Tạp chí Sông Hương - Số 373 (T.03-20)
Hai đại danh gia ở đất Huế thời Nguyễn
09:24 | 13/04/2020

LÊ THỊ ÁNH TUYẾT

Sinh thời, vua Tự Đức từng có đôi câu thơ ca ngợi truyền thống học tập, khoa bảng của hai dòng họ lớn ở Huế: “Nhất Thân, nhì Hà, thiên hạ vô gia/ Nhất Hà, nhì Thân, thiên hạ vô dân”.

Hai đại danh gia ở đất Huế thời Nguyễn
Ảnh: VHPG

“Nhất Thân” ở đây là muốn nói đến dòng họ Thân, nhánh Thân Trọng ở Nguyệt Biều và “nhì Hà”, chính là họ Hà Thúc ở La Chử, Hương Chữ. Ý nói “dưới triều nguyễn, họ Thân và họ Hà đều có những người học hành, đỗ đạt và ra làm quan, không có ai làm dân trong thiên hạ, và cũng không ở nhà riêng như thiên hạ, bởi đều ở tại công đường (Bộ đường, Tỉnh đường, Phủ đường, huyện đường1. Hai câu trên được lưu truyền trong dân gian Huế suốt một thời gian dài, nói về một phần sự thật lịch sử hai dòng họ khoa bảng tiêu biểu, là hai đại danh gia ở Huế vào thời Nguyễn: Thân Trọng và Hà Thúc. Và cho đến về sau, dân gian còn xuất hiện nhiều lời tán tụng: “Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà (Thúc); Thứ tư mới đến con nhà Nguyễn Khoa” hay “Họ Thân không nhà, họ Hà không dân2.

1. “Nhất Thân, nhì Hà” - hai dòng họ khoa bảng tiêu biểu ở Thừa Thiên dưới triều Nguyễn

Căn cứ theo gia phả họ Thân, có thể thấy bước ngoặt tham chính của họ Thân ở Huế là ở đời thứ 12. “Ông Thân Văn Quyền (1771 - 1837) được Nguyễn Hữu Thận và Trịnh Hoài Đức tiến cử (năm 1823), bằng tài năng và đức độ ông được thăng từ Giáo thụ tỉnh Quảng Nam và cho đến lúc mất là Bố chính tỉnh Định Tường3. Đời thứ 13, ông Thân Văn Quyền có bốn con trai thì có 3 người đỗ Cử nhân đó là Thân Văn Duy (đỗ năm 1819) làm quan đến chức Hiệp trấn Thanh Hóa; Thân Văn Tuyến (có sách gọi là Thân Văn Soạn, đỗ năm 1821) làm thầy giáo đào tạo được nhiều Tiến sĩ; Thân Văn Nhiếp, (đỗ năm 1841) làm đến chức Tổng đốc Bình Phú và Thân Trọng Đàm đỗ Tú tài làm quan Tri huyện Hòa Đa.

Đời thứ 14, trong 15 cháu trai của ông Thân Văn Quyền thì có đến 2 Tiến sĩ, 1 Cử nhân và 4 Tú tài. Hai con trai của Thân Văn Duy là Thân Trọng Tiết đỗ Cử nhân năm 1850), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi, Tự Đức thứ 4 (1851) làm đến chức Thị độc học sĩ và Thân Trọng Di, đỗ Tú tài, là Phò mã đô úy. Hai con trai của Thân Văn Tuyến là Thân Trọng Hoan và Thân Trọng Đôn đều đỗ Tú tài.

Con của Thân Văn Nhiếp là Thân Trọng Huề, đỗ cử nhân khoa thi Hương năm 1888, tốt nghiệp thủ khoa tại Pháp, được triều đình công nhận là Tiến sĩ năm 1895, làm Thượng thư Đông các Đại học sĩ và Thân Trọng Thoan đỗ Cử nhân năm 1903 làm quan chức Tri phủ. Con trai Thân Trọng Đàm là Thân Trọng Vũ cũng đạt đến học vị Tú tài.

Đời thứ 15, ba con trai của Thân Trọng Tiết đều đỗ Cử nhân là Thân Trọng Điềm (đỗ năm 1878) giữ chức Quản đạo, Thân Khoái và Thân Trọng Lẫm (cùng đỗ năm 1888) và lần lượt giữ các chức Chưởng ấn Viện Đô sát, Thị độc Hàn lâm. Đoạn văn chữ Hán về Tiến sĩ Thân Trọng Tiết trong sách Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, được xem là lý lịch trích ngang của một người đỗ khoa thi Hội và thi Đình đã viết về truyền thống đỗ đạt của họ Thân Trọng như sau: “Hội nguyên, Thân Trọng Tiết (…) Cử nhân Trọng Nhiếp chi đệ, Trọng Điềm, Trọng Khoái, Trọng Lẫm chi phụ. (Thân Trọng Tiết, đỗ đầu khoa thi Hội. Người làng An Lỗ, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên. Là anh em của Cử nhân Thân Văn Nhiếp, cha của các Cử nhân Trọng Điềm, Trọng Khoái, Trọng Lẫm)4.

Hai cháu nội của Thân Văn Nhiếp, con của Tri phủ Thân Trọng Trữ là Thân Trọng Cảnh (đỗ Cử nhân năm 1887) và Thân Trọng Hất (có sách ghi là Thân Trọng Ngật, đỗ Phó bảng khoa Giáp Thìn, Thành Thái thứ 16 (1904), năm 28 tuổi, giữ chức vụ Thượng thư. Đoạn văn chữ Pháp viết về Thân Trọng Ngật trong quyển “Souverains et Notabilités d’Indochine” có đoạn: “M.Thân Trọng Ngật, né en 1877 à An Lỗ (Thừa Thiên, An Nam). Fils de feu M. Thân Trọng Trữ, ancient Tri phủ. Recu Cử nhân en 1903, Phó bảng en 19045.

Đến đời thứ 16, chắt của Thân Văn Nhiếp, con của Cử nhân Thân Trọng Cảnh là Thân Trọng Bính đỗ Cử nhân năm 1906. Từ truyền thống khoa cử trên mà nhiều sách viết về khoa cử triều Nguyễn đã nhiều lần nhắc lại cụm từ “cha con, anh em, ông cháu cùng thi đỗ, “nhiều đời thi đỗ”. Do đó, mãi về sau, con cháu họ Thân vẫn còn tự hào: “Lưu truyền vạn đại trơ trơ mãi/ Bia miệng “Nhất Thân” chẳng lẽ ngoa6.

Dòng họ Hà Thúc ở làng La Chử, huyện Hương Trà, là dòng họ khoa bảng tiêu biểu thứ hai, một trong những đại danh gia trên đất Huế xưa (gồm Thân Trọng, Hà Thúc, Đặng, Hồ Đắc, Nguyễn Khoa…) ở Thừa Thiên Huế dưới triều Nguyễn. Dòng họ Hà Thúc có những gia đình có anh em, ông cháu cùng thi đỗ. Tiêu biểu như Hà Thúc Trương đỗ Cử nhân khoa thi Tân Tỵ, Minh Mạng năm thứ 2 (1821). Cháu họ của Hà Thúc Trương là Hà Thúc Hổ đỗ Cử nhân khoa thi Hương Mậu Thân, Tự Đức năm thứ 1 (1848) làm quan tới chức Đốc học Quảng Nam. Cháu nội của Hà Thúc Trương, có bốn anh em trai cùng đỗ Cử nhân, trong đó có ba người đỗ cùng khoa thi Hương Bính Ngọ, Thành Thái năm thứ 18 (1906) là Hà Thúc Du, Hà Thúc Huyên làm Thị độc Nội các, Hà Thúc Tuân. Trong “Quốc triều Hương khoa lục” của Cao Xuân Dục còn ghi lại: lý lịch của Hà Thúc Du phần nào nói lên truyền thống của họ Hà Thúc: “Nhiều đời cùng thi đậu. Cháu nội Hà Thúc Trương, cháu Hà Thúc Hổ. Anh em ba người đậu cùng khoa. Em Hà Thúc Tuân, anh Hà Thúc Huyên, Hà Thúc Ngoạn7. Người cháu còn lại của Hà Thúc Trương là Cử nhân Hà Thúc Ngoạn đỗ khoa thi Hương năm Nhâm Tý, Duy Tân thứ 6 (1912), năm 30 tuổi và chưa kịp làm quan. Ngoài ra, họ Hà còn có Hà Thúc Phác đỗ Cử nhân khoa Kỷ Dậu, Duy Tân năm thứ 3 (1909) đỗ năm 31 tuổi.

2. Vai trò và đóng góp trong truyền thống khoa bảng của hai dòng họ Thân Trọng và Hà Thúc

Nét nổi bật trong truyền thống khuyến học của dòng họ Thân Trọng và họ Hà Thúc dưới thời phong kiến nói chung, triều Nguyễn nói riêng đó là truyền thống giúp đỡ người trong họ. Đối với các dòng họ này, bước đầu đỗ đạt và ra làm quan của một hay một vài người có vai trò quan trọng trong việc hình thành các gia đình và dòng họ khoa bảng.

Trước hết, họ làm thay đổi hẳn thân phận của gia đình về nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, quan hệ xã hội, lối sống… cho gia đình và dòng họ “được nhờ” để con cháu họ tiếp tục theo gương cha anh học tập và thành đạt. Đặc biệt là, những người đỗ đạt trước đã trở thành những người thầy có công lớn trong việc dạy dỗ nhiều học trò, trước hết là con cháu trong nhà, trong tộc họ mình. Thân Trọng An trong tác phẩm “Họ Thân, nghìn năm hình thành và phát triển (1010 - 2010)”, đã khẳng định “ông Thân Trọng Ngật là một người có tinh thần vì dòng họ, nuôi nấng, giúp đỡ bà con nghèo ăn học. Làm quan ở đâu, ông đều đem theo các con cháu, em họ, có khó khăn về kinh tế để cho ăn học8. Đồng thời, ông Thân Trọng An cũng cho rằng, một trong những hoạt động nổi bật của dòng họ Thân thời phong kiến là những người làm quan, khá giả nâng đỡ con cháu nghèo hiếu học. “Trợ giúp con cháu nghèo hiếu học, kêu gọi người khá giả nuôi các cháu nghèo trong nhà để các cháu ấy được tiếp tục ăn học9. Trong khi đó họ Hà Thúc “Dòng họ có nhiều người đỗ đạt và ra làm quan, ngoài thời gian chăm lo thế sự, các quan thường dành thời gian để dạy dỗ con cháu họ hàng. Các cụ Thượng thư họ Hà Thúc, đời vua Thành Thái, đều cho con cháu đến học tại nhà mình10.

Bên cạnh đó, sự thành đạt khởi đầu của một người là sự khích lệ lớn cho con cháu trong họ. Việc bản thân các bậc cha anh gắng công học hành thành đạt, tạo thành một nếp gia phong, làm gương cho con cháu noi theo. Từ đó, các dòng họ tiếp tục động viên, khuyến khích con cháu học tập, thi cử và đỗ đạt. Tiêu biểu như “Dòng họ Thân ở Huế có truyền thống nêu gương lẫn nhau để học tập. Một người trong họ đỗ đạt, trước hết là tấm gương của con em trong nhà, sau nữa là tấm gương của con cháu trong họ đang theo đuổi việc đèn sách nhìn vào đó mà nêu cao quyết tâm học tập và thi đỗ. Cha thi đỗ thì con nhìn vào mà noi gương, con đỗ thì cháu chắt nhìn vào đó mà học tập, để được đỗ đạt như ông cha. Đó là truyền thống tốt đẹp của dòng họ Thân11. Hay như họ Hà: “Khi mỗi gia đình họ Hà Thúc có người đỗ đạt thì cả họ đều vui mừng và lấy làm vinh dự chung nhưng đồng thời những gia đình khác trong họ đều lấy đó làm gương để động viên, khích lệ con em nhà mình tiếp tục học tập, rèn luyện cho được bằng anh em, chú bác12.

Không chỉ nêu gương trong nội tộc, trong dòng họ Hà Thúc và Thân Trọng còn nêu gương lẫn nhau, đua nhau học tập để thành danh. Ông Hà Thúc Dương khẳng định rằng “dưới triều Nguyễn, dân gian có câu “Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà” là để chỉ họ Thân Trọng, họ Đặng và họ Hà Thúc là ba dòng họ khoa bảng tiêu biểu ở Huế. Vì thế, giữa ba dòng họ này luôn có sự cạnh tranh lẫn nhau trong học hành, khoa cử. Khi có người trong dòng họ này đỗ đạt, những người dòng họ khác đều lấy đó để nêu gương và coi là mục tiêu để khuyến khích con cháu tộc họ mình tiếp tục gắng công đèn sách quyết tâm kỳ thi lần sau thi đỗ ngang hàng hoặc vượt lên cao hơn13. Ông Thân Trọng Ninh, còn kể lại: “Cũng như ở các làng quê Việt Nam nói chung, dưới thời Nguyễn, giữa các dòng họ khoa bảng ở Huế cũng có sự ganh đua nhau về học hành, thi cử. Do đó, mỗi dòng họ đều ra sức khuyến khích, động viên con cháu mình học tập bằng nhiều biện pháp khác nhau. Giữa họ Thân và họ Hà Thúc có sự cạnh tranh lẫn nhau14.

Song song với những điểm chung, mỗi dòng họ Hà Thúc và Thân Trọng đều có biện pháp khuyến học nổi bật để khích lệ việc học tập khoa cử và đỗ đạt của dòng họ mình. Theo ông Hà Thúc Dương: “Họ Hà Thúc có truyền thống nuôi nhau ăn học từ lâu đời. Những gia đình neo đơn, khó khăn hoặc con cháu không còn cha mẹ, túng thiếu thì những người làm quan, những nhà giàu có trong họ nhận về nuôi như con ruột. Sau khi những người được nuôi này đỗ đạt họ sẽ quay lại nhận nuôi những con em khác trong họ, còn chủ nhà trước đây sẽ nhận nuôi thêm những học trò khác. Cứ như vậy, truyền thống nuôi nhau ăn học truyền từ đời này sang đời khác trong dòng họ Hà Thúc15.

Trong khi đó, nếu như nhiều dòng họ đã đặt ra gia huấn, huấn ca để giáo dục cho con cháu muôn đời gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dòng họ, nhất là truyền thống khoa bảng thì dòng họ Thân ở Huế lại lấy những lời nói bất hủ của người xưa làm “kim chỉ nam” cho việc học hành, thi cử. Thời Hậu Lê, Tiến sĩ Thân Nhân Trung, dòng dõi nhiều đời của dòng họ Thân, đã từng khẳng định: “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí” (Hiền tài là nguyên khí của quốc gia). “Dòng họ Thân ở Huế đã lấy đó làm tôn chỉ để động viên, khuyến khích con cháu ra sức học tập cho xứng đáng với ngài Thân Nhân Trung, cho xứng đáng với câu nói bất hủ của ngài. Do đó, số lượng người đỗ đạt cao dưới triều Nguyễn ngày càng nhiều16. Gia phả họ Thân phái Nguyệt Biều, còn ghi lại câu chuyện: “Ông Thân Văn Thanh, người lập phái họ có lẽ quá khổ cực vì thất học, làm nghề lái đò đưa khách qua sông, đã răn dạy cho các bậc cha mẹ và cháu con rằng:Dù cho cực khổ thế chi/ Cũng cho con cháu học thi bằng người/ Cháu con nên nhớ nhớ lời:/ Không học không có cuộc đời vẻ vang”. Bởi vậy, con ông rồi cháu ông ai cũng được học hành17. Về sau con cháu trong họ tiếp tục lấy đó làm gương và tu chí học hành khoa cử theo niềm mong mỏi của tổ tiên, mà sự đỗ đạt vươn lên của họ Thân trở thành dòng họ khoa bảng tiêu biểu là một minh chứng.

3. Nếp xưa vẫn tỏa

Nét đặc trưng nổi bật trong truyền thống hiếu học và khoa bảng của nhân dân ta nói chung, dòng họ Hà Thúc và Thân Trọng nói riêng đó là sự hình thành dòng họ khoa bảng tiêu biểu. Cả hai dòng họ liên tục có người đỗ đạt qua các kỳ thi. Có gia đình, cả cha con, anh em, chú cháu, bác cháu, ông cháu cùng thi đỗ, có khi anh em đỗ cùng khoa.

Những đóng góp của dòng họ khoa bảng tiêu biểu như Thân Trọng và Hà Thúc cùng những dòng họ khoa bảng tiêu biểu khác dưới triều Nguyễn chính là biểu trưng cho vai trò của các gia đình, dòng họ nói chung đối với giáo dục, khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn.

Dòng họ Thân Trọng và Hà Thúc đều chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho con cháu học tập, khoa cử. Hầu hết Nho sinh ngày xưa là người sống xa rời lao động chân tay mà chỉ chú tâm học tập chữ nghĩa Thánh hiền. Dòng họ Thân Trọng và Hà Thúc đều ra sức hỗ trợ tiền của thậm chí là nuôi con cháu trong họ ăn học. Dòng họ còn là điểm tựa tinh thần vững vàng của người học. Đó có khi là sự quan tâm, khích lệ bằng thơ ca, hoặc lời nói bất hủ của người xưa. Tất cả đều tiếp thêm sức mạnh tinh thần rất cần thiết cho học trò tu chí học hành và thi cử đỗ đạt.

Công tác khuyến học của các dòng họ khoa bảng Thân Trọng, Hà Thúc mang tính toàn diện, thường xuyên và với nhiều hình thức đa dạng. Tính toàn diện thể hiện ở chỗ các hoạt động khuyến học cũng như khuyến thi đều được các dòng họ khoa bảng tiêu biểu chú trọng. Sự toàn diện còn thể hiện trên nhiều phương diện như tín ngưỡng - tinh thần và vật chất. Tính đa dạng biểu hiện ở chỗ, trong mỗi phương diện lại có nhiều hình thức khuyến khích học tập, thi cử khác nhau. Về tín ngưỡng là cúng tế; về mặt tinh thần, dòng họ có động viên, khuyên răn con cháu có khi bằng thơ ca, lời nói bất hủ được xem như gia huấn; trong sự trợ giúp về vật chất thì có khi là dòng họ nuôi hoặc giúp đỡ cho con cháu ăn học. Tính thường xuyên là biểu hiện ở việc từ khi đứa trẻ chưa học “vỡ lòng” cho đến khi đi học, đi thi và đã đỗ đạt, không có giai đoạn nào người học không nhận được sự quan tâm, khuyến khích từ dòng họ.

Hai dòng họ khoa bảng tiêu biểu Thân Trọng và Hà Thúc ở Huế đều xem học tập và thi cử là một nghề nghiệp, một con đường, một mục đích tiến thân duy nhất và người ta thi nhau lấy việc học làm thước đo sự thành đạt, trưởng thành. Truyền thống ấy của dòng họ đã tác động đến tư tưởng và hành động của người học, thúc đẩy họ quyết tâm học tập để “kế nếp nhà”. Bởi vậy, họ không dựa dẫm vào thân thế, danh tiếng để mưu cầu danh lợi và tiến thân trong học tập, khoa cử, mà đó là sự học thực và thi thực để trở thành người tài thực. Truyền thống khoa bảng của họ Thân Trọng và họ Hà Thúc dưới triều Nguyễn để lại bài học cho hiện tại và tương lai là: nhân tài của đất nước hầu hết được vun trồng từ trong hoàn cảnh sinh hoạt và giáo dục của gia đình, tộc họ. Trong hai dòng họ khoa bảng tiêu biểu “nhất Thân, nhì Hà”, dưới triều Nguyễn, sự đỗ đạt và bước đầu ra làm quan của một người có ý nghĩa quan trọng đối với thế hệ sau.

Hai dòng họ khoa bảng tiêu biểu Thân Trọng và Hà Thúc không chỉ góp phần hình thành nên những nhân tài, những ngôi sao sáng trên bầu trời khoa cử Việt Nam thời Nguyễn mà còn làm đẹp thêm truyền thống hiếu học ngàn năm của nước Việt Nam. Trong xã hội hiện đại, Nhà nước ta vẫn đề cao “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhận thức được điều đó đòi hỏi dòng họ Thân Trọng và Hà Thúc tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ khoa bảng tiêu biểu dưới triều Nguyễn để tiếp tục đóng góp nhân tài cho đất nước. Đồng thời, bài học về công tác khuyến học và những đóng góp của hai dòng họ khoa bảng tiêu biểu Thân Trọng và Hà Thúc dưới thời Nguyễn có ý nghĩa thiết thực không chỉ cho các dòng họ hiếu học ở Thừa Thiên Huế nói riêng, mà còn nhiều dòng họ hiếu học khác trên đất nước hiện nay.

L.T.A.T    
(TCSH373/03-2020)

..............................................
(1), (2), (4), (5) Họ Thân, Kỷ yếu hội thảo dòng họ Thân, hiện lưu tại nhà ông Thân Trọng Ninh, số 128,  đường Phan Văn Trường, thành phố Huế.
(3), (6) (8) (9) (17) Thân Trọng An (2005), Họ Thân nghìn năm hình thành và phát triển (1010 - 2010), tập  I, tài liệu hiện lưu tại nhà ông Thân Trọng Ninh, số 128, đường Phan Văn Trường, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế.
(7) Cao Xuân Dục (1993), Quốc triều hương khoa lục, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.593.  
(10) (12) (13) (15) Ông Hà Thúc Dương, 50 tuổi, thôn La Chử, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa  Thiên Huế.
(11) (14) (16) Ông Thân Trọng Ninh, 92 tuổi, số nhà 128, đường Phan Văn Trường, phường Vỹ Dạ, thành  phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng