Tạp chí Sông Hương - Số 358 (T.12-18)
Paulo Coelho, nhà văn có tác phẩm được đọc nhiều nhất thế giới
09:45 | 08/01/2019

Sinh năm 1947 tại Rio de Janeiro, Brazil, 40 tuổi mới viết và xuất bản cuốn sách đầu tiên, Paulo Coelho được xem là nhà văn (còn sống) được đọc nhiều nhất thế giới: tuy số lượng tác phẩm đến nay chỉ trên 20 cuốn, nhưng đã phát hành đến 86 triệu bản tại 150 quốc gia, trong đó có nhiều cuốn luôn ở trong danh sách best- seller (số liệu tính đến tháng 6/ 2015). Ngày 22/12/2016, trong danh sách 200 tác giả có ảnh hưởng lớn nhất thế giới do công ty Richtopia đề xướng, Paulo Coelho được kể tên ở vị trí thứ 2.

Paulo Coelho, nhà văn có tác phẩm được đọc nhiều nhất thế giới

Như dòng sông đang chảy ghi lại những chuyện kể về những khoảnh khắc tôi đã trải qua, những câu chuyện tôi được nghe thuật lại và những chiêm nghiệm tại mỗi khoảnh khắc trong từng chặng hành trình trên dòng sông đời tôi”. (Paulo Coelho)    


PAULO COELHO

Nước mắt của sa mạc  

Một người bạn của từ Morocco trở về kể câu chuyện thú vị về một nhà truyền giáo. Ngay khi đến Marrakesh, vị này quyết định mỗi sáng sẽ đi bộ trên sa mạc ngay bên ngoài thành phố. Lần đầu tiên làm việc này, ông để ý tới một người đàn ông đang nằm, tai ép sát mặt đất, một bàn tay vỗ lên cát.

Nhà truyền giáo tự nhủ: anh ta điên thật rồi.

Nhưng cảnh này vẫn tái diễn mỗi ngày, sau một tháng, ngạc nhiên về thái độ lạ lùng này, ông quyết định bắt chuyện với người đó. Khó khăn lắm, vì ông chưa rành tiếng Á rập, ông quỳ gối bên cạnh anh ta.
 

Minh họa: Nguyễn Duy Linh

“Anh đang làm gì vậy?”

“Tôi kết bạn với sa mạc, mang đến chút an ủi cho sự cô đơn và những giọt nước mắt của sa mạc”.

“Tôi   không biết là sa mạc cũng có thể rơi nước mắt.”

“Ngày nào sa mạc cũng khóc vì nó mơ sẽ trở nên hữu dụng cho loài người và biến thành một khu vườn rộng lớn để người có thể trồng ngũ cốc, trồng hoa và thả cừu ăn cỏ.”

“Vậy thì anh hãy bảo với sa mạc rằng nó đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng”, nhà truyền giáo nói. “Mỗi khi tôi đi bộ trên sa mạc, tôi hiểu được tầm vóc thực  sự của con người, bởi vì không gian mênh mông của sa mạc nhắc nhở tôi rằng chúng ta bé nhỏ biết bao so với Thượng Đế. Khi nhìn vào cát sa mạc, tôi hình dung ra hàng triệu con người trên thế giới đã sinh ra bình đẳng, cho dù thế giới không phải lúc nào cũng công bằng với tất cả mọi người. Những ngọn núi nơi sa mạc giúp tôi suy ngẫm, và khi tôi ngắm nhìn mặt trời hiện từ lên phía chân trời, tâm hồn tôi dâng tràn niềm vui, tôi cảm thấy gần với Tạo Hóa hơn.”

Nhà truyền giáo giã từ anh chàng kia để trở về với công việc hàng ngày. Hãy tưởng tượng ông ngạc nhiên xiết bao khi, vào sáng hôm sau, ông lại thấy người đàn ông cũng tại vị trí đó, cũng tư thế đó.

“Anh đã kể với sa mạc tất cả những gì tôi nói chưa?”

Người đàn ông gật đầu.

“Và nó vẫn khóc?”

“Tôi nghe được từng tiếng nức nở. Bây giờ sa mạc đang khóc vì cả hàng ngàn năm nó cứ tưởng là hoàn toàn vô dụng, là phí thời gian vô ích vào việc báng bổ Thượng Đế và số phận của chính mình.”

“Vâng, anh nói với sa mạc rằng, dẫu cuộc đời ngắn ngủi hơn nhiều, loài người chúng ta cũng mất nhiều thời gian cho rằng chúng ta vô dụng. Hiếm khi chúng ta khám phá được số phận thực sự của mình, và cứ nghĩ là Thượng Đế bất công với chúng ta. Cuối cùng, thời điểm cũng đến, có điều gì đó tiết lộ cho chúng ta cái lý do tại sao chúng ta ra đời, rồi chúng ta cho là đã trễ để thay đổi cuộc sống, và tiếp tục đau khổ, và, giống như sa mạc, tự dằn vặt mình về thời gian đã bỏ phí.”

“Tôi không biết sa mạc sẽ nghe những điều này không. Nó đã quen đau khổ và không nhìn sự vật theo cách khác.”

“Chúng ta hãy làm điều tôi vẫn thường làm khi cảm thấy là mọi người đã mất hết hy vọng. Chúng ta hãy cầu nguyện.”

Cả hai người quỳ xuống và cầu nguyện. Một người hướng về Mecca vì ông ta là tín đồ đạo Hồi, người kia đan hai tay lại với nhau để cầu nguyện vì ông theo đạo Cơ Đốc. Mỗi người cầu nguyện Thượng Đế của mình, mà thực ra cũng chỉ là một Thượng Đế thôi tuy là mọi người đều quyết gọi bằng những tên khác nhau.

Ngày hôm sau, khi nhà truyền giáo lại đi bộ buổi sáng như thường lệ thì người đàn ông kia không có ở đó nữa. Tại vị trí mà anh ta thường ôm hôn mặt đất, cát trông có vẻ ướt, vì có một con suối nhỏ bắt đầu sủi bọt nước nơi đó. Mấy tháng sau, suối lan rộng, dân thành phố xây ở đó một cái giếng.

Dân du mục Bedouin gọi chỗ này là “Giếng Nước Mắt Sa Mạc”. Họ bảo rằng người nào uống nước giếng này sẽ biết cách biến nguyên nhân nỗi khổ thành nguyên nhân của niềm vui, và thôi không tìm kiếm số phận thực sự của mình nữa.   


Người chết mặc bộ quần áo ngủ  

Tôi đọc trên báo mạng tin ngày 10 tháng 6 năm 2004, tại Tokyo, một người đàn ông được tìm thấy đã chết trong bộ quần áo ngủ.

Cho đến nay mọi việc đều ổn. Tôi nghĩ rằng phần nhiều những người chết khi mặc đồ ngủ (a) hoặc là chết khi đang ngủ, đó là điều hạnh phúc, hoặc là (b) đang ở cùng gia đình hay đang nằm bệnh viện, tức là cái chết không đến đột ngột, và họ có đủ thời gian để làm quen với “người khách không được mong đợi” như cách gọi của Manuel Bandeira, nhà thơ Brazil.

Bản tin viết tiếp: khi chết, ông ta đang ở trong phòng ngủ, điều này loại trừ mọi giả thuyết về đau ốm nằm bệnh viện, và chúng ta chỉ còn có thể nghĩ là ông chết khi đang ngủ, chẳng đau đớn gì, cũng chẳng nhận thức là mình sẽ không nhìn thấy lại ánh sáng ban mai.

Tuy nhiên, vẫn còn một khả năng: có thể ông bị tấn công hay sát hại.

Ai đã từng biết Tokyo ắt cũng biết rằng, tuy rộng lớn, đây là một trong những nơi an ninh nhất trên thế giới. Tôi nhớ một lần dừng chân dùng bữa với những nhà phát hành người Nhật trước khi lái xe đi tiếp vào nội địa nước Nhật. Tất cả túi xách đều để ở băng ghế sau xe hơi. Tôi nói ngay là thế này thì nguy hiểm quá; có thể ai đấy đi qua, nhìn thấy hành lý của chúng ta và lấy đi hết áo quần, tài liệu và tất cả các thứ khác. Người bạn phát hành mỉm cười bảo tôi chớ bận tâm; suốt đời ông chưa hề biết chuyện như thế xảy ra bao giờ cả (và thật vậy chẳng có chuyện gì xảy ra với hành lý của chúng tôi, thế mà suốt bữa ăn tôi vẫn thấy căng thẳng).

Nhưng hãy trở về với người đàn ông chết trong bộ quần áo ngủ: không có dấu hiệu xô xát, bạo lực hay chuyện gì tương tự thế cả. Một viên chức của Sở Cảnh sát trả lời phỏng vấn của tờ báo đã cho biết hầu như chắc chắn rằng ông ta chết vì đột quỵ. Vậy thì cũng loại trừ giả thuyết bị sát hại luôn.

Thi thể được các công nhân của một công ty xây dựng phát hiện tại tầng hai một tòa nhà trong khu định cư sắp bị phá dỡ. Tất cả cho chúng ta nghĩ rằng người chết trong bộ đồ ngủ do không thể tìm được chỗ tá túc tại một trong những nơi đông đúc nhất và đắt đỏ nhất thế giới đành phải quyết định tìm đến sống nơi tòa nhà này để khỏi phải trả tiền nhà.

Giờ mới đến phần thảm thiết của câu chuyện. Người chết chẳng còn lại gì ngoài bộ xương khô trong quần áo ngủ. Bên cạnh là một tờ nhật báo mở ra, đề ngày 20 tháng 2 năm 1984. Trên chiếc bàn kế bên, tấm lịch cũng chỉ đúng ngày tháng đó.

Ông đã nằm đấy hai mươi năm rồi.

Không ai để ý đến sự vắng mặt của ông.

Người đàn ông được xác nhận nguyên là công nhân của công ty phụ trách xây dựng khu định cư, nơi ông chuyển đến làm việc vào đầu thập niên 1980, ngay sau khi ly dị vợ. Ông mới qua tuổi năm mươi vào cái ngày ông đọc báo và đột ngột lìa đời.

Vợ cũ của ông không hề tìm cách liên lạc với ông. Các nhà báo tìm tới công ty cũ của ông và phát hiện là công ty bị phá sản ngay sau khi dự án hoàn tất vì không thể bán được căn hộ nào, điều này giải thích tại sao những người ở công ty không ngạc nhiên khi thấy ông thôi không tới tìm việc nữa. Các nhà báo truy tìm bạn bè của ông, những người này đều nghĩ là ông biến mất vì đã mượn tiền mà không trả được.

Bản tin kết thúc bằng chi tiết hài cốt của ông đã được chuyển về cho người vợ cũ. Đọc xong bài báo, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu kết này, người vợ cũ vẫn còn sống, vậy mà trong suốt hai mươi năm, bà không một lần thử liên lạc với ông. Điều gì đã xảy ra trong đầu óc bà ta vậy? Rằng ông không còn yêu thương bà nữa, ông quyết gạt bà ra khỏi cuộc đời? Rằng ông đã gặp một phụ nữ khác rồi bỏ đi mất tăm? Rằng cuộc đời thường đơn giản là như thế khi thủ tục ly dị đã kết thúc, rằng chẳng còn chút gì để nối tiếp một mối quan hệ một khi đã chấm dứt về mặt pháp lý? Tôi tưởng tượng xem bà ta đã cảm thấy ra sao khi biết được số phận của người đàn ông đã cùng bà chia sẻ một phần cuộc đời.

Rồi tôi nghĩ đến người đàn ông chết trong bộ quần áo ngủ, nghĩ đến nỗi cô đơn thê thảm và khốc liệt của ông, cô đơn tới mức, trong hai mươi năm đằng đẵng, trên cõi đời này không hề có một ai nhận biết là ông đã biến mất không để lại một dấu vết nào. Tôi chỉ có thể kết luận rằng, tệ hại hơn đói khát, tệ hại hơn thất nghiệp, khổ đau vì tình, thất bại và tuyệt vọng, tệ hại hơn bất cứ điều nào hay tất cả những thứ đó, là cái cảm giác rằng không có ai, tuyệt đối không có ai quan tâm đến chúng ta.

Xin hãy lặng lẽ nguyện cầu cho người đàn ông kia và cám ơn ông đã giúp chúng ta suy nghĩ đến điều TÌNH BẠN quan trọng tới mức nào.   


Làm thế nào một vật có thể chứa đựng mọi vật  

Cuộc hội họp tại nhà một họa sĩ gốc gác Sao Paulo được bố trí tại New York. Chúng tôi đang thảo luận về thiên thần và thuật giả kim. Được một chốc, tôi cố gắng giải thích cho các khách mời khác về lý thuyết giả kim cho rằng mỗi một chúng ta đều chứa cả vũ trụ, và do vậy, phải chịu trách nhiệm về sự hoàn hảo của nó. Tôi cố tìm cho được những từ chính xác, nhưng không sao trưng ra được hình ảnh nào rõ ràng để giải thích quan điểm của mình.

Người họa sĩ, nãy giờ yên lặng lắng nghe, bảo mọi người nhìn ra khung cửa sổ phòng vẽ của mình và hỏi:

“Quý vị nhìn thấy gì?”

“Một đường phố của khu Greenwich Village”, ai đó trả lời.

Người họa sĩ dán một mảnh giấy lên khung cửa sổ để khỏi nhìn thấy con đường nữa; sau đó dùng con dao nhíp cắt một ô nhỏ nơi mảnh giấy.

“Bây giờ nếu có ai nhìn qua ô này thì sẽ thấy gì?”

“Vẫn con đường đó.”, có tiếng trả lời.

Người họa sĩ cắt tiếp nhiều ô khác nơi mảnh giấy, rồi nói:

“Mỗi ô nhỏ này chứa bên trong nó hình ảnh trọn vẹn của con đường, cũng giống như vậy, mỗi một chúng ta chứa trong tâm hồn mình cùng một vũ trụ”.

Tất cả chúng tôi đều tán thưởng hình ảnh thú vị mà anh ấy đã phát hiện.


Cuộc gặp gỡ không xảy ra
 

Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Tôi tin là, ít nhất mỗi tuần một lần, tất cả chúng ta đều có gặp một người lạ mà mình muốn trò chuyện, nhưng lại không đủ can đảm để làm việc đó. Cách đây ít hôm, tôi nhận được một lá thư về đề tài này, do một bạn đọc mà tôi tạm gọi là Antonio gởi đến. Sau đây tôi tường thuật ngắn gọn chuyện đã xảy đến với anh ta.

Tôi đang đi bộ dọc theo đường Gran Via thì nhìn thấy một phụ nữ, người nhỏ nhắn, làn da sáng, ăn mặc đẹp - đang xin tiền khách qua đường. Khi tôi tới gần, cô xin tôi ít tiền lẻ để mua chiếc sandwich. Ở Brazil, tôi quen nhìn hình ảnh những hành khất mặc áo quần cũ mèm và dơ dáy, do vậy tôi quyết định không cho cô ta gì cả và tiếp tục đi. Tuy nhiên, cái  nhìn cô ta gởi theo tôi lại khiến tôi có một cảm giác lạ lùng.

Tôi về lại khách sạn và bỗng nhiên cảm thấy một thôi thúc khó hiểu phải trở lại nơi đó và cho cô ta tiền - tôi đang trong kỳ nghỉ, vừa ăn trưa xong, trong túi có tiền và thật là tủi nhục vô cùng khi phải ăn xin ngoài đường để mọi người dòm ngó.

Tôi trở lại vị trí hồi nãy đã gặp cô. Cô ta không còn ở đó nữa; tôi đi tìm ở mấy con đường gần đó, nhưng không còn thấy dấu vết nào của cô. Ngày hôm sau, tôi lặp lại cuộc hành hương này và vẫn vô vọng.

Từ hôm đó, tôi chỉ ngủ chập chờn. Tôi quay về Brazil và kể chuyện này cho một người bạn. Cô bạn nói rằng tôi đã thất bại khi thực hiện mối nối kết rất quan trọng và khuyên tôi nên cầu Thượng Đế giúp đỡ. Tôi cầu nguyện và tưởng là đã nghe được một giọng nói bảo tôi cần phải tìm gặp người phụ nữ hành khất này lại. Tôi thổn thức cả đêm, không ngủ lại được; tôi hiểu rằng không thể tiếp tục như thế này được nên cố vơ vét cho đủ tiền mua vé trở lại Madrid hầu tìm lại người phụ nữ hành khất.

Tôi bắt đầu một cuộc tìm kiếm chừng như dài vô tận, hết lòng hết sức mình, thời gian cứ qua đi, túi tôi đã cạn dần. Tôi tới hãng du lịch đổi vé ngày về lại Brazil cho đến khi tôi có thể trao cho người phụ nữ kia khoản tiền mà đáng lẽ tôi đã cho hôm gặp lần đầu.

Khi bước ra cửa hàng du lịch, tôi vấp một bậc cấp và đụng phải một ai đó - chính là người phụ nữ tôi đang đi tìm.

Tôi tự động cho tay vào túi, lấy ra tất cả số tiền có trong đó và đưa hết cho cô ta; tôi nhận thấy một cảm giác thanh thản và biết ơn Thượng Đế về cuộc gặp lặng lẽ thứ hai này, về cơ hội thứ hai này.

Từ đấy tôi còn nhiều dịp trở lại Tây Ban Nha, và tôi biết tôi sẽ không bao giờ gặp lại cô ta lần nữa, nhưng tôi đã làm được việc mà con tim mách bảo.   


Raj kể tôi nghe một chuyện

Một góa phụ trong một ngôi làng nghèo ở Bengal không có đủ tiền cho con trai đi xe buýt, đến lúc con đi học, nó phải một mình đi bộ băng qua rừng. Để trấn an con, bà nói:

“Đừng sợ rừng con ạ. Hãy xin Thần Krishna cùng đi với con. Thần sẽ nghe lời cầu nguyện của con đó.”

Cậu bé nghe theo gợi ý của mẹ, và Krishna hiện ra đúng lúc rồi từ đó cùng đi với cậu tới trường.

Rồi đến hôm sinh nhật của thầy giáo, cậu bé xin mẹ tiền để mua quà tặng thầy.

“Chúng ta không có tiền đâu con. Hãy xin anh Krishna của con mua quà cho.”

Ngày hôm sau, cậu bé trình bày khó khăn của mình với Krishna và vị thần liền cho cậu một bình sữa.

Cậu bé hãnh diện đưa bình sữa cho thầy, nhưng quà của các học sinh khác giá trị hơn nhiều nên thầy không để ý đến quà của cậu.

Thầy bảo người phụ tá: “Mang bình sữa này xuống nhà bếp.”

Người phụ tá làm theo lời thầy. Tuy nhiên khi anh ta đổ sữa ra thì ngay lập tức sữa tự đầy bình trở lại. Anh báo cho thầy giáo biết, thầy ngạc nhiên hỏi cậu bé:

“Con lấy bình sữa này ở đâu, và làm sao mà nó cứ tự làm đầy mãi như thế được?”

“Thưa Thầy, thần rừng Khrisna cho con đó!”

Thầy giáo, học sinh và người phụ tá đều bật cười.

“Chẳng có thần thánh nào trong rừng cả, toàn chuyện mê tín dị đoan,” thầy giáo nói. “Nếu quả thực có thần, chúng ta thử đi gặp xem sao.”

Mọi người ra đi. Cậu bé lên tiếng gọi Krishna nhưng thần không hiện ra. Cậu bé cố gọi lần cuối, không hy vọng gì:

“Hỡi thần Krishna, thầy giáo muốn gặp thần. Xin hiện ra đi!”

Ngay lúc này, một giọng nói trổi lên và vang khắp rừng:

“Làm sao mà ông ấy có thể muốn nhìn thấy ta hở cậu bé? Ông ta còn không tin là ta hiện hữu mà!”


Thời điểm rạng đông  

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Shimon Peres, người đoạt giải Nobel về hòa bình, kể câu chuyện sau:

Một vị giáo sĩ Do Thái họp các môn sinh và hỏi:

“Làm sao biết được thời điểm chính xác lúc đêm kết thúc và ngày bắt đầu?”

“Khi có ánh sáng vừa đủ để phân biệt cừu và chó”, một người đáp.

Người khác nói: “Không phải, đó là lúc có ánh sáng vừa đủ để phân biệt cây olive với cây sung.”

“Không, giải thích như thế vẫn chưa đúng.”

“Vậy thì câu trả lời chính xác là sao ạ?’, tất cả lên tiếng hỏi.

“Khi một người lạ mặt tới gần, và chúng ta nghĩ đó là người anh em và mọi xung đột đều biến mất, đấy mới chính là lúc đêm kết thúc và ngày bắt đầu.”   


Sự quan trọng của con mèo trong thiền định  

Khi viết cuốn Veronika quyết chết, cuốn sách nói về sự loạn trí, tôi phải tự đặt ra câu hỏi bao nhiêu việc ta làm thực sự là cần thiết và bao nhiêu việc là vô lý. Tại sao ta thắt cà vạt? Tại sao kim đồng hồ xoay theo chiều của nó? Nếu ta sống với hệ thống thập phân thì tại sao ngày lại có hai mươi bốn giờ và giờ có sáu mươi phút?

Thực tế là nhiều quy tắc chúng ta tuân thủ hiện nay chẳng có cơ sở đúng đắn nào. Tuy vậy, nếu ta chọn lối hành xử khác đi thì ta sẽ bị xem là “điên khùng” hoặc “không chín chắn”.

Cứ theo cái đà này, xã hội sẽ tiếp tục tạo ra những hệ thống mà, theo dòng thời gian, rốt cuộc sẽ chẳng có ý nghĩa gì, thế nhưng vẫn tiếp tục áp đặt lên ta những quy tắc của chúng. Một câu chuyện khá thú vị của Nhật minh họa cho quan điểm của tôi.

Một vị thiền sư nổi tiếng, trụ trì thiền viện Mayu Kagi, có nuôi một con mèo, là tình yêu đích thực trong đời ông. Vào giờ dạy thiền định, ông luôn cho con mèo ngồi kế bên, để có thể hưởng được niềm vui ở bên cạnh con thú càng nhiều càng tốt.

Bây giờ ông thực đã già lắm rồi, một sáng kia, mọi người phát hiện ông đã chết. Môn sinh lớn tuổi nhất thay thế ông.

“Chúng ta sẽ làm gì với con mèo?”, các vị sư khác hỏi.

Để tỏ lòng tôn kính thầy cũ, vị thiền sư mới quyết định cho phép con mèo tiếp tục hiện diện tại các lớp học Thiền.

Nhiều môn sinh ở các thiền viện gần đó thường hay du hành khắp vùng, phát hiện ra việc tại một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của khu vực, có một con mèo tham gia vào buổi thiền định. Câu chuyện bắt đầu lan truyền.

Năm tháng trôi qua. Con mèo chết, nhưng các môn sinh đã quen với việc nó luôn có mặt nên đi tậu một con mèo khác. Cùng lúc đó, các thiền viện khác cũng bắt đầu đưa mèo vào dự các buổi thiền định, họ tin rằng nhờ có mèo nên thiền viện Mayu Kagi mới nổi tiếng và chất lượng tu tập ở đó mới tốt như vậy, mà quên mất là vị thiền sư trước đây hoàn hảo như thế nào.

Một thế hệ qua đi, những văn bản nói về sự quan trọng của mèo trong thiền định được ấn hành. Một giáo sư đại học khai triển một luận án, được giới học thuật chấp nhận, cho rằng mèo có khả năng làm tăng sự tập trung của con người và loại bỏ năng lượng tiêu cực.

Và như thế, trong vòng một thế kỷ, mèo được xem là một yếu tố thiết yếu trong việc thực hành thiền trong cả vùng này.

Sau đó, có một thiền sư bị dị ứng vì lông mèo, ông quyết định không cho mèo tham dự những buổi hành thiền hàng ngày với thiền sinh nữa.

Mọi người phản đối, nhưng thiền sư vẫn quyết chí. Vì đây là một vị sư có tài năng nên môn sinh vẫn tiến bộ bất chấp việc mèo vắng mặt.

Dần dần, các thiền viện - lúc nào cũng muốn tìm ý tưởng mới, lại chán ngán việc nuôi ăn bao nhiêu là mèo - cũng bắt đầu thôi không cho mèo hiện diện trong các lớp nữa. Hơn hai mươi năm sau, những luận án mới mang tính cách mạng được viết ra, mang các nhan đề rất thuyết phục như “Sự Quan Trọng của việc Thiền Định Không Có Mèo” hay là “Làm Quân Bình Vũ Trụ Thiền Bằng Năng Lực Của Trí Tuệ Và Không Có Trợ Lực Của Mèo”.

Một thế kỷ nữa trôi qua, mèo hoàn toàn biến mất khỏi nghi thức thiền định trong cả khu vực. Nhưng cũng phải mất đến hai trăm năm để mọi thứ trở lại bình thường, và tất cả chỉ vì, suốt thời gian này, không ai nghĩ đến việc thắc mắc tại sao mèo lại có ở đó.

Trong chúng ta có bao nhiêu người, suốt cuộc đời mình, có lần dám hỏi: tại sao ta ứng xử như thế này? Trong những điều ta làm, bao nhiêu lần ta đã dùng tới những “con mèo” phù phiếm như thế mà không đủ can đảm để gạt bỏ đi chỉ vì nghe bảo rằng “mèo” rất quan trọng để giữ cho mọi việc tiến triển suôn sẻ.

Tại sao chúng ta không tìm một cách ứng xử khác?

Việt Phương dịch từ bản tiếng Anh
(Trích tuyển tập “Like the flowing river” - Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha, bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa.- Nxb. Madison Park Press, 2006).  
(TCSH358/12-2018)



 

 

Các bài mới
Người đi qua em (14/01/2019)
Các bài đã đăng
Nhớ Huế (08/01/2019)