Tạp chí Sông Hương - Số 372 (T.02-20)
Ngày Tết cổ truyền nhớ Bác
15:42 | 24/01/2020

CHÍ QUANG  

Tết Nguyên đán là ngày lễ hội lớn nhất trong năm của toàn dân tộc. Những nghi lễ, tập tục ngày Tết biểu hiện đậm nét văn hóa Việt Nam, chứa đựng tổng thể văn hóa tâm linh, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa nghệ thuật trong đời sống.

Ngày Tết cổ truyền nhớ Bác
Tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những khoảnh khắc của họa sĩ Võ Quang Phát

Hơn ai hết, Bác Hồ am hiểu sâu sắc ý nghĩa các lễ nghi, phong tục Tết, tâm lý của cán bộ và nhân dân ta đối với ngày Tết của dân tộc. Trong những ngày đầu kháng chiến, dù bộn bề công việc nhưng Người vẫn dành sự quan tâm đến tất cả mọi người dân đất Việt trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Trong dịp Tết đến xuân về, chúng ta nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những việc Người đã làm cho dân tộc và để thấy được tinh thần lạc quan của dân tộc trong những lúc chiến tranh, để từ đó mà thêm thương yêu hơn đất nước mình, một đất nước anh hùng.

Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, đến tháng 2 năm 1941 vào dịp tết Nguyên đán, Bác Hồ đã về Pác Bó tỉnh Cao Bằng để lãnh đạo cuộc cách mạng trong nước. Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, xa quê hương đất nước, Bác đã có 30 cái tết ở xứ người. Bao niềm thương nỗi nhớ, bao gian khổ khó khăn và nguy hiểm đến với Bác, nhưng chính trong những mùa xuân ấy, Bác đã tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại những mùa xuân tươi đẹp cho mỗi chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau.

Từ khi về nước, Người đã cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc ta giành nhiều thắng lợi quan trọng. Song Người vẫn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của mọi người mỗi khi tết đến xuân về. Tết Tân Tỵ năm 1941 là cái tết đầu tiên Bác vui tết cùng với đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, Bác mặc bộ quần áo chàm, tay chống gậy trúc cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên đi chúc tết bà con. Đến nhà ai Bác cũng tặng dòng chữ “Cung chúc tân niên” do chính tay người viết trên giấy hồng điều, những mong mọi nhà đón tết vui vẻ hạnh phúc. Cũng từ năm ấy đến sau này, cứ mỗi dịp tết đến, vào thời khắc giao thừa, là Bác Hồ viết thơ chúc tết gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước với nội dung kêu gọi quân và dân tích cực lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, thi đua giết giặc lập công.

Trong hoàn cảnh nước nhà còn nhiều khó khăn thiếu thốn, Bác viết bài “Tết Độc lập”; trong đó Người nhấn mạnh: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất, nhân ngày tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân, việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân. Nên nhớ rằng hiện nay chúng ta phải cần kiệm để xây dựng nước nhà. Không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy”. Những năm kháng chiến Bác đều khuyên cán bộ, nhân dân và bộ đội phải hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí xa hoa, dồn sức cho kháng chiến kiến quốc. Tết Giáp Ngọ năm 1954, mặt trận Điện Biên Phủ đang vào giai đoạn quyết liệt để giành toàn thắng. Bác Hồ viết bài thơ chúc tết, trong đó có câu: “Quân và dân ta nhất trí kết đoàn/ Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”.

Những năm sau này, Bác sống và làm việc ở Thủ đô Hà Nội. Mỗi khi tết đến, mặc dù bận trăm công ngàn việc, Bác vẫn dành thời gian để đi thăm hỏi và tặng quà tết cho các cơ quan, xí nghiệp, công trường, các đơn vị bộ đội, các gia đình lao động. Bác vào thăm chợ Đồng Xuân để xem không khí đón tết của nhân dân ở Thủ đô sau ngày giải phóng; rồi Bác tổ chức cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các Tướng lĩnh cùng Đội cảnh vệ được vui xuân đón tết cùng Bác tại Phủ Chủ tịch. Những tình cảm sâu nặng ấy đã góp phần động viên cổ vũ quân và dân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi mới.

Năm 1960 là năm có nhiều sự kiện chính trị đặc biệt. Trong thơ mừng xuân mới, Bác đã mở đầu bằng hai câu thơ: “Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh/ Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ”, Bác đã khen ngợi những nơi tiết kiệm và phê bình sự lãng phí trong dịp tết. Bác viết: “Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong những ngày tết. Đối với các đồng chí công nhân cán bộ nước ngoài giúp ta, các anh em người Âu, Phi lâu nay sống đã quen với phong tục Việt Nam, nên làm sao cái tết của xây dựng phải vui hơn tết kháng chiến, song phải tránh lãng phí không cần thiết”. Lời dạy của Bác càng thắt chặt hơn tình cảm quốc tế giữa công nhân Việt Nam với chuyên gia các nước bạn.

Năm 1969, tuy sức khỏe yếu đi nhiều vì tuổi tác nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cố gắng gặp gỡ nhân dân, các cháu thiếu niên, nhi đồng và các chiến sĩ quân đội nhân dịp năm mới. Đúng ngày mùng 1 Tết, tại đồi Vật Lại (Sơn Tây, Hà Nội), Người đã trồng cây đa trong mùa xuân cuối cùng… Từ đầu tháng Chạp, tiếng nói của Người đã bị lạc giọng, dù các bác sĩ đã tích cực chữa trị nhưng chỉ đỡ được phần nào. Vì muốn lời chúc mừng năm mới gửi tới đồng bào chiến sĩ cả nước qua máy thu thanh đêm giao thừa được rõ ràng, khỏe khoắn, Người đã luyện tiếng bằng cách đọc thơ Kiều một tuần liền. Ngày 6/2/1969 (20 tháng Chạp), tại phòng khách nhỏ trong Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đọc to lời chúc mừng năm mới vào máy ghi âm để phát vào đêm 30 Tết tới nhân dân cả nước. Sau khi đọc xong, Người ngồi nghỉ một lúc rồi mới quay về Nhà sàn. Chiều ngày 12/2 (26 tháng Chạp), Bác Hồ gặp một số con em cán bộ đang công tác ở miền Nam, mời các cháu ăn bánh chưng, mứt tết, hỏi thăm việc học hành của các cháu và chúc các cháu mau tiến bộ để cha mẹ yên tâm công tác.

Cũng trong dịp tết này, Người còn gửi điện chúc mừng năm mới phái đoàn ngoại giao của ta đang công tác ở Paris và các bạn Pháp bằng bài thơ: “Xuân gà túc tác đến nơi; Gửi người thân thiết mấy lời mừng xuân; Gà xuân túc tác rạng đông; Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao”.

Hơn 50 năm ngày Bác đi xa, đọc lại những mẩu chuyện, bài viết, và những vần thơ của Bác mỗi dịp tết đến xuân về, ta như được sống lại những năm tháng trong tình thân ái bao la của Bác; như vẫn được Người ân cần dạy bảo những vấn đề to lớn quốc gia đến những công việc bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Mùa xuân Canh Tý 2020, chúng ta cùng nhau nhớ lại những lời trong bản Di chúc lịch sử của Bác, nhớ những lời căn dặn của Người, xây dựng đất nước “càng ngày càng xuân”.

C.Q
(TCSH372/02-2020)  

..............................................
Tài liệu tham khảo:

1. Theo dấu chân Bác Hồ - Nxb. Chính trị quốc gia 2014.
2. Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb. Chính trị quốc gia 2011.
3. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb. chính trị quốc gia 2009.
4. Hồ Chí Minh tiểu sử - Nxb. Lý luận chính trị 2006.  




 

Các bài mới
Nhớ Huế (13/03/2020)
Lối xuân (10/03/2020)
Bếp lửa (08/03/2020)
Các bài đã đăng