Tạp chí Sông Hương - Số 47 (T.1&2-1992)
Con gà cái chai và hạt bắp
09:32 | 04/09/2020

NGUYỄN QUANG HÀ

A Lưới - hai tiếng đó đối với mỗi người lính Trị Thiên chúng tôi là tiếng gọi trở về. Trong cái rộng lớn chung thì A Lưới là bản lề, là cái nôi cách mạng của Thừa Thiên - Huế. Song với mỗi đời lính lại có một kỷ niệm của riêng mình, không thể bao giờ quên được.

Con gà cái chai và hạt bắp

Kỷ niệm riêng của tôi với đất đai A Lưới là về một người bạn. Bấy giờ chiến trường đang gặp thời đói kém khó khăn. Mùa mưa cuộc chiến như chững hẳn lại. Chúng tôi lui về phía sau để tập luyện. Ngày ngày mỗi tiểu đội phải cử hai người vào rừng chặt đoác, hái môn, tai noai, hạt gắm về ăn độn vào số gạo ít ỏi hàng ngày. Hôm ấy Thoan đi, không về. Tưởng Thoan lạc đường, chúng tôi chia nhau đi tìm. Khi chúng tôi gặp thì Thoan đã nằm chết giữa rừng. Anh nhằm vào hang ong bù lỗ, bị chúng ùa ra đốt. Người sưng vù, thâm tím. Thoan chết, gùi rau vẫn mắc trên lưng. Tin Thoan chết vì ong đốt, ai cũng thương. Từ đấy bà con mấy bản gần đó, ngày nào cũng đem đến cho tiểu đội tôi một gùi rau, rau lang, đu đủ, cà ghém... Nhìn những quả đu đủ non, teo tóp chúng tôi biết đồng bào cũng rất nghèo, nhưng vẫn chắt chiu cho những đứa con bộ đội. Đó là dấu ấn đầu tiên tôi gắn bó với đất này. Tôi muốn trở lại A Lưới để thăm Thoan, thăm những người áo rách đã cưu mang chúng tôi một thời như thế. Và hy vọng gặp lại nơi đây kỷ niệm của cả một thời cầm súng.

Con đường 12 bắt đầu hồi sinh sau suốt 15 năm bỏ hoang, gập ghềnh như con đường thời chiến tranh dẫn chúng tôi xuyên đồi núi về phía tây. Tôi nói "đồi núi", bởi vì xung quanh con đường đi không còn một bóng dáng cây rừng. Thời đơn vị chúng tôi nương náu ở đây, thì ngay cả Bình Điền là vùng đất ngoại vi thành phố Huế đang còn là rừng già nguyên sinh. Đến thời chiến tranh ác liệt, dọc đường 12 và xung quanh thung lũng A So bị chất độc khai quang cây rừng bị hủy diệt hoàn toàn. 100.000 héc ta đất rừng của A Lưới, chỉ còn chưa đầy 50.000 héc ta rừng. Những thân cây chết khô, bạc phếch theo thời gian rải rác trên các ngọn núi trọc kia đang còn là nhân chứng của một thời chiến tranh ác liệt.

Những địa danh chúng tôi gặp lại trên đường 12: Khe Điên, Suối Máu, Tà Lương... toàn những cái tên của súng đạn khủng khiếp cả. Thôi dẫu sao thời ấy cũng đã đi vào lịch sử? Chỉ thương những đồi trọc kia quá chừng. Thương như ông già không có râu, trẻ con không có lông mày vậy. Man mác một nỗi buồn hoang vu.

Chúng tôi tới A Lưới vào buổi trưa. Suốt buổi chiều bạn bè gặp nhau không dứt ra được. Buổi sáng hôm sau mới có dịp phóng xe đi vun vút suốt dọc thung lũng A Sầu dài 40 cây số. Cả Phi, người lái xe cũng như hiểu tâm trạng chúng tôi đang trở về với kỷ niệm, như người khát nước gặp suối, chúng tôi gặp lại quá khứ của mình, vun vút, uống cả không gian vào mắt, mấy cũng không vừa.

Đến bến sông A Sáp nhớ ông già du kích Quỳnh Mia. Một mình, một nỏ, một mũi tên thuốc độc đi phục kích trên bến sông: "Đứa nào qua sông cũng phải đi chậm lại, bắn chắc ăn". Quả nhiên Quỳnh Mia đã gặp chúng. Thấy "lũ lính mang nhiều đồng, nhiều nhôm, nhiều sắt trên ve áo, trên cầu vai", chắc là bọn lính to rồi". "Mình ngắm đứa to béo nhất, trên người mang nhiều đồng, nhiều nhôm, nhiều sắt nhất, mình bật nỏ". Quỳnh Mia không ngờ rằng mình đã bắn chết tên trung tá ngụy đồn trưởng đồn A Sầu. Bấy giờ sân bay A Sầu vừa làm xong, nó đi thăm, hứng chí dẫn lũ sĩ quan tùy tùng đi bộ thị sát địa hình. Không ngờ gặp tay nỏ Quỳnh Mia. Trúng tên thuốc độc, tên trung tá ngã gục, hết phương cứu chữa.

Ra Hồng Quảng nhớ Kăn Tế, người con gái anh hùng đầu tiên của A Lưới. Nắm quy luật chuyển quân, Kăn Tế dẫn tiểu đội du kích đi mai phục. Cho lọt qua ba trung đội đi đầu, trung đội hỏa lực của địch đi sau, vừa lọt vào trận địa, du kích xông lên, phút chốc làm chủ trận địa hoàn toàn. Hình ảnh Kăn Tế mỉm cười, vai phải khoác đại liên, vai trái khoác Ga răng vừa thu được đẹp biết bao nhiêu hình ảnh đất nước đã đứng lên rồi.

Tới Tà Rê nhớ Kăn Lịch dẫn du kích đánh đồn Tà Rê. Trước khi cường tập mỗi du kích cắm hai trăm chiếc chông cản đường tiếp viện của đồn A So. Đợi đúng thời điểm địch chủ quan nhất, cho là an toàn nhất, 5 giờ sáng, du kích nổ súng! Khi trung đội du kích Kăn Lịch thắng lợi, thu vũ khí, về đến hậu cứ an toàn, cả đồn A So vẫn còn đang bàng hoàng.

Tôi quay nhìn bốn xung quanh thung lũng A So, núi Trường Sơn ken san sát, nhấp nhô như bức tường thành hiểm trở. Giống như đường 12, rừng núi tái sinh vẫn chưa mọc nổi. Song như vậy lại nhìn rõ những chóp núi hơn. Cái địa thế quân sự hùng vĩ nhường kia, Mỹ không mở chiến dịch phát quang, không thể nào kiểm soát nổi. Tôi nhìn về làng Kăn Te, một trận đất đối không đã diễn ra tuyệt đẹp ở đấy. Trong một ngày một đêm, khu trục bỏ bom rồi, Mỹ đổ 30 chuyến trực thăng vận xuống đấy, hai tiểu đội du kích làng Kăn Te bắn rơi, ngay tại chỗ, 12 chiếc. Trong một năm 1967, Kăn Te hạ 47 máy bay. Đến như cu Frit, 13 tuổi dùng súng K44 cũng bắn cháy 3 máy bay. Cô gái A Kuy bắn rơi hai chiếc, và anh dũng hy sinh ngay trên trận địa giữ làng.

Và kia là A Bia. Nhìn đỉnh A Bia lòng tôi lại nôn nao nhớ tới chiến dịch mùa hạ 1969. Mỹ ngụy đổ hai sư đoàn lên A So. Một sư ngụy. Một sư kỵ binh bay Mỹ. Yêu cầu phục vụ cho chiến dịch này rất lớn: Tải thương, chuyển đạn và vận tải lương thực. Trừ trẻ em và người già, còn tất cả gái trai từ 13 tuổi trở lên của A Lưới đều đi dân công hỏa tuyến. Dưới tán rừng xanh nườm nượp sức người. A Bia trở thành điểm quyết chiến lược. Có ngày ta phải ngăn 15 đợt dịch xung phong. Ngày 16-5, hai trung đoàn Mỹ tấn công 12 đợt. Ta phải rút khỏi A Bia. Địch gấp rút xây dựng kiên cố, với một trung đoàn cố thủ, hòng cắt đôi đường mòn Hồ Chí Minh phía đông Trường Sơn. Ba ngày sau, 19-5 pháo ta từ rừng thông bắn về khống chế Tà Lao, Tà Tành, và bộ đội bí mật đột kích, xóa sổ trung đoàn cố thủ A Bia. Trận đánh khét tiếng ấy, địch hoảng hốt gọi A Bia bằng cái tên kinh hoàng: "Đồi Thịt Băm".

Mỗi chóp núi A So trở về trong tôi một nỗi bâng khuâng. Gặp lại A Lưới lần này, trong tiềm thức giống như đang trở về với cội nguồn. Giống nhau giữa ký ức tuổi thơ và ký ức kỷ niệm ở nỗi niềm man mác. Song khác nhau ở chỗ, khi gặp lại quê hương, mỗi cảnh tượng như đều nhỏ lại, còn gặp lại A Lưới, thì tựa nôn nao trong tâm trạng nặng lòng. Có cái gì như sự mắc nợ chưa trả của cái thời trai kiêu hãnh sống trên đất này. Đúng như thời ấy chúng tôi đã nghĩ: Nếu không có A Lưới đời lính chúng tôi sẽ ra sao? Nếu không có A Lưới, cái "bản lề" ấy, cái "nôi ấy", thì liệu chúng ta có đồng bằng?

Có lẽ day dứt bởi sự nặng lòng ấy, nên khi nghe anh em, bạn bè kể lại, 15 năm nay, A Lưới đã xây được thủy điện Tà Rê, đã có vài trăm héc-ta ruộng nước, đã trồng được 150 héc-ta thông và 100 héc-ta quế, nhân dân rộ lên phong trào làm hồ thả cá... chúng tôi thấy ấm lòng thật sự. Dẫu sao cũng phải nói rằng A Lưới đã khác xưa. Khác cả một khoảng cách lớn. Khác từ cuộc đời lầm lụi nơi góc rừng, bị núi rừng vây quanh, không nhìn được quá bờ rào nương rẫy của mình, thả cuộc đời trôi trong dòng vô định, sống nay chết mai không lường được, đến bây giờ mỗi người đều ý thức được tư cách công dân của mình, mong muốn miền núi tiến kịp miền xuôi trở thành khát khao sôi sục. Riêng khát vọng lớn lên, đã nâng cao hẳn tầm vóc con người. Ngay việc ý thức được mình là một thành viên trong xã hội, có quyền bình đảng trong mọi lĩnh vực, đã là một thay đổi hết sức lớn lao giữa núi rừng.

Tôi nhận thức ra điều ấy cho A Lưới. Song tôi không đủ cứng rắn, không đủ lý trí, không đủ bản lĩnh dù chỉ để tạm thời bằng lòng với cái A Lưới hiện đã có bây giờ. Trái tim tôi dễ xao xuyến hơn, nên khi trở lại những tên đất quen thuộc xưa: Nhân, A Đớt, A Roang, A Ngo, Hồng Hạ, Hồng Quảng, Tà Rạt... tôi bỗng thấy mình như bị hụt hẫng trước những gì mà tôi nhìn tận mắt.

Về A Roang, gặp đám trẻ ngang đường, chúng đều đeo giỏ trên vai, chắc là ra suối bắt cá. Có đứa ở lỗ, có đứa mặc quần cộc, có đứa con gái hẳn chưa có áo quần, trùm kín từ đầu đến chân cái áo rộng thùng thình của mẹ. Toàn lứa tuổi đến trường cả.

Tôi hỏi:

- Các cháu không ở nhà mà đi học à?

Đứa lớn nhất đáp:

- Mình không đi học.

- Sao? Tôi ngơ ngác hỏi.

Một đứa đáp:

- Không thích học.

Rồi chúng chạy ào đi, không kịp cho tôi hỏi gì hơn. Tôi theo chúng ra suối, thấy cả lũ trẻ ấy đang dầm mình trong nước suối trong veo, mò dưới gầm từng hòn đá, bắt ốc.

Chúng tôi đến trường của xã A Roang học sinh tan học, về cả. Trường có bốn lớp học gồm hai căn nhà, đặt trên một bãi đất bằng phẳng rất đẹp. Đứng cách xa khoảng dăm chục mét nhìn vào, không thể nhận ra đó là ngôi trường được. Cỏ mọc kín xung quanh trông rất hoang vu. Một góc mái, khá rộng, tranh tụt khỏi mái chất thành đống dưới đất. Đến gần, nhìn vào, phải nói rằng thật thảm thương. Giữa hai lớp học hầu như không hề có ngăn cách. Căn cứ vào dấu tích thứ, ngày ghi trên bảng đúng là ngày chúng tôi đến A Roang. Một lớp học chỉ có hai cái ghế dài. Dưới ghế là cái đòn gỗ cho học sinh ngồi. Góc phòng ngay bên cạnh bảng có một đống bột nhỏ, không biết đấy là đất hay xi măng. Lớp bên cạnh, bảng mộc, vết nối hở toang hoác, cùng một tấm vách dựng đứng làm bảng phụ. Bàn ghế cũng không hơn gì phòng bên. Có lẽ từ ngày khai giảng đến giờ lớp chưa được quét.

Kiểu trường lớp thế này, các cháu không thích học cũng phải, và các thầy đưa lên dạy ở đây không hề yêu nghề cũng có lý. Dạy và học như thế, thật sự không thể gọi là có chất lượng.

Các thầy giáo A Roang ở một gian đầu ngôi nhà ủy ban xã.

Tôi hỏi:

- Các thầy có tăng gia trồng trọt gì thêm không?

- Không?

- Có chăn nuôi không?

- Có nuôi mấy con gà, chưa lớn đã hè nhau thịt rồi.

Vậy cải thiện bữa ăn bằng cách nào?

Một thầy tâm sự rất thật:

- Thường chúng tôi ăn cơm với muối. Thỉnh thoảng đồng bào có cho đu đủ, rau khoai. Cải thiện chính là chúng tôi đi câu.

Tôi lại hỏi:

- Thời gian thừa nhiều thế, làm gì cho hết!

Một thầy cười, cũng rất thật:

- Chúng tôi ngủ. Ngủ tràn cung mây. Được cái tuổi trẻ ngủ mấy cũng không chán.

Còn biết nói gì thêm nữa. Tổng số học sinh ghi tên đến trường là 130 cháu. Nhưng chỉ sau mấy buổi học đầu, lớp học vắng dần. Cả mấy lớp cấp 1 đến nay, thường ngày chỉ có ba, bốn chục cháu đến lớp là cùng, về các bản quanh xã, gặp các cháu học lớp 5, trong câu chuyện, tôi thử sức các cháu. Thật tình, các cháu chỉ bằng sức học lớp 3 dưới đồng bằng. Một thực tế không thể không tính đến, đó là các cháu ở đây nhận thức chậm, lên mười tuổi mới vào lớp một được. Riêng việc học tiếng Kinh với các cháu đã là một thứ "ngoại ngữ" rồi.

Tôi không muốn tính hiệu quả những năm học của các trường miền núi. Bởi vì phải đặt nó ở trong một đặc thù. Vậy thì từ việc tổ chức học, bài vở học cũng phải có một đặc thù sao cho phù hợp. Không thể lấy yêu cầu ở miền xuôi để áp đặt yêu cầu miền núi. Song phương hướng và cung cách tổ chức giáo dục miền núi như ở A Roang chúng tôi đến đây không thể để tồn tại như vậy được. Cách nào đó phải xuất phát từ thực tế miền núi mà tính ra.

Đến trường Thanh niên dân tộc huyện A Lưới, cái "lò đào tạo nhân tài" cho địa phương, tôi xộc vào ngay ký túc xá của các em. Đúng là mái tranh, vách đất gió lọt lạnh lùng. Mỗi giường cá nhân, ít thì hai cháu một giường, nhiều thì ba cháu một giường. Thiếu chăn, thiếu màn, thiếu chiếu. Mùa hè nằm vạ vật còn được. Mùa đông ký túc xá vắng teo, trừ các em ở xa không thể về được, phải chịu. Các cháu ở gần về nhà kiếm thêm miếng ăn cho ấm dạ, và kiếm chỗ ngủ cho đẫy giấc.

Các thầy giải thích sự khó khăn ấy chỉ bằng hai chữ thôi, mà rất đầy đủ "Kinh phí". Cứ nhìn văn phòng trường, đủ thấy nghèo: một bộ bàn ghế vuông tiếp khách, hai cái tủ mộc mốc thếch đựng tài liệu. Tôi không tiện mở tủ ra xem trong đó có gì. Nhớ hôm trước ở A Roang, hỏi về tài sản nhà trường, các thầy chỉ vào một chiếc tủ duy nhất cũng giống hệt tủ ở đây. Tôi mở ra: ngăn dưới cùng đựng gạo. Ngăn giữa xếp áo quần. Ngăn trên cùng vài ba quyển sổ điểm của học sinh. Chấm hết. Ở trường đào tạo nhân tài này liệu khá hơn chăng?

Hình ảnh của phòng giáo dục là hình ảnh của sự lép vế. Bên phải là huyện công an khang trang, đằng sau là kiểm lâm, là công đoàn xây cất đầy đủ bên phải là phòng tài chính xây những ba tầng, đồ sộ. Phòng giáo dục vẫn là cơ ngơi vách đất, mái tôn từ thời mới xây dựng thị trấn. Có, tỉnh có cho 5 triệu làm nhà, mới xây xong cái Iiền thì hết vốn, bỏ đó. Cỏ mọc kín rồi. Cán bộ sở về, phòng ngỏ lời xin, sở trả lời: "Bộ giáo dục định sửa chữa vài cơ sở công cộng mà cũng không có tiền. Ngành ta nghèo lắm". Tôi gọi đó là cách giải thích chặn họng. Trưởng phòng giáo dục thở dài:

- Không biết đến bao giờ ngành văn hóa giáo dục của huyện mới ngóc đầu lên được.

Điều anh lo là chí phải. Từ ngày giải phóng đến nay, A Lưới mới đào tạo được hai chục cán bộ trung cấp, và hiện đang học đại học 7 người. Với một huyện, đó là con số rất ít ỏi. Trong lúc huyện đang rất cần cán bộ chuyên môn về tất cả mọi phương diện. Đặc biệt là cán bộ kinh tế. Họ chẳng bắt đầu từ cổng trường bước vào cuộc đời đó sao.

Tôi đang băn khoăn về ngành giáo dục của huyện, được nghe báo cáo về kinh tế, ngay mấy con số đầu làm tôi chợt mừng: dân số toàn huyện 27 ngàn người. Lúa rẫy có 1.027 héc-ta. Lúa nước có 1.032 héc-ta. Tôi nhẩm tính ngay. Vị chi A Lưới có 2.104 héc-ta lúa. Bình quân mỗi người được một sào rưỡi lúa. Nếu tính năng suất kém nhất: 2 tấn một héc-ta, mỗi năm trồng một vụ thôi, thì mỗi đầu người một năm thu hoạch 300 cân lúa. Một con số lý tưởng rồi còn gì? Chợt mừng đó, tôi lại chợt nghi ngay khi vừa nghe tin:

- Hương Hữu năm 1989 có 30 hộ bỏ quê đi kiếm ăn.

Tôi bất chợt hỏi:

- Có đúng không?

- Sắp có 10 hộ đi nữa.

Hương Hữu là xã định canh khá, tại sao dân lại bỏ quê đi kiếm sống? Sự trái ngược ấy tất nhiên có vấn đề. Chúng tôi về Hồng Quảng, một xã anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, và hiện tại là một xã mạnh về nông nghiệp. Ngồi tính đi tính lại với nhau, riêng lúa, năm được mùa, thóc cũng chỉ đủ nuôi dân nhiều lắm hai tháng trời, 10 tháng khác nhờ vào khoai, sắn. Tôi hỏi:

- Tại sao năng suất lúa Hồng Quảng kém?

Đồng chí phó chủ tịch xã nói rất thật:

- Trồng lúa khó lắm. Dân nó chưa quen. Cày, bừa, làm cỏ, bón phân, sâu bệnh nó không biết. Trồng thì biết trồng, quảng canh thôi, không thâm canh được.

Năm nay sâu đục thân ở A Roang lan tràn, lúa lụi vàng hết, dân chỉ biết đứng nhìn cây lúa chết. Nhất là bây giờ khoán 10 rồi. Dân không có tiền mua thuốc trừ sâu. Trước ở hợp tác, ỷ vào cán bộ kỹ thuật, nay làm riêng, đành bó tay. Người dân miền núi lại thiếu hẳn mặt năng động này, nên được chăng, hay chớ, nhờ trời.

Quả thật kinh tế A Lưới đang là một gánh hết sức nặng nề. 100.000 héc-ta đất rừng. 11.000 héc-ta đất nông nghiệp. Nhiệt độ 21°C trung bình trong năm là khí hậu rất thuận lợi. 15 năm rồi, vẫn nghèo. A Lưới vẫn chưa tìm ra hướng đi.

Anh Quỳnh Trên, bí thư huyện thở dài:

- A Lưới giống như địa bàn của tỉnh. Người đưa lên đây, thực tập xong, hoặc hết tập sự là rút. Tiếp đến lớp khác. Bao giờ A Lưới có cán bộ chuyên môn tốt được. Cây con, hết định canh đến trồng thuốc lá, trồng thuốc không thành công, trồng mía làm đường, làm đường không thành công, chuyển sang trồng đậu tương, rồi trồng lạc... Nhân dân tin Đảng, Đảng bảo trồng gì trồng nấy. Kiểu này biết đến bao giờ cây con A Lưới mới định hình?

Một bạn A Lưới quay sang thầm thì với tôi: "Có ông cán bộ tỉnh, khi bàn việc đầu tư A Lưới, còn nói: A Lưới có gì tỉnh thu nhập được mà đầu tư. Liều không". Tôi hỏi ai thì người bạn ấy không trả lời. Chắc anh sợ liên lụy. Tôi đoán cái ông cán bộ tỉnh ấy chắc cũng loại cốp, nên mới có cái giọng trịch thượng như thế. Không biết ông ấy đã bao giờ được ăn một củ sắn thời chiến khu?

Tôi chỉ nghĩ rằng, rõ ràng A Lưới chứa đựng một tiềm năng từ trong đất đai. Trồng quế, trồng bạch đàn, trồng thông cho kế hoạch 10 năm sau, có thể nhìn thấy được. Song cái trước mắt thật nan giải. Ra chợ A Lưới mới thấy cái nghèo ở đây bộc lộ ra. Ngoài mấy cửa hàng tư nhân, chợ A Lưới chỉ có: sắn, chuối, dứa, đu đủ... Mấy thứ đưa từ rẫy ra. Mây, tre, gỗ, lá nón, lá tỏi, song... là những thứ làm nên mặt hàng xuất khẩu cả, sao không được phát huy trên đất A Lưới này. Chỉ trông vào đất đai nông nghiệp thì thật là một cách nhìn phiến diện. Làm gì A Lưới không nghèo. Nghe Prui, chủ tịch huyện tâm sự:

- Trong quý 1-1990 tổng thu nhập của A Lưới chỉ được: 8 triệu 3. Huyện ủy càng nghèo, chỉ dám mua một tờ báo Nhân Dân. Đồng chí bí thư trả lại điện thoại cho bưu điện để đỡ ngân sách cho huyện...

Một câu tâm sự não lòng. Rõ ràng tỉnh vẫn phải rót ngân sách cho A Lưới. Không thể không. Nếu theo như các cụ truyền sấm lại trong ca dao:

Dù cho gạo cấp ngàn lương

Không bằng vẽ một con đường làm ăn.

Theo tôi, có lẽ cái đầu tư đầu tiên cho A Lưới lúc này là một đội ngũ cán bộ kỹ thuật mạnh, đủ sức mở tung mảnh đất này ra từ ngay đất đai, lâm sản, sức người. Dĩ nhiên phải ưu tiên kỹ thuật và cả thị trường cho A Lưới nữa.

Dưới chính quyền của chúng ta, A Lưới nghèo đói dài dài là điều thật phi lý. Để vận động tự thân, A Lưới không vực nổi sức mình. Tôi muốn nói tới một chính sách dân tộc và việc thực hiện nó cho thật cụ thể, thật thực tế, để có được hiệu quả rõ ràng chứ không chỉ là những chữ nghĩa ngon Iành trên giấy tờ.

Tôi chợt nhớ một gương mặt quen quen trên một giường bệnh hôm đến thăm bệnh viện A Lưới. Trước khi rời viện, tôi xuống thăm lại. Và tôi đã nhận ra khuôn mặt gầy gò, râu mọc đen dày kia vốn là một ca sĩ vui tính của đoàn dân công hỏa tuyến A Lưới năm nào. Trên vai anh cũng mang nặng lặc lè quả đạn ĐKB 54 cân như mọi người, nhưng niềm vui trên gương mặt anh không bao giờ tắt. Ngực anh lúc nào cũng đeo chiếc đàn Tơ-rưng. Vừa đi, anh vừa hát, vừa đàn, hàm răng đều đặn cười trắng xóa, như không biết mệt bao giờ.

Bây giờ anh như một cụ già đang nằm đây. Tôi tới và ngồi bên giường anh:

- Xin lỗi, anh tên là gì?

Người đau đáp:

- Tôi là Hồ Múng.

Đúng Cu Múng ngày ấy rồi. Anh cũng lấy họ Hồ như các dân tộc miền Tây Thừa Thiên đặt cho họ mình sau ngày Bác mất, để tỏ lòng tôn kính tin tưởng vào Bác, vào Cách mạng. Tôi mở soong thức ăn của Hồ Múng đặt ngay trên đỉnh tủ nhỏ đặt đầu giường. Tôi khẽ rùng mình: một soong đầy sắn luộc.

Tôi nhìn soong sắn rồi lại nhìn anh. Da anh vàng khè, cái vàng của sốt rét. Đôi mắt vui tươi ngày xưa, bây giờ mất sinh khí hẳn đi. Nhìn lại mình, thấy mình đang tráng kiện, khỏe mạnh, trước sự đói cảnh ấy, tự dưng tôi xấu hổ, không dám nhận với anh là bạn quen ngày xưa thường gặp gỡ nhau trên đường Trường Sơn.

Tôi hỏi anh:

- Anh đau, xã, huyện có chính sách gì với anh, nhất là chính sách với đồng bào dân tộc?

Anh đáp một câu như đã nghiền ngẫm từ lâu, bây giờ mới có dịp nói ra ý nghĩ của mình:

- Đồng bào, dân tộc như con gà. Chính sách nhà nước như hạt bắp để trong cái chai. Mình nhìn thấy hạt bắp đấy, mà không thể nào ăn được - Đôi mắt anh chiếu thẳng vào tôi, nói tiếp - thế đấy, đồng chí ạ.

Câu nói đầy hình tượng ấy sai đúng chưa bàn nhưng phút chốc làm tôi lạnh người.

Vấn đề là cái chai thủy tinh, hãy gọi tên đúng nó ra là cái gì, mà những hạt bắp không thể đến với con gà, chính sách không thể đến một cách tinh khôi với đồng bào dân tộc...?.

Đồng bào A Lưới vẫn dễ thương biết bao nhiêu. Thật thà, cần cù, một lòng đi theo Đảng. Nếu cần nói một điều gì về A Lưới, tôi có một nỗi lo, đó là đội ngũ cán bộ nòng cốt của huyện bây giờ. Một xã tôi tới, làm việc cả mấy tiếng đồng hồ với bí thư và chủ tịch xã. Cái sau cùng tôi rút ra sau cuộc nói chuyện ấy, là bí thư chủ tịch như thế, làm sao mà lãnh đạo phong trào, làm sao quản lý được xã hội. Tư duy chiến tranh và tư duy kinh tế hoàn toàn khác nhau. Kinh nghiệm không thể thay thế được cho tri thức.

Ở A Lưới thời chiến tranh, một gia đình xuất hiện 3 anh hùng. Hồ Vai, Kăn Lịch, A Nun. Đó là biểu tượng đẹp đẽ lòng dân A Lưới với cách mạng. Thời cách mạng kinh tế này lại cần những người anh hùng mới.

Nói về A Lưới, tôi đồng ý với Lê Xuân Giang, anh là người Pa Hi, hiện giữ chức chủ tịch hội đồng nhân dân huyện A Lưới.

Anh nói:

- Đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, Kà Tu, Pa Hi... ở A Lưới chúng tôi, từ ngày cách mạng đến tới nay, quả thật là một cuộc đổi đời. Để xây dựng một xã hội mới, cần tuyên dương cái tốt, thì cũng có nhiều cái tốt để nói, nói cái xấu thì cũng còn rất nhiều cái còn xấu. Cả kinh tế, cả văn hóa, giáo dục chưa đạt được tới yêu cầu chúng ta mong muốn. Buồn nhất là mười lăm năm sống trong độc lập tự do rồi, mà A Lưới còn đang rất nghèo. Trước mắt là làm thế nào để nhân dân A Lưới thoát khỏi cái nghèo ấy.

Nói như một nhà kinh tế học lên thăm A Lưới, có lẽ như thế là sâu sắc lắm:

- Khi nào trên yêu tin A Lưới cộng với A Lưới tự yêu tin, thì tức khắc A Lưới sẽ đứng vụt ngay lên đúng tư thế của mình.

Ý kiến ấy trăn trở trong tôi như một tiêu đề mang tính khẳng định, không thể không suy nghĩ, nhất là ở những người đang giữ trọng trách trong xã hội bây giờ.

Tạm biệt A Lưới, tôi lại đi lại đại lộ Hồ Chí Minh xuyên qua thung lũng A So. Rừng thông đang lên xanh non tươi đẹp biết bao. Thông ở A Lưới mập mạp, khỏe mạnh, như nó đã trở về đúng đất đai của nó. Cũng như thông, đặt A Lưới vào "mảnh đất thế nào đây cho A Lưới mau chóng đổi màu".

Bắt chước một nhà khoa học ước ao: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nhấc nổi trái đất này”, tôi cũng ước sao cho A Lưới một điểm - tựa. Mấy chục năm nay A Lưới đã tựa vào Đảng để nhận ra chính mình, để A Lưới vươn mình lên được, chắc chắn không thể có một điểm tựa nào khác.

1990
N.Q.H.
(TCSH47/01&2-1992)




 

 

Các bài đã đăng
Kẻ ăn mày (07/08/2020)