Tạp chí Sông Hương - Số 360 (T.02-19)
Những dấu ấn từ các chương trình trọng điểm
09:36 | 01/03/2019

PHAN TÂN

Trong năm 2018 vừa qua, ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh cũng đã triển khai những chương trình đột phá, công trình trọng điểm, tập trung lãnh đạo, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển theo hướng nhanh, bền vững. Các chương trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Những dấu ấn từ các chương trình trọng điểm
Một góc Huế mới - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Những dấu ấn phát triển

Trên tiến trình phát triển, lĩnh vực giao thông được xem là trọng tâm Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Tỉnh đã triển khai nhiều dự án quan trọng trên địa bàn: Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân đang thi công; dự án mở rộng hầm Phước Tượng - Phú Gia chuẩn bị đầu tư; dự án Quốc lộ 49B đã và đang thi công đoạn từ cầu Trường Hà đến cầu Tư Hiền; dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, dự kiến hoàn thành trong quý I/2019; dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn chuẩn bị đầu tư; dự án mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đang triển khai thủ tục đầu tư...

Trên các tuyến đường nối các địa phương, đáng chú ý có Dự án đường La Sơn - Nam Đông đã cơ bản hoàn thành; đường Nguyễn Chí Thanh - Quảng Điền (đoạn từ cầu Niêm Phò đến thị trấn Sịa), Phong Điền - Điền Lộc, Thủy Phù - Vinh Thanh đang thi công. Các dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ, Phú Mỹ - Thuận An, cầu Vân Dương đang giải phóng mặt bằng. Các dự án khu đô thị mới An Vân Dương: Dự án đường Trường Chinh, đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương - Thuận An đang thi công hoàn thành...

Dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế có tổng mức đầu tư 70,5 triệu USD đã hoàn thành công tác thẩm định thiết kế các gói thầu xây dựng, dự kiến khởi công tháng 01/2019.

Trong năm, tỉnh cũng đã triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế; các công trình khai thác thế mạnh về tiềm năng văn hóa, du lịch trên địa bàn.

Việc phát triển cấp nước đang triển khai có tổng mức đầu tư 81,54 triệu USD, giai đoạn 1 là 46,22 triệu USD. Dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố Huế đang nỗ lực về đích. Gói thầu Cống thoát nước đường Đống Đa và Điện Biên Phủ và gói thầu công trình sông hói đã hoàn thành. Các gói thầu Nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm, cống bao, giếng tách, ống áp lực và một số tuyến cống chung thi công đến nay đạt khoảng 85% khối lượng.

Về hạ tầng khoa học công nghệ - công nghệ thông tin: đã hoàn thành 2 dự án trọng điểm của ngành khoa học công nghệ: Dự án nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế và dự án đầu tư, tăng cường khả năng kiểm định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tỉnh đã xây dựng hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Phối hợp cùng Công viên Phần mềm Quang Trung xây dựng mô hình chuỗi tại tỉnh Thừa Thiên Huế...

Hạ tầng Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây hiện đang triển khai thi công, khối lượng thực hiện khoảng 522 tỷ đồng. Dự án cầu cảng số 2, cầu cảng số 3 đang triển khai, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019.

Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ năm qua có bước phát triển mới. Tổng lượt khách đến tỉnh ước đạt 4.250 nghìn lượt, tăng 11,8% so năm 2017, trong đó khách quốc tế 1.950 nghìn lượt, tăng 30%, khách nội địa 2.300 nghìn lượt, bằng cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 2.100 nghìn lượt, tăng 13,6%; trong đó khách quốc tế ước đạt 990 nghìn lượt, tăng 21,3%. Trong 9 tháng năm 2018, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu với 214,48 nghìn lượt khách, chiếm 30%. Một số thị trường truyền thống vẫn có mức tăng trưởng ổn định như Pháp (11,1%), Mỹ (6,2%), Đức (5,9%), Anh (5,6%),... Doanh thu ngành dịch vụ du lịch ước đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 25% so năm trước.

Tỉnh đã tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch. Chuẩn bị mở rộng thêm 02 tuyến mới kết nối sân bay Phú Bài; nâng cấp, mở rộng sân bay (dự kiến khởi công năm 2019); nghiên cứu dịch vụ du lịch phục vụ du khách và thủy thủ tàu của nhà đầu  tư Bình An và hãng tàu Caribean.

Cơ sở du lịch đang tăng lên nhờ các dự án lớn, đặc biệt Laguna vừa tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD gồm nâng số phòng lưu trú lên khoảng 5.000 phòng và đưa vào khai thác casino sau năm 2020; một số dự án đã đi vào hoạt động: Tổ hợp Trung tâm thương mại và khách sạn Vincom Hùng Vương Huế (cao 37 tầng), Khách sạn Thuận Hóa, Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải… Đã khởi công Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô,…
 

Ảnh: Văn Đình Huy

Trong tầm nhìn phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ tuyến phố đi bộ dọc sông Hương (đường Nguyễn Đình Chiểu) gắn với không gian nghệ thuật dọc đường Lê Lợi; đã sắp hoàn thành Cầu đi bộ trên Sông Hương, gắn với không gian nghệ thuật dọc đường Lê Lợi. Một số sản phẩm mới thử nghiệm đã mang lại kết quả và phát huy cho các năm sau: Chương trình Lễ hội văn hóa nghệ thuật, ẩm thực: Lễ hội Lân quốc tế Huế; Lễ hội diều, Lễ hội Thanh Trà…; đã chính thức đưa vào khai thác lăng Gia Long.

Bên cạnh đó, các hoạt động thể thao: Ngày hội xe đạp thể thao đường trường quốc tế Coupe de Huế và Cuộc thi Hue - Bán Marathon năm 2018 lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh góp phần đẩy mạnh các hoạt động thể thao gắn với các hoạt động văn hóa, quảng bá vùng đất Cố đô Huế đến với bạn bè quốc tế.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh một với một số hoạt động nổi bật: chiến dịch quảng bá “Huế - Kinh đô ẩm thực Việt - Sự tận hưởng kỳ thú giai đoạn 2018 - 2020”; công bố và triển khai kế hoạch truyền thông Bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh (“Huế - kinh đô xưa, trải nghiệm mới”); triển khai cuộc thi “Khám phá Huế 2018”. Tham gia nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước: Hội chợ VITM Hanoi; Ngày hội Du lịch Hồ Chí Minh; Hội chợ Travex tại Thái Lan; Hội chợ ITB Berlin tại Đức; Lễ hội Việt Nam và giới thiệu 03 địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam tại Nhật Bản và tại Singapore; tổ chức khảo sát của đoàn Famtrip Malaysia, Famtrip của G7 (thành phố Hồ Chí Minh), APEX (Nhật Bản), Thái Lan...; Đại sứ Canada thiết lập quan hệ với địa phương và hỗ trợ cho công dân Canada... Các hoạt động này đã xúc tiến trao đổi thông tin và bày tỏ vướng mắc của đối tác khi đưa khách về Huế.

Trong Chương trình phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, năm 2018, tỉnh tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 1.170 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới, tăng 16,31% so với cùng kỳ. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới dự kiến đạt 670 doanh nghiệp, tăng 5,1%, với số vốn đăng ký đạt khoảng 6.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có khoảng 190 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29 doanh nghiệp; có hơn 90 doanh nghiệp giải thể, tăng khoảng 16 doanh nghiệp; 330 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 10 doanh nghiệp.

Với quan điểm quyết liệt trong công tác CCHC, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước. Doanh nghiệp tiến hành giao dịch thủ tục hành chính tại tất cả các cơ quan trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến, các Trung tâm hành chính công cấp huyện đã đi vào hoạt động ổn định.

Tỉnh cũng đã đưa vào vận hành chính thức quy trình phối hợp giữa các thủ tục: đăng ký kinh doanh - đăng ký tài khoản ngân hàng - đăng ký khắc con dấu. Quy trình này giúp giảm thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp từ 10 ngày xuống còn 03 ngày. Trong lĩnh vực giao dịch thương mại đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa Asean theo kế hoạch của Tổng cục hải quan.

Trong Chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc cải cách thể chế đã duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Toàn tỉnh có 2.169/2.187 thủ tục hành chính được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (tỷ lệ 99,18%). Tỉnh đang đẩy mạnh hiện đại hóa cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng CNTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 (ISO); nâng cấp các phần mềm dùng chung nhằm phù hợp với ứng dụng trong công việc tại các cơ quan, địa phương; phát huy hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành qua môi trường mạng.

Hướng đến năm 2019

Trên cơ sở những thành tựu đạt được của năm 2018, năm mới 2019, tỉnh sẽ tiếp tục các chương trình trong điểm để tạo những cú hích phát triển mới.

Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ sẽ nhắm đến mục tiêu chung là tiếp tục phát triển ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Phát triển du lịch kết hợp với việc xây dựng môi trường xanh, sạch, thân thiện, an toàn và tiện nghi cho du khách; từng bước khẳng định thương hiệu Huế - Kinh đô của lễ hội và ẩm thực.

Phấn đấu năm 2019 đạt từ 4,5 - 4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%); khách lưu trú đạt từ 2,2 - 2,3 triệu lượt, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt từ 4.700 - 4.900 tỷ đồng cho năm 2019. Triển khai sớm đưa vào hoạt động một số dự án đầu tư chiến lược, mang tính đột phá, tạo ra các sản phẩm thực sự hấp dẫn như các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, sân golf của các tập đoàn My Way, Ecopark, BRG, FLC, Minh Viễn, Laguna. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt nâng cấp, mở rộng và đấu nối các con đường tiếp cận các điểm du lịch. Đẩy nhanh tiến độ dự án thí điểm đường đi bộ phía Nam bờ sông Hương do KOICA tài trợ để đưa vào phục vụ khách du lịch trong năm 2019. Tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn, đặc biệt các sản phẩm vui chơi giải trí nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú, tăng sự chi tiêu, góp phần ổn định lượng khách đến Huế, đồng thời sớm khẳng định cho thương hiệu du lịch Huế. Nâng cao tính chuyên nghiệp và quy mô tổ chức và quy mô hơn các sự kiện, lễ hội hàng tháng hoặc quý tại Huế năm 2019 theo chủ trương thực hiện Festival 4 mùa để trở thành những sản phẩm du lịch của Huế (như lễ hội diều, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội hoa đăng, lễ hội sen, lễ hội múa lân, lễ hội bia...).

Đẩy mạnh phát triển ẩm thực Huế thành một sản phẩm du lịch đặc thù, thương hiệu riêng của Huế, trước mắt hình thành được điểm, trung tâm ẩm thực (trục đường Lê Lợi, cung An Định, trong Đại Nội), bảo tàng ẩm thực để đẩy nhanh công tác truyền thông quảng bá và phục vụ du khách. Tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng các điểm đến đối với sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với biển và đầm phá...

Liên quan đến đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, sẽ nâng cao năng lực của các đơn vị lữ hành Huế trong việc quảng bá, giới thiệu và khai thác, thu hút khách du lịch đến Huế. Tiếp tục nghiên cứu để mở rộng thị trường, ngoài các thị trường truyền thống, chú trọng các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng khác. Tham gia quảng bá du lịch tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước như: Hội chợ VITM Hanoi 2019, Hội chợ ITE HCMC 2019, IMEX (Mỹ), ITB Singapore, Đức, JATA (Nhật), Hana tour (Hàn Quốc)... Ra mắt và đưa Trung tâm hỗ trợ du khách vào hoạt động; công bố rộng rãi hơn nữa thông tin đường dây nóng, hệ thống phản ảnh hiện trường, về hỗ trợ du khách qua các điểm công cộng, các phương tiện vận chuyển,... để khách du lịch tiện trong việc liên lạc, thông tin. Xây dựng các ứng dụng phần mềm hỗ trợ cho việc tiếp nhận và phản hồi các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Chương trình phát triển đô thị, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật sẽ nhắm đến mục tiêu phát triển đô thị theo hướng bền vững; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng toàn tỉnh; nâng cao năng lực phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Tập trung hoàn thành Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận. Đô thị Huế sẽ từng bước xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh. Triển khai xây dựng Đề án mở rộng và phát triển đô thị Huế. Triển khai dự án chỉnh trang hai bên bờ sông Hương (chiếu sáng bờ sông, vườn hoa trung tâm, đường đi bộ...). Khởi công dự án Thành phố Xanh (Green City). Chỉnh trang vỉa hè quốc lộ 1A từ trung tâm thành phố Huế đi sân bay Phú Bài.

Đô thị động lực và các đô thị vệ tinh: Tiếp tục đầu tư một số tuyến đường nội thị thiết yếu, ưu tiên các đường nội thị Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Thuận An, Sịa; tiếp tục chỉnh trang một số tuyến đường trên địa bàn huyện Phong Điền, Quảng Điền; chỉnh trang các trục đường chính về điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh...

Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện cải cách hành chính; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT), chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của tỉnh xếp ổn định trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.

Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh Thành Huế nhắm đến mục tiêu gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam; ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sống trong khu vực 1 di tích; đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch. Từ năm 2019 - 2021 hoàn thành việc di dời, xây dựng khu tái định cư phạm vi di tích Kinh Thành Huế gồm tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ).

Năm 2019 tỉnh sẽ thực hiện 02 dự án tái định cư bao gồm: Dự án HTKT khu dân cư phía Bắc Hương Sơ (khu vực 1) có tổng mức đầu tư 52,7 tỷ đồng, quy mô 4,98ha; dự án HTKT khu dân cư phía Bắc Hương Sơ (khu vực 2) có tổng mức đầu tư 66,5 tỷ đồng, quy mô 4,9ha. Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thi công khi có nguồn lực dự án dự án HTKT khu dân cư phía Bắc Hương Sơ (khu vực 3) có tổng mức đầu tư khoảng 826 tỷ đồng, quy mô khoảng 63,2ha. Tổng nguồn lực thực hiện khoảng 800 tỷ đồng.

P.T  
(TCSH360/02-2019)





 

 

Các bài mới
Bóng khuyết (21/03/2019)
Đường về (15/03/2019)
Tráng sĩ (15/03/2019)
Các bài đã đăng
Phố bình yên (15/02/2019)
Vẽ lợn (06/02/2019)
Tâm Xuân (06/02/2019)