Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-19)
Việt Nam giữa Canada, Ta giữa Tây
09:14 | 15/11/2019

ĐỖ QUYÊN

(Nhân đọc “Cái vú thừa” - tập truyện của McAmmond Nguyen Thi Tu, Nxb. Hội Nhà văn 2018) 

Việt Nam giữa Canada, Ta giữa Tây

Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê.” Hoài Thanh (1909 - 1982).
“Ngụ ngôn là hình thức văn học khắc nghiệt nhất.” Salman Rushdie (1947-)



Văn là đời; văn là người

“Việt Nam”, “Canada”; “ta”, “tây”; “dân tộc”, “nhân loại” đã làm nên thể tài cho cây viết người Canada gốc Việt này. Còn “ngụ ngôn” lại là hình thái thi pháp bao trùm nghệ thuật viết văn của tác giả; như Giáo sư Larry J. Fisk đã khái quát trong Lời nói đầu cho tập truyện đầu tay của nữ văn sĩ: “Những truyện đó, theo đánh giá khiêm nhường của tôi, đáng được coi là những truyện ngụ ngôn - không phải ở một thời điểm hay không gian xa xôi - mà là bài học cổ điển của thế kỉ 21”.

Từ hơn thập niên qua, chỉ với hơn 20 truyện ngắn, ký sự, chân dung văn nghệ được công bố trên các báo chí, trang mạng văn học chính yếu tiếng Việt và xuất bản trong 3 tuyển tập, McAmmond Nguyen Thi Tu đã không chỉ được đánh giá tốt đẹp từ văn giới, các nhà biên tập(1), mà còn được quan tâm nhiệt tình của dư luận bạn đọc trong và ngoài nước. Trước tuyển tập song ngữ Việt - Anh Cái vú thừa, chị đã là tác giả 2 tập truyện ngắn Trên nền tuyết trắng xóa (2009) và Đường đến cõi Samadhi (2012). Tìm kiếm sơ bộ trên mạng, dễ thấy tác giả này đứng tên trong không ít dẫn chứng ở các bài nghiên cứu, tổng quan về văn học Việt ở nước ngoài, dòng văn chương di dân, trong các bài giới thiệu tuyển tập truyện ngắn hay hằng năm của báo Văn Nghệ

Giữa thế hệ nhà văn hải ngoại thuộc nhóm tác giả nữ ở các đề tài di dân, hội nhập, nữ quyền thì McAmmond Nguyen Thi Tu - không chỉ trong tư cách đại biểu của Canada mà hơn cả là ở ý nghĩa tác phẩm - cần đứng bên cạnh những “liền chị liền em” chừng 15 năm qua nổi danh từ ngoài này lan về dải đất hình chữ S: Trần Mộng Tú và Lê Thị Thấm Vân (Mỹ), Mai Ninh và Thuận (Pháp), Đoàn Minh Phượng và Lê Minh Hà (Đức)… Riêng ở xứ sở Lá Phong, đây là nữ tác giả truyện ngắn hiện còn nổi trội trên mảng văn tiếng Việt cùng các “liền anh” Nam Dao, Hoàng Chính, Hồ Đình Nghiêm…

Các chi tiết đời tư (đã ít nhiều hiện ra qua bút danh, tiểu sử) dự phần quyết định nguồn tư liệu, vốn sống sát sườn cho nữ sĩ di dân được nhào trộn trong văn hóa Việt - Canada: Hành nghề phiên dịch, dịch giả chuyên nghiệp cho Bộ Di trú và tư vấn pháp lý cho cộng đồng Việt ở tỉnh bang Alberta; có thân hữu là một nhóm giáo sư, học giả uyên bác người bản xứ da trắng giảng dạy về ngôn ngữ, chính trị, thực hành tâm linh…

Lưu xứ là số phận; giới tính là định mệnh; bản ngã là văn hóa

Trên chiếc kiềng 3 chân đó, “đầu bếp” McAmmond Nguyen Thi Tu đã phục vụ thượng đế độc giả bằng ngọn lửa ngụ ngôn nung nấu các nan đề nhân sinh.

Ở tập Cái vú thừa có 3 truyện được hoàn thành trong năm qua - Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức - đã đánh dấu bước chuyển lớn trong thi pháp của tác giả: từ phong cách trần thuật hiện thực chân phương sang bút pháp hiện thực phúng dụ, dị ảo. Cuốn truyện đã được đặt tên, phân chia thật đẹp, thật lạ. Và thật nữ tính! Tên sách chính là tên truyện hay nhất, rất lạ và mới - Cái vú thừa. Hẳn sẽ bắt mắt thu tim độc giả ngay từ ấn tượng đầu. Mở (Lời nguyện nửa khuya) và kết (Người tình ký ức) tuyển tập là 2 truyện cũng đều thuộc loại hay, lạ, mới. Mang hình thức ngụ ngôn rõ rệt từ cấu trúc cho đến nguyên tắc phúng dụ, phiếm chỉ với hình thức hiện đại, cả 3 truyện thoát hẳn khỏi lối viết trần thuật quen thuộc đạt tới mức thuần thục của tác giả. Đều không có địa danh địa lý, không nhân vật hiện thực, chúng đã gói ghém những truyện còn lại chứa những đoạn đời thường nhật của giống người đầy hỉ nộ ái ố tham sân si, mà trước nhất là những con dân Việt tha hương nơi xứ người hoàn toàn khác lạ từ thời tiết, địa dư cho đến ngôn ngữ, tập tục.

Ngay cả khi không là đề tài chính, vấn đề đè nặng người di dân mà giới phê bình gọi là tâm thức lưu xứ thường bao trùm hoặc len lỏi trong mỗi dòng chữ ý văn McAmmond Nguyen Thi Tu. Ám ảnh di dân. Mặc cảm di dân… Truyện của nữ văn sĩ thực là một cẩm nang về các loại bi kịch, xung đột gia đình, xã hội cuộc sống người Việt ở Canada và Hoa Kỳ nói riêng và ở hải ngoại nói chung: di cư, thủ tục định cư, ly hôn, lừa tình gạt tiền, tự sát, giết người, điên khùng, vỡ mộng, cô đơn, bất lực, thất vọng, tự ti, căm hận quê hương gốc gác… Hầu như không nhân vật chính nào được sinh ra từ đây có nổi cái kết có hậu.

Đề tài di dân trong tuyển tập được thể hiện rõ ở các truyện: Chuyến hành trình sau chót; Không ai yêu thương tôi; Đêm hoang mạc... Nếu nhìn lại cả 3 tập truyện, có thể thấy McAmmond Nguyen Thi Tu là một trong các nghệ sĩ chân dung đáng tin cậy của người di dân trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Với các truyện hay, chúng như tranh nghệ thuật; nhiều cái đạt lại giống ảnh chân dung; còn đôi ba cái chưa đạt thì là tranh truyền thần. Tất cả đều là hình ảnh sống động, sát thực về người di dân được dựng bởi người di dân. Soi rọi mặt trái. Nhất biên đảo. Nó vẫn đẹp. Và nó chủ quan. Chính tác giả hẳn cũng tự thấy việc “chiên ròn” miếng mảng đề tài và cốt truyện hoàn toàn nghiêng về mặt tiêu cực của đời di dân rất dễ tạo 2 ấn tượng khó xóa nơi độc giả.

Cho đến tập Cái vú thừa, ở tay viết này không có con-người-thời-cuộc. Con-người-chính-trị tuyệt không. Nhân vật của chị không trực tiếp làm ra lịch sử, nên lịch sử cũng chẳng buồn biết đến họ! A, trừ duy nhất một nhân vật phụ - “Ngài” làm chủ một “vương quốc” hư ảo (trong Lời nguyện nửa khuya) - còn thì tất cả những nhân vật chính, phụ trong chừng 20 truyện ngắn đều không là VIP. Họ chỉ là “thằng Daniel - Phúc” vì đồng tính nên cô độc (Không ai yêu thương tôi), là con bé 12 tuổi Trần Thị Mỹ Dung ngổ ngáo và xấu số (Mùi thiên đàng), là bà bán đĩa CD xông xáo và thèm chồng ngoại (Bữa tiệc gà tây), là con mèo đực bị thiến với bao trăn trở để về với tự do và tự chủ (Đường đến cõi Sa-ma-đi), là cái kẻ “Tôi” mạt vận suốt đời vô danh tính, cuối cùng nhận chân mình chỉ là Cái Vú Thừa của giống người (Cái vú thừa)… Oách nhất tới “vị giáo sư tiến sĩ” người bản xứ Canada về hưu ngơ ngơ giữa dòng đời lộn xộn cùng suối tình vô thường trên đất Việt (Bữa tiệc gà tây). Không chỉ là những cá thể thường dân. Họ, không gương mặt, không cá tính, không danh phận. Những gì mang trên mình họ đều thuộc về người Việt, ảnh hưởng từ người Việt. Tên chung của họ, giống như mọi sắc tộc khác cùng đến vùng đất mới, là Người di dân - những lớp người chỉ mong tìm một nơi có cuộc sống tốt hơn.

Để rồi mãi tới đầu năm nay, với một truyện mới được công bố mang tên rất bí hiểm và ẩn dụ là “bt”,bạn đọc mới biết tới sáng tác đầu tiên chứa chất thời cuộc, con đẻ từ thời cuộc trên đường văn gần 30 năm sau khi chị làm người di dân. Thiển ý, đấy không chỉ là truyện ngắn hay nhất của McAmmond Nguyen Thi Tu mà còn là văn phẩm đau đời (con dân Nam) thương phận (người nữ Việt) nhất từ một nữ tác giả có thể sản sinh ra. Nước mắt sẽ không còn biết chảy về đâu sau chữ cuối cùng của truyện! Rất mới rất lạ ở thi pháp văn xuôi, bt rồi sẽ xứng danh đi vào các tuyển truyện giá trị trong dòng văn học hậu chiến.

Bằng cảm hứng và thái độ nữ giới, McAmmond Nguyen Thi Tu đã chọn bất kỳ đối tượng nào để thực thi ý đồ viết văn. Chưa tính ở 2 tập trước, trong Cái vú thừa, không ít truyện có nhân vật chính là người nam và là mèo cũng... nam luôn! Khác nhiều người viết cùng giới, chị giang thẳng tay, mạnh và sắc vào những mặt trái, thói tật ở đồng hương nữ, bình đẳng trong tư thế một con người với các đồng hương nam - những kẻ đương nhiên phải bị xử lý đích đáng khi cần. Của đáng tội, ở những chi tiết, hoàn cảnh trong đôi ba truyện chưa thật thành công, cái sự “giận cá chép thớt” cũng được thực thi.

Với đề tài này, nhà văn cũng vẫn chọn các thân phận bé mọn không ham đại sự. Cái ham duy nhất ở họ là hạnh phúc cá nhân rồi hạnh phúc gia đình; tức là tiền, là tình, là danh phận bình thường, là sự sống còn trong phận đàn bà con gái. Dưới cây bút Việt ấy họ quả là “trở thành phụ nữ” như định nghĩa bất tử của Simone de Beauvoir. Ở nhiều sáng tác, người viết nữ này đã minh họa điều các nhà lý luận từng đúc kết, rằng trong nữ quyền luận cuối cùng thì mệnh đề “sinh học là định mệnh” được thay bằng mệnh đề “giới tính là định mệnh”.

Hãy dừng lại với thiên truyện quan trọng nhất: Cái vú thừa (2).

Chúng tôi vững tin, về khái niệm rất quan trọng trong nữ quyền là ý thức giới(3). Đành rằng, qua trao đổi được tác giả cho biết ý tưởng “cái vú thứ ba” là vốn của dân gian, trong chuyện hài hước tiếng Anh sau cao trào giải phóng phụ nữ hồi giữa thế kỷ trước.

Cái vú thừa là truyện ngắn “bất bình thường”, về thi pháp cũng như nội dung, tư tưởng. Tiếp sau Lời nguyện nửa khuya, nó xác quyết triển vọng một hướng viết mới cho tác giả. Vượt xa hiện thực kể chuyện thuần túy; chiếm lĩnh nghệ thuật kỳ ảo và phi thực.

Chủ thể nghệ thuật ở dòng truyện này là con- người-văn-hóa. Dẫn tới xung đột truyện, xét cho cùng, cũng là xung đột văn hóa; chứ không là xung đột tâm lý/cá tính với phần lớn tay bút truyện ngắn khác. Đề tài bản ngã/cái Tôi của con người trong tập Cái vú thừa hiện rõ ở các truyện Lời nguyện nửa khuya; Không ai yêu thương tôi; Cái vú thừa; Cuộc đời bắt nạt... Trước và sau đó là 2 thiên truyện độc đáo chan chứa thân phận loài vật, loài người theo 2 lối viết khác hẳn nhau: Kiếp chó,và bt. Nước mắt rồi cũng chẳng còn biết chảy về đâu?!

Triết lý đạo đức căn bản của văn McAmmond Nguyen Thi Tu là tinh thần Thiên Chúa giáo thấm đượm nơi nhiều trang viết. Khi hiển lộ dày, đậm qua từng câu chữ trích, kể Kinh thánh, lúc bàng bạc trong không khí truyện; điểm thành công là người đọc không thấy nặng nề trong các bài học đạo đức. Nhờ ý đồ văn học vô thần sâu xa của tác giả. Nhờ rải rưới tinh thần Kitô trong văn hóa tư tưởng Việt, nơi gặp gỡ ngàn đời của tam giáo Nho-Khổng-Đạo đồng nguyên. Và, nhờ giọng điệu với “một chút trào phúng đáng yêu lấp lánh chỗ này hay chỗ khác trong những chuyện bịa hạng nhất đó.” (L. Fisk). Hầu hết các truyện ở đề tài tâm linh, tôn giáo là với tinh thần Công giáo, còn lại về Phật giáo, Tin lành, Hồi giáo và Yoga: Lời nguyện nửa khuya (Yoga); Đường đến cõi Sa-ma-đi (Phật giáo);Không ai yêu thương tôi (Tin lành); Cái vú thừa (Thiên Chúa giáo); Cuộc đời bắt nạt (Thiên Chúa giáo); Linh hồn tôi đâu (Hồi giáo, Kitô); Người tình ký ức (Thiên Chúa giáo). Tác giả có 2 truyện (ở 2 phong cách sáng tác) rất xứng trong một tuyển tập truyện ngắn nào đó về thể tài tôn giáo. Thiên truyện ngắn Cái vú thừa - một đứa con khôi ngô và ngỗ ngược hiếm có trong văn học nói chung, không chỉ văn học Việt Nam, mà chúng tôi được đọc. Và Linh hồn tôi đâu từng tạo chuỗi thảo luận lý.

Viết văn là kể chuyện

Quan niệm vậy có từ thuở hồng hoang của văn học viết. Vì, viết, đó là nói bằng tay - qua ngôn tự! Nhà văn cừ nhất ấy là kẻ kể hay nhất, “dẻo tay” nhất. Trong các hình thức diễn ngôn truyện nói riêng và văn xuôi nói chung, tạm chia 4 loại chính: Kể, Thuật; Tả, Diễn; Thoại; Luận, Bình. Ở cả 2 phong cách, sở trường của McAmmond Nguyen Thi Tu là văn trần thuật, kể một câu chuyện trước sau gì cũng trọn vẹn; đôi khi xen lẫn bình, luận. Thoại (đối thoại, độc thoại) và diễn biến tâm lý là sở đoản.

Như là một trong những cây bút chuyên về đời di dân, tác giả đã chọn cách viết chuẩn theo các nhà lý luận. Về đối tượng, hình thức diễn ngôn và tiêu điểm truyện: dùng lối viết cá nhân“viết về hành trình hiện hữu và dịch chuyển của cá nhân trong những tương quan với cộng đồng và không gian xã hội.” Về điểm nhìn và cách thức kể: “Ý thức giới thể hiện rõ ở phương thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất, nhân vật tôi/đàn bà kể chuyện mình, chuyện giới mình… qua trường nhìn phụ nữ với điểm nhìn bên trong. Nhân vật và người kể chuyện thường đồng nhất, xưng Tôi để kể những chuyện chỉ riêng Tôi mới biết: chuyện trinh tiết, trở thành đàn bà, ngoại tình, chối bỏ bản năng làm mẹ...”. (Dẫn theo Phạm Văn Quang, và Thái Phan Vàng Anh).

Chúng ta đang đi vào dòng truyện ngắn có phong cách trần thuật như sau: Được trình diễn mạch lạc, cấu trúc chặt chẽ, bố cục tuần tự theo logic (có kết hợp đồng hiện, cắt dán), mạch văn thản nhiên trôi chảy, chi tiết rậm rạp cứ đan cài nhau, miêu tả sát thực như có thể cầm nắm, không khí truyện sinh động như “lên đồng”, diễn tiến có đầu có cuối theo số phận nhân vật, xung đột liên tiếp phát triển không theo tâm lý nhân vật mà qua các sự cố. Xoay đảo ý tứ gấp như vòng cua tay áo mà bám riết ý đồ. Trữ tình nội tâm hoàn toàn không thuận tay với tác giả. Tình huống truyện không theo cung cách phân tách mâu thuẫn, thắt mở nút tâm lý. Có thể gọi đây là dòng truyện không-tình-huống-chính, thậm chí không-nhân-vật. Chi tiết, chi tiết và chi tiết! Ý tưởng, ý tưởng và ý tưởng! Truyện McAmmond Nguyen Thi Tu là cuộc hôn phối giữa người Nữ Chi tiết và người Nam Ý tưởng. Mạnh, và cũng là yếu, tùy từng truyện. Mà cũng bởi thế lối văn này có ít khoảng trống nghệ thuật dành cho loại bạn đọc năng động cùng tham dự. Nó để lại bài học sau những cái kết thường là đột ngột như kết tụ của vô số chi tiết bằng một thứ hóa chất đặc biệt. Hóa chất đó là tính ngụ ngôn hiện đại! Truyện ngắn như thế không chỉ là câu chuyện của tình tiết có thủy có chung, mà quan trọng từ đó đi tới một hay nhiều điều cần nói: ý tưởng.

Về mặt vận chữ dụng nghĩa: Câu chữ gãy gọn, cung cách tự tin như loại tác-giả-biết-tuốt bằng lối nói bình thường đượm vẻ tếu hài và điểm xuyết kinh sách, điển tích, kiến thức...Văn ấy luôn trao khoảng cách thân thiện cho độc giả, chu đáo với nhân vật, tinh tường với chi tiết, căng thẳng với oan trái, song vẫn đủ trầm tĩnh. Văn ấy thường ngắn câu. Từ ngữ nào cũng có trong từ điển hoặc dân gian. (Hiếm có từ nào made by McAmmond Nguyen Thi Tu!) Chủ vị rành mạch. Chấm phẩy cực chuẩn. Văn ấy rất dễ chuyển dịch qua các ngôn ngữ khác, vì không tu từ, ẩn dụ ngôn tự; còn phúng dụ toàn bộ ý tưởng thì có. Thật ra, văn chương này kết hợp thuần thục 3 hình thức: văn nói kể chuyện một lèo “có sao nói vậy người ơi” ở cánh phụ nữ gia đình; văn viết tường thuật chi tiết, chính xác và khoa học của báo chí; và văn giảng chuẩn mực, bao quát, lý giải trong giới mô phạm. Tác giả làm chủ, thấm sâu các hình thức ngôn ngữ.

Ngữ điệu trữ tình sao mà hiếm gặp (có lẽ chỉ ở Lời nguyện nửa khuya Người tình ký ức)? Bao trùm một giọng điệu hiện thực trung dung, rạch ròi (góp phần mách bảo người viết ra chúng đích thị con nhà gốc miền Bắc); lãng đãng cùng giọng điệu hài hước giễu cợt - ấy cái uy-mua bóng bảy, dông dài Bắc Kỳ mà không đến nỗi chì chiết mưa phùn do được pha chút gió biển hồn nhiên của dân Trung. Cũng là theo hướng khôi hài đen/black humor không nhân nhượng trước cái trớ trêu bi hài từ các trò đời, song phải công nhận là ý vị. Chúng tôi muốn gọi đó là kiểu khôi-hài-nâu McAmmond Nguyen Thi Tu.

Ý tưởng được đầu tư kỹ, nhất là ở lối viết mới; thể tài hơi đơn điệu khi cố thủ cuộc sống di dân và bản ngã. Tình huống chủ đạo hầu như không có; nhiều tứ truyện trong một truyện đến mức truyện như không cần tứ mà bù vào vô số các chi tiết (Bữa tiệc gà tây; Đêm hoang mạc; Lông ngỗng trắng…). Dưới ý đồ ngụ ngôn tác giả không tạo nhân vật văn học; các nhân vật chỉ như nhiều nhánh hoa rải trong vườn chứ không làm một khóm hoa lớn. Xung đột truyện thường là mâu thuẫn văn hóa, hướng tới bản- ngã-con-người và ít coi trọng đặc thù văn học ở từng nhân vật nơi mà bản-ngã-cá-thể được xuất hiện. (Bóng ma quá khứ là truyện duy nhất không vậy, và thành công như một truyện ngắn “chuẩn” về mặt này và về tứ truyện).

Trên lối viết mới, 4 sáng tác Lời nguyện nửa khuya; Cái vú thừa; Người tình ký ức; và bt là những thiên truyện, với cái nhìn cẩn trọng chúng tôi thấy cần được coi là đặc sắc ở sự độc đáo và tính hấp dẫn giữa dòng văn xuôi đương đại không chỉ của độc giả Việt, xét cả 3 mặt nội dung tư tưởng, ý nghĩa thể loại và giá trị nghệ thuật mà riêng mặt thứ 3 còn có thể chút gợn về kỹ thuật văn chương hóa các văn liệu, tri thức.

Kết

Chúng ta đã đi một vòng trên mặt-phẳng-văn-chương McAmmond Nguyen Thi Tu trong hơn thập niên qua, mà độ sung mãn vào các năm 2006 - 2010 ở phong cách trần thuật truyền thống, để rồi mới hơn một năm nay 2018 - 2019 khi chuyển hẳn sang lối viết phúng dụ ảo dị. Cả 2 lối viết đều có thể xem như 2 diễn ngôn khác nhau của hình thức ngụ ngôn - ngụ ngôn gián tiếp từ chuyện cuộc đời, mưu sinh và ngụ ngôn trực tiếp qua bản thể, nhân sinh.

Ngay từ đầu thế kỷ 19, thiên tài J.W. Goethe từng nhận ra manh nha của hiện thực trong 2 thế kỷ kế tiếp: “Ngày nay văn chương quốc gia không còn có thể nói lên điều gì quan trọng nữa, thời đại của văn chương thế giới đã đến, và mỗi người bây giờ phải hành động để đạt tới tiến trình ấy”. Các trào lưu di dân đã góp phần lớn cho sự hình thành, thúc đẩy một nền văn-chương-thế-giới. Nhưng văn-chương-di-dân chưa thể thành văn-chương-thế-giới khi mà nó thường chỉ thành công ở 2 yếu tố quan trọng nhưng khá dễ dàng, đó là ý nghĩa đề tài và nội dung tư tưởng. Cần có thêm hình thức sáng tạo và thẩm mỹ văn học tương xứng - tức là hội đủ 4 tiêu chí của sáng tạo nghệ thuật thông thường. Nếu như ở cả 4 tiêu chí vẫn chưa hiện diện không-gian-nghệ-thuật của toàn cầu thì nó, cái văn chương di dân ấy bước đầu chỉ là văn-chương-quốc-gia nối dài.

Truyện ngắn McAmmond Nguyen Thi Tu, cũng như đa số các sáng tác tương tự của văn học Việt hải ngoại mang nội dung cuộc sống di dân, trên căn bản là văn-chương-di- dân mà yếu tố quốc gia xuất xứ là Việt Nam, các liên đới về tinh thần và địa lý, văn hóa, trách nhiệm con dân Việt và ý thức công dân bản địa... đã ảnh hưởng “âm” đến tài năng tự thân nơi mỗi tác giả. Dòng truyện này đang đạt đến độ kết tụ về thể thức ngụ ngôn và thăng hoa về hiện thực đời thường trong 3 đề tài lưu xứ, bản ngã và giới tính, được thể hiện qua người Việt di cư tại Canada.

Hướng tới đích lý tưởng văn-chương-thế-giới, từ đấy, nữ văn sĩ sẽ có cơ hội tạo ra không-gian-văn-chương của riêng McAmmond Nguyen Thi Tu.

Đ.Q  
(SHSDB34/09-2019)


-----------------
1. Bùi Quang Huy: “Thật ra, cây bút ấy không hoàn toàn  mới. Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 11 năm 1985, tác giả đó đã có truyện ngắn [...] và sau đó, lần lượt xuất hiện [...] trên cả tờ Văn Nghệ [...]. Có điều, ngày đó, tác giả của những truyện ngắn ấy là Nguyễn Thị Tư. Sự xuất hiện của chị không ồn ào, nhưng để lại ấn tượng trong lòng độc giả, nhất là với những người cùng giới. Nhà văn Nguyễn Thành Long[…] từng nêu nhận xét,nếu ông có quyền chọn mười cây bút văn xuôi nữ đương đại, chắc chắn phải có Nguyễn Thị Tư.” (“Nguyễn Thị Tư - từ Xóm đạo An Trung đến Thung lũng tuyết”; báo Văn Nghệ).

2. Cái vú thừa; Sđd; Tr.77-80. Có thể coi trên các trang  mạng baovannghe.com.vn 17/10/2018.

3. “Ý thức giới (Gender awareness) là khái niệm chỉ mức độ  kiến thức và sự hiểu biết về khác biệt trong vai trò và mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, đặc biệt ở nơi làm việc chung.” (dictionary.cambridge.org).

 

 

Các bài mới
Thơ (15/11/2019)
Các bài đã đăng