Tạp chí Sông Hương - Số 46 (T.4-1991)
Trao đổi với ông Hà Văn Lâu một chút vui buồn cùng Huế
15:35 | 29/03/2019

LƯU TRỌNG VĂN

(thực hiện)

Trao đổi với ông Hà Văn Lâu một chút vui buồn cùng Huế
Ông Hà Văn Lâu và Tổng thư ký LHQ Cuellar

Lưu Trọng Văn (L.T.V):
Nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, chuyên viên kinh tế, hay một công dân, hay một người Huế yêu Huế, ông thích nói chuyện với cương vị nào?

Hà Văn Lâu (H.V.L):
Nói chuyện về Huế, về quê hương, thân tình hơn, thích thú hơn.

L.T.V:
Ông thích được tôi hỏi ông câu đầu tiên là câu gì?

H.V.L:
Theo đề nghị của ông tổng giám đốc UNESCO, UNESCO đã ra nghị quyết ủng hộ 4,5 triệu đô la Mỹ để khôi phục lại các công trình lịch sử của cố đô Huế đã bị tàn phá bởi nhiều cuộc chiến tranh. Nhưng tiếc rằng hồi đó do chiến tranh biên giới tây-nam, do Mỹ và các nước phương Tây bao vây kinh tế Việt Nam, không chịu góp tiền để UNESCO thực hiện nghị quyết của mình. Đến bây giờ nghị quyết đó vẫn còn giá trị. Bao giờ UNESCO sẽ thực hiện nghị quyết của mình?

L.T.V:
Ông sinh ra và lớn lên ở ngã ba Sình... nơi có câu ca:

"Đò về Đông Ba đò qua Đập Đá
đò xuôi Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình”,

từ ngã ba Sình bên dòng Hương ấy ông làm cách mạng, rồi năm 1947 cùng các chiến sĩ trong đoàn Cao Vân ông xa Huế lên chiến khu, đúng 30 năm sau ông trở lại...

H.V.L:
Ngã ba Sình trước rất tấp nập xuồng ghe chèo từ cửa Thuận lên buôn bán cá. Sau này xuồng ghe được gắn máy, người ta đi thẳng tới chợ Đông Ba, ngã ba Sình không ai ghé nữa, tiêu điều, xơ xác.

L.T.V:
30 năm sau trở lại, ông thấy dòng Hương vẫn trong vắt?

H.V.L:
Vẫn trong vắt, thấy cả rong.

L.T.V:    
Còn đẹp không?

H.V.L:
Trời lặng gió sông Hương như một tấm gương.

L.T.V:
Một vẻ đẹp buồn buồn?

H.V.L:
Buồn hay không là do mình, mình buồn thì thấy cảnh buồn.

L.T.V:
Trong vắt đồng nghĩa với sự nghèo?

H.V.L:
Nước lũ về, phù sa thiếu gì.

L.T.V:
Sông Hương... với ông đó là hương gì?

H.V.L:
Hương sen.

L.T.V:
Tại sao?

H.V.L:
"Trong bùn gì đẹp bằng sen". Nhưng sự thật, Huế không đẹp như trước vì đôi bờ dòng Hương bị trụi cây, nhà cửa xây cất lộn xộn.

L.T.V:
Cầu Tràng Tiền gãy nhịp có làm thốn con mắt của ông không? Theo tôi được biết 11 giờ đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946 với tư cách Trung đoàn trưởng trung đoàn Cao Vân chiến đấu ở Huế, ông đã trực tiếp ra lệnh cho đội công binh do một anh tên là Vừa chỉ huy, châm ngòi 500 kg thuốc nổ phá cầu Tràng Tiền.

H.V.L:
Chúng tôi phải phá cầu ngăn quân Pháp ở bờ Nam sông Hương lại để bảo vệ nhân dân và lực lượng của ta.

L.T.V:
Với con mắt khoa học quân sự hôm nay ông vẫn thấy biện pháp đó là cần thiết?

H.V.L:
Không có cách khác. Năm 1984 - 1988 là đại sứ của ta ở Pháp, tôi đã lục tài liệu hồ sơ về cầu Tràng Tiền ở Bộ Giao thông công chánh Pháp, sau hai năm tôi mới tìm thấy. Tôi vận động những Việt kiều yêu Huế, và cả chính phủ Pháp giúp Huế khôi phục lại cầu Tràng Tiền như xưa.

L.T.V:
Đến bây giờ cây cầu ấy vẫn gãy nhịp.

H.V.L:
Tiền quyên góp không thể đủ, bởi chi phí khôi phục cầu tốn kém hàng chục triệu frăng, phải cần có sự hỗ trợ của chính phủ Pháp...

L.T.V:
Xin được hỏi ông lan man một chút, ông thích nhất lăng nào ở Huế?

H.V.L:
Minh Mạng.

L.T.V:
Vì sao?

H.V.L:
Đơn sơ mà trang nghiêm, một quần thể thiên nhiên hài hòa, dân tộc, độc đáo. Sau lăng Minh Mạng tôi thích lăng Tự Đức. Này anh bạn trẻ, núi Ngự Bình của Huế mình ngày xưa đẹp lắm, bây giờ trụi lủi hết...

L.T.V:
Đi rất nhiều nơi, nhiều nước, ông có thường xuyên gặp người gốc Huế?

H.V.L:
Người Huế tha phương nhiều.

L.T.V:
Đa số họ là trí thức?

H.V.L:
Trí thức tài giỏi nắm nhiều ngành, nhiều nghề, có người thuộc hoàng phái, có người ngoài hoàng phái.

L.T.V:
Còn chính tại Huế, thì trí thức có phần trụi lủi như cây trên núi Ngự kia, ông có nghĩ đến sự trở về của chất xám?

H.V.L:
Nhiều người về chơi rồi lại đi.

L.T.V:
Vì sao, thưa ông?

H.V.L:
Đất nước cần nhân tài. Bác Hồ sang Pháp trực tiếp mời trí thức trở về trong đó có Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước v.v...

L.T.V:
Bây giờ lại có một dòng chảy ngược...

H.V.L:
Ta chưa có đường lối thật cụ thể rõ ràng khuyến khích chất xám trở về, mặc dù lác đác trong các nghị quyết cũng có nói đôi câu.

L.T.V:
Nhưng Tổ quốc là mẹ.

H.V.L:
Đúng, mọi người con phải có nghĩa vụ với Tổ quốc của mình.

L.T.V:
Ở đây không chỉ có vấn đề chất xám vượt biển, vượt biên, ta đang nói về Huế, ông có thấy rằng rất nhiều trí thức Huế lang bạt vào Đà Nẵng, vào thành phố Hồ Chí Minh?

H.V.L:
Bởi có sự chênh lệch...

L.T.V:
Sao nét mặt ông có vẻ buồn vậy?

H.V.L:
Tự dưng tôi nhớ hồi 1947, bộ đội rời Huế lên chiến khu, khổ sở không tưởng tượng nổi, một viên ký ninh chia cho 5 người uống, chăn mền không có phải quấn bao bố, đói, ăn ngô, sắn thay cơm. Tôi còn nhớ bộ đội đi tác chiến qua bà Quế ở chiến khu nếu thắng bà cho mỗi anh một miếng đường đen bằng ngón tay út...

L.T.V:
Xin hỏi ông câu cuối cùng, người ta thường đùa. Vì do ông tên "Lâu" nên phải quá lâu làm đại tá?

H.V.L: (cười)
Hồi 1954, hội nghị Giơ ne vơ tôi được phong "đại tá" trong lúc bộ đội ta chưa có quân hàm. Phải phong vậy bởi đại diện quân Pháp đề hội đàm là đại tá... Thế rồi từ đó tôi chuyên làm ngoại giao... Mà ở ngạch ngoại giao này cán bộ quân sự chỉ cần ở cấp đại tá là cao nhất... Cho nên hơn 20 năm tôi cứ mang lon... đại tá.

TP. Hồ Chí Minh - Tháng 3 /1991.
(TCSH46/04-1991)





 

 

Các bài mới
Trang thơ da đen (30/08/2019)
Sử thi buồn (21/08/2019)
Kẻ mồ côi (02/08/2019)
Các bài đã đăng
Chùm thơ Võ Quê (26/03/2019)