Tạp chí Sông Hương - Số 361 (T.03-19)
Bến vắng
09:08 | 03/04/2019

NGUYỄN HẢI TRIỀU   

1.
Đường ra bến đò cuối làng Phú Đông ngày xưa không vắng hoe như bây giờ đâu. Cái bến đò còn đông đúc người qua lại.

Bến vắng
Minh họa: Phan Thanh Bình

Trong kháng chiến, địa danh Xóm Bụt là căn cứ lõm của cách mạng. Gọi Xóm Bụt vì trước đây người ta kể rằng đất đai chỉ mọc toàn cây dâm bụt (còn gọi là cây “lá nả”). Mùa hoa dâm bụt, hoa nở đỏ rực một góc sông. Do địa thế hiểm trở nên vắng người lui tới. Mãi đến gần trăm năm trước, có ông Thủ Hiến trong làng rủ bà con tộc họ ra khai hoang, canh tác. Đầu tiên năm bảy nhà, rồi đến nhiều lên đông đúc, cuộc sống thịnh vượng. Ông Thoang, cha của Tất là người đưa đò lâu năm trên bến Bụt này. Nghe đâu từ thời ông nội của ông kia. Cả đời ông, sông nước đò giang từng trải. Thời chiến tranh, bom đạn, giặc giã liên miên ông cũng không rời bến đò nửa bước. Bà Mến vợ ông qua đời trong một trận càn. Ông làm gà trống một mình nuôi anh Tất nên người. Căn nhà nhỏ trên bến sông một già một trẻ nương nhau thủy chung với con đò quê cả làng ai chẳng biết.

Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, trai tráng lên đường đánh giặc, anh Tất cũng xung phong đi bộ đội. Chính quyền địa phương xét gia đình neo đơn hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng anh nằng nặc lên tới huyện đội xin nhập ngũ. Hiểu tính con trai, ông Thoang cũng không có ý kiến chi, đồng ý cho Tất lên đường. Ông nói với hàng xóm láng giềng: “Cả đời tôi gắn bó với bến sông này rồi. Thằng Tất có đi xa thì còn bà con lối xóm đùm bọc. Cứ để nó đi cho bằng anh bằng em…”. Buổi chiều trước khi anh Tất lên đường, cha con ngồi với nhau dưới mái hiên ngôi nhà nhỏ trên bến vắng. Ông thủ thỉ: “Ngày mẹ con mất, con mới tròn bảy tuổi. Bà ấy tắt thở bên cái hầm kèo ngay góc nhà này đây. Hôm ấy cha mắc đưa mấy chú giao liên qua sông. Trái pháo 105 nổ cạnh hầm, mẹ con chết với mấy người hàng xóm. Chiến tranh thì trách ai được con. Cha con mình dựa nhau sống đến bây giờ là cha vui lắm rồi. Con đi yên tâm. Đạn bom trong kháng chiến không làm cha gục ngã thì bây giờ thấm tháp chi…”.

Đêm chia tay với Mai, anh Tất hẹn người yêu ra bến. Hai người lấy chiếc đò của ông Thoang cùng bơi ra giữa dòng sông Bình Yên, cắm sào ngồi bên nhau tâm sự. Dòng sông Bình Yên đúng với tên gọi của nó, đêm ấy yên ắng đến lạ thường. Tháng Giêng, trăng Nguyên Tiêu vằng vặc soi sáng cả dòng sông. Từng ngóc ngách kỷ niệm hiện về với đôi tình nhân. Bên kia là Lạc Thành xóm làng như đang ngủ. Điện Tiến xuôi về đông dòng sông như thổn thức. “Ngày mai anh lên đường/ ngày mai anh ra chiến trường…”, câu hát cứ vẳng trong Tất trong Mai với bao lời hò hẹn ngày về. Họ chẳng nói với nhau điều chi nhiều, chỉ để cảm xúc dâng trào trong đắm đuối của tình yêu… và mãi đến khi bóng trăng xế ngang đầu, họ lưu luyến chia tay, dùng dằng quay thuyền về bến.

Hôm sau, trong đám bạn bè, người thân tiễn anh Tất lên đường, người ta không thấy Mai, có lẽ cô ấy không thể cầm lòng với cuộc chia tay (?).

Tất đi bộ đội được ba tháng, cả làng Phú Đông lại xôn xao thông tin bất ngờ: Ông Thịnh, cha của Mai đưa vợ con đi kinh tế mới ở Lâm Đồng. Họ không hiểu sao nhà cửa, vườn tược đất đai đang ổn định, ăn nên làm ra vậy mà phải bỏ xứ lưu lạc. Gia đình ông đi, một thời gian sau câu chuyện tình yêu của anh Tất và Mai cũng chẳng còn ai để tâm tới nữa.

Nửa năm sau, ông Thoang qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Ngày ông mất, hàng xóm bà con có nhờ người đánh điện để Tất xin phép đơn vị về với cha lần cuối nhưng không được. Họ nói đơn vị của Tất đã hành quân sang đất bạn chiến đấu lâu rồi. Hàng xóm lo cho ông mồ yên mả đẹp. Họ mai táng ông ngay trên bến sông Xóm Bụt, nơi cả đời ông từ tuổi trẻ đến khi về già gắn bó máu thịt nơi bến sông quê. Ông Thoang mất, không còn người lái đò, bến vắng đi một cách lạ lùng.

2.

Anh Tất về quê sau gần bốn năm trận mạc. Anh về trên chiếc xe lăn. Đôi chân anh để lại chiến trường Đông bắc sau một trận đánh trong chiến dịch Ngã Ba Biên giới. Đồng đội kể lại rằng, khi anh chỉ huy tiểu đội của mình đưa thương binh về hậu cứ thì bị lạc vào giữa bãi mìn. Anh đi trước đội hình, một trái mìn KP2 đã băm nát đôi chân anh. Anh nhận phần nguy hiểm để cả đội hình phía sau anh được an toàn. Anh Tất bị thương, đơn vị cứ nghĩ rằng anh sẽ không qua khỏi vì đường về hậu cứ rất xa mà vết thương của anh máu lại ra nhiều. Nhưng anh vẫn sống cho đến khi đồng đội đưa được anh đến trạm phẩu tiền phương. Có lẽ nghị lực phi thường của người con trai Xóm Bụt trong anh trỗi dậy với ước vọng phải sống để được có ngày về quê bên người cha già, bên người yêu ngày ra đi với bao lời hẹn ước...

Anh về. Thực tế hoàn toàn ngược lại với bao điều anh nghĩ. Cha mất. Người yêu biệt xứ chẳng biết nơi nào? Về đến ủy ban xã, những người bạn cũ, người quen đon đả đón anh, vui mừng… nhưng trong mắt họ ánh lên niềm thương cảm… và anh đã hiểu ra mọi lẽ. Ngồi trên chiếc xe lăn, anh liêu xiêu trên con đường bê tông về Xóm Bụt. Hai bên đường, những ruộng cải đang mùa trổ hoa vàng đầy lối. “Có một mùa hoa cải/ nắng vàng trong mê mải/ Anh nói rồi anh đi/ Chiến tranh không hẹn ước…”.

Anh Tất về Xóm Bụt. Túp nhà cũ bên bến sông ngày anh ra đi bây giờ vẫn vậy, hắt hiu, đơn độc. Anh về. Người ta kể rằng suốt ba ngày trời anh không ăn uống chi hết mà cứ lăn xe ra mộ ông Thoang từ sáng đến chiều, đến tối, lặng lẽ độc thoại với cha mình. Mọi người sợ anh ngã bệnh tìm lời an ủi. Thời gian sau nguôi ngoai anh mới trở lại bình thường đôi chút. Anh gầy sọp đi, ít nói hẳn. Chàng thanh niên Tất ngày chưa đi bộ đội sôi nổi, ồn ả bao nhiêu thì bây giờ anh thương binh Tất lại trầm lắng, lặng lẽ bấy nhiêu.

Một năm, rồi hai năm đi qua, cái Bến Bụt làng Phú Đông vẫn là cái bến vắng dù người con trai ông lái đò đã trở về. Những ngày đầu anh sống lặng lẽ với chòm xóm, ít giao du nhưng rồi cũng quen dần, Tất cởi mở hơn. Với đồng phụ cấp thương binh, một mình anh trang trải vẫn đầy đủ. Bạn bè anh, nhất là những đồng đội cũ thường xuyên tới lui thăm hỏi, xóm giềng qua lại mỗi ngày, anh Tất dần trở lại bình thường hòa nhịp với cộng đồng, duy câu chuyện tình của anh với Mai, gần như không bao giờ nhắc tới. Bà con cô bác trong làng đôi khi cũng gợi mở cho Tất cưới vợ, anh chỉ cười…

Sau mấy buổi chiều lăn xe ra bến sông, nơi úp chiếc ghe đò của cha để lại. Anh Tất nhìn trời, nhìn nước, nhìn bến vắng hoang liêu… hôm sau anh kêu thợ sửa ghe đến nhà sửa sang lại chiếc đò cũ. Mọi người ngạc nhiên hỏi, anh cười nói: “Phải đưa đò trở lại để bến sông này không còn hoang vắng nữa bà con à!” Sống một mình, những đêm trái gió trở trời anh chống chọi với những cơn đau nhức của vết thương. Thỉnh thoảng anh giật thót người khi nghe tiếng “đò ơi” của ai đó bên sông. Những người đi xa lâu ngày về ngang bến cũ cứ tưởng con đò năm nao vẫn còn đưa khách. Dòng hoài niệm chảy trong anh về thời quá vãng, về bến xưa…

Kể từ hôm đó, con đò Bến Bụt lại qua sông. Thỉnh thoảng mới có một vài người khách. Xóm Bụt cũng vui lây. Anh Tất đưa đò nhưng không lấy tiền. Khách ngạc nhiên khi thấy người lái đò là một thương binh cụt chân. Có khi khách năn nỉ quá anh lấy vài đồng cho vui. Đưa đò với anh đã thành niềm vui mỗi ngày.

Một buổi trưa, khi anh Tất còn đang mơ màng trong giấc nghỉ thì giật mình bởi những tiếng la thất thanh: “Bớ người ta! Cứu! Cứu! Có người chết nước...”. Anh vùng dậy, quơ chiếc áo khoác lên người, vội lên chiếc xe lăn đổ dốc ra bến. Một nhóm ba đứa bé gái khoảng lớp bảy, lớp tám tắm sông đang bị đuối nước. Chúng trì kéo với nhau, có đứa đang đuối dần trôi theo dòng. Không một chút do dự; cũng không có đủ thời gian để lấy dầm chèo leo lên thuyền bơi ra cứu chúng. Để nguyên quần áo trên người, anh nhảy xuống dòng nước đang chảy xiết bơi theo. Kéo được đứa thứ nhất; đứa thứ hai vào bờ để cho mọi người chăm sóc, anh lao theo đứa thứ ba đang trôi xa ra tận giữa dòng. Cố lấy hết sức còn lại anh dìu đứa bé vào tận bờ thì không còn chút sức lực nào nữa. Dòng nước xoáy đã cuốn anh chìm nghỉm, mất tích. Cuối buổi chiều hôm ấy, người dân Xóm Bụt vớt được thi hài anh Tất nơi tận cuối dòng sông. Anh chết trong sự tiếc thương của cả làng. Người ta nói rằng, một con người sức vóc bình thường chưa chắc chịu nổi dòng xoáy của sông Bình Yên mùa lũ; huống chi anh, một thương binh mất chân! Người ta mai táng anh ngay bên mộ cha mình, trên bến sông thân thuộc mà cả đời anh, đời cha gắn bó. Cả làng khóc anh…

3.

Chiều nay. Cũng như mọi buổi chiều trên bến sông. Anh Tất không còn. Bến vắng.

Một cô gái trẻ khoảng chừng đôi mươi, tay ôm một bó hoa tươi, lặng lẽ dừng chiếc xe đạp bên cạnh mộ anh Tất. Cô ôm bó hoa đặt trước tấm bia rồi ngồi xuống, vừa nhổ cỏ vừa thầm thì: “Ba ơi! Hôm nay con về thăm mộ ba đây! Mong ba an nghỉ ngàn thu…”. Trong khi cô gái còn đang thổn thức, độc thoại thì có một chiếc xe hơi bóng loáng trờ tới. Xe dừng. Một người đàn bà trung niên nhưng còn rất xinh đẹp và một anh thanh niên khoảng ba mươi mở cửa xe bước xuống. Sau một lúc chần chừ, họ cũng ôm một bó hoa bước tới đặt trước mộ anh Tất trong sự ngạc nhiên của cô gái. Sau thoáng ngập ngừng, cô gái hỏi: “Cô là… Sao cô lại đến thăm mộ ba cháu?” Người đàn bà ngạc nhiên: “Cháu là con gái của anh Tất? Anh ấy cũng có con?” “Dạ không! Ba Tất vì cứu cháu mà phải trả giá bằng cả mạng sống. Từ ngày ấy, cháu luôn xem là ba của mình cô à! Còn cô?” Hai người phụ nữ, một già một trẻ chợt hiểu ra. Rồi như có một sự đồng cảm nào đó, người đàn bà ôm chầm cô gái, thổn thức như nói với chính mình: “Cháu ơi! Cô là Mai. Là người đàn bà phụ bạc của chú Tất…”. Họ khóc.

Cái đêm chia tay ấy, anh Tất đã để lại giọt máu cho Mai trước khi ra trận. Sợ miệng thế gian đánh tiếng con gái chửa hoang, ông Thịnh quyết định đưa cả gia đình vào Lâm Đồng lập nghiệp. Mai sinh con nơi đất khách quê người và sau nhiều năm không có tin anh Tất trở về, cô lấy chồng. Số phận đưa đẩy Mai sang nước ngoài định cư. Cuộc sống mới tuy sung túc, suôn sẻ. Khi biết tin về quê xứ thì Tất không còn nữa. Lần này về thăm quê, cô quyết định đưa đứa con trai, giọt máu của Tất về thăm mộ cha mình. Những giây phút lắng đọng, hoài niệm…

“Con à! Lại lạy ba đi con!”

Ánh nắng chiều yếu dần phía trời tây. Ngày sắp tắt. Bên kia sông, nơi còn sót lại mấy hàng dâm bụt hoang dại đã rực bông…

Bến vắng.

Tháng 6/2018
N.H.T  
(TCSH361/03-2019)




 

 

Các bài mới
Chị tôi (22/04/2019)
Các bài đã đăng