văn bản (trace de l’intertexte). Tuy nhiên, dấu vết này lại bao chứa những tính dị thường nội văn bản (anomalies intratextuelles)(3). Ví dụ như một sự tối nghĩa, nó xảy ra ở một cụm từ không thể giải nghĩa được chỉ thông qua một ngữ cảnh, một sự sai biệt về từ vựng được so sánh với một tiêu chuẩn cấu thành nên vốn từ vựng của văn bản. Những tính dị thường này, tôi sẽ gọi chúng là những tính phi ngữ pháp (agrammaticalités) của văn bản. Thuật ngữ này sẽ không được hiểu theo nghĩa hẹp của sự sai biệt về ngữ pháp mà nó luôn bao phủ một sự cải biến trước bất kỳ hệ thống ngôn ngữ nào đó bao gồm hình thái học, cú pháp học, ngữ nghĩa học, ký hiệu học. Những tính dị thường này chỉ ra sự hiện diện tiềm ẩn, ngấm ngầm của một bộ phận khác lạ, đó là liên văn bản. Chúng đủ để viện dẫn nơi người đọc những phản ứng cho thấy rằng sự nhận dạng liên văn bản sẽ tiếp tục và kéo dài, nhưng ở mức tối thiểu, điều này đủ để dành cho sự hiện hữu của riêng chúng.

Tôi sẽ định nghĩa lại tính liên văn bản như sau: nó là một hiện tượng hướng dẫn lối đọc văn bản, mà lối đọc này sau cùng chi phối sự diễn giải về văn bản đó, và đó là lối đọc ngược lại với lối đọc tuyến tính. Lối đọc này là một kiểu mẫu tiếp nhận văn bản chi phối quá trình sản sinh sự tạo nghĩa (signifiance), trong khi lối đọc tuyến tính chỉ chi phối quá trình sản sinh ý nghĩa (sens). Đây là kiểu mẫu tiếp nhận qua đó người đọc dần ý thức được rằng, trong tác phẩm văn học, các từ ngữ không chỉ thể hiện năng lực tạo nghĩa của chúng thông qua sự quy chiếu nhắm đến các sự vật hoặc các khái niệm, mà còn hơn thế, thông qua sự quy chiếu nhắm đến một vũ trụ phi ngôn ngữ (univers non-verbal). Chúng có nghĩa thông qua quy chiếu nhắm đến phức hệ của những sự trình hiện đã được tích hợp đầy đủ ở trong vũ trụ ngôn ngữ. Những phức hệ này có thể là những văn bản đã biết đến trước đó, hoặc các phân mảnh của các văn bản còn sót lại từ sự phân tách ngữ cảnh của chúng, và là cái mà người ta nhận thức, ở trong một ngữ cảnh mới, rằng chúng đã hiện hữu trước đó. Những phức hệ này đi đến hồi kết thông qua việc trở thành sự lưu hành của phương ngữ hiện thời. Chúng có thể được liên kết lại lần nữa (hoặc đã được liên kết ở giai đoạn xuất hiện đầu tiên) với một thể loại (ví dụ, các công thức của một bài hát thể hiện qua điệu bộ cử chỉ, hoặc lời nói rập khuôn về chân dung của các vị anh hùng mà một luận văn ở Đại học Columbia đã nghiên cứu về Chrétien de Troyes(4, 5***)). Nhưng những phức hệ này còn hơn cả những hệ thống mô tả (système descriptif)(6) bởi vì chúng không còn được liên hệ với các văn bản gốc của chúng nữa và chúng là cái không khác so với ý thức ngôn ngữ của người đọc.

Vì thế, điều này được hiểu như sau, sự sản sinh ý nghĩa trong tác phẩm văn học bắt nguồn từ một quá trình hai mặt của sự đọc: một mặt, sự hiểu về một từ ngữ đi theo các quy tắc ngôn ngữ (règles du langage) và các quy chế của ngữ cảnh (contraintes du contexte), và mặt khác, nhận thức về từ ngữ như là thành viên của một nhóm này nhưng nó đã được biết trước với một vai trò xác định ở một nhóm khác. Điều này không có nghĩa là việc đọc văn học theo sau nó là một thực hành đã được biết trước (pratique du déjà-vu). Nói rộng ra, đây là một thực hành của những gì có thể đã được biết trước. Cái đã được biết trước không chỉ có thực mà còn là cái đã được biết trước tiềm tàng. Vì mọi từ ngữ thích hợp ở trong tác phẩm văn học, tức là mọi từ ngữ được đánh dấu theo phong cách riêng, trong chừng mực nhất định biểu thị cái mà nó tiền giả định cho một văn bản. Văn bản mà chúng ta đọc vì thế bao chứa cả những từ vựng và cụm từ, giống như bất kỳ một sự phối hợp ngôn ngữ nào đó. Nhưng nó mang tính văn học chỉ trong chừng mực mà nó bao chứa các văn bản nhờ đó các từ vựng này được xem là một phần của chúng, và những cụm từ này chỉ là những trích dẫn thành phần của các văn bản đó mà thôi.

Vì thế, văn bản văn học phải được trình ra không phải như là một sự vận hành của các từ ngữ được nhóm lại ở trong các cụm từ, mà như là một phức hệ của các tiền giả định (complexe de présuppositions), ở đó mỗi từ ngữ của văn bản giống như một đỉnh chóp của các tảng băng trôi mang tính ẩn dụ. Văn bản có được giống như một sự vận hành của các thành lũy (enchâssements) (hiểu theo nghĩa ngôn ngữ học của từ này). Đó là một loạt các văn bản được quy giản thành các từ vựng làm biểu tượng cho chúng, một loạt các văn bản được lập thành từ vựng, mỗi một trong số chúng tự dựa vào một phức hệ liên văn bản (complexe intertextuel). Theo quan điểm của tôi, cách duy nhất để khắc phục cái còn chưa được biết liên quan đến liên văn bản trung cổ là phải thay đổi đường hướng nghiên cứu truyền thống, để nhắm đến một sự hồi phục khảo cổ học (restitution archéologique). Thay vì tái kiến tạo ngữ liệu, cố gắng xác định bản chất của các tiền giả định, cố gắng xác định các quy tắc qua đó một tiền giả định mở ra nơi người đọc một sự viết hoặc nơi người nghe một sự nói, thì một hoạt động liên tưởng sẽ khiến anh ta hiểu được sự thiếu vắng của văn bản và hoàn thiện một thông điệp mà sự trống rỗng cục bộ của nó gây ra, chính sự bất toàn này của văn bản sẽ mời gọi anh ta kiến tạo lại nó.

Phạm Tấn Xuân Cao dịch
Nguồn: “L’intertexte inconnu” [Tạp chí Văn chương (Littérature, số 41, năm 1981)]; chuyên đề “Liên văn bản và tiểu thuyết Pháp thời Trung cổ” (Intertextualité et roman en France, au Moyen Âge), trang 4-7.  
(TCSH358/12-2018)

-----------------
(1*) Karl Uitti là một học giả đầu ngành về ngôn ngữ La Mã, đặc biệt ông còn là chuyên gia về văn  học Pháp thời trung cổ trong việc áp dụng các phương pháp hiện đại để nghiên cứu đồng thời làm nổi bật các giá trị ngôn ngữ và văn học thời trung cổ. [ND]
(2**) Lawton P. G. Peckham (1904-1979) được xem là một trong số những chuyên gia về văn học  Pháp thời trung cổ. Năm 1931, ông hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton và kể từ năm 1940 ông trở thành thành viên của Khoa rồi làm trưởng Khoa từ năm 1958-1961 đến năm 1971 thì ông về hưu. [ND]
(3) Tôi đã cố gắng định nghĩa loại hiện tượng này ở trong bài “Dấu vết liên văn bản” (La Trace de  l’intertexte), La Pensée française, 10/1980.
(4) Alice M. Colby, Chân dung văn học Pháp thế kỷ XX (The Portrait in Twelfth Century French  Literature), Genève, Droz, 1965. Thật may là tôi đủ điều kiện để hướng dẫn luận văn này, và cũng xin thứ lỗi khi đã để một nhà lý thuyết đơn thuần đến nói chuyện với các chuyên gia trung cổ.
(5***) Chrétien de Troyes là một nhà thơ và người hát rong người Pháp cuối thế kỷ XII. Ông được biết  đến với các tác phẩm nói về vua Arthur, và tạo ra nhân vật Lancelot. Các tác phẩm của ông được xem là các tác phẩm tốt nhất của văn học thời Trung cổ. [ND]
(6) Về hệ thống mô tả, xin xem cuốn Production du texte của tôi (Paris, Seuil, 1979). Tôi đã phác  thảo ra một loại hình học của liên văn bản trong “Syllepsis”, Critical Inquiry (Chicago) 6.4., Mùa hè 1980, trang 625-638.
 



 

 

Các bài mới
Người đi qua em (14/01/2019)
Nhớ Huế (08/01/2019)
Các bài đã đăng