Tạp chí Sông Hương - Số 47.x (T.5-1991)
Hồi sinh một vùng đất
16:19 | 17/10/2019

NGUYỄN QUANG HÀ
                        Bút ký

Nhắc tới vùng đất miền tây Gio Linh, trước mắt tôi hiện ngay ra những trái mìn nổ bất ngờ trong thời bình.

Hồi sinh một vùng đất
Ảnh: Lê Đình Liên

Một tiếng nổ xé trời, khói đen đùn lên, bụi bay mù mịt. Tiếp sau khói tan là tiếng khóc. Một chiếc xe bò trên đường Gio An, sơ ý, để bánh xe lăn chệch xuống lề đường. Mìn nổ. Bảy người chết và bị thương. Anh Hiền, người lái xe cày của nông trường Dốc Miếu, bánh xích đè lên quả mìn tăng. Xe tan, Hiền chết, để lại cô vợ trẻ và đứa con mới sinh, được ba tháng. Không lâu la gì, mới năm ngoái thôi, hai anh em ruột, công nhân nông trường Trường Sơn, cày bò trồng xen, vấp phải quả mìn. Mìn định hướng, xé ngang thân con bò, hất tung nửa trước lên trời. May, hai anh em thoát chết. Nhưng mất hồn mấy ngày liền.

Miền tây Gio Linh là vùng đất hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra, với 16 hàng rào thép gai đủ loại. Cả một vùng trắng, cứ mỗi mét vuông cài 4 quả mìn. Sau chiến tranh, những trái mìn ấy thành hiểm họa, đe dọa từng sinh mạng sống hàng ngày. Dân Gio Linh đã đốt tranh, thuốn đất, dò mìn giải phóng đất đai, song đây đó, hiểm họa đang còn rải rác.

Phải đứng trên đất Gio Linh giữa trưa nắng mới cảm thấy hết sự tàn phá của chiến tranh thấm vào tận da thịt mình. Bốn bề cỏ tranh ngút ngàn. Nóng hừng hực. Nóng của nắng dội xuống. Nóng của đất bốc lên, nóng của cỏ tranh sắc lẹm vây bốn phía. Mỗi nhịp thở chỉ thấy cái nóng lùa vào rát họng. Đất đang bị sa mạc hóa. Thời Lê Quý Đôn viết Phủ Biên Tạp Lục, rừng nguyên thủy Gio Linh còn tràn xuống tận bờ biển. Thời chưa có bom đạn chiến tranh, đường làng Gio Linh rợp mát bóng tre, bóng mít. Đối với cảnh ấy, nhớ lại ngày xưa như một hoài niệm.

Dân tản cư trở về. Dân từ Hải Lăng, Triệu Phong đi xây dựng vùng kinh tế kéo lên. Tưởng béo bở lắm. Kết cục, sức con người với cơ bắp và mồ hôi, không đem lại cho đất được sinh khí. Đành phải bám vào quanh những nguồn nước thiên nhiên, moi móc đất đá đắp nên những mảnh ruộng manh mún. Giành giật, chia năm xẻ bảy như băm nát cả những cuộc đời.

Số phận người dân Gio Linh sau chiến tranh trôi nổi. Nói như bèo bọt thì quá. Song tương lai trước mắt thật vô định. Anh Bài, chủ tịch xã Hải Bình xưa, bây giờ là phó giám đốc nông trường Bảy Tư, tâm sự với tôi:

- Dân xã tôi lên đây 4500 người. Đến lúc nhập vào nông trường chỉ còn 950 người. 3500 người bồng bềnh tại Nam Bộ.

Không cứ dân làm kinh tế, cả dân chính quán, cũng bỏ hợp tác ra đi, gửi lại lời chào đứt ruột: "Xin kính chào, vĩnh biệt quê hương 3 lạng". Công mỗi ngày 3 lạng lúa thì ăn gì.

Những cái tên một thời đã lừng danh trong chiến tranh: Gio An, Dốc Miếu, Quán Ngang, chợ Cầu, Cồn Tiên... bây giờ cũng chính cái tên ấy làm họ bâng khuâng nhiều bề.

Chính quyền cho xây dựng nông trường Cồn Tiên. Tôi đã đến Cồn Tiên ngay từ những ngày đầu khai phá. Đêm mùa hè, gió Lào thổi như bão. Gió nóng, nắng nóng kích thích, đêm đêm giấc ngủ giật mình vì tiếng mìn nổ xé toạc đêm đen trên dải đồi Cồn Tiên. Những người lính buông súng hội tụ lại nơi đây, dựng tạm mấy lều tranh để che gió mưa, không khỏi có những lúc ngao ngán: "Không hiểu cuộc đời rồi đi đến đâu?" Sự hoài nghi ấy không phải không có lý. Gỡ từng sợi thép gai, moi dưới đất lên từng quả mìn, vung từng nhát cuốc lật đất. Trồng mía, thiếu nước, mía leo heo như cây lau. Hoa trắng dài hơn thân. Trồng cà phê, hoa nở đúng mùa gió Lào, quả kết đầy, nhưng không có hạt. Cây hồ tiêu đã là hy vọng của một thời, nhưng gió bão dữ dội quá, hồ tiêu tụt gốc, bò lều ngều trên mặt đất, không có trái. Lại thêm bệnh tuyến trùng dưới rễ. 120 héc-ta tiêu, chỉ còn tám héc-ta.

Một câu hỏi cháy lòng: "Cây gì sẽ là đáp số sang trang cho đất Gio Linh đây?" Câu hỏi không dễ gì trả lời.

Không ít người vì miếng cơm manh áo đã bỏ quê hương ra đi. Nhưng những người đau đáu nghĩ về quê hương cũng không ít. Một trong những người đó, mà tôi được gặp là Lê Mậu Lộ. Anh vốn là lính của sư đoàn 325. Học trung cấp cơ khí, giải ngũ. Về công tác tại nông trường Lệ Ninh, Quảng Bình. Giải phóng Quảng Trị, anh đưa 41 người đi tiên phong, xây dựng nông trường tiêu Tân Lâm, tìm ra cây choái mít cho cây tiêu nhanh chóng phát triển đại trà. Anh trở nên nổi tiếng, trúng cử tỉnh ủy viên rồi về làm giám đốc Sở Nông nghiệp Bình Trị Thiên. Tôi quý anh ở cái tư chất không bao giờ bằng lòng với cái hiện thời. Đầu óc anh lúc nào cũng đầy ắp những ý nghĩ sáng tạo.

Ngay trong lúc cây tiêu Tân Lâm rực rỡ nhất, anh đưa tôi đi thăm vườn cao su nông trường Bến Hải. Anh đặt ngay vấn đề:

- Chỉ cách nhau dòng sông Bến Hải, phía bắc trồng được cao su, thì tại sao phía nam sông, vùng đất miền Tây Gio Linh ấy lại không trồng được cây cao su nhỉ? Anh lần lụi một mình tự lấy đất đỏ ba zan Cồn Tiên với đất đỏ Bến Hải, ra Hà Nội nhà phân tích chất đất. Kết quả kỹ thuật cho biết đất Cồn Tiên trồng cao su được, anh mừng lắm. Nuôi hy vọng âm ỉ, chờ thời cơ.

Tiếc một thế mạnh của tỉnh chưa được khai thác, Lê Mậu Lộ xin từ chức giám đốc Sở Nông nghiệp, chỉ xin làm giám đốc Công ty đất đỏ ba-dan. Trong óc anh đang có ý đồ hoạch định lại cây trồng trên đất đỏ. Đúng lúc ấy nước ngoài ký hợp đồng đầu tư cho cây cao su Nam Bộ. "Nếu được đầu tư, có vốn, mình sẽ trồng cao su ở miền Tây Gio Linh". Khát vọng ấy thôi thúc, bằng uy tín và quyết tâm của mình, anh làm luận chứng cụ thể, chạy ra trung ương, vào Tổng cục cao su trong Sài Gòn thuyết trình luận chứng của mình và xin cho được thành lập Công ty cao su Bình Trị Thiên, tức Công ty Quảng Trị bây giờ.

Luận chứng được duyệt. Được đầu tư. Lòng Lê Mậu Lộ lâng lâng như mơ. Trước mắt anh lúc nào cũng hiện ra rừng cao su bạt ngàn phía Nam sông Bến Hải. Công ty cao su ra đời, và anh làm giám đốc.

Cái may mắn của Lê Mậu Lộ lúc ấy là không bị tổ chức chính quyền gạt người về cho anh, mà tự anh chọn một ê-kíp làm việc cho mình. Tổ chức, cơ cấu ấy tạo cho anh ngay được sức mạnh ban đầu.

Một sáng tạo xoay chuyển tình thế nhanh chóng của Lê Mậu Lộ là tuyển chọn công nhân cao su. 5000 héc-ta đất đỏ trong quy hoạch, lấy đâu công nhân để hoạt động bây giờ? Nếu không có công nhân đồng nghĩa với xóa sổ công ty cao su. Trong hoàn cảnh thúc bách ấy, Lê Mậu Lộ đã quyết định táo bạo. Anh quả quyết với cộng sự của mình:

- Chúng ta sẽ biến những người nông dân Gio Linh thành người công nhân cao su.

Lý lẽ của anh rất rõ ràng:

- Ta cần những người công nhân cần cù lao động, thì họ là những người lao động cần cù. Sống với cây lúa gian nan, họ đang có khát vọng đổi đời. Nếu để họ cứ đói nghèo, dù có cột chân lại, họ cũng tìm cách chạy xa chúng ta. Còn nếu ta nâng cao được đời sống cho họ, thì đó là sợi dây gắn chặt họ với sự nghiệp này...

4000 lao động nông nghiệp được chuyển sang làm công nhân cao su. Làng xóm được quy hoạch lại. Ba nông trường mới ra đời: Bảy Tư, Trường Sơn, Dốc Miếu. Nông trường Cồn Tiên được coi là nòng cốt, là con chim đầu đàn của cơ chế mới. Máy móc giúp sức con người vỡ đất. Cồn Tiên tổ chức vườn ươm. Nhịp độ công nghiệp thay thế cho nhịp độ nông nghiệp.

Đúng lúc khí thế trồng cao su ở vùng đất miền tây Gio Linh đang hào hứng, Lê Mậu Lộ vào học trong Sài Gòn, một người có chức trách nói với anh:

- Trung ương đã có lệnh hủy bỏ quyết định thành lập công ty cao su Bình Trị Thiên.

- Vì sao? Anh Lộ hỏi lại hốt hoảng.

- Cứ hỏi tổng cục thì rõ.

Biết bao công sức bỏ ra cho một công trình của ước mơ. Nghĩ thế, đau lòng quá! Lê Mậu Lộ gục xuống, ngất lịm. Xe đưa anh đi bệnh viện cấp cứu gấp. May mà chỉ bị tai biến mạch máu não nhẹ, các bác sĩ giúp anh qua khỏi bệnh hiểm nghèo này. Song mãi tận khi tổng cục xin được duy trì công ty cao su Bình Trị Thiên thì Lê Mậu Lộ mới thật khỏi bệnh. Vừa tụt chân xuống giường bệnh, anh lên ngay xe, phóng về Quảng Trị, đến ngay tới vườn cao su. Mầm non cao su mơn mởn sự sống đang hình thành trên miền đất chết đã cho anh hồi sức lại trong khát vọng của mình.

Tại văn phòng công ty cao su, nơi trang trọng nhất treo một cây cao su khô như một tấm bích chương. Cứ nhìn cây cao su đóng trong khung gỗ ấy thấy ngay được rễ cây dài hơn thân cây, thân cao 2 mét, rễ đã dài 2,7 mét. Chúng tôi về nông trường Trường Sơn, nhờ giám đốc Truyện chi ba công, đào cây cao su cao 2 mét rưỡi. Rễ của nó chọc sâu tới 3,6 mét. Tán lá 1,3 mét, rễ bàng ăn rộng ra 1,7 mét.

Lê Bá Đạo, tay lái xe cho Lê Mậu Lộ giải thích cho chúng tôi:

- Theo kỹ thuật, cây cao bao nhiêu thì rễ sâu bấy nhiêu. Tán lá rộng ra bao nhiêu, rễ bàng dài ra chừng ấy. Cây cao su mới đào, chứng tỏ rằng nó đã tự phá vỡ quy luật để tồn tại ở Gio Linh.

Đến thăm một giếng nước ở Gio An sâu 30 mét, cúi xuống nhìn thăm thẳm, chỉ thấy đọng tít mãi dưới sâu một mảng trời xanh hoàn toàn yên tĩnh. Mặt nước in sắc trời đấy. Nguồn nước ngầm Gio Linh đã bị đẩy xuống quá sâu. Sức vượt tới của rễ được coi là một đặc thù điển hình chấp nhận ăn chịu của cây cao su. Tôi hỏi Đạo:

- Cây cao su dòn. Đất miền Trung chúng ta được coi là tọa độ bão. Như anh em ta thường nói đùa: Bình Trị Thiên có truyền thống kinh doanh bão. Các anh đã tính tới yếu tố ấy chưa?

Đạo cười như gặp phải câu hỏi giở ẹc:

- Bão lớn nhất như năm 85 là cùng chứ gì. Bến Hải, Quyết thắng, Việt Trung cao su chỉ gẫy 2 phần trăm. Tỷ lệ ấy không đáng kể. Điều quan trọng ở chỗ, cây cao su sống rất mãnh liệt. Cây gãy, mầm chồi lên ngay. Chỉ đúng một năm sau, cây cao su lại tiếp tục khai thác được.

- Chúng tôi thường đi qua Dốc Miếu, thấy vườn cao su ở đây còi cọc quá. Sao thế?

- Các kỹ sư của chúng tôi vừa "hội chẩn". Có tới 200 héc-ta còi cọc. Vì đất ở chỗ ấy cao, khô quá. Tìm tới mạch nước rất sâu. Cây cao su Nam Bộ ưu thế về thời tiết, ấm và ẩm. Cao su Dốc Miếu tráng gió, gặp gió bấc mầm co lại. Qua mùa xuân tráng ngay gió Lào, xác xơ. Song hoàn cảnh ấy, công nhân chăm sóc chưa đúng quy trình. Các kỹ sư đã lên kế hoạch "vỗ béo" rồi anh ạ.

Để chứng minh điều mới nói, Lê Bá Đạo đưa chúng tôi về những vườn cao su 3 năm, 4 năm, 5 năm, 6 năm của Cồn Tiên. Cây nối cây vươn cao xòe tán rộng. Hàng nối hàng thẳng tắp như những vườn cao su Đồng Nai trước ngõ Sài Gòn. Không phải vườn cao su, mà cả rừng cao su bạt ngàn. Sức phát triển của thân cây đúng với quy trình kỹ thuật.

Đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh canh tác dưới tán lá cao su. Người công nhân tranh thủ trồng xen trên lô đất đã nhận khoán. Lúa, lạc, khoai, môn, củ từ, rau cải... Màu xanh điệp màu xanh trên nền đất đỏ. Chúng tôi đến gần cặp bò đôi đang cày. Cả gia đình tập trung ở vườn cao su. Chồng cày, vợ bóc lạc giống, cô gái lớn cào cỏ tấp vào gốc cao su, cậu út lon ton theo cha tíu tít bên cặp bò. Chỉ vắng một cậu con trai đang học cấp III tại trường của nông trường.

Tôi hỏi người chồng:

- Trồng xen thu hoạch khá không?

- Cả công ty chúng tôi đủ lương thực nhờ trồng xen này đây. Dân Gio Linh chúng tôi trước đây thu nhập bình quân 70 cân thóc một đầu người, nhờ trồng xen, bình quân 360 cân một khẩu. Nhiều gia đình giàu vụt lên nhờ trồng lạc nữa.

Tôi chưa hiểu hết ý anh, hỏi tiếp:

- Giàu nhờ lạc là thế nào?

- Gio Linh chưa có truyền thống trồng lạc. Ban lãnh đạo công ty mua 30 tấn lạc giống về chia cho dân trồng. Lạc tốt không ngờ. Có nhà thu tới 2 tấn lạc. Anh tính coi, giàu không. Năm nay nhiều nhà trồng tới 200 lon lạc giống.

Tôi quay sang hỏi Lê Bá Đạo:

- Nghĩ thế nào mà công ty đưa lạc giống về?

- Mấy cha nội của chúng tôi tính toán khôn lắm. Kỹ sư cả mà. Đất đỏ trồng lạc thì trúng rồi. Song cái được của công ty là những nốt sần trong rễ lạc, làm cho độ phì của đất giàu lên mà không phải trả một xu tiền.

Đạo cười vui rất ngộ. Tính Đạo hiền, dễ thương, song tôi không ngờ anh lại sâu sắc đến thế. Nhịp điệu sống trên đất đỏ ba-dan đang là nhịp điệu cộng sinh. Cây cao su đang lan nhanh trên đất Gio Linh. Mới trong vòng 6 năm, Gio Linh đã trồng được 4312 héc-ta cao su. Không có cây nào trồng đại trà nhanh thế. Theo tính toán của các cán bộ kỹ thuật công ty, họ đã thí nghiệm trồng cao su trên đất phiến-sa-thạch. Cao su cũng phát triển đều. Cứ nhịp điệu này 10 ngàn héc-ta cao su Gio Linh nằm trong tầm tay. Đến lúc ấy, sẽ còn nhiều điều được bàn tới. Chỉ tính 4312 héc-ta bây giờ, tán lá che mát đất. Những bộ rễ đang phát triển khổng lồ của từng cây cao su trong lòng đất, như một tấm lưới, sợi đan chằng chịt nhiều chiều tạo thành những túi giữ nước mưa, làm độ ẩm trong đất tăng lên.

Xưa chỉ cỏ tranh tồn tại được. Nay các giống cây màu đều sống và phát triển bình thường, chứng tỏ độ ẩm của đất đã được tái tạo.

Rễ lạc, rơm rạ, lá khô, các thân thảo sau khi thu hoạch đều được tấp vào gốc cao su, rồi vùi xuống đất, trở thành chất mùn dồi dào cho đất đai. Rõ ràng, khởi đầu từ cây cao su, một hệ sinh thái mới đã bắt đầu xuất hiện trên đất miền tây Gio Linh.

Không nghi ngờ gì nữa, ý nghĩa của cây cao su đã vượt qua tầm nhìn kinh tế thông thường. Đó chính là môi sinh. Một hệ sinh thái mới rất thiết thân, trả lại không gian thiên nhiên cho người đời.

Năm nay ít rét. Mới vào xuân trời đã nóng như mùa hè. Nhân cái nóng ấy, anh Ủy, anh Đề dẫn tôi ra vườn cao su vừa khép tán. Giữa mỗi hàng cao su, các anh trồng dứa, đó là một đề tài thí nghiệm xem khi cao su được khai thác có giống cây gì còn tận dụng được đất đai. Thí nghiệm đang đợi thời gian trả lời. Không phải hai anh khoe tôi công trình đang thí nghiệm ấy, mà có ý giúp tôi quan sát sự thay đổi của môi trường. Chả phải nói cũng thấy ngay, ngoài kia nắng chang chang, trong tán lá rợp mát như ở trong rừng, đã ngửi thấy mùi mông mốc của lá cây dưới đất ẩm, đã thấy gió mát thoang thoảng luồn qua những hàng cây. Nếu đất chết Gio Linh được phủ kín tán lá xanh thế này, da thịt con người cũng sẽ mát theo.

Anh Ủy, anh Đề thuộc lớp công nhân đầu tiên đến cắm chốt ở Cồn Tiên. Nay đều là cán bộ chủ chốt của nông trường.

Anh Ủy kể lại những hồi ức:

- Không bao giờ quên được, ngày tập kết công nhân về ở Cồn Tiên. Mũ cối, áo lính, ba lô con cóc, dép lốp, một cây rựa, hay một chiếc cuốc cầm tay. Lòng nghĩ một ngày mai sẽ khác. Song không thể nghĩ ra sự ổn định như bây giờ.

Hai chữ ổn định có nhiều cung bậc. Không ít nơi còn đang nằm trên giấy tờ. Ở Cồn Tiên, sự ổn định là có thật, đúng nghĩa của nó. Làng công nhân ở đây hầu như không còn mái tranh. Màu ngói đỏ, tường vôi trắng thấp thoáng ẩn hiện trong màu xanh lá vườn. Khung cảnh cả gia đình, mẹ cha, ông cháu ngồi xúm quanh máy ra-đi-ô-cát-xét nghe truyền thanh trực tiếp trận bóng đá tận ngoài thủ đô, chẳng phải là một tấm ảnh ghi lại cột mốc của đời sống đó sao?

Tôi cũng đã gặp bình minh trên một lối nhỏ nông trường. Đám công nhân đi làm, vẫn con bò, cái cày, vẫn ấm nước cầm tay, vẫn chiếc xe trâu lóc cóc, song, đi trước như dẫn đường là một đoàn học sinh tung tăng đến trường. Và nền của tấm ảnh ấy, không phải cánh đồng manh mún nữa, mà là rừng cao su bạt ngàn. Chỉ cần chú ý, là thấy ngay cội nguồn của một góc ống kính tìm tòi.

Ông chủ tịch huyện Gio Linh, bằng con mắt của người chăn dân, đã nhìn ra góc cạnh ấy. Ông nói:

- Ở các nông trường cao su, 350 cân thóc cho một nhân khẩu là tiêu chuẩn cả tỉnh chúng tôi đang phấn đấu. Có đủ trường cho các cháu từ nhà trẻ đến cấp III có chỗ học, thật không dễ dàng. 14 nghìn người, tổ chức được hai bệnh viện lớn, không có công ty cao su, không biết đến bao giờ mới có được. Ai muốn biết đất miền tây Gio Linh đã hồi sinh thế nào, xin cứ đến đây, sẽ thấy ngay.

Vùng đất hồi sinh quả nhiên đã được đón nhiều khách quý. Xa, khách Ma-lai-xi-a tới. Gần từ trung ương vào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó Thủ tướng Đồng Sĩ Nguyên đã đến thăm rừng cao su Gio Linh. Phó Thủ tướng nói:

- Không còn phải bàn cãi gì nữa. Cứ nhìn những vườn cây cao su xanh tốt kia, tự nó đã khẳng định hướng đi của đất miền tây Gio Linh rồi - Phó Thủ tướng căn dặn - Công việc của bây giờ là chung sức, chung lòng với nhau mà làm cho đất đai này giàu lên.

Tôi có mặt trong đoàn khách Thừa Thiên, do ông Vũ Thắng, bí thư tỉnh ủy dẫn đầu. Trong vườn cao su sáu năm, bí thư đảng ủy công ty Nguyễn Văn Bạo lấy dao sắc, thử cắt một đường vỏ ngang thân cây. Trong nháy mắt mủ trắng như sữa tràn ra, chảy thành dòng, rải trắng gốc cây tràn trề như một niềm hân hoan.

Ông Vũ Thắng nói như reo lên, mừng rỡ:

- Quảng Trị có thêm một mặt hàng xuất khẩu nữa rồi!

300 héc-ta cao su sẽ được cạo mủ trong năm nay. Phía sau rừng cao su xanh tốt, trên đất Dốc Miếu, điện cao thế đã kéo về, một nhà máy cơ khí đã dựng lên, xí nghiệp chế biến cao su đang ủi mặt bằng. Hàng hàng cao su thẳng tắp như đội quân đã sẵn sàng xuất trận. Mặt trận không có tiếng súng. Chỉ có màu lá xanh và màu nhựa trắng. Gio Linh sẽ góp thêm một chiến công thời bình cho Quảng Trị.

Vượt lên trên màu lá xanh, phía cuối rừng cao su kia, một tháp trắng nhô cao. Đó là tháp đài nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Một vạn ba nghìn chiến sỹ Trường Sơn đang nằm lại đó. Bất giác tôi nhớ câu thơ của Tố Hữu:

"Máu các anh đổ ra không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam.
"

Tôi nghĩ mung lung. Màu xanh cao su này là nén hương trầm thắp cho các anh. Những gì các anh ước ao, thế hệ đang sống chúng tôi sẽ làm, để giấc ngủ các anh được bình yên trên đất đai này.

N.Q.H
(TCSH47/05-1991)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dạ đề (11/10/2019)