Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-18)
Hồi ức về ông Phan xứ Huế - người góp nhặt những mảnh vỡ của thời gian
10:15 | 23/01/2019

NGUYỄN ANH THƯ  

Trước khi hẹn gặp ông Hồ Tấn Phan lần đầu tiên vào năm 2008, tôi đã được đọc nhiều bài viết về “vua đồ cổ xứ Huế”, “người gõ mẻ sành kham nhẫn nhất xứ Huế” “người đọc sử dưới đáy sông Hương”… Dù tiếp cận dưới góc độ sưu tầm cổ vật hay bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, điều dễ nhận ra là bài viết nào cũng dành không ít lời ca ngợi và thái độ khâm phục với ông Hồ Tấn Phan, một thầy giáo lại dành hơn nửa đời mình cho những cổ vật vớt từ dưới đáy sông Hương và các dòng sông ở Huế. Những bài viết về ông Hồ Tấn Phan cũng như sưu tập cổ vật “có một không hai” ở xứ Huế quả thực đã khơi gợi sự tò mò, quan tâm và hứng thú, thôi thúc tôi chọn Huế là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến khảo sát các di tích khảo cổ học Champa ở miền Trung Việt Nam.

Hồi ức về ông Phan xứ Huế - người góp nhặt những mảnh vỡ của thời gian
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan - Ảnh: Võ Hương Lan

Ông Phan - nhà khảo cổ học tay ngang

Qua cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, sang đường Chi Lăng rồi rẽ vào con kiệt nhỏ ở đường Cao Bá Quát, hiện ra trước mắt tôi là một lối đi núp dưới tán cây xanh dẫn đến khu vườn rộng bị phủ kín bởi cơ man đồ gốm, đồ sành, gốm men, đồ đồng, đồ đá nằm xen lẫn nhau… Đối với một người làm khảo cổ, những đồ gốm có tuổi đời hàng trăm năm, hàng ngàn năm đang tụ tập quây quần trong góc vườn, những lu, hũ, bình, vò, bát đĩa… treo trên cây, quây trong giỏ lưới sắt, thậm chí được xếp la liệt dọc theo hành lang, bờ tường, máng nước của ngôi nhà nhỏ trước mắt có sức thu hút đặc biệt, gần như khiến tôi bị thôi miên ngay khi đặt chân đến, trước khi được chủ nhân ra đón.
 

Bàn về đồ gốm Champa với ông Phan năm 2009.  Ảnh Nguyễn Anh Thư

Ông Phan luôn hiện hữu trong ký ức của tôi là người đàn ông có dáng người cao gầy, mái tóc bạc trắng, dáng lưng hơi còng, ánh mắt hấp háy thấp thoáng ánh cười, cách nói chuyện lịch thiệp, dễ gây thiện cảm ngay từ lần đầu gặp gỡ. Câu chuyện đầu tiên giữa chúng tôi là về thế giới gốm quanh ông. Khi nhắc đến gốm, ngay lập tức tôi có thể cảm nhận ở ông sự chăm chú và đam mê cháy bỏng trong suốt câu chuyện xoay quanh từ hiện vật gốm Sa Huỳnh đến Champa, từ gốm đất nung đến gốm men rồi sành, từ những hiện vật gốm thô không rõ công dụng đến những hiện vật gốm men đẹp, độc đáo mà ông sưu tầm được trong hơn nửa cuộc đời mình. Đối với tôi, ông Phan không chỉ là một nhà sưu tập có “gia tài” cực kỳ giàu có về cổ vật, ông còn là một nhà nghiên cứu văn hóa đáng nể với vốn kiến thức uyên thâm, cách biện giải vô cùng chặt chẽ, logic. Thêm vào đó, lối nói chuyện cực kỳ cuốn hút, chất giọng nhẹ nhàng, cách tư duy độc đáo, chủ đề bàn luận rộng mở, không chỉ dừng ở văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ… khiến cho cuộc chuyện trò với ông kéo dài một mạch từ sáng đến quá trưa, khiến cả chủ và khách quên bữa trước khi ra về.

Kể từ đó, tôi đã trở thành khách quen trong “khu vườn gốm” của ông Phan. Nhờ có ông mà trên hành trình vào miền Trung nắng gió tìm kiếm những di tồn vật chất của nền văn hóa Champa, tôi luôn dừng chân lại Huế vài ngày, đôi khi chỉ để trao đổi với ông một vài thông tin xung quanh niên đại, nguồn gốc của một hiện vật trong vườn hay cùng ông lưu lại hình ảnh những đồ gốm vớt sông mà ông mới sưu tầm được. Nếu để ý thì có thể nhận ra lối sắp đặt cổ vật trong khu vườn nhà ông hoàn toàn có chủ đích và đã qua sơ loại về loại hình học. Phải mất bao nhiêu ngày, tháng, năm tỉ mẩn cọ rửa từng mảnh gốm vỡ, ngắm nhìn từng nét hoa văn, nâng niu từng dáng hình cổ vật mới có thể phân loại rành rẽ từng nhóm, từng khu đồ gốm có cùng nguồn gốc, niên đại hay công dụng. Ngay những “đồ sứt mẻ” tưởng chừng bị vứt lăn lóc nơi góc vườn cũng đều mang dấu ấn của bàn tay ông. Ông thường cẩn thận ghi ký hiệu lên từng mảnh gốm vỡ bằng chữ Hán những thông tin về ngày, địa điểm, thậm chí tên người trục vớt những cổ vật gốm đến cho ông. Mùa mưa lũ, mình ông lụi cụi chuẩn bị thu gọn, cất giữ, thậm chí treo lên cây để bảo vệ những món đồ gốm trước đó hàng tháng trời để tránh bị ngập nước. Có lần tôi nói đùa với ông: “Ông Phan ăn cổ vật, ngủ cổ vật!”, ông chỉ cười đáp lại: “Thực ra là cổ vật nó ăn tui”. Đối với ông Phan, mỗi hiện vật là một câu chuyện, mỗi mảnh gốm vỡ chính là những minh chứng sống động về cuộc sống của người xưa. Do vậy, chúng xứng đáng được ông nâng niu, trân quý bởi đó là một miền ký ức giúp chúng ta nhận biết được rõ nét đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế của từng giai đoạn lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân xưa.
 

Khu vườn gốm của ông Hồ Tấn Phan. Ảnh Võ Hương Lan
Cổ vật cũng “leo cây” tránh lũ. Ảnh Nguyễn Anh Thư
Những chiếc bình vôi đủ hình dáng, kích cỡ được tụ tập lại trong một góc vườn. Ảnh Nguyễn Anh Thư

Điều đáng nói, dù chưa bao giờ tự nhận mình là một nhà nghiên cứu nhưng ông Phan là một “nhà khảo cổ học tay ngang” đáng nể nhất mà tôi từng gặp. Việc sưu tầm, giám định, khai thác thông tin trên từng cổ vật được ông tiến hành hết sức bài bản, khoa học dù rằng những thao tác đó hoàn toàn đi ngược lại quy trình mà tôi đã được đào tạo về khảo cổ học. Từ thực tiễn đến lý thuyết - đó là cách ông “học” và “hành” trên đồ gốm. Hàng chục vạn mảnh gốm vỡ từ khắp xứ Huế đã được ông nâng niu, cưu mang và gìn giữ trong khu vườn nhỏ, dù dãi dầu nắng mưa nhưng chúng cũng đã bầu bạn cùng ông ngót nửa thế kỷ. Để hiểu được những mảnh vỡ của quá khứ đó, ông lao vào tìm tòi, học hỏi qua sách vở, qua trao đổi với các chuyên gia, thậm chí ông sẵn lòng đón tiếp những người khách lạ đến từ khắp nơi nếu có lòng quan tâm đến cổ vật. Kiến thức và sự hiểu biết của ông về cổ vật nói chung và đồ gốm sứ nói riêng luôn khiến tôi nể phục và ngạc nhiên.

Ông Phan - người nặng lòng với di sản văn hóa sông Hương

Những trăn trở, suy nghĩ dành cho cổ vật sông Hương và di tồn văn hóa xứ Huế đã chiếm trọn quỹ thời gian và sức lực của ông gần 40 năm qua. Đến năm 2015, số lượng cổ vật trong bộ sưu tập của ông Hồ Tấn Phan đã lên tới hơn 10.000 hiện vật đủ các chất liệu (gốm, sứ, đá, đồng…). Ông cứ miệt mài “lặn ngụp” trong hành trình giải mã những bí ẩn phía sau những đồ gốm vớt lên từ sông Hương và các dòng sông ở Huế bất kể nắng mưa, dù tuổi tác ngày một cao, sức khỏe ngày một yếu. Mỗi lần ghé thăm ông, nhìn bóng ông gầy gò, lụi cụi thấp thoáng bên những gò gốm cao ngất, tôi chợt nhận ra đối với ông Phan, di sản văn hóa sông Hương dường như đã trở thành một sứ mệnh cao cả, thiêng liêng mà ông là một “hiệp sĩ” nguyện dành trọn Tâm - Trí để bảo vệ và gìn giữ, nhằm trao truyền lại cho các thế hệ sau.

 

Công việc thường ngày của ông Phan bên gốm và sách. Ảnh Võ Hương Lan


Ông Phan từng tâm sự với cô học trò nhỏ Hương Lan - người may mắn được đồng hành với ông trong nhiều chuyến điền dã tìm lại những di tồn vật chất của nền văn hóa Champa: “Tôi luôn ao ước có một nơi đàng hoàng để trưng bày các hiện vật này. Tôi sẽ sắp xếp chúng một cách hệ thống để tiện cho tôi và những người yêu cổ vật đến nghiên cứu và thưởng lãm. Nhưng khoảng cảnh giữa hiện thực và ước mơ còn quá xa vời...”. Cho đến trước khi ông ra đi về cõi vĩnh hằng, tâm nguyện có được một “Bảo tàng văn hóa sông Hương” của ông vẫn chưa thực hiện được. Tôi còn nhớ mãi ánh mắt đau đáu của ông trên bến đò trưa dõi theo những chiếc thuyền hút cát trên dòng Hương Giang. Trong vòng xoay chóng mặt của thời gian, trước những khó khăn đời thường, ông như một lữ khách cô độc trên con đường dài đằng đẵng tìm lại quá khứ của mảnh đất nơi ông đã gắn bó cả cuộc đời.

Giá trị lịch sử - văn hóa của sưu tập Hồ Tấn Phan

Sưu tập Hồ Tấn Phan có giá trị nghiên cứu khoa học đặc biệt quan trọng vì:

Thứ nhất: Bộ sưu tập đã tập hợp được những cổ vật độc đáo, phản ánh gần như đầy đủ các giai đoạn lịch sử từ giai đoạn tiền, sơ sử đến giai đoạn Champa sớm (thế kỷ I, II - III), giai đoạn Champa (từ thế kỷ IV - V đến thế kỷ XI - XII) và giai đoạn Champa - Đại Việt (thế kỷ XIII - XIV), văn hóa Đại Việt (thế kỷ XIV trở về sau)… Thậm chí, sưu tập còn bảo lưu được nhiều loại hình hiện vật độc đáo chưa từng được tìm thấy qua khai quật khảo cổ học.

Thứ hai: Đa phần hiện vật được sưu tập từ lòng sông Hương, trong một không gian không rộng lắm, do vậy nhiều hiện vật ở đây mang đặc trưng khu vực rõ ràng và phần nào giúp nhà nghiên cứu hình dung lại bối cảnh lịch sử - văn hóa của mảnh đất này trong khoảng thời gian kéo dài từ thời tiền - sơ sử đến hiện đại. Có nhiều khả năng lưu vực sông Hương có những di tích Champa sớm kiểu Trà Kiệu - Gò Cấm, và khu vực Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa phân bố ở lưu vực sông như các trường hợp sông Thu Bồn, Trà Khúc, Đà Rằng.

Thứ ba: Chủ nhân của bộ sưu tập có ý thức thu thập càng nhiều cá thể của một loại hình đồ vật càng tốt và của tất cả mọi hiện vật, không có bất cứ sự phân biệt cổ vật theo bất cứ tiêu chí nào, loại hình, niên đại, chất liệu, nguồn gốc, tình trạng… Điều này đã làm cho bộ sưu tập càng thêm giá trị nghiên cứu cũng như giá trị bảo tồn, bảo tàng.

Vấn đề đặt ra là điều kiện trưng bày và bảo quản một số lượng khổng lồ hiện vật từ nhiều loại chất liệu đã nằm quá khả năng của chủ nhân bộ sưu tập. Nếu không sớm được tư liệu hóa và nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống những hiện vật của sưu tập này với cách tiếp cận và phương pháp phù hợp thì sẽ khó có thể nhận diện một phần quan trọng của quá khứ Huế nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung.

N.A.T  
(SHSDB31/12-2018)
 

Phần lớn kiến thức về cổ vật đều do ông tự học và thực hành. Ảnh Võ Hương Lan




 

 

Các bài mới
Lính giáp ranh (25/01/2019)
Các bài đã đăng