Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-19)
Cơ chế dân gian trong hoạt động truyền thông ở các thôn bản người dân tộc thiểu số
09:38 | 11/02/2020

NGUYỄN THỊ VIỆT HƯƠNG - TRẦN HỮU SƠN  

Truyền thông rất quan trọng trong việc quản lý vận hành phát triển xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày nay, các thôn bản miền núi đang đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới thì truyền thông càng có ý nghĩa quyết định trong việc làm chuyển biến nhận thức, hành vi của người dân.

Cơ chế dân gian trong hoạt động truyền thông ở các thôn bản người dân tộc thiểu số
Ảnh: internet

Tuy nhiên, ở các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành một cơ chế vận hành truyền thông dân gian, có nhiều nét đặc thù khác với đô thị và đồng bằng. Tìm hiểu cơ chế vận hành dân gian sẽ góp phần ứng dụng văn hóa dân gian trong phát triển mới tổ chức truyền thông hiệu quả. Vì vậy, cần nghiên cứu tính đặc thù trong truyền thông vùng dân tộc thiểu số là yêu cầu cần thiết hiện nay.

1. Người truyền tin

Cơ chế truyền tin của truyền thông bao gồm ba yếu tố:



Trong xã hội tiền nông nghiệp và nông nghiệp, mọi sự ứng xử với thiên nhiên và xã hội đều dựa vào kho tàng kinh nghiệm của cộng đồng. Do đó, các già làng - những người tích lũy được nhiều kinh nghiệm trở thành những người có uy tín nhất trong cộng đồng. Vai trò của già làng, trưởng làng, bản rất quan trọng trong mọi công việc đối nội, đối ngoại của làng, bản. Họ trở thành người phát tin quan trọng nhất của cộng đồng.

Ở vùng Tây Nguyên hoặc những vùng cư dân nông nghiệp nương rẫy, vai trò của người già hết sức quan trọng. Làng của người Ba-na, có một bộ máy tổ chức điều hành mọi công việc là hội đồng già làng, đứng đầu là một vị chủ làng (hoặc là gốc làng). Hội đồng già làng, chủ làng điều hành mọi công việc sản xuất, chiến đấu, tôn giáo dựa trên sự nhất trí của toàn thể dân làng, ông trưởng làng do dân bầu ra (hoặc cha truyền con nối) nhưng ông ta chỉ là người đại diện cho dân làng, khi có những việc quan trọng đều phải xin ý kiến của họ, già làng không đồng ý, chủ làng không được phép thực hiện. Mọi sự kiện trong làng (dù vui hay buồn) đều có dự can dự của già làng. Già làng là cố vấn cao nhất về phong tục tập quán, về kinh nghiệm sản xuất, về đối nhân xử thế cho mỗi cho mỗi thành viên và cho cả cộng đồng. Già làng ủng hộ mọi việc tuyên truyền vận động của cán bộ đều diễn ra trôi chảy.

Ở vùng người Hmông, trưởng bản có vai trò quan trọng. Họ thường là trưởng dòng họ lớn trong bản. Hiện nay, trưởng bản có xu hướng trẻ hóa. Họ là những người có gia đình giỏi làm ăn, có trình độ hiểu biết nhất định. Họ có nhiệm vụ điều hành công việc của làng “giao” (Tuy nhiên xã hội người Hmông cũng là một xã hội trọng lão, các già làng bao gồm các bậc cha chú các dòng họ trong “giao”) luôn được trưởng bản tôn trọng hỏi ý kiến. Cái lý của người Hmông là người ít tuổi phải luôn lắng nghe ý kiến của người nhiều tuổi. Người Hmông có tục ngữ: “gừng già, gừng càng cay - người già hiểu điều hay”. Do đó, ý kiến của già làng đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực sản xuất, nhất là xử lý những vấn đề có liên quan đến phong tục, quan hệ giữa các dòng họ, vấn đề di dịch cư… ý kiến của già làng, trưởng “giao” luôn có tính định hướng, quyết định đến truyền thông của làng bản, tác động đến mọi gia đình trong cộng đồng làng.

Ở vùng người Thái, Mường, tinh thần trọng lão cũng luôn được đề cao. Trong thiết chế xã hội cổ truyển, bên cạnh “Chẩu mường” hay các ông lang còn có hệ thống “cố vấn” giúp việc như hệ thống “các bô lão toàn mường của người Thái, hoặc các “Âu” của người Mường. Họ là những người giúp việc của bản, mường. Ngày nay, các hội đồng bô lão này không còn những truyền thống trọng lão vẫn còn tồn tại, trưởng bản khi quyết định những công việc lớn đều phải hỏi ý kiến các già làng.

Tóm lại, xã hội cổ truyền của các làng bản vùng đồng bào dân tộc ít người, theo Từ Chi có sơ đồ 3 đường tròn đồng tâm: 1- trưởng bản, 2- các già làng, 3- là những người dân trong làng, bản (chủ hộ gia đình).


Thiết chế này vận hành theo một truyền thống dân chủ: trưởng bản lãnh đạo nhưng tôn trọng ý kiến của các già làng và các chủ hộ gia đình cũng có vai trò nhất định. Truyền thống này tạo thành tâm lý trọng lão, tôn trọng người đứng đầu làng, bản. Người đứng đầu làng bản hay già làng đều có uy tín. Tiếng nói quan trọng đến mọi vấn đề của bản, làng. Họ là người phát tin lan tỏa đến cộng đồng.

Truyền thông trực tiếp của trưởng bản, già làng, những người có uy tín trong cộng đồng có tác dụng tạo dựng dư luận nhanh chóng. Dư luận của cộng đồng làng bản vừa có chức năng điều hòa hành vi (như đã trình bày phần trên), vừa có chức năng giáo dục. Khi trình độ dân trí ở các làng bản vùng miền núi còn thấp thì dư luận của cộng đồng sẽ đóng vai trò của người hướng dẫn các ứng xử của mỗi thành viên. Từ đó, họ tự nhận thức, tự sửa chữa những thiếu sót của bản thân, thực hiện đúng quy định của cộng đồng. Dư luận của làng, bản thông qua hai kênh quan trọng là trưởng bản (đại diện chính quyền), già làng (đại diện nguyện vọng chung của dân) sẽ trở thành công cụ quản lý con người cụ thể. Nó ràng buộc mọi thành viên vào cơ chế vận hành của làng, bản. Mỗi cá nhân không chỉ chịu sự giám sát, tác động của gia đình mà còn chịu sự kiểm tra, đánh giá của cả cộng đồng làng, bản thông qua dư luận.

Như vậy, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn phát tin trực tiếp quan trọng nhất là già làng, trưởng thôn.

2. Lực lượng tư vấn trung gian (Người hướng dẫn dư luận)

Ở các thôn bản vùng dân tộc thiểu số hình thành nhiều mạng lưới quan hệ tạo ra các nhóm sở thích, nhóm phi quan phương. Đó là các nhóm thêu thùa, học hát dân ca, nhóm dệt vải - nhuộm chàm, hái lượm của phụ nữ… Đó cũng là nhóm đi săn, nhóm đan lát, nhóm làm nghề thủ công của nam giới trong các làng bản cổ truyền. Ngày nay, khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã xuất hiện các nhóm đi buôn, nhóm xe ôm, nhóm bốc vác cho khách du lịch. Đặc điểm nổi bật trong cơ chế truyền thông ở các làng bản là thông tin của trưởng bản, già làng (hay của các kênh thông tin đại chúng) khi đến với người dân đều thông qua “màng lọc” của các nhóm sở thích, nhóm phi quan phương này. Ở mỗi nhóm đều hình thành tự phát những người hiểu biết, có kinh nghiệm hơn hoặc tháo vát trong đường làm ăn. Họ dần dần trở thành người tư vấn, “hướng dẫn dư luận”2. Những “người hướng dẫn dư luận” này sẽ tư vấn, giải thích các thông điệp truyền tin của già làng, trưởng bản hoặc các kênh thông tin đại chúng. Ngược lại, người nhận tin (các thành viên trong thôn, bản) không nhận thông tin trực tiếp từ già làng, trưởng bản mà lại nhận qua sự giải thích, tư vấn của những người hiểu biết trong nhóm. Những thông điệp của người phát tin truyền đến người nhận tin đều thông qua “màng lọc” người tư vấn. Vì vậy, vai trò của người tư vấn trong nhóm rất quan trọng đối với cơ chế truyền thông dân gian. Họ là những người “giải mã” thông điệp. Tiếng nói của họ đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng dư luận xã hội ở từng nhóm sở thích, ở từng tổ chức phi quan phương. Vì vậy, trong các thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, nhà quản lý không chỉ chú trọng vai trò của già làng, trưởng bản mà còn phải định hướng được dư luận đối với những “người hướng dẫn dư luận” trung gian.

3. Người nhận tin

Người nhận tin ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số là các chủ hộ, các thành viên gia đình. Khả năng nhận tin, tiếp thu thông điệp đều phụ thuộc vào đặc điểm của văn hóa tộc người, trình độ học vấn, trình độ biết tiếng phổ thông… Ở các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số dù đã dày công tiến hành sự nghiệp giáo dục nhưng vẫn tồn tại tình trạng mù chữ, chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông. Bình quân ở vùng đồng bào dân tộc ít người có đến 22% dân số từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết ngôn ngữ phổ thông. Ví dụ, chỉ có 46,6% người Hmông, 34,4% người La Hủ, 42,8% người Lự, 43,8% người Mảng, 49,8% người Cơ Lao, 48,2% người Brâu từ 15 tuổi trở lên là biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Trong đó, tỷ lệ nữ mù chữ, không biết đọc, biết viết chữ phổ thông nhiều hơn. Chẳng hạn, tỷ lệ nữ người Mông biết đọc, biết viết chữ phổ thông chỉ chiếm 30,9% dân số.

N.T.V.H - T.H.S  
(SHSDB35/12-2019)

----------------
1. Trần Hữu Quang biên soạn, Xã hội học về truyền thông đại chúng, Trường Đại học mở Tp. Hồ Chí Minh, tr.14.
2. Trần Hữu Quang biên soạn (năm), Xã hội học về truyền thông đại chúng, Trường Đại học mở Tp. Hồ Chí Minh, tr.22.





 

Các bài mới
Chùm tản văn (18/02/2020)
Nước mắm (14/02/2020)
Các bài đã đăng
Ngất ngưởng (22/01/2020)