Tạp chí Sông Hương - Số 375 (T.05-20)
Bản thể đàn bà và bản lĩnh nhà văn
09:40 | 03/07/2020

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Nguyễn Thị Lê Na không thuộc lớp “cây bút trẻ” (chị sinh đúng vào năm đất nước thống nhất - 1975), lại phải gánh nhiệm vụ quản lý một tạp chí văn nghệ, nên sau “Bến Mê”, đến nay chị mới xuất bản “Đắng ngọt đàn bà”(*) (ĐNĐB).

Bản thể đàn bà và bản lĩnh nhà văn

11 truyện ngắn tập hợp trong cuốn sách chưa đầy 200 trang, cùng xoay quanh chuyện “đàn bà” thành bại trong tình trường - một đề tài… “xưa như trái đất” - nhưng bạn đọc vẫn bị cuốn hút như khi được khám phá một xứ sở trù phú có nhiều sản vật chưa phải ai cũng biết. Đã đành, tình yêu là một đề tài vô tận, nhưng đối với những cây bút mới (hoặc là người đi sau) để tạo được dấu ấn không dễ. Tác giả lại không thuộc lớp nhà văn khiến bạn đọc phải tò mò hoặc “choáng ngợp” với kiểu cách tân kỳ và các lý thuyết thời thượng, cũng không sa đà vào các “chiêu trò” có sức dẫn dụ độc giả như “sex” hay tình tiết ly kỳ, rùng rợn; và có thể nói ngay, ĐNĐB chủ yếu được thực hiện với bút pháp cổ điển, dung dị, vậy mà tác phẩm không chỉ níu giữ được người đọc, nhiều truyện còn khiến độc giả phải tạm gấp trang sách, lặng yên suy ngẫm cùng tác giả với những buồn vui, thao thức của các nhân vật…

Chúng ta thử cùng tìm hiểu ĐNĐB có gì để lôi cuốn người đọc.

Cái tên sách đã lý giải một phần điều đó. Chuyện “đàn bà”, cả ngọt ngào và đắng chát thì ai cũng muốn nghe! Quả là qua 11 truyện, biết mấy là thân phận, nỗi niềm “chạm vào những khắc khoải, suy tư, gọi về từng giây phút khát khao, đam mê trong tâm hồn, mở ra một thế giới đượm tính nữ… Mỗi truyện ngắn trong ĐNĐB chính là bản khảo trạng nội tâm nhằm hướng đến sự tự do bản thể và xác lập nhân vị đàn bà…”. (Trích Lời giới thiệu - Bìa 4 sách ĐNĐB).

Giới nghiên cứu thời gian gần đây (qua một số chuyên luận và hội thảo) cũng đã chú ý vấn đề “nữ quyền luận” và giới tính nữ trong sáng tác văn học. Bốn năm trước, tôi cũng đã có dịp bàn về vấn đề này trên báo “Văn nghệ” (Hội Nhà văn Việt Nam) nhân giới thiệu tác phẩm “Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại”, chuyên luận của nhà phê bình-tiến sĩ Trần Huyền Sâm. Thực ra, theo tôi, đây không hoàn toàn là chuyện thuần túy văn chương, mà còn là vấn đề xã hội, văn hóa… - cũng như “văn học sinh thái” gần đây được một số nhà nghiên cứu quan tâm, chủ yếu do hai vấn đề có tầm ảnh hưởng đến nhân loại về nhiều khía cạnh mà trước đây ít được chú ý. Như vậy, tác phẩm “chạm vào” vấn đề vừa nêu mới chỉ gây được sự chú ý về mặt đề tài mà thôi. Nếu tôi nhớ không nhầm, đã có nhà nghiên cứu nêu luận điểm rằng: “Anh viết cái gì không quan trọng; vấn đề là anh viết như thế nào?” Theo tôi, nói như vậy có phần cực đoan; cũng có thể do một thời người ta quá chú trọng đề tài nọ, nội dung kia, nên nhà nghiên cứu muốn nhấn mạnh bút pháp, nghệ thuật mới là yếu tố hàng đầu tạo nên giá trị tác phẩm. Một cách công bằng và đúng đắn hơn, có lẽ cần xem xét tác phẩm một cách tổng thể; nói vui một chút là hầu hết người đọc chỉ biết cách “hưởng thụ trọn gói”; còn phân tích “nội dung-đề tài” với “bút pháp-nghệ thuật” chủ yếu là thao tác của nhà phê bình, nghiên cứu.

Với quan niệm như trên, theo tôi, nhiều truyện trong ĐNĐB vừa “chạm vào” những vấn đề ít ra cũng của nửa nhân loại, vừa có phong cách đạt đến độ chín của một cây bút lịch lãm, có kinh nghiệm.

“…Cái buổi chiều ấy, tất tật, từ ngọn cỏ ven bờ ruộng, những ao đầm ngập nước phủ đầy rong rêu, đều trở nên gần gũi và đáng yêu làm sao. Đó là lần đầu tiên Vy đón nhận nụ hôn đầu đời ngọt lịm, họ trao nhau hạnh phúc trong sự chứng kiến của ngọn gió chiều lang thang trên cánh đồng thoảng thơm mùi lúa, mùi cỏ mật và trong veo tiếng chim cà lơi rót tự trời cao xuống…”.

Một đoạn trích truyện “Đắng ngọt đàn bà” mở đầu cuốn sách đã thể hiện khả năng “biểu diễn” ngôn ngữ của Lê Na. Bàn chuyện văn chương thì đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhiều khi tùy thuộc vào năng khiếu, chứ công phu chưa hẳn làm nên. Câu văn của Lê Na linh hoạt, uyển chuyển, khi mở rộng, kéo dài như đoạn tả nụ hôn giữa cánh đồng ở trên, khi chỉ vài từ ngắn, sắc, quyết liệt. Với khả năng “biểu diễn” ngôn ngữ như thế, Lê Na mới có thể miêu tả tâm lý phức tạp, sự giằng xé, dằn vặt giữa nhu cầu bản năng, dục vọng với đạo đức truyền thống, nghĩa vụ làm vợ làm mẹ của nhiều nhân vật nữ trong tập truyện. Có thể nói một cách khái quát, ĐNĐB viết chuyện tình mà không phải tiểu thuyết “ngôn tình” tầm thường, khai thác tận đáy những đam mê, dục vọng “tự do bản thể” mà không “sex” một cách dung tục.

“Tin nhắn của Phong thầm thì: “Mình lên giường thôi, em!” Không đắn đo, chị: Dạ”. Gót sen nhẹ lướt… Bên cạnh, Phan đang nằm nghiêng, quay mặt về phía tường, lưng đánh trần… Mặt điện thoại chấp chới dòng tin: “Cho anh hôn cái?” “Dạ”. “Anh hôn mắt… hôn môi… hôn cái cổ cao…? “Dạ” “Anh hôn ngực…?” “Dạ”…

Người chị như hòn than. Chín lịm. Tay chị run rẩy lần cởi váy xống. Lần đầu tiên trong đời, chị tự cởi váy xống. Chị ngắm cơ thể chắc lẳn gái một con của mình dưới ánh đèn hồng. Người nổi da gà trên từng mi li mét, nơi môi Phong lướt nhẹ theo tin nhắn…

Bất giác, chị rên lên. Quàng tay ôm lấy người Phan. Ấp bộ ngực nóng rẫy vào tấm lưng Phan…”.


Tôi chọn trích một đoạn trong truyện “Cơn bão” không chỉ vì đoạn văn miêu tả “sex” khá mạnh bạo mà không khiêu dâm; hơn thế, có thể nói đây là một truyện đặc biệt, mặc dù tình huống truyện là kiểu tình yêu “ngoài vợ ngoài chồng”… xưa như trái đất! Chị có chồng là Phan “ngon lành”, nhưng rồi bất chợt gặp Phong và như “say nắng”. Nếu vậy, thì chẳng có chi đáng nói. Đằng này, chị không kìm nén được “giây phút khát khao, đam mê trong tâm hồn”, đến mức phải… làm tình với Phong thông qua “công cụ” trợ giúp là các tin nhắn trên màn hình máy điện thoại! Cái “đặc biệt” của truyện còn đi xa hơn: Chính lúc mơ tưởng đến Phong thì chị lại dâng cả “thân hình nóng rực và ướt át” cho chồng nằm bên cạnh; và đêm ấy, chị có thai đẻ ra cu Bi, nhưng thằng con lại không có nét chi của Phan (còn chị biết nó giống Phong!) khiến chồng dằn vặt, nghi ngờ phải lén lút thử ADN cho con. Tình yêu trong tưởng tượng với một người ở xa, mạnh mẽ đến mức ghi dấu ấn ra hình hài đứa con không có liên hệ máu thịt gì, có lẽ mới chỉ có trong truyện của Lê Na! Không hẳn là một hư cấu vượt ngưỡng - các nhà khoa học đã chứng minh ý tưởng con người có sức làm thay đổi diện mạo mặt nước khi chụp qua kính phóng đại nhiều lần (ví như ta nhìn mặt nước cau có, giận dữ thì “hoa nước” đang đẹp sẽ biến dạng xấu đi...).

Cho dù nhiều truyện trong ĐNĐB, tác giả đã thể hiện “nữ quyền” và giới tính nữ quyết liệt và táo bạo như thế, chưa hẳn Lê Na đã tự ý thức sẽ tập trung vào mảng đề tài này khi bắt tay xây dựng tác phẩm. Đây cũng chính là trải nghiệm bản thân: tôi viết tiểu thuyết “Thập giá giữa rừng sâu” không hề có “ý thức” là sáng tác một tác phẩm thuộc dòng “văn học sinh thái” mà chỉ do hiểu biết, trải nghiệm và cảm hứng sáng tạo mà mình có thế mạnh; vậy nhưng tiểu thuyết này là 1 trong 4 tác phẩm được một nhà nghiên cứu chọn khảo sát khi làm chuyên luận về “Văn học sinh thái”.

Tôi nêu vấn đề này để thấy, đối với người sáng tác, trước trang giấy, có lẽ không nên tự trói buộc vào một đề tài hay khuynh hướng sáng tác nào đó. Theo tôi, Nguyễn Thị Lê Na đã có được sự tự do đó, nên trong ĐNĐB, bên cạnh một số nhân vật đàn ông công chức có phần đơn giản, có hai chàng trai dân tộc thiểu số, hoạt động trên một không gian khác xa với các nhân vật nữ trung lưu, sống ở đô thị, đã được tác giả miêu tả khá thành công, tuy chỉ là nhân vật phụ với số trang không nhiều. Đó là Hồ Thong trong truyện “Vùng rừng sáng” và Hồ Ruôn, chàng trai bản Takai trong truyện “Mùa cà phê hoa trắng”. Một chàng trai ít học như Hồ Thong, chỉ biết làm người dẫn đường cho Seo - cán bộ nghiên cứu lâm sinh, khi biết cô thất vọng vì người yêu là Pak không tán đồng công việc khó khăn của mình, đã thầm yêu cô, đỡ đần cho cô bao công việc khó khăn, nhưng khi biết hai người còn yêu nhau, tuy thất vọng, anh vẫn nén lòng lặng lẽ giúp họ kết nối lại. Hồ Ruôn cũng là một hình tượng đẹp - một vẻ đẹp giản dị, thể hiện lòng tốt, tình nghĩa hiệp nguyên sơ thật đáng yêu - anh cứ thầm lặng theo Nhiên, khi biết cô bị tên Duy “Sở Khanh” lừa gạt và đã tự nguyện làm chỗ nương tựa cho mẹ con cô…

“…Sao cậu biết tôi đi tìm?” “Miềng nghe… Nhiên khóc trước mộ mẹ, nên biết …” “Ai khiến cậu! Cậu biết thì làm được gì!” Nhiên nói, và vùng vằng, cố đẩy Hồ Ruôn để ra khỏi vòng tay đang ôm chặt người cô… Miệng liên tiếp lặp lại: “Cậu biết thì làm được gì chứ!” “Miềng làm được tất cả, Nhiên ạ, cả việc làm bố thằng bé trong bụng Nhiên…”.

Hai nhân vật người dân tộc ít người được tác giả miêu tả khá tinh tế, thể hiện được nét đặc sắc riêng, chứ không đem cách nói “ngô nghê” làm trò cho thiên hạ như một số cây bút trước đây. Cũng là một chuyện tình “ngoài vợ ngoài chồng” đứt gãy rồi chắp nối lại, nhưng sau trang viết đậm tính nhân văn của Lê Na, vẫn ngời lên vẻ đẹp con người - khi lấp lánh như ánh sao đêm, khi rực rỡ như mặt trời tỏa nắng. Như với Nhiên, cô gái “lỡ dại”, tưởng suýt liều mình, nhưng cô đã tự dừng bước trước xoáy nước mà cô định tự tử trước khi Hồ Ruôn lao đến cứu, nhờ “cú đạp yếu ớt của đứa bé thức tỉnh Nhiên. Thức tỉnh cả tình mẫu tử, mà bấy lâu Nhiên còn mơ hồ… Mẹ đã mải lo lắng, và quên đi cảm xúc của con. Mẹ không có quyền… Mẹ xin lỗi…”.

Đây là một chiều kích khác trong khi “hướng đến sự tự do bản thể và xác lập nhân vị đàn bà…”. Và như thế, Nguyễn Thị Lê Na, với “Đắng ngọt đàn bà”, đã chứng tỏ bản lĩnh một nhà văn đến độ chín. Hy vọng chị sẽ mạnh mẽ, tự do bước tiếp trên đường văn rộng mở, chứ không lệ thuộc vào bất cứ đề tài hay khuynh hướng nào.

N.K.P
(TCSH375/05-2020)

..........................................
(*) “Đắng ngọt đàn bà” - Tập truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na, Nxb. Hội Nhà văn & Công ty sách  Tao Đàn, tháng 12/2019.  




 

 

Các bài mới
Đọc Kafka (03/07/2020)
Hoa bằng lăng! (03/07/2020)
Các bài đã đăng
Chùm thơ NP Phan (03/07/2020)