Tạp chí Sông Hương - Số 368 (T.10-19)
Nỗi khát thèm cô đơn
15:05 | 05/12/2019

HOÀNG THỤY ANH

“Đá”(1) là tập thơ thứ 5 của tác giả Đỗ Thành Đồng. Điểm xuyết, vấn vương một chút dáng dấp của “Rác”, “Rỗng”, “Xác”(2), nhưng thần thái của “Đá” đã khác.

Nỗi khát thèm cô đơn
Ảnh: internet

Đề tài “Đá” của Đỗ Thành Đồng mở rộng, thể hiện cái nhìn đa chiều, đa sắc trước cuộc sống. Vấn đề dù nhỏ, vụn vặt, thậm chí tầm thường đều đi vào thơ anh, mà ở các tập thơ trước chúng ta ít có cơ hội chứng kiến. Chuyện cái áo anh đang mặc, hòn đá, con giun kim, tiếng hú của xe cấp cứu, tiếng mọt, tiếng chó sủa, chuyện làm đĩ, người đàn bà góa, kẻ bán hàng rong, cho đến bức tranh, hoa ngày tết, bức di chúc của Cha,... là sân chơi của “Đá”. Với những đề tài này, thơ Đỗ Thành Đồng đã bắt nhịp với đời sống thơ đương đại, đồng hành với bề bộn, xô bồ của cuộc sống. Nếu “Rác”, Rỗng”, “Xác” còn “loay hoay” nhiều trong cõi mơ thì đến “Đá”, những gì lãng mạn hầu hết bị tước bỏ, chỉ còn lại hiện thực trụi trần, ngổn ngang như chính gương mặt cuộc sống hiện tại. Cái nhìn đổi thay này của Đỗ Thành Đồng theo tôi hoàn toàn hợp lí, phù hợp với hướng đi của thơ ca hiện nay.

Thơ là nơi chốn trú ngụ của nỗi lòng. Bất kì một thi sĩ nào khi đặt bút làm thơ, không thể không có những vần thơ viết về chính cuộc tình của mình. Hẳn nhiên, tình yêu trong thơ, khi đi qua lăng kính của chủ-thể-thi-sĩ đã được thi vị hóa, hình tượng hóa. Và thơ tình của thi sĩ nào cũng ít nhiều bày tỏ những trạng huống cô đơn. Viết về tình yêu, Đỗ Thành Đồng luôn hiện diện là một kẻ cô đơn. Anh cô đơn từ “Rác”, “Rỗng”, “Xác”. Anh tự xem mình là kẻ “có nỗi buồn trăng mười sáu”. Ý tưởng “ngày cô đơn nở hoa” từ tập thơ trước nay vẫn tiếp tục sinh sôi. Nhưng nỗi buồn “Đá” đa mang hơn: “có những nỗi buồn quá ngon/ có những cô đơn quá đẹp” (Ngẫm). Sự đổ vỡ trong tâm hồn cùng với sự rạn nứt của đời sống làm nên thế giới của “Đá”. Một thế giới tổn thương nhưng rắn rỏi, xù xì nhưng ấn tượng, vụn vặt nhưng lớn lao, khổ đau nhưng phập phồng sự sống: “cuộc đời này như một sợi dây/ để vậy thì tuột/ thắt nút dễ đu// xin về nghe lại lời ru/ gừng cay muối mặn/ vẫn chưa nhạt nhòa” (Ngẫm).

Hiện thực trong thơ Đỗ Thành Đồng khi được soi chiếu qua điểm nhìn của một cái tôi phân rã (tôi tự soi mình trước gương, nhận thấy qua gương một cái tôi khác), tạo dựng thêm một thế giới hiện thực cho “Đá”. Lúc này, cái tôi của thi sĩ vừa hiện hữu trong cái thế giới xô bồ vừa cùng lúc sống với chính tiềm thức, vô thức của mình. Với hình thức tự soi ngắm mình, Đỗ Thành Đồng dựng lên hai mặt của thực tại ngay trong tập thơ “Đá”. Hiện thực gồ ghề mà anh tạo ra, thực ra, chỉ là hiện thực tạm thời, là một nước cờ tạm bợ. Hiện thực anh muốn hướng đến, chính là hiện thực được cất lên từ mạch ngầm vô thức trái tim anh. Thì ra, những mảnh vỡ, đứt rời của thực tại chỉ để dắt díu nhau làm nên ngôi nhà tinh thần của cái tôi chủ thể Đỗ Thành Đồng. Yếu tố vô thức trong “Đá” đa phần ở dạng đối thoại với bản ngã: “anh là ai anh sống để làm gì/ sao không là tiếng côn trùng bản năng/ sao không là bước chân mộng du/ sao không là vọng phu hóa đá” (Ai); hoặc “đã có lúc tôi muốn đổ đi/ những mùi hương cong cớn/ và nhiều khi tôi muốn đập vỡ/ những tiếng chim rúc rích trong người” (Buồn). Đọc những câu thơ trên, chúng ta thấy “Đá” có tính chất song trùng trong đối thoại: đối thoại với cái tôi và đối thoại với cuộc sống. Với hình thức đối thoại nước đôi này, Đỗ Thành Đồng dễ dàng chất vấn cuộc sống hơn. “Kẹt” là một ví dụ: “và từ đó tôi hay nằm mơ/ những cái bóng trùm lên đôi mắt giữ chặt tay chân/ tôi cảm thấy bị tước đi cái quyền vùng vẫy/ nhưng không biết đó là ai”.

Hiện thực tác động đến thi sĩ, thi sĩ khám phá hiện thực qua điểm nhìn (ý thức và vô thức) của mình. Do đó, hiện thực trụi trần, bất trắc cũng chính là hiện thực cõi lòng của thi nhân. Đỗ Thành Đồng mắc kẹt trong chính con người của mình nghĩa là anh cũng đang mắc kẹt (không có tự do) giữa cuộc sống này. Góc cạnh của hiện thực được phơi bày qua tiềm thức, vô thức của anh không chỉ giúp anh xoáy sâu vào mặt trái của hiện thực mà còn đưa người đọc đến với thế giới hiện thực của tâm linh. Dùng vô thức soi sáng ý thức (thế giới hiện thực), đây là hướng đi riêng của Đỗ Thành Đồng, so với các nhà thơ cùng thế hệ anh ở Quảng Bình. Sự tưởng tượng khéo léo tạo nên nhiều ý thơ hay cho tập thơ “Đá”:

nước mắt chảy dài từ mặt trời

cỏ rạp mình dưới đá lời ru ngọn lửa lá đa

bão giông gồng mình thin thít

                                         (Tang)

Lối viết của Đỗ Thành Đồng trong “Đá”, như thế, tự do, mạnh bạo, dấn thân hơn. Đỗ Thành Đồng khám phá chính mình thông qua cấu trúc tự xưng “anh là”, hoặc cấu trúc câu “anh” làm chủ ngữ, như một sự khẳng định cái tôi bản ngã của mình, đồng thời, như là một lời sẻ chia, tâm tình với bạn đọc. Tâm thế của anh không bị ràng buộc bởi hiện thực bòng bong ấy. Đây là điểm nhấn của “Đá”. Anh là anh. Anh đau với chính anh. Anh quăng quật anh với cuộc sống. Anh không cố trút bỏ nỗi buồn đau, nỗi cô đơn ra khỏi con người mình. Bởi lẽ, chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép (Chế Lan Viên). Dẫu xót buốt, Đỗ Thành Đồng vẫn kiên định đau với đời, với thơ:

anh vẫn vắt vê con chữ

trong veo giọt đau

                                    (Vắt)

Một tập thơ, không tránh khỏi những thiếu sót. Nhưng những gì mà Đỗ Thành Đồng nỗ lực đã mang đến làn gió mới cho thơ mình, chí ít, tránh lặp lại chính mình. Với “Đá”, anh vừa mạnh mẽ, cứng cõi như đá, vừa giữ cô đơn để nở hoa những câu thơ.

H.T.A
(TCSH368/10-2019)

------------------------
(1) “Đá”, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2019.
(2) Những tập thơ của Đỗ Thành Đồng.

ĐỖ THÀNH ĐỒNG

Ai

Đêm dài ánh mắt
liếc vào thăm thẳm cô đơn
từng câu thơ rón rén nhân tình
tiếng côn trùng quết tiếng thở


anh là ai anh sống để làm gì
sao không là tiếng côn trùng bản năng

sao không là bước chân mộng du
sao không là vọng phu hóa đá


kiếp làm người không cứu nổi trái tim
nụ hôn cũng lang thang cơ nhỡ
một ngàn năm một triệu năm nức nở
những câu thơ vẹt mòn


anh là tôi
ta sống để làm gì
là cái bóng của tham si cuồng hận


đời cứ dài vô tận
đêm liếc mắt âm thầm.



Buồn

Những đám mây ác tính cõng nhau
bờ gai xương rồng khép nép
con cóc nghiến câu thơ sưng tấy
cây si già lơ ngơ


tôi hứng nỗi buồn đổ mái hiên
không một giọt máu đào cảm xúc
những thói quen thành rác
chất đống và bốc mùi


tôi vẫn quen làm việc hàng ngày
của một kẻ tung hoa và
như buổi chiều hôm nay quét dọn
nỗi buồn phân hủy chân trời
đã có lúc tôi muốn đổ đi
những mùi hương cong cớn
và nhiều khi tôi muốn đập vỡ
những tiếng chim rúc rích trong người


cứ tưởng là tôi không dám
nếu như không có một ban mai
tôi nhận ra mình trống rỗng

nỗi buồn hạ thổ.


Cha

Tiếng biển đêm vỗ vào hương khói
trong con
hạt muối mồ hôi Cha ngọt chát
tấm lưng còng
nấm mộ


chia tháng ngày từng hạt gạo
bùn non tóc gầy
lũ đói ngập giấc ngủ
bước chân dựng đứng


giữa những ngày mặt trời mọc ngược
Cha thắp đèn nước mắt
ba mươi tết cúng tổ tiên chén nước
để dành cút rượu biếu thầy dạy con


nếp nhăn cuộc đời Cha để lại
trong con chữ về đêm
tiếng gà gáy câu thơ nức nở
Cha cười cho nắng mới lên


luật thừa kế không chia đều trí tuệ
di chúc Cha chỉ mỗi chữ đức
con là đứa tham lam ích kỷ
vơ về mình nghiệp chướng thi ca


thi ca ngày càng rẻ rúng
nghĩa tình ngày càng khan hiếm
cơm gạo ngày càng thừa mứa
nhớ Cha con cúng giỗ đời
thơ.


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bản nhân (27/11/2019)
Vỡ bóng lia thia (26/11/2019)