Tạp chí Sông Hương - Số 47.x (T.5-1991)
Những lần gặp Hồ Chủ tịch và mối quan hệ Việt Pháp
15:36 | 29/08/2019

HÂN QUY

(Phỏng vấn nhà báo lão thành LÉO FIGUÈRES)

Những lần gặp Hồ Chủ tịch và mối quan hệ Việt Pháp
Léo Figuères gặp Hồ Chủ tịch vào tháng 5-1950 ở Việt Nam - Ảnh: fr.wikipedia.org

HÂN QUY (H.Q.): Xin ông Léo Figuères nói cho độc giả Việt Nam những gì ông biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

LÉO FIGUÈRES (L.F.): Tôi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tất cả là bốn lần. Lần thứ nhất, vào mùa xuân 1946, lúc Chủ tịch đến Paris dự hội nghị Fontainebleau. Dịp này, Người gặp nhiều hiệp hội khác nhau đặc biệt là đoàn thể thanh niên Pháp để nói chuyện cho họ biết về tình hình Việt Nam. Tất cả những việc này là để gây dư luận và gây khí thế chuẩn bị thương thảo với Pháp trên cơ sở muốn Pháp nhìn nhận quyền độc lập và thống nhất của Việt Nam và đi đến một hiệp ước có sự hỗ trợ và tương quan giữa thanh niên hai nước VN và Pháp.

Hồ Chủ tịch tiếp tôi tại tư dinh do chính phủ Pháp thu xếp cho Người tại Pháp. Người mặc một bộ y phục rất giản dị, màu kaki, cài kín cổ và hút thuốc liên hồi.

Rất tiếc hiệp ước ấy không thành hình và tiếp theo đó cuộc đọ sức tiếp diễn gây ra nhiều đổ vỡ.

Lần thứ hai và lần thứ ba tôi gặp Chủ tịch là vào năm 1950. Tôi sang VN dự Đại hội Thanh niên vào tháng hai cho đến tháng năm 1950 và đại diện cho lực lượng thanh niên Pháp. Chuyến đi này, tôi khỏi đi vòng qua Miến Điện và Lào, mà lại đi thẳng Mạc Tư Khoa - Bắc Kinh - Việt Bắc, đi thẳng qua biên giới Việt Trung vì đường này đã thông thương sau sự thất bại của quân Tưởng Giới Thạch. Tháng 2.1950 tôi đến Việt Nam, và tôi tìm gặp ngay Chủ tịch. Cuộc gặp gỡ có khó khăn, vì Chủ tịch ở trong rừng, cạnh suối, xung quanh là nhà bằng tre và là nhà sàn ngăn ngừa thú dữ. Có lính gác, nhiều gia đình khác, và trẻ con. Chủ tịch tiếp tôi niềm nở, hỏi han về tình hình nước Pháp, ý kiến dân chúng Pháp về cuộc chiến. Chủ tịch mời tôi ngủ lại trong buồng, nằm trên chiếu, sau đó mời tôi ăn cơm và uống hai chai sâm banh ngâm nước suối cho mát, rượu này tịch thu được trong một cái đồn Pháp và do cận vệ của Chủ tịch cất giữ lại.

Trước khi quay về Pháp, tôi gặp lại Chủ tịch tại cùng một địa điểm. Chủ tịch có hỏi tôi: thời điểm này, hai phía có thể đi đến thương lượng chăng? Vì phía Pháp cũng như phía Việt Nam đều có binh lính bị giam cầm. Và có thể tiến tới nhiều việc khác nữa, theo Hồ Chủ tịch, sẽ bất lợi cho người Pháp. Người Pháp chúng tôi cũng nghĩ như vậy. Chủ tịch là người đầy tình cảm nhân ái.

Về lại Pháp, tôi có mở một cuộc họp báo để tường trình tình hình Việt Nam. Tôi xin yết kiến Thủ tướng Pléven nhưng may mắn là bị từ chối. Tôi có gặp đại diện của ông Pignon Cao ủy tại Sài Gòn và được ông này hứa sẽ xúc tiến việc trao đổi tù binh. Sau đó, có một số tiếp xúc, nhưng các tướng Pháp bấy giờ chẳng có thẩm quyền về chính trị cho nên không kết thúc được vấn đề. Chủ Tịch Hồ Chí Minh không hài lòng về việc này, vì Người nghĩ rằng lẽ ra đề nghị của người có thể đưa tới chấm dứt chiến tranh.

Bản thân tôi cũng bị theo dõi và bị xử tội vắng mặt. Đây là một điều vô lý, vì tôi là nhà báo và sang VN là để xem xét tình hình và giúp phần nào cho việc đối thoại mà cuối cùng phải sống lén lút nhiều năm.

Lần thứ 4, tôi gặp Chủ tịch tại Hà Nội, tháng tư 1964, tôi là thành phần của phái đoàn đại biểu cộng sản Pháp. Gặp lại Chủ tịch, tôi thấy Người sức khỏe tốt. Gặp lại Người tại dinh Chủ tịch. Người mang dép cao su, đôi mắt sáng quắc. Người có cá tính đặc biệt, hiện ra bên ngoài không những bằng cách nói, cách ăn mặc, mà bằng dáng dấp khác những người khác. Chủ tịch không phải là một quyền lực, không phải là một thư lại cao cấp, không phải là một công chức, không phải một người ra lệnh mà đó là một người đầy tình người: nụ cười với điếu thuốc lá; xen vào những lời lẽ nghiêm nghị là vài câu bông đùa. Chủ tịch là một người tràn đầy trí tuệ và văn hóa. Người hiểu biết các nước Trung Hoa, Nga, Pháp và nhiều nước khác, nhưng giữ được cho mình nhiều cốt cách Việt Nam. Lấy chính nghĩa dân tộc làm chính nghĩa của mình, không tự đặt mình lên trên dân tộc mà đứng chung với dân tộc.

Nguyên tác tiếng Pháp cuốn 'Je reviens du Vietnam libre' (Tôi trở về từ Việt Nam tự do) in năm 1950 (trái) và cuốn tái bản 3-2015 - Ảnh: tổng hợp từ Internet và 'Nhân dân'


H.Q.: Trong cuốn sách của ông nhan đề là "Tôi trở về từ Việt Nam tự do", ông nhấn mạnh đến khía cạnh nhân bản của Hồ Chủ tịch. Và ngay trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, Chủ tịch còn phân biệt những kẻ thực dân với dân tộc Pháp...

L.F.: Dĩ nhiên là như vậy. Không những Hồ Chủ tịch biết phân biệt mà còn giúp người khác biết phân biệt. Ngay trong quân đội Việt Nam cũng có những người Pháp giúp Việt nam. Phân biệt người nào nuôi dưỡng chiến tranh, và những người nào tranh đấu chấm dứt chiến tranh.

H.Q.: Năm 1950, có nhiều người VN có cảm tình với dân tộc Pháp, trong đó lực lượng phụ nữ cũng vậy...

L.F.: Đúng như vậy. Năm ấy, đến VN lắm người chẳng biết tôi là ai nhưng họ tỏ ra có tình thân ái. Tôi đến dự Đại hội Phụ nữ, gặp nhiều tổ chức khác nhau, nhiều nhà trí thức, Mặt trận... Ai nấy đều mong lập lại giao hảo giữa hai nước. Giữa lúc đó thì thành phần thực dân Pháp đang gây đổ nát, áp dụng khổ hình trên đất nước VN.

H.Q.: Ông là nhà báo. Trong tác phẩm của ông, ông có nói Chủ tịch Hồ Chí Minh có gặp ông và yêu cầu ông viết bài về đời sống công nhân Pháp. Chủ tịch là người sáng lập ra tờ báo "Người cùng khổ''.

L.F.: Phải. Chúng tôi nhận được thông tin đầy đủ về ông Hồ Chí Minh trước khi gặp Người. Tại hội nghị Tours, cách đây 70 năm, Chủ tịch đã đứng lên bênh vực cho những thuộc địa Đông Dương. Chủ tịch đã liên lạc với Đảng xã hội Pháp. Kể từ 1920, Đảng xã hội Pháp lên tiếng chống đối áp bức thực dân. Chúng tôi cũng có người bị bắt khi vận động các phong trào ủng hộ lập trường ấy.

H.Q.: Chủ tịch Hồ Chí Minh có truyền lại thông điệp là thắt chặt hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp. Đó là điều chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi đang tiến hành việc đỡ đầu của một số người Pháp đối với sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế. Đây chính là một điều rất tốt.

L.F.: Di sản của Chủ tịch tiếp tục gây ảnh hưởng tốt. Chính ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch muốn chọn con đường giao hảo. Cuộc chiến tranh Hoa Kỳ là một chiến tranh có thể tránh được nếu người Pháp không để người Mỹ hành động phóng túng không tôn trọng hiệp định Genève với tuyển cử tự do. Thủ tướng Mendès-France không muốn vậy nên đưa đến cuộc chiến tranh ấy. Ai là kẻ chịu trách nhiệm? Trách nhiệm là những ai không chịu ký kết hòa bình năm 1946, là những ai khiêu chiến ở Hà Nội, Hải Phòng sau đó, là những ai không muốn thương thuyết năm 1950 rồi sau đó không tôn trọng hiệp định Genève, (Ai đó) là những người Hoa Kỳ... Bây giờ VN thống nhất. Còn nhiều đổ nát, cần nhiều năm xây dựng lại. Nên có hợp tác để giúp vực dậy nền kinh tế VN, vì VN là một dân tộc can đảm đã chịu nhiều khổ đau.

H.Q.: Những năm sau này có nhiều hoạt động thân thiện, đoàn kết giữa Pháp và VN. Có nhiều tổ chức ngoài chính quyền. Như Hội Người Yêu Huế đang vận động tổ chức "con tàu đoàn kết" nhằm giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam...

L.F.: Những việc làm ấy rất cần. Nhưng không đủ. Chính phủ Pháp cần hiểu và giúp VN trong những điều kiện tốt hơn.

H.Q.: Tôi luôn có một niềm quý trọng ông. Tôi còn giữ kỷ niệm thuở còn là học sinh và lén đọc cuốn "Tôi trở về từ Việt Nam tự do" trong thời Pháp...

L.F.: Cuốn sách ấy là tập hợp nhiều bài báo của tôi. Bán ra trên 50.000 bản. Cuốn ấy phần nào giúp người Pháp hiểu VN, cho người Pháp hiểu là không thể chiến thắng được đâu, và được báo chí tiến bộ hỗ trợ và ngăn trở việc vận chuyển khí giới.

Tôi xin đề tặng anh cuốn sách, chắc là anh không có.

(L.F đề tặng tác phẩm của mình cho H.Q)

H.Q.: Chúng tôi dự định sẽ lên tiếng một lần nữa kêu gọi góp phần trùng tu di tích Huế: năm nay hoặc sang năm. Dịp này, tôi mong ông cho chúng tôi mượn phòng diễn kịch để hô hào.

L.F.: Vâng, được lắm. Nhưng ông nên thông báo trước cho chúng tôi sắp xếp.

H.Q.: Xin cám ơn ông trước.

H.Q thực hiện tại Paris
(S.H chuyển băng ghi âm tiếng Pháp sang tiếng Việt).
(TCSH47/05-1991)
 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng