Tạp chí Sông Hương - Số 367 (T.09-19)
GIẢI THƯỞNG VHNT CỐ ĐÔ LẦN THỨ VI: Tỏa sáng giá trị nhân văn của nghệ thuật
10:15 | 04/10/2019

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ VI của tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận được 179 tác phẩm, công trình của 94 tác giả, nhóm tác giả đăng ký tham dự giải. Sau khi tiến hành rà soát, có 21/179 tác phẩm, công trình của 08/94 tác giả không đảm bảo các tiêu chí quy định về thời gian công bố, về hồ sơ tác phẩm xét giải thưởng vòng sơ khảo.

GIẢI THƯỞNG VHNT CỐ ĐÔ LẦN THỨ VI: Tỏa sáng giá trị nhân văn của nghệ thuật
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TT.Huế, Phó Ban Thường trực Giải thưởng VHNT Cố đô lần VI - phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: vannghehue

Từ ngày 4/5 đến 3/7/2019, các Hội đồng sơ khảo của các chuyên ngành đã tiến hành chấm, giới thiệu tác phẩm, công trình cho Hội đồng chung khảo xét trao giải thưởng. Với tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc, đầy trách nhiệm, các thành viên Hội đồng sơ khảo đã đọc, xem, nghe, thẩm định, đánh giá các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật (VHNT) dưới các góc độ như văn phong, bút pháp, thủ pháp, chất liệu, chủ đề tư tưởng, tư duy, ý tưởng sáng tạo, giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa, giá trị xã hội..., trên cơ sở nguyên tắc khách quan, công bằng, chính xác để chấm điểm, lựa chọn những tác phẩm, công trình xuất sắc nhất giới thiệu Ban Tổ chức giải thưởng đưa vào xét vòng chung khảo.

Ngày 16/8/2019, Hội đồng chung khảo Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI đã họp chấm điểm vòng chung khảo, thống nhất xét tặng thưởng cho 56 tác phẩm/công trình của 56 tác giả, nhóm tác giả gồm 8 giải A, 19 giải B, 29 giải C. Trong đó: Kiến trúc: 02 công trình/02 tác giả; Múa: 04 tác phẩm/04 tác giả; Mỹ thuật: 07 tác phẩm/07 tác giả; Nhiếp ảnh: 09 tác phẩm/09 tác giả; Sân khấu: 05 tác phẩm/03 đơn vị thực hiện; Âm nhạc: 09 tác phẩm/09 tác giả; Văn nghệ dân gian: 04 tác phẩm/04 tác giả; Văn học: 16 tác phẩm/16 tác giả.

Chất lượng các tác phẩm, công trình sáng tạo, nghiên cứu đã có những nét nổi trội; nhiều tác phẩm mang tính sáng tạo độc đáo; chất lượng của một số chuyên ngành đã nâng lên rõ rệt như Múa, Sân khấu, Văn nghệ dân gian...

Các tác phẩm được giải thưởng lần này, là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó, là quá trình chiếm lĩnh và nghiền ngẫm hiện thực đời sống, thế giới nội tâm một cách sâu sắc để thể hiện thành đặc  trưng nghệ thuật ngôn từ, hình tượng, tư tưởng theo từng loại hình riêng. Các  tác phẩm đều kết tinh được chiều sâu và chiều rộng của hiện thực, tầm cao  của tư tưởng triết mỹ…

*

Các tác phẩm hạng A của Giải thưởng Văn  học nghệ thuật Cố đô lần thứ VI xứng đáng là  các tác phẩm tiêu biểu của các chuyên ngành.

 

Bìa tập truyện ngắn “Trong tiếng reo của lửa”  của tác giả Lê Minh Phong
Bìa “Tuyển tập nghiên cứu,  phê bình âm nhạc truyền  thống Việt Nam”  của tác giả Bùi Ngọc Phúc

Giải A chuyên ngành Văn học được trao cho  tập truyện ngắn “Trong tiếng reo của lửa” của  nhà văn Lê Minh Phong. Lê Minh Phong là tác  giả văn xuôi trẻ (sinh năm 1985), có lối viết lạ,  là một trong những cây bút văn xuôi hậu hiện  đại đáng chú ý bậc nhất hiện nay của văn học  Việt Nam đương đại. Các tác phẩm của Lê Minh  Phong chồng lớp những ẩn dụ, những triết lý;  những thủ pháp nghệ thuật trong truyện của Lê  Minh Phong sáng tạo có chủ ý theo các quan  điểm thẩm mỹ mới mẻ của các hệ hình triết/mỹ  đương đại trên thế giới.

“Trong tiếng reo của lửa” (TTRCL) là một tập  truyện ngắn mỏng với chưa đầy 200 trang viết,  với 22 truyện ngắn. Đây là tác phẩm của người  trẻ có ý thức làm mới văn chương từ những hệ  hình lý thuyết. Nhà văn đã nhấn mạnh trên trang  bìa rằng: “Thủ pháp siêu hư cấu (metafiction)  mà tôi vận dụng nhiều trong tập sách này đã  phá vỡ những quy tắc… Vì thế tôi đã phá vỡ  những hình tượng nhân vật vốn bị đóng khung  trong thi pháp truyền thống để hướng tới kiểu  con người triền miên trong những giấc mơ khi  tỉnh. Con người trôi vào một thế giới xa lạ và bất  an…”. Nhằm biểu đạt và nhấn mạnh tính siêu hư  cấu, Lê Minh Phong sử dụng rất nhiều thủ pháp  hậu hiện đại như huyền ảo hóa, phí lý hóa. Câu  chuyện phi lý này không phải được bày đặt ra  cho vui, mà thực chất, nó dùng để ám dụ về  cuộc sống.

Hình tượng và không gian biển xuất hiện dày  đặc trong tập truyện này. Các truyện ngắn Linh  hồn biển, Bản nhạc của biển… thông qua thân  phận các nhân vật bị giết hại, bị chôn vùi xác trong biển, có thể nhận ra  những động vọng có tính thời đại của vận mệnh dân tộc, nhất là sau sự kiện  hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc lên vùng biển Việt Nam năm 2014 hay việc điều tàu đến quấy nhiễu Bãi Tư Chính hiện nay (2019) và những nguy cơ tiềm ẩn khác từ biển Đông. Khác với đa số nhà văn chú trọng vào việc miêu tả, đề cập đến “vấn đề biển” ở cấp độ chủ đề, nội dung cốt truyện, cảm hứng trữ tình.

Giải nhất chuyên ngành mỹ thuật được chọn trao cho tác phẩm “Chuyển nhịp dòng Hương”, chất liệu lụa tổng hợp (90cm x 300cm), của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ. Bức tranh mô tả và kể lại câu chuyện về nhịp cầu Tràng Tiền soi bóng sông Hương, chứng kiến bao đổi thay những số phận con người và cảnh sắc nơi đây. Xem tranh, người xem có ý niệm rằng con người có thể quên đi rất nhiều nhưng có những cái nó gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn tự lúc nào ta không biết. Và, tự nhiên nó trở thành biểu tượng của cuộc đời mình dù có vật đổi sao dời. Không gian tranh sâu rộng, kéo dài tầm nhìn người xem, thân thuộc, hơi là lạ… Mặt lụa tranh đặt cách nền tranh một khoảng cách để gợi. Màu trầm ấm, ánh sáng tập trung trên những nhịp cầu được dát bạc, những đốm bạc lại được rải sáng lấp lánh bóng nhịp cầu trên sóng nước… Tất cả tạo nên sự rung động chuyển nhịp dòng Hương, khơi gợi một cách mãnh liệt nỗi nhớ Cố đô...

 

Nét phác họa của “Nhà nguyện Khâm Mạng”
“Nhà nguyện Khâm Mạng” được xây dựng ở Phủ Cam, Huế

Giải A chuyên ngành Kiến trúc được trao cho tác phẩm “Nhà nguyện Khâm Mạng” của KTS Nguyễn Xuân Minh; công trình đã được xây dựng với diện tích 300 m2 ở Phủ Cam năm 2016. Nhà nguyện Khâm Mạng là nơi thực hành cầu nguyện hàng ngày của gần 100  nữ sinh nhỏ tuổi thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế. Với những giải pháp ánh sáng, màu sắc hay tổ chức không gian, việc thiết kế, xây dựng và trang trí nhà nguyện, nhà thờ cần đã “gợi lên sự ngạc nhiên rồi vượt qua vẻ đẹp của nó để đến với Thiên Chúa vô hình”.

Những cách thức kiến trúc đơn giản, nhẹ nhàng, trong sáng như thế này rất cần thiết cho kiến trúc Huế trong tương lai.

Giải A chuyên ngành Nhiếp ảnh được trao cho tác phẩm “Đồng hỏa hoàng cung” của tác giả Lê Tấn Thanh. Ảnh được chụp vào đêm 22 tháng 4 năm 2017 tại sân Điện Thái Hòa - Đại Nội Huế, vào dịp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở cửa Chương trình tham quan “Đại Nội về đêm”, nhằm quảng bá, thu hút khách đến với di tích Huế. Múa Lửa là chương trình biểu diễn nằm trong “Nghi Thức Lễ Đổi Gác” của chương trình “Đại Nội về đêm”, được tái hiện lại để giới thiệu với du khách, tạo một điểm nhấn mạnh mẽ trong hành trình tham quan di sản Huế. Múa lửa, từ thuở xưa có ý nghĩa tượng trưng cho văn minh, chân lý, lẽ phải, cái thiện, xua đuổi cái ác; trở thành những tín ngưỡng thiêng liêng, lửa còn biểu tượng cho khát vọng chiến thắng, cho sức trẻ, cho sự vươn lên của con người. Tác phẩm “Đồng hỏa hoàng cung” thể hiện hết sức thành công vũ điệu múa lửa. Bức ảnh thu được khoảnh khắc sinh động của những vòng tròn lửa hân hoan, xuất hiện trong không gian hoàng cung Huế đã rực rỡ ánh đèn.

Tác phẩm “Đồng hỏa hoàng cung” của tác giả Lê Tấn Thanh


Giải A chuyên ngành Âm nhạc được trao cho tác phẩm giao hưởng “Tượng đài Cố đô” của nhạc sĩ Lê Hồng Lĩnh. Đã rất lâu, Giải thưởng VHNT Cố đô mới trao giải A cho thể loại giao hưởng. “Tượng đài Cố đô” là một tác phẩm âm nhạc giao hưởng mang tính anh hùng ca cách mạng. Tác phẩm đã đạt chất lượng nghệ thuật tốt về cả nội dung và ngôn ngữ giao hưởng. Tác phẩm gồm 3 chương, từng chương có các hình thức khác nhau. Chương 1 viết theo hình thức Sonate khá ấn tượng, giàu cảm xúc; chương 3 rất gần gũi với giai điệu miền Trung tha thiết. Bằng nhiều thủ pháp, tác giả khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật, hình tượng quê hương.

Giải A chuyên ngành Sân khấu được trao cho vở diễn “Dòng sông đỏ” của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế. Vở diễn có đề tài chiến tranh cách mạng, nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy đau thương mà anh dũng của nhân dân miền Trung. Trong cuộc kháng chiến đó, chúng ta bắt gặp nơi khúc ruột Tổ quốc những người dân đầy tinh thần quả cảm, bất khuất; bắt gặp tình yêu trong sáng song cũng rất nhiều hy sinh của người lính và những hy sinh mất mát, đau thương trong chiến tranh. Với vở diễn này, việc dàn dựng sân khấu của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế có nhiều sáng tạo, phù hợp với phong cách vở diễn; trang trí và âm nhạc hỗ trợ có hiệu quả; tập thể các diễn viên thể hiện tốt các nhân vật.

Cảnh trong vở “Dòng sông đỏ”


Giải A chuyên ngành Múa được trao cho tác phẩm “Mệnh đất trời” của Phan Hoàng. Tác phẩm thuộc thể loại: Thơ múa với hình thức: múa ít người. Chỉ với hơn mười phút, vở múa đã đem lại nhiều cung bậc cảm xúc về kiếp nhân sinh giữa đất trời. Tác giả đã xây dựng được bối cảnh sân khấu rất nên thơ và sự kết hợp hoàn hảo của bố cục sân khấu bao gồm ngôn ngữ múa, hình thức thể hiện, màn hình, âm thanh, ánh sáng, tạo nên bức tranh sinh động, lột tả được khát vọng của con người trong thời hiện đại. Các lớp múa rõ ràng, thoáng; các tuyến múa không nhiều nhưng gây được cảm nhận của người xem. Đặc biệt, vở múa đã rất nhuần nhuyễn trong sự kết hợp giữa ngôn ngữ múa truyền thống với ngôn ngữ múa hiện đại, tạo sự tươi mới trong phong cách biểu diễn. Các cụm tạo hình có bề rộng, bề dài, chiều sâu và tầm cao, thể hiện tính bứt phá, thắt nút, các trường đoạn mà câu chuyện tác giả muốn kể. Vở múa cũng đã khai thác triệt để từng kỹ thuật cá nhân, thể hiện đúng tính chất, tình tiết, biểu đạt phong phú làm tôn lên vẻ đẹp nghệ thuật múa tăng tính hấp dẫn, gây nhiều cảm xúc đối với người xem.

Giải A chuyên ngành Văn nghệ dân gian được trao cho tác phẩm “Tuyển tập nghiên cứu, phê bình âm nhạc truyền thống Việt Nam” của tác giả Bùi Ngọc Phúc. Đây là tập sách dày 543 trang, chia làm 2 phần. Phần nghiên cứu đề cập đến tổng quan về sự phát triển của âm nhạc truyền thống Huế: nhạc lễ Phật giáo Huế, hệ thống điệu và hơi trong nghệ thuật ca-đàn Huế, sự kế thừa và phát triển của Nhã nhạc cung đình… Bên cạnh đó, phần nghiên cứu cũng đã dày công nghiên cứu sinh hoạt âm nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế như: thang âm trong âm nhạc tộc người Tà Ôi-Pa Kô, âm nhạc trong trình thức đám cưới của người Tà Ôi - Pa Kô; dàn nhạc, các điệu hát và múa tiêu biểu của người Tà Ôi - Pa Kô, Cơ Tu, Vân Kiều... Phần lý luận, phê bình đề cập đến âm nhạc cổ truyền Việt Nam và sự bảo tồn, phát huy; dân ca Thanh Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên, ca Huế qua nhận xét của các nhà nghiên cứu xưa và nay...

Với lối viết súc tích, tác giả đã tỉ mỉ tỏ bày kiến thức đa dạng về các loại hình âm nhạc của Việt Nam, Huế, vùng văn hóa miền Trung; đã có những kiến giải sâu sắc về một số lĩnh vực, đồng thời, cũng đã đưa ra một số quan điểm mới, hoàn toàn khác với nhiều ý kiến nghiên cứu xưa nay.

Một số tác phẩm được xét trao giải hạng B cũng được các hội đồng sơ khảo và chung khảo đánh giá cao như: “Đi như là ở lại” (bút ký của Lê Vũ Trường Giang); “Folklore & Văn hóa Viết: Nghiên cứu từ góc độ dịch chuyển không gian trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ” của Nguyễn Thị Kim Ngân; vở múa “Huyền thoại Phá Tam Giang” của biên đạo múa Mai Trung...

*

Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI có nhiều tác phẩm hay, có chất lượng nội dung giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc, phản ánh đúng thực chất chất lượng của nền VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số chuyên ngành đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu như Văn nghệ dân gian, Sân khấu, Múa...

Điều đáng mừng là lực lượng sáng tác trẻ tiếp tục khẳng định mình với những gương mặt triển vọng cho nền VHNT tỉnh nhà, như Lê Minh Phong, Phan Tuấn Anh, Lê Vũ Trường Giang (Văn học); Nguyễn Thị Huệ, Lê Ngọc Thái (Mỹ thuật), Nguyễn Xuân Minh (Kiến trúc), Lê Tấn Thanh, Nông Văn Toàn (Nhiếp ảnh), Phan Hoàng, Mai Trung (Múa)... Những nhân tố trẻ này đang độ chín, sẽ là mùa quả ngọt của tương lai.

Bên cạnh đó, ngay sau thời hạn quy định của Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI (1/4/2013 - 31/3/2018), một số tác giả đã xuất bản, hoặc tổ chức bản thảo với độ dày dặn rất đáng kỳ vọng. Kỳ Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VII (2019 - 2023), chắc chắn sẽ đón nhận các tác phẩm nói trên và nhiều tác phẩm khác đang được hoài thai.

Xin chúc mừng các tác giả, tác phẩm đạt Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VI. Đó là niềm vui sau bao lặng thầm, bền bỉ của những chủ thể sáng tạo không bao giờ biết mệt mỏi để thăng hoa thành những giá trị bất ngờ trong từng khoảnh khắc bừng ngộ của trực giác, của lý trí và tình cảm. Và với những dấu hiệu hiện có, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một kỳ giải thưởng thành công tiếp theo.

H.Đ.T.N  
(TCSH367/09-2019)


 

 

Các bài mới
Phần còn thiếu (11/10/2019)
Các bài đã đăng