Tạp chí Sông Hương - Số 359 (T.01-19)
Dấu ấn nữ thần Trảo Trảo phu nhân qua một số đạo sắc phong
08:53 | 02/02/2019

ĐỖ MINH ĐIỀN  

Quảng Trị thường được nhắc nhớ nhiều bởi đây là mảnh đất khô cằn, nắng gió khắc nghiệt. Trong quá khứ, Quảng Trị là địa bàn quần tụ đông đảo các lớp cư dân bản địa, là nơi đứng chân lập nghiệp của rất nhiều thế hệ lưu dân Việt trên bước đường khẩn hoang lập làng.

Dấu ấn nữ thần Trảo Trảo phu nhân qua một số đạo sắc phong
Miếu “Trảo Trảo phu nhân” nằm trên một bãi cát ven sông Thạch Hãn về phía Tây, thuộc địa phận của làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong - Ảnh: thegioidisan.vn

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, hơn 700 năm hình thành phát triển, Quảng Trị là chứng nhân của biết bao sự đổi dời của thế cuộc, nhưng đồng thời là vùng đất lưu giữ đậm nét nhiều giá trị văn hóa truyền thống rất đặc trưng.

Phải chăng những kiến tạo về điều kiện địa lý tự nhiên vốn đã sắp đặt và ấn định cho vùng đất nơi đây nắm giữ vai trò và vị thế hết sức to lớn trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Từng được xem là vùng biên viễn của Đại Việt dưới thời Trần - Hồ, đến thời chúa Nguyễn, Quảng Trị là nơi dừng chân dựng nghiệp của Tiên chúa Nguyễn Hoàng, mở đầu cho công cuộc mở đất về phương Nam.

1. Thần tích về Nữ thần Trảo Trảo

Sau năm 1306, Quảng Trị, một phần của hai châu Ô - Lý được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, kể từ đây lớp lớp thế hệ người Việt vì nhiều lý do khác nhau lần lượt chọn miền “non Mai sông Hãn” làm điểm tụ cư, khai thiết xã hiệu. Dải đất Quảng Trị trước đó là Ô châu ác địa, sau hơn hai trăm năm khai hoang trở nên trù phú. Năm 1558, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Cùng đi với ông đợt này là những người “bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những nghĩa dũng xứ Thanh Hoa1. Trong suốt 55 năm trấn trị ở Thuận Hóa dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, Quảng Trị 3 lần được chọn làm dinh phủ của cả xứ Đàng Trong: Ái Tử [1558 - 1570], Trà Bát [1570 - 1600], Dinh Cát [1600 - 1626].

Qua các thư tịch, chúng ta biết rằng, Trảo Trảo phu nhân được chính thức thờ tự dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, gắn liền với công lao của vị nữ thần trong trận chiến giữa đoàn quân của chúa Tiên với vị tướng Lập Bạo.

Sách Đại Nam thực lục tiền biên 大南寔錄前編 cho biết: Vào tháng 07 năm Nhâm Thân [1572], tướng Mạc lúc bấy giờ là Lập Bạo chiêu mộ binh dân ở châu bắc Bố Chính dẫn theo 60 binh thuyền vượt biển vào đánh cướp, đóng trại từ con đường xã Hồ Xá đến đền Thanh Tương, xã Lãng Uyển. Nhận được tin báo, chúa tôi mới hội bàn. Biết thế giặc đang mạnh, chúa cho cắt cử quân lính bố phòng, ra sức trấn giữ, đóng trại ở bờ sông Ái Tử. Đêm nghe từ lòng sông có tiếng kêu “trao trao”, bèn lấy làm lạ, kinh ngạc vô cùng. Nghĩ ngợi một lúc, chúa mới khấn rằng: Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc.

Đêm hôm đó, chúa ngủ mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến trước mà nói rằng “minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức”. Tỉnh dậy, chúa ngẫm nghĩ rằng ta nên dùng kế mỹ nhân. Trong số thị nữ có nàng Ngô thị, tên là Ngọc Lâm, người làng Thế Lại có sắc đẹp và mưu cơ biện bác. Chúa sai nàng đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo, nhân đó mà bày bố phục binh, đào hầm ẩn nấp quân sĩ. Đúng như dự kiến, Lập Bạo vì mải mê sắc đẹp mà quên mất cả chuyện đề phòng. Sau trận thắng ấy, để tưởng nhớ ơn đức của thần, chúa mới phong thần sông làm “Trảo Trảo Linh Tưu Phổ Trạch Tương Hựu phu nhân 封江神為爪爪靈湫普澤相佑夫人立祠祀之”2 và cho lập đền thờ3.

Nam triều công nghiệp diễn chí 南朝功業演志, một trong những bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng, được biên soạn dưới thời chúa Nguyễn do công thần Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm 榜中侯阮科占 chấp bút, mô tả rất kỹ trận chiến đánh bại tướng Lập Bạo. Theo Nguyễn Khoa Chiêm, sau khi thắng trận trở về, chúa cho mở tiệc khoản đãi binh sĩ, để tưởng nhớ công lao của thần Trảo Trảo, chúa “sai người tu sửa miếu Trảo Trảo, phong hiệu cho vị thần ấy là Linh Thu Phổ Trạch Tướng Hựu phu nhân, bốn mùa thờ phụng. Chúa nghĩ đến công lao của nàng hầu Ngô thị muốn đền đáp trọng hậu4.
 

Trích xuất trang ghi chép thần tích Trảo Trảo phu nhân trong “Đại Nam nhất thống chí

Thần tích về tín tục thờ Trảo Trảo phu nhân về sau dưới thời nhà Nguyễn được khá nhiều tư liệu đề cập, như: Đại Nam nhất thống chí, Viêm giao trưng cổ ký của Cao Xuân Dục. Trong sách Đại Nam nhất thống chí 大南一統志 [tỉnh Quảng Trị, mục Đền miếu] còn cho biết thêm, sau khi dẹp giặc, sắc phong cho thần làm Phu nhân, lập đền thờ tại chỗ, đến “Năm Gia Long thần được thờ vào miếu Hội đồng. Năm Minh Mạng thứ 5 [1824] gia tặng Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh Trợ Thuận Trai Thục trung đẳng thần. Gặp đại hạn cầu mưa rất linh ứng. Năm Thiệu Trị thứ 2 [1842] ngự giá ra bắc, vua có làm bài thơ khắc lên bia để ghi sự tích 嘉隆年間列祀會同廟, 明 命五年加贈柔和端懿昭 靈助順齋淑中等神旱禱 輒應,紹治二年北巡聖製 詩祀其事勣碑誌之5.

Sách Viêm Giao trưng cổ ký 炎郊徵古 記 của Tổng tài Quốc sử quán, Hiệp biện  Đại học sĩ, An Xuân nam Cao Xuân Dục soạn vào năm Thành Thái thứ 12 [1900] 國 史館總裁協辨大學士安春男高春育 ý trong phần chép về cổ tích tỉnh Quảng Trị, có đoạn “Đền Trảo Trảo phu nhân tại xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, thờ thần là Trảo Trảo Linh Thứu Phổ Trạch Tương Hựu phu nhân […] đánh thắng trận ấy, phong cho nàng làm phu nhân, dựng ngôi đền ở bên tả ngạn để thờ. Đời Minh Mệnh có gia ban sắc phong6.

Dẫn giải từ những nguồn tư liệu trên, có thể nói rằng tục thờ Trảo Trảo được khởi lập dưới thời Nguyễn Hoàng nhằm tôn vinh vị nữ thần có công tích hết sức to lớn. Qua đó cho thấy hình ảnh bà Trảo Trảo có mối quan hệ mật thiết với sự nghiệp khai thiết xứ Đàng Trong trong buổi đầu đầy gian nan thử thách. Xung quanh câu chuyện Trảo Trảo phu nhân với ít nhiều yếu tố huyền thoại, phải chăng  đó là dụng ý nhằm cố kết và thu phục nhân  tâm, đồng thời truyền tải thông điệp chính thần linh đã “ủy quyền”, chỉ định cho chúa Nguyễn Hoàng là vị chân chúa thực sự.

Đền thờ Trảo Trảo phu nhân là “công trình tâm linh” đầu tiên sau ngày vào Nam lập nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng. Từ việc huyền thoại hóa 7 vò nước trong của Nguyễn Ư Dĩ, đến năm 1601 cho thiết lập chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê gắn liền với huyền tích Bà Trời Áo Đỏ là chuỗi sự kiện phảng phất màu sắc chính trị, nhằm khẳng định sự chính danh của chúa Nguyễn Hoàng trong công cuộc cai trị cõi Nam Hà.

2. Dấu ấn nữ thần Trảo Trảo phu nhân qua khảo sát một số đạo sắc phong

Tất cả 4 đạo sắc vẫn đang được trân giữ trang trọng tại chùa Giác Minh (nay thuộc làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)7. Sắc tứ Giác Minh là cổ tự thờ tiền Phật, hậu Thần, đây là ngôi chùa có mặt từ rất sớm, song hành với quá trình tụ cư lập làng của những lưu dân Việt. Bên cạnh 4 đạo sắc phong cho bà Trảo Trảo thì hiện tại chùa bảo lưu rất tốt 11 đạo sắc cho một số thần hiệu khác nhau và đặc biệt là quả đại hồng chung do Năng Tín hầu Châu Phước Năng (能信侯朱福能) chú tạo và tiến cúng chùa vào năm Minh Mạng thứ 9 [1828].

Về tình trạng văn bản, ngoại trừ sắc phong năm Thiệu Trị 3 [1843] hiện còn khá tốt, thì cả 3 đạo sắc còn lại bị mối mọt xâm hại, hệ thống viền bao quanh tờ sắc đã rách, nhưng thật may mắn nội dung sắc phong vẫn được đảm bảo. Về phương diện văn bản học, qua quá trình tiếp cận, đo đạc và bước đầu khảo sát, chúng tôi nhận thấy 4 đạo sắc phong đều có chung một đặc điểm với hệ thống sắc phong dưới thời nhà Nguyễn. Sự thống nhất này được thể hiện rất rõ ràng cả về hình thức lẫn nội dung trình bày.

Dưới đây, chúng tôi xin được trích dẫn nguyên văn và bước đầu lược dịch 4 đạo sắc phong ân ban cho Trảo Trảo phu nhân:

Sắc phong cho Trảo Trảo phu nhân năm Thiệu Trị thứ 3 [1843]. Ảnh Nguyễn Văn Thịnh


[SP1]

Nguyên văn:

敕柔和端懿爪爪夫人中等神護國庇民稔 著靈應節蒙頒給贈敕準許奉事。明命貳拾 壹年值我聖祖仁皇帝五旬大慶節欽奉寶詔覃恩禮隆登秩。肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈 柔和端懿昭靈中等神。仍準許登昌縣愛子社依舊奉事神其相佑保我黎民。欽哉

紹治參年貳月初拾日

[硃印: 敕 命 之寶]

Tạm dịch: Sắc cho Nhu Hòa Đoan Ý Trảo Trảo phu nhân Trung đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở cho dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp phong tặng, sắc chuẩn cho phụng thờ. Năm Minh Mệnh thứ 21 [1840], gặp dịp Ngũ tuần Đại khánh của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, kính ban bảo chiếu ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Nay Trẫm vâng mệnh lớn, nghĩ đến công đức của thần gia tặng thêm mỹ tự Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh trung đẳng thần. Chuẩn cho xã Ái Tử, huyện Đăng Xương được phụng thờ như cũ. Ngõ hầu, thần hãy che chở trợ giúp dân ta. Khâm tai!

Ngày mồng 10 tháng 02 năm Thiệu Trị thứ 3 [1843]

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

[SP2]

Nguyên văn:

敕爪爪夫人原贈柔和端懿昭靈助順中等神護國庇民稔

著靈應節蒙頒給贈敕準許奉事。肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈柔和端懿昭靈助順齋 淑中等神仍準登昌縣愛子社依舊奉事神其相佑保我黎民。欽哉

嗣德參年玖月參拾日

[硃印: 敕 命 之寶]

Tạm dịch: Sắc cho Trảo Trảo phu nhân vốn được phong tặng Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh Trợ Thuận Trung đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở muôn dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp tặng sắc chuẩn cho phụng thờ. Nay Trẫm vâng mệnh nối nghiệp lớn, nghĩ đến công đức của thần, tặng thêm mỹ tự Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh Trợ Thuận Trai Thục trung đẳng thần. Chuẩn cho xã Ái Tử, huyện Đăng Xương được phụng thờ như cũ. Ngõ hầu thần hãy che chở trợ giúp dân ta. Khâm tai!

Ngày 30 tháng 09 năm Tự Đức thứ 3 [1850]

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

[SP3]

Nguyên văn:

敕旨廣治省登昌縣愛子社從前奉事含弘光大至德溥博顯化莊徽大乾國家南海四位上 等神,

弘惠普濟靈感妙通默相莊徽天依阿那演玉妃上等神,柔和端懿昭應助順齋淑爪爪夫 人中等神,節經頒給敕封準其奉事。嗣德三十一年正值朕五旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登 秩。特準許依舊奉事用誌國慶而伸祀典。欽哉

嗣德參拾參年拾壹月貳拾肆日

[硃印: 敕 命 之寶]

Tạm dịch: Sắc chỉ cho xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị phụng thờ: Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị thượng đẳng thần; Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần; Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Ứng Trợ Thuận Trai Thục Trảo Trảo phu nhân trung đẳng thần, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Năm Tự Đức thứ 31, gặp dịp Ngũ tuần Đại khánh của Trẫm, đã ban bố ân chiếu rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ, để ghi nhớ ngày mừng của nước nhà mà tỏ phép tắc thờ tự. Khâm tai!

Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức 33 [1880]

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

[SP4]

Nguyên văn:

敕廣治省肇豊府愛子社從前奉事原贈柔和端懿沼應助順齋淑翊保中興爪爪夫人中等 神護國庇民稔著靈應節蒙頒給敕封準許奉事。肆今正直朕四旬 大慶節經頒寶詔覃恩禮隆 登秩著加贈莊徽上等神準其奉事用誌國慶而申祀典。欽哉

啟 定玖年 柒 月貳拾五日

[硃印: 敕 命 之寶]

Tạm dịch: Sắc cho xã Ái Tử, Triệu Phong phủ, Quảng Trị tỉnh trước đây đã phụng thờ thần, vốn được phong tặng Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Ứng Trợ Thuận Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Trảo Trảo phu nhân trung đẳng thần, bảo vệ cho nước che chở muôn dân, linh ứng lâu năm, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Nay gặp dịp Tứ tuần Đại Khánh của Trẫm, đã ban bố chiếu ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc, tặng thêm mỹ tự Trang Huy thượng đẳng thần. Đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ, dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự. Khâm tai!

Ngày 25 tháng 07 năm Khải Định thứ 09 [1924]

[Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

Thay cho lời kết:

Thông qua các đạo sắc phong và những tư liệu liên quan, dễ dàng nhận thấy bắt đầu từ thời vua Minh Mạng, triều đình đã ân chuẩn ban tặng sắc phong cho Trảo Trảo phu nhân. Theo quy định của nhà Nguyễn, cứ mỗi lần ban cấp, đồng nghĩa gia tặng mỹ tự tương ứng đi kèm. Theo đó, thời Thiệu Trị mỹ tự của Trảo Trảo phu nhân: 柔和端懿昭靈 Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh. Sang đời vua Tự Đức mỹ tự: 柔和端懿昭靈助順齋淑 Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh Trợ Thuận Trai Thục. Đến triều vua Khải Định [1924] thì thần hiệu, phẩm trật và mỹ tự của thần đầy đủ như sau: 和端懿沼應助順齋淑莊徽翊保中興 爪爪夫人上等神 Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Ứng Trợ Thuận Trai Thục Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Trảo Trảo Trảo phu nhân thượng đẳng thần. Song hành với định lệ gia tặng mỹ tự, đến triều vua Khải Định, việc nâng cấp phẩm trật từ Trung đẳng thần lên Thượng đẳng thần cho thấy sự linh ứng, chủ ý tôn xưng, xiển dương công đức “hộ quốc tý dân” của triều đình nhà Nguyễn đối với nữ thần Trảo Trảo.

Sắc phong thần, với tư cách là loại hình văn bản hành chính, thể hiện tính chính thống quan phương của một chính thể. Ân ban sắc phong thần là phương cách biểu thị quyền uy thống quản của bậc đế vương đối với thế giới thần linh. Việc phụng thờ Trảo Trảo phu nhân vốn được khởi lập từ thời chúa Nguyễn và ngay từ rất sớm đã được liệt vào hàng điển chế. Có thể nói rằng, 4 đạo sắc phong hiện tồn là minh chứng rõ nét tiến trình tiếp nối và kế thừa hoạt động tế tự trước đó nhằm thừa nhận ơn đức và công lao của Trảo Trảo phu nhân.

Những đạo sắc phong cho Trảo Trảo phu nhân là nguồn tư liệu gốc, có giá trị trên nhiều phương diện, đây là cứ liệu quan trọng khẳng định quá trình tôn phong của triều đình và thể hiện vai trò, dấu ấn của vị nữ thần trong đời sống tín ngưỡng của mỗi người dân vùng quê Ái Tử.

Phủ Cam, lập đông 2018
Đ.M.Đ  
(TCSH359/01-2019)

---------------
1. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002) “Đại Nam thực lục”, [Tiền biên, Quyển 1 - Thái Tổ Gia Dụ  Hoàng đế], bản dịch Nguyễn Ngọc Tĩnh, Nxb. Giáo Dục, tr 28.
2. Trong các bản dịch như Nam triều công nghiệp diễn chí, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống  chí, Viêm giao trưng cổ ký… đều cho biết thần hiệu của Trảo Trảo phu nhân là: Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tương Hựu phu nhân. Tuy nhiên, đối chiếu với bản gốc của những tư liệu nói trên thì chúng tôi cho rằng Linh Tưu 靈湫 (爪爪夫人祠在愛子社祀爪爪靈湫普澤相佑夫人之神) chứ không phải là Linh Thu hoặc Linh Thứu. Xin xem thêm: Đại Nam nhất thống chí 大南一統志, tỉnh Quảng Trị 廣治 省, quyển 07 卷之七, mục Đền miếu 祠廟. Đại Nam thực lục tiền biên 大南寔錄前編, Quyển 1卷一, Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế 太祖嘉裕皇帝.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002) “Đại Nam thực lục”, Sđd, tr: 30 - 31.  
4. Nguyễn Khoa Chiêm (2003) “Nam triều công nghiệp diễn chí”, bản dịch Ngô Đức Thọ, Nguyễn  Thúy Nga, Nxb. Hội Nhà Văn, tr: 31.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012) “Đại Nam nhất thống chí”, tập 1, bản dịch Hoàng Văn Lâu,  Nxb. Lao Động, tr: 463.
6. Cao Xuân Dục (2010) “Viêm giao trưng cổ ký”, bản dịch Nguyễn Văn Nguyên, Nxb. Thời Đại, tr  35 - 36.
7. Đây là thành quả của đợt khảo sát do Nhóm nghiên cứu Liễu Quán tổ chức vào 11/2017 tại  Quảng Trị. Nhân đây, chúng tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến quý thầy, quý anh, chị đã hoan hỷ đồng ý cho tôi toàn quyền sử dụng nguồn tư liệu. Đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt thành của Đại đức Thích Không Nhiên, nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thịnh và TS. Võ Vinh Quang. Mọi sai sót trong bài viết hoàn toàn thuộc về tác giả.  






 

 

Các bài mới
Đôi giày (12/03/2019)
Bản âm (05/03/2019)
Các bài đã đăng
Chùm thơ My Tiên (02/02/2019)
Mưa Huế (25/01/2019)