Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-20)
Những dấu ấn văn chương trẻ năm 2019
15:02 | 27/04/2020

HỒ HUY SƠN  

Năm 2019, văn đàn Việt chứng kiến một cuộc chuyển giao trong đời sống văn học trẻ nước nhà. Thế hệ 8X vẫn cần mẫn viết nhưng có xu hướng trở nên lặng lẽ hơn; trong khi đó, thế hệ 9X lại đang có một sức bật không kém phần táo bạo, bất ngờ. Bài viết dưới đây nằm trong sự quan sát mang tính cá nhân, với mong muốn đưa đến người đọc những nét nổi bật trong năm qua của văn chương trẻ.

Những dấu ấn văn chương trẻ năm 2019
Rất nhiều gương mặt 9X cùng xuất hiện tại Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3, được tổ chức tại Ninh Bình vào trung tuần tháng 11 năm 2019. Ảnh: Vũ Gia Hà.

1. Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần VI tiến hành tổng kết và trao giải cuối năm 2018, việc không có giải Nhất là một điều đáng tiếc nhưng bù lại đã phát lộ một loạt các tác giả 9X trẻ trung, đầy sáng tạo và đam mê. Và  đến Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội lần  thứ 3 được tổ chức vào trung tuần  tháng 11 năm qua tại Ninh Bình, đã chứng thực cho  điều này khi lực lượng tham gia chủ đạo gần như là  các tác giả thế hệ 9X.  

Có một thực tế dễ dàng nhận ra: Nếu thế hệ 8X  trở về trước, thường bắt đầu từ thơ, truyện ngắn  trước khi chuyển sang tiểu thuyết. Tiểu thuyết với  các tác giả đi trước vẫn là một cái gì đó đầy thách  thức. Nhưng hiện nay, lứa tác giả 9X ngay từ khi  xuất hiện, đã xuất hiện đường hoàng bằng truyện  dài hay tiểu thuyết. Có thể nhận thấy rõ điều này  tại cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 6 với Trăng trong  cõi của Phạm Thúy Quỳnh (1997), Nhân gian nằm  nghiêng của Đặng Hằng (1996), Người lạ của Mai  Thảo Yên (1991), Sau những ngày mưa của Phạm  Thu Hà (1997), Những đứa con cổ tích của Bạch  Đằng (1991), Yagon - Những kẻ vô cảm của Phạm  Bá Diệp (1991)… Hay gần đây, rất nhiều cây viết 9X  cũng lựa chọn tiểu thuyết để ra mắt như: Nguyễn  Hoàng Mai với Đung đưa trên những đám mây; Phạm  Anh Tuấn với Đánh đổi; Hiền Trang với Bức tranh cô  gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ; Nhật Phi với Người  ngủ thuê - tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi “Văn  học tuổi 20” lần thứ V lúc anh vừa tròn 23 tuổi. Đức  Anh (1993) chào sân bằng hai tiểu thuyết Tường lửa và mới đây là Thiên thần mù sương. Huỳnh Trọng  Khang (1994) ra mắt tiểu thuyết đầu tay Mộ phần  tuổi trẻ ở tuổi 22, ngay lập tức được xem như là  một hiện tượng của văn chương trẻ Việt Nam. Gần 2  năm sau, Khang tiếp tục ra mắt tiểu thuyết Những  vọng âm nằm ngủ, Meggie Phạm (1991) xuất hiện  trên văn đàn từ năm 19 tuổi với loạt tiểu thuyết: Tôi  và em; Giám đốc và em; Hoàng tử và em; Người  xa lạ và em. Cô là đại biểu trẻ nhất tham dự Hội  nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2011.  Trong 3 năm liên tiếp, cây bút trẻThái Cường (1992)  lần lượt cho ra mắt 3 tiểu thuyết: Những mảnh mắt  nhìn (2017), Gam lam không thực (2018) và Người  chết thuê (2019).  

Đáng chú ý trong số các tiểu thuyết của thế  hệ 9X trong năm 2019 là Săn mộ - Thông thiên la  thành của Hoàng Yến (1993). Lấy chất liệu từ hai sự kiện lịch sử: Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc “phù Lê,  diệt Trịnh” và Trịnh Khải bại trận, rút chạy lên vùng  Sơn Tây. Cuốn tiểu thuyết dày hơn 400 trang mở  ra một hành trình đầy bí hiểm, kịch tính của những  người hành nghề săn mộ. Chuyến phiêu lưu dưới  hàng trăm thước đất của Khánh, Vĩnh, Huân, Phục,  Chung đan lẫn giữa những con người có thật trong  lịch sử như: Cao Biền, Trịnh Khải, Bùi Thị Xuân, Trần  Thủ Độ, Trần Cảnh…. Sự đan xen tính huyền sử và  những câu chuyện dân gian đã tạo nên sức hấp dẫn  cho tác phẩm.  

Một điểm dễ nhận thấy trong các tác phẩm của  thế hệ 9X, đó là họ không còn viết văn theo lối “nệ  thực” mà những trang viết của họ giờ đây tưởng  chừng như không có giới hạn. So với thế hệ trước,  thế hệ 9X có nhiều thuận lợi, khả năng tiếp cận  công nghệ, tiếp cận những tri thức và những tác  phẩm văn học lớn của thế giới trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhờ đó, cũng hình thành nên một thế hệ viết văn với trường liên tưởng, tưởng tượng thực sự phong phú và đa dạng. Họ quyết liệt theo đuổi đề tài, thể loại; từ dã sử, lịch sử, chiến tranh cho đến dòng “trinh thám đen”, giả tưởng, viễn tưởng… Nhắc đến họ, bạn đọc có thể nhớ đến tác phẩm và thể loại mà họ đang theo đuổi. Chẳng hạn Phạm Bá Diệp với fantasy, Đặng Hằng, Phạm Thúy Quỳnh, Hoàng Yến với lịch sử, dã sử; Đức Anh với trinh thám, Huỳnh Trọng Khang với chiến tranh…

Tác giả Đức Anh chia sẻ lý do chọn thể loại trinh thám: “Thực ra, tôi hay bị dán nhãn là “viết trinh thám”. Tuy nhiên, thực sự thể loại tôi theo đuổi là thriller, tức “li kì tiểu thuyết” theo cách nói của thế kỷ XX. Dòng tiểu thuyết này có yếu tố trinh thám và kinh dị, chú trọng những bí ẩn, kịch tính, bất ngờ và có tính khám phá rất sâu sắc sự độc ác và điên rồ của con người. Thế mạnh và quyền năng của dòng sách là bắt người đọc phải cùng bước chân vào trò chơi tâm lí, kinh dị với phía dẫn truyện là tác giả”.

Trong một chia sẻ với chúng tôi ấn tượng về các tác giả 9X, nhà phê bình Mai Anh Tuấn thổ lộ: “Chưa dám chắc sự quan sát của mình là đầy đủ nhưng tôi vẫn có lí do riêng khi chọn đọc tác phẩm nào đó, ví như, vì thể loại, vì sự lặng lẽ của tác giả, vì chất lượng tác phẩm, và đương nhiên, vì tôi ít khi tin vào sự “lăng xê” trên truyền thông. Trong sổ tay ghi chép cá nhân, tôi có nhiều ấn tượng với tác phẩm của Hạnh Nguyên (hai tập truyện: Những thiếu thời lơ lửng, 2014; Say, 2016), Đỗ Nhật Phi (truyện dài Người ngủ thuê, 2014),Tru Sa (tập truyện Ảo giác mù, 2015), Huỳnh Trọng Khang (tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ, 2017), Phạm Thu Hà (truyện dài Sau những ngày mưa, 2018), Hiền Trang (Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, 2018)…”.

Ngoài ra, trong sự quan sát của mình, nhà phê bình Mai Anh Tuấn còn bày tỏ sự thích thú với cuốn sách mà anh tạm gọi là “bút kí” Trở về nơi hoang dã (2018) của tác giả Trang Nguyễn. Cuốn sách ghi lại chân thực hành trình năm năm trải nghiệm, tham gia các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi, Campuchia và Việt Nam. Anh bày tỏ: “Những gì Trang trải nghiệm gợi nhắc tầm quan trọng của thiên nhiên và sẽ là dẫn chứng chính xác cho cái cách thiên nhiên đối lập, đối thoại với nhân thế ra sao. Nếu chúng ta nhìn văn chương trẻ rộng theo chiều biến đổi của thể loại, tôi nghĩ cuốn sách của Trang Nguyễn là tín hiệu thú vị. Tôi học được ở tác phẩm của họ khá nhiều, đặc biệt là cái nhìn sâu sắc, tinh tế trước nỗi cô đơn, mơ mộng, đau ốm, bệnh tật và cái chết. Đấy là những chủ đề mà thế hệ tôi chưa thực sự trực diện cất lời đa dạng”.

Một số tác phẩm tiêu biểu của các tác giả 8X và 9X


2. Gương mặt 8X “sáng” trong năm qua, có lẽ không ai khác ngoài Lữ Mai (sinh năm 1988). Những ngày đầu năm, tập tản văn và truyện ngắn Hà Nội không vội được đâu của Mai được tái bản sau 5 năm ra mắt. Sau đó không lâu, cùng lúc Lữ Mai cho ra mắt tập thơ thứ ba Thời cách ngăn trống rỗng và tập truyện ngắn Linh hồ. Với thơ, Lữ Mai tỏ ra ngày càng làm chủ bút pháp, cho thấy độ chín theo thời gian; nhưng với tập truyện ngắn đầu tay có thể xem là một bất ngờ với người đọc. Linh hồ gồm 16 truyện ngắn, khai thác nhiều chủ đề khác nhau cùng với đó là sự linh hoạt trong bút pháp khiến những truyện ngắn của Mai trở nên lôi cuốn với nhiều tầng nghĩa, ẩn dụ. Chưa dừng ở đó, trong khoảng thời gian cuối năm, Lữ Mai còn liên tiếp ra mắt hai tập tản văn kết hợp với tác phẩm nhiếp ảnh là Nơi đầu sóng Mắt trùng khơi, cùng khai thác đề tài về biển đảo. Có thể nói, năm 2019 là một năm đầy thành công của nữ tác giả sinh năm 1988 này. Và người đọc có thể tin chắc rằng, cô sẽ còn đi xa nữa trên hành trình văn chương của mình.

Thơ 8X năm 2019 không nhiều và những tập thơ “đọc được” cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cùng với Thời cách ngăn trống rỗng của Lữ Mai, Những rời và rạc của Khương Hà cũng được xem là tập thơ ấn tượng của văn học trẻ năm 2019. Tập thơ đánh dấu cuộc trở lại của Khương Hà sau tập thơ riêng Kim tuyến đỏ cách đây vừa đúng 10 năm. Với lần trở lại này, thơ Khương Hà mang đầy chiêm nghiệm và bí ẩn trên những con chữ phơi bày một thế giới nội tâm sâu thẳm.

Thơ đã ít, tiểu thuyết của các tác giả 8X còn ít hơn, nếu không muốn nói là “khoảng trống” của năm 2019. Trên mặt bằng chung đó, thì tiểu thuyết Đường đi của Lê Minh Phong gần như là “độc”. Cùng thời điểm, ngoài tiểu thuyết Đường đi, Lê Minh Phong còn ra mắt tập truyện ngắn Điều tìm thấy. Bên cạnh văn chương, Lê Minh Phong còn thực hành nghệ thuật bằng hội họa - yếu tố này có lẽ cũng tác động đến văn chương của anh. Cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết của Lê Minh Phong “nặng” về nghệ thuật trình diễn nhiều hơn so với những tác phẩm của các tác giả cùng thế hệ khác. Một mặt, cho thấy sự quyết liệt (và cực đoan) của Phong nhưng mặt khác, mặc nhiên cho thấy tác phẩm của Lê Minh Phong không dành cho số đông.

Không quá lời khi cho rằng, năm 2019 là một năm “được mùa” của 8X ở thể loại truyện ngắn. Ngoài 2 tập truyện của Lữ Mai và Lê Minh Phong, còn có: Ngụ ngôn tháng Tư của Trần Thị Tú Ngọc, Con chim nhỏ gắp cọng rơm vàng của Trần Huyền Trang, Nắng ngoài ô cửa của Trần Ngọc Mỹ, Mình gọi nhau là cưng của Trúc Thiên, Bay của Nguyễn Đặng Thùy Trang, Bến chờ của Nguyễn Chí Ngoan, Những hạt gạo xoay tròn của Nguyễn Anh Đào, Lên đồi hái sim của Thảo Nguyên…

Trong đó, một số tập truyện gây được ấn tượng là Cái nồi gì thế? của Hoàng Nhật, Trong cơn say níu sợi dây đứt của Hoàng Công Danh. Và đặc biệt, những ngày cuối năm, Nguyễn Hoàng Vũ (1988) ra mắt tập truyện ngắn Người đưa thư tình, được xem như một cái kết đẹp của văn học 8X năm qua. Nguyễn Hoàng Vũ từng có truyện dài Ở trọ Sài Gòn, viết về cuộc sống “ở trọ” của những người trẻ từ khắp nơi đổ về Sài Gòn. Cùng chung mạch chủ đề đó nhưng tập truyện ngắn Người đưa thư tình của Vũ có phần thú vị hơn khi mang đến nhiều thử nghiệm  về bút pháp cùng giọng kể chuyện tự nhiên xen lẫn  hài hước.  

Trong năm 2019, dấu ấn văn chương thế hệ 8X  để lại có phần trầm lắng, không có nhiều tác phẩm  thực sự khiến công chúng phải sửng sốt. Nhưng  có một điều cũng đáng nhắc đến trong năm 2019  của thế hệ 8X, chính là những thành tích từ những  cuộc thi sáng tác. Tại cuộc thi truyện ngắn “Một  nửa làm đầy thế giới” do Nxb. Văn hóa - Văn nghệ  tổ chức, tác giả Trúc Thiên đã đoạt giải Nhất. Ngoài  Trúc Thiên, nhiều tác giả 8X cũng được vinh danh tại  cuộc thi này như Hoàng Nghĩa, Triệu Vẽ, Tịnh Bảo,  Phan Đức Lộc… Nguyễn Lê Vân Khánh đoạt giải Nhì  cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” do  báo Người lao động tổ chức. Trong cuộc thi Bút ký - Truyện ngắn trên tạp chí Cửa Việt (2018 - 2019),  Bùi Việt Phương - một tác giả 8X tại Hòa Bình đã  đoạt giải Nhất thể loại truyện ngắn.  

3. Có một khía cạnh quan trọng trong hành  trang xuất hiện của một số tác giả thuộc thế hệ  9X mà theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn chính là  vốn học vấn hiện đại và khá dày dặn. Chẳng hạn,  Đỗ Nhật Phi và Hiền Trang từng theo học Đại học  Ngoại thương Hà Nội. Hạnh Nguyên du học Mỹ sau  một năm theo học ở Canada. Trang Nguyễn từng du  học ở Anh. Phạm Thu Hà từng học ở Thái và giờ sắp  tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội. Huỳnh Trọng  Khang tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân  văn thành phố Hồ Chí Minh… Họ chững chạc, tự tin  không chỉ vì có vốn ngoại ngữ, những trải nghiệm  học vấn đa dạng mà quan trọng hơn, họ được và  bị “sống cùng” với bối cảnh văn chương nghệ thuật  toàn cầu được bày chật trên các giá sách dịch ở Việt  Nam hoặc trên không gian mạng. Chính bối cảnh  đó, khiến họ chủ động và cũng tỉnh táo, nỗ lực hơn  trong lao động văn chương.  

Trường hợp của Phạm Thu Hà, sau khi đạt giải Ba  cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 6, vẫn tham gia đời  sống văn chương bằng những truyện ngắn trên các  tạp chí văn chương uy tín. Mới đây,  Phạm Thu Hà cũng vừa ra mắt dịch  phẩm Không nhà, cuốn tiểu thuyết  nằm trong top 10 cuốn sách hay  nhất năm 2018 theo bình chọn của  The New York Times và là ứng viên  giải Pluitzer năm 2019. Một gương  mặt đa tài không kém là Hiền Trang,  tốt nghiệp Đại học Ngoại thương,  cũng từng đạt giải Ba cuộc thi “Văn  học tuổi 20” cùng đợt với Phạm Thu  Hà. Dù còn trẻ nhưng Hiền Trang cho  thấy một kiến văn rộng và phong  phú, qua việc tham gia bình luận các  lĩnh vực xã hội, điện ảnh, âm nhạc,  văn chương trên các tờ báo và tạp  chí lớn. Ngoài sáng tác và bình luận,  Hiền Trang còn “lấn sân” sang lĩnh  vực dịch thuật; cô vừa ra mắt dịch  phẩm Dưới bánh xe mặt trời, tác phẩm của nhà  văn người Đức Hermann Hesse - chủ nhân của Giải  Goethe và Giải Nobel Văn học năm 1946.  

Dù đang tỏ ra sung sức nhưng các tác giả trẻ, đặc  biệt là thế hệ 9X cũng đang phải đối mặt với không  ít trở ngại. Chẳng hạn, ở riêng thể loại trinh thám,  độc giả Việt Nam dù rất mê thể loại này, nhưng họ  gần như chỉ thích tác phẩm của các tác giả nước  ngoài, chưa có sự tin tưởng đối với các tác giả trong  nước, nhất lại là tác giả trẻ. Điều này đặt ra cho các  tác giả trẻ theo đuổi thể loại này nhiều thách thức.  Tác giả Đức Anh cho rằng thế hệ anh hoàn toàn có  thể viết được những tác phẩm mức trung bình khá  so với chất lượng quốc tế ở thể loại trinh thám.

Sau Nhân gian nằm nghiêng, tác giả Đặng Hằng  đã kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai, kết hợp  giữa viễn tưởng và lịch sử. Dù đã ghi tên mình với giải  Tư cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần VI nhưng nữ tác giả  sinh năm 1996 thừa nhận, vẫn còn nhiều khó khăn  mà mình phải đối diện chẳng hạn như độ tuổi còn khá  trẻ, và người đọc sẽ thiếu sự tin tưởng vào người viết.  

4.
Nhưng văn học trẻ 2019 không chỉ có 8X và 9X,  mà thế hệ 10X cũng bắt đầu nhập cuộc. Đó là Giác  với Điều chưa kịp nói - một tập truyện ngắn được  viết chắc tay, đào sâu vào nội tâm của các nhân  vật, xoay quanh chủ đề tình yêu đôi lứa. Không lâu  sau đó, cô tiếp tục ra mắt truyện dài Phương Bắc,  phương Nam - Tình yêu không biên giới. Trước Giác,  cây bút 10X khác là Nguyễn Ngọc Hà đã xuất hiện  với truyện dài Người viết tình yêu. Có một điều thú  vị, không kém phần bất ngờ: Giác và Nguyễn Ngọc  Hà là chị em sinh đôi, cùng sinh năm 2000 và hiện  đang cùng học năm thứ nhất tại trường Đại học  Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Cả Giác lẫn  Nguyễn Ngọc Hà mang đến niềm tin về một thế hệ  viết văn mới, đầy chững chạc và tài năng. Và biết  đâu trong năm sau hoặc vài năm tới, thế hệ 10X sẽ  có những bứt phá nào đó.  

H.H.S 
(SHSDB36/03-2020)



 

Các bài mới
Chuyện cổ tích (22/05/2020)
Giọng hát (14/05/2020)
Các bài đã đăng