Tạp chí Sông Hương - Số 47.x (T.5-1991)
Con người và những cái nhìn con người trong văn học (1)
15:35 | 26/12/2019

ĐỖ LAI THÚY

Cuốn sách của giáo sư Trần Đức Thảo đề cập đến nhiều vấn đề, rộng và sâu. Bài báo này chỉ nói đến một luận điểm mấu chốt của ông, bản chất con người và những ngẫm nghĩ gợi ra từ đó, trong sự đối chiếu với văn học gần đây.

Con người và những cái nhìn con người trong văn học (1)
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy - Ảnh: internet

1- Viết sách trên, nhà triết học Việt Nam trước hết nhằm phê phán triết gia hiện đại Pháp L. Althusser, cha đẻ của chủ nghĩa "lý luận không có con người", tức không có con người nói chung, mà chỉ có con người giai cấp, cụ thể. Sau khi vạch trần tính chất giả Mác-xít của thuyết đó, Trần Đức Thảo, trình bày quan niệm của ông về con người. Con người, theo ông, có bản chất nhiều hàng (hay nhiều bản chất), được hình dung như một nhát cắt địa tầng: hàng một, trên cùng, là con người giai cấp, hàng hai, kế sau đó là con người nói chung, mang tính tộc loại, hàng ba: con người sinh vật, hàng bốn: con người hóa lý... Bản chất hàng hai, trong đời sống nhân loại, được hình thành trong giai đoạn cộng đồng nguyên thủy, còn trong đời sống từng cá thể - ở tuổi ấu thơ trong cộng đồng gia đình. Bản chất hàng một chỉ bắt đầu có từ tuổi thiếu niên, và nó là một dạng tha hóa, này hoặc khác, của bản chất người. Như vậy, tính người nói chung có với con người đầu tiên trên trái đất và tồn tại mãi mãi với loài người, và con người nói chung là hằng số có trong mỗi con người cụ thể, là phần cốt lõi nhất?

2- Sự đồng nhất tư duy chính trị và tư duy nghệ thuật khiến văn học ta, có thời, có tác giả đã phủ nhận con người muôn thuở, tính người nói chung. Các giá trị giai cấp được hiểu như là giá trị nhân loại. Tình bạn, giá trị đạo đức cơ bản của con người chưa được thể hiện nhiều trong các tác phẩm, còn tình đồng chí, một khái niệm mang tính chính trị, choán rất nhiều trang. Chiều kích con người, bởi thế, bị thu hẹp lại. Con người, một mặt, chủ yếu được xuất hiện ở khía cạnh chính trị của đời sống, ở cấp độ chính trị, mặt khác con người chưa được nhìn nhận như một cá thể, mà chỉ như một thành viên của cộng đồng. Bởi thế, một số tác phẩm văn học, hoặc bị sơ lược hóa chỗ này, hoặc bị sử thi hóa chỗ kia. Thơ trữ tình cồm cộm những mảnh sạn tự sự, kể tả. Tiểu thuyết thiếu một căn cố tiểu thuyết (tức tư duy tiểu thuyết) cứ rũ xuống.

Sự đổi mới tư duy chính trị, tưởng chừng, đã đào sâu chôn chặt thứ ngộ nhận nói trên. Ai dè gần đây, trong phê bình văn học, lại xuất hiện vẻ hăm hở thuở xưa. Chưa cần bàn đến sự hóa thân của hình hài, chỉ riêng sự "lộn về" như vậy, đã chứng tỏ rằng dương thế vẫn còn có cửa, rằng chứng ấy chưa được giải tiệt nọc, nhất là trên bình diện triết học, chóp đỉnh kim tự tháp nhận thức của con người. Cuốn sách của giáo sư Trần Đức Thảo ra đời như ứng vào sự đòi hỏi đó, lấp đầy sự hẫng hụt nhận thức triết học.

3- Tuy nhiên, cái nhìn con người của nhà triết học Trần Đức Thảo vẫn nằm trong dòng cổ điển của chủ nghĩa nhân văn. Ta có thể tóm tắt những đặc điểm chính yếu của nó như sau: 1/ Con người từ địa vị kẻ nô lệ của các lực lượng tự nhiên và siêu nhiên nhảy lên làm ông chủ, rồi làm thượng đế sau khi đã hạ bệ thượng đế. 2/ Con người có bản chất chí thiện, "nhân chi sơ tính bản thiện". Sự hư hỏng của con người không phải do có mầm móng bên trong, mà chẳng qua do hoàn cảnh bên ngoài. Bởi thế, cải tạo con người, chỉ cần cải tạo hoàn cảnh, tức gạt bỏ tha hóa để cho bản chất người lồ lộ hiện ra. 3/ Con người được coi như là một thực thể duy lý. Như vậy, về nguyên tắc, có thể hiểu được, giải thích được tất cả những gì xảy ra trong nó, kể cả những điều phi lý nhất.

Cái nhìn này, khi di chuyển vào văn học, nảy ra hai cảnh tượng: một là, xuất hiện những con người phi thường với những phẩm chất siêu nhiên, bất chấp mọi tác động của hoàn cảnh hợp lý hóa được cả những điều phi lý... tiêu biểu là Giăng Văngiăng (chủ nghĩa tự nhiên). Hai là, ngược lại, con người được mô tả như là sản phẩm của hoàn cảnh (chủ nghĩa hiện thực) thậm chí sản phẩm thụ động (chủ nghĩa tự nhiên). Do vậy, các nhà văn, từ khi chủ nghĩa hiện thực chiến thắng, rất chú trọng đến việc xây dựng tính cách. Tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình được coi như một phương thức phản ánh hiện thực quan trọng, đồng thời là một tiêu chuẩn thẩm mỹ tối cao. Rõ ràng, đó là một mốc quan trọng trên hành trình nhận thức mối quan hệ biện chứng giữa con người và hoàn cảnh, giữa chủ thể và khách thể. Nhưng từ đấy chỉ thêm một bước nữa, người ta sẽ đóng chốt vào kết luận: phản ánh hiện thực là chức năng số một của văn học, và chủ nghĩa hiện thực là phương pháp sáng tác cao nhất, phương pháp cuối cùng.

Ở đây, người cầm bút, dĩ nhiên, đã rũ bỏ được thứ quan niệm cổ tích về con người: trắng, đen rõ ràng. Đã xuất hiện những gam màu trung gian giữa hai thái cực đó. Con người bắt đầu phân thân, phân hóa. Có những lực lượng trái ngược nhau xung đột dữ dội trong một con người. Nhân vật, nhờ vậy, không chỉ có hành động, mà đã có nội tâm. Tuy nhiên, với chủ nghĩa hiện thực, những con nước đó, những dòng trong đục đó, tuy của một con sông, vẫn cứ riêng rẽ chảy, không hòa nước vào nhau. Còn các nhà văn, dù đứng trên vị trí của Đấng - nhìn - thấy - tất - cả - biết - tất - cả, hay vị trí của người trực tiếp tham gia vào truyện kể, với góc nhìn hạn chế hơn, vẫn cứ ở ngoài nhân vật. Rõ ràng, con người tuy đã được thể hiện như một cá thể, tồn tại ở mọi khía cạnh khác nhau của đời sống, nhưng, xét cho cùng, vẫn dừng lại ở cấp độ xã hội, con người là tập hợp các quan hệ xã hội. Đó là con người khách thể đối tượng của sự nhào nặn theo một mục tiêu lý tưởng nào đấy, chứ chưa phải là con người - chủ thể, tự mình là chủ thể tự cải tạo theo yêu cầu của cuộc sống trong những giới hạn có thể. Con người đó là con người được nhìn từ bên ngoài của chủ nghĩa nhân văn cổ điển.

4- Chủ nghĩa nhân văn cổ điển bắt gặp những hiện tượng văn học như "hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp" ắt phải sa vào bối rối. Vốn quen tư duy bằng những phạm trù đơn vị: lãng mạn, tượng trưng, hiện thực... một cách rành rọt, riêng rẽ nó loay hoay tìm cách xếp gọn những sáng tác kềnh càng, quá cỡ của anh vào những chiếc bị may sẵn. Hơn nữa nhân vật của nhà văn này, không những quỷ ở với người, mà trong một con người vừa có Mêphixtô vừa có Phaoxtơ. Rắc rối hơn nữa, hai dòng đục trong ấy còn hòa nước vào nhau, chối từ mọi sự phân định màu sắc. Các nhân vật như thế cứ được ném vào mặt giấy, đứng dửng dưng như những kẻ gặp ngoài đường, không một lời biện minh giải thích...

Cảm giác về sự "hạ thấp con người" khi đọc Nguyễn Huy Thiệp là một điều có thực đối với "lương tri thông thường" của nhiều bạn đọc. Nhưng nhà phê bình, với tư cách là một siêu độc giả, nhất thiết phải có cách đọc khác, sâu tầng hơn, không dừng lại ở mức độ thông thường và phải đi trước độc giả, dù chỉ nửa bước. Tôi không thuộc những người tán tụng tất cả những gì mọc ra dưới ngòi bút của Thiệp, nhưng sáng tác của anh, xét trên những hướng chủ yếu và, nhất là, từ cái nhìn con người, là một vận động mới của văn học Việt Nam. Không chiều nịnh con người, đã đành. Quí hơn, dám nhìn con người như nó vốn có với những khả năng và hạn chế của chính nó. Đưa ra ánh sáng những vùng tối trong con người, ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp không bôi đen hình ảnh nó, mà muốn để con người dũng cảm, tỉnh táo chấp nhận mình, không thần bí hóa cũng không duy lý hóa. Con người không chỉ là một thực thể xã hội, mà còn là một thực thể sinh học - xã hội. Thừa nhận lời dạy cổ nhân (nhân chi sơ tính bản thiện), thừa nhận quan niệm về bản chất người theo chủ nghĩa nhân văn cổ điển sẽ gạt đi những căn nguyên sinh học tồn tại trong con người, những xu hướng trái ngược bẩm sinh trong con người, tính cá biệt, tính-phi-lý-hợp-lý của nó(2).

Văn học thế kỷ thứ XX của thế giới, khước từ xây dựng những tính cách kỳ vĩ, hoàn chỉnh và nguyên phiến của thế kỷ XIX, lao vào cuộc tìm kiếm những chiều kích mới của con người. Đó là khát vọng thể hiện con người ở một cấp độ mới, cao hơn, cấp độ sinh linh. Nhà văn, bằng trực giác nghệ thuật của mình, góp phần khai hóa những con đường phi lý tính đến với sự thật (dòng ý thức, viết tự động...), ngụp lặn vào khoảng tối tăm vô ý thức hay chốn siêu thức để tìm ra những động cơ bí ẩn vận hành cỗ máy hành vi của con người, thám hiểm những miền hoang sơ nằm ở rìa ý thức (tiền ý thức, hạ ý thức...): Đó là một cơ sở chủ yếu để hình thành cái nhìn con người từ bên trong. Để thực hiện được tối đa cái nhìn này, văn học lại quay trở về với người kể chuyện ở ngôi thứ nhất thịnh hành ở thế kỷ XVIII, dĩ nhiên, với một chất lượng khác, cao hơn. Các hình thức tiểu thuyết tự thú, sám hối, hồi ức phát triển... Con người, trong con mắt của chúng ta, đang tiến từ trừu tượng đến hiện thực, các nhân vật như của Máckét với tính đa chiều kích (chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo, thậm chí có thể gọi chủ nghĩa hiện-thực-siêu-thực) dường như là sự tổng kết, chặng cuối của những con đường tìm kiếm này.

Văn học Việt Nam, vào những năm hai mươi của thế kỷ này, mới rậm rịch đi vào quỹ đạo thế giới. Vậy mà chỉ sau một thập kỷ, với thơ mới, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... nó đã đuổi kịp văn học thế giới thế kỷ XIX, còn hiện nay, với những hiện tượng như Nguyễn Huy Thiệp nó đã nhịp bước cùng thế kỷ mình, cả ở trình độ tư duy nghệ thuật lẫn tầm tư tưởng.

5- Cái nhìn con người từ bên trong là cơ sở để xây dựng một chủ nghĩa nhân văn mới, phi cổ điển. Tính dự báo của văn học, khả năng tự hóa thân thành đối tượng nghiên cứu của tư duy Triết học phương Đông, cái nhìn vào bên trong của Thiền... Tất cả những phóng chiếu thiên tài ấy về con người đang được nhận thức khoa học hiện nay cắm những mốc vững chắc. Trên mặt bằng của sự phát triển của các khoa học cũ, sự ra đời của các khoa học mới và khoa học liên ngành (di truyền học, sinh học phân tử, tâm thần học...) đã hình thành một tòa lâu đài mới: khoa học về con người. Nó sẽ đảm nhiệm việc giải bài toán L’homme, cet inconnu (con người, ẩn số ấy) như chương trình sinh học, mã di truyền, vô thức, siêu thức... để đưa ra những lời giải đáp đúng hoặc gần đúng về con người. Nhưng một điều nghịch lý là: câu hỏi bao giờ cũng sẽ vẫn nhiều hơn câu trả lời, và càng hiểu thêm được khả năng của con người bao nhiêu thì càng thấy rõ được những hạn chế của nó bấy nhiêu. Bởi vậy, chủ nghĩa nhân văn mới nhìn nhận con người một cách hiện thực, chấp nhận ở nó cả cái hợp lý lẫn cái phí lý, cả ý thức lẫn vô thức... Cá nhân con người được coi là cơ sở của một xã hội đang từ "vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do". Con người được tôn trọng, được coi là mục đích vì đó là một thế giới vi mô, một tiểu vũ trụ, một sự độc đáo, vĩnh viễn không lặp lại.

6 - Chủ nghĩa nhân văn cổ điển là sản phẩm của nền "văn minh công nghiệp". Chủ nghĩa nhân văn mới được xây dựng trên cơ sở của nền văn minh hậu công nghiệp, mà sản xuất xã hội dựa trên tin học, máy vi tính và vi xử lý, người máy và công nghệ sinh học... Nước ta, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, còn đang trên đường tiến vào nền văn minh công nghiệp, nên rất cần đến thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa nhân văn cổ điển đối với những tàn tích của xã hội tiền công nghiệp. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam hiện nay cũng đã được xúc tiếp với những thành tựu tư tưởng, khoa học, kỹ thuật... mới nhất của loài người, nên cũng đã hình thành những yếu tố của chủ nghĩa nhân văn mới. Tóm bắt xu thế đi lên của thời đại, ủng hộ cái đang khẳng định mình (để đi đến thắng lợi hoàn toàn) không có gì mâu thuẫn, "nhị nguyên hay triết trung" với việc chấp nhận cái mới đang ra đời, còn chưa được số đông thừa nhận.

Với cách tiếp cận đó, cuốn sách của nhà triết học Trần Đức Thảo ra đời như để khép lại một chặng đường trên tiến trình nhận thức và giải quyết vấn đề con người.

Chùa Thầy, 1 - 1990
Đ.L.T
(TCSH47/05-1991)

 

--------------------
(1) Nhân đọc Vấn đề con người và chủ nghĩa "Lý luận không có con người" của Trần Đức Thảo, TP. Hồ Chí Minh, 1989.

(2). Trần Thanh Đạm phê phán quan điểm của Hoàng Ngọc Hiến "Lòng nhân ái truyền thống có thể gói gọn trong một câu: "Hãy yêu thương đồng loại", nhưng lòng nhân ái hiện đại cũng như những tình cảm khác chứa nhiều nghịch lý: "Không thể thương con người, nhưng không thể không thương con người" là lưỡng đao ngụy biện, là thay thế phép biện chứng bằng lối tư duy nhị nguyên, triết trung và "thách" mọi người tranh luận lại. Tiện đây, tôi xin phép bàn góp là lập luận của anh Đạm thuộc về chủ nghĩa nhân văn cổ điển. (Xem Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm và dư luận, Tạp chí Sông Hương và NXB Trẻ. 1989).

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dạ đề (11/10/2019)