Tạp chí Sông Hương - Số 359 (T.01-19)
Trên tầng áp mái
14:17 | 26/02/2019

ĐINH PHƯƠNG   

Áp thấp nóng phía Tây không báo trước đổ vào bủa vây thành phố.

Trên tầng áp mái
Minh họa: NGUYỄN THIỆN ĐỨC

Lúc ấy, chúng mình đang ngủ. Em quay mặt phía tường, cong người như tôm, thỉnh thoảng lại khìn khịt mũi. Em vẫn sợ khoảng trống không bao giờ nằm ngoài, phải chắn cả hai bên mới đỡ giật mình thấp thỏm. Anh nằm quay ra trông giữ nỗi sợ vô hình của ngày mệt mỏi. Giữa là khoảng hở không chạm tới của hai tấm lưng trần. Chúng mình không làm tình đêm áp thấp đổ vào thành phố.

Trong căn phòng áp mái chập chờn sáng tối nhìn ra phía biển chúng mình mơ. Mơ về cá. Loài cá len lỏi vào giấc mơ giỏi hơn loài sâu róm. Mình chỉ mơ có cá phải không em? Những con cá đen, trắng, xanh lục, vẩy bạc nằm cạnh nhau lấp lánh dưới nắng sớm. Con chết rồi, con còn sống, con quẫy, con lờ đờ chờ đợi, con không biết chờ đợi. Tàu về đổ cá xuống bến. Người chen nhau, thúng một chuyển cá về chợ. Khuôn mặt này chen lẫn khuôn mặt kia. Khẩu trang lẫn không khẩu trang. Răng vàng bựa lẫn răng trắng nhởn...

“Rồi sao nữa?”

“...”

Ý anh hỏi giấc mơ của chúng mình? Em không biết. Chúng mình đang sống trong một câu chuyện phải không? Một truyện ngắn thì đúng hơn anh ạ. Vậy thật mệt, chúng mình không làm chủ được cuộc sống, suy nghĩ của chúng mình. Và cơn nóng phía Tây thì đang bủa đến. Áp thấp. Ừ, ý anh là áp thấp nóng phía Tây. Phải nói thật đầy đủ. Trong truyện ngắn người ta phải tỉ mỉ, cẩn thận từng chút một. Thế sáng nay ăn gì? Cá hay sâu róm? Nay ăn cơm rang. Em còn phải đón con đi học. Mình có con rồi hả em? Ơ, con hôm qua em đưa về ông bà ngoại chơi với cậu Tú anh không nhớ hả? Không nhớ, anh tự hỏi con sống thế nào trong căn phòng áp mái chật chội này?

*

Ăn sáng xong anh ra bắt xe buýt đến cơ quan. Chuyến 22, sơn hai màu vàng đỏ, bảy giờ sáng đông như thường lệ. Người đi làm, công nhân, học sinh, sinh viên, người đi chợ, người đến câu lạc bộ thơ thành phố, người hẹn người yêu đi chơi... Phụ xe cố nhét người lèn chặt xuống phía dưới để phía trên cho người mới lên. Yêu cầu xuất trình vé tháng hoặc mua vé ngày 7000đ/ vé. Nhét đến chừng nào không thể nhét nữa. Người thành phố quen chật chội nhinh nhích từng tí không nói gì. Ai cũng khẩu trang, tai nghe, tay điện thoại lướt Facebook để thích hoặc bình luận, giờ có thêm nhiều biểu tượng cảm xúc nữa như yêu thích, buồn, phẫn nộ, mọi thứ y như thật. Đèn báo xuống nhấp nháy đỏ, người len ra cửa, xe phanh dúi dụi vì xe máy tạt ngang qua đầu, dừng ở điểm, không kịp xuống thì xuống ở bến sau. Người thành phố giờ dửng dưng chấp nhận mọi thứ, không oán trách, đấu tranh. Cảm xúc không phải thứ bày tỏ trực diện. Họ không biết áp thấp nóng phía Tây đang bủa vây quanh mình. Anh thì ngột ngạt với nó. Anh nghĩ chúng mình nên đi đâu đó để tránh cho lành. Sa Pa chẳng hạn. Đi tầu hoặc ô tô đều được.

Hăm hở với ý nghĩ này, anh trôi trên vũng ngày của sáng thứ ba với ý nghĩ chạy trốn mát mẻ.

*

Em qua nhà ngoại đón con đi học. Thằng bé nhằng nhẵng khóc đòi ở nhà chơi. Bố mẹ nhìn em, cậu Tú nhìn em. Làm như em đanh ác, cay nghiệt lắm. Cho nó nghỉ một ngày có chết ai cơ chứ. Bố cáu. Ngày xưa mày cũng có cần đi học mẫu giáo đâu mà vẫn đi học, đi làm đấy thôi. Mẹ hờn. Chị để cháu ở nhà chơi với em ngày nữa, mai em đi rồi. Cậu Tú buồn buồn. Cả năm cậu mới cắt phép về thành phố chơi với bố mẹ, anh chị được mấy ngày rồi lại phải ngược mãi tận Ba Chẽ, Bình Liêu. Cái thân lính biên ải thời chiến cũng như thời bình phận số là xa nhà. Mẹ sợ cậu bị gái trên ấy chài. Lần nào về cũng dúi cho túi to tỏi mang đi. Tỏi này mẹ phải nhờ người mua tận ngoài đảo Lý Sơn đấy, thơm và cay lắm. Đi đâu thì nhớ nhét vào túi mấy nhánh phòng ma tà, bùa ngải. Gặp gái trên ấy thì ngậm lấy một tép trong mồm. Thấy dấu hiệu gì không ổn là cắn dập ra ngay. Phải đề phòng con ạ! Em không biết mẹ dặn cậu thế để đề phòng gì. Bố lẩm bẩm. Mẹ mày cái gì cũng sợ, sợ lắm vào, đem hết tiền ra đền ra chùa mà cúng. Cúng thế mà vẫn sợ ma tà, mồi chài à. Ma tà đâu mà lắm thế? Khéo ma trên ấy nó thích ăn tỏi thì khốn. Mẹ không nghe thấy lời bố nói, nếu nghe thấy mẹ sẽ tru tréo. Tôi làm thế không vì cái nhà này thì vì ai? Vì tôi chắc, tôi tác phước cho cả cụ kị nhiều đời, cho oan gia trái chủ, cho ông cho tôi. Ông nghĩ không do tôi ăn chay, niệm Phật, cúng đền này phủ kia mà ông với con được như ngày hôm nay chắc. Ông đúng là vô sư vô sách, cứ liều liệu cái mồm đấy. Tôi không hiểu kiếp trước tôi mắc nợ gì ông mà kiếp này tôi khổ thế này trời ơi! Bố mắc nợ mẹ thì đúng hơn. Còn cậu chưa ai mắc nợ, cũng chưa mắc nợ ai, kiếp này lẫn kiếp trước. Ba mươi tuổi chưa mối tình vắt vai, có căn tu. Mẹ bảo tốt. Bố bảo tu hú. Nghe lời mẹ học hành, công tác, phấn đấu mãi. Em không dám hỏi cậu định phấn đấu đến bao giờ? Năm vài lần về, lúc đi nửa ba lô là tỏi. Nghĩ đến món ăn nào cũng đập tỏi vào em thấy sợ và thương. Nhưng thương là một việc, việc đi học của con lại là việc khác. Nghỉ học không theo được các bạn, không vào được trường điểm, lớp chọn thì khổ ai? Ông bà, cậu có khổ đâu. Nào, con có nghe lời mẹ không thì bảo? Thay quần áo, lấy cặp sách đi học ngay. Cậu nghe em quát giật thót mình bế cháu vào nhà thay quần áo. Thằng bé gan lỳ quẫy đạp, đấm đá không đi học. Áo mặc ngược từ đằng trước ra đằng sau, hai chân xỏ vào một ống ngã lăn ra đất quẫy quẫy như cá mắc cạn. Con không đi học đâu. Không đi. Không đi. Bố ơi cứu con với! Mẹ giết con này! Thằng bé từ lúc nào đã biết chuyện sống chết. Ti vi đầy rẫy tin nóng, mấy hôm nay rộ lên tin mẹ bắt hai con uống thuốc sâu rồi tự tử theo. Chắc thằng lỏi học ti vi. Em đã có bảy chia sẻ và rất nhiều bình luận về việc này. Tình mẫu tử thiêng liêng là thế mà nỡ đang tâm cắt đứt. Hổ dữ còn không ăn thịt con. Em vào bà mẹ này em sẽ dứt khoát bỏ chồng. Một mình nuôi con nên người, có ích cho đất nước, cho xã hội. Bình luận của em cái nhiều like nhất là 18 like. Nhiều ý kiến đồng tình, lên án người mẹ. Nhưng cũng có nhiều đứa bảo em hão huyền, nhà mình đéo lo đi lo chuyện người khác. Chúng nó vô cảm. Xã hội vô cảm. Mà sao phải khổ thế, đời còn dài, giai... À, đời còn nhiều lối thoát. Chết giải quyết được gì đâu.

*

Romeo và Juliet chết giải quyết được nhiều điều, kết thúc vở bi kịch của Shakespeare. Căn phòng áp mái chúng mình đang ở đây ngày xưa cũng có hai người yêu nhau không đến được với nhau tự tử chết. Họ đẹp như những giấc mơ xây về mùa cũ. Uống thuốc độc xong, cả hai cùng ngắm mặt trời thu trong tầm mắt lặn xuống đường chân trời. Màu đỏ hực lên nhuộm một vùng sáng tiến về phía tối. Chim hải âu chao lượn đầy trời. Chiều họ chết hải âu từ đâu táo tác bay về bủa kín lấy phố, thảm thiết kêu, chạm vào người đi đường, xà vào nhà. Đám ma được tổ chức ở hai đầu thành phố. Sáng ấy, hải âu lao vào vách đá tự tử chết cả, xác trong nước biển xanh dập dờn trắng nhễu. Cả hai chết rồi không phản đối được cách xa. Họ bên nhau phần linh hồn. Thể xác để lại cho người nhà đóng quan tài đưa đi, chôn xuống. Chôn cùng nghĩa trang nhưng mỗi người một đầu. Người bên này, người bên kia. Mưa nắng cũng mỗi người một mưa nắng. Cúng giỗ, thanh minh mỗi người một thanh minh.

“Anh nghe ai kể mà buồn thế?”

“Người phát hiện xác hai người.”

Nếu chúng mình cùng chết ngay lúc này thì sao? Có tốt hơn việc sống đằng đẵng thêm mấy chục năm nữa. Mình sẽ lơ lửng bên ngoài kia với mặt trời, sóng và gió. Dần dần, không ai nhắc tên chúng mình trong cõi đời buồn bã này. Em và anh. Dạt vào các rìa kí ức chậm rãi trôi về phương biệt. Thế giống với truyện ngắn ông tác giả đang cố xây lên hơn là sống với các bận tâm tủn mủn của cuộc sống thường nhật. Nó hèn người đi. Phải vươn tới cái cao cả. Như hai người tự tử cùng nhau ở căn áp mái này nhiều năm về trước.

*

Anh đến cơ quan sau khi đi quá hai điểm xe buýt. Xe chật, người đông, không ai xuống cùng ở điểm anh xuống. Lái xe ấn cần gạt lên mở cửa, xong ấn xuống ngay đóng cửa khi cửa còn chưa mở hết. Cho tôi xuống. Tiếng anh lẫn với tiếng động cơ, còi xe, lẫn với áp thấp nóng phía Tây. Tiếng nói mất tác dụng, anh nhích người len từ cuối xe ra giữa xe. Tối mắt nhìn giày dép để khỏi xéo vào chân người đứng. Xuống nhận ra đã quá hai điểm, bên kia đường là quán bia thỉnh thoảng vẫn uống. Lũi cũi đi bộ quay lại.

Cơ quan chưa ai đến, mới tám giờ, giờ này mọi người vẫn đang ăn sáng, uống cà phê ở mấy quán xung quanh. Anh mở cửa, cắm nước, mở máy tính. Áp thấp nóng phía Tây hiện diện quanh đây mà mọi người không nhận ra. Nó đùa giỡn, bao vây, tấn công, di chuyển, châm chọc, khiêu khích, chửi bới anh. Đôn Ki-hô-tê chiến đấu với cối xay gió. Anh bắt buộc phải làm thế. Chiến đấu với áp thấp dù trong tay không có thứ vũ khí nào khả dụng. Vung tay trái, vung tay phải. Nhanh, mạnh, bất ngờ. Áp thấp né nhanh mấy đòn đầu tiên này. Nó không coi anh là mẩu xít gì. M... kiếp. Anh dấn lên tả xung hữu đột, tạt một cú bên trái, ra tay một cú bên phải, lên gối hết cỡ, xé phay đối thủ làm đôi, bồi thêm đòn vào đầu. Sau những đòn như vũ bão này anh hy vọng áp thấp biến mất. Nhưng không, nó vẫn đấy. Anh nhận ra đang đánh nhau với chính cái bóng của mình trong sáng ngày thứ ba, khi áp thấp tràn vào thành phố đã được gần mười tiếng. Gần mười tiếng đồng hồ mọi người chẳng quan tâm gì nó. Ngoài anh. Em có hiểu thế nào là tuyệt vọng và cô đơn. Cảm giác này chỉ có vào buổi chiều lỡ cỡ không biết làm gì, không hò hẹn. Về thì sớm, ở lại thì chán.

Anh không thoát khỏi áp thấp nóng phía Tây.

*

Em không cách nào đưa được thằng bé khỏi nhà ông bà ngoại đến lớp. Nó ôm chặt chân cậu Tú. Mẹ nói giờ con không nghe đúng không? Con giỏi rồi đúng không? Tức giận bùng lên, em cầm chổi lông gà trên bàn uống nước phang túi bụi. Cậu Tú ngồi thụp xuống ôm rịt thằng bé vào lòng, quay lưng ra đỡ. Ngày xưa hai chị em đi chơi em vẫn bênh cậu Tú. Cậu Tú hiền hay bị bọn trẻ con hàng xóm bắt làm ngựa cõng nhong nhong. Mỗi lần thế em xông bừa vào kéo cậu ù té chạy gọi người lớn. Ký ức gài bẫy rơi xuống lúc nào không biết. Em khựng lại, mẹ giật chổi trên tay vứt đi. Cái con trời đánh này. Nó làm gì nên tội mà mày đánh như quân hằn quân thù. Có giỏi mày đánh chết cái thân già này này. Con mày nhưng cháu tao, mày không nuôi thì tao nuôi. Thằng bé được bà bênh càng khóc già. Bố ngồi trong nhà len lén lấy thuốc trong tủ ra châm hút. Bố bị cấm hút thuốc, chỉ có ngày cậu Tú về chơi hay có khách là được hút vài điếu. Bố rít lấy rít để, phồng má lên rít, xong ho sặc sụa. Mẹ nhìn vào, bố dụi vội điếu thuốc xuống gạt tàn, khói chưa tản hết bảng lảng bay. Mắt cậu Tú ngân ngấn nước, em không biết vì thương cháu hay thương bố. Cả đời bố là các chuỗi cấm đoán từ mẹ. Trẻ đã đành, thôi vì yêu thương, vì con cái thì chịu, già rồi vẫn cấm; cấm hút thuốc ung thư ai chăm; cấm rượu chè bê tha nhếch nhác; cấm đọc sách báo mắt lòa ai trông; cấm chơi cây cảnh tốn tiền tốn của; cấm đi tập thể dục dưỡng sinh nhỡ tằng tịu với bà nào mang tai mang tiếng vợ con; cấm ngáy to ảnh hưởng đến giấc ngủ người xung quanh; cấm xem ti vi nhiều tốn điện, ngày chỉ cần xem thời sự 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 7 giờ tối là đủ; cấm đánh cờ, tụ tập thơ phú với mấy ông hàng xóm, thơ phú là cái thứ hại người... Em nghĩ mình chẳng thể nào nhớ được hết chuỗi cấm đoán của mẹ. Cái danh sách cấm ngày càng tăng nên theo đức tin của mẹ. Cấm báng bổ thánh thần; Cấm và cấm và cấm... Bố sinh năm 1950. Năm nay 66 tuổi. Tuổi mụ 67. Tên khai sinh Trịnh Hiến Tuấn. Mấy chục năm ròng người ta gọi bố là Cấm, trẻ là anh Cấm, già lên ông Cấm.

*

Chúng mình trở về phòng áp mái ngay trong buổi sáng diễn ra câu chuyện đang kể. Em nằm cạnh tường, anh nằm ngoài. Áp thấp nóng phía Tây đã vào thành phố được hơn nửa ngày. Từ cơ quan anh sang đường bắt xe 22 ngược về, xe rộng, ngồi ghế ngay sau ghế lái. Anh sợ một mình đối diện với áp thấp. Em không đưa được con đi học cũng về. Em sợ phải đối mặt với mẹ, bố, cậu Tú và cả đứa con ngang ngạnh.

Áp thấp nóng phía Tây trong anh và gia đình đằng ngoại trong em thứ nào đáng sợ hơn? Em không biết. Tất cả dừng ở đây thôi. Em sợ lắm. Sợ có một đứa con? Chúng ta có con rồi anh không nhớ hả? Tuyệt nhiên không, lạ thật. Áp thấp làm anh mất trí rồi.

Em tức giận quay người vào tường sụt sịt khóc. Anh muốn mất trí để không phải trả lời con sống sao trên tầng áp mái này. Và chúng mình cứ thế lơ lửng bay. Giấc mơ sáng tầng áp mái là giấc mơ không cá trong truyện ngắn vẫn đang diễn ra ở tâm áp thấp.

Đ.P  
(TCSH359/01-2019)



 

 

Các bài mới
Đôi giày (12/03/2019)
Bản âm (05/03/2019)
Các bài đã đăng
Chùm thơ My Tiên (02/02/2019)