Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-19)
Một nhà giáo thuần thành
08:39 | 30/05/2019

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG 

Trong năm học đầu tiên sau ngày hòa bình (30/4/1975), tất cả các thầy, cô giáo ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn đều chưa được dạy học trở lại. Những giáo sư tên tuổi và những giảng viên trẻ cùng ngồi chung trong giảng đường tập trung học chính trị. Một số khác đã đi ra nước ngoài trong những ngày biến động trước đó.

Một nhà giáo thuần thành

Trong những thầy giáo trẻ mà chúng tôi được học hai năm đầu ở Ban Triết học Tây phương, tôi không tìm thấy Trần Đỗ Dũng và Đặng Phùng Quân ở trường những ngày đó. Trần Đỗ Dũng (sinh năm 1939) ở độ tuổi trên dưới 30 mà đã cho xuất bản hai cuốn sách giá trị về Claude Lévi-Strauss (Luận lý và tư tưởng trong huyền thoại, 1967) và René Descartes (1974), đồng thời viết những bài báo đặc sắc trên tạp chí Trình Bầy. Ông hướng dẫn tôi tập dịch một chương trong Những suy niệm siêu hình học và sửa chữa thật chu đáo. Có lần tôi hỏi ông tại sao không cho tái bản cuốn sách về Lévi-Strauss, ông bảo giáo sư Lê Văn Hảo, người đề tựa cuốn đó đã ra chiến khu hồi Mậu Thân, nên khó xin phép in lại. Nghe tin thầy Trần Đỗ Dũng đã mất năm 2010 ở Texas.

Đặng Phùng Quân (sinh năm 1942) là nhà nghiên cứu có phẩm chất nghệ sĩ. Ông không những là tác giả những công trình biên khảo (Hiện hữu tha nhân với Gabriel Marcel, 1969; Ca ngợi triết học, 1970; Triết học Aristote, 1972; Triết học và khoa học, 1972; Chân dung triết gia, 1973; Triết học và văn chương, 1973) mà còn viết những bài tùy bút độc đáo trên các tạp chí Văn, Vấn Đề, Thời Tập... Thời sinh viên, ngoài giảng đường, tôi thường gặp ông ở các sạp báo khi tôi la cà “coi cọp” ở đó. Mấy năm nay, nhờ Internet, tôi biết ông công bố nhiều công trình biên khảo triết học công phu và bề thế, nhưng rất tiếc chưa được tiếp cận.

Có những người ra đi và những người ở lại. Nguyễn Trọng Văn (sinh năm 1940) và Lê Tử Thành (sinh năm 1942) là hai thầy giáo trẻ cùng tham gia dạy giảng khóa Triết học cận đại đã ở lại cùng với giáo sư phụ trách là thầy Trần Thái Đỉnh. Tôi may mắn được gần thầy Văn và thầy Thành nhiều năm, biết đó là hai nhà giáo có khuynh hướng xã hội, thường cộng tác với các tạp chí khuynh tả, từng một thời là bạn thân nhưng đó là “tình bạn dang dở” như cách Nguyễn Văn Trung nói về quan hệ của Jean-Paul Sartre và Albert Camus.

Khác với thầy Nguyễn Trọng Văn có giọng nói và giọng văn hừng hực lửa, thầy Lê Tử Thành nói chuyện và giảng bài đều nhỏ nhẹ, điềm đạm. Sinh ở Đà Nẵng, ông đi học và làm việc nhiều năm ở Huế. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Trường Quốc Học, ông theo học ban Triết Đại học Văn khoa Huế. Trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập Trường Quốc Học, ông bày tỏ lòng biết ơn đối với bộ sách Triết học tổng quát của Linh mục Cao Văn Luận1. Thời sinh viên, mới 19 tuổi, ông đã bước đầu vận dụng phân tâm học để cắt nghĩa truyện cổ tích Trầu Cau và thuyết trình trong giờ Văn học Việt Nam của giáo sư Lê Hữu Mục. Ra trường, ông dạy triết ở các trường trung học Hàm Nghi, Đồng Khánh và làm hiệu trưởng trường Trung học tư thục Thành Nhân ở Huế. Do sự đưa đẩy của thời cuộc, ông chuyển vào miền Nam và trở thành giảng viên ở Ban Triết học Tây phương, Đại học Văn khoa Sài Gòn - nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - cho đến ngày nghỉ hưu.

Trong xã hội mới, việc một người có bằng thạc sĩ triết học của nhà trường cũ mà tìm được đúng vị trí chuyên môn không phải dễ dàng. Do thiên hướng khoa học và được chuẩn bị từ trước, Lê Tử Thành không đi vào những chủ đề triết học thời thượng, mà chọn nghiên cứu và giảng dạy những môn học liên quan đến khoa học luận, giúp cho chương trình giảng dạy tăng tính thực chứng khách quan, bớt tính giáo điều và minh họa. Khi môn Logic học - ngày trước gọi là Luận lý học - được chính thức đưa vào chương trình giáo dục đại cương, ông là một trong những người tham gia biên soạn đề cương và viết giáo trình. Hai cuốn sách của ông được tái bản nhiều lần và phát huy ảnh hưởng tích cực ở nhiều cơ sở đào tạo là Nhập môn Logic học (in lần thứ 8); Logic học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học (in lần thứ 7).

Dù bận rộn biên soạn và giảng dạy các giáo trình về Logic học và Phương pháp luận, Lê Tử Thành không quên lịch sử triết học Tây phương với những tác gia đặt nền tảng cho sự phát triển tư duy lý luận của nhân loại. Ông bổ sung, sửa chữa tập bài giảng về lịch sử triết học và cho in cuốn Bốn cây đại thụ của triết học phương Tây cận đại: Descartes, Kant, Hegel, Marx (Nxb. Trẻ, 2014). Tuy hiện nay, sách về chủ đề này không hiếm ở nước ta, đây vẫn là cuốn sách cần thiết và dễ tiếp nhận đối với sinh viên chuyên ngành Triết và các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Nhược điểm của một số người làm triết học phương Tây (và tất nhiên, cả phương Đông) thường là “thuật nhi bất tác”, mà không cho thấy tư tưởng đó có thể vận dụng như thế nào trong hoàn cảnh dân tộc và thời đại hiện nay. Nhược bằng có “tác” thì cũng rơi vào thái độ “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm) và áp đặt vào thực tế đời sống. Theo tinh thần “nhập cuộc” của những trí thức ở miền Nam trước đây, Lê Tử Thành thường liên hệ triết học phương Tây với đời sống văn hóa, văn học dân tộc nhằm trả lời những câu hỏi bức xúc của thời hiện đại. Ba cuốn sách Người đàn bà huyền thoại (Nxb. Thanh Niên, 2013); Tản mạn về văn học nghệ thuật (Nxb. Trẻ, 2014); Tản mạn về triết học (Nxb. Trẻ, 2015) tập hợp và hệ thống hóa những bài viết trong khoảng nửa thế kỷ - tính từ bài viết trên tạp chí Việt Nam Việt Nam ở Huế năm 1966, khi tác giả mới 24 tuổi - cho thấy một nỗ lực liên tục theo hướng “đưa triết học đi vào cuộc đời”.

Trong Người đàn bà huyền thoại, Lê Tử Thành xiển dương chủ nghĩa nữ quyền, kêu gọi giải phóng phụ nữ, khẳng định vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội. Hình ảnh huyền thoại của người phụ nữ được tác giả tôn vinh như tâm điểm nối kết của tinh hoa giáo dục, đạo đức và thẩm mỹ. Điều thú vị là, do một hoàn cảnh đặc biệt thời chiến tranh, để tránh sự kiểm soát của chính quyền, những bài báo này đã được ký tên Nguyễn Thị Ngọc Thắm, phu nhân của tác giả.

Nếu có lúc nào Lê Tử Thành thay đổi phong cách ôn hòa của mình sang phong cách đối thoại thẳng thắn là khi ông viết những bài tranh luận trong hai tập “Tản mạn”. Ông phê bình sách của Nguyễn Đăng Thục, Thanh Lãng, Doãn Quốc Sỹ, Đông Tùng…, những tác gia nổi tiếng ở miền Nam, khi ý kiến và nhận định của họ chưa thuyết phục được một nhà nghiên cứu đến sau. Ở đây, điều quan trọng không phải ở chỗ ai là người nắm chân lý sau cùng, mà ở chỗ ý hướng trách nhiệm đi tìm sự thật trong một thái độ trân trọng, khiêm cung và từ tốn.

Trong kho tàng văn hóa Việt Nam, Lê Tử Thành tỏ ra quan tâm đến văn học dân gian; và trong văn học dân gian ông chú ý nhất thể loại thần thoại. Hình như qua đây, ông có thể tìm ra căn cứ để nói đến vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Việt, “bước đầu khám phá những cơ cấu từ lâu đã ngầm chi phối các mối tương quan giữa con người và con người trong xã hội của tiền nhân chúng ta qua các thần thoại”2.

Kế tục những bài viết về những triết gia cận đại, trong phần 1 Tản mạn về triết học, Lê Tử Thành trình bày nhận định của mình về các nhà tư tưởng mang tầm vóc nhân loại: E. Husserl, S. Kierkegaard, F. Nietzsche, J. Locke, Công Tôn Long, Phật Thích Ca. Có thể nhận thấy ở đây một bước tiến trong hành trình khảo cứu của tác giả: vượt ra khỏi khuôn khổ của triết học Tây phương để trở về với tư tưởng Đông phương; đồng thời diễn ngôn của tác giả cũng có chủ kiến hơn trước. Điều này thể hiện qua việc ông phê bình sự phủ nhận cảm giác ở Husserl và phái Hiện tượng học, khẳng định Locke là kẻ thù của chủ nghĩa độc tài, chiêu tuyết và minh oan cho Công Tôn Long với tư cách nhà logic học, đặc biệt là đề cao Phật Thích Ca như bậc thầy lỗi lạc nhất của nhân loại.

Cuốn Tản mạn về triết học dành phần 2 để trình bày một “phác thảo triết lý dân tộc Việt Nam”, chủ đề khiến tác giả trăn trở từ độ tuổi đôi mươi. Lê Tử Thành khẳng định có một “triết lý của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và triết lý đó là một tổ hợp những quan niệm về Thượng đế/ Ông Trời, vũ trụ và con người. Những cứ liệu để dẫn chứng cho lập luận của ông bắt nguồn từ văn hóa và văn học dân gian vốn ăn sâu vào tâm thức người Việt. Có thể nói, dù chỉ là “phác thảo” còn cần bổ sung chứng liệu và đào sâu suy tưởng, văn bản này của Lê Tử Thành gợi ra nhiều ý kiến quý báu cho những ai muốn đi xa hơn trên con đường nghiên cứu tư tưởng Việt Nam.

Đọc kỹ những cuốn sách của Lê Tử Thành qua thời gian, có thể thấy ngòi bút tác giả luôn trở đi trở lại một số vấn đề và soi chiếu nó với tinh thần biện chứng. Văn ông chân phương, trong sáng, xa lạ với thái độ học phiệt mà không chiều theo lỗ tai của một công chúng quyền lực nào. Chỉ tiếc là do thiếu cẩn trọng, trong văn bản đã để lọt những trích dẫn không xứng hợp, chẳng hạn câu nói thô thiển của Mao Tsé-Tung (Bốn cây đại thụ…, tr. 196).

Lê Tử Thành có lần tâm sự rằng ông đọc và suy ngẫm về F. Nietzsche từ hồi trẻ. Lớn lên, ông tiếp nhận tư tưởng của Nietzche về Siêu nhân (le Surhomme) theo một cách khác: đó không hẳn là con người siêu phàm hay toàn bích mà là con người tự vượt lên chính mình, bằng nỗ lực nhiều khi đơn độc của cá nhân, trong những hoàn cảnh khó khăn đầy thử thách, để khẳng định tự do, tự giác và tự chủ của bản thân. Phần nào noi theo quan niệm ấy, hoạt động học thuật và sư phạm của Lê Tử Thành cho thấy ông đã chọn đúng con đường nghề nghiệp, vừa thích hợp với xã hội, vừa phát huy được sở trường của chính mình.

H.N.P
(SHSDB32/03-2019)

.....................................................
1. Lê Tử Thành (2016): “Nhớ lại con đường triết học của tôi: vinh quang và khổ ải”. In trong Tuyển tập Kỷ niệm 120 năm Quốc học Huế 1896 - 2016, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, tr. 161.  
2. Lê Tử Thành (2014): Tản mạn về văn học nghệ thuật, Nxb. Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr. 202.




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chia (20/05/2019)
Xoài xanh (17/05/2019)