Tạp chí Sông Hương - Số 368 (T.10-19)
Những ký ức lưu dấu thành lịch sử
14:37 | 28/11/2019

ĐÔNG HÀ

Mỗi dân tộc có một số phận lịch sử. Và lịch sử chưa bao giờ công bằng với dân tộc Việt chúng ta, khi trải qua hơn bốn ngàn năm, luôn phải đặt số phận con dân dưới cuộc chiến. Vì vậy, để viết nên trang sử nước nhà, không chỉ những chính sử gia, mà các nhà văn, nhà thơ, người cầm bút, không tránh chạm ngòi bút của mình vào nỗi đau của dân tộc.

Những ký ức lưu dấu thành lịch sử

Không ai chọn chiến tranh làm đề tài, nếu chỉ để vinh danh tên mình trên trang giấy. Cũng như, không ai chọn cách dấn thân vào cuộc chiến, chỉ để đem về cho mình những vinh quang. Nhưng khi có giặc, người con gái con trai đều ra trận, để đem về cho dân tộc mình, đất nước mình, nhân dân mình sự bình yên, ấm no và hạnh phúc. Mỗi con người cá nhân đều trong tình yêu thương vô điều kiện cho dân tộc, Tổ quốc mình. Chính vì vậy, với mỗi người lính Việt Nam, khi cầm súng chiến đấu trong hai cuộc chiến tàn khốc của lịch sử ở thế kỷ 20, họ chỉ vì một mục tiêu duy nhất, đó là chủ quyền, tự do, dân chủ. Vì thế, họ đã cầm súng để tìm kiếm hòa bình khi phải giành lại nền độc lập chủ quyền. Đó là cách duy nhất, không thể được lựa chọn, khi họ yêu Tổ quốc mình.

Nhân vật Nguyễn Đức Phúc trong tập ký - ghi chép “Nguyễn Đức Phúc - Chuyện thật như đùa” của Trần Ngọc Trác là một người lính đã đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc với tâm thế như vậy.

Nhân vật Nguyễn Đức Phúc là một người lính, một anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông là một người lính đặc công, một đơn vị được cho là hiểm nguy nhất trong thời chiến trận. Ông giữ nhiều vai trò trọng trách sau cuộc chiến. Nhiều cuốn phim đã được thực hiện để giới thiệu con người này trong vai trò là một nhân chứng. Trong tập sách của Trần Ngọc Trác, tôi đã đọc thấy ở đây chân dung của một con người đời thường, trong chiến trận và sau chiến trận, với những giá trị nhân bản nhất, đó là tâm hồn nguyên thể (original soul) trong con người hồn nhiên, nhân bản rất mực chân phương và độ lượng.

Mang tâm hồn nguyên thể ngây thơ đó vào chiến trận, ông đã sống và chiến đấu vì điều gì? Nếu không vì hòa bình và lòng yêu Tổ quốc?

Bằng thể loại ký - ghi chép, Trần Ngọc Trác đã đưa đến cho người đọc một tập chân dung về nhân vật của mình ở nhiều khía cạnh. Người đọc có thể thấy một bản lý lịch hào hùng xuyên suốt phả hệ (tree family) của nhân vật mình. Sự tỉ mỉ trong dụng công theo đuổi nhân vật giúp cho Trần Ngọc Trác có nhiều tư liệu quý, giúp người đọc hình dung rõ nét về Nguyễn Đức Phúc. Trần Ngọc Trác giới thiệu được gia đình, dòng họ, mối quan hệ phức tạp trong đời sống của một người dân Việt. Như hầu hết những gia đình sống trong vùng tạm chiếm, có rất nhiều gia đình phải chịu cảnh ly tán khi có người thân tham gia chiến trận ở cả hai chiến tuyến.

Khi ông còn nhỏ, ông không biết cha ông làm gì. Càng lớn lên, ông mới biết cha mình làm phó công an của Việt Minh ở thị trấn Bồng Sơn (Bình Định) thời kháng chiến chống Pháp.

Ngày hai miền chia cắt, cha ông cùng với 3 người em ruột cùng với anh em con cô, con chú hơn cả chục người lên tàu lửa vô Quy Nhơn, xuống tàu há mồm tập kết ra Bắc.[1]

Nhưng cũng lúc đó, người anh của cha ông là ông Nguyễn Đức Tường lại cùng với 2 chị vẫn ở lại quê nhà Bình Định. Sau này, “ông Tường làm ấp trưởng chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cách mạng về năm 1975, ông bị tập trung học tập cải tạo, già yếu rồi mất”.[2]

Chính người mẹ của ông Phúc đã “cương quyết không cho tôi và hai người em của tôi ra Bắc. Bà lấy lý do là cha tôi và các chú đã đi theo Việt Minh. Bà và các con phải ở lại còn lo hương khói cho tổ tiên”.[3] Vì vậy, Nguyễn Đức Phúc lớn lên, đã từng bị bắt đi “quân dịch” năm 17 tuổi. Bất đắc dĩ, ông đã “ghi tên vào quân dịch - nếu không mẹ tôi sẽ bị rầy rà, liên lụy, thậm chí bị bắt đi học tập; có khi còn bị đưa lên ngủ trên boong-ke làm bia đỡ đạn cho lính cộng hòa nằm dưới. Nếu Việt cộng có bắn pháo vào lô cốt thì người chết đầu tiên là những bà mẹ nằm trên boong-ke”.[4] Việc một gia đình có người “ra Bắc” theo cách mạng, những người ở lại, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, phải chịu cảnh ép bức là chuyện vẫn xảy ra. Việc ông Phúc “tự nguyện” đăng ký quân dịch như một giải pháp tình thế để rồi sau đó ông đã “nhảy núi”, đi theo cách mạng, là một sự lựa chọn vì lòng yêu chuộng hòa bình và bảo vệ Tổ quốc là một tất yếu. Con đường binh nghiệp của ông khởi phát từ những gì ông thấy nơi quê hương Hoài Ân, là máu xương bà con làng xóm đổ xuống, là áp bức mẹ ông phải chịu đựng, là biệt ly cha ông phải ra đi. Ông ra đi để bảo vệ sự yên bình của quê hương mình, với một tâm hồn ngây thơ trong sáng kỳ lạ.

Không ai mong cuộc chiến kéo dài mãi để mình dấn thân vào đó. Nhưng nếu đất nước họ, quê hương họ, người thân họ bị chiến tranh quật nát, thì phải có những lớp người đứng dậy cầm súng bảo vệ quê hương. Nguyễn Đức Phúc là người như vậy. Ông tham gia vào hàng ngũ những người lính chiến đấu chống giặc bằng tâm hồn trong trẻo nhất. Vì vậy, xuyên suốt cuốn sách, người đọc bắt gặp tâm hồn người lính thật nhân văn, đẫm chất hào hoa lãng mạn của một con người đa cảm. Dù trong vai trò nào, người lính ấy cũng nhìn cuộc chiến bằng cái nhìn đầy yêu thương. Một người lính cộng sản thấm đẫm yêu thương với cuộc đời, với con người. Và sự quả cảm được dẫn dắt bằng tình yêu thương xuất phát từ trái tim thì lý trí sẽ không bao giờ cho anh ta có những hành động tàn nhẫn, cho dù đang ở trong sự đối đầu của cuộc chiến.

Xuất phát từ quan điểm nhân văn đó, là một người lính cầm súng, nhưng Nguyễn Đức Phúc đã chiến đấu bằng trái tim. Trong trận chiến, chỉ có chiến thắng và chiến bại. Trong vai trò trinh sát của đặc công, ông đã từng nghĩ ra một cách phân biệt lính Mỹ hay lính cộng hòa bằng một thủ thuật ít ai ngờ tới.

Dẫu lịch sử có được gọi đúng tên hay không, sự chính danh không làm sống lại được số phận của mỗi cá nhân. Cái duy nhất người đi sau có thể làm được, là hãy hiểu đúng về họ. Muốn hiểu đúng, chỉ có cách duy nhất, là nhìn sâu vào thế giới nội tâm của con người, bằng cái nhìn nguyên bản nhất, chân như nhất và thành thật nhất may ra mới có cơ hội hiểu được phần nào, để trả lời cho câu hỏi về những mất mát thế hệ.

Chỉ khi con người ta được nhìn đúng bức tranh lịch sử, thấu được xấu tốt, được mất, hơn thua, để đi tiếp chặng đường mới thật cẩn trọng, không dẫm vào những sai sót của quá khứ, mới kỳ vọng được một tương lai tốt đẹp.

Và nhà văn Trần Ngọc Trác đã để cho nhân vật Nguyễn Đức Phúc kể lại câu chuyện của mình một cách chân thật, như tự gan ruột của ông, về hành trình đời người qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc, cho đến tuổi già những năm 80, với việc trở về trận địa xưa, thăm đồng đội cũ. Nhà văn để nhân vật của mình xưng “tôi” như một cách trao quyền trọn vẹn, cho nhân vật tung hoành trong mạch cảm xúc của ký ức cũ đan xen cảm xúc mới. Vì vậy, cuốn sách đã thật sự sống động như một đời người.

Nên, cũng con người ấy, bởi trọng ân nghĩa, khi gặp một tấm lòng nhạt phai, ông đã chưng hửng và từ tuyệt. Đó là cách cư xử với một vị chỉ huy là đại tá lãnh đạo cục dân quân ở trong Quân đội nhân dân Việt Nam khi vào Quảng Nam mở đường, ông đã không quản nguy nan lặn lội cắt rừng về đồng bằng mang lên 1kg đường làm quà, thứ quà quý hiếm trong chiến tranh đôi khi phải đổi bằng tính mạng để có được. Nhưng khi ông đến tìm vị đại tá ấy, chỉ nhận được một câu hỏi lấy lệ, vậy là ông ra về, bặt tăm từ đó, năm 1971, đến giờ không tin tức liên lạc. Dù cho đến tận lúc này, hằng năm, ông vẫn tổ chức những chuyến đi thăm đồng đội, bạn bè, chiến trường xưa.

Nếu trong cuộc chiến, Trần Ngọc Trác đã dựng lại được một nhân vật Nguyễn Đức Phúc hồn nhiên, trong sáng và thông minh dũng cảm thì trong đời sống hậu chiến, nhà văn vẫn tiếp tục mạch chảy này, đưa đến cho người đọc một chân dung Nguyễn Đức Phúc nồng hậu, và giàu lòng yêu thương.

Trở về sau cuộc chiến, với những chiến công được đổi bằng máu thịt và nước mắt của chính mình cũng như đồng đội, Nguyễn Đức Phúc trở thành anh hùng và có quyền được sống bằng đặc ân dành cho một anh hùng. Thế nhưng, ông chọn một cách sống lặng lẽ, đầy khó khăn để được tự do trong chính mình. Sau 1975, là một người lính đặc công, ông tiếp tục cùng đồng đội truy quét Fulro. Năm 1984, ông được phân về làm công tác nội chính tại Ủy ban nhân dân của tỉnh với vai trò cố vấn, trực tiếp xử lý các vấn đề cải tạo tư bản tư doanh và thu hồi tài sản của sĩ quan chế độ cũ. Đối mặt với lửa bom súng đạn, ý thức giải phóng dân tộc thôi thúc sẽ làm cho đôi tay thêm mạnh, khí chí thêm vững. Nhưng đối mặt với đồng bào, cho dù bên này hay bên kia chiến tuyến, đó cũng là hạt máu Việt Mường, là trái bầu trái bí chui ra, là vạt rơm gốc rạ lớn lên từ ngày chuyển cõi, cư xử làm sao không đau khúc ruột con người? Huống hồ là sau trận chiến, tất cả còn lạc loạn, tan hoang? Một loạt những căn nhà ở Đà Lạt, những tài sản lớn, trong chủ trương “Họ trên ta dưới, họ trong ta ngoài” đã bị chính quyền tịch biên. Ông Phúc không đồng tình với chủ trương đó, ông lặn lội, kỹ càng từng hồ sơ của mỗi căn nhà để đủ cơ sở cho chính quyền trả lại từng người dân với quan điểm rõ ràng: “nhà của dân, ta mượn thì phải trả; cơ quan nào mượn thì cơ quan đó phải trả, tổ chức nào mượn thì tổ chức đó trả, cá nhân nào mượn thì cá nhân đó trả”.[5] Đây là một việc làm hết sức đúng đắn, xuất phát từ tư tưởng nhân văn.

Thật ra, tinh thần ấy không phải khởi phát trong khoảnh khắc mà nó đã thấm đẫm ngay từ trong những ngày trận mạc. Đối mặt với kẻ thù vì lý tưởng buộc ông phải cầm súng, nhưng bản tính nhân từ trong con người ông khiến ông đã có một hành động rất đẹp, ân tình và giàu yêu thương, đó là ông đã “mở hai hộp sữa đưa cho viên sĩ quan cộng hòa uống”.[6] Đó là hành động vì con người cao cả, không phân biệt phía này hay phía kia. Dù ở bên nào, quyền được sống vẫn đặt lên trên tất cả. Có sự sống mới nói chuyện hơn thua, được mất, phải trái. Cuộc đời suy cho cùng, có gì quý hơn sự sống, và mọi sự sống của mỗi sinh linh đều công bình ngang nhau. Phải chăng xuất phát từ thẳm sâu trong trái tim nhân hậu đó mà sau này, mỗi lần đi thắp hương cho đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh Lồ Ồ ở nghĩa trang Tánh Linh (Bình Thuận), ông Phúc đã làm một nghĩa cử cao đẹp: “Thắp hương cho người đã khuất”. Một hành động xuất phát tự đáy lòng nhưng không thật dễ dàng trong những năm tháng đầu đất nước vừa được giải phóng: “Một nén hương thơm cho người đã khuất, dẫu họ là ai. Tôi thấy ông đứng thật lâu dưới gốc cây đa trong nghĩa trang và khấn thầm gì đó. Việc làm ấy, ban đầu đối với ông rất là khó khăn. Ông thắp một nén nhang dưới gốc cây đa - nơi có biết nao người lính cộng hòa nằm xuống - bên cạnh đồng đội của ông ngày ấy là việc làm “không bình thường”. Ông có thể bị kiểm điểm, có thể bị đánh giá lập trường quan điểm, có thể bị kỉ luật, nhưng lương tâm mách bảo với ông là cần hành động… Ông nghĩ và ông hành động. Hành động, trước hết là lương tâm của ông, là nhịp đập của trái tim ông với những người không còn nữa.[7]

Tâm thế của người chiến thắng bao giờ cũng mang niềm kiêu hãnh. Nhưng bước ra khỏi sự kiêu hãnh đó để cúi xuống phận người, nhân vật Nguyễn Đức Phúc đã thật sự trọn vẹn là một con người viết hoa. Say mê hết lòng vì lý tưởng và vẫn đầy nhân ái khoan hòa. Nên hành động của ông luôn hướng về ánh sáng, mang ánh sáng tự soi rọi trên con đường mình đi. Chính nhờ đó, ông vượt qua sự tàn khốc của chiến tranh với tâm thế của một con người nhẹ nhàng. Cuộc chiến mà mỗi người lính tham dự vào đều đối mặt với cái chết trước mắt: “Cứ mỗi lần vào trận đánh, chúng tôi thường họp bàn, dự báo trận này mình sẽ hi sinh bao nhiêu, để khi vào trận là giao cho anh em có nhiệm vụ đào huyệt để chôn đồng đội của mình. Vì đánh xong, lấp vội, không có thời gian để đào huyệt và bàn giao cho đơn vị khác tiếp quản”.[8] Nghe như đùa, nhưng sự thật lịch sử là thế. Đùa hay thật, sinh mạng con người vẫn phải chịu nhiều mất mát, đau thương. Nên trong cách kể lại của nhân vật, người đọc nghe nhẹ bẫng như không, nhưng ẩn đằng sau là sự chua chát khôn nguôi. Tôi e rằng, nếu không chọn cách nói đùa đó, chắc hẳn, nhân vật của chúng ta không tránh khỏi sự xúc động tâm can khi nói về những đồng đội thân yêu của mình, đã một thời đạn lửa gắn bó, giờ nằm lại đâu đó trong từng mảnh đất núi rừng.

Chọn thể ký - ghi chép, Trần Ngọc Trác đã bám sát nhân vật của mình từ những câu chuyện về ký ức đến những chi tiết sinh hoạt thường ngày. Theo suốt 290 trang trong “Nguyễn Đức Phúc - Chuyện thật như đùa”, người đọc gần như hình dung được nhân vật mà nhà văn khắc họa. Trần Ngọc Trác khéo léo sử dụng thủ pháp nghệ thuật tự sự kết hợp với khai thác ký ức nhân vật khiến câu chuyện về đời người vừa theo một hành trình thời gian đồng thời cũng đan xen ký ức của không gian nên mạch truyện thay đổi liên tục, tạo sự hứng thú cho người đọc. Mặt khác, nhiều phần, nhà văn đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật truyện lồng trong truyện, nhân vật “tôi” vừa là nhân vật, nhưng nhiều chỗ lại là nhà văn giúp tác phẩm được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, tạo nên sự đa diện đa chiều trong cách tiếp cận nhân vật. Trần Ngọc Trác đã tiếp cận nhân vật từ những câu chuyện tưởng như đùa, nhưng đó lại là sự thật. Cũng từ cách tiếp cận này, nhà văn đã mở ra nhiều câu chuyện khác trong mối quan hệ với nhân vật. Tôi thật sự chú ý câu chuyện về nhân vật Huỳnh Bu, một đồng đội của Nguyễn Đức Phúc là một anh hùng lực lượng vũ trang, đã bỏ ngũ khi đang đứng trong hàng ngũ chiến đấu. Nhiều nghi vấn đặt ra, nhiều lời buộc tội, kết án. Nhưng sau tất cả, lý do cuối cùng được chính Huỳnh Bu thổ lộ khi gặp lại ông Phúc sau cuộc chiến chỉ vì: “Lúc đó tao đi không phải đi theo giặc đâu. Ngày mai chuẩn bị đi đánh giặc, tối nay, tao vào xem hũ gạo thì thấy hết gạo, sữa cho con cũng không có, nên tao buồn, tao bỏ đi, chứ không theo giặc”.[9] Một người lính bỏ ngũ chỉ vì chưa lo cơm gạo được cho vợ con. Nỗi buồn thật nhỏ bé. Vì thế, người lính bỏ ngũ đó, anh ta rời hàng ngũ chỉ vì không còn đủ sức mạnh và lòng tin đi tới tận cùng, chứ không phải hề phản bội lý tưởng, phản bội đồng đội, Tổ quốc. Bởi một điều thật đơn giản, “Nếu ông Bu khai báo, dẫn quân vào, cho máy bay oanh tạc thì chúng tôi chết hết”.[10]

Về nhân vật Nguyễn Đức Phúc, nhiều bài viết đã khai thác ở các khía cạnh khác nhau nhưng Trần Ngọc Trác lại một lần nữa dựng lên chân dung nhân vật với sự thú vị khác lạ. Đó là con người anh hùng trong chiến trận, con người nhân hậu giữa đời thường và con người thảnh thơi trong tâm thế. Góc nhìn của nhà văn đa dạng, bao quát đã theo suốt nhân vật qua một hành trình dài để từ đó gợi cho nhân vật tự bộc lộ từ thế giới quan bên ngoài đến tâm tình thủ thỉ bên trong, tất cả đã khái quát được một chân dung trọn vẹn. Hiện lên trước mắt người đọc một Nguyễn Đức Phúc hào hoa, lãng mạn mà can trường quả cảm. Vượt qua sự hiểm nguy của chiến tranh khốc liệt, ông trở về làm người nhàn hạ đang rong chơi trong cõi thiền tâm của chính mình.

Binh lửa can qua đã ngừng lại. Nhưng trên mảnh đất của dân tộc, thảng lại nhói lên những đau đớn hệ lụy của chiến tranh. Người ta vẫn phải hứng chịu những di chứng của cuộc chiến còn để lại. Không thiếu những di chứng què quặt là con người. Một triết gia người Anh nói: “Hoàn cảnh không tạo nên con người, chúng bộc lộ con người”. Và nhân vật Nguyễn Đức Phúc của chúng ta là như vậy, chiến tranh đau thương bi phẫn không khiến ông sống khác đi, mà vẫn luôn bộc lộ tấm lòng yêu thương và nhân ái. Điều đó xuất phát từ tâm hồn trong sáng của ông, không thể nào khác được.

Điều đáng nói nữa, là nhà văn Trần Ngọc Trác, đã rất biết cách viết về nhân vật, để mỗi trang sách là một câu chuyện kể đáng đọc. Như một cách gìn giữ ký ức của từng thế hệ này truyền lại đến thế hệ mai sau. Văn học, xét cho cùng, đó là đời sống. Để làm nên một diện mạo văn học lớn, bản thân mỗi người cầm bút phải có tư tưởng, khát vọng lớn. Và tư tưởng, khát vọng đó phải nói được tiếng nói của hiện thực đời sống, tác phẩm mới thuyết phục được người đọc.

Nhà văn Trần Ngọc Trác đã làm được điều đó, đưa hiện thực đời sống vào trang văn của mình một cách sống động của sự thật. Tôi gọi đó là những trang ký ức lưu dấu thành lịch sử dân tộc bằng văn chương.

Huế, 29/9/2019
Đ.H
(TCSH368/10-2019)

 



[1] Trần Ngọc Trác, Nguyễn Đức Phúc - Chuyện thật như đùa, Nxb. Hội nhà văn, 2019, tr. 26.

[2] Sđd, tr. 28.

[3] Sđd, tr. 35.

[4] Sđd, tr. 36.

[5] Sđd, tr. 175.

[6] Sđd, tr. 124.

[7] Sđd, tr. 108.

[8] Sđd, tr. 121.

[9] Sđd, tr. 119.

[10] Sđd, tr. 119.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bản nhân (27/11/2019)
Vỡ bóng lia thia (26/11/2019)