Tạp chí Sông Hương - Số 46 (T.4-1991)
Sử thi buồn
09:17 | 21/08/2019

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
                                    Bút ký

Nếu có một biến động địa chất nào đó xảy ra thật nhẹ nhàng, khiến cho chỉ sau một đêm thức dậy, người ta bỗng thấy hai bờ sông Hương đã líp lại với nhau - nghĩa là thành phố Huế vẫn y nguyên, nhưng sông Hương không còn nữa...

Sử thi buồn
Dọc dòng sông Hương - Ảnh: Võ Quang Yến

Vâng, giả sử là như vậy, thì liệu người trong nước, ngoài nước còn buồn nhắc tới Huế nữa không? Có lẽ ai đó vẫn còn tìm về, để rồi nhận ra cái tâm Huế trong mình đã khác. Nước vẫn chảy về đông, nhưng với Huế tuồng như không phải thế, sông Hương là một dòng ký thác tự chảy vào lòng mình, "con sông dùng dằng con sông không chảy - sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu". E phải đạt tới sức tâm cảm của người nghe đàn cao sơn lưu thủy thuở xưa mới nói ra điều ấy, và chính là Thu Bồn, vốn một đời thơ giang hồ mê mải qua những dòng sông.

Còn tôi, rồi một ngày kia tôi sẽ già đi như tổ tiên của tôi, buổi sáng ngồi thật yên nghe con chim nó hót trong bụi hoa, lòng rỗng không vì đã quên hết chuyện đời. Trong buổi sáng thái hòa ấy của đời người, cả cõi nhân gian lại hiện trong bóng ký ức mơ hồ của tôi bằng tiếng cười nói của nhân loại trên những dòng sông mà tôi đã đi tới. Không biết rồi điều ấy có xảy ra với tôi hay không nhưng bây giờ tôi luôn luôn nghĩ thế. Ý nghĩ ấy đến với tôi lần đầu tiên cách đây hơn mười lăm năm, khi cuộc viễn du đưa tôi đến đối diện với dòng sông luồng to sóng lớn chảy xa mù trong lịch sử nước Trung Hoa cổ, chính là dòng sông mà một nghìn hai trăm năm trước, nghĩ đến mái tóc sáng như tơ xanh chiều như sương, Lý Bạch đã thảng thốt cất tiếng hỏi: "Anh không thấy sao, nước Hoàng Hà đổ xuống tự lưng trời?...". Con người thật giống bản lai của nó là trái đất, với muôn vàn những dòng sông lặng lẽ chảy suốt đêm ngày trong thân thể nó là những dòng máu, vận hành trong lẽ tuần hoàn của vũ trụ và chuyên chở biết bao điều huyền nhiệm của cuộc sống. Thế nên ở vào cái tuổi con người thu mình về với bản lai của chính nó, trong những giấc mơ thanh đạm, tôi sẽ thấy lại những dòng sông. Với tôi, sông Hồng là nỗi nhớ về phù sa của đời người, sông Cửu Long là sức mạnh đi tới biển và sông Hương như nỗi hoài vọng về một cái Ðẹp nào đó chưa đạt tới ở đời. Có lẽ vì thế mà bài hát Thiên Thai của Văn Cao đã được sinh thành từ trên dòng sông Huế này, trong nỗi mê cuồng của con phù du thoát xác bay về một cõi đẹp vĩnh hằng không có nơi trần thế. Anh Văn về Huế, tôi cùng anh trên một con thuyền trôi miên man trong buổi chiều xanh thẳm của núi ngàn, để cảm nhận lại một chút thiên thu trong tiếng hát Thái Thanh mà với tôi là bài hát "để nghe suốt đời người". Mùa xuân hoa dẻ rụng đầy những dòng suối ở cửa rừng, cánh trắng với những tua nhị tỏa thành chùm bềnh bồng, phảng phất một mùi hương hoang đường gợi nhớ Tiên, giống như hoa đào xưa kia Lưu Nguyễn một lần đã thấy...

***

Từ thung lũng A Lưới nhìn về phía nam, tầm mắt tự nhiên dừng lại ở một đỉnh núi cao đột khởi trên nền trời, trầm mặc tôn nghiêm quả là phong thái ngọn trấn sơn của một phương, hoặc là một hòn "núi Tổ" trong tình cảm chiêm ngưỡng của các dân tộc miền núi. Ðó là ngọn A Lu, nơi phát nguyên của năm con sông lớn: sông A Tin và sông A Sáp chảy về Lào, sông A Rong chảy về Quảng Nam; còn sông Bồ và sông Hương sẽ vượt rừng rất xa để đổ vào phía phá Tam Giang. Trước khi về hội nhau ở Ngã Ba Tuần, cả hai nhánh nguồn của sông Hương đều đã dong ruổi triền miên qua địa bàn sinh sống của người Cà Tu giữa rừng già. Trước khi là sông Hương của Huế, nó đã là một dòng sông của dân tộc Cà Tu, mang cái tên gốc pô-ly-nê-diêng là sông A Pàng.

A Pách lớn lên ở thôn An Ràng chính là cái nôi của sông Hương khi mới lọt lòng ra khỏi đất mẹ. A Pách sinh ra được mười ba mùa rẫy thì quê hương miền Tây đồng khởi. Cậu lên đường, khẩu súng cao hơn người, bàn chân giao liên của cậu in dấu mòn trên đá khắp khe suối đầu nguồn. Chính A Pách đã cho tôi biết cái tên A Pàng của dòng sông, và giải thích: "Pàng, tiếng Cà Tu có nghĩa là đời người - Mui Pàng, là một đời người". Lần ấy, tôi vẫn nhớ, A Pách vừa nói vừa chỉ cho tôi một lốt chân in sâu trên phiến đá nhẵn nơi bến Lội khe La Bá - nơi này sông chỉ mới sâu ngang nửa ống chân; lốt bàn chân ngắn và to bè giống y như bàn chân của A Pách, dấu năm ngón chân bấm sâu vào đá thành những lỗ tròn đọng đầy nước, và nụ cười trên khuôn mặt rám khô của A Pách toát ra một chất gì thật là gian khổ làm tôi nghĩ tới những cánh rừng cháy. A Pàng, dòng sông "Ðời Người", ôi con sông Huế nó đã chở đầy phận người từ thuở từng giọt địa chất sinh ra. Nguyễn Du đã có lần thở dài: "Hương giang nhất phiến nguyệt - Kim cổ hứa đa sầu" (1), thế vậy!

Năm ấy, bị trận càn của sư đoàn kỵ binh bay Mỹ đuổi rát theo gót chân, chúng tôi phải băng rừng suốt đêm, cứ nhắm hướng núi cao mà chạy. Cơn khát đã làm cho chúng tôi kiệt sức. Rừng thì thiếu chi khe suối, nhưng có những cung đường rừng đi suốt ngày không kiếm ra một giọt nước vẫn là chuyện thường và với người đi rừng, cơn khát khi ùa tới bao giờ cũng khủng khiếp hơn là cơn đói. Mọi người ngồi nghỉ, tôi lần theo một vết hẻm nơi sườn núi tụt dần xuống, với niềm tin được phác thảo ra rằng hãy bắt đầu từ một khe núi nào đó dù là Hy-mã-lạp-sơn, cuối cùng nó sẽ đưa anh ra tới biển. Gần một tiếng đồng hồ tụt dốc, vẫn chỉ những bậc đá khô như đã từ hàng triệu năm chưa từng biết tới cơn mưa, và đầu gối tôi run rẩy không còn bước thêm một bước nào nữa. Tôi sẽ nằm lại đây, để trở thành một cái xác khô ve sầu trên sườn núi này chăng? Vừa lúc ấy, tôi bỗng phát hiện ra, trên một hòn đá cách tôi không xa, một vệt rêu xanh nhạt, như một nét vẽ bằng mực nước của thiên nhiên trên đá khô. Lết dần xuống theo vết rêu ấy, tôi nhìn thấy những đám rêu mỗi lúc một dày hơn, và rồi hiện ra những chấm bụi nước li ti trên những cọng bông rêu nhỏ như sợi tóc. Cuối cùng, trên một tảng đá phủ đầy một lớp địa y mầu lục tươi, những giọt nước đã đọng lại, tí tách rơi xuống thành một vũng nhỏ bằng lòng bàn tay. Tôi uống cạn vũng nước ấy bằng hơi thở đắm đuối của một chiếc hôn; xong nằm phủ phục giữa lòng con suối khô, giống như một con tắc kè uống sương, thè lưỡi đón từng giọt nước tái sinh như sữa mẹ. Chỉ cần mười lăm phút tụt dốc nữa là tôi đến trước một ục nước trong vắt tận đáy để có thể nhìn thấy bầy cá sao lấp loáng ánh bạc, từ đó tuôn ra một dòng suối nhỏ nhưng tôi biết không bao giờ cạn, bởi vì đó chính là dòng nước khai nguyên của sông A Pàng, và trái núi tôi vừa đi hết là ngọn A Lu. Tôi đã tình cờ khám phá ra đầu nguồn sông Hương qua một cơn khát chết người như vậy. Thú thật rằng trong đời có một đôi lần tôi cảm ơn chiến tranh, cảm ơn đã đưa tôi tới mấp mé bên những vực thẳm, ở đó bao nhiêu điều cội nguồn đã sinh ra dưới nhiều loại cỏ không ai biết tới; ở đó: "ôi những gì thân yêu - thầm thì như máu mặn", đúng như câu thơ xao xuyến của Nguyễn Khoa Ðiềm mười năm sau ngồi nhớ lại.

A Pàng là một nửa đời băng ngàn vượt thác của sông Hương, mang trong cốt cách tinh thần của nó mọi cái đẹp mà trời đất chỉ dành riêng cho những con sông rừng. Ðể về tới Ngã Ba Tuần, A Pàng cùng với dòng sông chị em của nó là sông Tà Noai (tức là Nguồn Tả) đã phải vượt qua hơn bảy chục thác ghềnh. Chỉ cần nhắc lại tên của những con thác ấy cũng đủ để hình dung ra thế hiểm trở của cuộc hành trình mà dòng sông đã trải qua: thác Ngựa, thác Lồng, thác Phun Huyết, thác Kịch. Sông Nguồn thường dâng nước đột ngột dưới những cơn mưa rừng, nên những người sơn tràng xuôi ngược sông Hương ngày xưa có tập quán nuôi kỳ đà mang theo để dùng vào việc neo thuyền bè nơi ghềnh đá. Kỳ đà bắt ở núi mang về nuôi trong nhà thành gia súc, cứ thấy chủ bước xuống thuyền là lịch kịch bò theo như một con chó trung thành. Chỉ cần buộc một sợi mây song vào ngực nó nối liền với mũi thuyền và thả con kỳ đà lên một khối đá nào đó, thế là mặc nó một mình xoay xở với sông nước. Kỳ đà không to lắm, nhưng sức mạnh của nó thật lạ lùng: bàn chân của nó bám chặt vào đá đến nỗi không sức gì xeo bật ra được; nó đủ sức kéo trì một chiếc thuyền chở nặng chống lại sức cuốn đi của thác nguồn, và nước càng dâng thì kỳ đà càng bò lên cao; thuyền không bao giờ bị đắm như trong trường hợp người ta buộc thuyền vào một điểm cố định nào đó. Với người thợ rừng, kỳ đà là một người bạn đường khiêm tốn (nó đòi hỏi rất ít: chỉ cần dăm ba con cá đánh bắt dọc sông), nhưng đồng thời cũng sẵn sàng xả thân để cứu thuyền khi lâm nạn. Tại căn nhà đầy những kỷ vật nổi tiếng của Thanh Tịnh ở Hà Nội, tôi đã nhìn thấy xác ướp khô của một con kỳ đà mang về từ Huế, vốn là quà tặng của một người sơn tràng ở vùng lăng Minh Mạng. Con kỳ đà đã theo người thợ rừng xuôi ngược sông Hương làm nhiệm vụ tiếp tế trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong một trận lũ rừng, nó chống chọi với sức nước tới cùng, đến khi dây đứt, nó dùng miệng, chộp lấy dây; lại dùng đầu quành sợi dây nhiều vòng vào cổ mình để tiếp tục giữ thuyền khỏi bị nước cuốn vào ghềnh đá. "Không hiểu đó là tập quán, là linh giác, hoặc là thiên mệnh được phó thác thành bản năng nơi con kỳ đà, nhưng sự việc xảy ra quả đúng như vậy", anh Thanh Tịnh giải thích. Con kỳ đà cứu được thuyền cho tới phút chót, nhưng đã chết vì sợi mây song làm nó ngạt thở. Người nghĩa quân nay đã già, đem xác con kỳ đà gìn giữ mấy mươi năm tặng cho nhà thơ của quê hương ông, mong gửi gắm di thể của ân nhân trong đời.

Dưới nhiều vực đá bí ẩn, có những hang thẳm giống như cửa động từ đó một phần nước sông A Pàng rẽ ra để chảy về cõi âm - A Pách nói với tôi, và hình như cậu ta cũng tin rằng điều ấy là có thật. Trong tư duy huyền thoại của dân tộc Cà Tu, cõi âm không phải là địa ngục ghê rợn dành cho linh hồn người chết, mà là một thế giới giống như cõi người tồn tại trong lòng đất, ở đấy cuộc sống yên lành, ánh sáng mát dịu hơn vì đã được mặt đất che chở. Già Kon Lai quả quyết rằng chính mắt ông đã nhiều lần nhìn thấy "người cõi âm" lên chơi, dọc theo sông A Pàng. Ðó là những cô gái trần truồng, hơi thấp nhỏ nhưng trắng trẻo xinh đẹp hơn người dương trần, và đi lại dễ dàng trên mặt nước. May gặp họ người ta liền vây đuổi, định bắt về làm vợ hoặc làm con dâu. Nhưng không bao giờ có thể đến gần họ: các cô nàng vừa chạy thoăn thoắt vừa trêu đùa, rồi nhảy ùm xuống vực lặn mất. Tôi biết Kon Lai, cũng như Từ Thức, không bao giờ nói dối. Có lẽ Kon Lai quả là một Từ Thức người Cà Tu; Kon Lai mà một thời gian dài đi làm rẫy ở vùng Hương Hữu tôi vẫn gặp sống lang thang ven những con suối bên sông A Pàng, Kon Lai với hai bàn tay dài quá gối như dã nhân để lấy lửa từ trong đá và làm ra rượu ngon bằng nhiều loại cây rừng quanh mình, vâng, Kon Lai suốt đời ngủ dưới sao với giấc mơ Thiên Thai riêng của Người Núi.

Giữa những thác ghềnh mãnh liệt, sông A Pàng dịu dàng hẳn lại trong sắc đẹp của hoa rừng. Dọc hai bờ sông, đến đâu người ta cũng gặp những bãi cây a-rui chạy dài tít tắp. Loại cây này thích mọc trên đá, theo đá mọc lan ra xa trên mặt sông, rễ tỏa ra ôm chặt từng vầng đá lớn và cành dài quằn quại đổ theo chiều nước, dấu tích của những mùa cuồng lưu vật vã trên sông. Mùa hạ, sông A Pàng trôi miên man hàng chục dặm dài trong mầu đỏ chói của hoa a-rui. Nhiều cô gái Cà Tu mang tên loại hoa này: A-rui, cũng giống như tên Phượng ở những cô gái Huế, bởi vì hoa a-rui nồng thắm và đầy mơ ước nhan sắc hoàn toàn giống như hoa phượng. Không hiểu sao trong chiến tranh, hoa rừng vẫn nở đẹp đến thế, kể cả nhiều giống hoa lạ tôi vẫn gặp trong những vườn Huế, nghe nói xưa kia chỉ nở nơi sân nhà quyền quý. Quãng thời gian trước Mậu Thân, rừng còn vắng bom, chúng tôi thường qua lại sông A Pàng giữa ban ngày. Ven sông nơi ấy có một bãi đá dài với vô số những hang hốc do nước xói mòn, mà khi khoắng tay vào, chúng tôi có thể tóm được nhiều chú cá còn mắc kẹt lại khi nước triều rút xuống. Nơi bãi sông đó, lần đầu tiên tôi thấy một loài hoa lạ: trên mặt đá khô, những cây cỏ mảnh khảnh thân chỉ bằng cây tăm, với vài ba nhánh lá lơ thơ dáng lá rong, trên đầu mỗi cây nở một bông hoa giống như hoa ti-gôn, và tất cả hoa đều đỏ một mầu máu tươi. Không phải chỉ dăm bảy cây hiếm hoi mà dễ đến hàng vạn cây mọc rải khắp cả bãi đá dài hàng cây số; quả là một loài cỏ chỉ nở hoa trên một cánh đồng đá. Quan sát kỹ, tôi biết rằng hoa nở và tàn trong một ngày, và cũng giống như ở cây hướng dương, cây chỉ nở một lần hoa rồi chết. Mỗi cây chỉ dính vào mặt đá bằng ba mẩu rễ li ti, không biết nó tự nuôi sống bằng cách nào để nở ra một đóa hoa cao sang đến thế.

- Hỡi những bông hoa nhỏ! Hãy cho ta biết, ngươi ước vọng gì trong cuộc sống vô ưu của người?

- Chỉ cần một ngày nắng đẹp để nở hoa, thế thôi. Tôi có một trái tim hồng ngọc để chỉ sống và chết một lần với trái tim của tôi...

Ðây là trục giao liên về vùng sâu, và tôi đã biết đến nhiều cuộc chia ly trên bến sông này. Ngày ấy, tôi đưa Hát qua sông, Hát mang súng, ướt đẫm, Hát tóc huyền xõa nước xuống mặt tôi như một cơn mưa. Hát môi cuồng dại run rẩy, và Hát ngoái lại nhìn đẹp như không bao giờ có thật trong đời tôi. Em đã ước mong mai có hòa bình, sẽ cùng tôi trở lại sông A Pàng để giữ một lời hứa với hoa thạch thảo. Nhưng em đã không bao giờ trở về. Mười năm sau, theo những người dân lam lũ đi chặt mây, tôi quay lại bến sông rừng. Mình tôi, không có em... Chiến chinh đã dứt từ lâu, nơi quãng sông này không ai quay về nữa, chỉ còn lại những bông hoa Forget-me-not (2) của tôi tự nở tự tàn trong nỗi trầm mặc của đá - ôi khát vọng của cuộc đời sao mà gay gắt!

* * *

Thiên Thai, chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian.
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần...


Có lẽ nghìn năm trước Văn Cao đã hóa thân ở nơi đây, cầm trên tay trái đào nhớ thương của tiên nữ để theo dòng nước về nhân gian không trở lại. Người tiên khách trần chia tay nhau, chén rượu tiễn đưa chìm xuống đáy sông hóa thành một quả núi đẹp muôn đời, gọi là Hòn Chén. Hòn Chén hay còn gọi là núi Ngọc Trản, từ lâu đời trên núi có đền linh thờ tiên. Mạch núi trùng điệp từ tây bắc dồn về, cuồn cuộn thế rồng đi cọp ngồi, cảnh trí thanh quang, cây cối sầm uất, mới nhìn đã thấy khác thường, thời nhà Mạc, tác giả sách Ô Châu Cận Lục qua đây, cảm khái nói rằng núi này dáng như "tổ tông cao ngất". Dưới chân Hòn Chén dòng sông quành một vòng tròn để về xuôi xoáy thành một đáy vực sâu thẳm; chuyện cũ cố đô chép rằng các vua nhà Nguyễn dùng nước sông Hương lấy từ vực này. Nước sông ở đây còn đầy vị nguồn, ngọt thanh như ánh trăng và bóng trăng thì làm rùng mình như một mảnh nhan sắc chìm trong thiên cổ. Xuân Diệu kể trong thơ rằng một đêm chàng qua đây, nghe trong tiếng nguyệt cầm những giọt lệ thương đời người nương tử đã chết dưới vực biển pha lê này trong mầu trăng nguyệt bạch. Ở khúc quành này những con đò hoàng hôn từ nguồn về bỗng đột ngột bị cắt làm đôi, nửa khoang chở đầy nắng, nửa kia chìm trong bóng tối. Một thời rất dài trước khi nằm úp mặt xuống cỏ với một vết đạn hồng sau gáy, Ngô Kha thường về ngồi một mình giữa đám tràm chổi trên sườn đồi Vọng Cảnh bên này, nhìn cái bóng nghiêng của mình đổ dài giữa những hốc đá khô... Trong nỗi trầm tư dằng dặc, chàng đăm đăm dõi theo những con đò rừng chở nặng cả ánh sáng và bóng tối, như chở một linh hồn không yên tìm đến nghỉ đâu đó dưới những vòm cây âm u tiếng chim bìm bịp bên kia sông: "Trong tôi dừng một khoang chiều - Tôi về chở một cô liêu đầy, nằm... ".

Từ khúc cong này, sông Hương bắt đầu từ giã thế giới huyền thoại của rừng già để chuyển hóa thành một dòng sông kinh kỳ, rất xa mà cũng rất gần với tiền thân A Pàng của nó. Chính cái lai lịch quá gần gũi của núi ngàn đã âm hưởng rất sâu vào chất thơ của dòng sông sau này, khi nó trôi qua thành phố. Nghĩ lại, tôi chân thành biết ơn các vua chúa Nguyễn, và cả Lê Quý Ðôn từ Thăng Long vào, như là những nhà môi sinh tân tiến của thời đại họ, đã biết cách gìn giữ cho đời sau vẻ đẹp của con sông Huế, bằng những biện pháp nghiêm ngặt nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn sông Hương. Ðúng thế thôi, nếu sông Hương cũng giống như những dòng sông chị em của nó ở miền trung, mùa mưa biến thành biển nước mênh mông, mùa kiệt chỉ còn là lạch nước nhỏ quanh quất giữa những cồn bãi mọc đầy cỏ gai, đúng, nếu cảnh tượng là thế thì Huế đã không tồn tại nổi trong tâm thức của người yêu Huế. Như là một người biết sống giữ mình, sông Hương ngày thường vẫn là một dòng xanh và đầy, đứng ở bến nào nhìn sang bên kia vẫn thấy thành phố mấp mé bên bờ nước.

Sông Hương rất nhạy cảm với ánh nắng nó thay mầu nhiều lần trong một ngày như hoa phù dung và nhiều khi mầu nước không biết từ đâu mà có, không giống với mầu trời. Ðó là một nét động trong cái tĩnh của thành phố, khiến cho dòng sông gây ấn tượng mạnh với ai từng đánh bạn với nó; người ta giữ những kỷ niệm mầu sắc khác nhau về nó, giống như về mầu áo của người bạn gái yêu mến của mình. Sông vẫn thường xanh, nhưng chính mầu xanh trở mình sau cơn lũ mới lạ lùng: nắng vàng lạnh, và dòng sông vừa xanh trở lại hôm qua, mầu lục non trẻ trung đến chạnh lòng, như một tình cảm nào thiết tha khôn nguôi trong đời. Cuối hè, Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu, tím áo, cả ly rượu đang uống trên môi cũng chuyển thành mầu tím; và sông Hương trở thành dòng sông tím sẫm hoang đường như trong tranh siêu thực. Trần Dần từ Hà Nội về chơi Huế, ngày nào cũng ra bờ sông ngồi nhìn chiều tím; lần ấy không nén được lòng, nhà thơ đứng dậy một mình vỗ tay hoan hô dòng sông. Từ đó trong ngôn ngữ của Tư Mã Gãy - Trần Dần mọc thêm một từ mới, gọi Huế là "nhân loại tím". Trong ngôn ngữ thường ngày, ý niệm "mầu tím Huế" có nguồn gốc thiên nhiên rất rõ: đủ độ nồng nhưng mầu vẫn ửng sáng, nó không gợi nỗi buồn theo kiểu hoa păng-xê mà là niềm vui nhẹ của những bông cỏ mùa xuân. Nó mang dấu hiệu của một nội tâm trong sáng, giàu có nhưng gìn giữ để không bộc lộ nhiều ra bên ngoài; vì thế với người phụ nữ Huế, mầu tím ấy vừa là mầu áo, vừa là đức hạnh.

Tôi biết, Trần Dần không muốn dừng lại nơi buổi chiều Huế nào đó mà thi sĩ tiền chiến Ðoàn Phú Tứ đã đi qua. Thời nhiều mộng mơ, Ðoàn quân đã lọc qua chất huyền ảo kia của dòng sông Huế ý niệm nổi tiếng của ông về thời gian: "mầu thời gian không xanh - màu thời gian tím ngát". Tôi và Phùng Quán đã đến thăm Ðoàn Phú Tứ, loanh quanh mất gần tiếng đồng hồ mới tìm ra chỗ ở của ông, một căn nhà quá đơn sơ ngoài bãi sông Hồng, chen chúc giữa xóm lao động của nhà máy điện Yên Phụ. Ông kể với chúng tôi chuyện ông vừa được kết nạp lại vào Hội Nhà văn, về giải thưởng các công trình dịch thuật mà nhà xuất bản Văn Học vừa trao tặng cho ông, về món tiền trợ cấp khiêm tốn mà Quốc hội vừa gởi đến ông, với tư cách là đại biểu văn nghệ sĩ tại Quốc hội khóa I. Tất cả mọi chuyện như vậy, ông nói với chúng tôi bằng một nỗi vui thành thực và thơ ngây, y như tâm trạng hưng phấn trước những thành quả đầu đời của nhà văn trẻ. Thời tài hoa của ông đã lừng lẫy thì Phùng Quán vừa bước vào một "Tuổi thơ dữ dội" cùng với thành phố trên sông Hương, và bây giờ Phùng Quán cũng vừa ra khỏi một cuộc trần ai với bộ râu pha sương trông đẹp lão. Chúng tôi đi khắp xóm hỏi tên Ðoàn Phú Tứ không ai biết; mãi sau Phùng Quán hỏi tên riêng của bà, người ta liền chỉ đến một quán nhỏ bán bánh rán ở đầu ngõ, và Ðoàn quân đang ngồi giữa đám trẻ xúm xít ăn quà sáng. Quả thực tôi đang đối diện với một đời nghệ sĩ tài hoa, đến bây giờ cốt cách vẫn chưa phai mờ. Tưởng lại gương mặt sầu buồn của ông trải mấy mươi năm giữa xóm đê ven sông này, tôi kinh hãi nhận ra tận dưới đáy ký ức vui buồn của ông mải miết trôi đi một dòng sông tím ngát.

Sương mù là một nét phong vận riêng của sông Hương, xuất hiện khoảng cuối năm đến đầu hạ, vào tinh mơ, cuối chiều và những đêm trăng lạnh; cũng nhiều khi ghé lại bất ngờ như một gã lãng du. Nhiều tháng dài thành phố xưa hư ảo trong sương; dòng sông mịt mùng trôi trong cơn mê dài, chỉ còn những ánh lửa thuyền chài lay động ý thức giữa cõi thực và cõi mộng. Người ta ngồi nói chuyện với nhau trong khoang thuyền chỉ lờ mờ nhìn thấy mặt nhau qua màn sương, trong khi bên ngoài những nét cong mềm của cầu Trường Tiền, những mái lầu đội nón của hoàng thành và những cây bàng, cây bồ đề trụi hết lá hai bên sông đều nhạt nhòa đi thành những nét xuất thần trên một bức tranh lụa cổ. Mùa này, những thiếu nữ Huế thường đi ra ngoài với áo trắng dài, nhìn cứ như những dáng người từ sương mù sinh ra. Dù đi xa hoặc phải thay đổi lối sống, họ vẫn giữ mãi mầu áo ấy như kỷ niệm của tình yêu trinh bạch, và những tháng năm âm ỷ mộng đầy trời. Những tháng sương mù đã đưa Huế quay lại với linh hồn một cố đô sâu thẳm trong thời gian; và dù qua bao nhiêu thành phố trên thế giới, người ta vẫn giữ về Huế một ấn tượng riêng của tâm hồn mình, như trong một câu phương ngôn Nhật Bản: "đừng quấy động những gì đã yên tĩnh".

Phan Bội Châu đã dành hết quãng đời "Ông già Bến Ngự" của mình để viết sách, và cả một khối lượng đồ sộ văn chương triết học của ông đã ra đời trong một lòng thuyền bềnh bồng trên sông Hương. Suốt một đời chọc trời khuấy nước, trở về làm Tô Ðông Pha đánh bạn với dòng sông sương mù, Phan Bội Châu tìm thấy ở sông Hương một tâm hồn bè bạn vừa sáng suốt, vừa tinh nghịch để chia sẻ với ông những kinh nghiệm lịch sử làm cho triết nhân nheo mắt cười: "Hương ơi, e phải mày không - sông nọ hóa ra mình có "... Hơn bốn mươi năm sau ngày cụ Phan qua đời, tôi được gặp bà Trần Thị Nữ, người chèo đò cho cụ Phan suốt mười lăm năm ở Huế. Ðược biết trong bấy nhiêu năm, bà như đã quên hết chuyện đời, chỉ giữ lại một tấm lòng cô trung với nhà yêu nước vĩ đại. Bà kể lại với mọi người đến thăm vô vàn những kỷ niệm về cụ Phan, và nhiều đêm như người mộng du bà quanh quẩn giữa cây lá trong vườn, ngâm vang Hải ngoại huyết thư trong tiếng đại bác dội vào thành phố. Một đêm trăng thời đệ nhị thế chiến, cụ Phan neo thuyền giữa sông Hương, chỗ gần cầu Gia Hội để hóng mát. Từ một con thuyền đâu đó chợt cất lên một câu hò lạ: "Biển Thái Bình Dương đang cơn sóng nổi - Chiếc thuyền nem trôi nổi tựa cánh bèo. Sao không ra tay giúp chống đỡ chèo - Anh hùng sao lại nằm queo trong thuyền hò ơ, hò ơ...". Cụ Phan giật mình, bảo bà Nữ đi tìm người vừa hò câu mái nhì đến gặp: một cô gái mặc áo vá vai dịu dàng đứng vòng tay cúi đầu trước ông già Bến Ngự, Cụ móc hầu bao thưởng cô lái mấy giác bạc, rồi chắp tay vái tạ; suốt đêm ấy cụ Phan trằn trọc không ngủ.

Bà Nữ qua đời, mộ đưa vào khu nghĩa trang cụ Phan lập ra để dành cho những người cùng chí hướng của cụ từ thời ấy, thời những người yêu nước "chết không có đất mai táng" theo di chúc của cụ. Trải bao lớp sóng phế hưng cho tới khi bà Nữ nhắm mắt, tôi nghĩ thầm khi theo sau cỗ quan tài đơn chiếc không có hoa tươi đưa bà vào nghĩa trang, mái chèo thời gian của bà vẫn bền bỉ quẫy nước trên một con thuyền không bến.

Có một chiều sương sa, sông Hương mịt mùng như cả con sông Ngân Hà đang xuống trần và trôi qua trước mắt tôi. Chợt hiện ra một vệt lửa lung linh tiến dần về phía tôi, cách bờ nước độ vài mét, chỉ có bếp lửa, không thấy dáng người. Tôi giật mình kêu lên: "Con thuyền Phan Bội Châu!"... Trong khoang thuyền đó hơn nửa thế kỷ trước, một ông già đã miệt mài tổng kết lịch sử, soi lại đạo nho, giải lại Kinh Dịch, và tiên đoán Chủ nghĩa xã hội... Ôi tư tưởng và tâm huyết của cả nửa thế kỷ thế kia, bây giờ chỉ còn lại một vệt "lửa chài lập lòe nơi yên ba thâm xứ" lịch sử nhiều khi còn làm tôi ngơ ngác hơn giấc mộng.

Với sông Hương, người ta không thể vô tình quên người bạn đời của nó trong truyền thống mỹ học phương Ðông là núi Ngự Bình. Nếu Ngọ Môn là khuôn mặt của kinh thành, thì sông Hương ở quãng này là giải quai nón bằng lụa mềm ôm lấy khuôn mặt ấy, và Ngự Bình là tụ điểm của cái nhìn từ lâu đài trông ngóng ra chân trời. Núi Ngự có hình thang cân, kéo một đường thẳng thanh thoát nổi bật trên nền trời, giống như chiếc án thư nghĩ ngợi ánh sáng nhật nguyệt. Ngày xưa, thi sĩ Tuy Lý thường ruổi ngựa lên núi này, triết học thiên nhiên của ông sâu thẳm khôn lường: "Sáng mai quất ngựa lên đầu núi - Nghe thông reo nằm nhớ ta sầu"(3). Mùa thu, vào tiết Trùng cửu, văn nhân thường lên núi chơi, "ngồi xổm xem huyền hóa"(4) từ đó nhìn thành phố lên sương, và nghe tiếng chuông thu không của mấy chục ngôi chùa cổ quanh núi rơi thánh thót giống như một cơn mưa thiền nối tiếp nhau tròn một vòng rồi quay trở lại. Một buổi chiều ngồi nghe chuông chùa trên núi, tôi chợt hiểu ra cái lẽ có-và-không của những bông cỏ ma, điều mà trước nay tôi chưa hề ngờ tới. Ðâu đó nơi sườn núi xa, có một ngôi chùa cổ, sân chùa có cây đại thọ ngọn chọc thấu trời và rễ buông tận đất, nhưng sư cụ thì chưa bao giờ ra khỏi cổng chùa, tôi nghe nói thế. Có lẽ ngôi chùa cổ ấy chính là nơi mà một thời hồ hải, thi sĩ Thanh Tịnh đã dừng chân trú mưa, ngồi đàm đạo với vị sư già suốt đêm bên bếp lửa chùa; những giọt chuông chiều này chuyền tới tôi giọng nói đằm thắm của ông từ đáy sương mù: "Tôi mơ đêm lạnh lòng sơn tự - Ấp ủ men ngàn đợi áo khô".

Núi Ngự không chỉ là cảnh đẹp đứng bên ngoài, nó còn là một thực thể quấn quít rất sâu trong đời sống tình cảm riêng của nhiều thế hệ người Huế. Ðó là hòn núi được trời đất ủy thác để làm chứng lời thề vĩnh cửu của những người yêu nhau. Không biết từ thời nào, có lẽ từ thời trường Ðồng Khánh còn là răng đen và say mê đọc Tố Tâm, các thiếu nữ Huế luôn giữ kín tình yêu của mình như một khu vườn bí mật; và những điều thiêng liêng nhất của cõi lòng giữa hai người, họ chỉ ngỏ riêng với núi Ngự Bình, rằng nếu phản bội lời thề trăm năm, họ sẵn sàng chịu nhận mọi trừng phạt dành cho số phận. Có một điều kiêng cữ trong dân gian, có lẽ do chị truyền lại cho em, khiến con gái Huế tránh không chọn chùa Linh Mụ để làm chứng cho cuộc thề nguyền vì sợ vị nữ thần áo đỏ của ngôi chùa theo truyền thuyết, sẽ nổi cơn ghen và giáng xuống hạnh phúc của họ nhiều nỗi bất hạnh không tránh khỏi. Bao nhiêu đời người đã qua đi và gió đã thổi bay ai biết về đâu những lời thề ước, nhưng trong khát vọng thăng hoa của tâm hồn Huế, núi Ngự Bình mãi mãi là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. Nhiều người đã phải lấy làm lạ về cái thời yêu thương dai dẳng của người Huế, cứ như là trên đời này hoa chỉ nở một lần, thuyền chỉ về một bến; và chính thi sĩ quái kiệt Bùi Giáng đã phát hiện ra điều đó trong cái nhìn tinh nghịch luôn luôn tìm cách "chọc tức bản thể" của ông: "Dạ thưa xứ Huế bây giờ - Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương".

Núi và biển ở ngay hai cửa vào ra thành phố giữa là một tầm sông băng qua đền đài lăng tẩm cổ xưa của một kinh thành, và những làng vườn đầy hoa trái. Chính cấu trúc với những yếu tố mạnh như vậy đã mang lại cho sông Hương một vẻ đẹp riêng xứng với tấm lòng yêu mến mọi người dành cho nó. Nó bình dị nhưng không tầm thường, trầm mặc nhưng không ủy mị, nó dịu dàng nhưng vẫn tiềm ẩn khí mạnh của đất đai. Có lẽ các nghệ sĩ dân gian đã hiểu thấu bản chất của dòng sông khi tìm cách biểu hiện hình tượng của nó trên đỉnh đồng Thế Miếu đúng như trong câu thơ Nguyễn Du: một mảng thành mây khói, và con sông Hương long lanh đáy nước in trời , dồn dập vỗ sóng...

***

Một đêm trên phá Tam Giang, anh Văn Cao ngồi uống rượu với những người đánh cá mãi tới ba giờ sáng. Chiếc áo dạ cũ khoác qua đôi vai gầy guộc, bàn tay mảnh khảnh nâng một chén rượu nhỏ, anh ung dung nói với họ về Thiên thai, Suối mơ, Trương Chi cho đến Tiến quân ca; trải hết gan ruột của một đời nghệ sĩ trước một công chúng áo vải thô rách tả tơi vì nước mặn. Hơn bốn mươi lăm năm xa Huế, đi suốt cả thời bão táp của đất nước, Văn Cao trở về uống rượu làng Chuồn với những ngư dân đầm phá, bày giãi nỗi u hoài của một chàng Tư Mã vẫn tồn tại suốt đời trong con người nghệ sĩ của anh: "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế - Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh ". Ánh đèn tỏa sáng cả một vùng biển đêm. Trong tiếng sóng vỗ ràn rạt quanh mạn tàu, gần một trăm người của hai đội đánh cá chăm chú theo dõi từng lời của anh Văn, bằng một sự im lặng thành kính và đồng cảm đến lạ lùng. Vì quá lo cho cái dạ dày vốn đã bịnh nặng của anh, và nói mãi không được, chị Văn vùng chạy tới mũi tàu đòi lao xuống biển; tất nhiên đấy chỉ là một hành động can ngăn, và người ta đã an ủi và dìu chị đến ngồi cạnh anh Văn. Anh Văn nhìn vợ bằng cái nhìn thật dịu dàng, tôi còn đọc thấy trong đôi mắt của anh một tình cảm biết ơn đối với chị. Nhưng anh vẫn cầm chén rượu trên tay, nói nhỏ nhẹ: "Em hãy yên tâm, mệnh của anh sáng trong giời đất". Anh nhấp rượu từng hớp nhỏ và tiếp tục trò chuyện với mọi người. Anh Văn rất lạ, anh có thể uống rượu với mọi người bằng một tâm cảm bè bạn như nhau, nhưng sẽ nhất định từ khước và bỏ đi khỏi cuộc rượu nếu buộc phải nâng chén với một vài người nào đó mà anh nghi ngờ về nhân cách.

Phần tôi, trong nhiều năm dài lang thang qua các cuộc rượu khắp nơi, tôi uống như một gã bất cần đời, nâng cốc chúc sức khỏe cho cả nàng Kiều và Sở Khanh, vua Nghiêu và tên Ðạo Chích, cho cả Galilê lẫn giáo hội. Kết quả là cơn dạ dày cấp tính kéo tới trừng phạt tôi; tôi phải nhịn khát nhiều ngày, vì mỗi hớp nước uống vào cũng khiến nôn mửa như là một ngụm rượu. Như một cuộc trả đũa đời dành cho tôi, trong cơn mê, những bạn hiền của tôi đã bỏ đi hết, chỉ còn những tên đểu cáng, cù lần, những gã bội tình đủ loại mang rượu tới cười cợt rủ rê tôi. Tôi phản kháng những mộng mị yêu tinh bằng từng trận nôn mửa tưởng như tháo cả gan ruột ra ngoài, quằn quại trong nỗi ăn năn đã sống. Và tôi tình cờ gặp lại hắn, trong một cuộc tiếp tân du lịch ở ban công khách sạn. Thu(5) cầm lon bia đến chạm vào ly rượu trên tay tôi. Tôi khẽ trách:

- Tại sao anh chối bỏ mối tình của anh với cô gái trên sông?

- Ðấy chỉ là một thoáng tình cờ trong chiến tranh. Nó thuộc về chiến tranh.

- Anh đã cam kết, và bây giờ anh tự cho mình cái quyền xóa bỏ mọi điều cam kết kia?

- Quan trọng gì những cái gọi là cam kết giữa cá nhân và cá nhân, khi hoàn cảnh đã thay đổi?

- Không! Anh đã nhân danh cả một cuộc cách mạng để cam kết!

Thu ném cái vỏ bia xuống nước. Trong cõi sương mù, tôi thấy những đám hộp bia rỗng trôi dập dềnh trên mặt sông đêm, chấp chới như hoa đăng.

- Ðồ bội tình!

Tôi hét lên và hắt cả ly rượu vào mặt hắn.

Tôi chợt tỉnh dậy giữa cơn mê, và bắt đầu nôn. Không còn gì để nôn ra nữa, chỉ là những tiếng gào thét vỡ cổ. Những giọt dịch chuyền trong veo rơi thanh thót; tôi muốn nhỏm dậy ôm cả cái bầu nước trong trẻo ấy uống cạn một hơi cho đã khát; rồi lại mê đi trong một cơn lạnh âm u chạy sau vai.

Rồi bỗng nhiên, tôi nhìn thấy tôi trở lại rừng cũ, nằm dài giữa cái hẻm đá khô trên sườn ngọn A Lu, thè lưỡi đón từng giọt nước đầu nguồn sông A Pàng mới rỉ ra từ dưới vỏ trái đất. Giống như con tắc kè khô héo được ban cho những giọt sương, từng giọt nước tinh chất kia của con sông rừng đã làm tôi sống lại. Con gấu vẫn chưa nư mật ong, tôi sục sạo khắp rừng, tìm ăn những bọt nước trắng như tuyết nơi những ghềnh đá, gặp lại những tiên nữ của sông A Pàng trong huyền niệm của già Kon Lai, và tôi quỳ hôn những bông hoa thạch thảo hồng tươi như tuổi trẻ kiêu hãnh của Hát…

Và như được khải thị, tôi đón nhận tận đáy linh hồn tôi nỗi khát của Chúa trong sa mạc, dù tôi chưa hề chia sẻ niềm tin Ki-tô hữu bao giờ cả. Ngân vọng xa xôi qua nỗi khát trong cơn mê về nguồn của tôi, một giọng ca Nam Ai hát về tâm sự của sông Hương, rằng con người rồi ai cũng như ai, phải đi hết buồn vui của cuộc đời, chỉ khác nhau một chữ thôi, chữ Hoài (6).

Huế, tiết Lập Xuân 1991
H.P.N.T
(TCSH46/04-1991)

-------------------
(1) Dịch nghĩa: Một vầng trăng sông Hương - Cổ kim buồn không xiết.
(2) Tên bằng tiếng Anh của một loài hoa đồng thảo, có nghĩa là "Ðừng-quên-tôi"
(3) Minh triêu sất mã sơn dầu quá
     Ngọa thính tùng thanh ức ngã sầu

                                                (Thơ Tuy Lý)
(4) Ngột tọa quan huyền hóa (Thơ Tuy Lý).
(5) Tên nhân vật trong phim "Cô gái trên sông" của Ðặng Nhật Minh.
(6) Hoài: Nhớ





 

Các bài mới
Trang thơ da đen (30/08/2019)
Các bài đã đăng
Kẻ mồ côi (02/08/2019)
Qua sông (26/04/2019)
Chùm thơ Võ Quê (26/03/2019)